Âm Nhạc

Ca Khúc TIẾNG LÒNG – Thơ Trúc Tiên – Nhạc Văn Duy Tùng – Ca sĩ Tuyết Mai

Quý Vị và Các Bạn thân mến,


Đã là “Tiếng lòng” thì làm sao ta nghe được, phải không. Tuy nhiên chúng ta tin rằng, đó là tiếng nói trung thật nhất từ trong sâu thẳm của con người.


Nghệ sĩ Trúc Tiên đã nói thay cho nhiều phụ nữ qua bài thơ Tiếng Lòng dưới đây mà cô đã trăn trở mạnh dạn viết lên. Đó là những tiếng than thở của những người vợ, những người tình, những người con gái bao năm bên cạnh người chồng, người yêu bằng một ngôn ngữ thầm lặng, âm ỉ kéo dài bao năm tháng. Ngôn ngữ ấy chỉ thốt lên một mình trong đêm khuya vắng lặng, những lúc cô đơn trống trải, những lúc hờn giận xót xa…, và cuối cùng chỉ biết chấp nhận, tủi thân cho thân phận liễu yếu đào tơ. Vì thật ra không phải phụ nữ nào khi lấy chồng cũng hạnh phúc ấm êm, cũng trên thuận dưới hòa, cũng giàu sang phú quý, nhà cao cửa rộng, cũng quyền quý cao sang hay mệnh phụ phu nhân… 


Biết bao cảnh đời trái ngang mà người phụ nữ hứng chịu mà ta biết được trong cuộc sống của đời thường. Thế nhưng, họ an phận chấp nhận hy sinh qua năm tháng..


Hãy đọc một vài câu trích đoạn trong bài thơ Tiếng Lòng sau đây :
Đâu có khóc mà sao nước mắt rơiNửa đời người vẫn còn khóc như trẻ thơ
Đâu có nhớ mà sao tim mong đợiĐêm đã về nhưng hình như còn thiếuNgày đã qua nhưng ngày vẫn chưa đầy.V,v…


Quả vậy. Nỗi đau của con người cao độ nhất là chính khi biết mình không còn cảm giác đau ! Không còn cảm giác đau, nhưng tim thì lại rỉ máu. Rỉ máu để rồi âm ỉ cứa vào tâm thức theo từng ngày tháng. Có những cặp vợ chồng cùng chung mái nhà, cùng một lối đi, nhưng không cùng một hướng, mỗi người một cõi riêng. Lòng băng giá, hồn tái tê…  Đồng sàng thì có, nhưng lại dị mộng. Tuy cùng giường, cùng chăn chiếu, nhưng con tim thì trật nhịp. Cũng không thiếu nhiều người vì bộ mặt, vì địa vị, vì sĩ diện… nên họ cố đóng cho trọn một vai kịch của một cuốn phim, hay rán bước cho hết một đoạn đường.


Đâu có vỡ mà như thấy nát tanĐâu có mất mà sao tìm không gặpÂn ái xưa thầm kín lạc nơi nàoTình ở đâu, sao tình mãi âm thầm


Xót thương thân phận bọt bèo của người con gái nên các cụ xưa kia là những người luôn đi bước trước; bởi các cụ đã thấu suốt cái chung cuộc nơi cuộc đời của họ. Như là lời an ủi cho thân phận người con gái, các cụ mới có câu nói ẩn dụ mà nay đã trở thành câu thành ngữ của người VN để ví người con gái, rằng : “Con gái 12 bến nước…” 


Thưa bạn, Có phũ phàng quá khi ví như thế không ? Truyền thống và văn hóa người VN hôm nay có còn duy trì tư tưởng này chăng ? 


Ví rằng : “Con gái 12 bến nước” nghĩa là làm Thân con gái như chiếc đò; khi thì gặp bến nước trong, lúc mắc…. kẹt bến nước đục. Hôm nay đưa người tốt, mai người xấu, và cuối cùng an phận rồi …, nhắm mắt đưa chân… may nhờ rủi chịu. 


Ôi, thật xót xa cho thân phận người con gái Việt Nam da vàng ! 
Tôi chợt nghĩ nếu văn hóa VN vẫn cho đây là câu thành ngữ chuẩn mực, thì hỡi các cô gái chưa chồng, hãy nghe lời tôi khuyên và khuyến khích sau đây : là các cô hãy mạnh dạn ngóng trông thêm bến nước thứ 13 nữa đi. Vì biết đâu bến 13 này khấm khá hơn chăng. (Thảo nào hôm nay nhiều con gái VN đua nhau kết hôn người ngoại quốc nhỉ !)


Bài thơ “TIẾNG LÒNG” của Nghệ sĩ Trúc Tiên đã cho tôi “Nghe” và “Cảm” được dù rất giới hạn trong”Cõi lòng” vô tận ấy. Ngoài người nghệ sĩ này, thì âm nhạc có thể… than thở thay cho bài thơ “Tiếng Lòng” mà tôi đề cập ở trên. 


Kính mời Quý Vị và Các Bạn lắng nghe ca khúc Tiếng Lòng để cùng đồng cảm theo Youtube sau đây : https://youtu.be/1IQ4DVM4qoU

Phụ nữ nào có cùng tâm sự và muốn cất cao “Tiếng lòng” của mình cho ông ấy nghe, thì đây là bản Karaoke : https://youtu.be/eUGHy7WnIts


Thơ : Trúc TiênNhạc : Văn Duy TùngTrình bày : Cs. Tuyết Mai


Trân trọng và xin giới thiệu ca khúc mới,

Văn Duy Tùng