Tản Mạn Về…Nói Với Chính Tôi (Trích từ sách “TÔI”) – TS Mai Thanh Truyết
Kể từ khi có mặt trên cõi ta bà nầy 79 năm, tôi bằng lòng với những gì tôi “được” và những gì tôi “mất”. Hiện tại, sau gần 9 năm “giã từ vũ khí” nghĩa là từ giã công việc áo cơm, ngồi chiêm nghiệm lại những gì đã làm trong quá khứ, tôi có làm nhiều điều đúng và cũng có nhiều điều sai; – Điều đúng làm tôi vui và – Mỗi điều sai là thêm một bài học mới cho tôi. Trong suy nghĩ ấy, tôi xin cám ơn Trời Phật đã ban cho tôi tánh biết nghe và biết phục thiện.
“Cuộc sống vốn đã bất toàn”, lời của Cố GS Nguyễn Văn Trường thường nhắc nhở tôi trong thời gian từ khi tôi quen anh cho đến hôm nay vẫn còn đâu đây sau hơn 50 năm. Và đó vẫn là một “công án” tôi luôn luôn áp dụng mỗi khi giáp mặt với những khó khăn hay phiền muộn trong đời. Nhờ vậy mà tâm hồn tôi có được an nhiên tự tại sau mỗi lần bị trắc trở. Cám ơn người anh lúc nào cũng là cái thắng của con ngựa bất kham nầy.
Thiết nghĩ từ khi mới sanh ra đời, con người vốn bị bao quanh bởi Vô Minh, lớn lên cũng phải sống trong Vô Minh. Nhưng những hình thức vô minh bên ngoài khiến cho ta dễ nhận định và cải sửa; còn chính cái vô minh trong tâm mới thực sự làm tăng trưởng lòng sân hận trong chính ta.
Nhận thức được Vô Minh “nội tại” để hạn chế bớt Sân hận, hạn chế bớt cái NGÃ trong Tâm. Từ đó, mới có thể tiến tới giai đoạn VÔ CHẤP – VÔ TRỤ.
Một khi đã vô chấp, ba quỹ dữ trong tâm là Tham, Sân, Si sẽ không còn cơ hội để phát triển nữa. Từ đó ta có thể trở về gần với tánh Không.
Nhưng trong kinh Bảo Đàn của Lục Tổ Huệ Năng có viết:” Chớ nghe ta nói KHÔNG mà liền chấp KHÔNG. Nếu để TÂM trống KHÔNG mà ngồi yên lặng, tức là chấp cái VÔ KÝ KHÔNG, tức là tánh không tưởng nhớ gì cả. Đó là cái tánh nửa chừng, nó không nhớ và không phân biệt gì cả”.
Tôi chiêm nghiệm rằng, an nhiên tự tại là trực diện với Vô minh trong chính mỗi chúng ta, cộng thêm những bất toàn mà mình phải chấp nhận để từ đó được tôi luyện và thạch hóa tánh Không.
Tôi đang đi vào con đường Đoạn Ái để tiến tới tánh Không, chẳng chấp mà chẳng bỏ, cũng không nhiễm vương, không dính níu, lòng như trống không để tiến bước vào MA HA trong Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.
Xin thưa cùng tất cả bạn đọc và bè bạn khắp nơi.
Cuốn sách TÔI là cuốn sách cuối cùng tôi trang trải về những ưu tư về đất nước thân yêu của chúng ta, một Đất Nước trong suốt chiều dài lịch sử từ khi lập quốc cho đến ngày nay đã phải chịu nhiều oan nghiệt.
Nhưng tiếc thay, những oan nghiệt trong quá khứ đã đến từ một chủng tộc khác dòng, khác giống; còn nỗi oan nghiệt dân tộc phải chịu ngày hôm nay phát xuất từ một chủng tộc đồng nhứt, nói cùng tiếng nói của cùng một dòng Việt tộc.
Đã cùng là một dòng Việt tộc mà cung cách hành xử còn tệ hại hơn thời thuộc địa Pháp, tệ hại hơn thời Bắc thuộc thưở xa xưa.
Đó chính là nỗi oan khiên nghiệt ngã của Quê hương.
Nỗi oan khiên nầy biết đến bao giờ mới được xóa đi?
TS Yoshiharu Tsuboi, người Nhựt đã trình luận án tiến sĩ năm 1982 tại Paris với đề tài:”Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885” trong đó ông đưa ra một suy nghĩ tương đối mới khi nhận định về nguyên nhân mất nước về tay người Pháp không phải vì vua Tự Đức bế quan toả cảng, mà chính vì vua, quan, và dân bị phân liệt thời bấy giờ, do đó, không thể nào tạo được sự kết đoàn để chống giặc được.
Và ngày nay, trong một tuyên bố gần đây về hiểm họa Hán hóa, ông đã đưa ra một nhận định hơi triết lý nhưng đầy tính nhân bản là: “Cần phải tạo ra thật nhiều con người biết sống trong sạch. Chính họ là sức mạnh cho đất nước Việt Nam”.
Nhu74ng người con Việt ngày nay cần “Trong” trong TÂM và “Sạch” trong HÀNH ĐỘNG.
Làm được hai điều nầy, chắc chắn Việt Nam sẽ thoát khỏi cơn hồng thủy phương Bắc trong một tương lai không xa.
Mai Thanh Truyết
Trích hai trang cuối cùng của sách TÔI-2019