Phong Châu

Kỷ Vật

Truyện Ngắn – Phong Châu

Bà Mai ngồi lặng lẽ trong căn phòng nhỏ và đóng cửa lại để khỏi nghe những tiếng cười nói ồn ào của những người đến dự đám giỗ chồng bà. Năm mươi năm rồi sao? Hình như chỉ mới đây thôi mà! Bà nghĩ vẩn vơ như vậy. Không! Đúng năm mươi năm! Anh ấy tử trận ngày 19 tháng sáu năm 1974 sau khi hiệp định đình chiến được ký kết hơn một năm trước đó. Những tưởng sau hiệp định Ba Lê 1973 cuộc chiến sẽ chấm dứt để các bên hòa đàm đem lại hòa bình cho dân chúng đôi miền. Nhưng không! Bà nhớ chỉ vài giờ sau khi lệnh đình chiến có hiệu lực thì cộng quân đã tràn vào những vùng xôi đậu vùng nông thôn trước đây để cắm cờ chiếm đất. Cờ của “mặt trận giải phóng miền nam” ngụy trang cho lá cờ máu sao vàng của bắc việt. Rồi cuộc chiến bùng phát dữ dội. Quân bắc việt liên tục được đưa vào miền Nam đông như kiến và các trận đánh diễn ra khắp nơi vô cùng ác liệt. Chẳng những thế Hà Nội còn mời Trung cộng mang quân đánh chiếm đảo Hoàng Sa và hình như có sự đồng tình của đồng minh Hoa Kỳ – sau này bà đọc nhiều bài viết trên mạng nói về sự kiện Hoàng Sa tháng giêng 1974 bà mới biết thêm như vậy.                                                                                                                                            Bà Mai đang miên man nghĩ về quãng thời gian của hơn nửa thế kỷ trước thì cửa phòng sực mở. Con gái bà và hai đứa cháu ngoại xuất hiện. Khi cánh cửa vừa mở ra, hai đứa cháu, một trai một gái vội chạy đến ôm chằm lấy bà. Bà xúc động vì đây là lần đầu tiên bà được gặp hai đứa cháu. Chúng được sinh ra ở bên Mỹ và cả hai vừa mới được nghỉ hè sau năm học dài, con gái bà là Thanh dắt chúng về Việt Nam dự đám giỗ ông ngoại và nhân dịp cho hai con biết quê hương cội nguồn của chúng.

Sau khi nhận hai gói quà từ hai đứa cháu ngoại và đặt ở chiếc bàn nhỏ gần giường ngủ, bà Mai mở cửa bước ra phòng khách và thấy người thân và mấy người bạn đã ra về hết, chỉ còn lại cậu em trai là Tuấn đang ngồi uống bia một mình. Bà quay vào phòng ra dấu cho con gái và hai cháu ngoại trở ra phòng khách. Bà bảo Thanh – con gái của bà và hai cháu ngoại ngồi bên cạnh cậu Tuấn. Bà kéo một chiếc ghế và đặt ngồi đối diện. Bên ngoài có cơn mưa đang đổ xuống, bà đứng dậy đến kéo mấy tấm màn che cửa sổ và khóa chốt cửa chính ra vào. Sau khi thận trọng xem lại các màn cửa đã kéo kín, bà tắt bớt hai ngọn đèn, chỉ giữ lại một ngọn cho vừa đủ sáng nơi có cậu Tuấn và con cháu của bà đang ngồi.

Bà trở lại ghế ngồi. Không nói một lời nào. Không gian im ắng và thời gian hình như cũng không chuyển động. Cậu Tuấn và Thanh nhìn nhau biểu đồng tình “không biết bà Mai làm gì, nói gì?            sao có vẻ như có một chuyện gì quan trọng mà bà sắp thông báo cho mọi người cùng biết”. Một lát sau bà  Mai đứng dậy và bước tới phía trước bàn thờ đốt ba cây hương cắm vào bát nhang thờ Phật, rồi bà lại đốt thêm ba cây hương khác cắm vào bát nhang đặt trước bài vị và di ảnh của chồng bà. Xong đâu đó bà trở lại ghế ngồi. Cậu Tuấn và Thanh đang chờ bà nói một điều gì đó. Sau vài lần chớp mắt thì cậu Tuấn lẫn Thanh thấy đôi mắt bà đỏ hoe, hình như những giọt nước mắt đâu đó đang chực chờ để chảy xuống đôi gò má nhăn nheo lốm đốm năm bảy vết nám của thời gian. Dằn cơn xúc động, bà Mai nhìn cậu Tuấn, rồi nhìn Thanh và hai đưa cháu đang ngồi trước mặt nói với giọng run run:                                  

– Hôm nay tôi muốn nói với cậu Tuấn và cháu Thanh một chuyện mà suốt mấy chục năm qua tôi chưa hề tiết lộ, chỉ là chuyện trong gia đình mình thôi.

Tuấn và Thanh hơi bàng hoàng, không biết có chuyện gì xảy ra mà bà Mai lại nói như thế. Cả hai gần như nín thở để nghe. Sau khoảnh khắc im lặng bà Mai nói tiếp:                                                                                                                         

– Chuyện là thế này – bà nhìn thẳng vào mặt cậu em rồi nhìn con gái – mấy chục năm về trước, chắc cũng phải ngoài ba chục năm, cháu Thanh có hỏi tôi về một chiếc hộp đặt trên bàn thờ, phía sau di ảnh của ba cháu và muốn biết thứ gì ở bên trong chiếc hộp đó. Tôi chỉ nói bên trong hộp đựng tờ “phái quy y” của tôi chứ chẳng có gì bên trong ấy nữa. Thưc sự thì không phải như thế.

Bà Mai ngưng nói và đưa mắt nhìn lên bàn thờ. Mùi hương thơm đã lan tỏa cùng khắp căn phòng. Bà đứng dậy bước đến cửa sổ vén màn nhìn ra bên ngoài. Trời vẫn còn mưa và đường phố hình như chẳng còn ai qua lại vì mưa càng lúc càng lớn. Ánh đèn đường hiu hắt phả vào màn mưa mờ đục nhạt nhòa. Bà quay lại, đến trước bàn thờ vái ba vái rồi với cử chỉ nhẹ nhàng, kính cẩn đưa tay ra phía sau tấm di ảnh của chồng để nâng nhẹ chiếc hộp bằng gỗ màu đen, xong đem đặt chiếc hộp ngay giữa bàn trong khi cậu Tuấn và con gái ngơ ngác theo dõi từng cử chỉ của bà. Không một tiếng động. Bà ngồi xuống ghế đưa mắt nhìn cậu Tuấn và con gái cùng hai đứa cháu im lặng tò mò theo dõi. Hai đứa cháu chốc chốc đưa mắt nhìn nhau và hình như ngầm bảo “chẳng hiểu gì”. Chúng nghe những lời của bà Mai vừa nói và loáng thoáng hiểu một vài chữ nhưng nội dung của câu chuyện như thế nào thì chúng hoàn toàn không rõ.

Chiếc hộp màu đen đặt trên bàn là điểm chú ý của mọi người, bà Mai, cậu Tuấn, Thanh và hai đứa cháu. Bà Mai cố nén cơn xúc động và sau vài lần ngập ngừng, bà đưa tay cầm lấy chiếc hộp lên và mở nắp hộp để xuống bàn, chiếc hộp sau đó cũng được bà đặt lại chỗ cũ. Cậu Tuấn, Thanh và hai đứa cháu đưa mắt nhìn vào chiếc hộp đã mở nắp. Có một vật gì đó nằm bên dưới một tờ báo cũ được gấp lại. Thoáng nhìn cậu Tuấn và Thanh đọc được mấy chữ in đậm nét trên một góc của tờ báo “Trận đánh khốc liệt tại Mộc Hóa, Kiến Phong ngày 18 -19 tháng 6 – 1974”. Đó là tờ nhật báo Tiền Tuyến bà Mai còn giữ lạicó ghi rõngày 20 tháng sáu năm 1974, sau khi chồng bà tử trận một ngày. Mộc Hóa là trận địa nơi chồng bà đã chỉ huy một đại đội bộ binh đánh nhau với quân việt cộng suốt hai ngày hai đêm. Đại úy Lê Duy Hà – chồng bà đã anh dũng hy sinh.

Thi thể của chồng bà được ban hậu sự đơn vị đưa về tận nhà và sau tang lễ bà đã giữ lại lá cờ vàng đã được phủ trên nắp quan tài cùng chiếc áo trận bị nhiều vết đạn xuyên thủng. Bà Mai trịnh trọng đặt lá cờ và chiếc áo trận trên bàn thờ, trước di ảnh của chồng. Chỉ trong vòng một năm chiến sự càng ngày càng khốc liệt và những cuộc di tản diễn ra từ cao nguyên và liên tiếp các tỉnh miền Trung rơi vào tay cộng quân. Bà Mai lo âu kèm theo nỗi thất vọng ê chề. Một thân một mình và bụng mang dạ chửa nên bà Mai chỉ biết tụng kinh niệm Phật cầu nguyện. Bà thấy một số gia đình đã mang những thứ có liên quan tới những người lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa như giấy tờ, áo quần, giày…ra đốt hoặc mang đi liệng, ngay cả những lá cờ họ cũng dùng dao kéo cắt ra nhiều mảnh để hủy. Nhìn thấy cảnh này bà Mai hết sức đau lòng. Riêng bà, bà đã cuộn nhỏ lá cờ và bọc trong một miếng vải màu trắng, bên ngoài bọc thêm một lớp giấy báo cũ. Chiếc áo trận của chồng cùng lá cờ được bà cho vào một hộp gỗ đặt trên bàn thờ và cứ đến ngày giỗ của chồng, bà – một mình tự tay mở chiếc hộp ra để nhìn chiếc áo trận và lá cờ màu vàng ba sọc đỏ…

Biết cậu Tuấn và Thanh đang chăm chú nhìn bà và đợi một điều gì bà sắp nói nên bà vội vàng lấy gói đồ từ trong chiếc hộp, tháo lớp giấy báo bên ngoài. Bà ôm chiếc áo trận của chồng vào ngực và nước mắt đã chảy thành dòng xuống đôi má nhăn nheo. Bà xúc động không nói được nên lời. Cậu Tuấn và Thanh cũng xúc động và họ đã hiểu chuyện gì xảy ra. Thanh cũng không ngăn được nước mắt. Cậu Tuấn vẫn ngồi bất động. Hai đứa cháu ngơ ngác nhìn bà ngoại, ông cậu rồi mẹ của chúng. Chúng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Thấy vậy Thanh ra dấu cho hai dứa con rời chỗ ngồi.

Nén cơn xúc động, bà Mai nhìn con gái. Bà nói:                                           “Chiếc áo trận này mẹ đã giữ năm mươi năm rồi. Nay mẹ muốn con mang theo về bên ấy và cũng đặt trên bàn thờ để tưởng nhớ đến người cha đã hy sinh bảo vệ đất nước đến hơi thở cuối cùng, nay mẹ đã già yếu, không biết ra đi ngày nào…con hãy giữ lấy…”

            Hình như bà Mai muốn nói thêm điều gì nữa nhưng bà đã nghẹn lời. Thanh đưa hai tay cầm chiếc áo và gục đầu vào chiếc áo khóc nức nở…

            Bà Mai đứng dậy và bước đến phía sau lưng con gái, hai tay đặt vào hai bờ vai của con. Cậu Tuấn vẫn ngồi yên lặng.

Phong Châu