Văn

Cây Đắng Nở Hoa – truyện ngắn

Cây Đắng Nở Hoa

Thế Giang

… Từ giờ cho tới trung tuần tháng Mười, bác sẽ có hai, ba dịp được rượu chè, đãi đằng… đầu tháng Mười Một sẽ có tin vui thật lớn. Tin nầy sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc đời bác… Bệnh nặng nhưng sẽ qua đựợc, không lo, số bác được nhờ con cái…

– Tháng Mười ta hay tây?

Người đàn ông trạc ngoài 50 bồn chồn hỏi.

– Tháng Mười dương, tôi bói bài Tây nên nói theo dương lịch.

– Như vậy có nghĩa trong tuần tới nầy?

– Vâng, bài nó hiện lên như vậy. Bác còn muốn hỏi chuyện gì nữa không?

Người đàn bà mặc áo cánh trắng hơi khó đoán tuổi, có vẻ dân kẻ chợ, ngồi xếp chân vòng tròn trên cái phản độc nhất trong căn nhà lá xốc lại cỗ bài. Người đàn ông tần ngần dấp nước bọt vào ngón tay để rút tiếp con bài cái: “Được uống rượu thì đúng rồi, trong tháng nầy làng có đám giỗ của ông Cả Hương, ông Thuận cuối xóm mới “đi” năm ngoái… Còn ai nữa nhỉ? Đám liệt sĩ chống Mỹ thì cha mẹ, vợ con túng thiếu đã thôi giỗ từ hai, ba năm nay… À, còn thím Tuất xóm Gạch, chồng mới chết bên Kăm-phu-chi-a…thảo nào mà mình không nhớ, chứ cả năm có ngần ấy dịp để uống rượu mà quên sao được.”

– Đây nầy, tôi nói có sai đâu, thế nào rồi con ách rô cũng hiện ra mà. Cam đoan trong tháng nầy sẽ có tin vui lớn…, từ con cái và tài lộc còn vượng phát nữa.

Người đàn ông nhấp nhổm người trên phản, chiếc quần đùi đã tụt xuống dưới rốn để lộ ra cái bụng răn reo. Chùi tay vào manh vải độc nhất trên người đó, ông táy máy sờ vào con bài đỏ nằm bên con bản mệnh của mình.

– Phỉnh người già là mang tội lắm đấy, không lẽ tháng nầy thằng Sơn nó gửi quà cho tôi. Tháng vừa rồi nhận thư nghe nó than ở bên Nga cũng túng thiếu lắm, tiền học bổng mua sách học còn không đủ nữa là…

– Cái nhà bác nầy, nói thế mà nghe được à, bài nó nói sao thì tôi nói vậy chứ ăn tiền ăn bạc gì của nhà bác mà tôi nói sai nói quàng?

– Ý bà muốn chê mấy buồng chuối của tôi đắt không muốn mua nên tưởng tượng ra như vậy chứ gì?

– Trời Phật ơi! Bác ăn nói như vậy không sợ Trời vật hay sao? Thuận mua vừa bán, làng nầy thiếu gì chuối mà tôi phải đi ép uổng bác cơ chứ?

Người đàn ông còn chưa yên tâm nên thử tiếp:– Ý bà muốn bao nhiêu?

– Thì vẫn như hồi đầu tôi mà cả với bác ấy. Cái chuyện “mua non” chuối nầy tôi cũng không muốn lắm đâu, nó thất đức làm sao ấy mà nhỡ ra xấu trời là mất sạch vốn.

– Ấy ấy, sao bà lại nói thế, tôi có dám nghĩ gì đâu… mà bà vẫn mua đấy chứ?

– Tôi mua là để giúp bác, lãi lời là bao nhiêu… mà số bác cũng khá tới nơi rồi…

– Vị chi tất cả là bảy buồng, nhân cho 18 là 126 đồng. Bà có mang theo tiền không?

Sợ kéo dài thêm, bà hàng chuối sẽ đổi ý nên người đàn ông vội kết thúc câu chuyện.

Người đàn ông vừa nhẩm tính trong đầu: bốn cân gạo nhân cho 20 là tám chục đồng, hai cút rượu 16 đồng, số còn lại mua nửa cân lạc về nhấm và rang mặn để ăn dần. Phải rồi, mua gạo ngay chứ chần chừ, nấn ná là mình lại uống rượu hết. Mình khô mép cũng lâu rồi, hai cút không biết có đủ cho hai bữa không. Trời hôm nay mát uống rượu sẽ ngon lắm đây.

Bữa giỗ năm nay bà cả Hương làm thật linh đình. Ngay từ sáng hôm qua đứa con dâu đã đạp xe lên tận chợ huyện để mua thịt lợn và đậu phụ. Chợ làng thường chỉ có lợn nhỏ và bệnh nên người ta mới giết. Tuy vậy bà cũng gióng giả với làng nước rằng sẽ mua vét cho hết nếu ai ra sau 8 giờ sáng.Ông bí thư xã nghe thấy vậy ngứa tai lắm, nhất là khi vợ rỉa rói đay nghiến làm sao ông lại để yên chuyện hủ lậu giỗ gả nầy trong địa hạt cai quản của mình, định bụng sẽ triệu tập dân làng họp về nếp sống văn minh, lành mạnh và tiết kiệm vào ngay tối hôm trước ngày giỗ để ngăn chặn.Nhưng bà cả Hương thật khéo lo xa, khi cái công văn mời họp còn thảo dở để trên bàn thì bà đã xởi lởi chui vào cổng nhà ông, tay xách cái thủ lợn được bọc kín trong mấy lớp lá chuối. Chị vợ hít mùi máu lợn liền nháy mắt cho chồng. Ông hiểu ý nên lỉnh qua bên Văn hóa thông tin xã cho các bà tiện nói chuyện.

Không khí giỗ chạp rạo rực đến từng nhà. Các lão ông lo lắng không biết bà quả phụ ông cố chủ nhiệm hợp tác xã mua rượu ở đâu. Rượu của làng này nấu thì tệ lắm, chua loen loét mà uống mãi vẫn chưa ngọt được cuống họng. Đám trẻ con băn khoăn về chỗ ngồi của chúng. Năm ngoái cô con dâu trưởng của bà Hương đã lùa tất cả xuống bếp, mà mâm trẻ con thì thiếu đủ các món nên chúng vừa ăn vừa tranh thủ nhét xôi nhét thịt vào túi áo.

Lát nữa khi những đứa dại khờ còn đang thòm thèm đứng mút tay nhìn lén qua khe cửa xem người lớn uống rượu thì chúng thong thả kéo nhau ra đình, vừa đi vừa nhấm nháp chỗ xôi thịt vừa thủ được.

– Nhớ mời bằng được bác Đặng con nhé. Tội nghiệp cái ông nhạc sĩ lỡ thời, cho ông ấy một hai cút rượu vào là chuyện trò rôm rả, nổi đình nổi đám. Thật bốn thằng mõ ngày xưa pha trò không bằng một mình bác ấy. Cái chân giò u cất trong khạp gạo lát nữa nhớ gói về cho bác. Cấm quân bay không được phạm vào!

Cô con gái phàn nàn rằng vụ cà chua, khoai tây năm nay chưa chắc được mùa, u làm giỗ tốn kém quá, khéo không kéo lại được.

Bà Hương cười mát giảng giải cho con gái:

– Quân bay nông cạn lắm; một vốn bốn lời, tao làm bữa giỗ nầy đấm mõm cả làng, đến kỳ đại hội xã viên tới chúng nó sẽ dồn phiếu cho anh cả mày vào chức chủ nhiệm hợp tác xã. Nhìn đấy, cơ nghiệp nhà nầy tạo nên chỉ trong ba năm thầy mày làm chủ nhiệm đó thôi.

Tuy được u giải thích như vậy, song đám đàn bà trong nhà vẫn thông mưu với nhau cùng giấu bớt rượu thịt.

– Rước cụ xơi rượu…

– Vâng bác cứ để mặc em… hình như mâm ta còn thiếu món giò bò?

Ông Mưu “lác” buông đũa nhỏm người nhìn qua bên cạnh, nơi các ông bí thư, chủ tịch, công an xã đã bắt đầu từ trước đó nửa giờ.

– Giò bò chỉ cho các chức sắc thôi, cánh ta xơi tạm giò thủ vậy. Kìa, còn có cả ông Huyện đội nữa nầy… Thằng con trai út bà Hương đợt nghĩa vụ quân sự nầy được hoãn… hèn gì mà có giò bò…

Nhưng rồi thì đám mâm thấp vế cũng cho qua đi cơn ganh tị. Đĩa thịt lợn luộc ngộn mỡ, đĩa cá trôi rán nguyên con đang mở mắt nhìn chòng chọc thế kia thì bố ai mà lo nghĩ chuyện xa xôi cho được.

Khi tiệc rượu vừa lên đến cao trào, tiếng mời rượu, tiếng gọi món ăn và tăng tẳng đâu đây tiếng đàn miệng đang đi dạo cho khúc quan họ thì cô con gái bà Hương tay bưng bát canh miến nóng hỏi vọng từ ngoài sân, lướt qua mấy chục cài đầu người đang nhấp nhô lượn sóng:

– Có ai là ông Đặng Đình Hưng ở đây không? Ra có người cần gặp.

– Hưng nào. Đặng Đình Hưng nào? Làng nầy làm gì có ai tên Đặng Đình Hưng?

Có tiếng người thắc mắc hỏi lại:

– Đặng Đình Hưng phải không? Đúng rồi, cái nhà bác nhạc sĩ Đặng ở ven đê đó.

Ông công an xã xác nhận lại.

– Mà ai cần gặp? Ông hỏi tới.

– Cháu không rõ, họ đi xe Volga từ Hà Nội về đang đỗ chờ ngoài đình làng đấy.

– Xe Volga hả? Thôi thế thì đúng rồi, thằng cháu trai tôi đang làm lái xe cho ông Bộ trưởng nên đánh xe về làng đấy.

Ông Tươi “ba toác” đặt mạnh chén rượu xuống, ẵm vội cái tin đáng hãnh diện đó vào lòng.

– Ai! Ai? Cái thằng Toan lại rước “các ông” về đấy à? Thôi chết tôi rồi, nhà còn mỗi con gà mái đẻ, thịt nốt thì lấy ai mà ấp trứng…?

Bà vợ ông Tươi đang vừa cho con bú vừa vê nắm xôi thất thanh hỏi: Xe Volga màu gì?

Ông bí thư xã cài vội cái khuy áo ngực,vuốt lại mái tóc, cắt ngang lời bà:

– Có phải xe màu đen không?

– Vâng, xe màu đen ông ạ.

Cô con gái bà Hương xác nhận lại.

– Bỏ mẹ rồi, ông bí thư tỉnh uỷ chứ không phải ai đâu… mà có đúng xe màu đen không hay mày nhầm với màu xanh đậm?

– Cháu nhìn phớt qua nên không chắc lắm.

– Đám thanh niên đâu rồi?

– Chi đoàn xã sáng nay đi hội diễn văn nghệ trên huyện chiều mới về.

Có ai đó nhanh nhảu báo cáo.

– Gọi ngay cho tôi đám dân quân!

– Chúng nó còn đang uống rượu.

– Rượu với chè cái gì, bố chúng nó về thăm mà chúng nó còn rung đùi ngồi uống à? Nổi kẻng báo động chiến đấu cấp một lên cho tao!

Đám trai làng lầm bầm chửi, song vẫn lốc nhốc đứng dậy.

– Chia làm hai cánh, một xuống ao hợp tác xã đánh mươi cân cá. Chỉ lấy cá chép trên một ký thôi nghe không. Cánh còn lại vào “vườn cây nhớ ơn Bác” hái hai xọt cam về đây. Mẹ tiên sư, về mà không báo trước hai ba hôm cho người ta kịp chuẩn bị.

– Ao hợp tác xã tát hết vào tuần trước rồi, chả còn gì đâu mà bắt.

Anh xã đội trưởng làu bàu.

– Xuống ao cá bác Hồ!

– Ao đó “bác” dặn chỉ để cho gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng.

– Ông bí thư tỉnh uỷ không đẻ ra cả cách mạng ấy à. Quân bay có muốn chết cả lũ không? Ông mà chết thì chúng mầy cũng chết!

Khi kẻng báo động vừa khua vang ngoài đầu xóm thì hai người khách lạ đã thập thò trước sân.

– Chúng tôi muốn gặp ông Đặng Đình Hưng…

– À, ra thế là các ông; các ông muốn gặp ông Đặng? Các ông là ai? Gặp có việc gì?

Ông công an xã đưa mắt nhìn ông bí thư thở phào rồi xoi mói nhìn khách.

– Chúng tôi ở trên Bộ Văn Hoá về gặp ông ấy có chút việc riêng.

– Việc riêng không thể nói ra đây được à?

– Tôi là Huy Du, bí thư đảng đoàn Hội nhạc sĩ, yêu cầu ông mời hộ ông Hưng ra cho chúng tôi nói chuyện!

– Dạ… dạ, bác Hưng ngồi ở góc kia…, đó ông có nhìn thấy không? Thôi để tôi vào gọi hộ cho.

Vừa thoáng nghe đến cái tên Huy Du. ông Hưng đã xây xẩm mặt mày. Bao nhiêu rượu uống từ đầu bữa tới giờ toát hết hơi lạnh sau gáy. Nhè miếng giò đang nhai dở trong miệng vào bát, ông ngồi thừ ra lo nghĩ. Ông công an xã sốt ruột bèn xốc nách ông đứng dậy.Chân nam đá chân xiêu, quên cả xỏ guốc, ông lảo đảo vịn vai đám khách đang ngồi bệt dưới đất lần ra ngoài. Huy Du cái tên gợi lại cho ông những hình ảnh đấu tố của Bộ Văn hoá 20 năm về trước. Huy Du, bạn ông; Huy Du, người ngưỡng mộ ông; Huy Du đầu thú; Huy Du thủ trưởng; Huy Du, người phát động đấu tố Nhân Văn Giai Phẩm; Huy Du, cơn ác mộng của nửa đời ông… và bây giờ Huy Du lại về đây…

Ông còn lúng túng chưa biết xưng hô làm sao thì hắn ta đã ào tới ôm lấy vai, nụ cười gắn sẵn trên môi.

– Sao có khoẻ không Hưng? Bệnh tật vậy mà vẫn còn sức uống rượu à?

Ông cảm thấy nhột nhạt và lo sợ về cử chỉ thân mật bất ngờ nầy. Đã bao lần người ta êm ái, ân cần, nhân danh sự giúp đỡ khuyên vợ ông bỏ ông… và đẩy ông vào tù.

– Nghe tin cậu bị ung thư anh em rất lo. Hôm qua anh Trần Độ điện thoại hỏi thăm và yêu cầu mình về đón cậu đi nhà thương. Anh ấy nhường cả chiếc xe Volga thường ngày đi làm để cho cậu đấy.

Chúng nó vẫn để ý theo dõi mình? Vẫn chưa buông tha… sao chúng nó biết mình ung thư?

– Đời sống dễ chịu không? Chắc cũng khó khăn nhiều phải không? Nhưng giờ thì khá rồi! Cậu biết không, tay đại sứ của mình từ Ba Lan vừa điện về nhà xin ý kiến nên chuyển 30.000 đô-la tiền thưởng vào Ban tiếp nhận viện trợ trung ương hay chuyển vào ngân quỹ của sứ quán. Tụi mình chạy vội lên ông Phạm Văn Đồng xin giúp đỡ… Và thế là Thủ tướng ký lệnh trả lại cho thằng bé số tiền đó.

– Tiền gì? Thằng bé nào…?

– Thì thằng Sơn nhà cậu ấy. Cậu chưa biết chuyện gì xảy ra à? Thằng Sơn giật giải nhất thi Chopin ở Vác-sa-va ba ngày nay, báo chí đài phát thanh phát ầm lên mà cậu không hay sao?

– Tôi có cái đài cái đóm nào đâu mà biết… Sao? Nó đoạt giải nhất Chopin à?

– Ồ… ở đây sao người ta lại lười đọc báo, nghe đài quá! Các địa phương chả bao giờ nắm vững tình hình được…

Ông đã bắt đầu yên tâm với chiều hướng của câu chuyện, nhưng lòng vẫn còn bán tín bán nghi.

– Được ba ngày rồi à? Thế lúc nầy cháu nó ở đâu?

– Hiện cháu đã về lại Nga rồi. Nửa tháng nữa sẽ nghỉ phép về thăm nhà.

– Về Hà Nội à?

– Ừ, về Hà Nội. Sao? Cậu thấy trong người thế nào? Phải thu xếp lên ngay Hà Nội ngay bây giờ, tớ đã liên hệ với bệnh viện K, họ hứa sẽ thu xếp ngay cho cậu một chỗ nằm.

– Chả hy vọng gì đâu, xin cứ để tôi được yên ở đây. Cái bệnh nầy giỏi lắm cũng chỉ năm sáu tháng nữa là cùng, mà đừng có đụng dao kéo gì tới thì mới được…

– Cậu bệnh nầy lâu chưa?

– Nửa năm nay rồi…

– Bậy thật, thế mà chúng tớ có biết gì đâu, mãi đến hôm kia Thủ tướng điện hỏi thăm xem thằng Sơn là ai, cha mẹ nó làm gì v.v… tụi mình mới hay.

Họ sánh vai nhau đi trên đường làng. Huy Du ôm riết lấy vai ông bạn cũ, thỉnh thoảng lại ghé tai nói nhỏ điều gì rồi cười lên rinh rích. Những lúc đó, ông Hưng dừng lại, chờ cơn cười của Huy Du qua đi, hai bàn chân đi đất gãi gãi vào nhau cho đỡ ngứa rồi đi tiếp.

– Đi đây, rẽ đây… đường làng chật quá, tớ phải cho lái xe đỗ tuốt ngoài đầu đình… cậu đi đâu vậy? Tớ nhận được chỉ thị của anh Trần Độ là phải đưa cậu lên Hà Nội ngay lập tức!

– Cho tôi về nhà cái đã… còn nửa cút rượu uống dở giắt trong vách nhà… mà tôi bỏ quên đôi guốc ở đâu rồi?

– Lấy rượu thôi nhé… đồ đạc không cần, lên Hà Nội lấy quần áo của tớ mặc cho nó tươm tất một chút…

***

Gió Thu lờ lững vờn quanh dẫy nhà hai tầng quét vôi mầu vàng. Hàng sấu già mọc giăng hàng trước cửa đài phát thanh sướng run lên vì được vuốt ve.

Mở toang cửa sổ của văn phòng điều trị, ông Hưng vươn cổ uống lấy từng cơn gió. Bữa cơm chiều ba món nấu đơn giản nhưng đầy chất lượng của bệnh viện dành cho những con người tuyệt đường sinh lộ đang óc ách trăn trở trong bụng ông. Ăn uống kham khổ lâu ngày đã quen bỗng dưng từng khối thịt cá như đạn trái phá nã thẳng vào dạ dầy đâm ra hỏng bét hết cả. May mà ông nghe lời bác sĩ không ăn thêm món thịt ngỗng quay không biết của ai mua ở phố Hàng Buồm gửi vào. Quà cáp thật nhiều, của người quen có, của những cái tên lạ hoắc cũng có.

Sau cái trò Phạm Tuân lên vũ trụ, giờ lại tới tin con trai ông trở thành đệ nhất dương cầm thế giới đang gây dư luận sôi nổi trong cả nước. Quán rượu, quán cà phê, nước trà, đang khi chen chúc nhau trên xe buýt, người ta kháo nhau về cái tin bất ngờ đó. Nhiều gã thanh niên sau khi thêm thắt một vài chi tiết chung quanh cuộc thi rồi xuống giọng trầm buồn kể về cuộc đời gian truân đầy éo le của bố nó 

– Tôi vẫn thường uống rượu với ông Đặng Đình Hưng mà! – Một chi tiết đáng giá bảo đảm cho sự quen biết đối với bậc danh nhân. Ngay cả đến ông hàng xóm thật, hồi mà thiên tài của thằng Sơn còn mong manh trong vỏ trứng, đã một ngày hai bận sang đấm cửa nhà nó yêu cầu câm ngay cái âm thanh không thích hợp với rau muống, chuyện đấu đá ở cơ quan, để cho ông được yên tĩnh, cũng ngậm ngùi oán trách sự ngược đãi của chế độ đối với nhân tài.

Thôi cũng chả sao; bất mãn đang là cái mốt của người Hà Nội mà. Giới văn nghệ sĩ thì sung sướng ra mặt. Gặp nhau ngoài đường anh nào anh nấy mặt mũi tưng tửng làm như mình là người đoạt giải vậy. Xưa nay vốn bị coi khinh bạc, bị coi như một thứ xướng ca, mõ làng cho đảng giờ cũng đẻ ra được một cái gì, y như nàng thứ phi bỗng dưng sinh hạ cho chúa thượng một đấng con trai bèn lên mặt với đám thê thiếp. Cái đất nước quá nghèo nầy suốt đời ngửa cổ chờ đón tin trúng số độc đắc và những phen có dầu… hụt của tổng cục dầu khí, giờ đang nở mặt nở mày với thế giới.

Nhưng “Trung Ương” thì không được hài lòng lắm. Thật là một cú bất ngờ, xưa nay đã trót kìm kẹp đè nén khiến bao tài năng bị sinh non đẻ bậy, giờ lại phải ngậm đắng nuốt cay ẵm ngửa một cuộc đời đã thoát khỏi quỹ đạo của đảng bay ra ngoài giao du với thế giới. Việc nhọc lòng đầu tiên là ông Phạm Hùng buộc phải ký lệnh hết hiệu lực cái án phát vãng lưu vong cho ông bố thằng Sơn. Thứ đến là Sở quản lý nhà đất phải lo cho ông cái buồng để ở. Rồi đây, khi quan trên trông xuống, người ta trông vào, gia đình nó cũng phải có một chỗ trú thân cho tươm tất. Giới lãnh đạo văn nghệ lại phải lựa lời để thay đổi cách xưng hô. 

“Tên đồ tể Đặng Đình Hưng” (?) không hiểu ông nhạc sĩ Huy Du, bí thư đảng đoàn Hội Nhạc Sĩ lấy đâu ra lòng căm giận để nguyền rủa người bạn thân, kẻ đã can tội nhỏ nước mắt cho những oan hồn cải cách ruộng đất mà khi đó chính ông ta cũng là thành viên của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Và cũng chính ông Huy Du nầy, khi thằng Sơn đã học hết những cái gì có được của trường nhạc Việt Nam bèn lên giọng lập trường quan điểm đe bác bỏ đề nghị gửi nó đi Nga học. May mà có dịp ông Na-ta-xon, giáo sư dương cầm Nga, ghé Hà Nội, giữa rừng âm thanh bát nháo, ông đã lọc ra tiếng đàn thằng Sơn. Nhưng ba năm liền Hà Nội vẫn lì ra với lời yêu cầu gửi thẳng nó qua cho ông dạy. Đến độ ông nổi cáu, sát hạch lại trình độ tất cả học sinh được gửi sang, đuổi về một mớ và dọa sẽ đuổi tất cả nếu không cho thằng Sơn đi. Bị dồn vào bước đường cùng nên anh đội cẩm Huy Du đành duyệt cho qua lý lịch của nó.

“… Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vac-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-ta-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ… 

Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình, mà Việt Nam thì không có – Con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp đươc Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”

Ông hiểu con ông như hiểu chính mình. Nó vẫn cô đơn và đầy dũng cảm như cha nó. Nhưng ngôi sao bản mệnh của nó vững hơn nên đi hết được con đường ông đã dắt nó vào và bỏ dở. Buông rơi lá thư tay nóng hổi của con trai gửi về, ông liếc mắt xuống tờ báo Nhân Dân: 

“Công-cua Sô Phanh – Công-cua gốc mít.” 

Hàng tít lớn chạy dài cắt ngang tờ báo – “…Đặng Thái Sơn, tiếng đàn vọng lên từ những căn hầm trú ẩn. Tiếng đàn bay cao hơn tiếng bom Mỹ nổ. Tiếng đàn vọng lên từ dưới những gốc mít của các trại sơ tán của trường nhạc Việt Nam. Đặng Thái Sơn, những nỗi đau của một dân tộc đấu tranh đòi độc lập…”. 

Cái thằng Thép Mới nầy “rỉ” quá rồi. Thi sĩ Tố Hữu vừa dồn hết cảm hứng cho Phạm Tuân vào vũ trụ nên chưa lấy lại được hơi sức. Cũng may! Ông nhớ lại hình ảnh của những đứa trẻ con đá bóng trên đường phố trong đêm khuya, từng bầy công an bịt chặt các ngã đường – như đánh trận – để đuổi bắt chúng. Những đứa trẻ ở trần mồ hôi trơn láng, khó bắt thì ngáng chân! Rồi mai đây khi những đứa bé gẫy răng, đổ máu đầu để nứt đất chui lên thành Thế Anh, Cao Cường v.v… (hai cầu thủ nổi tiếng) thì con mẹ mìn đó lại ẵm vội vào lòng. “Nhờ sự quan tâm vun trồng của đảng!”…

Ông thấy thương con ông, ông thương những đứa trẻ. Nó chỉ có một con đường, cắm đầu mà đi, đằng sau không có lối về. Khi đụng đến bức tường cuối đường thì úp mặt vào, đợi tiếng lên đạn…

Nhưng lần nầy thì đạn nổ ngược, nó đã nhảy bật qua khỏi bức tường bay thoát ra thế giới bên ngoài. Ông nhẩm đếm những xác người đã ngã gục dưới bức tường đó. Trần Dần, Phan Khôi… những Đoàn Phú Tứ lẩn thẩn suốt đời đi dép lệch, những Lê Đạt lầm lũi chui trong đêm như con cóc, người quen gặp không dám chào vì sợ liên luỵ, những thằng họa sĩ sau khi buộc lòng học nghề thợ mộc trong tù nhìn bàn tay phế thải cứng như thợ đóng cối của mình mà trào nước mắt… Còn biết bao nhiêu cuộc đời bị rút phép thông-công đẩy vào bóng tối như mình?

Ông nhớ lại những trại nuôi bò mà người ta đã lùa ông và bạn bè ông lên đó để “lấy lại tình thương, lập trường giai cấp từ những con vật!…”. Để Văn Cao bây giờ suốt ngày đi ngoài đường thơ thẩn như con bò. Còn Hoàng Cầm nữa, nó yêu từ gốc rạ toả hơi ấm sớm mai, ngơ ngẩn hỏi “lá diêu bông” ở đâu… chứng nào vẫn tật nấy, còn ngứa ngáy với thơ thì lại rũ xương trong tù mà thôi.

Khuôn mặt vợ ông từ từ hiện lên. Nàng vẫn sống mà ông như nhớ về người đã chết. Hơn chục năm rồi không gặp lại kể từ lần cuối ra toà li dị. Tất cả đã đổ vỡ, đổ vỡ từ nàng Thái Thị Liên đẹp mơ mộng, có tiếng đàn lãng mạn như tình yêu đối với ông. Người ta không thể chịu được bà trưởng hệ Piano lại là vợ của “thằng Nhân Văn Giai Phẩm.” Nàng cũng không thể chịu được con người ngày hôm qua còn là đấng tao nhân hào hoa phong nhã ngước mắt nhìn trời là nhạc ý tuôn theo mây, nay thành kẻ phẫn chí nát rượu. Con cái nàng không thể ngóc đầu lên được nếu ngày nào còn là con “thằng Nhân Văn Giai Phẩm…”. Và ông đành gạt nước mắt chia tay vợ ở tòa án rúc về xó quê hẻo lành đợi tuổi già đến khuân đi. Nghĩ đến, ông vẫn còn tủi giận. Ông vẫn còn yêu, hằng đêm ông vẫn còn nhớ. Nhưng trời đày làm sao để những con người xa thì nhớ thương mà lại gần thì thấy ghét. Một cơn ho xé phổi kéo giật ông xuống giường. Người nữ y tá trực vội xô cửa chạy vào.

– Ông lại uống rượu phải không?

– Không, tôi có uống nữa đâu, có lẽ tại lạnh, làm ơn đóng hộ cái cửa sổ.

Ông cố giơ tay chỉ ra phía sau mình.

– Ông tệ lắm, cấm thế nào vẫn lén uống. Ông Huy Du đã chỉ cho chúng tôi mánh khoé giấu rượu của ông mà vẫn không sao ngăn được.

Có tiếng lao xao trò chuyện ngoài hành lang.

– Tôi chỉ vào năm phút thôi, tôi là cháu họ của ông ấy mà…

Anh đó cố vật nài.

– Đã bảo không được là không được mà!

Tiếng đàn ông xẵng giọng đáp lại.

– … Tôi đã nói với các người rất nhiều lần rồi, người bệnh cần được tĩnh dưỡng. Yêu cầu 4 giờ rưỡi chiều mai trở lại!

Ông nhận ra giọng nói của nhạc sĩ Huy Du. 

– Cái thằng nầy thật lắm nghề, khi méo khi tròn, nó định làm bầu gánh hát cho cha con nhà nầy hay sao vậy? –. Cô y tá vừa khép cánh cửa lại là ông vùng dậy liền. Ngắm nghía bộ quần áo của Huy Du đưa, ông tắc lưỡi rồi trút bỏ bộ đồ bệnh nhân, mặc nó vào. Tụt người khỏi bệ cửa sổ, ông bò xuống đường. Khi chân vừa chấm đất thì chợt vang lên một hồi kẻng. Ông giật mình đứng sững người lại để định thần. À, hoá ra tiếng kẻng đổi gác của hỏa lò Hà Nội. Nháy mắt với chú công an đang bồng súng trợn mắt nhìn mình trong chấn song sắt, ông đi cứ như chạy đến quán rượu của Hoàng Cầm.

– Thằng Sơn nó về là mình có quyền xoá tên trong “sổ thiên tào” của ông bạn vàng rồi. Tiên sư nó, mỗi lần ghi nợ mình là nó xướng to lên cho vợ nghe thấy rồi lẳng lặng dúi thêm cho nửa lít mang về.

Thế Giang

( Nguồn: Trích từ CÂY ĐẮNG NỞ HOA trong tập truyện ngắn Thằng Người Có Đuôi; Nhà xuất bản Người Việt, 1987).

Image may contain: 2 people, people sitting
Văn Cao và Đặng Đình Hưng