Cao Mỵ Nhân,  Văn Thơ

BÀI VIẾT “Đường Thi Khách” & THƠ: TƯỞNG NIỆM HAI BÀ TRƯNG – TAN CUỘC RƯỢU – Cao Mỵ Nhân

TƯỞNG NIỆM HAI BÀ TRƯNG.    CAO MỴ NHÂN 

Bốn mươi năm thủa đầu Công Nguyên

Tô Định nhà Đông Hán tập quyền

Áp bức Giao Châu, trăm họ Việt 

Hai bà Trưng Trắc, Nhị vùng lên

Sáu lăm thành Lĩnh Ngoại trong tay

Trưng Trắc xưng vương tự thủa này

Đế phủ Mê Linh vang khắp cõi

Hán triều đưa thái thú qua thay

Quân đông Mã Viện đánh Cẩm Khê

Binh mã Trưng Vương chẳng não nề

Cố thủ nhưng rồi đành chiến tử 

Lưu danh thiên cổ , sử Việt ghi 

Ngã ba sông Đáy với Hồng Hà

Cổ mộ đền thờ liệt nữ xa

Mùng sáu tháng hai trên nguyệt lịch 

Là ngày kỵ giỗ của Hai Bà …

          CAO MỴ NHÂN 

TAN CUỘC RƯỢU.    CAO MỴ NHÂN 

Say khướt trở về, vẫn đọc thơ

Em ơi, anh xé một vuông cờ

Biết ai chân chính mà than thở

Thương bạn hoang đàng vẫn mộng mơ

Men đắng thấm vào môi đã lịm

Hương nồng còn toả mắt trông ngơ

Người về từ chiến trường tan lửa

Tửu lượng bao nhiêu, ngó chửa mờ 

Chén rượu hoàng hoa khiến mắt mờ

Nửa đời lưu lạc, tưởng ngu ngơ

Hoa vàng sắc cúc còn vương mộng

 Mầu trắng cành lan xoá nhạt mơ

 Trận mạc xong rồi im tiếng pháo

Sa trường sao vẫn thiếu vuông cờ

Em ơi, thắng bại chưa phân định

Dựng Khải Hoàn Môn giữa cõi thơ…

       CAO MỴ NHÂN 

ĐƯỜNG THI KHÁCH

Mấy lâu nay tôi có một thú vui đằm thắm, là thích lui tới các chiếu xướng hoạ thơ Đường Luật.

Bỗng ở giai đoạn này, khách Đường Thi từ quốc nội tới hải ngoại đông đảo chi lạ .

Đi đâu cũng thấy thất ngôn, bát cú, hay là bát cú, ngũ vận , nói nôm na theo cách hiểu của tôi, thì cứ nhìn bài thơ nào đếm được 8 câu, mỗi câu 7 chữ, tổng cộng 8 x7 = 56 chữ là xem như ” Đường thi ” đã.

Rồi bắt đầu đi vào chi tiết :

8 câu , mỗi câu 7 chữ, hay bài thơ đó chỉ vỏn vẹn có 56 chữ mà thôi, nên khi xử dụng 56 chữ này, cố gắng không dùng một chữ trên một lần .

Nghĩa là 56 chữ riêng biệt, tránh điệp từ ( xài lần 2 trở lên)

Sau đó bắt đầu đi vào vần .

Chỉ có 5 vần đồng âm thôi, vào cuối các câu : 1 2 4 6 8 ( bằng)

Còn cuối 3 câu : 3 5 7 không cần vần với nhau ( trắc )

8 câu ( 7 chữ ) mang nhiệm vụ khác nhau:

Câu 1 – Phá đề : Định nói về gì, trưng ý ra. Thí dụ : Cái nhà.

Câu 2- Thừa đề : Làm cho rõ nghĩa tựa bài . Thí dụ : nhà tranh

Hay vv khác .

Câu3 và câu 4 : Thực hay Trạng . Là cặp đối thứ nhứt

Tinh thần của bài thơ.

Câu 5 và câu 6 : Luận. Bàn thêm về tinh thần bài thơ đó.

Câu 7: Chuyển . Chuyển toàn bộ các câu trên, tức là tóm gọn

để chuẩn bị kết thúc bài thơ.

Câu 8: Kết . Tất nhiên là kết thúc bài thơ rồi. Do đó qua câu

này, tinh thần bài thơ được thể hiện rõ ràng .

Bạn đọc sẽ hiểu cái nhà diễn tả như thế nào, ở đâu,

có kỷ niệm gì vv… chẳng hạn.

Thủa còn ở bậc trung học, quả tình tôi không thích nên không chú tâm học hỏi thể loại thơ ” Đường luật ” . Một kỹ thuật thơ hết sức nguyên tắc , phải kiên trì ghê lắm mới chịu đựng được cái cách diễn tả làm sao cho :

1/ Nói ít, hiểu nhiều mà phải đúng mới được.

2/ Nhiệm vụ của những câu nêu trên phải được chú trọng .

3/ Cẩn thận từ ngữ, nếu không bay bướm được thì phải chân

phương, đọc lên hiểu ngay.

4/ Lời lời châu ngọc mà không cổ lỗ thì mới là… tao nhân,

mặc khách được .

Tới khi tôi từ trại tù cải tạo về, khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước, tôi may mắn được quý nữ sĩ Hội thơ Quỳnh Dao chuyên xướng hoạ Đường Thi mời gia nhập hội trên.

Thoạt tôi còn ngại ngùng vì lý do quý nữ sĩ như cụ Hồng Thiên, Chi Viên, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội vv…quý vị niên trưởng như cụ Cao Ngọc Anh tên tuổi đã đi vào văn học sử thế kỷ trước, tôi cứ tránh né.

Sau nữ sĩ Tuệ Mai nói : ” Cao Mỵ Nhân à, em nên gia nhập hội thơ Quỳnh Dao đi, trước nhất em được học hỏi loại thơ uyên bác này, bổ túc cho sinh hoạt thơ ca của em, thứ hai được gần gũi quý cụ phẩm chất đức hạnh, xa những phiền toái cám dỗ …”

Trong khi đó, tôi lại được Thi sĩ Điền Đăng đưa nhị vị thi lão danh tiếng trong văn học tiền chiến, là quý cụ Bàng Bá Lân và Bùi Khánh Đản, tới tận nhà khuyến khích gia nhập Đường Thi vì quý cụ cũng đã đọc thơ mới của tôi nhiều rồi .

Nhưng có một lẽ đơn giản nhất là: quý cụ nghe các nhà thơ trẻ bàn tán, tôi vốn là một sĩ quan Nữ quân nhân VNCH mới từ trại tù cải tạo về, hoá cho nên quý cụ cũng có chút ngạc nhiên, bảo rằng: ” Nữ sĩ mà dám làm thơ tự nhận là một khách kỷ nhân hồi “, phóng khoáng như nam nhi có đúng không?

Sự kiện đã khiến thi lão Quách Tấn, tác giả thâm Nho được mệnh danh là nét chấm phá cuối cùng, qua tác phẩm ” Mùa Cổ Điển ” đánh dấu giai đoạn :

” Quẳng bút lông đi, viết bút chì ” ( Cụ Tú Xương )

Cụ Quách Tấn đã đi xe lửa từ Nha Trang vô Saigon năm 1982, vừa về nhà con cháu ở ngã ba Hàng Xanh Thị Nghè, đã bắt cháu trai chở honda qua khu nhà thờ Ba Chuông, để bất thần đến nhà chị gái tôi số 541/14 Huỳnh Văn Bánh ( Nguyễn Huỳnh Đức Phú Nhuận) coi thử ” Cao Mỵ Nhân phải thực là nữ sĩ, hay ông sĩ quan nào trong Quân Đội tự nhận ” .

Tới lúc thấy Cao Mỵ Nhân rồi, cụ Quách Tấn vẫn chưa tin cô đứng trước mặt cụ là ” Khách kỷ nhân hồi “, cụ chỉ tay mời tôi ngồi ( thay vì tôi phải mời cụ, vì cụ là quý khách từ xa tới chứ ) .

Cụ bảo tiếp:

Chắc chắn tui là ai cô biết rồi, mới làm quen tui chớ, nay tôi bỏ công đi từ Nha Trang vô đây, tui muốn xác thực một sự thật, tui không bị đám hậu sinh phỉnh gạt.

Cụ mở cà táp mang theo, rút ra xấp giấy trắng và cây viết bic, hất hàm nói tôi hãy viết lại một bài thơ, tất nhiên là Đường Luật ưng ý nhứt cho cụ xem .

Tôi buồn cười quá, tôi thưa rằng cụ quá thân với nữ sĩ Mộng Tuyết, phu nhân cụ Đông Hồ, thì tôi xin đưa cụ Quách Tấn lên Úc Viên thăm, như thế là rõ không ai dám ngộ nhận rồi.

Cụ nói : ” Không sao, cứ viết đi “.

Chao ôi, bình sinh không làm thơ cũng chẳng ai dám rỡn đùa quý cụ bô lão, nay mang tiếng làm thơ , mà làm thơ luật thất ngôn bát cú, tôi đâu dám khuynh loát các bậc cha chú mình, huống chi tôi là một phụ nữ .

Tôi bèn bình tĩnh chép lại bài thơ mới hoạ với nhà thơ Vĩnh Mạnh Thường Quân hôm trước ( một ngày vừa ráo mực) :

SAU CHẤN SONG

Đồng ca hay đối thoại trong lồng

Vẫn một tiêu đề : Vượt chấn song

Xanh thẳm mây trời cao quyến rũ

Vàng tươi đồng lúa rộng chờ mong

Nhạc buồn thao thức quyên thăm hỏi

Hoa muộn tàn phai nước ngóng trông

Kỷ niệm còn đây: khung cửa hẹp

Đôi chim thương nhớ một dòng sông

Phú Nhuận hè 1982

CAO MỴ NHÂN

Viết xong, chẳng những tôi trao cụ, mà còn tức cảnh, xin phép được trình bày bài thơ của mình luôn.

Cụ Quách Tấn gật đầu, phê: Toàn bộ bài thơ ” nhất khí ” , có phải cô, là tôi, muốn diễn tả cuộc sống trong tù qua hình ảnh đôi con chim trong lồng , chúng có hoà chung tiếng hót vẫn mục đích vượt thoát đó không ?

Tôi nín thinh, vì bấy giờ chế độ công an khu vực còn tản mác khắp xóm phường, tôi lặng lẽ thực sự buồn .

Song hình như cái điều cuối cùng cụ Quách Tấn muốn nói cho tôi hiểu ý cụ, lại chẳng nơi ngưỡng cửa Đường Thi , thay vì cụ đang hướng dẫn cho hằng loạt quý vị muốn chơi thơ Đường từ Nha Trang, Phú Yên ra tới Quảng Ngãi thủa ấy, đầu thập niên 80 thế kỷ trước, cụ khuyên tôi hãy bỏ thơ ĐƯỜNG đi, vì sẽ khổ vì nó lắm đó.

Tôi ngần ngừ chưa hiểu, cụ bảo rằng: Cụ Quách Tấn, người mộ thơ cổ điển, đã làm 2000( hai ngàn ) bài Đường Luật từ xưa tới nay (1982 ), cụ lựa chỉ lấy được 200 ( hai trăm ) bài thôi, song phút chót , cụ cảm thấy chỉ có 20 ( hai mươi ) bài cụ xài được, cụ trầm ngâm, cười tuy hoà nhã mà như khó hiểu .

Bản tính tôi hay đùa rỡn, tôi vui vẻ tiếp lời :

” Thưa cụ, cháu thấy, có lẽ theo ý cụ, thì trong 20 bài tận tuyển đó, chắc chỉ có 2 ( hai ) bài để gọi là ưng ý phải không ạ, và thưa cụ Quách Tấn , cháu muốn được phép thưa rằng chỉ còn 2 chữ ” ĐƯỜNG THI ” , một bức tranh vẽ ra nền văn hoá rất lý thú nhưng cũng rất cầu kỳ, phức tạp .

Cụ Quách Tấn ra xe honda nói cháu trai chở cụ về ngã ba Hàng Xanh hôm ấy , tôi thấy hình như là bức tượng Lý Đỗ tự đổ xuống công viên Hán Tự . Nhưng sao tôi vẫn dạo loanh quanh nơi khu vườn thanh âm bát ngát điệu vần đó…

CAO MỴ NHÂN

error: Content is protected !!