Thơ

CÁC BÀI THƠ NÔM ĐẦU TIÊN TRONG VĂN HỌC CHỮ NÔM

 

CÁC BÀI THƠ NÔM ĐẦU TIÊN

TRONG VĂN HỌC CHỮ NÔM

TUỆ CHƯƠNG
HOÀNG LONG HẢI

Trích:

. Bài thứ Nhứt:

    Vua Dụ Vương Tường Gã Cho Chúa Thuyền Vu

    Hán Hồ vẫn muốn vẹn trăm đường
    Há trẫm riêng tây có phụ nường
    Bắc quốc tuy rằng ngoài dị vực
    Vương đình song cũng một biên cương
    Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt
    Về đấy sen tàn lổi cỏ hương
    Hơn thiệt thôi đừng ai oán nữa
    Chờ ngày áo gấm lại hoàn hương.

Giải nghĩa: Vương Tường là tên tự, tức Chiêu Quân, cung phi đời Hán Nguyên Đế. Ngày xưa, khi một người con gái được tuyển vào cung làm cung nữ, có người thợ vẽ vẽ hình cung nữ để dâng lên vua xem vì cung nữ đông lắm, vua không sao gặp hết. Đời Hán Nguyên Đế, người thợ vẽ tên là Mao Diên Thọ ăn hối lộ. Cung nữ nào đút tiền lo lót cho ông ta, ông mới vẽ cho đẹp để được vua vời tới. Vương Tường nghĩ mình đẹp, không cần hối lộ cho thợ vẽ. Mao Diên Thọ trả thù bèn chấm vào dưới mắt Vương Tường một nút ruồi; tướng số thường gọi là “Thương phu trích lệ” (Thương có nghĩa là chết yểu). Người nào có tướng như thế nầy đàn ông không nên liên quan tới vì có thể bị chết non. Khi chúa Thuyền Vu xứ Hung Nô, phía Bắc Trung Hoa, cầu hòa và đòi vua nhà Hán gả cho ông ta một người con gái đẹp Trung Quốc, vua bèn chọn Vương Tường. Có phải vua Hán cũng muốn cho chúa Thuyền Vu lấy nhằm một người có số “Thương phu trích lệ” mà chết cho sớm để nước Tàu được yên. Trước khi lên đường lên phía Bắc, Vương Tường diện kiến vua Hán. Vua Hán thấy Vương Tường đẹp quá mà lại không có nốt ruồi “Thương phu trích lệ” như trong hình vẽ, bèn ngần ngại không muốn gả cho chúa Hung Nô. Triều thần khuyên can, vua Hán mới cho đi. Trước khi Vương Tường bái biệt, nhà vua làm bài thơ nầy để dụ Vương Tường. Tuy nhiên, khi tới biên giới Trung Hoa và Hung Nô, Chiêu Quân đánh một khúc đàn tỳ bà rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Chiêu quân có tài đàn tỳ bà rất hay, ngày sau còn nhiều người nhắc tới. Truyện Kiều có câu: “Quá quan này khúc Chiêu quân, Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia” là lấy tích “Chiêu Quân cống Hồ”.

Sự tích:

Tám câu thơ trên là tóm tắt ý của nhà vua nói với Vương Tường: Hai nước Hán, Hồ (Hung Nô) muốn vẹn trăm đường (hòa hoản, không có chiến tranh), chớ nhà vua không có ý phụ lòng Vương Tường.

Đất phía Bắc tuy thuộc Hồ nhưng cũng là thuộc biên cương nhà Hán.

Ở đây có nhiều người đẹp (hạnh thắm) nên sắc đẹp của Vương Tường không nổi bật lên (mai nhạt). Về Hồ, con gái xứ ấy không đẹp như ở Hán (Sen tàn) thì Vương Tường lạ lùng và hơn người (lỗi cỏ hương – lỗi có nghĩa là lỗi lạc). Cỏ hương tiếng Hán là phương thảo, nghĩa bóng là cái đức tốt của người quân tử. Bài Tựa Truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh có câu: “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu, mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên”.

Hai câu kết nhà vua khuyên Vương Tường thôi đừng ai oán than trách nhà vua, số phận nữa, chờ ngày kia sau khi qua làm hoàng hậu xứ Hung Nô rồi, sẽ mặc áo gấm trở về (Về trong vinh quang).

Các nhà phê bình thường khen hai câu luận ý tưởng sâu sắc và ví von rất hay:

               Ở đây hạnh thắm nên mai nhạt
               Về đấy sen tàn lổi cỏ hương

Theo Dương Quảng Hàm, sở dĩ có sự xuất hiện của bài thơ nầy là vì bấy giờ có việc Huyền Trân Công Chúa bị đem gả cho vua Chiêm là Chế Mân. Vua Hán gả Vương Tường cho chúa Thuyền Vu để có hòa bình với rợ Hung Nô ở phía Bắc Trung Hoa. Vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân Công Chúa để mở rộng thêm đất đai ở phía Nam (thu nhận thêm hai châu Ô và Rí). Nhiều khi bọn đàn ông bất lực, không đem vũ khí mà dẹp yên trăm họ hay mở mang bờ cõi mà phải mượn tới tay người đàn bà, nhưng trong đời sống thực tế thì lại “Trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”. Đem Vương Tường gả cho chúa Thuyền Vu để cầu hòa, không biết vua nhà Hán có thấy xấu hổ vì sự bất lực của bọn đàn ông hay không?!

Đời nhà Trần, cách đây 7, 8 trăm năm mà viết được như thế thì văn Nôm thời ấy đã đạt tới mức độ cao lắm.

. Bài thứ Hai:

    Vương Tường Bái Yết Hán Vương

    Từ nan khôn chối lệnh quân vương
    Rõi rõi thêm đau nỗi đoạn trường
    Khúm núm khấu đầu ngoài bệ ngọc
    Thẹn thùng ra mặt trước nhà vàng
    Mặt hoa dượi dượi chiều đeo tuyết
    Mày liễu rầu rầu dáng ủ sương
    Hang thẳm phen nầy xuân nở phụ
    Lòng quì khôn xiết ngóng về dương

Giải thích:

Đây là bài thơ tác giả mượn tiếng Vương Tường họa lài thơ vua đã ban cho. Câu thơ đầu nói rằng (Vương Tường) khó từ nan lệnh của nhà vua. Trong xã hội Nho Giáo “Quân khiến thần tử, thần bất tử bất trung”. Biểu chết còn phải chết vì sợ mang tiếng bất trung thì sá chi việc qua Hung Nô làm hoàng hậu. Nói xa hơn, dù Huyền Trân Công Chúa có yêu Trần Khắc Chung đến mấy đi nữa, vua Trần đã gả cho vua Chiêm thì Công Chúa Huyền Trân phải vâng mệnh về Chiêm Quốc. Tuy nhiên, ra đi mà mỗi bước đi, mỗi tỏ rõ nỗi đoạn trường khi về làm vợ người khác nơi xứ người. Trước bệ ngọc vua Hán thì (Vương Tường) khấu đầu vâng mệnh; về nơi xứ người (nhà vàng) thì lòng những thẹn thùng. Mặt hoa là mặt người đẹp (“Tay ôm đàn che nửa mặt hoa” – Tỳ Bà Hành – Bạch Cư Dị), mặt Vương Tường tuy đẹp nhưng buồn dười dượi như chiều có tuyết rơi. Mày Vương Tường như liễu. Lý Bạch tả sắc đẹp Dương Quí Phi có câu: “Phù dung như diện liễu như mi” – Mặt như hoa phù dung, mày như liễu –

Hang thẳm là nói theo nghĩa bóng: Nơi xa xôi, mùa xuân phụ, xuân không tới. Lòng quì: Lòng như hoa quì, tức hoa hướng dương. Hoa hướng dương tượng trưng cho vua hay người chồng. Ca dao Việt Nam có câu: “Lòng em như hoa hướng dương, Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.” Hoa hướng dương khi nở, buổi sáng hướng về đông, buổi chiều hướng về tây, luôn luôn hướng theo mặt trời cho tới khi hoa tàn. Trong Chinh Phụ Ngâm, khi nói tới tấm lòng người vợ với chồng, Đoàn Thị Điểm cũng có mấy câu cùng ý như thế:

Lòng chàng ví cũng bằng như thế,
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa.
Hướng dương lòng thiếp như hoa,
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương.

. Bài thứ Ba :

    Vua Trần Trùng Quang Tiễn Nguyễn Biểu Đi Sứ

    Mấy vần thơ cũ ngợi hoàng hoa
    Trịnh trọng rầy nhân dựng khúc ca
    Chiếu phượng mười hàng tơ cặn kẽ
    Vó câu ngàn dặm tuyết xông pha
    Tang bồng đã bấm lòng khi trẻ
    Khương quế thêm cay tính tuổi già
    Việc nước một mai công ngõ vẹn
    Gác lân danh tiếng dọi lầu xa

Giải thích:

Vài hàng lịch sử:

“Tháng tư năm quí tỵ (1413) Trương Phụ đem quân đánh Nghệ An, quân Quí Khoách (vua Hậu Trần Trùng Quang – tg), bấy giờ mười phần chỉ còn ba bốn, lương thực lại không có, phải bò chạy vào Hóa châu.

“Trước Quí Khoách đã mấy lần cho người sang Tầu cầu phong, Minh-đế không cho, đem giết sứ thần đi. Nay Quí Khoách lại sai Nguyễn Biểu ra cầu hòa với Trương Phụ. Trương Phụ bắt giữ không cho về. Nguyễn Biểu giận mắng Trương Phụ rằng: “Chúng bay trong bụng thì chỉ lo đưòng chiếm giữ, ngoài mặt lại giương tiếng đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp.; trước thì nói sáng lập họ Trần, sau lại đặt quận, huyện để cai trị, rồi tìm kế để vơ vét của cải, ức hiếp sinh dân, chúng bay thật là đồ ăn cướp hung-ngược!” Trương Phụ tức giận đem giết đi.”

(Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim – C. 1 tr. 204)

Cũng theo sách nói trên của Dương Quảng Hàm, trang 294, ông viết:

“Lại theo sử CM –(q. 12 tr. 36b – 37a) thì “năm Trùng Quang thứ 5 (1413), mùa hạ, tháng tư. Tướng nhà Minh là Trương Phụ đánh Nghệ An, vua Quí Khoách chạy vào Hóa châu… sai người bầy tôi là Nguyễn Biểu đi cầu phong, đem phương vật đến Nghệ An để tặng. Phụ giữ ông lại, ông giận mắng rằng: “Trong thì mưu kế đánh lấy nước người, ngoài thì phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói rằng lập con cháu nhà Trần, nay lại chia đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại còn tàn hại sinh dân, thật là đồ ngược tặc.” Phụ giận đem giết đi.

Ở phần ghi chú sách nầy, Dương Quảng Hàm có giới thiệu tiểu sử Nguyễn Biểu như sau:

“Nguyễn Biểu: Người xả Bình-hồ, huyện Chi-la, Nghệ-an (nay là xã Yên-hồ, huyện La-sơn, phủ Đức-thọ, tỉnh Hà-tĩnh). Đậu thái-học sinh đời nhà Trần, sung chức Điện-tiền thị-ngự-sử.

Trương Phụ cho cột Nguyễn Biểu vào cây cột cầu ở chùa Yên Quốc. Nguyễn Biểu không ngớt chưởi mắng Trương Phụ. Đến khi nước thủy triều lên, Nguyễn Biểu chết ngộp vì nước lớn. Do sự kiện nầy nên vị sư chùa Yên Quốc có làm bài kệ khi làm lễ tế Nguyễn Biểu.

Giải thích bài thơ:

Hoàng Hoa:

Sách “Điển Cố Văn Học” của Đinh Gia Khánh giải thích:

1.- Tức Hoàng hoàng giả hoa (Những bông hoa rực rở khắp nơi) tên một thiên trong thơ Tiểu Nhã (kinh Thi), kể việc vua tiễn biệt dặn dò sứ thần sắp lên đường.

Mấy vần thơ cũ ngợi Hoàng hoa
Trịnh trọng rày nhân dắng khúc ca.

(Trần Trùng Quang)

2.- Nơi đồn thú xa xôi, Hoàng hoa là hoa cúc. Hoa cúc nở vào mùa thu, tháng chín. Quân lính thời xưa ra đi phòng thủ ở các đồn ải xa vào mùa thu năm trước thì đến mùa thu năm sau lại được về. Như vậy gọi là hoàng hoa thú.

Thơ Thẩm Thuyên Kỳ: “Văn đạo hoàng hoa thú, Tần niên bất giải binh” (Nghe nói việc đi thú, mà mấy năm không giải binh).

Xót người lần lữa ải xa,
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài.

(Chinh Phụ ngâm)

Hai câu đề ý nói nay nhân chuyện đi sứ cầu hòa, vua, với vẻ nghiêm trọng dắng (dặn dò) mấy lời.

Chiếu phượng: Chiếu của nhà vua, (có vẽ hình chim phượng), ghi những lời dặn cặn kẻ chân tóc kẻ tơ (Tơ cặn kẻ).

Vó câu: Vó ngựa câu (loại ngựa cỡi đi xa, khác với Vó ký là ngựa ký, loài dùng để kéo xe nặng nhọc: “Xe muối nặng nề thương vó ký” – Ngô Đình Diệm – Xem so sánh hai bài thơ cụ Hồ và thơ cụ Ngô, cùng tác giả). Ngàn dặm: Ý nói đi xa. Tuyết xông pha: Xông pha sương tuyết, nghĩa bóng phải chịu cảnh “dầm sương giải tuyết”, tức sự cực khổ.

Tang bồng: Cây cung bằng gỗ dâu (Tang), tên bằng cỏ bồng.

Sách Điển Cố Văn Học nói trên, trang 481, giải thích:
Tang Bồng: Cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng.

Theo Kinh Lễ khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn lấy cung bằng gỗ dâu và có tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn phương, và một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí lớn ở bốn phương, tung hoành giữa trời đất, ôm hoài bảo giúp nước giúp đời.

Nói về chí làm trai.

Bấy lâu đèn sách ra công
Con đà nên chữ tang bồng nầy chăng.

(Nguyễn Đình Chiểu)”

Cũng có khi gọi là tang bồng hồ thỉ. Thơ Nguyễn Công Trứ có câu:

Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ nần.

Cũng có khi gọi là Hồ thỉ:

Dạy rằng: Hồ thỉ chí trai
Tìm thầy hỏi bạn chi hoài, bỗng dưng

(Nguyễn Huy Tự)

Ngày xưa, bên Tàu cũng có tục mỗi khi trong nhà sinh con trai thì treo một cành dâu trước cửa.
(Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa cũng có tục, sau mấy tuần huấn nhục, khóa sinh phải trèo lên đỉnh Lâm Viên rồi mới làm lễ nhập khóa học. Trong lễ nầy, người trưởng tràng, thay mặt khóa sinh, bắn bốn mũi tên vào bốn hướng để tỏ rõ cái chí khí của người làm trai)

Nhà vua khen ngợi Nguyễn Biểu ngay khi còn trẻ đã có cái chí khí của người con trai.

Khương Quế: Khương là gừng, quế là quế. Gừng và quế đều cay.

Sách Điển Cố Văn học giải thích: “Lý đạo trường biên: “Khương quế chi tính đáo lão dũ lạt” Tính chất của gừng và quế đến khi già lại càng cay. Nói về người già càng hăng hái.

Hai câu kết: Hứa hẹn khen thưởng. Một mai khi việc nước vẹn toàn, sẽ được ghi công ở Kỳ Lân Các, tức là gác công thần.

Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim viết:

“Vua lại sai văn thần ghi-chép công-trạng của các tướng, hợp biên làm cuốn sách gọi là “Trung hưng thực-lục” và lại sai thợ vẽ tranh các tướng để treo ở gác công thần.

Câu cuối cùng ý nói như việc làm của vua nhà Trần (Tiên đế) đã từng làm với các tướng có công trạng trong việc đánh đuổi quân Mông Cổ xâm lăng nước ta ngày trước.

. Bài thứ Tư :

    Bài họa Của Nguyễn Biểu

    Tiếng ngọc từ vâng trước bệ hoa
    Ngóng tai đồng vọng thuở thi ca
    Đường mây vó ký lần lần trải
    Ải tuyết cờ mao thức thức pha
    Há một cung tên lồng chí trẻ
    Bội mười vàng sắt đúc gan già
    Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối
    Dịch lộ ba ngàn dám ngại xa

Giải thích:

Trước bệ hoa (bệ rồng, bệ vua ngồi), (Nguyễn Biểu) nghe tiếng vua dặn dò (tiếng ngọc), ngóng tai nghe lời vua dạy bảo. Đường đi sứ, thường gọi theo nghĩa bóng là đường mây. Trong Chinh Phụ Ngâm có câu “Sứ trời sớm giục đường mây” cũng có ý nghĩa như thế. Vó ký là vó con ngựa ký, loài ngựa dùng để kéo xe nặng nhọc. “Xe muối nhọc nhằn thương vó ký” – Ngô Đình Diệm – Nơi biên ải có cờ treo, nơi người đi sứ phải vượt qua. Lúc trẻ đã mang dòng máu anh hùng (cung tên). Càng về già thì ý chí càng vững, gan càng bền. Chỉ sợ mình thiếu tài ứng đối khi đi sứ chứ không ngần ngại đường đi sứ xa xôi khó nhọc, nguy hiểm.

. Bài thứ Năm :

    Cổ Đầu Người

    Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
    Gia hào thêm có cổ đầu người
    Nem cuông chã phượng còn thua béo
    Thịt gũ gan lân cũng kém tươi
    Ca lối lộc minh so cũng một
    Đọ bề vàng sắt bội hơn mười
    Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn
    Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời

Câu chuyện lịch sử và giải thích:

Như phần trên đã nói, trước tình thế khó khăn, vua Trần Trùng Quang sai Nguyễn Biểu đi sứ cầu hòa. Trương Phụ không cho hòa, còn bắt giữ Nguyễn Biểu, khiến ông tức giận chưởi mắng bọn tướng Tàu giả nhân giả nghĩa. Trương Phụ giận lắm, nhưng trước khi giết Nguyễn Biểu, Phụ muốn thử cái gan dạ của người Nam như thế nào bèn sai nấu một cái đầu lâu trong nồi mời Nguyễn Biểu ăn. Nguyễn Biểu biết ý Trương Phụ và muốn tỏ rõ cho y thấy người Nam gan dạ như thế nào, bèn lấy đũa gắp hai con mắt ăn trước, nhắp chén rượu làm bài thơ “Cỗ đầu người”.

Cỗ là một bữa cỗ, bữa tiệc. Ngọc thiện trân tu là những món ăn quí hiếm, ông ăn đã đủ mùi rồi; nay ăn thêm cỗ đầu người cho biết như thế nào. Món ăn nầy béo lắm, nem công (cuông – tiếng cổ), chã phượng còn thua. Thịt con gũ, gan con lân cũng không tươi bằng. So với lộc minh cũng chỉ là một; đọ với vàng sắt, miếng ăn nầy hơn thập phần. Món ăn ngon ngọt như thịt vai con lợn. Ăn một miếng để tỏ cái tiếng như Phàn lại đời sau.

Phàn là Phàn Khoái, dũng tướng của vua Hán Cao tổ và cũng là em rể của nhà vua. Lúc trẻ, ông bán thịt chó ở chợ, sau theo phò Hán Cao tổ đánh nhau với nhà Tần, lập được nhiều công lớn. Khi vua Hán hội ẩm với Hạng Vũ ở Hồng Môn, quân sư của Vũ là Phạm Tăng xúi Vũ nên giết vua Hán để tránh hậu họa. Trương Lương là tham mưu của Hán Cao tổ, biết ý Phạm Tăng, bàn với Phàn Khoái tìm cách bảo vệ vua. Khoái cầm kiếm đi vào nơi hội ẩm, trừng mắt nhìn Hạng Vũ, làm cho Vũ có ý sợ và kính phục. Vũ sai đem tặng cho Phàn Khoái một đấu rượu và một vai lợn sống. Khoái uống một hơi hết đấu rượu rồi tuốt kiếm xẻ thịt ăn sống. Hạng Vũ khen Phàn Khoái là tráng sĩ. (theo Điển Cố Văn Học)

    Bài Văn Tế Cá Sấu

    Ngạc ngư kia hỡi mày có hay
    Biển đông rộng rãi là nơi mày
    Phú lương đây thuộc về thánh vực
    Lạc lối đâu mà lại đến đây

    Há chẳng biết rằng nước Việt xưa
    Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
    Xuống nước giao long cũng phải chừa
    Thánh thần nối dõi bản triều nay
    Dấy từ Hải ấp ngôi trời thay
    Võ công lừng lẫy bốn phương tĩnh
    Biển lặng sông trong mới có rày

    Hùm thiêng ra dấu dân cày cấy
    Nhân vật đều yên đâu ở đấy
    Ta vâng đế mệnh bảo cho mày
    Hãy về biển đông mà vùng vẫy.

Giải nghĩa :

Ý tưởng bài nầy tương đối rõ ràng. Mở đầu, bài văn tế xác định rõ vị trí: Cá sấu thì ở ngoài biển khơi, nơi nầy là thánh vực, tức lãnh thổ nhà vua, cá sấu không ở được. Nguởi Việt từ xưa đã quen nghề chài lưới, giao long cũng phải sợ. Đất nước nầy nổi tiếng lừng lậy khap bốn phương, đời sống thanh bình. Nay ta được lệnh ra báo cho mầy để biết mà hãy về biển đông.

Tôi chưa tìm được “bài kệ của vị sư Chùa Yên Quốc tế Nguyễn Biểu.”

© tải đăng theo nguyên bản của tác giả gởi từ Hoa Kỳ ngày 21.05.2009.
. Tải đăng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com