Tạp ghi

ẤM TỬ SA

Do Duy Ngoc

LTG

Sáng nay trời đẹp, rảnh rỗi lại thấy trong người sung sức mà không biết làm gì, bèn cầm máy vô Chợ Lớn kiếm vài tấm hình. Ngang qua một tiệm bán đồ gốm sứ Trung Hoa, ghé vô xem chơi. Thấy mấy cái ấm Tử sa, hỏi cô bé bán hàng, cô chẳng biết gì. Tình cờ ông chủ tiệm đi đâu về, hỏi ổng, ông ta cũng chỉ biết lờ mờ. Ông ta bảo ngộ chỉ biết bán hàng thôi, ngộ không biết nhiều về mấy hàng này đâu, nị biết nói cho ngộ nghe với. Tui nói với ổng sơ lược về mấy điều rồi hỏi ổng có chơi facebook không, ông ta bảo có. Tui mới bảo rằng tui có viết một bài về ấm Tử sa, mời ông vào xem. Về nhà, mở Facebook tìm lại bài viết, chắc tại lâu quá, nó trôi đâu mất rồi.   Thôi thì đăng lại lần nữa, xem như giữ trên Facebook cho dễ kiếm.

—————————————————

Ấm Tử Sa dùng chỉ dòng ấm gốm, cụ thể hơn là ấm pha trà được làm từ đất sét Tử Sa, vùng Nghi Hưng thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy từ đầu thời Nhà Tống(thế kỷ X) đã có những bình gốm pha trà được làm từ loại đất sét tử sa hay còn gọi “tử nê”. Theo ghi chép của học giả triều Minh Chu Cao Khởi, thời hoàng đế Chính Đức có một nhà sư ở đền Tử Sa, Nghi Hưng đã nặn những bình trà từ đất sét địa phương, chúng được học giới đương thời ưa thích và danh tiếng bình gốm Tử Sa bắt đầu được biết đến.

Ấm trà tử sa, bên cạnh Kinh kịch, quốc họa thủy mặc và lụa Tô Châu được coi là một trong 4 quốc bảo Trung Hoa trong chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống.

Tử sa được khai thác từ khu mỏ núi Hoàng Long tỉnh Giang Tô. Thời gian thành tạo cách đây khoảng 350 triệu năm, thuộc kỷ Devon đại cổ sinh Paleozoic. Nằm ở phần rìa cổ của nền sông Dương Tử và giao thoa của 3 đới biển, đất và hồ. Khoáng sản đất sét được thành tạo bởi các phần tử sét hạt mịn và các khoáng vật khác được nước và gió đưa đến.

Tử sa, nghĩa đen là cát màu tím, có thành phần khoáng vật gồm quartz, sét, hydromica và hematite. (Wikipedia)

Hương vị có được trong ấm tử sa do thành phần khoáng vi lượng. Nó có trong chất đất, và vì bề mặt không tráng men nên trong quá trình pha trà nó sẽ hoà vào nước. Khác với tinh dầu trà, nó tồn tại lâu bền trong ấm. Lâu dần lớp khoáng sẽ tích tụ lại và làm tăng hương vị của trà.

Khi chọn mua một ấm tử sa, người ta thường chỉ ra mấy chiêu để ta chọn như thả vào chậu nước, ấm phải nổi, nhận ấm xuống, ấm nổi lên không nghiêng, không bung nắp. Cách nữa là bịt lỗ thông hơi trên nắp thì rót sẽ không ra nước. Còn cách nữa là lấy nắp ấm gõ vào quai sẽ phát ra âm thanh như kim loại chạm vào nhau.

Mua một cái ấm tử sa về để uống trà thì nên chọn ấm đơn giản, ít hoa văn rườm rà, miệng rộng để dễ cho trà vào cũng như khi đổ xác trà. Chú ý chọn một chiếc ấm không dễ ngã đổ khi đặt trên bàn, ấm có hình thể cân đối, cầm thấy sướng tay.

Bằng mắt quan sát ta nên chọn ấm có hình dáng thanh thoát, nhìn thích mắt. Các bộ phận như :thân ấm, nắp, miệng, vòi, quai, đáy phải cân đối, liền lạc. Màu sắc đồng đều trong ngoài. Dấu triện của nghệ nhân hay nhà sản xuất nét chữ sắc sảo, đặt cân đối ở trung tâm đáy ấm, theo trục thẳng từ quai sang vòi ấm. Những chiếc ấm đắt tiền thường có thêm dấu triện phụ dưới nắp và quai cầm thật rõ nét. Vòi ấm có thể dài ngắn khác nhau, nhưng quan trọng là khi rót, nước chảy thông, đều và thẳng dòng, không rơi vãi hay đọng giọt nhểu ra ngoài.

Nghe bằng tai, ta đặt ấm lên lòng bàn tay, tay kia cầm nắp ấm khẽ gõ vào quai, tiếng kêu như kim loại chạm vào nhau.

Cầm trên tay ta thấy ấm trơn tru, mịn màng, không tì vết. Nắp và miệng ấm khít khao, vì ấm Tử sa được nung trong lò liên tục 23 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ từ 1.190 – 1.270 độ C (trung bình 1.200 độ C), đòi hỏi tay nghề nghệ nhân phải cao, chất đất phải thật tốt và mịn mới không bị co giãn khi nung. Do tính bào mòn trong quá trình sử dụng, một chiếc ấm dùng càng lâu càng lên nước, không đổi màu, đó mới chính là đặc trưng ưu việt của ấm Tử sa, chứ màu sắc đất không liên quan gì đến chất lượng và công dụng.

Không có ấm Tử sa có mùi thơm, nếu có cũng chỉ do người ta bơm xịt vào vì đất lọc bao lần rồi vào nung, mùi thơm ở đâu mà có.

Sắm cái ấm Tử sa về xài, ta phải biết cách sử dụng và bảo trì nó. Nếu biết cách, sau thời gian dài sử dụng ấm sẽ trở nên sáng ngời, tròn trịa, dày nặng, rắn chắc và tinh khiết…Càng sử dụng, giá trị của ấm càng tăng. Ấm mua về, có người dùng giấy nhám loại nhuyễn thấm nước kỳ cọ mặt trong cho sạch lớp bùn (thời xưa, dùng ngói lợp nhà làm bằng đất đen ở vùng Giang Nam tán thành bột nhuyễn, dùng mấy lớp vải sô bọc lại để chà xát, cọ rửa), sau đó cho ấm vào một nồi nước đun sôi suốt mấy tiếng đồng hồ.

Có người dứt khoát đun sôi ấm như thế trong một nồi trà lớn, để ấm có thể hấp thu chất trà vào các lỗ thông khí kép (khí khổng), loại bỏ mùi của đất.

Uống trà bằng ấm Tử sa cũng như hút thuốc bằng tẩu, nên dùng mỗi loại trà mỗi ấm riêng để giữ được hương vị của mỗi loại trà. Mỗi lần uống xong, khi rửa bộ đồ trà, nên dùng xác trà cũ trong ấm chà xát lên toàn thân ấm, ấm thấm xác trà mà không gây trầy xước, càng chà lâu thân ấm càng đẹp.

Đối với những chiếc ấm cũ bề mặt nứt rạn nhẹ, dùng phương pháp “nước trà dưỡng ấm” có thể khôi phục, những vết nứt rạn sẽ dần dần khít lại, đúng là “tôn cổ xuất tân”.

Cái thú vị của chơi ấm Tử sa là chọn trà cho từng ấm và chọn ấm cho từng loại trà. Chiếc ấm cho ra chén trà ngon lại dùng trà để giữ ấm. Trà và ấm quấn quýt với nhau để cho người thưởng thức chén trà có được một đạo làm cuộc đời thêm đẹp

Viết lại ngày 3.6.2019

DODUYNGOC

Nói thêm:

CÁCH PHA TRÀ KHI DÙNG MỘT ẤM TRÀ MỚI:

Bình trà mới mua về, nên rửa bằng nước nóng. Có người dùng bàn chải đánh răng với kem chà trong và ngoài ấm. Sau đó bỏ vào nồi, đổ nước đun sôi 45 phút. Khi đun nhớ quấn vải quai và vòi cho kỹ, nhớ lót đáy ấm để khỏi bị va đập khi nước sôi. Sau đó, tắt bếp và để nguội. Khi nước nguội, lấy ấm ra rửa lại lần nữa. Cầu kỳ hơn, lại cho ấm vào nồi đun sôi trở lại, mở nắp ấm và cho vào khoảng 3 muỗng loại trà bạn dự định pha với ấm này. Tắt bếp, đậy nắp ấm và hãm trong 30 phút, sau đó đổ hết bã trà và rửa sạch bằng nước ấm. Lặp lại một lần nữa để tăng thêm hương vị trà vào bề mặt ấm trà.

SỬ DỤNG ẤM:

Luôn đổ tràn nước qua miệng ấm khi pha trà, và lau khô ấm bằng vải mềm sẽ làm ấm trà mau chóng có lớp cao trà bóng sáng. Không cọ rửa ấm, chỉ làm sạch bằng nước nóng. Khi bạn muốn đổi loại trà khác thích hợp hơn cho ấm trà, hãy làm lại các bước trước khi sử dụng ấm ở phần trên.

error: Content is protected !!