Tác giả và Tác Phẩm

Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường

Họa Sĩ Nguyễn Cát Tường

A-NguyenCatTuong-HoaSi-8-18-2014Rev

LE MUR NGUYỄN CÁT TƯỜNG :

Mt ha sĩ, mt nhà to mu tài danh ca đt nước

Thanh Thương Hoàng

Thú thực khi còn nhỏ, vào những năm 1942, 1943 (khi đó tôi mới ngoài 10 tuổi) tôi đã mê đọc sách, nhất là những cuốn truyện của các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng và những cuốn truyện Tầu rồi tới kiếm hiệp, trinh thám…vv… Tôi không chú ý ( vì chẳng “hấp dẫn”gì với tôi) những tờ báo nổi tiếng thời ấy                  ( thời tiền chiến trước năm 1945) với nội dung đả phá cái cũ (hủ lậu) quảng bá cái mới trong nếp sống dân tộc như báo PHONG HÓA NGÀY NAY. Thỉnh thoảng ông Bố tôi đem về nhà mấy tờ báo này, tôi chỉ lật vài trang xem mấy cái tranh khôi hài châm biếm (humour) với hai nhân vật chính Lý toét, Xã xệ. Tôi cũng chẳng để ý tới tên tác giả. Ông Bố tôi thường mua cho tôi báo CẬU ẤM CÔ CHIÊU chuyên đăng những bài, những tranh vui về tuổi thơ – mà bây giờ tôi cũng quên mất những mục, những bài đã làm bọn nhỏ chúng tôi (hồi đó) say mê thích thú. Sau này lớn lên tôi cũng chỉ biết tới tên một số họa sĩ nổi danh mà thôi. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi nghe trong đám bạn họa sĩ (cùng lớp tuổi tôi) nhắc tới tên một họa sĩ có tên là Le Mur. Tôi tưởng ông này là “ông Tây” hay ít ra cũng là “dân Tây”nên thú thực tôi không có cảm tình mấy và cũng chẳng tìm hiểu về ông làm gì. Khi bước vào làng văn làng báo Saigon tôi mới được biết nhiều hơn về một số họa sĩ tên tuổi “thời tiền chiến” và tranh của họ quý và mắc hơn vàng như các ông bà Nguyễn Gia Trí, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái vv…nhưng vẫn ít thấy tên ông Le Mur Nguyễn Cát Tường.

Mấy chục năm sau, tôi sang Mỹ sống, mới đây tình cờ được coi một đĩa (DVD) thâu hình buổi trình diễn trang phục phụ nữ của Họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường (do các bà cựu nữ sinh trường Trưng Vương trình diễn) nhân cuộc triển lãm và hội thảo về báo Phong Hoá Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn do Nhật báo Người Việt (Quận Cam) và Đài truyền hình STBN tổ chức. Cuộc triển diễn về trang phục phụ nữ của ông Le Mur Nguyễn Cát Tường được tổ chức nguyên một buổi thật tuyệt vời. Xem hết cuốn băng quả thật là một sự bất ngờ, tôi cứ tưởng những người đẹp VN đang biểu diễn thời trang thế kỷ 21. Đây là một nhân tài của đất nước, một họa sĩ, một nhà tạo mẫu trang phục cho nữ giới nước nhà, đã đi trước thời đại gần một thế kỷ. Ông tên thật là Nguyễn Cát Tường nên lấy bút danh Le Mur (tiếng Pháp cái tường). Về tiểu sử cũng như sự nghiệp của ông xin coi phần cuối của bài này.

Vì sự tò mò và nhất là muốn tìm hiểu một nhân tài trải qua ngót thế kỷ, các “tác phẩm” của ông, các công trình sáng tạo của ông tới ngày nay (qua buổi trình diễn vừa rồi) vẫn “sống” và “sống” một cách huy hoàng lộng lẫy trải rộng khắp nước Mỹ và cả thế giới (vì cho tới bây giờ (năm 2016) những bộ quần áo theo “mẫu” của Le Mur vẫn được các bà các cô trưng diện trong những buổi hội hè đình đám. Những chiếc áo dài tha thướt, những chiếc quần trắng, quần mầu, những chiếc khăn choàng cổ vẫn lộng lẫy duyên dáng gợi cảm, chẳng những không lạc hậu chút nào mà còn tôn cao vẻ đẹp đặc biệt của người phụ nữ VN.

 

Ông Lemur Nguyễn Cát Tường tốt nghiệp trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, năm “1933” Năm “1932” đã có tranh khôi hài (vui cười) trên báo Phong Hóa. Sau khi ông Nguyễn Tường Tam mua tờ báo, ông vẫn tiếp tục gửi tranh khôi hài đăng trên báo…

Nhà văn Nhất Linh giao cho ông phụ trách mục “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”. Tuổi mới ngoài 20 sau khi tốt nghiệp hội họa vào đời ông Tường đã có những tham vọng lớn về cải cách trang phục phụ nữ nước nhà cho hợp với trào lưu phụ nữ thế giới. Chúng ta nên nhớ vào thời điểm đó (những năm đầu thế kỷ 20) các cụ ông cụ bà ta còn chịu ảnh hưởng nặng nề chế độ phong kiến. Các cụ ông trong lễ lạc tết nhất thì mặc áo the dài đầu đội khăn đen xếp, còn các cụ bà thì mặc áo tứ thân mặc váy đầu đội nón quai thao để răng đen. Nếu là nhà giầu thì đi hài, còn thuộc giới trung lưu thì đi guốc gỗ sơn mài đen gót bằng, thấp. Ông đã tạo ra những kiểu giầy cao gót mũi nhọn cho tới ngày nay vẫn thịnh hành, cả Đông và Tây phương. Ông Cát Tường muốn đem cái sở học của mình ở nhà trường kết hợp văn hóa Đông phương với văn hóa Tây phương (mà ông đã học đã đọc được qua sách báo của Pháp) để sáng tạo những “mốt” áo quần giầy dép mới thích hợp với phụ nữ Việt Nam. Phải nói đây là một việc làm táo bạo có thể nói là một cuộc cách mạng về trang phục phụ nữ. Vào thời đại đó việc làm này quả vô cùng khó khăn trở ngại. Nhất là táo bạo khi ông sáng tạo các kiểu “xú-chiêng”, quần lót cho phái nữ. Chỉ dẫn cách luyện tập cho bộ ngực thon gọn đẹp. Theo ông phụ nữ thích làm dáng làm đẹp để  giữ chồng bảo vệ hạnh phúc gia đình. Chúng ta nên nhớ các bà các cô thời đó, trừ một số nhỏ mà người ta gọi là “phụ nữ tân thời” ở thành phố, còn tất cả đều mang yếm và mặc váy, đầu vấn khăn hoặc chùm khăn mỏ quạ. Ông còn hướng dẫn các bà các cô đánh phấn bôi son thích hợp với da và khuôn mặt mình, cách vấn tóc, chải rẽ đầu ngôi sao cho hợp với khuôn mặt, mặc đồ hai mảnh tắm biển, tập thể dục thể thao. Ông quan tâm rất nhiều đến quần của các bà các cô. Ông cho đây chính là điều cần thiết để tôn vinh cái đẹp và sức quyến rũ của phụ nữ VN. Ông đã tỉ mỉ vẽ những cái nhỏ nhất nhưng cần thiết cho những chiếc quần này. Chính ông là người tạo ra mốt áo hở cổ với hình trái tim, hình lá sen, kiểu hình chéo một bên vai (sau gọi là Raglan), hình hở phần cổ và trên ngực với giải khăn mầu quấn quanh cổ. Thời đệ nhất cộng hòa bà Ngô Đình Nhu phát động phong trào phụ nữ mặc áo dài hở cổ mà người ta gọi là ”áo bà Nhu” do bà “sáng chế”. Thực sự là bà Nhu đã “phác” theo mẫu của họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường. Thời gian đó bà Ngô Đình Nhu cũng bị dư luận đả kích nặng nề (thật oan cho bà). Cả quần ống loe cũng vậy. Ông Tường kết hợp Đông Tây tạo mốt mới thích hợp với cẳng đùi phụ nữ Việt Nam sao cho gọn gàng hấp dẫn. Thế mà mãi tới thập niên 50 (thế kỷ 20) chiếc quần ống loe mới được phổ biến rộng rãi thông dụng trong dân gian. Ông Tường cũng không quên “bầy việc” cho giới mày râu trong những bộ “com – lê” kết hợp Đông Tây tới nay vẫn còn là “mốt” thông dụng sang trọng lịch sự. Phải nói đây là một cuộc cách mạng táo bạo nên ông Tường đã gặp phải các thế lực thủ cựu chống đối dữ dội. Họ diễn thuyết, viết báo, vẽ tranh đả kích ông, chế nhạo ông đủ điều. Ông phải quyết tâm và can đảm lắm mới thoát khỏi trận “đánh phá” này. Ngoài những tài kể trên ông Le Mur còn là người mở phòng trà đầu tiên ở Hà Nội (cũng là cả nước) và ông cũng không quên giới bình dân lao động nghèo khổ phải đạp xe xích lô mưu sinh khi đưa ý kiến và vẽ mẫu cải tiến để “mỹ thuật hóa” chiếc xích lô đạp.

Có thể nói họa sĩ, nhà tạo mẫu tài năng xuất chúng Le Mur Nguyễn Cát Tường đã đi trước thời đại ngót một trăm năm. Những mẫu áo quần ông tạo ra tới ngày nay vẫn còn hợp thời. Từ chiếc áo dài hở cổ, chiếc quần lụa trắng cải cách, chiếc quần tây gọn gàng gợi cảm (nhưng đứng đắn) những chiếc áo ngắn cộc tay có viền “ren” quanh cổ áo, ống tay áo, mặc trong nhà hay làm việc đều mới, lạ, đẹp, gọn gàng sẽ còn tồn tại lâu dài với người phụ nữ VN, và người ngoại quốc cả nam lẫn nữ cũng rất mê những bộ trang phục này.

Tới đây tôi cũng xin có một “nhận xét nhỏ” góp vào bài viết này. Theo tôi nhận xét thì những chiếc áo Bà Ba của nữ giới Miền Nam chúng ta cũng “thoát thai” từ những chiếc áo hở cổ của họa sĩ Le Mur. Bằng chứng: những ảnh phụ nữ miền Nam chụp những năm đầu thế kỷ 20 các áo dài hay áo Bà Ba đều kín cổ cả. Kể cả các quần hai ống từ đùi xuống tới chân khá rộng gọi là “quần Mỹ a”. Sau đó tôi thấy khắp miền Nam các cổ áo Bà Ba của các bà các cô đều hình trái tim hoặc hình vuông hở cổ và một phần ngực.

Họa sĩ Le Mur NGUYỄN CÁT TƯỜng rất xứng đáng để quý bà quý cô và cả chúng ta vinh danh và biết ơn ông.

THANH THƯƠNG HOÀNG

(3.9.2016)

nguyencattuong-hoasi-8-18-2014rev-copy