Thân Hữu,  Thơ,  Văn

THƠ, VĂN, YouTube … Thi Thân Hữu Sương Lam

Bài Tình Ca Tháng Chạp  

Baitinhcathangchao0THminhhoa 900.jpg

Đây là bài số năm trăm chin mươi bốn (594) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo, Portland, Oregon.

Bây giờ là Tháng 12 dương lịch năm 2021, nhưng văn hoá Việt Nam thường gọi tháng 12 là Tháng Chạp. 

 Người viết là người Việt Nam (dĩ nhiên rồi) nên cũng xúc cảnh sinh tình viết  bài thơ Bài Tình Ca Tháng Chạp để đánh dấu tháng cuối cùng của một năm, đặc biệt có ngày Lễ Giáng Sinh chào đón Chúa sinh ra đời đem tin yêu và hy vọng đến với tất cả mọi người nơi trần thế.

 Xin mời Bạn cùng  đọc với người viết nhé

 Bài Tình Ca Tháng Chạp

*

Tháng Chạp đến với đèn hoa rực rỡ

Người người mừng chào đón Lễ Giáng Sinh

Trời mùa Đông nhưng vẫn thấy ấm tình

Tình Nhân Loại, Thương Yêu và Bác Ái

*

Thiện Tâm ấy nào phân chia tông phái

Chúa trên cao hay Phật ngự tòa sen

Thương kẻ trần không phân biệt sang hèn

Khuyên người phải biết thương yêu, giúp đỡ

*

Quen hay lạ vẫn nụ cười cởi mở

Đưa bàn tay nắm lấy một bàn tay

Trao cho nhau lời chúc tốt đẹp này :

“Chúc tất cả được bình an dưới thế”

*

Trang sử Việt dẫu bao lần hưng phế

Giang sơn dầu có thay chủ đổi ngôi

Thủy triều kia dù lên xuống sụt trồi

Nhưng hai chữ Tình Thương không thay đổi

*

Chúa hay Phật không bao giờ nói dối

Dạy con người nên gìn giữ thiện tâm

Khuyên chúng sinh sửa đổi những lỗi lầm

Hiểu “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo”

*

Trời lắng dịu sau cơn mưa giông  bão

Xuân sẽ về sau Đông lạnh âm u

Nắng sẽ lên khi thoát khỏi mây mù

Người hiểu Đạo sẽ tâm bình trí lạc

 *

Năm cũ hết sẽ bước sang năm khác

Chúc mọi người được trí lạc thân an

Lòng Thiện Tâm rất đáng giá ngàn vàng

Chúa Phật sẽ ban phúc lành cho Bạn

*

Sương Lam

Mời quý thân hữu thưởng thức Thơ Nhạc Bài Tình Thơ Tháng Chạp- Thơ Sương Lam – Trinh Huỳnh thực hiện ảnh thơ

We wish you Merry Christmas Happy New Year Piano

SLvatuiThucpham 12-21 2.jpg

Thứ Sáu vừa qua vì phải đi lảnh thực phẩm do Nhóm Sinh Hoạt Người Việt Portland phụ trách, nên  người viết đành phải rời khỏi cuộc họp mặt thân hữu rất vui  trên Zoom của Group Cô Gái Việt sớm hơn giờ kết thúc.  Sau đó, người viết đi chợ Việt Nam để mua thực phẩm cho 2 tuần lễ sắp tới để giảm bớt việc ra đường trong thời buổi dịch Covid 19 vẫn còn đang hoành hành ở Portland nói riêng và ở xứ Mỹ nói chung.

 Trên đường đi chợ, người viết nhìn thấy một bà cụ già khập khiễng bước chầm chậm đến trạm xe buýt với chiếc ghế đẩy có bánh xe lăn cô đơn một mình thật tội nghiệp vô cùng!

Người viết tự hỏi không biết bà cụ già này có con cháu gì không mà phải tự một thân một mình di chuyển khó khăn như thế khi tuổi già sức yếu.  Nhìn hình ảnh đó, nguời viết thấy rằng đời sống con người không thể nào thoát khỏi vòng sinh, lão, bịnh, tử. Khi còn trẻ thì sức khỏe sung mãn, trí óc sáng suốt, tinh thần minh mẫn. Khi về già thì sức khỏe suy yếu, bịnh tật đủ thứ, trí nhớ sa sút, tinh thần hỗn loạn, bi quan. 

 Đời sống và cách suy nghĩ của con người cũng thay đổi tùy theo văn hóa, môi trường xã hội mình đang sống.  Có nhiều bậc cha mẹ Việt Nam sống ở hải ngoại vẫn khư khư giữ lấy quan niệm, giá trị đạo đức Khổng Mạnh là con cái phải biết vâng lời cha mẹ, phải phụng dưỡng cha mẹ già với quan niệm “Dưỡng nhi đãi lão” hay “Trẻ cậy cha, già cậy con” ngày xưa, như thế mới là con có hiếu. Trong khi đó con cái lớn lên, học hành và trưởng thành nơi xứ người, hấp thụ cách giáo dục Tây Phương rất thực tiễn, tôn trọng đời sống cá nhân nên sự thông cảm giữa  cha mẹ và con cái không thể nào đúng như lòng mong muốn của hai giới già và trẻ.

  Người già thì bịnh tật, tinh thần yếu ớt, tình cảm cô đơn, thích được gần gũi con cháu nhưng con cái cũng có những lo lắng về gia đình, công ăn việc làm của chúng nên cũng không thể nào săn sóc cha mẹ chu đáo được nên cũng đành phải đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão mà thôi.

Trong hiện tại cứ hãy vui lên mà sống, còn viết văn làm thơ được thì cứ làm thơ viết văn, còn cắt cỏ làm vườn được thì cứ làm vườn cắt cỏ coi như mình đang tập thể dục cho khỏe người, còn đi “tiếu ngạo giang hồ” được thì cứ đi ta bà thế giới cho vui, kẻo mai kia chân giò yếu đuối, bịnh hoạn liên miên không đi đâu được nữa thì hối tiếc nhé.  Smile!

Chúng tôi vẫn thường bàn với nhau “nhà ta, ta ở” cho đến khi nào già quá không thể tự chăm sóc cho mình được thì vào viện dưỡng lão ở vì đó là giải pháp tất yếu của hầu hết chúng ta.  Kẻ trước người sau rồi cũng phải vào đó hết để chờ ngày đi đoàn tụ với ông bà, chạy đâu cho khỏi.

 Chúng tôi cũng thường bàn nhau với bạn bè là có nên về ở chung với con cái hay không thì đa số cũng có cùng một ý kiến rất “cấp tiến”  với tôi là “nhà ta, ta ở” vẫn hơn.

Xin mời bạn đọc cùng đọc với người viết đoạn văn như sau được người viết sưu tầm trên internet coi có đúng không nhé.

 Nhà ta ta ở

can-nha-mau-tim-3.webp



“Trong đầu óc chúng tôi – những hội viên của hội lão này – cụ nào cũng có một vài ba cái kinh nghiệm của bà con, của bạn bè về những vụ ở chung với con cái. Chuyện nào cũng chẳng có happy ending gì hết, mà đều là bẽ bàng, dại dột. Bố hay mẹ góa, nghe lời ngon ngọt của con – trai hay gái – bán nhà, đem tiền về gửi con, rồi ở với con với cháu cho chúng nó có thì giờ trả hiếu. Nhưng chỉ chừng vài ba tháng trăng mật, khi chúng rút hết tiền trong két nhỏ cũng như «công» lớn, chúng bèn nhắc nhở, khách ở trong nhà giống y hệt như cá như tôm, chỉ đến ngày thứ ba là ươn, là thối sình lên rồi. Thế là ông bà già tức tưởi, khăn gói quả mướp ra đi với hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa trắng. Hỏi đến tiền chúng cứ tảng lờ như không hiểu bố mẹ nói gì. Cụ nào cũng tắc lưỡi nói, vẫn biết đây là chuyện hàng xóm, con mình chả đến nỗi thế, nhưng nó ở nhà mình thì mình là chủ nhưng nó vẫn coi là nhà của nó, nhưng mình ở nhà nó là không được, vì nhà nó là nhà nó, không phải là nhà mình, nó là chủ mà mình là người ở nhờ” (Ngưng trích Bà Ba Phải-Ở với ai?).

Người viết nói vòng vo tam quốc đã đời ở trên rồi chắc bạn cũng đã suy nghĩ và đã có ý kiến  “Già Rồi Tôi Ở Với Ai” rồi chứ nhỉ?  Hy vọng bạn sẽ chọn lựa đúng nhé.

 Chúng ta sẽ chào mừng Chúa Giáng Sinh ra đời đem niềm vui và hạnh phúc đến cho muôn người Và Năm Mới sắp đến. Hy vọng những bậc cha mẹ đang ở nhà riêng hay đang ở viện dưỡng lão sẽ được con cháu đón về nhà sum họp gia đình vui vẻ bên nhau hay ít nhất con cháu  hãy đến thăm cha mẹ già đang sống cô đơn nơi viện dưỡng lão nhé.  Mong lắm thay!

Hy vọng những người con có cha mẹ già đang ở viện dưỡng lão đọc và suy nghĩ về cảm nghĩ của nhà văn Huy Phương dưới đây:

“Cứ vào “Pet-Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà. Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không? Chẳng lẽ là không? Vì nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù”

 Nhân mùa Giáng Sinh và Năm Mới sắp đến, người viết xin chúc tất cả quý bạn có những phút vui và hạnh phúc với người thân trong buổi tiệc sum họp gia đình của quý bạn. Bạn nhé!

Xin mời thưởng thức một Toutube vui về Xmas với hình ảnh dễ thương, vui vẻ để chúng ta có thể sống lạc quan thêm một tí nhé vì đời vẫn còn đẹp sao.  Smile!

We Wish You A Merry Christmas | Super Simple Songs

Vợ chồng người viết cũng xin kính chúc quý thân hữu Một Mùa Giáng Sinh Vui Vẻ và Một Năm Mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc nhé.

Merry Xmas.png

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 594-ORTB 1019-122221Sương Lam

error: Content is protected !!