Âm Nhạc,  Tài liệu

Cây đàn tranh kỷ niệm

Cây đàn tranh kỷ niệm

(Ghi theo lời kể)

Như mọi người đã biết kỹ thuật đóng đàn Tranh khó ai qua được tay nghề bác Vĩnh Bảo, ông vừa là một nhạc sư vừa là một nghệ nhân số 1 về đàn Tranh của Việtnam.

Tìm hiểu trên Wikipedia thì được biết:

“ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (sinh năm 1918) là nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống. nhạc sĩ trình tấu và nghệ nhân đóng đàn… Và đặc biệt Ông rất yêu thích đờn ca tài tử.

Chính Ông là người đã có nhiều đóng góp và cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Ngoài ra ông cũng đã đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới…”

Dịp may đến khi bạn mình quen biết nghệ sĩ Đặng Lan (đàn Độc Huyền) trong các buổi sinh hoạt âm nhạc tài tử tại San Jose, Calif do giáo sư Ngọc Dung (đàn Tranh) và Cô cũng chính là người thành lập đoàn Tiếng Vọng Quê Huơng (nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc của nền âm nhạc truyền thống Việtnam tại nước ngoài)

Cần nói thêm, mình được biết khi còn ở Việtnam nghệ sĩ Đặng Lan cùng với NS Văn Hai và các nghệ sĩ cổ nhạc khác trong các dịp rảnh rỗi (không đi diễn) thường ghé nhà bác Vĩnh Bảo để sinh hoạt và trao đổi thân tình về đờn ca tài tử (ít nhất bác cũng dành 1 ngày trong tháng thường thì nhiều hơn tại nhà để họp mặt ) nên từ lâu các anh đã trở thành người nhà của gia đình bác Vĩnh Bảo.

Nghĩ tới các nhạc cụ cổ truyền Việt nam thông dụng. Mình nghĩ ngay tới đàn Tranh và ngỏ lời với anh Đặng Lan muốn có một cây đàn Tranh 25 dây do chính bác Vĩnh Bảo đóng, (thật là quá sức tưởng tượng vì dân nghệ sĩ professional đi biểu diễn cũng chỉ sử dụng cây đàn Tranh 22 dây là quá dư rồi). Thế là anh Đặng Lan và anh Văn Hai đã tận tình giúp và thay mặt mình thưa chuyện chuyện cùng bác Vĩnh Bảo.

Những tình cảm mà bác dành cho các nghệ sĩ chân chính thì thật lớn, riêng các anh Văn Hai, Đặng Lan thì đặc biệt hơn hẳn nên Bác đã nhận lời đóng cây đàn Tranh 25 dây đầu tiên và độc nhất này, (vì từ xưa tới nay bác và gia đình chưa từng đóng cho bất cứ một ai cây đàn Tranh nào lớn và có nhiều dây như thế). Đây có lẽ là cây đàn duy nhất mà bác nhận lời đóng vì khi ấy bác Vĩnh Bảo đã tròn 100 tuổi rồi (2017).

Năm 2018 mình có về Việt nam và được nghe anh Văn Hai thuật lại: hàng tuần hoặc khi rảnh rỗi anh thường ghé thăm bác Vĩnh Bảo vì bác đã lớn tuổi và cũng vì cây đàn đặc biệt này. Anh Văn Hai cũng cho biết thêm Nhạc sư Vĩnh Bảo đã dành rất nhiều thời gian tâm huyết cũng như đã dồn tất cả tình yêu và cả tình tự dân tộc trong tâm hồn cho sự thai nghén đứa con tinh thần này. Chính Bác đã phải đích thân phát thảo từng chi tiết một và cùng gia đình tỉ mỉ đo ni làm khuôn cho cây đàn “Đại” này, vì trước đây xuởng đóng đàn không hề có khuôn lớn.

Kiểu dáng đàn cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu (nếu giữ nguyên dáng kiểu đàn Tranh truyền thống thì nhạc sĩ sẽ không thể chạy ngón lả lướt thật nhanh được trong lúc trình tấu vì phần thân sẽ vồng lên rất to và nhìn đàn sẽ thô kệch, mà đóng kiểu Koto “một loại đàn Tranh của Nhật” thì sẽ mất đi sự riêng biệt và nét dịu dàng duyên dáng cùng sự độc đáo của cây đàn Tranh Việtnam) Bác đã phải tính toán và mất rất nhiều công sức nhằm chọn lựa nhiều giải pháp khác nhau để có được sự hoàn hảo tối ưu như hiện nay.

Vì cây đàn cho xứ lạnh nên bác đã chọn gỗ mặt đàn là loại gỗ cây Kiri của Nhật Bản để có được âm thanh thật hay, chuẩn xác. (Kiri là loại gỗ nhẹ, mềm nhưng đặc, và là loại gỗ có độ đàn hồi xoắn cao, không bị rạn nứt, biến dạng và chịu được sự thay đổi của khí hậu, thời tiết của xứ lạnh… ) Vì những lý do trên nên bác không dùng gỗ Ngô Đồng truyền thống được, nó chỉ thích hợp với khí hậu của Việtnam. (Gỗ Ngô Đồng rất phổ biến cho đàn Tranh, vì âm thanh chuẩn và tốt ở Việtnam từ bao đời nay thì mặt đàn phải được đóng bằng gỗ Ngô Đồng)

-Nếu mặt đàn may mắn chọn được đoạn giữa của thân cây và thân gỗ khi phát triển mà quay về hướng mặt trời là tốt nhất, đoạn này ít bị thay đổi (rạn nứt, giãn nở theo thời tiết và thời gian của xứ nhiệt đới) cây đàn sẽ cho âm thanh chắc và vang.

-Nếu mặt đàn chọn gỗ ở phần trên gần ngọn thì âm thanh sẽ mỏng, lép, ít vang.

-còn mặt đàn mà ở phần gần gốc thì âm thanh sẽ tù, đục, không thoát.

Làm mặt cây đàn này phải nhập gỗ Kiri từ bên Nhật nguyên miếng thật lớn (vì là đàn 25 dây nên kích thước cũng lớn hơn hẳn).

Để phân biệt mặt gỗ Kiri (có vân) còn mặt Ngô Đồng (không vân), thường thì mặt đàn không phủ bóng bằng Verni (để mặt mộc) sẽ tạo được độ vang hơn và như thế ta cũng sẽ dễ nhận biết được chất lượng của gỗ.

Khi bán đàn cho mọi người bác vẫn khuyên nên đóng bằng gỗ Ngô Đồng âm thanh vẫn hay mà giá lại rẻ hơn nhiều, để tiết kiệm tiền cho chính khách hàng, có lẽ đây là lương tâm đạo đức và là tính cách rất độc đáo đã từng tạo nên tên tuổi của gia đình bác, sau này chị Thu Anh “con gái bác” cũng theo gương cha, bao giờ truớc khi bán cũng trao đổi thật kỹ với khách và cho những lời khuyên chân thành nhất chứ không vì đồng tiền mà đánh mất lương tâm, rồi chị cũng thú thật cái mà chị sợ nhất vẫn là sợ mất tiếng tăm của gia đình Vĩnh Bảo bao đời nay)

Như mọi người được biết: nhiều nghệ nhân rất giỏi về đóng đàn nhưng mặt khuyết họ thường lại không phải là nhạc sĩ giỏi nên cũng khó phân biệt chi ly, rạch ròi được thế nào là âm thanh chuẩn mực cùng sự ngọt ngào sâu thẳm của từng âm điệu của tiếng đàn Tranh trong khi nhấn nhá, hoặc họ là nghệ sĩ biểu diễn thì được trời phú cho họ có “cái tai” thẩm âm rất chuẩn xác thì lại không rành chi tiết về kỹ thuật đóng đàn. Nghệ nhân kết hợp được cả hai tính chất trên thật là hiếm, đúng là được mặt này thì khuyết ở mặt khác ?

Riêng nhạc sư Vĩnh Bảo thì có  được cả hai. Theo lời Bác kể: năm 10 tuổi bác đã tự tay ráp cái gáo dừa và cần đàn khi được người ta cho cây đàn gáo mà 2 phần rời nhau. Có lẽ bác đã tập mày mò đóng đàn từ khi ấy. Được biết sau thời gian không đi dạy tại trường nhạc trong nước. Bác may mắn có điều kiện ra nước Ngoài để dạy thêm về âm nhạc cổ truyền cho các học trò thế giới và Bác đã quyết chí ghi danh học thêm về kỹ thuật đóng đàn Violin tại trường hẳn hoi, nên có lẽ bác là nghệ nhân đàn dân tộc duy nhất đã được đào tạo từ trường lớp tại Tây Phương.

Những kỹ thuật khéo léo, tinh xảo của cách đóng đàn Violin mà bác đã học được nó đã là một nền móng vững chắc chẳng phải ai cũng có được và sau này đã được bác nhuần nhuyễn áp dụng để hình thành cho cây đàn Tranh Việtnam với thương hiệu Vĩnh Bảo. nhưng để hình thành và tạo nên tên tuổi trong lòng mọi người chắc chắn bác đã phải qua rất nhiều thời gian tìm tòi trải nghiệm, cùng biết bao biến tấu để tạo thành.Ngoài ra chị Thu Anh cũng tiết lộ bí mật kỹ thuật tạo ra tiếng đàn hay nằm ở chỗ hiểu được đặc tính sự giãn nở của từng loại gỗ khi kết hợp với nhau, và gia đình đã dày công nghiên cứu để có hẳn loại keo đặc biệt gia truyền chỉ để dùng riêng cho việc đóng đàn… Chị tâm sự mỗi cây đàn xuất ra đều được thẩm âm thật kỹ trước khi tới tay người dùng… rất tiếc nhiều lần nói chuyện với Chị mà không ghi nhớ được là bao để chia sẻ cùng các bạn.

Điều quan trọng nhất vẫn là được gia đình bác xác nhận: “ chắc chắn đây là cây đàn Tranh 25 dây độc nhất vô nhị cả ở Việtnam cũng như trên thế giới do chính tay bác Vĩnh Bảo đóng và ký tên “.

Khi viết những dòng này thì năm nay bác cũng vừa tròn 103 tuổi, bác cùng gia đình cho biết: “sẽ không hề có ý định và muốn làm lại một cây đàn 25 dây thứ hai như vậy nữa.” Đây thực sự là một món quà tình cảm vô giá mà Bác muốn dành lại cho hậu thế.

Ngoài chữ ký của nhạc sư Vĩnh Bảo, cây đàn này còn may mắn hơn nữa khi được các giáo sư, nghệ sĩ cũng là những người bạn thân của bác Vĩnh Bảo ký tên lưu niệm. Xin cảm ơn Gs tiến sĩ âm nhạc học dân tộc Trần quang Hải (Pháp), Giáo sư đàn Tranh Ngọc Dung (San Jose, Calif), NS Đỗ Lộc, NS Văn Hai, NS Đặng Lan (San Jose, Calif) …

Nay được sở hữu, đó là niềm vui, niềm hãnh diện, và tự hào rất lớn, một lần nữa xin được đặc biệt cảm ơn bác Vĩnh Bảo và gia đình.

Chúc bác nhiều niềm vui trong tuổi hạc.

Hồng Nguyên.

***

– Giáo sư Trần quang Hải nhân dịp qua Hoa Kỳ nhận bằng tưởng lục của trường đại học Long Beach University “ tuyên dương về những đóng góp của Ông trong việc nghiên cứu, phổ biến âm nhạc dân tộc Việtnam trên thế giới.” Đã ký tên trên đàn.

– NS Đỗ Lộc nhân chuyến đi biểu diễn trong “Ao Dai Festival” tại Calif, Hoa Kỳ đã ký tên.

Theo Internet