Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện : ĐÊM GIÁNG SINH CÔ ĐƠN

ĐÊM GIÁNG SINH CÔ ĐƠN

 

T

ừ trước tới nay, tôi chưa bao giờ trải qua đêm lễ Giáng Sinh một mình. Ngồi đơn độc trên ghế trường kỷ trong gian phòng tuy trang trí đầy đủ nhưng trống vắng, tôi có cảm tưởng rờn rợn vì đầu óc mãi nghĩ ngợi lan man tới những hồn ma và tiếng nói âm thầm từ thời quá khứ vang vọng. Tâm trí tôi hầu như hoàn toàn trôi trong dòng suy tưởng vì tất cả những dịp lễ Giáng Sinh của thời xa xưa đang trở lại, lẫn lộn trong tiềm thức. Tôi nhớ lễ Giáng Sinh thuở ấu thơ trong gia đình đầy đủ thân nhân quyến thuộc, với cây Noel giăng đèn xanh đỏ dựng gần cửa sổ; nhớ sáng hôm sau thức dậy vội vàng chạy tìm chiếc vớ đỏ đựng đồ chơi ông già Noel cho, treo ở lò sưởi. Lớn lên chút nữa, tôi hưởng mùa giáng Sinh với cha, mẹ, với chiến tranh khốc liệt, với thời tiết băng giá và những phong thư cuả chiến binh từ ngoại quốc gửi về. Kế tiếp nữa là mùa lễ Giáng Sinh tôi đã trưởng thành, vui chơi với người yêu, với tuyết trắng và nỗi đam mê, uống rượu chát đỏ và hạnh phúc với những nụ hôn tình. Nửa đêm nghe chuông giáo đường đổ lúc tôi đi bên cạnh những bước chân của tình nhân, trên mặt đường phủ tuyết trắng xoá và dưới bầu trời đêm đen sao sáng lấp lánh… Đã có bao biết nhiêu kỷ niệm ngày lễ Giáng Sinh đã qua trong cuộc đời mình.

Bây giờ, tôi đang hưởng một đêm Giáng Sinh cô đơn. Tuy nhiên, nghĩ tới hàng triệu người từ xưa tới nay cũng đã từng trải đêm Giáng Sinh cùng hoàn cảnh, tôi tự cho mình chưa hẳn đơn độc hoàn toàn. Tự dưng tôi có ý tưởng nhắm mắt lại, cố xoá bỏ tạp niệm để không còn thấy quá khứ cũng như chẳng còn tương lai mà chỉ thấy hiện tại bất tận, bởi vì chúng ta lúc nào cũng đang sống trong hiện tại.

Tâm tính con người vốn yếm thế và đôi khi vô tín ngưỡng nên thường có cảm tưởng băn khoăn khó chịu một khi phải lâm cảnh cô đơn trong đêm Giáng Sinh. Có lẽ vì vậy mà tâm trạng tôi nhẹ nhõm, thoải mái đến độ ngớ ngẩn khi thấy một thanh niên lạ bước vào phòng. Thú thực là tôi chẳng có ý tưởng lảng mạn gì cả bởi vì tôi là một phụ nữ tuổi đã gần năm mươi, là một bà cô giáo không chồng, tính tình nghiêm trang, tóc đen, đeo kính cận, dù ngày xưa cũng đã một thời có sắc đẹp hấp dẫn. Người thanh niên lạ chỉ mới lứa tuổi hai mươi, ăn mặc hơi khác thường với chiếc áo vét nhung đen kiểu thời xa xưa và chiếc cà-vạt màu rượu chát lòng thòng trước ngực. Mái tóc nâu quăn của anh dài xuống gần tới vai. Bộ y phục anh mặc có thể nói là biểu trưng cho vóc dáng gầy, yếu mềm của anh. Màu da trên khuôn mặt anh trắng bạch, nói lên tư chất bệnh hoạn, nếu không muốn nói là yểu mệnh; mắt anh toả sắc xanh biếc, mũi anh cao, tướng của mẫu người tự tin, kiêu hãnh. Nhìn chung, bộ dạng anh đúng là một thư sinh ốm yếu.

Người thanh niên bước vào thật bất ngờ, chẳng hề gõ cửa. Trông thấy tôi, anh khựng lại, lộ vẻ ngạc nhiên một lúc, rồi lên tiếng:

– Xin lỗi, tôi tưởng đây là phòng tôi.

Dứt lời, anh quay lưng trở ra, nhưng ngập ngừng giây lát ở ngưỡng cửa, xong quay lại nhìn tôi kỹ hơn, vừa hỏi:

– Bà chỉ có một mình thôi hả?

– Phải.

– Cô đơn trong đêm Giáng Sinh đáng buồn thật, phải không? Tôi nán lại, đàm đạo với bà được chứ?

– Tôi rất thích, nếu anh muốn.

Người thanh niên lạ trở vào phòng, tới ngồi gần ngọn lửa ấm bên lò sưởi và nói như muốn giải thích với tôi:

– Tôi hy vọng bà không nghĩ lầm là tôi cố ý vào phòng riêng của bà. Thực tình tôi cứ tưởng là phòng của tôi.

– Không sao, tôi rất vui khi anh đi lộn như vậy. Nhưng tôi thấy lạ là người trẻ tuổi như anh lại chỉ đi một mình trong đêm Giáng Sinh.

– Tôi là nhà văn, vì bận rộn công việc nên Giáng Sinh năm nay không về quê mừng lễ với cha mẹ.

– À, tôi hiểu rồi.

Tôi không biết nói sao để tìm ở kẻ lạ nụ cười, dù là cười mĩm, trông anh nghiêm trang quá. Nghe người thanh niên tự giới thiệu nghề nghiệp, tôi chẳng lạ, vì đã quan sát lối ăn vận khác thường của anh như một nhà nghệ sĩ. Tôi nháy mắt đáp:

– Tôi biết rồi, thì giờ anh cần để viết văn rất quí báu, nên dù là chút ít cũng không để mất.

– Không thể nói là chút ít thời gian, bởi vì gia đình tôi không chịu như vậy. Cha mẹ tôi không thích những gì có tính cách hấp tấp.

– Gia đình thường ít khi thông cảm với những người thân có chân tài trong lĩnh vực nghệ thuật thiên nhiên.

Nghe tôi nói hợp tâm trạng, anh chấp nhận ngay:

– Đúng thế.

Tôi hỏi, giọng tò mò:

– Anh viết về những gì vậy?

– Thơ kết hợp với nhật ký trong cuốn sách tựa đề Những Bài Thơ và Tôi của Francis Randel, tên tôi đấy. Gia đình cho rằng đề tài tôi viết chẳng có gì đặc sắc, vì tôi hãy còn quá trẻ. Nhưng trên thực tế, tôi lại thấy bản thân mình chẳng còn trẻ nữa. Nhiều lúc tôi tưởng mình già cỗi như một ông lão với quá nhiều việc phải làm trước khi lìa đời.

– Tức là anh thích chuyển động thật nhanh trên vòng quay sáng tạo?

– Đúng như thế. Bà là người hiểu thấu tâm trạng tôi. Nếu có dịp, bà hãy đọc tác phẩm của tôi. Xin nhớ xem tác phẩm của tôi.

Người thanh niên nói, tôi nghe rõ giọng đầy vẻ khẩn nài. Chú ý nét buồn trên khuôn mặt trắng bạch của anh, tôi buộc miệng nói:

– Anh và tôi, cả hai đều cô đơn, gặp mặt nhau trong đêm Giáng Sinh, để tôi pha cà-phê, dọn bánh đãi anh và chúng ta tiếp tục nói chuyện.

Không đợi người thanh niên trả lời thuận hay không, tôi vội vàng vào bếp soạn ly, dĩa, cắt bánh và đong bột cà-phê vào bình điện để pha. Chợt nhớ chưa có ý kiến của người khách trẻ, tôi quay lại nhìn thì anh không còn ở chỗ lò sưởi nữa. Anh đã đi từ lúc nào tôi chẳng hay biết khiến trong lòng tôi thoáng có chút bất mãn.

Pha xong, tôi thong thả bưng ly cà-phê tới chỗ kệ sách ngay trong phòng. Nhìn số lượng sách xếp thành chồng cao, tôi liên tưởng tới lời của bà chủ nhà lập đi lập lại bao nhiêu lần như cố xin lỗi về sự bề bộn: `Hy vọng chị không phiền lòng vì đống sách này. Chồng tôi đã mất không thể mang theo. Còn chứa nơi khác thì tôi chưa tìm được chỗ nào vừa ý. Do đó, tôi đề nghị giảm giá tiền thuê phòng cho chị chút đỉnh để bù lại’." Trước những lời nài nỉ của bà chủ nhà, tôi mĩm cười đáp cho bà yên tâm: “Không sao đâu. Đối với tôi, sách cũng là bạn.”

Thực ra trong đống sách chẳng có mấy đề tài quen thuộc hoặc thích hợp nên tôi thuận tay chọn đại với ý nghĩ nếu nhằm cuốn sách nào đặc biệt thì đó có thể là do định mệnh hướng dẫn bàn tay tôi mà thôi.

Hớp một ngụm cà-phê, rít một hơi thuốc nhả khói bay cao lên trần phòng, tôi chậm rãi lật từng trang cuốn sách mỏng đã cũ và sờn mòn. Cố tìm niên đại xuất bản, tôi thấy ghi mùa xuân năm 1852. Đa số nội dung sách là thơ, văn vận non nớt nhưng ý tưởng linh hoạt. Ngoài thơ còn phần nhật ký ghi lại những diễn biến thực tế trong đời tác giả nhưng chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên, vì là nhật ký riêng tư của người khác nên tôi tò mò muốn biết những gì đã xảy ra trong đời tác giả. Nhân đêm Giáng Sinh, tôi có ngay ý định lật trang nhật ký của ngày Noel năm 1851 xem thử và lẫm nhẩm đọc những giòng chữ:

 

“Lần đầu tiên tôi sống đơn độc trong đêm Giáng Sinh và được gặp một trường hợp thật lạ lùng xay ra.

Sau khi dạo bộ ngoài công viên trở về phòng trọ, tôi thấy một người đàn bà trung niên đang hiện diện trong phòng mình. Thoạt đầu tôi có ý nghĩ chắc đã vào lộn phòng người khác, nhưng sự thực không phải vậy. Sau đó qua một thời gian ngắn đàm đạo vui vẻ, người đàn bà lạ bỗng dưng biến mất, khiến tôi nghĩ đấy là hồn ma, nhưng thực lòng không thấy sợ. Tôi rất mến thái độ của người phụ nữ lạ được gặp gỡ bất ngờ trong đêm Giáng Sinh cô đơn. Nhưng sau khi người lạ biến đi, tôi thấy trong người không được khoẻ. Chưa bao giờ tôi có cảm giác đau đớn trong đêm Giáng Sinh như hôm nay.

 

Tôi để ý những giòng chú thích của nhà xuất bản in kế tiếp phần nhật ký của tác giả:

Nhà thơ trẻ Francis Randel lìa đời ngay trong đêm Giáng Sinh năm 1851 vì chứng tim hành. Người đàn bà mà tác giả đề cập tới trong cuốn nhật ký cuối đời kể trên, chính là kẻ anh diện kiến trước khi từ trần. Mặc dù báo chí đã đăng tải lời kêu gọi làm nhân chứng những giây phút sau cùng của tác giả, nhưng bà vẫn biệt dạng. Vì vậy cho tới nay, lý lịch của người đàn bà lạ này vẫn còn trong vòng bí ẩn. ª

 

QUANG THIỆN