Bút Ký,  Tài liệu,  Thanh Thanh

TIẾN-SĨ NGUYỄN XUÂN LẠI

Hồi-ký Lịch-sử

        Lần này ra Huế tôi ngẫu-nhiên gặp lại Nguyễn Xuân Lại, một người bạn thân đã cách xa nhau từ hồi tôi bị phát-vãng ra khỏi Miền Trung.

        Bây giờ Lại là giáo-sư, dạy Luật tại Viện Ðại-Học Sài-Gòn và một số Viện Ðại-Học khác.

        Chuyến này anh ra Huế dạy tại Viện Ðại-Học Huế.

       Khi đi ngang qua “Bót Cò” cũ, trước kia là trụ-sở của Ty Cảnh-Sát Thành-Phố Huế, nơi hai chúng tôi đã làm việc chung với nhau một thời-gian dài, cả Lại lẫn tôi đều hướng mắt nhìn vào.  

        Ở đó, chúng tôi đã có với nhau rất nhiều kỷ-niệm; nhưng cái kỷ-niệm đắng-xót nhất là cuộc tranh-luận giữa hai chúng tôi mà kết-quả là tôi lâm vòng gian-truân.

       Lúc nãy, khi mới gặp lại nhau, Thêm đã nói ngay là anh rất buồn vì việc đáng tiếc xảy ra cho tôi ngày xưa.  Giờ đây, có lẽ để xí-xóa chuyện cũ, anh nói qua chuyện mới:

        – Mình được mời làm Thứ-Trưởng, nhưng mình chưa nhận. 

        Sự tiết-lộ ấy đã khiến tôi suy-nghĩ nhiều .  

*

        Năm 1951, chính-quyền Quốc-Gia Việt-Nam ban-hành chế độ quân-nhiệm, theo đó các viên-chức Cảnh-Sát Công-An được xem là công-chức nên cũng bị lần-lượt động-viên. 

       Nguyễn Xuân Lại vào thụ-huấn tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Sĩ-Quan Trừ-Bị ở Thủ Ðức; tôi vào làm việc tại Phòng Năm thuộc Bộ Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu ở Huế.

       Cuối năm 1956, mãn nhiệm-kỳ quân-vụ, tôi trở về Ty Cảnh-Sát Thành-Phố Huế và được cử giữ trách-vụ Trưởng Phòng Hành-Chánh kiêm Trưởng Phòng Huấn-Luyện.  Tôi cũng kiêm-nhiệm Trưởng Ban Tổ-Chức và Thuyết-Trình-Viên các Lớp “Học-Tập Chính-Trị và Công Dân Giáo Dục” mà nội-dung và phương-thức điều-hành được ông Cố-Vấn Ngô Ðình Nhu, bào đệ của Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm, chỉ đạo cho toàn-quốc.

       Tiếp-tục đem hết tâm-sức ra phụng-sự một lý-tưởng mả tôi hằng mơ, nhưng ở trong cơ-quan Cảnh-Sát là nơi hằng ngày tiếp-cận với mọi giới đồng-bào, tôi theo-dõi tình-hình sinh-hoạt của quần-chúng trên mọi lĩnh-vực tại địa-phương, tôi mới dần dần biết thêm, dù chưa đầy đủ, những điều chướng tai gai mắt, và cả những điều bất-nhân thất đức, do một số thân-nhân, gia-nhân, và thuộc-hạ của Diệm gây ra.  Ðối với Ðảng Cần-Lao, đối với Ðạo Ky-Tô, cũng như đối với cả ba Ngành trong Chính-Quyền thời Ðệ-Nhất Cộng-Hòa, họ chỉ là thiểu-số; nhưng thiểu-số đó đã cậy thế họ Ngô mà giật dây các cơ-quan chấp-hành của chế độ, để áp-bức và hãm-hại lương dân, hầu thỏa-mãn tư-lợi hoặc tư-thù.

MỘT BUỔI LỄ CHÀO QUỐC-KỲ  

        Thuở đó, các công-sở và quân-cứ đều cử lễ Chào Quốc-Kỳ vào lúc bảy giờ rưỡi sáng mỗi ngày đầu tuần.  Nha Cảnh-Sát Công-An Trung-Nguyên Trung-Phần cho nhân-viên trực-thuộc sắp hàng chỉnh-tề trước sân trụ-sở Nha năm phút sớm hơn.

        Hôm ấy, toàn-thể viên-chức hiện diện đều vô cùng hoang-mang, và sau đó kể lại với mọi người sự-việc đã xảy ra. 

        Ô. Hồ Đắc Vang, Trưởng Ðội Biệt Ðộng thuộc Ty Cảnh-Sát Thành-Phố Huế, đem thuộc-hạ đến bao vây sân chào cờ tại Nha và gác chận trước đường, vào lúc đúng bảy giờ hai mươi lăm phút.  Vang ra lệnh điểm-danh và đóng cổng trụ-sở.  Lúc đó, Ô. Trần Văn Cư và Ô. Tôn Thất Dẫn, hai Chủ-Sự Phòng thuộc Nha, vừa đến nơi thì bị giữ lại bên ngoài.  Viên Giám-Ðốc Nha ấy liền đứng ra hứa sẽ phạt hai viên-chức kia, và xin cho họ được vào vì còn kịp dự lễ chào cờ.  Nhưng viên Trưởng Ðội thuộc Ty — là một nhân-viên dưới quyền và ở dưới nhiều cấp — đã không chấp-thuận.  Vang điều-khiển lễ thượng-kỳ, hát quốc-ca và “suy-tôn Ngô Tổng-Thống”, xong chở Cư và Dẫn đến báo-cáo nội-vụ lên Văn-Phòng của “Cậu”, tức ông Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn, bào đệ của anh em Diệm+Nhu.

        Vang là một trong số ít những phần-tử đến hầu “Cậu” thường-xuyên.

MỘT BUỔI HỌP TỐ KHỔ  

        Ô. Ngô Ðình Cẩn có một ngôi nhà nghỉ mát tại bãi bể Thuận-An. 

       Vì lý do an-ninh, chỗ nầy cách xa khu tắm bể của đồng-bào . Những ngày cuối tuần vào mùa hè, Cẩn thường về đó câu cá giải-trí.  Sợ “Cậu” câu cá một mình thì buồn, một số nhân-vật tín-cẩn, hoặc muốn được thân-cận, bèn cùng đến đó câu cá, mong tạo bối-cảnh thân-mật cho ông.  Trừ những người được ông sai phái hoặc giữ lại để chuyện-trò, số còn lại phải chọn chỗ nào không gần ông lắm ― vì sợ nếu ông không câu được cá mà bị kẻ khác ton-hót đổ lỗi câu giành với ông thì khốn ― đồng-thời họ cũng không đi quá xa, để vừa được ông nhận mặt là mình cũng có tham-gia giúp vui cho ông, vừa chục phòng khi ông gọi thì nghe mà đến cho nhanh kẻo bị kẻ khác nhanh hơn thì mất cơ-hội được hầu-hạ ông.

       Giám Ðốc Nha Cảnh-Sát Công-An Trung-Phần, Ô. Lê Khắc Duyệt, cũng có dự phần vào những buổi câu cá như thế.

        Hôm đó, Duyệt mặc một chiếc áo sơ-mi cụt tay có in hình hoa bướm gì đó.  Trên đường về nhà ở thành-phố, Duyệt gặp vài nhân-viên thuộc Nha, trong số những phần-tử đã vào Ðảng.

        Thuở ấy, xứ Huế còn rất nệ-cổ.  Người nữ phải mặc áo dài mới được ra phòng khách; các cô giúp việc dù đang làm việc nặng, các chị bàn hàng-rong dù đang vai gánh hay tay xách, mỗi khi ra đường đều phải mặc áo dài.  Người nam thì phải nhét áo trong quần.  Vào thời-gian chuyện này xảy ra, tuy lối sống đã có đổi mới phần nào, xã-hội vẫn chưa chấp-nhận cho các cá-nhân “danh-giá”, nhất là các viên-chức cao-cấp trong chính-quyền, dù là vào ngày nghỉ và lúc đi chơi, bỏ áo ngoài quần, hoặc mặc áo có sọc, có ô, hoặc có in hình mà người dân địa-phương gọi là “áo chim cò”.

        Duyệt bị báo-cáo lên Văn-Phòng Cố-Vấn. 

        Vào buổi “học-tập chính-trị và công dân giáo dục” kế đó, số nhân-viên dưới quyền Duyệt, nhưng thuộc đường dây thân-tín hơn, đã nêu vụ kể trên ra để hội đường thảo-luận.  Mặc dù viên Giám Ðốc của họ đã nhận lỗi, xin lỗi mọi người, và hứa về sau sẽ không tái-phạm, sau khi đã giải-thích là mình ăn mặc như thế để dễ lội xuống nước mà bắt cá cho “Cậu”, số nhân-viên ấy vẫn nặng lời sỉ-vả Duyệt và thúc đẩy các phẩn-tử khác lên tiếng tố-cáo Duyệt là “thiếu tác-phong cách-mạng”, “phản nhân-vị”, “không chịu học-tập noi gương đạo đức của Ngô Tổng-Thống”.

        Người dân xứ Huế không quên những vụ tố khổ vào những ngày đầu tiên Ô. Ngô Ðình Diệm lên cầm quyền. 

        Trong một cuộc mít-tinh tại chúng-trường Phu Văn Lâu, một nữ-công-chức thuộc Nha Pháp-Chánh Trung-Phần đã đứng lên trước máy vi-âm xỉ mặt viên Giám Ðốc của Nha ấy mà kể tội là trước đó đã từng lợi dụng chức-quyền để hãm-hiếp mình…

Quang-cảnh đấu tố giống hệt dưới chế-độ cộng-sản ở Miền Bắc Việt-Nam.

CÔNG-CHỨC BỊ PHẠT VÌ VỀ VỚI GIA ÐÌNH  

        Có một số công-chức tùng-sự tại các công-sở ở Huế nhưng có gia đình ở Tỉnh Quảng-Trị; cuối tuần họ về ngoài đó với vợ+con.

        Nhưng rồi, vào một buổi trưa ngày cuối tuần nọ, số người ấy đã gặp nạn.  Sau đó, họ ngao-ngán kể lại với bạn-bè:

        Ô. Nguyễn Văn Đông, Tỉnh-Trưởng Tỉnh Quảng-Trị, đã ra lệnh chận đường từ hướng Huế ra, bắt giữ tất cả các công-chức vừa mãn giờ làm việc cuối tuần là để bụng đói phóng xe về với thân-nhân.

        Còn nhớ dưới thời Việt-Minh, để khuyến-khích phong-trào Bình Dân Học-Vụ, có nhiều Xã Thôn đã dựng cổng kiểm-soát dọc đường; ai biết chữ thì được đi qua cổng chính, ai không biết chữ thì phải lội vòng xuống ruộng bùn mà đi.

        Đông thì không cho các công-chức ấy đi, về với gia đình, mà cũng không chịu cho họ quay lui.  Ông bắt họ tập-trung tại chỗ, đợi đến sáng ngày đầu tuần mới cho xe chở họ vào Huế giao nạp cho Tòa Ðại-Biểu Chính-Phủ Miền Trung.

        Đông sợ dư-luận đồng-bào về những bê-bối của chính-quyền Tỉnh mà ông cầm đầu có thể bị các công-chức ở Huế là những tai mắt ấy thu-thập đem về phổ-biến, mà không bưng-bít được, vì ở ngoài vòng kiểm-soát của mình.

        Ông là em của một người con rể gia đình họ Ngô.

LUẬT-PHÁP PHỤC-VỤ CHO CÁ-NHÂN  

        Có lần, Nha Bảo-An Trung-Phần được cơ-quan Viện-Trợ Mỹ trao cho một số xe Jeep.  Viên trung-tá Giám Ðốc Nha ấy đến báo-cáo với “Cậu”, xem như đó là một thành-quả “nhờ ơn Ngô Tổng-Thống và Cậu” mới có được, và chọn một chiếc tốt đẹp nhất đưa đến để xin “Cậu” lái khai-mào hầu nhờ “Cậu” mà toàn Nha được hưởng hên.

       Chiếu cuối tuần ấy, có một số giáo-sư Viện Ðại-Học Huế, vốn được Ô. Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn nâng đỡ, và đều là nhân-vật tên tuổi một thời ở thủ-phủ của Miền Trung, về bãi Thuận-An tắm bể.          Họ lái xe Traction, chạy vùn-vụt trở về nhà ở Thành-Phố Huế vào lúc hoàng-hôn.

        Ðồng-thời, từ tư-thất ở Thành-Phố về nhà nghỉ mát ở bãi bể, Ô. Cố-Vấn đích-thân cầm tay lái, lái thử chiếc xe Jeep mới của Nha Bảo-An.

        Trên con đường lưu-thông duy-nhất giữa hai địa điểm, mà vào cuối tuần giữa mùa hè nóng bức thì người dân đi tắm bể tấp-nập, khi ngang qua lãnh-thổ Quận Phú-Vang, hai xe ngược chiều kể trên gặp nhau. 

        Xe Traction thì thấp; xe Jeep thì cao, mà vì mới xuất-kho nên mặt kính đèn trước chưa được che bớt phần trên bằng một lớp sơn màu vàng như các xe khác, và Ô. Cẩn thì cứ để đèn pha mà chạy.  Các nhà học-thức ấy bị chói mắt nên nổi giận, bèn cũng bật đèn pha, rồi thắng xe lại ngay giữa lòng đường, chận đầu chiếc xe kia, nhảy ra, xông tới, định dạy cho tài-xế xe Jeep một bài học.  Cùng lúc, Ô. Cố-Vấn luýnh-quýnh thắng xe lại; các vệ-sĩ của ông tưởng gặp kẻ khủng-bố nên nhảy ngay xuống, xáo ổ đạn, chĩa mũi súng về phía đối-phương, sẵn-sàng bấm cò.

        Thế là hai bên nhận ngay ra nhau; các nhà khoa-bảng liền đổi thái-độ, chắp tay vái “Cậu” liên-hồi.

        Sau đó, Tòa Ðại-Biểu Chính-Phủ Trung-Phần Việt-Nam chỉ-thị cho Nha Công-Chánh Giao-Thông, Nha Cảnh-Sát Công-An, cùng Tòa Hành-Chánh, Cơ-Quan Quân-Sự, Ty Công-Chánh, Ty Thông-Tin Tỉnh Thừa-Thiên, Ty Cảnh-Sát Thành-Phố Huế, Trung Ðội Hiến-Binh địa-phương, v.v… phải họp tìm biện-pháp tạo sự thoải-mái cho “Cậu” trên đường đi .  Họ bèn quy định, phổ-biến, và kiểm-soát, để từ nay trở đi mọi loại xe-cộ lưu-thông trên đường Huế―Thuận-An, và ngược lại, chỉ được phép chạy với tốc-lực tối đa 25 cây số/mỗi giờ; hễ gặp xe khác thì phải ngừng lại, rồi chạy từ từ; và nhất là buổi tối và ban đêm thì chỉ được bật đèn ló mà thôi.

        Sự việc ông Cố-Vấn bị chận xe dọc đường thì đã được chính ông bỏ qua; nhưng vì nó có liên-quan đến “Cậu”, các nhà chức-trách xem là quan-trọng hàng đầu nên đã đặt thành luật-lệ cho người dân tuân theo.

MỘT BỮA TIỆC SINH-NHẬT CỦA “CẬU”  

        Vào dịp sinh-nhật của Ô. Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn năm ấy, một mình tôi nhận được ba tấm thiệp mời dự tiệc; một với tư-cách văn-nghệ-sĩ ký-giả, một với tư-cách thành-viên Thuyết-Trình-Ðoàn Học-Tập Chính-Trị và Công Dân Giáo Dục, và một với tư-cách cấp chỉ-huy ngành Cảnh-Sát Công-An.

        Trên đầu tờ giấy có in hàng chữ “Văn-Phòng Cố-Vấn Chỉ Ðạo Các Ðoàn-Thể Cao―Trung―Hải”.  Về các “Ðoàn-Thể”, có nơi ghi rõ là “Chính-Trị, Kinh-Tế, Văn-Hóa, Xã-Hội, Thanh-Niên, Phụ-Nữ, Sinh-Viên Học-Sinh, Lao-Công, v.v…”  Cao là Cao-Nguyên, Trung là Trung-Phần, và Hải là Hải-Ngoại.

        Ðây là một cơ-hội hiếm có để tôi có thể trực-tiếp nghe+thấy những gì liên-quan đến “Cậu”, người mà dân-chúng sợ-hãi như một hung-thần.

        Con đường xe lửa xuyên-Việt nằm ở giữa, ngăn-cách tư-thất của Ô. Cố-Vấn với Văn-Phòng ở bên kia .  Lách qua khỏi hai cánh cổng sắt cao to mở hé, tôi bước vào một thế-giới lạ thường.

        Không có đường dây điện-thoại liên-lạc với bên ngoài.  Ô. Cố-Vấn thường chỉ ở trong tư-thất, và ít có ai thấy được chữ ký của ông.

        Một mái rạp cao được dựng sát trước hiên nhà, dài suốt ba gian, là nơi bày dọn nhiều dãy bàn ăn.  Hầu hết món ăn đều là món Huế, những loại ngày xưa dành cho hoàng-gia, triều-thần nhà Nguyễn và giới thượng-lưu, do chính một số đầu-bếp cũ trong Ðại-Nội hoặc tại các Phủ Chúa đến nấu dọn. 

        Thực-khách được chia ra mời làm nhiều đợt; nhưng có một số đến sớm trước giờ; và một số ăn xong vẫn còn nấn-ná ở lại, vừa chỉ dẫn cho những kẻ đến sau để tỏ ra rằng mình đã là người nhà của chủ-nhân rồi, vừa cầu-may mong có cơ-hội được “Cậu” hỏi đến.

        Mắt mang kính, miệng nhai trầu, tay cầm quạt khi thì phe-phẩy, khi thì dùng để gãi lưng, Ô. Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn vừa nói chuyện với vài ba nhân-vật ― nhất là ông Nguyễn Ðình Cẩn, Tỉnh-Trưởng Trưởng Tỉnh Bình-Thuận, suốt buổi vẫn bám sát theo ông ― vừa đi quanh chăm-sóc từ các loại cây cảnh quý trước mặt nhà đến các loại muông thú hiếm bên hông và sau vườn, trong đó có một con voi con.

        Hầu-hạ quanh nhà có một số nhân-viên Cảnh-Sát hoặc Công An.  Có một kẻ thường đi dọc theo đường Phan Chu Trinh và đường Vạn Vạn, trên bờ Nam của “sông An-Cựu nắng đục mưa trong”, ngang-nhiên chặt cây trên bến, và cả chuối trong vườn nhà dân, nói là để cho voi của “Cậu” ăn.  Nhiều người qua lại trên cầu Phú Cam và trên đường bờ sông Phan Ðình Phùng có lần trông thấy dưới bến “Cậu” dùng thìa cà-phê múc sữa đút cho voi uống, trong lúc các thuộc-viên đang kỳ-cọ tắm cho con voi.

        Tôi vừa vào đến nơi thì nghe có tiếng còi xe hộ-tống hụ từ phía cầu Phú Cam.  Ô. Cố-Vấn quay đầu về phía nhà trong, im-lặng lắng nghe.  Lập-tức, có hai thuộc-viên chạy nhanh ra cổng.  Họ thò đầu ra ngoài nói gì đó, rồi nhân-viên gác cổng mở hé một cánh cổng cho một số quan-chức và một viên tướng bước vào.  Tất cả đều mặc lễ-phục, và đều đi rón-rén vì sợ đế giày gây tiếng ồn.

        Về viên tướng, tôi nhận ra là Trung-Tướng Trần Văn Ðôn.  Hôm mới ra thay Trung-Tướng Thái Quang Hoàng, trong một buổi lễ tại Phu Văn Lâu, Ðôn đã bắt đầu diễn-văn bằng câu “Quân Dân Miền Trung!”  Tôi nghe kể lại, chỉ một lát sau là “Cậu” được nghe báo-cáo, liền phán “Hắn muốn lãnh đạo cả Dân ngoài ni nữa răng?”

        Họ cúi đầu chào Ô. Cố-Vấn nhưng ông không đáp lại.  Họ bèn nhập chung với một số khác đã đến trước, đứng sắp hàng quay mặt vào bức chân dung của Tổng-Thống Ngô Ðình Diệm để trên một chiếc bàn cao trong phòng khách chính, xong cất tiếng đồng-thanh hát bài “Suy-Tôn Ngô Tổng-Thống”, như lệ thường mỗi lần bắt đầu một buổi lễ hoặc buổi họp.

        Có đến hai bài “suy-tôn” khác nhau, một của Miền Trung và một của Miền Nam, nên nhịp và lời của hai bài chõi nhau, nghe rất chói tai.

        Bỗng có tiếng đằng-hắng trong nhà.  Ô. Cố-Vấn liền nạt:

– Ồn! để cụ nghỉ!

        Thế là mọi người nín bặt, lấm-lét tan hàng.  Trong lúc họ chưa biết giấu mặt ở đâu thì các gia-nhân ra hiệu cho họ đứng vào hai bên các dãy bàn tiệc mà bắt đầu ăn.

Lát sau, ông Cố-Vấn đi ngang qua các bàn ăn, nhìn chung, hỏi chung:

– Ngon không?

– Dạ ngon! “Cậu” cho ăn ngon quá!

        Nghe mọi người đồng-loạt khen, ông nở một nụ cười khoan-khoái, xong tiếp-tục đi ngắm-nghía, sờ-mó không biết chán các món quà đắt giá mà các cấp chức quyền từ khắp nơi trong nước và ngoài nước dâng về.

Trước mắt tôi, hình-ảnh của “Cậu” Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn vẫn quen thuộc như những lần ông chủ-tọa các cuộc thi rước xe hoa vào những dịp lễ lớn trong năm.

Mỗi cơ-quan dân-chính và quân-sự đều thực-hiện một cỗ xe hoa, với nhiều cỡ, nhiểu kiểu, nhiều cách khác nhau, nhưng tựu-trung thì đều rước ảnh của Ngô Tổng-Thống và được trang-trí đèn hoa rực-rỡ vô cùng.  “Cậu” đứng trước cổng nhà, vừa nhai trầu vừa quạt, nhướng mục-kỉnh chiêm-ngưỡng từng công-trình nghệ-thuật trẩy qua, và dễ dàng đồng-ý với những lời phê-bình cũng như chấm điểm, định mức thưởng tiền, của các “cố-vấn” hầu-cận hai bên.

Tự-nhiên tôi thấy ông hiền-lành quá, vô-tư quá.  Người như thế này mà có quyền sinh-sát đối với mọi người sao ?

LỆNH… LẠC  

        Ngoài ông Chánh Văn-Phòng, mà một số người cho là có hiểu biết, còn có một số sĩ-quan quân-lực được biệt-phái đến làm việc tại Văn-Phòng Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn.  Ông Hồ Văn Huế, một đồng-nghiệp đàn anh của tôi, là một tín đồ Ky Tô có đạo đức, đã có lần than-thở với tôi:

        – Té ra mạnh ai thì nấy báo-cáo lên “Cậu”; chỉ cần nói khích một câu, tỉ như “Tên này phản-loạn, dám chống lại Ngô Tổng-Thống và Cậu!” thì nếu đề-nghị giết chết “Cậu” cũng gật đầu liền.  Nhưng trong đa-số trường-hợp họ có trình lên “Cậu” đâu !

        Quyền-hành của Cẩn tuyệt-đối như thế nên dân-chúng gọi ông là “Lãnh-chúa Miền Trung”.  Thật ra, quyền-hành của ông cũng bao trùm cả Miền Nam, là lĩnh địa của ông anh, Cố-Vấn Ngô Ðình Nhu.  Một thi-hữu của tôi, Hồ Ðình Phương, của Tỉnh Long-An, và một số thành-viên khác thuộc các phái đoàn từ các Tỉnh trong Nam ra Huế họp đại-hội Ðảng Cần-Lao, đã xác-nhận với tôi điều đó.

       Không có học-lực và kiến-thức như các ông Diệm, Nhu, ông Cẩn chỉ là một thứ hào-mục hãnh-tiến, bỗng-nhiên thấy được người ta tôn lên thì được hưởng lợi chứ chẳng thiệt gì, nên để mặc cho thủ-hạ lèo-lái, vẽ-vời.  Ông chỉ đáng khen trong có một việc là lòng hiếu-kính đối với mẫu-thân, góa-phụ của cụ Ngô Ðình Khả. 

       Và chính cụ-bà cũng được nhiều người ngợi-ca vì lòng “trung-quân”.  Người ta kể lại rằng, khi lăng của chồng đã được xây xong, cụ-bà lên ở trên lăng.  Ðức Ðoan-Huy Hoàng Thái Hậu, tức Ðức Từ-Cung, mẹ của Cựu-Hoàng Bảo Ðại, thấy cảnh miếu đường hoang-phế mà không được chính-quyền chiếu-cố, bèn lên gặp cụ-bà để xin nói giúp với anh em nhà Ngô.  Cụ-bà nghe tin, đang bệnh mà cũng gắng dậy xuống đón từ dưới mấy cấp thềm, toan phủ-phục trước người mà cụ-bà tưởng vẫn còn là quốc-mẫu nên vẫn thủ-phận chồng+con mình là bề-tôi của quân-vương.

Ðiều tai-hại hơn hết là không có ai dám kiểm-chứng lệnh của Ô.Cố-Vấn Ngô Ðình Cẩn.

Thường thì mọi người chỉ biết tuân lệnh, do nghe kẻ khác nói lại, mà không biết là nói lại hay là nói đại.  Mà do chính miệng của ông nói ra lắm khi cũng chẳng hẳn là lệnh-lạc gì hết. 

Một thí dụ đầy tính tiếu-lâm được truyền miệng trong giới an-ninh:

Một trong những tay chân đắc-lực của Cẩn là Ô. Lê Hoát, Trưởng Ban Hoạt-Vụ thuộc Nha Cảnh-Sát Công-An Trung-Phần.  Mọi việc bắt-bớ, đọa đày, hãm-hại, v.v… đều nằm trong tay Hoát.  Thế mà…

Dạo ấy ở Tỉnh Quảng-Ngãi có sự rối-loạn.  Ty Công-An liên-hệ điện xin Nha Trung-Phần tăng-cường gấp một số nhân-viên.  Vì Hoát có nhiều nhân-viên nhất nên Phòng Nhân-Vụ đề-nghị rút bớt một số.  Hoát chỉ cho lấy một người, là người mà Hoát tưởng là không thiết-yếu vì không thấy đến báo-cáo công-tác hằng ngày.  Và người ấy nhận được sự-vụ-lệnh thuyên-chuyển từ Huế vào Tỉnh Quảng-Ngãi.

Kế đó, một hôm Ô. Cố-Vấn đi ra sau vườn thì thấy có một thuộc-viên nằm lăn-lộn trước chân ông mà khóc; ông tránh, người kia lại tái diễn, khóc to hơn.  Ông hỏi vu-vơ:

– Cha mi chết hay răng mà mi khóc dữ thế?

Ðươc ông hỏi đến, người giữ vườn kêu gào thảm-thiết:

– Không phải một mình cha con chết, mà chính con, rồi cả gia đình nhà con đều sẽ chết hết, “Cậu” ơi!  Người ta không muốn cho con tiếp-tục ở đây để được hầu-hạ “Cậu”, “Cậu” ơi!

– Rứa người ta đưa mi đi mô ?

– Việt-Cộng giết người tùm-lum trong Quảng-Ngãi, mà người ta đưa con vô trong đó!    

– Ai đưa mi đi ?

Người ấy vốn đã có đến năn-nỉ với Phòng Nhân-Vụ đề xin ở lại, nhưng được nơi đây giải-thích là chính Hoát đã quyết định cho đương-nhân ra đi.  Người ấy liền đáp:

– Dạ, Lê Hoát đưa con đi!

Ông Cố-Vấn vừa bước tiếp vừa nói khống:

– Răng hắn không đi mà đưa mi đi ?

Mọi lời nói của “Cậu” đều được truyền đi tức-thời .

Thế là Nha Cảnh-Sát Công-An Trung-Phần ký sự-vụ-lệnh khác, để nhân-viên kia lại, và đưa … Lê Hoát đi !

Một thời-gian sau, một hôm ông Cố-Vấn sực nhớ mới hỏi:

– Thằng Hoát mô rồi mà lâu ni tau không thấy hắn?

Thế là Quát lại được thuyên-chuyển từ Ty Quảng-Ngãi về lại Nha!

Dân-chúng cũng đàm-tiếu với nhau:  Bà Cố-Vấn Ngô Ðình Nhu, lãnh-tụ Phong-Trào Phụ-Nữ Liên Ðới và Ðoàn-Thể Thanh-Nữ Cộng-Hòa của toàn-quốc, tức là gồm cả Miền Trung, những lần ra Huế thường tránh gặp mặt “Cậu”.  Trung-Tướng Thái Quang Hoàng, nguyên Tư-Lệnh Ðệ-Nhị Quân-Khu, mà tổng-hành dinh đóng ở Huế, vốn là một sĩ-quan sủng-ái được thăng cấp vùn-vụt, mà rồi cũng bị thất-sủng vì bị dèm pha.  Ông Trần Chánh Thành, là người được chính Ô. Ngô Ðình Diệm chọn đưa từ Pháp cùng về với mình, cử làm Bộ-Trưởng Bộ Thông-Tin, phụ-trách Chiến Dịch Tố Cộng và Phong-Trào Cách-Mạng Quốc-Gia, mà rồi cũng va-chạm với uy-lực của “Cậu” về quyền lãnh đạo các tổ-chức và hoạt động này tại Miền Trung…

Tôi tự hỏi không biết có phải chính “Cậu” đã chủ động, đã chủ động nổi, trong các vụ này, hay là bị bọn ác-ôn côn đồ gài bẫy, mạo danh…

VỤ GIÁN ÐIÊP PHÁP TẠI MIỀN TRUNG  

        Sau khi Pháp, do áp-lực của Mỹ, rút quân ra khỏi Việt-Nam, một số kiều dân Pháp vẫn còn ở lại; họ điều-hành các đồn điền cao-su, cà-phê, trà, và các nhà máy điện, nước, lữ-xá, tiệm ăn, v.v…  Ngoài ra, còn có các nhà ngoại-giao …

        Ở Huế, có một Phòng Thông-Tin Pháp, mà Giám Ðốc là Ô. Avril, một người Pháp lai Việt, sinh sống từ nhỏ tại Thành-Phố này.  Tôi đã giới-thiệu để Avril làm quen với Ô. Thompson A. Grunwald, khi ông này đến nhậm chức Giám Ðốc Thông-Tin Hoa-Kỳ ở Huế.  Trong lúc chưa có Tổng Lĩnh-Sứ, Grunwald là đại diện Mỹ đầu tiên đến Miền Trung. 

        Ðối với dân-chúng địa-phương thì sự quen biết đã có từ trước và những giao-tiếp không thể tránh được sau này của Avril với những nửa-đồng-bào xung quanh đã gây tai-họa không ít cho nhiều con dân Việt-Nam.

        Trong chương-trình “đả-thực, bài-phong, diệt-cộng”, mà “thực” ở đây là thực dân Pháp, các cơ-quan an-ninh sở-tại cho biết đã khám-phá được một tổ-chức gọi là “gián điệp Pháp tại Miền Trung”.

        Trong những năm đầu sau Hiệp Ðịnh Genève, Liên-Xô và Hoa-Cộng chưa chủ-trương cho Cộng-Sản Bắc-Việt xâm-chiếm Miền Nam; nhờ đó, đa-số các cấp chính-quyền, nhất là ở nhiều Xã Thôn, đã có hoàn-cảnh thuận-lợi để loại-trừ các phần-tử có liên-hệ hoặc bị nghi có dính-líu với ba kẻ thù kể trên.  Trung-Ương cho phép mỗi Xã lập nên một “Hương-Ước” riêng của mình; đó là những quy định tội-trạng và hình-phạt có giá-trị pháp-lý, nằm ngoài và bổ-sung luật-pháp và luật-lệ chung của Quốc-Gia.  Chính-sách của Chính-Quyền Quốc-Gia thời Ðệ-Nhật Cộng-Hòa là phục-hồi “Lệ Làng”, một thứ quyền tự-trị của các hương-chức thời xưa; đúng với tuc-ngữ “Phép Vua thua Lệ Làng”.  Giải-pháp giàn-tiện hơn hết là trục-xuất tất cả các đối-tượng “phản động” ra khòi quê-quán của họ.  Nhân dịp có cái gọi là “quốc-sách” Ấp Chiến-Lược và Dinh Ðiền, nhà cầm quyền tống họ lên vùng Cao-Nguyên, cùng với các thành-phần bất-hảo khác ― cựu-can hình-sự, đồ đệ “Tứ Ðổ Tường”, cá-nhân lừng-khừng ― sống tập-trung chung trong các Ðịa Ðiểm Dinh Ðiền, là nơi Hoa Kỳ viện-trợ dồi dào để giúp các giới dân nghèo Việt Nam tái định-cư kiến-tạo đời sống ấm no, thanh-bình, và thịnh-vượng lâu dài cho tương-lai.

        Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề mặt, nhất-thời.  Thật ra, ngay sau khi chính-quyền Ngô Ðình Diệm ra đời, những kẻ có liên-hệ chặt-chẽ với Pháp, với Hoàng-Tộc, với Việt-Minh, hoặc bị tổn-thương quyền-lợi cá-nhân, đều đã tìm cách tự-tồn.  Họ trá-hình quy-phục, hoặc ngụy-tạo lý-lịch, đổi vùng sinh-hoạt; hoặc rút lui vào bóng tối, hoạt động bí-mật; hoặc bất động chờ thời.  Cao điểm là sau khi Mặt Trận Việt-Minh tập-kết cán-bộ và bộ đội ra Bắc; quân-lực Pháp giao lại Miền Nam Việt-Nam cho Mỹ; chế độ Diệm tịch-thu tài-sản của Pháp, lật đổ và tịch-thu tài-sản của cựu Quốc-Trưởng Bảo Ðại, phát động chiến dịch “Tố Cộng”, đánh dẹp các giáo-phái, đàn-áp các chính đảng, cấm Hoa-Kiều làm mười một nghề, v.v…

        Có những chính-sách đúng, nhưng bị phai mờ vì những chủ-trương sai; và ngay những đường-lối tốt cũng bị hoen-ố vì những việc làm xấu.  Và thiểu-số lạm quyền đã xử ức người này, trị oan kẻ kia, đào hố sâu chia-rẽ và giúp nẩy mầm phẫn-uất trong dân-nhân.  Hạt nhân đối-nghịch và khuynh đảo từ đó đã được gieo ra.

        Thật ra, người dân căm-hờn thực dân, oán ghét tay sai, thù hận thành-phần thân Pháp, nên ủng-hộ các nỗ-lực phát-hiện gián điệp nước ngoài.  Nhưng khi chính-viện không truy-tố bị-can ra trước pháp-viện, lại sử dụng luật rừng để bạo-hành đối với tù-nhân, thì chiêu-bài “Dân-Chủ Pháp-Trị’ của chính-quyền Ngô Ðình Diệm đã trở thành bịp-bợm đối với người dân.

        Vào một buổi sáng nọ, như để chứng-minh cụ-thể cho những luồng dư-luận lan tràn lâu nay, một số đồng-bào đã tìm đến tận nơi để nhìn thấy tận mắt thi-thể của một nạn-nhân: Ô. Võ Côn, cựu Phó Giám Ðốc Cảnh-Sát Công-An Trung-Việt, bị giết chết và vứt bỏ xác ở chân Núi Ngự-Bình.

THẦU-KHOÁN NGUYỄN VĂN YẾN  

        Nhà thầu Nguyễn Văn Yến là một nhân-vật tên tuổi được đồng-bào khắp Huế mến thương.

        Sau ngày hồi-cư vào năm 1947, Yến bắt đầu thu thuế tại chợ An Cựu là một chợ nhỏ, mà thời-gian đầu dân-chúng còn thưa-thớt nên chợ chưa có nhiều kẻ bán người mua.  Vợ anh cũng theo giúp chồng.  Tuy là chủ thầu nhưng cả hai đều đối xử tử-tế với giới chịu thuế, nhẹ tay với ai ít vốn, chước-miễn cho ai ít lời.

        Nhờ làm việc cần-cù, giao dịch khéo-léo, Yến đã tiến từ thầu nhỏ lên thầu lớn, và đỉnh cao là thầu được cơ-sở kinh doanh đồ-sộ của anh+em Pháp-kiều Morin chính giữa trung-tâm thủ-phủ của Miền Trung, đặt tên Nguyễn Văn Yến cho đại Khách-Sạn và Diễn Ðường này.

        Sự thành-công của Yến là một gai nhọn trước mắt những kẻ muốn chiếm độc-quyền khai-thác hoặc chi-phối mọi nguồn lợi kinh-tài. Thế là Yến bị bắt.

        Vợ Nguyễn Văn Yến bị bệnh hiểm-nghèo.  Sau khi được chữa lành, trước khi xuất-viện chị đã được y-sư giải-thích và căn dặn kỹ-càng: muốn sống thì đừng gần-gũi đàn ông.

        Thương chồng, chị đến gõ cửa khắp nơi; bao nhiêu tiền của chị đem ra dâng nạp hết, nhưng vẫn không có kết-quả.  Cuối cùng, chị được đưa đến ra mắt Ô. Cố-Vấn để cầu xin “Cậu” thi-ân.

        Nhờ ân của “Cậu”, chị chết.

        Nỗi đau thương của gia đình Nguyễn Văn Yến đã trở thành niềm căm-hận của mọi người: liền sau đó, chính Yến cũng bị giết chết trong tối-tăm.

THẦU KHOÁN NGUYỄN ÐẮC PHƯƠNG  

        Là Trưởng-Phòng Huấn-Luyện, trong thời-gian có Khóa Tu-Nghiệp hoặc Khóa Anh-Ngữ Căn-Bản do tôi giảng dạy cho cảnh-nhân toàn Thành-Phố, tôi thường đến sớm để lo cho mọi thứ được chuẩn-bị sẵn-sàng.  Có nhiều lần tôi ngạc-nhiên thấy Hội Ðường, mới chiều hôm qua còn ngăn nắp, mà sao sáng hôm sau bàn ghế đã nghiêng lệch và trên nền lầu vương vãi những lá lót, giấy bọc, cùng nhiều loại thức ăn, đồ uống thừa.

        Những lần đầu, tôi nghĩ là do toán nhân-viên gác đêm bày tiệc ăn nhậu.  Ðến lần nọ, tôi vào hỏi ông Đặng Phong, Phó Cành-Sát-Trưởng ; ông nhìn Ô. Hồ Đắc Vang, trả lời tôi: “Ðêm qua, Chi-Bộ họp”.  Chi-Bộ là tổ-chức Ðảng; tôi không ở trong Ðảng, tôi không thể phàn-nàn gì thêm.

        Một hôm, nhân vào Sài-Gòn lập thủ-tục du-học Hoa-Kỳ, tôi gặp Ô. Nguyễn Văn Trí giữa phố.  Trí là nhân-viên Ðội Biệt Ðộng ở Huế; cùng đi với anh có vài ba người nữa, đang ngồi trong một chiếc xe hơi đậu bên lề đường.  Anh dừng lại chào hỏi tôi.  Khi anh lên xe đi rồi, có mấy người mà tôi thấy quen mặt đang ngồi trong Nhà Hàng “Thanh Thế” vẫy gọi tôi vào.  Họ là công-chức, quân-nhân hoặc thường dân gốc ở Huế, nay vào tùng-sự, thụ-huấn hoặc sinh sống trong này.

        Nhạc-sĩ Châu Kỳ ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Ðừng bắt mình, nghe Thanh-Thanh!”  Tôi mở tròn mắt hỏi lại: “Tôi làm gì mà bắt ai ?”  Nhạc-sĩ Lê Trọng Nguyễn liền vỗ vai Kỳ: “Thanh-Thanh chắc không dính vào những vụ đó đâu!”

        Hồi đó, Cảnh-Sát và Công-An là hai ngành khác nhau, mà tôi thì ở bên phía tư-pháp hình-sự, không phải bên phía chính-trị.

        Một người hỏi tôi: “Hôm nay các anh đã bắt được bao nhiêu mạng rồi ?”  Thấy tôi ngơ-ngác, một người khác nói: “Bọn hồi nãy là mật-vụ trong Ðoàn Công-Tác Ðặc-Biệt Miền Trung, vào đây bắt người đấy!”

        Tôi cũng có nghe nói đến tổ-chức ấy, nhưng không biết là họ thuộc cơ-quan nào, vì tại Nha và tai Ty Công-An Tỉnh Thừa-Thiên thì chỉ có Ban Hoạt-Vụ, Ban Lưu Ðộng, hoặc Ban Truy-Tầm gì đó thôi.

        Không-khí ở Sài-Gòn tự do hơn, nên mấy người này tranh nhau kể toàn những chuyện cướp đoạt, giam-cầm, tra-tấn, và thủ-tiêu dân lành, ở cả Huế lẫn các Tỉnh gần xa.

       Diệm thì huênh-hoang tuyên-bố: “Ðằng sau Hiến-Pháp còn có tôi!” để bị lũ gian-manh ngụy-tạo vườn cây sây trái cho mà đến thị-sát, khoe-khoang; Nhu thì kìm kẹp đối-lập ở P-42; vợ Nhu thì hùn-hạp làm ăn bất-chính với vợ Trần Chánh Thành; Cẩn thì thể-hiện hỏa-ngục ở Mang-Cá, hồ lửa ở Chín Hầm…

        Khi nghe tôi làm việc ở Ty Cảnh-Sát Huế, một người la lên:

        – Ðánh người ta vỡ đầu chết, rồi ném xác xuống sân, tri-hô là người ta nhảy lầu tự-tử, xong rồi vào đây lánh mặt hả?

        Các bạn khác cũng sững-sờ như tôi.  Một người ôn-tồn hỏi tôi: “Anh vào đây bao giờ?”  Tôi đáp: “Sáng thứ năm”  Người ấy thở phào: “Thế thì không phải là anh!”

        Người kia nhìn tôi dò xét, rồi như tin tôi, kể ngắn gọn:

        – Chúng bắt bừa, nhốt kín nhiều nơi, lâu lâu mới chở một số đến Ty Cành-Sát cho gặp thân-nhân một lần vào lúc nửa đêm.  Tại đó, chúng cũng khảo đả nạn-nhân.  Án-mạng vừa rồi xảy ra vào khuya thứ năm; tôi mới vào chiều hôm qua; thứ sáu.  Tội-nghiệp thầu-khoán Nguyễn Ðắc Phương!

        Tôi nghe mà lặng điếng cả người.

        Thì ra Hội Ðường, nơi tôi truyền-bá lý-thuyết lý-tưởng về nghiệp-vụ, nơi tôi phổ-biến đạo đức chính-trị của Ngô Tổng-Thống, đã bị dùng làm nơi chà đạp “nhân-vị” và sinh-mạng của con người!

        Trước đó, tôi có gặp Nguyễn Ðắc Phương một lần, tại nhà Giáo-Sư Nguyễn Như Minh.  Minh là thầy cũ của tôi ở “Thuận-Hóa Học-Hiệu”.  Ông vừa mới giao cho Phương, và Phương vừa mới khởi-công xây-cất một trụ-sở mới cho Trường Trung-Học Tư-Thục Nguyễn Du.

        Ngang đây thì tôi thấy Trung-Tá Ðoàn Ðình Từ, một người bạn thân của tôi, hiện làm Trưởng Ty Công-An Tỉnh Long-An, từ ngoài bước vào.  Từ bị thương trong một trận chạm súng với Việt-Cộng, chân đi còn khập-khiễng.  Ðể tránh đụng chạm, tôi kéo anh lên Nhà Hàng “Bồng Lai”.

        Lát sau, tôi hỏi anh về nạn độc-tài, tham-bạo; anh lắc đầu thở dài: “Hết nước nói!  Minh chỉ biết diệt Cộng mà thôi!”  

*

LÊ XUÂN NHUẬN CHỐNG CHẾ-ĐỘ NGÔ ĐÌNH DIỆM

        VÀO dịp lễ Hai Bà Trưng (3-3) năm 1960 (mồng 6 tháng 2 âm-lịch Canh Tý), tôi thuyết-trình về tinh-thần ái-quốc của Trưng Nữ-Vương, theo tài-liệu học-tập của Trung-Ương phổ-biến.

        Nguyễn Xuân Lại, lúc ấy cũng đã mãn định-kỳ quân-nhiệm, trở về Ty Cảnh-Sát Huế, cùng tham dự buổi họp.

        Khi đến câu “Quân của Hai Bà là quân ô-hợp nên bị thất-trận”, tôi đã cố ý bỏ qua từ đoạn “là quân ô-hợp”.  Hội Ðường thắc-mắc; nhiều người đưa ý-kiến là phải đọc trọn câu, và đòi giải-thích hai tiếng “ô hợp”.  Tôi giải-thích tĩnh-từ “ô hợp”, xong thanh-minh rằng tôi không muốn trong lúc tưởng nhớ công đức của tổ-tiên anh-hùng mà lại chê-bai phẩm-chất chiến đấu của tiền-nhân:

– Có lẽ soạn-giả sơ-ý.  Theo tôi thì chỉ cần nói “Hai Bà thua trận là đủ”, không cần nêu thêm cái lý do ấy, nhất là nói về khuyết nhược của mình.  Vậy đề-nghị các bạn khi về đơn-vị địa-phương thuyết-trình lại cho các học-viên của mình thì bỏ bớt mấy chữ đó đi .

Ngang đây, Lại chất-vấn tôi:

– Sự thật là “ô hợp” thì cứ nói là “ô hợp”, anh muốn chống lại lịch-sử và cãi lại tài-liệu của “Ban Chỉ Ðạo Học-Tập Trung-Ương” ư ?

Cuộc thảo-luận chung biến thành cuộc tranh-luận riêng giữa hai chúng tôi.

Tôi nói: “Tuy Ban Chỉ Ðạo Trung-Ương do ông Cố-Vấn Ngô Ðình Nhu chủ-trì, nhưng ông chỉ đề ra ý chính, làm sao kiểm-soát hết từng chữ?”

– Tôi đã từng thảo diễn-văn cho các Ðơn-Vị-Trưởng, họ dò rất kỹ trước khi đọc; anh cho là ông Cố-Vấn không đọc kỹ à?

– Tôi cũng đã từng thảo diễn-văn cho các tướng Tư-Lệnh, đúng như anh nói.  Nhưng đó là cho chính miệng họ đọc ra, lâu lâu một lần.  Ðằng nầy, tài-liệu tổng-quát do nhân-viên phụ-trách soạn chung cho mọi người, ào-ạt phổ-biến mỗi tuần mấy đợt, trải qua nhiều năm rồi, thì cũng chỉ giống như tờ báo định-kỳ thông-thường ngoài phố mà thôi, làm sao tránh khỏi sơ-xuất?

– Nhưng đây không phải là sơ-xuất, mà là nói lên sự thật!

Tôi đáp: “Ðồng-ý là sự thật.  Tuy nhiên, đó là ở trường đại-học, nghiên-cứu sử-liệu chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều khác lạ; thí dụ tài-liệu của Trung-Hoa nói về Hai Bà Trưng, có đăng trên báo của Viện Ðại-Học Huế, do linh-mục Cao Văn Luận làm Viện Trưởng, thì tàn-tệ hơn nhiều.  Còn đây thì không phải là một công-trình nghiên-cứu lịch-sử ở trình độ bác-học, mà chỉ là một bài học công dân giáo dục nhắm vào đa-số bình dân, cốt để nhân ngày kỷ-niệm Trưng-Vương mà khích động đồng-bào noi gương yêu nước của Hai Bà; như thế thì chỉ cần đề-cập những gì có lợi cho mục đích trước mắt mà thôi”.

– Nói như anh tức là cấp trên khinh thường dân-chúng, chủ-trương ngu dân!

Tôi thấy Nguyễn Xuân Lại đã vô-tình tạo ra cơ-hội cho tôi lợi dụng mà nói lên những điều cần nói công-khai :

– Ở đây có ông Trần Văn Hương, Cảnh-Sát-Trưởng, vừa đi du-học ở Mỹ về, đã thấy rõ sự khác nhau giữa Mỹ với nước mình.  Thế nhưng, tài-liệu, mà chúng ta học-tập ở đây thì nói rằng Hiến-Pháp của Việt-Nam Cộng-Hòa là tiến-bộ hơn Hiến-Pháp của Hiệp-Chủng-Quốc Hoa-Kỳ.   Cũng thế, học-tập về chế độ hiện-tại thì chỉ toàn đề-cao những tốt lành ngay chính chứ có ai phanh-phui những xấu dữ gian tà đâu !

Thế là mọi người bỏ mất trọng-tâm.  Hội Ðường chia ra làm hai phe; đa-số thì đồng-ý với tôi dẫn chứng từ những sai lầm bất-công đến những gian tham tàn-ác của nhóm đặc-lợi đặc-quyền; thiểu-số đắc-thời thì chối-cãi, biện-minh.  Không-khí quá găng; chủ-tọa phải tuyên-bố giải-tán.  Nhưng khi ra khỏi phòng họp rồi họ vẫn còn phát-biểu rất hăng.

Việc làm của tôi đã mở đường cho những chống đối công-khai và đồng-loạt của nhiều tập-thể lớn về sau (trước cả vụ phản-kháng của 18 nhà chính-trị tên tuổi tại Nhà Hàng Caravelle trong Sài Gòn.  Nhà văn Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam, bị kết án tử-hình, đã tự-tử, với kết-luận “đời tôi để lịch-sử xét” để phủ-nhận quyền-hành của chế độ nhà Ngô). 

Riêng trường-hợp của tôi đã gây nên mối bất-đồng quan điểm giũa hai ông Cố-Vấn họ Ngô.  Vây-cánh của Ô. Cẩn thì muốn dùng biện-pháp mạnh đối với tôi, nhưng Ô. Nhu thì tiến-bộ hơn nên nương tay.  Do đó, họ giao tôi cho Bộ Nội-Vụ áp dụng kỷ-luật hành-chánh.

Sau ba tháng bị cất chức, giam cầm, tôi bị ghép vào thành-phần “phản-loạn” và bị đày lên Cao Nguyên là vùng “nước độc và nguy-hiểm”, cùng với bốn đồng-nghiệp khác; đó là hai viên-chức tham-mưu có uy-tín mà không chịu đứng chung vào hàng-ngũ phá đạo hại đời, và hai viên-chức hoạt-dịch cũng là tín đồ Ky-Tô-Giáo và cũng là đảng-viên Ðảng Cần-Lao nhưng không đồng-hội đồng-thuyền với họ nên họ cũng nhân dịp này mà tống cổ đi luôn.

Suốt đời tôi không bao giờ quên được hình-ảnh của những Giám Ðốc, Trưởng Ty, công-chức các cơ-quan bạn, mà nhiều người trước kia tôi chưa hề quen, và rất đông đồng-bào vô danh, đã bất-chấp mật-vụ, lên ga xe lửa Huế ngậm-ngùi tiễn chúng tôi đi …

*

        Rồi Diệm bị đảo-chánh hụt, rồi Dinh Ðộc-Lập bị ném bom.  Vụ các chính-khách bất-đồng chính-kiến họp tại nhà hàng Caravelle nổ bùng.  Nhà văn Nhất-Linh Nguyễn Tường Tam tự-tử để phủ-nhận quyền-hành của chế-độ nhà Ngô.  Phật-Giáo bị cấm treo cờ vào ngày lễ Phật-Ðản; Phật-Tử Huế biểu-tình đòi quyền tự do tín-ngưỡng, bị tàn-sát trước Ðài Phát-Thanh.  Diệm+Nhu cho Cảnh-Sát Chiến Ðấu tấn-công chùa-chiền.  Hòa-Thượng Thích Quảng Ðức và nhiều tu-sĩ, Phật-Giáo-Ðồ khắp nước tự-thiêu.  Sinh-viên học-sinh và các giới dân-nhân xuống đường; toàn-quốc nổi dậy.  Thạc-sĩ Vũ Văn Mẫu, Ngoại-Trưởng VNCH, tự cạo trọc đầu từ-chức để phản-đối Diệm; ngay chính ông Trần Văn Chương, đại-sứ VNCH tại Mỹ, là cha ruột của bà cố-vấn Ngô Ðình Nhu, và bà Trần Văn Chương, quan-sát-viên VNCH tại Liên Hiệp Quốc, là mẹ đẻ của bà Nhu, cũng cùng từ-chức để chống lại bè lũ Diệm—Nhu đàn-áp Phật-Giáo.  Chính-giới Hoa Kỳ phẫn-nộ, dư-luận thế-giới xôn-xao.  Cuộc Cải-Mệnh 1-11-1963 xảy ra.

        Sau này, tôi chỉ-huy Cảnh-Lực cấp Tỉnh trên Cao-Nguyên thì Nguyễn Xuân Lại cũng chỉ-huy Cảnh-Lực ở Tỉnh Thừa-Thiên.

        Một số bạn cũ nói rằng Lại vẫn trung-thành với quan-niệm sống của mình, cứ theo lý-thuyết sách vở mà làm; theo đó, Luật-Pháp mới là nguyên-tắc của trật-tự và an-ninh, nên anh phục-vụ; còn Chính-Trị thì là phi-nguyên-tắc nên anh không tham-gia.  Anh chỉ chú-tâm riêng vào phần Hình-Cảnh, và phó mặc phần Ðặc-Cảnh (có thể gọi là Cảnh-Sát Chính-Trị) cho viên Phó Chỉ-Huy chuyên-trách cầm nắm các vấn đề phe đảng, giáo-phái, hội đoàn, tình-hình nội-bộ chính-quyền, cũng như trực-tiếp giải-quyết với Ủy-Ban An-Ninh về các vụ bắt-bớ. giam cầm Việt-Cộng tại địa-phương.

        Tuy không đối diện, đối-thoại, nhưng qua tin-tức như trên, tôi vẫn thấy cần tranh-luận với Lại.  Nếu anh chịu nhúng tay vào, thì cơ-quan mà anh vẫn là người chịu trách-nhiệm chính, chắc-chắn sẽ tránh được nhiều lầm sai.  Cùng lắm thì anh vẫn có thể công-khai nói lên tiếng nói của mình, như tôi ngày xưa ?

        Việt-Cộng không bám sát anh, hoặc vì cơ-sở của chúng hoạt động dở, hoặc do may-mắn tự-nhiên, mà anh thoát chết ở Huế vào vụ Tết Mậu-Thân 1968.  Anh trà-trộn với đồng-bào vào trốn trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu-Thế; khi địch đến thanh lọc, anh đưa Thẻ Sinh-Viên trường Luật ra; chúng không nhận diện ra anh.  

*

        Chừng nhớ ngày xưa tôi rất ham thích Ngành Hình-Pháp, Nguyễn Xuân Lại nói:

        – Mình không ngờ Nhuận mà lại qua Ngành Ðặc-Cảnh.

Tôi định đáp: “Mình cũng không ngờ Thêm mà lại tham-chánh”, nhưng tôi nín kịp.

        Một người bạn thân khác của tôi, thi-sĩ Như Trị, tức Luật-sư Bùi Chánh Thời, cũng có quan-niệm như Lại.  Nhưng Thời không tham-chính; anh hoạt động vì nhân đạo, cầm đầu chi-nhánh của một tổ-chức quốc-tế Bảo-Vệ Thiếu-Niên Nhi Ðồng tại Việt-Nam.

        Mỗi người có quyền theo đuổi lý-tưởng riêng của mình.  Tôi tôn-trọng quyền ấy.  Nhưng vì Luật-Pháp tự nó không có Tổ-Quốc, nên chính-thể nào cũng dựa trên Luật-Pháp nói chung để làm ra Luật-Pháp của riêng mình.  Trong một Quốc-Gia, vào một giai đoạn nào đó, phải chăng Luật-Pháp cũng chỉ là sản-phẩm của Chính-Trị?  Người đã tham-gia vào Chính-Quyền, nhất là ở cương-vị lãnh đạo, làm sao không dự phần vào chính-sách chung?

        Lại được mời làm Thứ-Trưởng một Bộ.  Dù là của Bộ Tư-Pháp đi nữa, thì đó cũng là một phần của Ngành Hành-Pháp, và đó cũng là một trách-vụ chính-trị.  Anh nói là anh chưa nhận, tức là đã nhận trên nguyên-tắc, chỉ còn cân-nhắc một số điều-kiện nữa mà thôi ?

        Bị ám-ảnh vì bóng ma quá-khứ, tôi sợ là anh sẽ lại rơi vào hai trường-hợp khó-khăn:  Lý-thuyết siêu-chính-trị có thoát khỏi bị guồng máy chính-quyền biến-thể?  Và nhập-cuộc nửa vời có phải là giải-pháp an ổn cho lương-tâm?

        Thà Lại chỉ là luật-sư, hoạt động ngoài-chính-quyền như Thời, đứng hẳn về phía đối-lập trong dân-nhân, hoặc chỉ là huấn-sư trong một trường Luật, hoặc công-khai đối-lập trong các chức-vụ lập-pháp và dân-cử…  Ðằng này, trong cương-vị công-cử, nếu gặp nghịch-cảnh, thái độ của anh sẽ như thế nào …

        Tuy nhiên, lịch-sử cũng đã sang nhiều trang; cả Nguyễn Xuân Lại lẫn tôi, cũng như mọi người, đều đã lớn hơn, khôn hơn.  Trên đường tiến tới Dân-Chủ, dân-nhân Miền Nam Việt-Nam đã bước những bước khá dài.  Ít nhất thì, ngày xưa, hễ thiếu kính-trọng đối với Ngô Ðình Diệm là cầm chắc cái chết trong tay; nhưng, ngày nay, mọi người đều tự do chỉ-trích, thậm-chí mạt-sát, Nguyễn Văn Thiệu mà không hề-hấn gì.  Giới trí-thức phải hiểu rằng tài-năng, đạo đức, thiện-chí, và kết-quả phục-vụ là những yếu-tố cần-thiết để thẩm định giá-trị của một con người.  Ðã giỏi Luật-Pháp, mà cũng rành về Chính-Trị và các Ngành khác, hoặc ngược lại, thì tài-năng mới không phiến diện; và đã tham-gia thì phải dấn thân, có thế đạo đức mới vẹn toàn.

        Tôi bắt tay Nguyễn Xuân Lại thật chặt, để mừng anh, và để truyền đạt qua anh niềm tin của tôi rằng bạn mình bây giờ nhất định đã tiến rất xa …

                                                Huế, 1973-75   

LÊ XUÂN NHUẬN  

GHI THÊM:

Vào khoảng cuối thiên-niên-kỷ trước, tôi gặp lại Nguyễn Xuân Lại tại một buổi sinh-hoạt của Cựu CSQG Miền Bắc California ở San Jose.  Lại cho biết là vừa được Cựu Tống-Thống Nguyễn Văn Thiệu mời hợp-tác trong một chương-trình tranh-đấu cho Quốc-Gia.  Tôi không biết nói gì, chỉ thành-tâm chúc anh thành-công mà thôi.

Về Vùng Chiến-Tuyến

Lê Xuân Nhuận là người đầu tiên công-khai và chính-thức tố-cáo các hành-vi sai trái dưới chế-độ Ngô Đình Diệm.