Tin VN

Công An Đồng Hới – Quảng Bình đánh đập và bắt đi 19 giáo dân Giáo xứ Tam Tòa

Công An Đồng Hới – Quảng Bình đánh đập và bắt đi 19 giáo dân Giáo xứ Tam Tòa, GP Vinh
VietCatholic News (20 Jul 2009 17:10)
VINH – Giáo xứ Tam Tòa là một Giáo xứ lâu đời, Nhà thờ Tam Tòa đứng bên bờ biển Nhật Lệ, có khuôn viên thoáng mát, rộng rãi và các cơ sở mục vụ. Nơi đây, nhiều văn sỹ, trí thức và nhiều người nổi tiếng đã sinh ra và được chịu phép rửa tội như nhà thơ Hàn Mặc Tử…

Xem hình ảnh

Qua những năm chiến tranh, năm 1968 nhà thờ bị đánh sập, chỉ còn phần tháp chuông trơ trọi.

Người dân Quảng Bình và Giáo dân đã tin rằng sau chiến tranh chấm dứt, đất nước sẽ được xây dựng lại “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn’ “hơn mười ngày này” như lời Hồ Chí Minh vẫn thường hứa hẹn mà họ đã bỏ xương máu, công sức ra để hi sinh, phấn đấu.

Nhưng thực tế thì không phải vậy. Sau ngày chấm dứt chiến tranh, chính quyền Quảng Bình ngang nhiên chiếm đoạt khu đất toàn bộ khuôn viên nhà thờ và các cơ sở mục vụ nhằm mục đích triệt hạ Công giáo nơi đây với lý do “làm khu di tích tội ác Đế quốc Mỹ”. Toàn bộ khuôn viên xung quanh nhà thờ đã bị chiếm đoạt làm các công trình khác nhau.

Sau một thời gian đề nghị trả lại đất đai của Giáo xứ Tam Tòa không được nhà nước chấp nhận. Cả một Giáo xứ giữa Thành phố Đồng Hới đã không còn một chỗ nào sinh hoạt tôn giáo (Lưu ý là Thành phố Đồng Hới hiện nay là vùng trắng, không có một Nhà thờ nào sau khi Nhà thờ Tam Tòa bị triệt hạ).

Tòa Giám mục Giáo phận Vinh đã nhiều lần có đơn, có các buổi làm việc để yêu cầu chính quyền trả lại cho Gíao dân để có nơi tiến hành phụng tự, bởi không thể ngang nhiên chiếm đất của nhà thờ để làm một việc là ghi lại mối hận thù không phù hợp với đường lối “đem yêu thương vào nơi oán thù” của người Công giáo.

Khi có đơn từ Giáo phận, chính quyền Quảng Bình đã giở chiêu bài kéo dài thời gian để thực hiện sách lược “để lâu, cứt trâu hóa bùn”. Vì vậy họ vẫn hứa hẹn lần này đến lần khác bằng đủ mọi lý do.

Không có nơi thờ tự, giáo dân đã phải họp nhau thờ phượng tại gia đình một giáo dân và đã bị chính quyền ngăn cản bất chấp mọi luật lệ.

Không còn cách nào khác, các giáo dân và linh mục quản xứ phải dân lễ ngoài bãi cỏ, ngoài đường. Có lẽ không có một thành phố nào trong cả nước có những buổi lễ được cử hành như ở nơi đây, một thành phố đông đúc người qua lại. Đây cũng là những buổi hành lễ hiếm có, đạt kỷ lục trên thế giới về nơi thờ tự ở một đất nước luôn rêu rao về tự do tôn giáo. Họ dâng lễ trong vòng vây của cảnh sát các loại canh giữ.

Giữa nắng rát Quảng Bình, bà con giáo dân, linh mục đã phải phơi dầm giữa trời đất bao năm nay.

Mới đây, trước nhu cầu bức xúc về nơi thờ tự, giáo dân đã cùng nhau tiến hành làm một chiếc lán để che mưa nắng khi phụng vụ.

Ngày 20/7/2009, giáo dân đã tiến hành dựng ngôi lán tạm trên nền đất cũ của nhà thờ. Việc xựng nhà bằng khung thép, lợp mái xong thì bất ngờ hàng loạt công an được huy động đến với số lượng áp đảo so với khoảng 1000 giáo dân Tam Tòa và các giáo xứ lân cận. Các giáo dân đã bị Công an TP Đồng Hới đàn áp trắng trợn và dã man bằng dùi cui, gậy gộc, lựu đạn hơi cay, xe bắt tù…

Họ dùng xe kéo đổ sập ngôi lán mà giáo dân đã dựng lên để cướp tất cả mang đi khỏi khu vực nhà thờ mà không có bất cứ thông báo nào. Họ đã ngang nhiên thể hiện quyền lực của súng đạn trước giáo dân hiền lành.

Trước cảnh cướp bóc trắng trợn diễn ra, bà con giáo dân đã anh dũng bảo vệ tài sản của mình bằng cách giữ lại những tài sản đó, công an đã dùng dùi cui và công cụ hỗ trợ đánh thẳng vào mặt giáo dân không thương tiếc và lôi xềnh xệch những người đó ra xe, những người khóc than, kêu gào cũng bị đánh đập và điệu lên xe khủng bố. Thậm chí, ngay cả sau khi lên xe, họ vẫn bị đánh đập tiếp.

Khi Thánh Giá bị hạ xuống có một em bé đã nhào đến ôm lấy cây Thánh Giá và em đã bị đánh đập dã man nhất, bị thương nặng, hiện không thể liên lạc được với em và những nạn nhân đang bị bắt.

Đến trưa 20/7/3009, Công an TP Đồng Hới, Quảng Bình đã bắt đi 19 người, hiện các thân nhân chưa được tiếp xúc với các nạn nhân, các nạn nhân bị đánh đập dã man trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em vẫn chưa biết có được điều trị hay không.

Tất cả khung nhà, máy móc và những dụng cụ thi công đã bị cướp đoạt mang đi. Tất cả giáo dân mang máy ảnh, máy quay phim… ghi lại hình ảnh đã bị trấn áp và cướp đoạt toàn b
ộ.

Việc dùng vũ lực trấn áp một cách bất chấp luật pháp của nhà cầm quyền Quảng Bình với giáo dân Tam Tòa, là một cú đánh nhằm thách thức giáo dân và giáo quyền Giáo phận Vinh vốn nổi tiếng mạnh mẽ và can đảm. Họ đã lợi dụng số giáo dân Tam Tòa sau mấy chục năm không có nơi thờ tự nên đã thưa vắng mà ra tay. Họ đã dùng đòn này nhằm thăm dò giáo dân và giáo quyền ở đây để chuẩn bị cho những vụ việc khác đang nổi cộm trong Giáo phận như vụ ở Giáo xứ Cồn Cả, mấy hôm nay giáo dân đang tập trung đến trụ sở UBND xã đòi thả người và trả tài sản, cũng như những vụ việc đã xảy ra tại Lập Thạch, tại Yên Lý thời gian qua.

Và họ đã thực hiện một đợt diễn tập cho việc sử dụng bạo lực, một tiểu Thiên An môn tại Việt Nam nhằm thử sức giáo dân và giáo quyền ở Địa phận này.

Tuy nhiên, đó là một tính toán sai lầm của nhà cầm quyền.

Họ không biết rằng, với hơn nửa triệu Giáo dân Giáo phận Vinh mạnh mẽ thông công và hiệp nhất, họ phải trả giá trước hành động dã man này. Những hành động trấn áp dã man giáo dân, là những mồi lửa khêu lên sự căm hận đối với nhà cầm quyền Cộng sản mấychục năm nay đã thi thố trên giáo phận này nói riêng và đất nước này nói chung.

Tam Tòa ngày 20/7/2009

CTV Thái Hà

=========================================

Vài nét về Tam Tòa nơi hàng trăm công an đánh đập dã man giáo dân
VietCatholic News (20 Jul 2009 15:08)
SỰ THẬT LỊCH SỬ (*)

Giáo xứ Tam Tòa ( có nhà thờ tọa lạc tại đường Nguyễn Du, thành phố Đồng Hới hiện nay) được thành lập khoảng năm 1631 với tên gọi xứ đạo Đông Hải, còn gọi là Họ Lũy.

Năm 1774 (có tài liệu ghi là năm 1798), sau khi lực lượng Chúa Trịnh chiếm được Đàng Trong và san bằng lũy Thầy, nhà thờ này được chuyển về khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải, và được gọi là giáo xứ Sáo Bùn. Khoảng năm 1886, Sáo Bùn có khoảng 200 nóc nhà với khoảng 1200 giáo hữu. Ở đây có Viện Dục Anh để giúp nuôi trẻ em nghèo và có tu viện dòng Mến Thánh Giá phục vụ từ thiện và giáo dục.

Năm 1886, Quân Văn Thân đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ Sáo Bùn, nên số giáo dân chạy về Đông Hới lánh nạn. Sau khi được sự cho phép của chính quyền bảo hộ và các cơ quan hữu trách, Cha sở lúc này là cố Claude Bonin và giáo dân Tam Tòa chuyển nhà thờ về ở rẻo đất bên bờ sông Nhật Lệ sát cửa thành thuộc đất làng Mỹ Lệ và đổi tên thành giáo xứ Tam Tòa, cho đến hôm nay. Năm 1850, khi giáo phận Huế được thành lập, Tam Tòa thuộc sự quản lý của Giáo phận Huế.

Nhà thờ Tam Tòa lần đầu tiên được xây dựng năm 1887, do linh mục Clause Bonin (cố Ninh). Đến năm 1940, linh mục René Morineau (cố Trung) tái thiết lại khang trang và hoàn chỉnh hơn.

Năm 1954, sau hiệp định Genève, hầu hết giáo dân Tam Tòa, cùng với rất nhiều dân cư ở đây và giáo dân các xứ thuộc hạt Nam Quảng Bình di cư vào Đà Nẵng sinh sống; thành lập giáo xứ Tam Toà ở Đà Nẵng. Từ đó, số giáo dân còn lại ở đây được coi sóc bởi 2 linh mục Trần Quang Nghiêm và Lương Minh Thể. Đến năm 1962, cha Thể qua đời, và năm 1964, chiến tranh lại bùng phát, cha Nghiêm rời Tam Tòa cho đến nay không có linh mục coi sóc.

Năm 1968, nhà thờ Tam Tòa bị máy bay Mỹ oanh kích, đổ nát và duy trì như vậy cho đến ngày nay. Mặc dầu số giáo dân còn lại quá ít ỏi, không đủ khả năng tái thiết, nhưng Tổng giáo phận Huế cũng như bà con Tam Tòa vẫn luôn ước mong tái thiết nhà thờ mà Cha Ông họ đã dày công xây dựng.

Ngày 26/3/1997, UBND tỉnh Quảng Bình tự động ra quyết định đưa nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích lịch sử, là một di chứng tội ác chiến tranh, không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là Tổng giáo phận Huế và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa.

Đến ngày 15/5/2006, Tổng giáo phận Huế chuyển giáo hạt Nam Quảng Bình cho giáo phận Vinh, trong đó có giáo xứ Tam Tòa. Ngay sau đó, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh bổ nhiệm linh mục Phêrô Lê Thanh Hồng về quản xứ Làng Sen, kiêm xứ Tam Tòa, có hơn 1000 giáo dân sinh sống tại địa bàn thành phố Đồng Hới, quanh nhà thờ Tam Toà.

Hiện nhà thờ cũ đổ nát, mọi sinh hoạt tôn giáo đang phải nhờ nhà của một giáo dân tại đường Nguyễn Du, cách nền nhà thờ Tam Tòa khoảng 100m về phía Tây Bắc.

Vì thế, giáo phận Vinh đang làm thủ tục lấy lại đất này, xây dựng nhà thờ Tam Tòa, đảm bảo quyền lợi thực tế chính đáng của công dân. Đây là điều hoàn toàn có căn cứ lịch sử và cơ sở pháp lý.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Trước hết, chúng ta phải khẳng định việc Giáo phận Vinh tái thiết giáo xứ Tam Tòa là cần thiết và hợp pháp, đáp ứng nhu cầu thực tế của công dân, không cần phải xin cấp phép lại. Theo nội dung trên, giáo xứ Tam Tòa được thành lập và hoạt động hợp pháp từ rất sớm, năm 1631. Ngay cả khi vì hoàn cảnh lịch sử, giáo dân phải di cư đi nơi khác, nhà thờ bị chiến tranh tàn phá, số còn lại không đủ điều kiện tái thiết, Tam Tòa vẫn luôn luôn là một giáo xứ thuộc Tổng giáo phận Huế, nay thuộc giáo phận Vinh.

Theo hiến pháp Việt Nam: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hay không theo một tôn giáo nào" (Điều 70). Điều đó được cụ thể hóa tại điều 5 pháp lệnh tôn giáo 2005 "Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của Pháp luật". Điều này hiện nay đã được chính quyền tỉnh Quảng Bình, thành phố Đồng Hới tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo tại nhà riêng của một giáo dân, chờ xây dựng lại nhà thờ mới. Đặc biệt, ngày 13/2/2008,và gần nhất là ngày 2/2/2009, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuân lợi cho Đức giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, cha tổng đại diện Phanxico Xavier Võ Thanh Tâm và đông đảo các linh mục cùng với hàng ngàn giáo dân tổ chức thánh lễ cầu bằng yên đầu năm mới trên nền nhà thờ Tam Tòa này.

Thứ hai, việc Giáo phận Vinh yêu cầu UBND tỉnh Quảng Bình trả lại khuôn viên nhà thờ Tam Tòa, để xây dựng lại, phục vụ nhu cầu c
ủa đông đảo giáo dân ở đây là điều chính đáng, đúng pháp luật. Tại sao?

Bộ giáo luật 1983 quy định: Tòa giám mục, đứng đầu là Giám mục giáo phận, là người trực tiếp đứng chủ, quản lý, sử dụng mọi tài sản của Giáo hội tại địa phương (Điều 1279). Theo đó, đất và nhà thờ Tam Tòa là tài sản của Giáo hội Công Giáo Việt Nam, do tòa tổng giám mục Huế trực tiếp đứng chủ, quản lý và sử dụng, trước sau không thay đổi.

Địa bàn quản lý của tổng giáo phận Huế trước và sau hiệp định Senève (1954) vẫn bao gồm cả hạt Nam Quảng Bình. Trong đó, nhà thờ Tam Tòa cũng thuộc sự quản lý đó cả trên lý thuyết và thực tiễn. Việc giáo dân Tam Tòa, vì hoàn cảnh lịch sử phải di cư đi nơi khác làm ăn sinh sống, nhà thờ bị chiến tranh tàn phá nặng nề, số còn lại không có khả năng tái thiết để đưa vào sinh hoạt, hoàn toàn không làm thay đổi chủ sở hữu nhà thờ và đất đó, là tòa tổng giám mục Huế. Điều này cũng giống như một người cha có một thửa đất rộng. Ông ta xây nhiều ngôi nhà, giao cho các con của mình quản lý, sử dụng. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, một trong số người con đó phải chuyển chỗ ở, ngôi nhà của người cha để trống. Cho dù thời gian có làm cho nó hư hỏng, xuống cấp, mặc cho người cha có sửa chữa hay không thì quyền sở hữu nhà đất đó vẫn thuộc về người Cha đó, không ai có quyền xâm phạm, pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Điều 70 hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định rõ ràng rằng: "Những nơi thờ tự của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, không ai được xâm phạm". Điều đó đã được quy định chi tiết và cụ thể hơn tại Pháp lệnh tôn giáo năm 2005: "Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưởng tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm mọi việc xâm phạm tài sản đó" (Điều 26). Và "Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường…" (Điều 27). Nội dung này cũng đã được quy định rất chi tiết tại các Điều 220 Bộ luật dân sự và điều 9 Luật đất đai 2003.

Chính vì thế, năm 1996, UBND tỉnh Quảng Bình tự tiện chia cắt đất và đưa khuôn viên nhà thờ Tam Tòa vào danh mục di tích tội ác chiến tranh mà không thông qua ý kiến của chủ sở hữu là Tòa tổng giám mục Huế là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc trên của pháp luật, đi ngược lại lịch sử.

Trên thực tế thì đất nhà thờ Tam Toà có từ năm 1886, cho đến năm 1997 bị UBND tỉnh Quảng bình chiếm dụng trái phép thì diện tích đất này chưa bao giờ thuộc diện bị cải tạo theo luật cải cách ruộng đất và thông tư số 73/TTg ngày 7/7/1962, cũng không hề có quyết định trưng dụng, trưng thu hay trưng mua nào hết. Do đó nó không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Từ những nhận định trên, chúng tôi cho rằng khuôn viên đất và nhà thờ Tam Tòa là tài sản thuộc Giáo hội công giáo Việt Nam do tổng giáo phận Huế (nay đã chuyển giao cho giáo phận Vinh) trực tiếp quản lý và sử dụng. Việc UBND tỉnh Quảng Bình đang quản lý khuôn viên này theo danh mục đất có di tích lịch sử là điều bất hợp pháp, cần áp dụng Điều 98 Luật đất đai 2003 để xử lý chuyển mục đích sử dụng, trả lại cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam, trực tiếp là giáo phận Vinh.

Giáo phận Vinh và bà con giáo dân giáo xứ Tam Tòa có quyền đòi lại toàn bộ đất và tài sản trên đất theo hiện trạng ban đầu. Điều 256 Luật đất đai 2003 quy định: "Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó…".

Chúng tôi hy vọng rằng trong tinh thần đổi mới, khép lại quá khứ để hướng đến tương lai, UBND tỉnh Quảng Bình cũng như các cơ quan ban ngành liên quan, sớm trao trả khuôn viên nhà thờ Tam Tòa cho giáo phận Vinh, đảm bảo pháp chế và quyền lợi hợp pháp của công dân, phù hợp chính sách tự do tôn giáo của Nhà nước.

Chú thích:(*) Số liệu này chúng tôi thu thập từ các bài "Kỷ niệm 120 năm giáo xứ Tam Tòa Đồng Hới và Giáo hạt Nam Quảng Bình" của tác giả Dương Kim Sơn. Và Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại (1075-1975), tập I, Nhật Lệ 2006.


Tân Lập