VĂN: “MÌNH ƠI!” & “THÚ HÓA KIẾP LÀM NGƯỜI” – Hoàng Thị Quỳnh Hoa
MÌNH ƠI!
Đố ai biết hai từ thân thiết dễ thương ni là ai gọi ai, người nữ gọi người nam hay người nam gọi người nữ? Bạn đoán đúng rồi. Người nữ hay người nam đều dùng hai từ ni được để gọi nhau. Nhưng là hai nam nữ đã cưới nhau, thành vợ thành chồng rồi mới dùng hai từ ni được! Mà phải sống với nhau một thời gian dài nữa kìa, đồng cam cọng khổ nhiều năm mới được chứ mới cưới nhau thì không ai dùng hai chữ mình ơi. Chỉ là bồ bịch, dù thân thiết lắm, cũng không dùng được, phải không?
Người Việt may mắn chỉ có một tiếng nói từ Bắc vô Nam, chỉ khác nhau cái giọng thôi. Không như nhiều nơi, trong một nước mà có nhiều ngôn ngữ khác nhau như Ấn Độ, Trung Hoa. Mà không ai biết tại sao mỗi miền lại có giọng nói (accent) khác nhau, là ảnh hưởng của khí hậu, địa dư hay, hay nước uống hay gồm cả ba! Tiếng Việt rất súc tích, phong phú, đa dạng, rõ ràng. Thí dụ người Anh hay Mỹ chỉ có chữ you để chỉ ngôi thứ hai, số ít hay số nhiều thì cũng chỉ một chữ you nghèo nàn! Người Pháp thì có vous, thân mật thì tu cho ngôi thứ hai số ít, còn người Tàu chỉ độc một chữ nị. “Ngộ ái nị” (I love you). Nị hayYou ở đây có thể là người yêu, người cha, người mẹ, người thầy, người bạn, người bà con v.v. Trong khi tiếng Việt ta, để chỉ rõ mối quan hệ giữa mọi người, có rất nhiều từ khác nhau, đôi khi phân biệt từng miền nữa. Nói đến cha mẹ, người Bắc gọi thầy mẹ, thầy u, thầy bu, cậu mợ…. Người Trung gọi cha mẹ, ba mạ, chú mạ, bố mẹ, hay còn gọi bọ mạ. Người Nam gọi ba măng (Việt hóa tiếng Pháp), ba má, tía má (Việt hóa tiếng Hoa)… Để chỉ rõ vai vế của bà con, họ hàng, ta có cả một hệ thống tên gọi bên nội, bên ngoại, bên vợ, bên chồng tràng giang đại hải mà không cách chi dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp được! Lấy một thí dụ, người Bắc gọi anh, chị của cha mẹ và người phối ngẩu của họ là bác để chỉ người vai vế lớn hơn mà không phân biệt bên vợ hay chồng, đàn ông hay đàn bà, hay người ngoại tộc. Chú thím là để chỉ em trai và vợ của cha, cô chú thì là em gái và chồng của cha. Người Trung thì phân biệt nội ngoại. Phái nữ bên nội thì gọi o là chị hay em của cha. Chồng của chị cha thì là bác. Anh hay em trai của mẹ đều là cậu, vợ của cậu là mợ nên khi nghe gọi thì không biết cậu vai lớn hơn hay nhỏ hơn mẹ! Dì để gọi chị hay em gái của mẹ:
Chết cha còn chú,
Chết mẹ thì bú vú dì!
Chồng của dì là dượng. Dường như ngày nay người ta không muốn dùng chữ ‘dượng’ vì chữ ‘dượng’, có nghĩa ngầm không được đẹp vì cũng được dùng để gọi người chồng sau của mẹ. Vợ sau của cha thì là dì ghẻ, hay mẹ ghẻ nhưng chồng sau của mẹ không là cha ghẻ mà là dượng ghẻ, là người dưng không thân thiết chi với mình.
Nay nhiều người cho chữ ‘o’ có vẻ quê nên chuyển sang ‘cô’, ‘bác’ như người Bắc. Tôi thì rất thương chữ ‘o’ vì đã gọi vậy từ khi biết nói, nghĩa là gần 90 năm rồi. Ở Huế có câu phê bình em gái, chị gái, hay em trai của chồng đối với chị dâu:
Một trăm mụ o không chi,
Ông chú thủ thỉ có khi mất chồng.
Đại danh từ ngôi thứ nhất (I/We, Je/Nous, Ngộ) thì ta có : tôi/chúng tôi, ta/chúng ta, tớ/chúng tớ, tau/tụi tau, hay người Nam dùng chữ ‘qua’ rất bình dân. thân tình. Tùy đối tượng của ta là ai mà ta chọn đại danh từ cho hợp như ông bà, cha mẹ, vợ chồng, họ hàng, người trên, kẻ dưới. Vũ Hoàng Chương than thở:
Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
Đại danh từ ngôi thứ ba: thầy, cô, bà nó, hắn, ai, ông ấy, bà ấy, cô ấy, chị ấy, lão ấy, thằng ấy, mụ ấy, v.v. tùy theo đối tượng liên hệ. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị của Huế thì dùng chữ “ai” rất gọn trong câu hò mái đẩy:
Chiều chiều trước bến Vân Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm, ai nhớ, ai thương.
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.
Người đọc biết những chữ “ai” ở đây là ai nếu nhớ chi tiết lịch sử cận đại vua Duy Tân tham gia phong trào kháng Pháp. Có khi chữ ông hay bà được dùng như ngôi thứ nhất để chỉ tâm trạng của chủ nhân mệnh đề ấy như nhà thơ châm biếm Tú Xương trong bài thơ Chúc Tết:
Người bảo ông điên, ông chẳng điên,
Ông thương ông tiếc hóa ông phiền.
Kẻ yêu người ghét hay gì nữa,
Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền!
Hay chữ bà trong câu hát:
Bà bảo bà không cho con bà đi hát đâu,
Con gái tốt lành ai cho đi mà xem hát chèo!
Ta có nhiều tỉnh từ chỉ liên hệ ứng xử, đối với vợ chồng, người yêu, họ hàng, người trên, kẻ dưới, với sếp, với đồng nghiệp, quen thân, quen sơ… Với người vai vế lớn hơn, hay cấp trên người ta thêm ‘dạ thưa, dạ bẩm’ (dạ thưa ông, dạ bẩm bà) là văn hóa cung kính người trên của xứ ta. Trong gia đình hoàng tộc, chữ mệ hay mụ được thêm trước tên để chỉ cả đàn ông lẫn đàn bà. Hồi nhỏ ở Huế, tôi nhớ người ta gọi công chúa Lương Linh, con gái vua Thành Thái, là Mệ Sen. Sen là nickname của bà. Bảng xe hơi của bà thì ghi rõ Princess Lương Linh nên tôi mới biết tên tộc của mệ! Em trai Mệ Sen là Mệ Kha. Tôi biết vì ông hoàng tử này cưới bà chị họ tôi. Dì tôi có khi gọi ông con rể là Mụ Kha. Mệ cũng là từ thân thiết để gọi bà nội, bà ngoai hay những người đàn bà lớn tuổi. Còn chữ ôn thì để chỉ ông nội, ông ngoại hay người đàn ông lớn tuổi một cách thân tình. Người Nam thì chỉ dùng một chữ Ngoại hay Nội rất dễ thương để chỉ ông bà nội, ngoại nhưng ta không biết là ông hay bà! Chữ mụ cũng được người Huế dùng để chỉ người đàn bà lớn tuổi bán chè, bán cháo hay người đàn bà ăn xin. Người con gái chưa chồng thì được gọi là chị, cô:
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư…
Hay đôi khi là o:
O kia tát nước đầu đình,
Cớ sao o múc ánh trăng vàng o đổ đi!
Người con gái buôn gánh bán bưng hay làm thuê làm mướn cũng được gọi o. O ở đây khác với o là em hay chị của cha. Mụ cũng là một từ thân mật bà mẹ chồng Huế gọi con dâu. Bà không gọi tên con dâu mà gọi mụ và tên con trai (mụ Đắc là vợ con trai tên Đắc). Bạn bè thân thiết thì gọi mi xưng tau. Lứa bạn tôi là U 90 cả mà gặp nhau vẫn mi mi tau tau tíu tít như những ngày còn xoan!
Ngôi thứ ba: he/she/, il/ils, tha của Tàu thì tiếng ta cũng có nhiều cách gọi như họ, nó, hắn, cô ấy, người ấy, chị ấy, anh ấy, ông ấy, bà ấy, em ấy…. hay chỉ một chữ em như trong câu ca dao:
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh, em đứng một mình cũng xinh!
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh, em đứng nơi nào cũng xinh
Chữ họ cũng thường được dùng trong văn chương:
Họ đã đi rồi, khôn níu lại,
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa.
Hai chữ người ấy thì đây:
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui…
Hay chỉ một chữ người như:
Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Hay:
Cười người chớ vội cười lâu,
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
Ta dùng: chúng nó, tụi nó, hay họ cho số nhiều. Người mình cũng phân biệt kẻ khinh người trọng trong cách xưng hô. Kính nể thì gọi chị ấy, ông ấy, bà ấy. Khinh thì thằng ấy, con ấy hay kẻ ấy (thằng kẻ trộm, kẻ cướp, thằng sở khanh…) và một chữ chúng cho số nhiều cũng được dùng. Còn nhớ mỗi khi quân ta đánh thắng quân Bắc phương thì người viết sử ghi “ta đuổi chúng chạy về Tàu.” hay “chúng cúp đuôi chạy về Tàu.”
Hai từ sui gia hay thông gia là chỉ cha mẹ vợ, cha mẹ chồng của con mình. Thân mật thì họ dùng anh sui, chị sui để gọi nhau. Tiếng Anh dùng từ kép ‘in-law’ để chỉ liên hệ gia đình trước pháp luật. Thêm chữ in-law vào vai vế trong gia đình là ta thấy ngay liên hệ: mother-in-law, father-in-law, son-in-law… Nếu ra tòa ly dị là tức khắc chấm dứt liên hệ! Nhớ câu chuyện năm xưa, khi gặp lại một cô học trò cũ, cô giới thiệu tôi với chồng cô: “Cô giáo của em”, ông chồng – hình như cũng là giáo sư – la lên, “Cô giáo em trẻ quá mà tôi phải gọi bằng cô sao!” Tôi vội vàng an ủi, “Anh chỉ là student-in-law, không cần gọi tôi bằng cô! Chắc anh cũng vui vẻ với lời phân trần ấy!
Đôi khi bà sui gia bị gọi là mụ gia như ở miền Trung nên ca dao có câu:
Thương chồng mà khóc mụ gia,
Chớ tui với mụ không bà con chi!
Có thể nói ba miền có ba ngôn ngữ hơi khác nhau nhưng tự nhiên ngôn ngữ miền Bắc được xem là chuẩn. Có lẽ vì ngày xửa ngày xưa, một thời gian dài, nước Việt ta chỉ là một vùng nhỏ ở châu thổ sông Hồng Hà. Mãi cho đến khi Nguyễn Hoàng chạy vào Nam dưới thời vua Lê và khai khẩn đất đai, tiến dần về phía Nam, chiếm đất của Chiêm Thành và Chân Lạp (một nửa nước Cao Mên), mở mang bờ cõi xuống đến tận Cà Mau thì nước ta mới có đủ ba miền như bây giờ. Viết văn cũng vậy, chuẩn thì phải viết theo tiếng Bắc. Viết thuần túy tiếng Trung hay tiếng Nam thì được coi như ngôn ngữ địa phương. Nhà văn Hồ Biểu Chánh được coi như đặc thù Nam bộ. Nữ ở miền Nam thì có bà Tùng Long. Tôi không biết nhà văn nào chuyên viết tiếng Trung. Ai biết xin chỉ giáo. Trong ca nhạc cũng thế, ca sĩ người Nam hay Trung đều học phát âm theo giọng Bắc trừ ca sĩ Trần Văn Trạch không hề đổi giọng. Ông hát rặt giọng Nam mà rất truyền cảm, rất hay. Chắc vì vậy ông được khán thính giả thương mến tặng danh hiệu Quái kiệt Trần Văn Trạch!
Cách xưng hô giữa chàng và nàng ở Việt Nam rất lý thú. Thuở ban đầu thì tôi-cô rồi đổi qua gọi tên nhau khi “tình trong như đã,” rồi anh-em khi chàng cầm được tay nàng. Sau khi thành vợ, thành chồng thì có đôi vẫn gọi nhau anh-em cho đến răng long đầu bạc, có đôi đổi cách xưng hô gọi nhau là cha mẹ của đứa con đầu lòng, Bố cu Tèo, Mẹ bé Cưng. Những người khác thì sau một thời gian chung sống hạnh phúc, hợp tính hợp tình nên tuy hai người mà như một nên đổi cách xưng hô với tiếng mình thân thiết. chồng cũng mình mà vợ cũng mình. Mình ơi! Chữ mình nhắc tôi nhớ mấy câu ca dao tiếu lâm không biết đã được đọc ở đâu:
Vợ mình là con người ta,
Con mình là vợ đẻ ra,
Nghĩ đi nghĩ lại không bà con chi!
Chữ mình ở đây là tĩnh từ sở hữu (posessive adjective), không phải như “Mình ơi.”
Ngoài chữ mình biểu hiện tình cảm của hai người, tuy hai mà một, tuy một mà hai, người Việt còn dùng hai chữ nhà tôi để chỉ vợ hay chồng mình vì họ tin tưởng chồng hay vợ là chỗ tựa vững vàng cho nhau, vững chắc như cái nhà, đem lại sự thoải mái, đầm ấm, bình an cho nhau.
“Mình ơi, em muốn đi bờ hồ” là một câu cô vợ nũng nịu nói với chồng tôi nhớ mãi từ một cuốn tiểu thuyết nào đó. Nghe câu này thôi là ta đã hình dung được một gia đình hạnh phúc đằm thắm, phu phụ thương yêu nhau, quý mến nhau, đùm bọc nhau. Mình ơi! Mình à! Còn từ nào dịu dàng hơn, êm ái hơn! À, còn một từ nữa cũng dễ thương không kém là chữ cưng của người Nam. “Cưng làm cho anh cái này. Cưng lấy cho em cái kia.”nghe rất bùi tai, ấm lòng. Nhưng người Nam dùng chữ cưng cho bất kỳ ai họ thương hay không ghét chứ không phải chỉ để chỉ người chồng hay người vợ của mình. “Mình ơi” vẫn là hai từ độc nhất mà tôi nghĩ người vợ hay chồng nào cũng muốn được nghe hay được nói mỗi ngày.
Nguyên Ngọc Hoàng Thị Quỳnh Hoa
Cali, đầu tháng 6, 2022
THÚ HÓA KIẾP LÀM NGƯỜI
Đầu tháng June, 2021, tôi cùng bà chị dâu đi New York City chơi. Cháu tôi ở Manhattan, nhà nhìn ra bờ sông Hudson, có thể nhìn thấy tượng thần Tự Do ở xa xa. Một buổi sáng đẹp trời, vợ chồng cháu đẩy xe lăn cho mẹ đi dạo. Tôi cũng mang mask đi theo vào Rockefeller Park dọc bờ sông rất đẹp. Nam thanh nữ tú qua lại khá đông. Rất nhiều người dẫn theo thú cưng là chó cùng đi dạo. Chó đủ cỡ đủ loại, con nào cũng quá đẹp bắt mình phải ngoái đầu nhìn lại. Có con nhỏ bằng bàn tay đứng trong cái túi trước ngực cô chủ đi xe đạp. Tôi chợt nghĩ đến mấy con chó vàng, chó vện của mình ở quê nhà, chó mực nữa, mấy con chó được nuôi không phải để làm bạn với chủ như ở xứ này!
Đã làm kiếp chó tức là không đủ phước báu để được làm người mà cũng bị kỳ thị, cũng xấu đẹp bị đối xử không công bằng. Tùy theo duyên nghiệp, chó sinh ra ở xứ này có cuộc sống khác hẳn chó sinh ra ở Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam hay Căm Bốt. Và ngay ở cùng một xứ sở, số phận chó cũng thay đổi tùy theo giòng họ chó. Như con Chihuahua hay Pekingese nào ở Tàu cũng được chủ nâng niu, không như số phận của mấy con chó khác. Nhất định là vì nghiệp báo riêng của mỗi con cẩu mà số phận chúng khác nhau. Tôi thật ngạc nhiên khi tìm kiếm hình ảnh chó trên mạng, thấy rằng có 9 quốc gia cho phép dân chúng hưởng thụ thú xơi thịt cầy mà trong đó có Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ nữa, các bạn có tin không? Thật đó, bán thịt cầy cũng như ăn thịt cầy được cho là hợp pháp (legal!) ở vài tiểu bang của xứ Cờ Hoa này. Hồi tôi đi dạy ở Việt Nam có người cho tôi một con Dachshun con rất đẹp nhưng khổ một nổi là mỗi lần tôi về đến nhà, chị mừng cuống quýt, nhảy tưng bừng và té đái ở phòng khách luôn. Không thể nào dọn nước đái chó mỗi ngày nên tôi đành cho nó đi. Không biết về nhà chủ mới thì số phận nó ra sao, có dạy nó được không. Hồi còn là sinh viên, tôi cũng có nuôi một con Fox Terrier của anh bạn cùng lớp cho. Con chó con lông trắng bé tí rất dễ thương. Bạn dặn phải giữ tên nó là Tiny và phải cắt đuôi khi nó đầy tháng. Hồi ấy ông xã tôi đang là sinh viên y khoa năm thứ Năm. Anh đem dao kéo và thuốc tê đến nhà để cắt đuôi con Tiny. Khi anh vừa chụp nó thì nó la bài hãi làm tôi hoảng quá bảo thả nó ra và ôm nó lại không cho anh cắt đuôi. Vậy là Tiny của tôi là con Fox Terrier độc nhất có đuôi không nhầm lẫn vào đâu được! Lớn lên anh chàng có nhiều đào lắm nên Tiny làm cha nhiều lần. Tiny rất khôn và sạch sẽ không bao giờ làm bậy trong nhà. Nó ở với tôi được 8 năm thì một hôm đi làm về không thấy nó, gọi thì nó ở dưới gầm giường trong phòng tôi lết ra, miệng rỉ máu. Tôi ôm nó lên. Mọi người nói chắc nó ra đường ăn gì bị độc và mấy tiếng sau thì tắt thở. Từ đó tôi không nuôi thú cưng nào nữa và vẫn thương nhớ Tiny.
Trở lại mấy con chó đẹp đẽ được chủ dắt đi dạo công viên ở Manhattan, tôi chợt nghĩ có thể kiếp sau chúng lên làm người vì kiếp chó mà xinh đẹp như vậy cũng đã được nhiều phước báu lắm mà lại được chủ cưng thì tụi nó không có cơ hội làm điều gì độc ác để gây quả báo xấu! Và vui thay, chỉ hai tuần sau tôi được đọc chuyện một cô bé ở Nhật, 2 tuổi, nhớ kiếp trước mình là con chó được nuôi trong nhà ấy. Xưa nay, giai thoại người chết chuyển kiếp thành heo, chó, dê, bò thì nhiều nhưng chưa hề thấy thú vật chuyển kiếp thành người như cô bé Nhật Bổn này. Ngày 21 June, 2021 chuyện cô bé nhớ tiền kiếp của mình được chuyển lên mạng cùng với hình ảnh mũm mĩm dễ thương của cô ở kiếp này và của con chó ở kiếp trước.
Mẹ bé Yu-chan chia sẻ câu chuyện luân hồi của con gái 2 tuổi trên tờ “Yomiuri Shimbun,” một trong năm thời báo quốc gia của nước Nhật. Bà mẹ trẻ cho biết một ngày nọ, bé Yu-chan đang vừa đánh răng vừa trò chuyện với mẹ, bỗng thốt lên: “Yu-chan hồi trước là Mofuzou!” Rồi nói tiếp: “Đồ ăn giòn giòn cho thú cưng rất là ngon.” Bà sững sờ trân trân nhìn con vì Mofuzou là tên con chó bà nuôi lúc còn độc thân. Bà chưa từng nói với con về con chó Mofuzou mà cũng chưa cho con xem hình Mofuzou. Yu-chan nói tiếp là Mofuzou có bạn tên Mofuko cùng chơi đùa. Mẹ cô cũng còn nhớ con chó Mofuko. Bà hỏi con nhiều chi tiết về con chó Mofuzou thì cô bé trả lời đúng hết. Bà đưa ra một lô hình chụp với nhiều thú cưng thì Yu-chan nhận diện được Mofuzou liền không chút do dự. Câu chuyện luân hồi lạ lùng này thu hút được nhiều độc giả và được giải thưởng của tờ Yomiruri năm 2016. Mẹ Yu-chan nói rằng trước kia mình không tin những chuyện kiếp trước kiếp sau nhưng từ khi trải qua chuyện này bà bắt đầu tìm đọc những chuyện trẻ thơ nhớ kiếp trước. Tuy thật là khó tin, nhưng không thể không tin vì chuyện đã xảy ra với chính con gái mình. Nay thì có rất nhiều sách vở ghi lại những công trình nghiên cứu về vấn đề nhớ kiếp trước kiếp sau mà tiêu biểu là cuốn Reincarnation and Biology gồm hai pho sách cả mấy ngàn trang của GS Bác sĩ Ian Stevenson được xuất bản lần đầu năm 1997.
Ai đi qua Sóc Trăng ở miền Tây cũng đều nghe truyền thuyết về một bà mẹ trẻ xin thầy trụ trì cứu bốn đứa con của bà bị đọa làm heo. Năm 2016, Bạnh Tuyết, cô học trò năm xưa, theo tôi đi thăm Cà Mau. Trên đường về chúng tôi ghé Sóc Trăng thăm chùa Dơi, một điểm đến của du khách. Chùa Dơi có tên Miên là Mahatup, đọc trại ra là Mã Tộc, được xây cất bởi người Miên theo Phật giáo Nguyên Thủy từ ngày vùng đất này là một phần của nước Chân Lạp (Căm Bốt ngày nay). Chúng tôi được hướng dẫn ra vườn sau thăm mộ bốn con heo. Tương truyền có một đêm thầy trụ trì nằm mơ thấy một bà mẹ trẻ dẫn 4 đứa con nhỏ đến lạy xin cứu mạng. Sáng ra, con heo nái của chùa sinh bốn heo con. Thầy nghĩ chắc linh ứng với giấc mơ nên thầy cho nuôi bốn con heo này cho đến khi chúng chết thì được chôn ở vườn sau!
Sau đây là câu chuyện người hóa kiếp thành heo mà tôi mới vừa được đọc. Chuyện xảy ra ở Ấp Đông An, xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Con trai tên Võ Thành Đẫm tự Út, 43 tuổi. Vợ là Dương Thị Chơn. Anh Đẫm mơ thấy cha tên Võ Văn Minh chết năm ông 78 tuổi. Giấc mơ thứ nhất xảy ra đêm 21 tháng 10, 2013: “Út ơi, ba chết rồi đầu thai làm heo ở xóm ngoài. Trước mũi của ba có hai lằn rạch xuống, đó chính là râu của ba. Còn ở đùi sau có một cái đốm đen. Khi nào tới chuồng thì ba nhảy lên mừng con.” Thức dậy, anh kể cho vợ nghe, vợ kêu là mê tín không tin. Sáu ngày sau, anh lại mơ thấy y hệt như lần trước nhưng anh vẫn lo đi làm thuê không nghĩ tới. Hai mươi ngày sau, anh lại thấy cha báo mộng, “Sao ba báo cho con hai lần mà con không đi tìm ba. Ba buồn, ba bỏ ăn nên bị người ta đè ra chích thuốc! Ông con không lý tới giấc mộng, vẫn lo đi làm. Đêm 22 tháng 11, cha về báo mộng cho con dâu: “Vợ thằng Út ơi, đi tìm ba đi. Ba khổ lắm. Ba trông đợi lắm.” Rạng ngày 23, chị vợ âm thầm đi tìm “ông già”. Khi đến chuồng heo của chị Lê Mỹ Hạnh ở xóm ngoài, quả nhiên con heo nái mới sanh một bầy bảy con. Bà Phạm Thị Cúc, mẹ chị Hạnh, kể con gái bà nuôi heo để bán thịt, không bán heo con nhưng họ bằng lòng bán con heo ấy với giá 2 triệu rưỡi khi được nghe kể về giấc mơ. Mà cũng lạ là con heo này hay nằm, buồn buồn không giống như sáu con kia. Họ sợ heo bệnh nên đã gọi thú y đến chích thuốc, trùng hợp với giấc mơ của anh Út. Chị vợ kể heo nhảy lên mừng khi chị đến chuồng và khi đem lên xe thì ngồi êm rơ. Bây giờ thì anh Út tin con heo là cha mình nên không dám cho ăn cám mà cho ăn thức ăn như người, cho uống nước trà đường, ngủ mùng. Làng trên xóm dưới chạy đến nhà thăm “cha anh Út”. Và heo cũng vui mừng chạy ra ủi ủi giò nhiều người. Heo rất thích bánh ngọt. Mặc dù trong giấc mơ cha anh có nói sau khi đem về thì cầu nguyện trong ba ngày rồi đem giết đi để ông được siêu thoát nhưng anh Út không dám giết. 41 ngày sau, heo không bị bệnh mà lăn đùng ra chết!
(Nguồn: GUU.VN)
Hoàng Thị Quỳnh Hoa