CHÙM THƠ & VĂN: CAO MỴ NHÂN

LỜI KHUYA. CAO MỴ NHÂN
*
Phải khuya mới rõ lòng người
Hạ tuần mới rõ trăng cười mê hoang
Sương mờ phá sóng không gian
Con tàu định mệnh chở hoàng hôn xa
Phải khuya mới nhớ mái nhà
Bập bềnh trên bến phù sa mịt mù
Bên này sông nước thiên thu
Bên kia còn lại lời ru não nề
Phải khuya mới thấy ê chề
Kiếp lưu vong chán lối về dửng dưng
Làm sao cản bước trăng dừng
Hạ tuần diễu cợt mây đừng che xuân
Phải khuya trăng mới bâng khuâng
Thương ai đếm suốt trăm năm chung tình
Anh chờ tan lễ Phục Sinh
Đưa em qua khỏi hành trình thương đau…
CAO MỴ NHÂN
***
NGỦ GIẤC NGÀY. CAO MỴ NHÂN
*
Tôi đang muốn ngủ giấc ngày
Để quên tất cả nơi này, chốn kia
Để quên tình tự phân chia
Để không thấy cảnh biệt lìa xót xa
Sáng trời, không thấy người ta
Tiếng chim đơn độc vô ra tổ chờ
Không nhìn hoa bướm mộng mơ
Không cầm bút viết bài thơ cuối cùng
Hoang liêu trải rộng mịt mùng
Mầu xanh thiên lý, sắc hồng lửa hương
Đã như phai nhạt nửa đường
Cô đơn, mỏi mệt gọi thương nhớ về
Đêm qua mộng mị lê thê
Tôi thôi kéo nỗi đam mê về gần
Đất trời tiễn biệt mùa xuân
Đưa tay tôi xoá trăm năm cuộc tình …
CAO MỴ NHÂN
LỜI XÂM. CAO MỴ NHÂN
*
Một mình ngồi buồn xin xâm
Quẻ ra sấp ngửa, nỗi thầm lặng rơi
Đoán trong tâm tưởng, bao lời
Cầu xin anh ở bên trời luôn vui
Hình như có chút ngậm ngùi
Cho riêng mình thiếu vắng hồi bơ vơ
Xâm không hối hả đợi chờ
Đồng xu sấp ngửa lững lờ được, thua
Từ lâu quên đến cửa chùa
Lắng nghe chuông mõ gỡ bùa tỉnh, mê
Bốn phương mù mịt nẻo về
Chân mây nào cũng lê thê muộn phiền
Tình sầu tình lại cuồng điên
Làm sao biết được thủa tiền định kia
Mộ tình thơ vẽ trên bia
Hương tan, lửa tắt, cách chia kiếp này …
CAO MỴ NHÂN
***
VẮNG BÓNG. CAO MỴ NHÂN
Trên nhiều tầng cao vút
Mây trắng xây lâu đài
Thắp tình nơi chót vót
Không thấy một bóng ai
Bay lên đôi cánh vàng
Chốn đó là thiên thai
Hay là mây hoang đàng
Không có một bóng ai
Thì đừng đăng cao nữa
Trên nhiều tầng mây bay
Lâu đài tình trống rỗng
Không gặp một bóng ai
Trở về nghìn trùng xa
Anh hay mái ấm nhà
Ô, chỉ là vạt khói
Thế gian còn đợi ta
Không thấy một bóng ai
Còn ai đâu tìm bóng
Cho hình ảnh thiên thai
Bạc trời mây nổi sóng …
CAO MỴ NHÂN
SUỐT THÁNG NĂM. CAO MỴ NHÂN
*
Trái đất không ngừng quay
Mây trời không ngừng bay
Nhưng tình yêu dừng lại
Trong cõi nhớ thương này
Anh nói đang mùa xuân
Thì đừng vội bâng khuâng
Anh luôn luôn ở cạnh
Bên em suốt tháng năm
Vậy thời gian ngưng trôi
Hoa nở khắp nơi nơi
Sao anh chưa thầm gọi
Tên em, một lần thôi
Chao ôi, anh tịnh ngôn
Mây cứ bay chập chờn
Trái đất chờ tan vỡ
Em giữ mãi nụ hôn …
CAO MỴ NHÂN
ĐOM ĐÓM DƯỚI TRĂNG. CAO MỴ NHÂN
*
Sân trăng một lúc si cuồng
Theo con đom đóm tìm nguồn nguyệt tan
Không gian chuyển tiết hoang tàn
Những con đom đóm gọi đàn quỷ ma
*
Nửa khuya, trăng bỗng nghiêng tà
Nguyệt mang lửa ngọn hằng nga về trần
Hằng nga ngần ngại gian truân
Sợ con đom đóm tới gần đắm mê
*
Cung thương giọt thả lê thê
Lưu Thần, Nguyễn Triệu tái tê đêm dài
Giật mình hồn đã Liêu Trai
Mái xưa tình tự đơn sai hẹn hò
*
Con đom đóm lạnh co ro
Nửa vầng nguyệt lãng đắn đo lượn vòng
Từ đi ngày tháng lưu vong
Đêm nay nguyệt thực đừng trông lửa vàng …
*
CAO MỴ NHÂN
CHIẾC BÓNG MỜ. CAO MỴ NHÂN
*
Bỗng một ngày không thấy
Người quen đi ngang nhà
Nơi sân vườn nắng xấy
Khô cả vạt sương hoa
*
Chắc mùa xuân ấm áp
Người quen bỏ về xa
Nửa vòng tròn trái đất
Che kín cuộc tình ta
*
Người về xa tít tắp
Đôi bàn tay mở ra
Hứng từng giọt nươc mắt
Đêm không ngủ bơ vơ
*
Ta xếp mau hồn mộng
Xuống đáy lòng hoang sơ
Thời gian như chiếc bóng
Còn lại trong hồn thơ …
*
CAO MỴ NHÂN
VÃNG LAI. CAO MỴ NHÂN
*
Sáng chủ nhật
Vô nghĩa trang ” Đồi Hồng ”
Để đọc lại tấm bia lạ lùng :
” Nơi an nghỉ của một người
chết trong tuyệt vọng …”
*
Tấm bia dựng từ cách đây 60 năm
Tên người bạc phận bị mờ phai
Vì sóng gió hay vì ai đục mất
Chắc vì hồn thiêng lẩn khuất
Khiến người bị chết lần thứ hai…
*
Khách đứng trầm ngâm nhìn dòng chữ
Như có câu thơ viết trong nỗi nhớ
” Nơi đây sương ủ hình hài
Em đi về nẻo Thiên Thai xa mờ
Trọn đời sống với mộng mơ …”
*
Trước mặt, sau lưng, chung quanh mộ thơ
Nụ hồng nhỏ xíu
Hoa hồng nở to
” Em đi vào cõi hư vô
60 năm có một giờ vãng lai…”
*
CAO MỴ NHÂN

BÊN THỀM ĐỜI . CAO MỴ NHÂN.
*
Anh ta bây giờ đã ngoài bảy chục tuổi, nên tôi phải gọi ảnh bằng ” ông ” cho có vẻ trân trọng và nhất là …đứng đắn .
Ố ô, rứa chẳng lẽ kêu ” anh” là không …đứng đắn hay sao ?
Số là anh ta, ý quên ổng ta sắp tới ngày sinh nhật đó nờ , 19/6 dương lịch, một ngày kỷ niệm trọng đại, mà cả đại tộc KaKi chúng tôi, đều nhớ, bởi tính chất …lịch sử của sự kiện , Ngày Quân Lực VNCH trời ạ .
19/6 Ngày Quân Lực VNCH hình như mỗi lúc mỗi phôi pha đi hay sao ấy, ông ta đã cười nụ một mình tự nhủ :
” Điều gì rồi cũng lạt phai, làm sao tươi thắm mãi được …”
Ông xuất thân từ quân trường danh tiếng X Khoá K, tôi gọi thế, đầy phẩm cách dũng cảm mà vẫn trẻ trung .
Ôi chao, có Khoá học nào, sinh viên sĩ quan Võ Bị nào không hội đủ 2 yếu tố ấy : anh hùng mã thượng, mà vẫn hào hoa phong nhã chứ .
Thôi đi, ” bà ” mê lính quá, lúc nào cũng thần tượng những chàng trai anh dũng, xuân tình .
Ông nhìn vọng ra xa, thật xa … cả một quá khứ hiện về .
Tôi bấm chuông ở cửa nhà ông lâu quá, đã bắt đầu đổ giận .
Ông làm cái gì trỏng mà không ra mở cửa chớ ?
Đã hẹn từ tuần trước, lại mới điện thoại hôm qua, cả hai thời hẹn, ông đều khẳng định rằng :
” Chừ tui không đi mô hết, ở nhà chờ cô thôi .”
Tôi cười hỏi đùa : ” Cô nào ? Chả lẽ tôi à ? Tôi bây chừ
Lão bà bà, chứ cô cái nỗi gì nữa ? ”
Thì với tôi, ông nói, cô lúc nào cũng là ” cô “, đơn giản, tôi đang sống lại kiếp trước của mình mà . Sao, có gì lạ muốn nói với tôi ?
Cũng có, tôi chậm rãi trả lời : ” Mấy ông xưa nhờ tôi mời ông bà đi ăn ” cơm tù ” một bữa đấy ” .
Cơm tù? Sao lại cơm tù chớ, ai lo chuyện này vậy, “mục đích yêu cầu ” dở hơi vậy ?
Chúng ta đang tự do như bướm, lại nhớ tù với tội là cái quái gì, chưa chắc tôi nhận lời ạ .
Thì tuỳ ông thôi, chúng tôi muốn thông báo cho ông hay, chớ chẳng vì sao, chẳng tại răng cả .
Ông gật gù : ” Để coi hôm đó tôi có trở ngại gì không đã, cô cứ nói với quý vị ấy là tôi nhận lời trên nguyên tắc hạ hồi phân giải nha ” .
Sao cũng được, miễn ông đi thôi .
Chuyện ” chung ” đã xong, giờ tới chuyện ” riêng ” .
Là không phải chuyện riêng tư tình cảm gì đâu, mà là chuyện không dính dáng tới ” bữa cơm tù ” vừa nêu.
À ra thế .
Chúng tôi vừa đi dự một cái ” lễ vàng “, ông nói .
Tôi mắc lo ra trả lời ừ hữ , không mấy hứng cảm.
Ông đó cũng khoá K với tôi. Cha đám cưới năm 1969 biết không, ở Huế đó .
Tôi vẫn chưa bắt nhịp được cái bản nhạc tình ông đang bắt đầu chờ dạo .
Ông nhìn tôi : ” Răng cô không hứng thú nghe tui kể chuyện vậy ? ”
Rồi, ” lễ vàng ” làm sao ?
Tôi thấy ” tình trường lão ta chẳng có gì đặc biệt, mà vàng với bạc làm chi cho mệt chứ …”
Nhưng nhà ông đó có mệt không về việc làm ” lễ vàng “, chứ chỉ nghe ông mệt thôi.
À , tôi nhìn thấy cái mệt trong chuyện ” lễ vàng ” của họ .
Họ đang sung sướng về việc làm đó, kỷ niệm 50 năm đám cưới, còn ông ở ngoài mà than là sao nhỉ ?
Ông cười xoà : ” Thì ở không nên lắm chuyện ấy mà . ”
Nghe tôi nói nè, cuộc đời thật là phức tạp quá chứ .
Như thế nào ?
Lão cùng đi tù với tôi về. Vợ lão chắc trẻ quá, thêm chút hoàn cảnh gia đình, tự ý không đợi chờ …
Thôi tôi không muốn nghe đâu, mai mốt gặp lại ở ” Bữa cơm tù ” nhé, tôi xin phép về .
Nhưng cô phải nghe đoạn này : Biết vậy, lão cũng trả thù đời, là tự ý lấy vợ hai, ngay sau ngày ” ra trại “.
Thì có gì đâu, đó là nguyên tắc tương đối thôi.
Nhưng khi đi HO qua đây, lão lại mang cái bà đầu có giấy tờ hợp lệ đi, bởi vì cái bà sau không chịu đi .
Thì là lẽ tương đối tiếp theo.
Rồi lão lại ly dị bà vợ đầu này, vì không quên giai đoạn hậu tù cải tạo của lão .
Và cũng để có dịp biểu lộ với phòng nhì, là lão vẫn dành cho bà hai này những yếu tố khách quan rằng đã lấy chồng thì cũng có dịp ” võng anh đi trước, võng nàng theo sau ” .
Chao ôi, tôi phụ hoạ: lại cũng là luật chơi tương đối, chẳng ai bị thiệt ở đời vậy .
Biết rồi, song le, cuộc đời vẫn có những phút giây cuối cùng như một bản cáo trạng của trời đất, dành cho loài người mà Chúa đã tạo ra .
Bà vợ sau của lão được hưởng hết cái hạnh phúc bất ngờ khi một người tù phá sản tình cảm vốn có sẵn tràn trề, kèm sự tức bực cho là bị phản bội, đồng thời lão vẫn thèm khát thứ hạnh phúc nguyên vẹn, lão đã dành tất cả mọi ưu ái cho đệ nhị phu nhân ấy.
Nhưng chỉ 10 năm sau, lão đã lên đường quy Mã .
Tới khi bà vợ sau của lão được lão lo cho đủ điều kiện ra đi đoàn tụ với lão, cũng là lúc bịnh trầm kha của bà ta, tiễn bà ta vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời vốn hư huyễn này.
Tôi bâng khuâng: ” Chẳng lẽ cũng lại là điều tương đối nữa sao ? ”
Lão trở về trạng thái ban đầu, nhưng không rõ nét hạnh phúc .
Đó là đang ở chung một thành phố với bà vợ trước đã ly dị, trên thiên đường nơi hạ giới này . Nhưng vẫn mơ màng nhớ bà vợ sau đã yên thân nơi huyệt mộ bên cố xứ quê xa…
Tôi bắt đầu nghe ù cả tai, nhưng, chưa muốn về , vì muồn biết hồi kết của câu chuyện ” Lễ vàng ” .
Ông cười khẩy : ” Có phải cô muốn biết đoạn kết của cái lễ vàng đó không ? “
Thế này, bà vợ đầu ức lòng vì bị ly dị sau khi chỉ có 5 năm sống với lão, trước thời lão đi tù cải tạo đó .
Lão có yêu thương gì vợ trước cũng không bằng lão đi ban phát tình yêu cho bà vợ sau .
Nên bây giờ bà vợ trước đó, buộc lão trở về hoàn cảnh đầu tiên, tức là hồi 2 ông bà mới thành hôn, dù khi cả hai bà ta và lão đã lấm lem cuộc đời thời gian lão chia đôi cho mỗi người vợ một nửa số con bằng nhau.
Bằng một cái ” lễ vàng ” là chỉ có hình thức để có vẻ yêu đời hết xẩy, không có gì quan trọng , nếu xét qua các tiết mục, thì chẳng có mục nào thể hiện đúng cái ý nghĩa của nó cả .
Vâng, cám ơn ông, tôi cũng như ông, nghe chuyện tà la đã mệt rồi .
Ưng thay là người trong cuộc, thì buồn chán tới đâu ấy chứ .
Có lẽ cuộc đời ” nó ” vậy .
Thôi , tôi xin phép về nha. Cám ơn ông đã cho nghe chuyện đầy mầu sắc tương đối vừa qua.
CAO MỴ NHÂN
( CHỐN BỤI HỒNG )
MỘT NGÀY HÈ. CAO MỴ NHÂN
Quý vị tu sĩ mang tất cả tấm chân tình trải trước lòng dạ người dân lành …vô tội . Tôi cứ nghĩ mãi khi đặt bút viết câu này, mở đầu bài ” luận văn ” tự nguyện, gởi đến một bậc chân tu .
Nhưng khi bậc chân tu ấy hỏi rằng có biết gì về tấm chân tình của quý ngài, thì thật quả tôi bị lúng túng trong giải thích …rất đạo, là sự dâng hiến cả đời ngài cho Đấng tối cao, rao truyền chân lý sống ở đời để làm gì, theo ý Chúa.
Đó là những năm hậu tù cải tạo, tôi đã về lại thành phố Saigon, khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước .
Người nhà kể rằng: gia đình chú tài xế của tôi xưa, hiện lập nghiệp ở đồng rẫy Trảng Bom, đã đến nhà chị tôi nhắn: nếu tôi đi tù về, chưa có việc làm, thì hãy lên chợ Trảng Bom kiếm nhà chú ấy .
Tôi không biết chú tài xế gốc hạ sĩ nhất QL. VNCH cùng gia đình đang sinh sống thế nào sau cuộc đổi đời 1975, vì trước đó, chú lái xe cho Phòng Xã Hội của tôi ở Bộ Tư Lệnh QĐI/QKI ngoài Đà Nẵng .
Xem ra hoạt cảnh cũng nhuốm vẻ khôi hài, chẳng lẽ chú ta là VC nằm vùng, giờ lộ mặt phất lên, có cơ ngơi chính trị, muốn giúp lại tôi chăng ?
Hay trời cho, chú trúng số độc đắc, đã có điền sản sau 5 năm rời giáo xứ Thanh Bồ Đà Nẵng, đã ổn định cuộc sống …mới ?
Bấy giờ nhà văn Thế Phong đang làm ” nhân viên chấp pháp” cho hãng xe bus, kiêm ” lơ xe ” bus tuyến đường Saigon Thủ Đức .
Ông ta đã bốn mươi mấy tuổi, nhưng rất khoẻ mạnh, lạc quan, tháo vát một cách lao động chuyên chính luôn, ông đề nghị tôi nên đi coi ” sự nghiệp ” sau 30-4-1975 của người tài xế như thế nào .
Chúng tôi đi xe lam từ sớm. Thế Phong trong phong cách ” lơ xe ” chuyên nghiệp, ngồi nghênh ngang chặn cửa xe, cứ nói một mình những điều gì đó một cách ” coi trời bằng vung “, vì sự thực ông ấy có sợ ai bao giờ đâu.
Điều đó khiến tôi yên tâm sau cái nhãn ” sĩ quan cải tạo ” về, hồn nhiên đón nhận những luồng gió mát mẻ của một buổi sớm mùa hè ở miền Nam .
Rồi 40 cây số cũng trôi qua, chợ Trảng Bom hiện ra trước mắt, với những mái tranh nghèo đúng nghĩa, nhưng hàng quán lại đông đảo .
Trong khi ăn sáng bằng tô phở, quanh cái xe phở, mà chỉ những ai đã từng thưởng thức món phở đặc trưng Bắc kỳ cũ, mới thấy nó …phở như thế nào .
Chúng tôi nhanh chóng hỏi thăm nhà chú tài xế tên Nguyễn Trọng Bảo, mới nhập cư mấy năm, thì có một người gật đầu, nói sẽ dẫn đường đến tận nhà chú Bảo ngay .
Nếu trước 1975, chúng tôi, Phòng xã hội QĐI/QKI đã từng mỗi năm một dịp tới nhà chú, ở Khu công giáo Thanh Bồ dự tiệc Nửa Đêm sau khi mừng Chúa Cứu Thế đến, dư dả thế nào, thì nay nhà chú vẫn giữ nguyên mầu sắc cũ .
Trong lúc cách đó mới mấy năm, chính tôi đưa vợ con chú di tản từ Đà Nẵng vô Saigon, chú ở lại với cái xác nhà và y nguyên đồ đạc cùng bầy heo cả chục con, bầy gà vịt cả trăm con …vv, kể như đã bỏ hết.
Sao nay đầy đủ, dư thừa thế ?
Tấm ảnh ” Bữa tiệc cuối cùng ” với cả bức tượng hình Chúa Jesus gắn trên vách lớn căn nhà, cụ bà mẹ chú, chú và toàn bộ gia đình, không thiếu một ai …quây quần nơi xóm đạo mới .
Cả nhà vui vẻ ra gọi là ” chào đón ” chúng tôi, cầu xin cho cá nhân tôi và gia đình sớm được bình an trong ơn Chúa .
Bữa ăn trưa với đầy đủ gà vịt nấu như ăn cỗ, đặc biệt là không phải một liễn nhỏ, mà một thúng rượu nếp làm theo kiểu Bắc kỳ xưa, gạo nếp sụng tức say, thơm ngát, được bới ra mỗi người một chén để tráng miệng, mới …giang hồ khí cốt chứ .
Qua cỗ bàn rồi, giờ đi vào thực tế, cựu hạ sĩ I Bảo ngập ngừng nói là, nếu gia đình tôi không quản ngại …lầm than một chút, thì xin mời chị cùng các cháu tạm nhờ Cha, nhận một khoảnh đất trong vùng, rồi canh tác, chăn nuôi, không lâu, sẽ có một cơ ngơi tương đối, bằng hoặc có khi hơn nhà chú ấy nữa.
Thoáng thấy nhà văn Thế Phong mỉm cười vẻ hơi châm biếm, có lẽ ông nghĩ tới sự đổi thay 180 độ đối với tôi, đã mất hết nhà cửa, tiền tài, địa vị, giờ còn chút thể diện nhân thân cũng lu mờ …
Nhưng tôi vốn từng trải công tác xã hội quá rồi, chạnh nghĩ mình cũng có là quái gì mà chê bai hoàn cảnh trước mặt, nên tôi vui vẻ trả lời :
” Mới ra khỏi trại cải tạo thôi , hãy để nghỉ ngơi một chút, mai mốt nếu cần, sẽ lên nhờ chú dẫn đi gặp Cha .
Trên đường về, chúng tôi tự động đi gặp Cha ở nhà thờ X. Trảng Bom .
Cha hân hoan ghi nhận điều thăm hỏi, và đồng thời khuyến khích tôi nên xây dựng Đức tin vững vàng, để cùng con cái được hưởng ân sủng Thiên Chúa ban cho .
Cha nói nội khu rẫy Trảng Bom có tới 3 nhà thờ vì mỗi khu làng tân lập đông đúc dân chúa, chưa có Cha khác về thêm, nên Cha phải đi làm Lễ cho cả 3 nhà thờ, thay phiên giờ, bằng xe đạp …mỗi sáng Chúa Nhật .
Trong câu chuyện,có một điều tôi nhớ nhất,
là khi tôi hỏi thăm Cha :
“Thưa Cha, có thoải mái trong sinh hoạt mới không ? Chế độ rao giảng không như ngày xưa”.
Cha ngẫm nghĩ:” Chế độ rao giảng sao lại thay đổi, tất cả mọi chuyện đều là phương tiện thôi, cứu cánh ấy là Chúa Trời mà”.
Nên, đôi khi tôn giáo phải bao trùm tất cả, chính trị chỉ là một phần …nghiệp tu, những bậc chân tu không cần phải đề phòng, mà vâng lời Chúa trong mọi hoàn cảnh …
Tôi ngập ngừng : Thưa Cha , kể cả …
Cha cười hồn nhiên , nhưng quả cảm …kể cả sự chết .
CAO MỴ NHÂN