Giới thiệu sách

Giới Thiệu Tuyển Tập “HOA CỎ BÊN ĐƯỜNG”- Giáo Sư Nguyễn Tường Tuấn

(Giáo sư Nguyễn Tường Tuấn, đồng sáng lập tổ chức Forgotten People Foundation – NGO, Western Oregon University, 2005-2006, cùng Tiến sĩ Jerry Braza. Giáo sư Tuấn Nguyễn, một cựu tù nhân chính trị và đã từng là một thuyền nhân, rất quan tâm đến cuộc sống của người dân Việt Nam. Tổ chức Forgotten People Foundation giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật ở miền Bắc Việt Nam.)

          Thế hệ chúng tôi may mắn sinh ra và lớn lên nơi miền Nam tươi sáng. Trong cái hạnh phúc, là công dân của đất nước tự do, chúng tôi cũng phải gánh chịu nỗi bất hạnh của một quốc gia “nồi da xáo thịt“. Anh chị em miền Bắc, chưa bao giờ được hưởng cái không khí an lành của “Hòn ngọc viễn đông” một nửa hình chữ S đã từng là giấc mơ của cố Thủ tướng Tân Gia Ba, Lý Quang Diệu. Họ bị tẩy não ngay từ tấm bé, bằng lời thơ nô bộc “Yêu biết mấy nghe con tập nói – Tiếng đầu lòng con gọi Stalin – Thương cha, thương mẹ, thương chồng – Thương mình thương một, thương ông thương mười“. Chiến tranh xẩy ra vì thế, một nửa đất nước bị đầu độc, dù muốn hay không, thế hệ trẻ miền Bắc phải cầm súng lên đường, họ từ giã cha mẹ, vợ chồng, con cái, người yêu, để hy sinh cho bác và đảng, thực hiện giấc mơ “Sinh Bắc Tử Nam“.

          Thanh thiếu niên miền Nam cầm súng ra trận, không vì thằng bác khốn nạn, hay bè lũ đảng lưu manh. Chúng tôi chiến đấu để bảo vệ xóm làng, thành phố bình an. Cho dù phải hy sinh, thân xác phủ cờ vàng, người nằm xuống sẽ muôn đời được “Tổ Quốc ghi ơn”.

          Chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đã hiên ngang tái chiếm Cổ thành Quảng trị, anh dũng bảo vệ An Lộc, và kiêu hùng trên khắp mọi chiến trường. Trong từng thước đất của tổ quốc, chiếm lại bằng xương máu, người dân miền Nam Việt Nam không thể nào quên tên tuổi một nữ phóng viên chiến trường: Kiều Mỹ Duyên.

           Kiều Mỹ Duyên không ngồi tại văn phòng tiện nghi ở Sài Gòn để viết phóng sự. Chị mặc áo giáp, theo từng chuyến bay ra mặt trận, những bài tường thuật của chị là nhân chứng hào hùng cho tuổi trẻ chúng tôi, trong trận chiến bi thương, tàn khốc và bất công.

          Vâng, người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hứng chịu mọi bất công nhất của thế giới tự do. Họ chiến đấu chống lại một chủ nghĩa cộng sản độc ác mà cả thế giới xa lánh. Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower từng vinh danh Việt Nam Cộng Hòa là thành trì chống cộng của thế giới tự do. Nhưng đám phóng viên, báo chí, truyền thông Mỹ không như thế. Họ ngồi trong phòng lạnh khách sạn Caravell, Majestic, cà phê La Pagode, Givral, Brodard tại Sài Gòn để viết phóng sự chiến tranh. Nếu có chăng, họ đi theo một vài đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ … Quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu, hy sinh trên 4 vùng Chiến thuật bị bỏ rơi trên báo chí Mỹ. Mậu Thân 1968, chúng tôi đẩy lùi cuộc tổng tấn công lịch sử của Bắc Quân trên khắp các thành phố miền Nam. Charlie, địa danh đi vào lịch sử với tên tuổi cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo, báo chí Hoa Kỳ không hề biết.

          Trong nỗi cô đơn tội nghiệp đó, người nữ phóng viên chiến trường Kiều Mỹ Duyên đã trở thành “Tiếng nói, cho những người không tiếng nói“. Không những tại Việt Nam, khi đến Hoa Kỳ vào những ngày đầu tiên của thập niên 75, chị như cánh Chim ưng đã thay lông, đổi cánh, tung bay trên bầu trời bao la. Chị theo phi cơ của Cảnh sát Hoa Kỳ để tường thuật săn đuổi tội phạm. Chị vào thăm và làm việc trong nhà tù Mỹ, tham dự không mệt mỏi các hoạt động từ thiện qua tổ chức Y.M.C.A hoạt động tại nhiều quốc gia thứ ba trên thế giới. Kiều Mỹ Duyên là một Barbara Walter của người Việt không những tại Hoa Kỳ mà còn trên nhiều quốc gia khác. Chị phỏng vấn các vị chức sắc cao cấp Công giáo Hoa Kỳ, và Việt Nam; chị cũng có mặt trong những chương trình phỏng vấn những vị Hòa  thượng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Về quốc tế, chị đã hỏi cựu Tổng thống Nga Gorbachev, một câu mà tất cả người Việt chúng ta cần nghe: Bao giờ đất nước Việt Nam thoát khỏi ách cộng sản? “Khi nào Trung Hoa cộng sản sụp đổ” đó là câu trả lời ngắn gọn của ông Gorbachev.

          Xin mời bạn cùng đọc “Hoa cỏ bên đường” để biết thêm về tầm vóc của chị Kiều Mỹ Duyên, một chiến sĩ tự do chưa hề buông súng.

Giáo sư Nguyễn Tường Tuấn

(Forgotten People Foundation – www.forgottenpeople.net2850 S.W Cedar Hills Blvd, Suite 131 | Beaverton, OR 97005)