Cao Mỵ Nhân,  Văn

HÀNH TRÌNH CUỘC ĐỜI

CAO MỴ NHÂN 

Nếu quý vị chỉ quen biết nhau có một thời, như là thủa ấu thơ, thiếu niên ở cùng xóm, cùng khu phố . 

Thủa thanh niên, cùng đi học, đi chơi, đi hội đoàn, đi làm hay đi buôn bán vv…

Tới thủa cao niên thì đi thăm hỏi, lễ lạc vv…

Tất cả đều  bình thường, có gặp lại hay không cũng chẳng thành vấn đề …

Song nếu quý vị quen biết nhau suốt hành trình cuộc đời , nghĩa là từ tấm bé đi lên tới cõi già nua, thì thật có lúc buồn ghê lắm, ấy là ta thấy rõ đời nhau, những thăng trầm, không suông sẻ, thậm chí còn đau khổ, thất bại vv…

Và cái điều không tránh khỏi là cả 2 cùng thấy nỗi bâng khuâng, tàn tạ của nhau lúc về già …

Không phải là người ta sợ già, chán già, vì già thì không còn đẹp đẽ, không còn tươi vui, mà người ta kịp nhận ra rằng chẳng còn bao lâu nữa, mọi người sẽ từ từ khuất mặt ở thế gian này vậy thôi. 

Như trên tôi đã trình bầy, thủa thanh thiếu niên, ngoài việc đi học, tôi tham gia rất nhiều hội đoàn …Thoạt thì đi Phật Tử từ tuổi oanh vũ ở Hải Phòng, sau đi Hướng Đạo ở Saigon, rồi vô Caritas, theo đoàn Hội Con Đức Mẹ đi tới các nhà thương chăm sóc bệnh nhân . 

Chót hết là tham gia Quân Đội VNCH, trong ngành Công tác Xã hội …

Chưa kể các nhóm nhỏ, hội lớn vv…tôi đều có mặt . 

Như vậy, cứ nhìn vào sinh hoạt của tôi, quý vị cũng thấy là tôi sống chan hoà thế, thì số lượng bạn bè …đông đảo lắm chứ . 

Do đó, kể từng giai đoạn lui tới bạn bè, hẳn tôi …ôm đồm quá , nên mệt quá, ấy thế mà tôi …thú vị vô cùng trời ạ. 

Và vì thế, tôi mới có dịp chứng kiến những phút giây vinh quang cũng như  tủi nhục của kiếp người, nhất là thời gian tôi sống trong đại tộc KaKi của…tôi. 

Tôi thuộc lòng từng chi tiết một những gì xẩy ra với mỗi cá nhân đặc biệt, hay từng đơn vị nhỏ mà tôi mặc nhiên hiện diện, ở gia đình quân nhân các cấp trong thành phố, ngoài các trại gia binh, hay tới tận cùng núi non, sông biển, đất lở, đồng lụt vv…

Đôi khi không muốn nhớ lại, nhưng những sự việc chưa rời xa lắm, lại hiển hiện trước mắt …cả một quá khứ miên man tiếp nối …cứ khiến mình nhớ thương vời vợi. 

Hình như trong lòng tôi, tôi chưa muốn ai phải từ giã cõi đời, nếu như lý luận của quý cụ bị phiền hà, bực bội, thì mỗi lần tôi tỏ vẻ tiếc thương bạn văn cũng như bạn …võ , quý cụ lại  chép miệng : 

” Chết phải rồi, nếu ai cũng sống, đất đâu mà chứa …” 

Sau khi đi tù cải tạo về, tôi tiếp tục lối sinh hoạt của tôi, chỉ có thay đổi nghề nghiệp cũ, là không còn đại tộc KaKi cho tôi bay nhẩy như thủa phục vụ ở Bộ Tư Lệnh QĐI/ QKI. 

Nhưng tôi vẫn nay thăm nhà này, mai thăm nhà khác, những gia đình quân nhân các cấp mà tôi được hân hạnh quen biết trước cuộc đổi đời 30-4 -1975. 

Đến nỗi tôi chưa cảm thấy đói, lại còn được huynh đệ chi binh hỏi thăm xem tôi đang sống cách nào, mà cứ lạc quan , mặc dầu ông xã tôi qua Mỹ đã ” biệt vô âm tín “. 

Tôi và 4 con tôi không thể kể khổ than nghèo được, khi ai cũng biết : ” nhà đó có chồng ở Mỹ, tụi nhỏ có cha ở Mỹ, thì làm sao thiếu thốn được chứ ” . 

Rồi đào lý bốn phương, chi lan tỷ muội, tức là bạn văn của tôi, cũng luôn chứng tỏ thơ phú tri âm tri kỷ thân tình … 

Tôi than là than theo cái kiểu bình thường, làm lụng nhiều quá thì kêu mệt, tôi khóc là vì bằng hữu hay hỏi thăm những chuyện …bá vơ. 

Thế nên tôi bỗng giận ông Thiên quá, ông không để huynh đệ chi binh, đào lý bốn phương tôi được sống an bình, ít nhất mỗi người đủ 100 năm cho đúng tiêu chuẩn ngài Thiên đã ấn định, ông Thiên lại cứ bớt xén một số tuổi tác, bởi cảnh cơ khổ, hoặc bất trắc vì bịnh hoạn hay tai nạn xẩy ra. 

Khi tôi 40 tuổi thì quý nữ sĩ trong hội thơ Quỳnh Dao đã gấp rưỡi hay gấp đôi số niên tuế của tôi rồi …

Tôi luôn là cây gậy của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội khi bà còn ở Úc Viên Saigon. Tôi theo bà đi thăm vị này,vị nọ như quý cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Đông Xuyên, Bàng Bá Lân …vv. 

Tôi không biết thủa ” phương phì ” ( đương thì ) của quý khách Úc Viên xưa thế nào, chứ thực tại hồi đó, quý vị đã là những lão ông, người thì lụm khụm, người còn phi xe đạp tới nhà nhau bình văn thiên hạ . 

Và rồi lần lượt ra đi Tây Trúc khói sương. ..

Nữ sĩ Mộng Tuyết mở album ra,  hình ảnh cũ, có cụ Đông Hồ, và vài vị tên tuổi, vẫn còn phong thái ung dung… đã mãn phần. 

Nơi album của nữ sĩ Vân Nương hồi đám cưới, chú rề là  luật sư Lê Ngọc Chấn tri phủ, sau này làm đại sứ VNCH ở Luân  Đôn và Tunisie, nhị vị phù rể là 2 thi sĩ danh tiếng thời tiền chiến: Huy Cận, Xuân Diệu . 

Tôi kéo thời gian lùi về hiện đại một thế hệ ( 10-15 năm ), tôi bắt gặp một album của anh họ tôi, đại tá Biệt Động Quân Cao Văn Uỷ, thì nhị vị phù rể là 2 nhạc sĩ ; Nguyễn Hiền và Nhật Bằng  tên tuổi ở 2 thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hoà, tới cả khi cùng đi tị nạn ở Hoa Kỳ đầu thập niên 90 thế kỷ trước , anh tôi đại tá Cao Văn Uỷ thì ở Úc .  

Nay thì chẳng còn ai trong số quý vị vừa nêu trên … ở cõi đời này nữa. 

Tất nhiên rồi, làm sao sống mãi được… vì quý vị đã trên tám , chín mươi trở đi. 

Song kể như thế vẫn chưa rõ ý, điều tôi nêu ra, phải có một hình ảnh cụ thể cơ. 

Một người lạ, không quen , chỉ biết thôi, vì nếu không biết thì làm sao kể nhỉ ? 

Chuyện nhà thơ trung tá Hoàng Ngọc Liên, đối với tôi, thì rõ quá rồi, nhưng khi ông 30, tôi còn mấy năm nữa mới 20 . 

Trong suốt thời gian trung niên của thi sĩ Hoàng Ngọc Liên, cùng một loạt văn thi sĩ khác, tôi thấy quý ông hào hoa phong nhã … không kịp thở nữa . 

Quý vị ấy cũng sống bận rộn hết mình kiểu như tôi, nhưng sự kiện khác, như Thế Hoài, Hoàng Ngọc Liên bận rộn nơi đoàn quân Mũ Đỏ, rồi văn nghệ lai rai…

Sau 1975 cộng thêm mỗi người 12 năm tù cải tạo. Khi trở về thành phố, mỗi thi sĩ ” lớn” một xe đạp cao hay mini, tuỳ theo gia đình có xe chi thì xài xe đó, nhị vị tới tìm tôi ở Câu lạc bộ Dưỡng sinh… vì tôi về sớm nên đã kiếm ra việc làm huấn luyện viên Dưỡng Sinh rồi . 

Thế là chúng tôi đi xơi canh bún bình dân ở vệ đường, vậy mà tôi đòi trả tiền, quý vị không cho …2 thi sĩ tá 5 trước mặt tôi đã bị CSVN bóc hết những gì gọi là phong cách cũ …ngó tội  nghiệp lắm . 

Nhưng chúng tôi gặp lại nhau, thì tưởng như người nhà thất lạc đã về, nên niềm vui cứ chan hoà . 

Như tôi trình bầy trên, ông Thiên chẳng có thì giờ ngó ngàng đến 2 vị thi sĩ đàn anh của tôi, thời gian sau thì Thế Hoài thất lộc bên quê nhà, Hoàng Ngọc Liên qua Mỹ theo diện HO . 

Trung tá Hoàng Ngọc Liên lênh đênh trên vài tiểu bang miền đông, rồi qua Sacto lưu lại cũng khá nhiều năm, nay diện bích ở Oregon, với gia đình một trong 2 cô con gái mà ông mang theo được, ông đã bước gần tới cửa thiên đường . 

Chao ơi, viết riêng về nhà thơ trung tá Hoàng Ngọc Liên toàn cảnh cuộc đời thì phải …3 tập, 2 cho nhị vị phu nhân, còn 1 cho tất cả hoa hoa bướm bướm quanh ông, cả lúc đương thời danh vọng lẫn khi thất thế . 

Mỗi lần kể chuyện đào lý chi lan, tôi thường đi lạc, anh Thân Kính của tôi là một hình ảnh tổng hợp nhiều kiếp nhân sinh gộp lại, khiến tôi không muốn để một kẽ hở nào cho việc than trách sự trống vắng hay thiếu sót bóng dáng những nhân vật, đã có dịp thân thiết trong văn chương hay ngoài cuộc đời mình. 

Cuối cùng , tôi có  được vốn liếng về thế thái nhân tình ngày nay, là điều tôi rất vui mừng, hạnh phúc, bởi  tôi .đã chắt chiu tình cảm của anh trong nhiều hoàn cảnh cuộc đời …tôi giữ lại mãi mãi tình thân thương hiếm quý này … 

         CAO MỴ NHÂN 

error: Content is protected !!