ĐỌC KÍNH VẠN HOA của Nguyễn Nhật Ánh.
Nguyễn Hoàng Quý
Tôi biết đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi các con tôi đang học Trung học, vào khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước, nay cũng đã trên 30 năm. Tôi cũng đọc một số câu trả lời của nhà văn cho độc giả nhỏ tuổi trên báo dưới tên “Anh Bồ Câu”. Ấn tượng ban đầu rất tốt đẹp! Ở anh, có sự từng trải của người anh, có sự nghiêm túc của người thầy và có sự dí dỏm của một người bạn lớn. Tiếc là những năm đó, tôi không có điều kiện và thì giờ để đọc anh dù con tôi mua về “Bàn có 5 chỗ ngồi”, “Bồ câu không đưa thư”. Tôi chỉ đọc “Cho xin một vé về tuổi thơ” và sau này, đọc “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sau khi coi phim cùng tựa đề và rất thích phim này.
Trước 1975, sách báo và truyện dành cho tuổi thơ không ít. Đó là “Tuổi Hoa”, nơi ươm mầm cho nhiều tài năng trẻ, là “Tuổi Ngọc” với những truyện ngắn của các cây bút thời danh, với những bức tranh minh họa của những họa sĩ nổi tiếng mà lòng yêu trẻ con và tuổi mới lớn như một thứ nhiệt huyết luôn chảy trong người họ. Ngày ấy có nhà văn Nhật Tiến với “Chim hót trong lồng”, “Tay ngọc”, có Duyên Anh với “Thằng Vũ”, “Thằng Côn”, “Con Thúy”, “Bồn lừa”, “Đại dương trong lòng con ốc nhỏ”. . ., những tiểu thuyết luôn làm mình mê mẩn, luôn làm mình xao xuyến. Sau nữa, phải kể đến Đinh Tiến Luyện với “Một loài chim bé nhỏ”, “Anh Chi yêu dấu” rồi Nguyễn Thanh Trịnh với “Ví dụ ta yêu nhau”. Bụi thời gian đã phủ một lớp dày trên ký ức vì đã quá xa từ những ngày ấy để rồi tôi không nhớ hết tên các đầu sách đã đọc và nội dung cốt truyện. Chỉ biết rằng, ở “lứa tuổi ô mai”, những người thích đọc, đều mê mẩn những nhân vật của những cây bút nói trên. Riêng tôi, thấy vùng quê Thái Bình của Duyên Anh quá đỗi dễ thương và hiền hòa có những đứa trẻ vui đùa hồn nhiên, đá banh làm bằng lá chuối trên ruộng vừa cắt lúa, kể cả dùng sự kiện lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc vào trò chơi của chúng. Tôi nhớ cả Đan viện Châu Sơn ở Finom trên đường từ Đơn Dương về Tùng Nghĩa Đà Lạt mà mỗi lần đi xe đò ngang qua, tôi đều nhìn vào để trí tưởng tượng của mình thỏa thuê đi theo Anh Chi của Đinh Tiến Luyện. Những nội dung trong tạp chí Tuổi Ngọc ngày ấy cũng luôn là đề tài đàm đạo của nhóm bạn bè chúng tôi mỗi khi gặp nhau, khi thì tranh bìa, khi thì một bài thơ hay truyện ngắn.
Ấy vậy mà, sau 1975 dù thường xuyên theo dõi sách báo và tạp chí nhưng tôi vẫn không thấy một tác giả nào viết cho tuổi thơ hoặc nếu có, cũng không đánh động gì lên tâm tư tình cảm của thế hệ trẻ, trừ một người: nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với số lượng tác phẩm đồ sộ từ một sức viết – có thể nói là – phi thường về thể loại và đề tài so với thế hệ đàn anh đi trước. Không có sự khen chê ở đây về những tác giả của hai thời kỳ này, nó sẽ không hợp lý vì hoàn cảnh xã hội trên đó những tác phẩm ra đời hoàn toàn khác nhau, tâm tư nhà văn khi cầm bút hoàn toàn khác nhau vì một bên là thời chiến, bên còn lại là thời bình. Điều đó cho phép nhà văn thời bình có thể tung hê trí tưởng, thỏa thích cho nhân vật mình hành động mà không hề lo một quả đạn pháo kích của VC dội vào thành phố, một quả TNT nổ trong rạp xi nê hay quả mìn nổ banh khi chiếc xe đò chở các nhân vật về quê trong chuyến nghỉ hè.
Có một thời gian dài rãnh rỗi nên khi anh con trai mua về cho các cháu bộ sách 18 quyển Kính Vạn Hoa, tôi cho là cơ hội của mình. Và đọc, say sưa, rồi bị cuốn theo những tình tiết của cốt truyện, những tình cảm của nhân vật nên có ngày xong một quyển. Bộ Kính Vạn hoa gần 6000 trang sách, số chính xác là 5966 trang là bộ truyện 54 tập. Từ 1995-2002 viết 45 tập và 9 tập viết sau. Chưa có nhà văn nào nhận được nhiều giải thưởng như Nguyễn Nhật Ánh và chưa có tác giả nào có đến 10 truyện/bộ truyện được chuyển thể thành phim và 2 truyện chuyển thể thành kịch, như anh.
Mỗi một trong 18 tập Kính Vạn hoa của NXB Kim Đồng tôi đang có đều trung bình 330 trang, ít nhất là tập 11 có 318 trang và nhiều nhất là tập 16 có 374 trang. Điều thú vị là mỗi tập đều có 3 truyện dài, mỗi truyện đều trên dưới 120 trang. Càng thú vị hơn khi ở bìa 4 của mỗi tập đều có in nhận định của những nhà văn, nhà thơ, chức sắc nổi tiếng trong làng văn chương nhận định về Nguyễn Nhật Ánh. Tôi cho rằng, chỉ riêng việc khuôn phép số trang, số từ và 10 chương cho mỗi truyện cũng đã thể hiện tài nghệ của tác giả. Những ai đã từng cầm bút hoặc gõ bàn phím cho việc viết lách chắc sẽ đồng ý với tôi về nhận định này.
Như bất cứ một nhà văn nào khác, Nguyễn Nhật Ánh xây dựng nhân vật của mình theo hai tuyến: thiện/ác, chính/tà và những nhân vật trung dung như Đào cốc lục tiên trong Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung. Tính cách của các nhân vật thể hiện nhất quán suốt từ tập đầu đến tập cuối dù theo thời gian, qua mỗi năm có khác hơn nhưng vẫn là “Đánh chết cái nết không chừa”. Danh môn chính phái có Quý Ròm, Tiểu Long, Hạnh, vai phụ có các em Thoại ở Vũng Tàu và Lượm ở quê. Bàng môn tả đạo là “Băng tứ quậy” gồm Lâm, Quốc Ân, Quới Lương và Hải Quắn. Xếp band này là Lâm với biệt tài làm thơ cà khịa và trào phúng nhanh như chớp. Ngoài ra, còn rất nhiều nhân vật có tính cách đặc biệt như Văn Châu, Quỳnh Như, Quỳnh Dao, hai anh em con nhà nghèo trên bờ kênh Tàu Hủ và một số nhân vật nữ sau này trở thành mục tiêu cho những rung động đầu đời của Tần ghẻ, của Lâm, của Cung và của Hải Quắn. . . Tính thuyết phục trong trang văn của Nguyễn Nhật Ánh đến từ việc những sự kiện rất gần gủi với lứa tuổi học trò mà không hề hư cấu hay cường điệu. Nhà thơ Lê Minh Quốc kể (trong Tạp chí Thế giới mói 169, 1995) rằng, để chuẩn bị cho việc viết Kính vạn hoa, tác giả đã mua đủ sgk từ lớp 1 – 12 và những loại sách liên quan từng môn học, thậm chí khi viết việc nhân vật Quý Ròm làm ảo thuật, anh đã nhờ một kỹ sư hóa học coi lại mức độ chính xác của các phản ứng hóa học. Nhờ vậy, 4 tập đầu của Kính Vạn hoa lập kỷ lục trong xuất bản: 100.000 bản (bìa 4 tập 7).
Các nhân vật của Nguyễn Nhật Ánh, dù chính diện hay phản diện đều rất đời thường với đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố, tham lam, ích kỷ, điềm đạm, nóng vội, mã thượng. . . nhưng dù thế nào thì vào không gian văn chương của Ánh một thời gian đều là những chú ngựa bất kham được thuần hóa, trở thành người tốt, trở thành dễ thương. Đó là không gian của lớp 8A4, 9A4, 10A9 với nhiệt tình của thầy cô giáo, ban cán sự lớp, sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên không dễ mấy ai tạo dựng được. Không thể không nhắc đến một Hạnh lớp phó học tập được thầy cô và bạn bè coi là cuốn từ điển sống (có thói quen trước khi lên tiếng là đẩy kính cao lên khỏi sống mũi), không thể không nhắc đến Tiểu Long được Quý Ròm gọi là thằng mập nhưng luôn ý thức về những hạn chế của mình và luôn có câu đầu môi “Ăn miếng bánh, uống miếng nước rồi hãy thương lượng”. Nhân vật nữ của nhà văn cũng có nhiều em con nhà giàu, gia đình trung lưu trí thức, nề nếp nhưng điều tuyệt vời là họ, đều không hề “chảnh”, một thói xấu phổ biến trong xã hội. Đó cũng là không gian của những tranh chấp hơn thua khi hai sếp band Quý ròm và Lâm làm thơ diễn tả các công thức khoa học tự nhiên hay mẹo nhớ văn phạm tiếng Anh. Tôi cho rằng, nếu chỉ làm giáo viên dạy Văn trong 2 năm học (1983-85) ở trường PTCS Bình Tây, quận 6, không ai có đủ chất liệu cho một bộ sách dài hơi như Kính Vạn Hoa mà phải là một sự quan sát, thâm nhập thực tế, đọc nhiều các sách báo viết về giáo dục và trên hết, lòng yêu trẻ luôn luôn cháy trong tim mới . . . may ra!
Hơn 50 truyện dài trong Kính Vạn hoa có chuyện ma, chuyện phiêu lưu, chuyện đánh nhau kiểu băng đảng giang hồ, chuyện bóng đá và chuyện tình nhưng có lẽ chuyện tình của các cậu bé cô bé lớp 9, lớp 10 được nhà văn dẫn dắt rất hấp dẫn và dễ thương. Đó là thứ tình yêu e ấp, trong sáng, đầy vụng dại, khờ khạo nhưng không thiếu sự hy sinh cho người còn lại, không thiếu những mẫu đối thoại rất trẻ con và thành thật. Riêng chuyện bóng đá thì chắc là sở trường của nhà văn nên mỗi khi đề tài này chèn vào các câu chuyện thì tính hấp dẫn rất cao. Hấp dẫn vì tác giả cho nhân vật mình ca ngợi một danh thủ bóng đá quốc tế, hấp dẫn còn vì tác giả tường thuật các trận bóng giao hữu trong trường hay trong khu phố, đôi lúc hay hơn cả những nhà tường thuật chuyên nghiệp! Ngoài nội dung học tập chính khóa, chương trình ngoại khóa được tác giả lồng vào các cuộc thi tái hiện sự kiện và nhân vật lịch sử giữa các tổ học tập trong lớp. Tôi cho rằng đây cũng là chủ trương giảng dạy kiến thức lịch sử một cách nhẹ nhàng cho độc giả nhí. Họ chỉ theo dõi các tình tiết say sưa để rồi sự kiện lịch sử, lòng yêu nước len lỏi vào hồn một lúc nào đó, nhẹ nhàng.
Viết về Kính Vạn hoa và Nguyễn Nhật Ánh có thể còn nhiều điều rất đáng nhưng tôi chỉ ghi lại một số nhận định ban đầu khi đọc xong bộ sách đình đám này. Điều đáng ghi nhận nhất là thầy giáo – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã dạy những độc giả của mình – qua trang văn của thầy – làm người chân chính, biết yêu thương, biết đóng góp cho tập thể, cho xã hội, biết tự sửa mình để xã hội ngày càng tốt hơn. Sẽ không quá để nói rằng, những trang văn trong Kính Vạn hoa có giá trị vượt xa những lời hiệu triệu trên sách báo, lời dạy trong sách giáo khoa kể cả lời kêu gọi trong “Thư gửi toàn ngành giáo dục nhân ngày khai giảng năm học”. Mai này, trong sách giáo khoa môn Văn học bậc trung học, tên tuổi nhà văn có thể được đưa vào nhưng đó là chuyện của các nhà nghiên cứu, các cán bộ chuyên môn của bộ Giáo dục. Phần tôi, một độc giả cao tuổi, xin gửi đến người anh em đồng hương lời cám ơn kèm theo một chút tự hào.
Sài Gòn 03.9.2023
Chú thích: hình 1. nhà văn Nguyễn Nhật Ánh 2. bìa tạp chí Tuổi Ngọc trước 1975. 3. bìa sách Kính Vạn Hoa