Cao Mỵ Nhân,  Văn

VĂN – ĐỈNH HOA VÀNG – Cao Mỵ Nhân

ĐỈNH HOA VÀNG

Trong HNPD cả net lẫn com của quan Đồ Ngu tức nhà văn Nguyễn Trọng Hoàn của …tôi, tôi hay xí phần lắm, nếu điều gì đó phảng phất có tôi trong đó, có một bài viết về nhà thơ béo xụ, to ù Phạm Thiên Thư, với tuồng tích ” Ngày xưa Hoàng thị…”, có kèm hình ổng mới nhất, tuần trước.

Tôi vốn cũng không xa với nữ sĩ Tuệ Mai, người đưa ông lên đỉnh hoa vàng, xin lỗi tôi không xài danh xưng ” động hoa vàng ” như ai yêu thơ cũng theo dõi và biết phần nào.

Bài này đặc biệt chỉ kể về chuyện ở động hoa vàng thôi .

Ô mà với Phạm Thiên Thư thì có lẽ ” Động hoa vàng” là chính điểm cho bàn dân độc giả thơ mến mộ, chứ dẫu Thi sĩ Phạm Thiên Thư có lối hành văn thơ khá đặc biệt, nghĩa là có ngôn ngữ riêng, như kiểu lời nhạc đặc biệt Trịnh Công Sơn cùng thời, thí dụ:

Đoạn trường sổ gói tên hoa

Xưa là giọt lệ, nay là hạt châu …

( Đoạn trường vô thanh – Phạm Thiên Thư )

Lại cũng biện luận bằng câu: tiểu sử, thành tích, tác phẩm Thi sĩ Phạm Thiên Thư thì đã đầy trong sách báo đương thời, tôi chỉ lướt qua những kỷ niệm rất chân tình, còn nếu nói về mức độ đúng, sai…thì thưa quý vị, nó, kỷ niệm sắp đơn cử ra, thật đến độ quý vị có lòng, phải thẫn thờ buồn mãi …

Theo đề nghị của quý nữ sĩ trong thi đàn Quỳnh Dao, một hội thơ nữ lưu rất danh tiếng về mọi mặt, tôi đã nhận cái việc là sẽ tới lui chăm sóc cho nữ sĩ Tuệ Mai những ngày tháng sau cùng, khi bịnh ung thư của chị đã đến hồi bó tay, chỉ còn xài ” morphine” chế ngự các cơn đau dồn dập tới thôi.

Đó là những tháng cuối năm 1981, qua đầu 1982.

Tuy bịnh nặng như thế, mà cũng còn những khoảnh khắc chị có thể tâm sự với tôi về hành trình viết lách chưa gọi là xong của chị .

Tất nhiên làm sao xong được với một cây bút còn đầy sức sống, chỉ có sức khỏe người cầm bút ấy bị hao hụt dần, nhất là không ai chia xẻ với mình về mặt tâm tư tình cảm đúng đắn , đối với một phụ nữ sắp sáu chục tuổi, đầy mơ mộng .

Tôi có lẽ may mắn là thủa đó, mấy năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, mới xong tù cải tạo và lao động nông trường về, đối với tôi cuộc sống là quý giá lắm, nên tôi thông cảm ngay .

Mỗi ngày, vào buổi trưa, trên căn gác nhỏ ngôi nhà số K8

Đường Nguyễn Chí Thanh, tên mới, tôi không để ý tên cũ là đường gì . Chị vẫn có thể cười nói rằng:

Này Cao Mỵ Nhân, đã gặp Phạm Thiên Thư chưa ?

Tôi lưỡng lự: ” Chưa chính thức gặp, nhưng em có thấy anh ấy ở đâu rồi ”

Nữ sĩ Tuệ Mai cứ lúc khép lúc mở mắt, có lẽ chị đang mơ mộng, với giọng đều đều :

Thư, là thi sĩ Phạm Thiên Thư, chị Tuệ Mai luôn kêu Phạm Thiên Thư là ” Thư ” thôi, khác với nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh thì bao giờ cũng ” Anh Nhật” tức nhà văn, điêu khác gia Nguyễn Hữu Nhật .

Thư vui lắm em ạ, khi chị khám phá ra Thư là một thiên tài, mình, là nữ sĩ Tuệ Mai, nói Thư phải đưa các tác phẩm xuất sắc đó lên cao hơn, vì giá trị của lời thơ …

Cao Mỵ Nhân đọc hết các sách thơ của Phạm Thiên Thư chưa ?

Sự thực tôi chưa đọc hết, song nhìn chị Tuệ Mai gần đất xa trời quá rồi, tôi gật gật đầu : ” Em có đọc …”

Chị Tuệ Mai tiếp : Cơ duyên đã khiến chị gần Thư, sau khi Thư rời hẳn Chùa ra đời, Thư là con trai duy nhất của cụ bà Thư Lâm, chị đặt cho cụ phương danh này, thì cứ việc sống bình thường trong xã hội Saigon, ở Chùa làm chi, cho dẫu Thư có tâm tu đi nữa.

Thế rồi Thư có ý định thành hôn với chị ( Tuệ Mai ) là lúc chị đã 50 tuổi, còn Thư 32 tuổi, 1972, cùng lượt với nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh ( 48 tuổi ) và nhà thơ họa sĩ điêu khắc gia Nguyễn Hữu Nhật ( 30 tuổi ) .

Chị Vinh thì mới mẻ, bạo dạn và lãng mạn hơn chị nhiều, chị Vinh luôn làm chủ cuộc đời chị ấy, chứ chị ( Tuệ Mai ) thì … ngại quá, chị còn cái đại gia đình nặng trĩu phong kiến, cụ thân sinh vẫn đang tại thế, tức thi sĩ quá lão thành Á Nam Trần Tuấn Khải.

Chị còn bầy em gái 5 cô con bà dì, chị có 2 Con gái nuôi là Thanh Nhu có gia đình rồi, đang tá túc với chị trên căn gác ấy, cô con nuôi thứ hai đã đi tản, ở Mỹ , và là người luôn quà cáp về VN cho chị sau này .

Nên, Thư cũng …ngần ngừ, rồi quyết định thưa với cụ thân mẫu Thư, đoạn, Cao Mỵ Nhân biết không, chính bên nhà Thư đã tiến hành cho chị một đám cưới đàng hoàng, bằng chính tiền để dành, em ạ , đập cái hũ vàng ra, để mà lo sính lễ đấy .

Tôi có biết gì về giai thoại này, hơn nữa trước 30-4-1975 tôi còn ở QĐI/QKI của…tôi, 1972 là cái tuyến lửa quân nhân các cấp VNCH đang tái chiếm cổ thành Quảng Trị, tôi đang phờ phạc về công tác xã hội hậu phương, thương binh tử sĩ ở các quân y viện Huế, Đà Nẵng, có thì giờ đâu theo dõi chuyện tình thành phố chứ, tôi ậm ừ: ” Thế ạ ” .

Sau khi cưới nhau chính thức, chị về nhà Thư là ngôi nhà giống như biệt thự, tức là có hoa lá cây cảnh ở con đường XXX bên Gia Định, tức Quận Bình Thạnh.

Nhưng vẫn đi đi về về nhà chị, số K8 đường nêu trên .

Vài năm sau, nữ sĩ Tuệ Mai nghĩ là: Thi sĩ Phạm Thiên Thư có trữ tình , lãng mạn đến mấy, cũng cần có con cháu để nối dõi tông đường, nên chính chị là người hỗ trợ thiết tha việc cưới cho thi sĩ Phạm Thiên Thư đệ nhị ái thê, nguyên là ái nữ của nhà văn Hoàng Ly, người chuyên viết chuyện đường rừng thượng du Bắc Việt xưa.

Buồn cười lắm Cao Mỵ Nhân ạ, bấy giờ chị chưa rời hẳn nhà Thư đâu, bởi vì nơi đó chính là cái động hoa vàng được hình thành, hoa cúc vàng, rồi mùa xuân thì những cành mai vàng nở rộ biết không?

Nữ sĩ Tuệ Mai, tác giả 7 tập thơ trước 1975, đang ấp ủ 2 cuốn truyện dài :

Lưu Bình, Dương Lễ và nàng Châu Long mới,

Huyền Trân Công chúa .

đã ngã bịnh …vô Bịnh viện Bình Dân, để rồi cay đắng biết mình sẽ từ giã cõi đời .

Ngày tôi từ nông trường về thành phố, là chị đã giải phẫu xong khá lâu, nhưng vẫn trong ưu tư không còn cơ hội viết 2 cuốn tiểu thuyết nếu trên .

Chị giao cho nữ sĩ Như Hiên cũng trong Hội thơ Quỳnh Dao viết ” Nàng Châu Long mới “, để làm sao đánh bật cái tư tưởng phụ nữ cao vời, chứ không phải được Quan xưa Dương Lễ ngoắc ra truyền lệnh cho đi nuôi Lưu Bình, vì Châu Long là vợ 3 của Dương Lễ.

Chị có nhã ý giao cho tôi viết tiếp mấy chương để kết thúc cuốn Huyền Trân Công Chúa, với ý đồ là tôi phải làm nổi bật được vai trò công chúa Huyền Trân vốn nhà họ Trần của chị : nữ sĩ Tuệ Mai Trần Thị Gia Mình.

Nhưng tôi bận lo chuyện cơm áo, rồi chuyện ra đi theo diện HO của …tôi sau này, tôi không nhớ mình đã xếp 2 chương bản thảo công chúa Huyền Trân của chị ở chỗ nào nữa .

Một ngày được tin thi sĩ Phạm Thiên Thư sẽ ghé thăm chị Tuệ Mai, chị thản nhiên như bạn tầm phơ, không nghĩ đã một thời chị cùng thi sĩ họ Phạm đó kết nghĩa tào khang.

Tôi loay hoay vì lo cái chuyện cách đó ít lâu, nhà thơ Trụ Vũ đã chở Honda tôi tới tiệm hớt tóc ở Lăng Cha Cả, giới thiệu tôi giả đò là cán bộ văn hoá từ Hanoi vô Saigon, để chờ đi Cote d’ Ivoire công tác . ..muốn làm quen thi sĩ nổi tiếng miền nam, mà nhà thơ Trụ Vũ cảm thấy chỉ có Phạm Thiên Thư là hay không tưởng được .

Dịp đó, Phạm Thiên Thư đã lấy làm hãnh diện, và còn muốn cũng được đi Phi Châu như tôi chứ.

Lý do thi sĩ Phạm Thiên Thư và tôi chưa hề diện kiến nhau, nên Trụ Vũ kêu tôi là ” chị Đỗ Mai A ” .

Nay thi sĩ Phạm Thiên Thư tới thăm nữ sĩ Tuệ Mai, thì thế nào đây ?

Phạm Thiên Thư đã lên thang gác, tôi quýnh quá, trốn ngay vào nhà tắm sát phòng chị Tuệ Mai.

Nhị vị thi sĩ tên tuổi ngó nhau nhiều hơn là phải nói, một lúc thấy lâu, chị Tuệ Mai kêu:

Cao Mỵ Nhân đâu rồi, ra đây chứ, Thư tới này .

Tôi đành phải ra chào, cười hoà hoãn, Thi sĩ Phạm Thiên Thư nhìn tôi, tay chỉ chỉ : ” Trời, dám cùng Trụ Vũ phá tôi hả ? ”

Thi sĩ Phạm Thiên Thư cáo biệt rồi, thấy chị có vẻ buồn xa vắng, tôi kể cho chị Tuệ Mai nghe chuyện nhà thơ Trụ Vũ đùa cợt xem thử Phạm Thiên Thư thế nao, khi Trụ Vũ ” phỏng vấn” Phạm Thiển Thư là : Nam thi sĩ miền nam nổi tiếng là Phạm Thiên Thư rồi, còn nữ thi sĩ nổi tiếng miền nam là ai, anh có thể cho chị Đỗ Mai A đây một ví dụ .

Phạm Thiên Thư cười cười không trả lời, Trụ Vũ hỏi tới luôn:

” Chớ anh nghĩ thế nào về nữ thi sĩ Tuệ Mai ? ”

Thì Phạm Thiên Thư im lặng .

Nhưng tôi không kể chi tiết này ra với chị, vì chị đang đau, mà thái độ của Thi sĩ Phạm Thiên Thư cũng chằng …hào hoa mã thượng gì .

Ít ngày sau, nữ sĩ Tuệ Mai mất. Chúng tôi có thông báo bằng hữu văn chương biết ngày tiễn nữ sĩ Tuệ Mai về cõi vô cùng. Chị mất chiều mùng một tết, đưa ma sáng mùng bốn tết âm lịch năm ấy( 1982) vừa đúng hoa giáp .

Song nhà thơ Phạm Thiên Thư không đến tiễn biệt nữ sĩ Tuệ Mai, người đã đưa ông lên đỉnh hoa vàng, trong lúc khá đông thi văn sĩ Saigon xưa tới chia buồn cùng hương linh chị.

Đáng ngợi ca nhất là nữ văn sĩ Nguyễn Thị Vinh đã xin để tang nữ sĩ Tuệ Mai, viết 4 câu thơ và yêu cầu tôi đốt trước quan tài nữ sĩ Tuệ Mai lúc ở hỏa tháp Thủ Đức.

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh nói cho tôi hay rằng: trong nghĩa cử bạn bè văn nghệ, chị phải để tang 4 người, 2 vị kia tôi không quen biết, còn 2 nữ sĩ Quỳ Hương và Tuệ Mai trong hội thơ Quỳnh Dao, tôi là em út thi đàn này, tôi phải biết chuyện đó.

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh còn thủ thỉ: ” Em ơi, chính Tuệ Mai giới thiệu anh Nhật cho chị đấy ” .

Tới chiều hôm sau, thi sĩ Phạm Thiên Thư mới ghé lại ngôi nhà có hình ảnh cuối cùng của nữ sĩ Tuệ Mai, ” Gã từ quan ”

ấy mới lấy làm tiếc là không kịp về đưa đám nữ sĩ Tuệ Mai .

Buồn nhỉ, có lẽ nào như thế không ? Hình như câu ”

nghĩa tử là nghĩa tận ” đôi khi không được nhớ đến …

CAO MỴ NHÂN