Tin tức

VĨNH BIỆT HUỲNH PHAN ANH

VĨNH BIỆT HUỲNH PHAN ANH 

Bùi Chí Vinh

Nhà văn kiêm dịch giả Huỳnh Phan Anh mất lúc 16g45 ngày Chủ nhật 30-8 tại tư gia San Jose thọ 81 tuổi. Tác giả “Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô” chính là thầy dạy tôi môn Công Dân tại trường trung học công lập Nguyễn Trãi niên khóa 1970-1971. Tại ngôi trường Nguyễn Trãi này trong suốt thời trung học đệ nhị cấp tôi vốn là một trong vài học sinh xuất sắc nhất lớp…

Thuở đó tôi lồng lộn sải vó cố tìm ra ánh sáng cuối đường hầm trên con đường sạn đạo của mình. Tôi từng trần thuyết về đề tài Tam Dân Chủ Nghĩa trước thầy Huỳnh Thành Tâm tức nhà văn Huỳnh Phan Anh nổi tiếng dạy tôi năm lớp 10A và được thầy cho điểm tuyệt đối về sự hùng biện táo bạo.

Khác với hai thầy Đỗ Quý Toàn, Tạ Quang Khôi mà tôi không lần nào gặp lại, riêng thầy Huỳnh Phan Anh sau 1975 tôi được hân hạnh tái ngộ và trở thành một đồng nghiệp nhỏ thân thiết của thầy. Tôi còn nhớ cuối năm 1975 trên báo Văn Nghệ Giải Phóng xuất hiện hai bài tùy bút nổi tiếng một của Trịnh Công Sơn và một của Huỳnh Phan Anh. Hai bài viết thuộc dạng sắc sảo trong cách nhìn của mỗi người về những biến thiên của thời cuộc, nhưng tùy bút NHÌN LẠI của Huỳnh Phan Anh được dư luận đánh giá cao hơn tùy bút mang tên HẠNH PHÚC của Trịnh Công Sơn. Tôi không coi đó là sự giác ngộ cách mạng hoặc sám hối nghề nghiệp của Huỳnh Phan Anh như sự chụp mũ ác ý của một số người cầm bút.

Tôi hiểu tâm trạng của một nhà văn tự trọng kiêm một nhà giáo lương thiện và ủng hộ con đường đi của thầy. Đến giờ này có thể nói khả năng biên dịch, phóng tác của thầy theo thời gian ngày càng rực rỡ hơn bao giờ hết. Đơn cử bản dịch Huỳnh Phan Anh cuốn CHUÔNG GỌI HỒN AI của Ernest Hemingway sẵn sàng “chấp” hàng loạt nhà văn thế hệ sau 1975 thay phiên nhau dịch mà chẳng có ai so sánh được. Một đơn cử khác, bản dịch Huỳnh Phan Anh cuốn TÌNH YÊU BÊN VỰC THẲM của Erich Maria Remarque cũng là một thứ “hàng độc” về văn phong lịch lãm của thầy. Tôi khẳng định rằng thầy đã cùng với các dịch giả Ngọc Thứ Lang, Phạm Công Thiện, Nguyễn Nhật Duật, Nguyễn Hữu Hiệu… tạo nên trường phái dịch thuật đẳng cấp trước 1975, đủ sức lột trần được tinh hoa bản gốc của các danh tác quốc tế và làm giàu có thêm cho kho tàng ngôn ngữ Việt Nam.

Hai thầy trò chúng tôi đã nhiều lần cụng ly, nhiều lần lăn lóc, nhiều lần ngổn ngang tâm sự với nhau cho dù Huỳnh Phan Anh hầu như không nhớ gì tên học trò Nguyễn Trãi ngày xưa được ông cho điểm cao nhất môn trần thuyết. Có lần ông kể với tôi trong một đêm say khướt ngồi xe xích lô về nhà trên đường Võ Văn Tần (đường Trần Quý Cáp cũ) ông đã được tay tài xế xích lô xa lạ đọc cho nghe bài thơ XÍCH LÔ HÀNH của tôi, sau đó còn hát nghêu ngao ca khúc phổ nhạc bài thơ đó.

Ông xúc động nói với tôi rằng:”Như vậy là mày đã tồn tại. Nhà thơ cả đời chỉ cần một sáng tác được truyền khẩu, thế mà bài thơ Xích Lô của mày được phổ biến khắp nơi. Tao hãnh diện được làm thầy của một thi sĩ nhân dân kiểu đó”. Khi tôi viết những dòng này thì vị thầy giáo đáng kính đã lưu lạc giang hồ bên Mỹ quốc, trước khi đi tôi đã cố gắng cùng thầy gõ cửa đủ mọi cơ quan, báo chí để nộp từng chồng hồ sơ khiếu nại khiếu tố dày cộm về đám cường hào ác bá tỉnh Tây Ninh cướp đất hương hỏa của gia đình thầy, nhưng tất cả nỗ lực đều thất bại bởi “con cóc không thể kiện ông trời” khi không còn thượng đế. Chẳng biết thầy còn nhớ những kỷ niệm bụi đời của chúng tôi không? 

Và tôi cũng mở ngoặc luôn ở đây: Có lẽ thầy Tâm không còn nhớ gì nữa, bằng chứng là những lần về lại Việt Nam thầy không một lần tìm đến nhà tôi, cho dù thuở chưa đi “xuất khẩu” nước ngoài, cứ vài ngày là thầy lại gõ cửa hào hứng mời tôi đi nhậu rượu hà thủ ô miệt Đa Kao. Cũng không sao, thưa thầy Huỳnh Thành Tâm tức Huỳnh Phan Anh, cái gạch nối cần thiết nhất của chúng ta là bài thơ XÍCH LÔ HÀNH (qua lời khẳng định của thầy) vẫn luôn luôn tồn tại cho đến bây giờ:

XÍCH LÔ HÀNH

Tưởng mình ta đạp xích lô

Nào hay phố xá ngựa thồ như nêm

Buộc cho ta miếng băng đen

Để cho cặp mắt làm quen mù loà

Xỏ giàm vào mõm nữa cha

Để cho số tuổi ta già theo răng

Giật cương đi hỡi mấy thằng

Ê, sao nước mắt chợt lăn xuống cằm

Ta đi dụ khị người phàm

Thấy huynh hiền sĩ từ quan lên rừng

Dạ dày ta nhảy lung tung

Nhảy dăm phút nữa dám khùng nghe cha

Cũng may vừa tới ngã ba

Cô em yểu điệu tà tà leo lên

Lưng ta khòm giống cái yên

Chổng mông em cưỡi mùi Thiền nhấp nhô

“Ba đồng một cuốc” mại dô!

Có con ngựa đực vừa ho vừa gào

Ta thồ ngang động hoa đào

Thấy dăm kỹ nữ trắng phau trổ nghề

Thồ ngang đống rác thúi ghê

Thấy bầy tiểu tử chửi thề giành moi

Thồ ngang khách sạn em ơi

Chó ngồi ăn nhậu còn người ăn xin

Nhưng mà chớ có rùng mình

Tại ta kéo thắng chưa linh em à

Gân chân lõm tựa ổ gà

Mặt xương bụng lép chẳng ma nào ngồi

Mới ra nghề tưởng khơi khơi

“Bác Hồ ngó thẳng” đâu chơi gà mờ

Dạ dày lại đánh lô tô

Mồm ta méo xệch bên bờ tử sinh

Như là góa phụ tắt kinh

Ruột xe có chửa thình lình, chết cha!

Té ra trong cõi người ta

Ruột lô, ruột xịn khéo là ghét nhau

Đếm tiền còn thiếu xu hào

Đếm ta thấy chớm bệnh lao mất rồi

Vá giùm chút, bạn hiền ơi

Xích lô cà chớn của thời cà chua!

BCV

(trích từ hồi ký GIAI THOẠI CỦA THI SĨ)

Trong đám cưới Bùi Chí Vinh. Hương Lan:
Người đứng: Phan Bá Chức
Người ngồi: Vợ chồng họa sĩ kiêm diễn viên Lê Chánh và Huỳnh Phan Anh.

Theo Internet