Thơ

THI PHÁP THƠ ĐƯỜNG

THI PHÁP THƠ ĐƯỜNG
 
QUÁCH TẤN
 
Bức Thư thứ Ba
 
     Thi luật xuất phát từ đời nhà Đường bên Trung Quốc cho nên gọi là đường luật.
 
     Đường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng thơ .
     Thật như vậy: từ đời Xuân Thu đến đời nhà Đường, trên 1. 000năm, thơ Trung Quốc lần lần biến chuyển từ giản dị đến phức tạp, từ tự do đến câu thúc. Thơ trong bộ Kinh Thi do Khổng Phu Tử san định thời Xuân Thu (722- 479) trước Kỷ nguyên Thiên Chúa, số câu trong mỗi thiên, số chữ trong mỗi câu, đều không nhất định, cách hạ vần cũng tùy nghi. Đến đời Tấn (265-420), thơ mới bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng số câu thì dài ngắn tùy hứng tùy thích của thi nhân. Sang đời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một khuôn nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu . Thẩm Ước lại xướng thiết tứ thanh, bát thể (bát bệnh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ ấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh về đối ngẫu; nhưng quy tắc không mấy chặt chẽ, ngòi bút vẫn tung hoành được tự do. Thi sĩ đời Đường (618-907) phát huy phép đối ngẫu và thuyết thanh bệnh của Thẩm Ước. Âm vận và cách luật được giảng cầu tinh tường : Thi Luật được sáng chế và được phần đông thi nhân hoan nghênh. Người có công lớn trong việc chỉnh đốn Thi Luật là Tống Chi vấn và Thẩm Thuyên Kỳ thời Sơ Đường . Rồi từ đời Đường đến đời Thanh (1616- 1911), trên 1.000 năm, thể thơ Đường luật rất được phần đông thi nhân ưa chuộng.
 
     Nước Việt Nam chúng ta có thơ từ nghìn xưa . Và thể thơ thông dụng nhất lá thể Lục Bát và Thể Vè 3, 4 và 5 chữ giản dị và tự do . Mãi đến đời nhà Trần (1225-1400), Hàn Thuyên mới dùng thể Đường luật để làm thơ Nôm. Thi nhân đương thời nhiệt liệt hưởng ứng và từ đời Trần, sang đời Lê đến đời Nguyễn, thể Đường luật được thịnh hành trong làng thơ Quốc âm, cũng như trong làng thơ chữ Hán và trong trường khoa củ . Thơ quốc âm, cũng như trong làng thơ chữ Hán và trong trường khoa cử . Thơ quốc âm làm theo thể Đường luật, cổ nhân gọi là thơ Hàn Luật .
          Và để phân biệt với thơ có trước đời Đường, thơ Cổ Thể, người ta gọi thơ làm theo thể Đường luật là thơ Cận Thể .
     Quy tắc thơ Cận Thể rất tinh mật . Muốn sử dụng thể Đường luật được hữu hiệu, tưởng chúng ta nên biết rõ mọi chi tiết, ít nhất là phải rành những điểm cốt yếu, về chương pháp, về cú pháp, về hài ngẫu, thanh điệu…
 
     Chương pháp là phép tắc trong toàn bài .
          Như trên đã nói, phép tắc thơ Cận Thể, tức thơ Đường luật, rất chặt chẽ . Mỗi thiên có định số câu, mỗi câu có định số chữ, mỗi chữ có định tiếng bằng Trắc, và câu nào đối với câu nào, câu nào niêm với câu nào v. v… người làm thơ phải tuân thủ nghiêm chỉnh .
 
     Luật thi lấy tám câu làm chính . Mỗi câu gồm có hoặc 5 chữ hoặc 7 chữ . Thơ 7 chữ 8 câu gọi là Thất Ngôn Bát Cú, hay là Thất Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Thất Luật . Thơ 5 chữ 8 câu gọi là Ngũ Ngôn Bát Cú, hay Ngũ Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Ngũ Luật.
 
     Khi Luật thơ mới ra đời, các câu thơ trong bài không có tên. Đường nhân chỉ gọi là câu NHẤT NHỊ, câu TAM TỨ, câu NGŨ LỤC, câu THẤT BÁT mà thôi . Đến đời Tống (960 – 1297), Nghiêm vũ mới đặt tên : câu Nhất Nhị gọi là Khởi Liên hay Phát Cú (cũng gọi là Phát Đoan), câu Tam Tứ gọi là Hạm Liên, câu Ngũ Lục gọi là Cảnh Liên, câu Thất bát gọi là Lạc Cú hay Kiết Cú . Qua đời Nguyên (1234 – 1368), Dương Tải đổi tên câu nhất nhị gọi là Phá Đề và chia bài thơ làm 4 phần là Khởi (hay Khai), Thừa, Chuyển, Hiệp (*) và dạy : “Khởi như mở cửa thấy núi, đột ngột tranh vanh, hoặc như mây nhàn từ trong hố bay ra, nhẹ nhàng thong thả . Thừa như con rắn cỏ, sợi dây chuyền, chẳng đứt chẳng rời . Chuyển như sóng lớn muôn khoảnh, tất có nguồn cao đổ xuống . Hiệp như gió quanh khí tụ, ngậm chứa sâu thẳm . (Khởi như khai môn kiến sơn, đột ngột tranh vanh, hoặc như nhàn vân suất hát, khinh vật tự tại, Thừa xứ như thảo xà trắc tuyến, bất tức bất ly. Chuyển xứ như hồng ba vạn khoảnh, tất hữu cao nguyên. Hiệp xứ như phong hồi khí tụ, huyên vịnh hàm súc) . Vương Ngư Dương thời Thanh (1634 – 1711) nói rõ thêm rằng : Khởi, Thừa, Chuyển, Hiệp là phép chung trong việc làm văn. Trong một câu có khởi thừa chuyển hiệp của câu, trong một thủ có khởi thừa chuyển hiệp của thủ, trong 10 thủ có khởi thừa chuyển hiệp của 10 thủ, chớ không thể ấn định câu thứ mấy, đối thứ mấy là khởi thừa là chuyển là hiệp . Tức là Vương Ngư Dương không muốn người làm thơ phải ép mình trong sự phân chia cứng nhắc. Nhưng một khi luật được đem vào trường thi để làm khuôn thước chọn nhân tài, thì khuôn khổ bài thơ luật lại chặt chẽ thêm một bậc nữa . Tên của các câu thơ trong bài đều được thay đổi . Câu Thứ nhất gọi là Phá Đề, câu nhì gọi là Thừa Đề, cặp tam tứ gọi là Thích Thực hay Trạng, cặp ngũ lục gọi là Dẫn Luận hay Bồi Thấm, câu bảy gọi Thúc Kiết hay Chuyển, câu tám gọi là Hoàn Kiết hay Kết.
 
     Những câu 1- (Đề) và 7- 8 (Kết) không phải đối nhau. Chỉ có cặp 3 – 4 (Trạng) và cặp 5 – 6 (Luận) là phải đối nhau, cặp nào đối với cặp nấy, và phải niêm với nhau : câu 1 với câu 8, câu 2 với câu 3, câu 4 với câu 5, câu 6 với câu 7 . Đó là luật nhất định .
 
     Nhưng từ khởi thủy, thi nhân mới định vị cho các câu trong bài chớ chưa phân nhiệm cho từng câu. Nguồn thơ theo nguồn hứng mà đi, không cần phải sắp xếp ý nào trước ý nào sau, miễn sao cho nhất khí quán hạ, cho thủ vỹ tương ứng, miễn sao mạch lạc được liên tiếp, ý tứ đừng trùng điệp …là hay. Khi đã dùng vào trường thi, thì nhiệm vụ của Đề, Trạng, Luận, Kết đều được ấn định rõ ràng . Quy tắc phải được sĩ tử tuân thủ triệt để . Đó là luật thơ cử nghiệp .
 
     Về vấn đề này cũng như các vấn đề về luật bằng và Trắc trong câu, phép đối ngẫu … tôi sẽ nói rõ trong khi bàn về Cú pháp .
 
     Tôi xin nói tiếp về Chương .
 
     Chương dùng ở đây là bài thơ, chớ không phải một bộ phận trong bài văn, lớn hơn tiết. Nói một chương tức là một thủ, và thủ cũng thường gọi là Thiên. Nhưng Thiên trong thơ Liên Hoàn, lại dùng để gọi cả nhóm hoặc 10 thủ, hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn .Còn chỉ để chỉ từng bài một thì dùng tiếng Chương hay Thủ . Cùng một đề mục mà phải dùng nhiều bài nối nhau để diễn đạt cho hết ý , mà không theo lối liên hoàn (nối nhau bằng ý chớ không bằng lời) thì cả nhóm cũng gọi là Thiên, từng bài một thì gọi là Chương, là Thủ, như trong thơ liên hoàn . Song đó là danh xưng chớ không phải là quy tắc .
 
     Để làm mẫu về chương pháp, xin dẫn một trong những bài thơ được truyền tụng, bài GỞI PHAN SÀO NAM của Trần Kế Xương :
 
Mấy năm vượt bể lại trèo non
Em hỏi thăm qua bác hãy còn
Mái tóc Giáp Thìn đà nhuốm tuyết
Điểm đầu Canh Tý chửa phai son
Vá trời gặp hội mây năm vẻ
Lấp bể ra công đá một hòn
Có phải như ai mà chẳng chết
Dang tay chống vững cột càn khôn
 
Bài thơ nhất khí quán hạ . Nêm luật chặt chẽ sít sao .
  
Nhưng đúng pháp thơ cử nghiệp, nghĩa là trạng, luận thật phân minh, thì bài VỊNH TRÂU GIÀ của Đặng Đức Siêu sau đây có thể dùng làm kiểu mẫu :
 
Một nắm xương khô một nắm da
Bao nhiêu cái ách cổ từng qua
Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hỏa
Tai nặng buồn nghe Ninh Thích ca
Nương bóng rừng đào nơi lểu lảo
Nhìn gương cung quế thở phì phà
Bôi chuông nhớ thuở thân gần lụy
Ơn đội Tề vương mạng được tha .
 
   Mới học làm thơ, các bạn nên học tập lối làm thơ cử trước . Tôi sẽ nói kỹ hơn sau khi đã lược giảng xong những điều thiết yếu . Và trong bước đầu của bạn, tôi chú trong đến thơ Thất Luật . Bởi kinh nghiệm bản thân cho thấy rằng một khi chân đã vững vàng trên đường thơ cử nghiệp rồi thì bước sang thơ tài tử rất dễ dàng, và hễ thơ bảy chữ đã thạo rồi thì thơ năm chữ không còn thấy bỡ ngỡ .
 
     Và thơ Ngũ Ngôn cũng như thơ Thất Ngôn, đều lấy 8 câu làm luật . Nhưng phần đông thi nhân vẫn coi thơ Tứ Tuyệt là luật thi, bởi Tuyệt Cú là cắt luật thơ ra làm đôi mà lấy nửa. Phàm trong một bài tuyệt cú mà hai câu sau đối nhau, đó là cắt lấy 4 câu trước – cổ nhân gọi là tiền giải – của bài thơ luật; nếu hai câu trước đối nhau là cắt lấy phần hậu giải; bốn câu đều đối nhau là cắt lấy 4 câu giữa; còn toàn bài không có đối, là cắt lấy hai câu đầu và hai câu sau của bài thơ luật mà hợp lại . Số câu tuy có khác nhưng cách bố trí vẫn không khác nhau, cũng khởi, thừa, chuyển, hiệp , một bên từng cặp, một bên từng câu, mạch văn vẫn tiếp, khí văn vẫn nổi, không dứt không ngừng . Và tuy có 4 câu nhưng ý tứ phải sung mãn như 8 câu thì mới xứng danh là Tuyệt Cú, là Tứ Tuyệt. Bởi Tuyệt vừa có nghĩa là                                  Tiệt (cắt) vừa có nghĩa là tuyệt diệu.
 
     Xin cử mỗi loại một tuyệt để làm mẫu :
 
Hai câu đối nhau như bài DỆT CỬI của Lê Thánh Tông ;
 
Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường
Tay ngọc đẩy đưa thoi nhật nguyệt
Gót vàng dậm đạp máy âm dương
 
Hai câu đối nhau như bài SONG CHIỀU của TX :
 
Ngày trôi chậm chậm sông đưa lá
Thoi liệng xa xa én dệt mù
Mở rộng song thơ chờ ánh nguyệt
Nửa lòng xuân sắc nửa lòng thu
 
Bốn câu đều đối như bài TỨC CẢNH của Nguyễn Tư Giản làm lúc đi sứ sang Trung Hoa thời Tự Đức :
 
Gió đưa dương liễu cành cành nguyệt
Khói tỏa ngô đồng khóm khóm sương
Thuyền mọn năm canh người Bích Hán
Địch đài một tiếng khách tầm dương
 
Bốn câu đều không có đối như bài MỜI TRẦU của Hồ Xuân Hương :
 
Quả cau nho nhỏ miếng trầu ôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thời thắm lại
Đừng xanh như lá bạc như vôi .
 
     Chỉ có 4 câu mà ý tứ phải đầy đủ, phải trọn vẹn thì bài thơ mới thật hoàn hảo . Bằng còn có thể thêm thắt, thì đó là một bài bát cú mới làm nửa chừng, Ví dụ bài DỆT CỬI của Lê Thánh Tông, đọc lên chúng ta cảm thấy thiêu thiếu như xem chưa hết lớp tuồng mà đã bị hạ màn . Do đó đời sau, nhiều người đã thêm hững câu sau thành một bài bát cú, như Tôn Thọ Tường là một :
 
Thấy dân rét mướt chạnh mà thương
Phải bước lên khung sửa mối giường
Tay ngọc lẹ đưa thoi nhật nguyệt
Gót son lần đạp máy âm dương
Xuân riêng hoa liễu canh dàn cuốn
Ý hiệp rồng mây chỉ vấn vương
Dâng gấm sân chầu mong có thuở
Sánh bường Tô Huệ bức văn chương .
 
     Sửa đổi một vài chữ rồi thêm vào bốn câu thành một bài bát cú lời đẹp ý giàu, lại nói lên được chút tâm sự thầm kín .
     Những bài Tứ Tuyệt có đối thường bị nối đuôi hoặc nối đầu, để ngầm bảo rằng chưa phải thơ Tuyệt Cú . Nhưng nếu ý tứ trong bài không được phong phú, thì loại không có đối cũng dễ biến thành thơ bát cú . Ví dụ bài VẤN NGUYỆT sau đây, tương truyền là của Hồ Xuân Hương :
 
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn
Ba mươi mồng một đi đâu vắng
Hay có tình riêng với nước non
 
     Cụ Tú Nguyễn Khuê đã biến thành một bài bát cú rất được thưởng thức :
   
Dì Nguyệt mình ơi ! Tớ hỏi đon :
Cớ sao khi khuyết lại khi tròn
Hỏi con ngọc thố chừng bao tuổi
Hỏi chị Hằng Nga đã mấy con
Đêm vắng cớ chi soi gác tía
Ngày xanh lại thẹn với vầng son
Ba mươi mồng một đi đâu vắng
Hay có tình riêng với nước non .
 
     Bài VẤN NGUYỆT của cụ Tú cũng như bài DỆT CỬI của ông Tôn, tuy là thơ chắp nối, song theo đúng khuôn phép . Ý tứ trong toàn bài luôn luôn đi sát đầu đề . Những câu Đề, Trạng, Luận, Kết, câu nào cương vị nấy, nhiệm vụ nấy, không chút sai lệch. Mạch thơ khí thơ, như nước suối cao, gió đồng rộng, không bị gián đoạn hay ngưng trệ . Nếu đi thi thì quan trường dù khắt khe đến đâu cũng không thể đánh hỏng .
 
     Hai bài đó, nếu các bạn xem xét kỹ, sẽ giúp các bạn nắm vững thêm về Chương Pháp.
     Con đường đưa đến diệu xứ của Thơ còn xa lắm .
    
Nhưng trong BẰNG HỮU KIM KÝ của Nguyễn Đôn Phục có câu :
 
     Đất đã đắp cho nên núi, chín chày phải gắng công lao ;
     Đường dù đi đi dốc đến nơi, nghìn dặm chi nài khó nhọc .
 
     Mong các bạn đừng chán nản
 
 
 ==================================
 
 
  
 
QUÁCH TẤN
 
 Bức thư thứ hai mươi bốn
 
Các bạn thân mến,
 
     Còn một lối thơ nữa cũng rất được thông dụng trong các thi xã thi đàn. Đó là thơ CANH HỌA thường gọi là thơ HỌA VẬN .
     CANH HỌA hay HỌA VẬN là đáp họa lại những vận ngữ (hay vận cước) được dùng trong một bài thơ khác, tức bài xướng. Vì vậy người họa trước hết phải xem bài xướng diễn tả sự gì, vật gì, ý cảnh như thế nào, thì mới đáp họa lại được .
     Thơ CANH HỌA cũng là một lối thơ mà đề mục bị hạn chế như thơ Phú Đắc .
     Thơ CANH HỌA:
    
    Về mặt hình thức thì có 3 thể là Thứ Vận, dụng vận và y vận.
     Thứ Vận là dùng những vần mà theo đúng thứ tự của vần bài xướng . Đây là lối phổ thông nhất xưa nay . Như thơ Đông Hồ họa bài CÂY MAI của Tôn Thọ Tường đã dẫn trước đây, chẳng hạn.
    Dụng Vận là dùng những vần bài xướng mà không cần theo thứ tự, có thể đem lên đem xuống tùy nghi. Như bài THƠ XUÂN của chủ nhân Diễm Diễm Thư Trang xướng .
                  
                   Da ngọc ngà phô giấy nõn nường
                   Tóc huyền mun gợn mực yêu đương
                   Dịu thon lưng uốn đường sông núi
                   Trinh bạch lòng pha chút tuyết sương .
                   Xiêm áo phong phanh tờ lụa ngỏ
                   Phấn hồng thoang thoảng bụi hương vương
                   Nàng thơ kiều diễm Xuân kiều diễm
                   Chữ gấm lời hoa gửi bốn phương.
 
Vũ Hoàng Chương thứ vận :
Xuân mới ba mươi sáu nõn nường
Riêng cành mai cũ chiếm yêu đương
Dài sông nghĩa ấy tình cao núi
Pha tuyết thân này mặt nhuốm sương
Chẳng đợi đông quân làm đạo chủ
Vốn là hoa hậu sánh thi vương
Giang Nam mộng lẫn vào Giang Bắc
Trời bốn phương lòng chỉ một phương
 
Đông Hồ dụng vận :
 
Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương
Tơ tình xưa để mối nay vương
Thơ lai láng khắp hồn kim cổ
Mực đậm đà thêm ý cỏ sương
Nhà ngọc mong treo vần diễm tuyệt
Lạng vàng dám đổi giá tương đương
Ơn nhờ son phấn duyên tri kỷ
Cho một lần Xuân một nõn nường
 
     Bài họa này, Lộc Đình Nguyễn Hiến Lê gọi là “gấm vóc đảo canh tơ” tức đảo lộn ngược 5 vần, dưới lên trên, trên xuống dưới . Tuy đảo ngược song vẫn theo thứ tự trước sau, trước sau theo chiều ngược. Đó là theo ý thích của họa giả, chớ phép không buộc . Muốn để vần nào vào câu nào cũng được miễn là dùng những vần của nguyên xướng thì thôi .
     Y Vận là dùng những vần cùng một vận bộ với nguyên tác chớ không theo những vần nguyên tác đã dùng . Ví dụ nguyên tác dùng những vần “phương, vương, sương, đương, nường” thì họa giả dùng những vần “tường, thương, hương, chương, dương” chẳng hạn. Những vần họa và những vần xướng nằm trong một vận bộ, bộ ương.
     Lối Y vận không bó buộc, nhưng trong làng thơ quốc âm ít ai dùng ! Có lẽ thi nhân thấm lẽ ý nghĩa câu “nghệ thuật sanh nhờ nhờ bó buộc, chết vì tự do” (lárt nait de contrainte et meurt de liberté), nên mới đi tìm cái khó vậy !
      Về nội dung thì có 6 phép : SONG HÀNH, SONG LẬP, TƯƠNG ỨNG, TƯƠNG PHẢN, KHAI TRIỂN, BỒ KHUYẾT .
    Song Hành là đi song song với nhau, nghĩa là người xướng và người họa đứng trên một lập trường, cùng diễn tả một ý tưởng . Ví dụ bài của Phan Văn Trị họa vận bài TÔN PHU NHÂN QUI THỤC của Tôn Thọ Tường :
 
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn vầng mây bạc
Về Thục trau tria phận má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng
 
Tôn Thọ Tường
 
Bài họa
 
Cài trâm sửa trắp vẹn câu tòng
Mặt giả trời chiều biệt cõi Đông
Khói tỏa trời Ngô un sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng
 
 Phan Văn Trị
 
     Song lập là đứng song song với nhau. Khác với Song Hành là xong hành ý đồng. Song Lập là ý không đồng nhưng không phản . Nghĩa là Xướng cùng Họa đứng chung một địa phận, nhưng mỗi bên diễn mỗi ý khác nhau. Song hành giống như hai con sông chảy song song, nước bên sông này, hoặc ẩn hoặc hiện, hoặc khi ẩn khi hiện, giao tiếp với nước sông bên kia. Còn Song Lập thì giống như hai ngọn núi đứng song song và ngó
mặt về một hướng, trên mặt đất không thấy mối liên lạc với nhau. Tuy khác ý, song ý không ra ngoài đề bài, cũng như trên mặt đất không thấy có mối liên lạc với nhau nhưng dưới đất vẫn cùng một sơn mạch . Ví dụ bài NGÀY XUÂN TƯƠNG TƯ của Tản Đà xướng rồi tự họa ngược vần (dụng vận):
  
Trách cái tằm xuân nhả mối tơ
Làm cho bối rối mối tương tư
Sương mù mặt đất người theo mộng
Nhạn lảng lưng trời kẻ đợi thơ
Nghìn dặm dám quên tình lúc ấy
Trăm năm còn nhớ chuyện ngày xưa
Tương tư một mối hai người biết
Ai độc thơ này đã biết chưa ?
 
Hỡi giống đa tình đã biết chưa
Tơ tằm vương maĩ tự ngàn xưa
Gió mưa bốn bể hồn theo bạn
Vàng ngọc trăm năm túi nặng thơ               
Lửa đốt lòng son câu thế sự
Gương soi tóc trắng nỗi sầu tư
Thuyền nan sóng đánh tàu than hết
Giương cột giăng buồm một sợi tơ (*)
 
(*) hai bài Đông Hồ và Vũ Hoàng Chương họa THƠ XUÂN của Diễm Diễm thư trang trước đây, cũng thuộc về Song Lập.
 
     Tương Ứng tức là xướng hô họa đáp; hoặc hưởng ứng từng câu, từng đoạn, hoặc dồn ý cả toàn thiên đáp ứng lại.
     Phép trước như bài Nguyễn Khuyến hỏi thăm bạn mất cướp và ông bạn họa lại .
 
Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
Nó lại lôi ông đến giữa đồng
Lấy của đánh người quân tệ nhỉ
Xương gà da cóc có đau không
Bây giờ mới thấy trầy da trán
Ngày trước đi đâu mất mảy lông
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông
 
Nguyễn Khuyến
 
Ông thăm tôi, tôi trả ơn ông
Nó có lôi tôi đến giữa đồng
Những tưởng vun thu phòng lúc thiếu
Nào ngờ ky cóp lại như không
Chém cha thằng quỉ đen tai mắt
Chẳng nể ông già bạc tóc lông
Ông nhắn khuyên tôi tôi biết vậy
Thương ông tuổi tác cháu thì ngông
 
Ông bạn
 
Phép sau như bài Xướng họa của Ngân Giang và Vũ Hoàng Chương
 
VÔ ĐỀ
 
Mây trắng lang thang mãi cuối trời
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi
Cung đàn đã mấy dây chùng hẳn
Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi
Chốn ấy tờ hoa đành lẻ ý
Mùa này chim nhạn có chung đôi
Thương thay trên quãng đường chia ngả
Thì ngả nào không có lá rơi
 
Ngân Giang
 
Lửa khóa mây then bốn vách trời
Về đâu mộng cũng chẳng đành nơi
Vẫn chưa ý gởi vào thơ được
Mà đã dâu toan hóa biển rồi
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi
Tin xuân lạnh lắm rồng ao cạn
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi
 
Vũ Hoàng Chương
 
    Tương Phản là Xướng và Họa đứng trên hai trận tuyến đối lập. Như bài của Đông Hồ mượn lời Nhị Kiều họa vận bài TÔN PHU NHÂN QUI THỤC của Tôn Thọ Tường và 10 bài liên hoàn Phan van Trị họa 10 của Tôn Thọ Tường :
 
I
Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây
Trời đất xui chi đến nỗi này
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo
Mây tuôn đen nghịt khói tàu bay
Xăng văng chậm tính thương đòi chỗ
Thấp thỏm riêng lo tiếc những ngày
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay
 
II
 
Thày lay lại chác lấy danh nhơ
Ai mượn mình lo việc bá vơ
Trẻ dại giếng sâu lòng chẳng nỡ
Đường xa ngày tối tuổi không chờ
Áo xiêm chán thấy xăn tay thợ
Xe ngựa nào toan gỡ nước cờ
Rủi rủi may may đâu đã chắc
Miệng lằn lưỡi mối hãy tai ngơ
 
 
 
BÀI HỌA
 
Hơn thua chưa quyết đó cùng đây
Chẳng đã nên ta phải thế này
Bến Nghé quản bao cơn lửa đỏ
Cồn Rồng đâu mặc bụi tro bay
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở
Bủa lưới săn nai cũng có ngày
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ
Lòng ta sắt đá há lung lay
 
II
 
Lung lay lòng sắt đã mang nhơ
Chẳng xét phận mình khéo nói vơ
Người trí mảng lo danh chẳng chói
Đứa ngu luống sợ tuổi không chờ
Bài hòa đã sẵn in tay thợ
Cuộc đánh hơn thua giống cuộc cờ
Chưa trả thù nhà đền nợ nước
Dám đâu mặt lấp lại tai ngơ
 
Phan Văn Trị
 
     Khai Triển là nói thêm, bàn thêm những gì nguyên xướng đã nói đã bàn rồi nhưng chưa đủ, chưa trọn. Hoặc dựa vào nguyên xướng mà diễn thêm những ý mới làm cho ý nghĩa bài nguyên xướng thêm rộng rãi, rõ ràng .
 
     Bổ Khuyết là bổ sung vào nguyên xướng những điều đáng nói mà nguyên xướng không nói vì quên hay không tiện nói ra .
     Tức là Khai Triển là mở rộng ý nguyên xướng. Bổ khuyết là thêm ý vào cho nguyên xướng . Hai bên đều thêm, nhưng một bên thêm vốn vào (bổ khuyết), một bên lấy vốn cũ gây thêm lời mới (khai triển).
     Xin lấy những bài xướng họa trong bữa lễ mừng thọ “Thất Tuần” của ông bạn La Dung cách đây chừng mười năm. Bài xướng của La Dung :
 
Non Hành sông Cấm hộ trì ta
Ngất nghểu trời Nam trẻ đến già
Bảy chục xuân rồi không lận bận
Bao nhiêu thu nữa chẳng bôn ba
Trăng lồng chén cúc hương say mộng
Mây trải đình lan bút trổ hoa
Lọ phải lên non tìm thuốc lạ
Linh chi sẵn cỏ mọc quanh nhà .
 
     La Dung là một nhà giáo hưu trí, sính thơ, háo khách, cùng gia đình sống trong cảnh phú túc phong lưu. Bài thơ, văn chương tao nhã. Song đọc lên độc giả chỉ thấy là ông bảy mươi sung sướng từ nhỏ đến lớn, chớ không biết rõ thân phận hung hoài tác giả như sao. Thơ họa có trên 50 bài, song phần nhiều hoặc “cùng tác giả nắm tay nhau mà đi” (song hành), hoặc “đem mình ra đặt song song cùng tác giả để đọ thấp cao” (song lập). Cho nên thơ họa tuy nhiều mà không làm cho nguyên xướng sanh thêm hương sắc. Riêng lấy làm thích được hai bài, một của Hiểu Lam, một của Định Phong :
 
Rượu bảy tuần nâng chúc bạn ta
Bao nhiêu tuần nữa cũng chưa già
Song Nam dẫu gác roi Trình Tử
Trận bút còn hăng tiết Phục Ba
Chẳng bến Đồng Giang phò chín đảnh
Cũng vườn Kim Cốc nhóm trăm hoa
Hỡi ai xa xứ tìm danh lợi
Chớ thấy phong quang đến lộn nhà
 
Hiểu Lam
 
Tiệc thọ Trung tuần mừng bạn ta
Vườn hưu cây kiểng thắm duyên già
Trăng treo viện bút hài tiên nữ
Hương rớt đàn xuân gió hạnh ba
Lầu phụng thanh thanh tiêu trổi ngọc
Tờ mây dợn dợn ráng in hoa
Diệu Trì nhón bước lên cao hái
Quả phước đem chia khắp mọi nhà
 
Định Phong
 
     Bài của Hiểu Lam vừa khai triển vừa bổ túc . Bài của Định Phong vừa bổ túc vừa khai triển nghĩa là Hiểu Lam lấy việc khai triển làm chính . Định Phong lấy việc bổ túc làm chính .
 
     Tác giả La Dung bảo từ trước tới giờ và từ nay về sau, mình không bị danh lợi làm bận rộn, nên trong đời mới hưởng được thú phong lưu . Hiểu Lam nói rộng ra : Nói là không bận rộn là không bận rộn về danh lợi, chớ trước kia bạn đã lo trọn đạo làn thầy được học trò quý mến chẳng khác thầy Trình ngày xưa . Bây giờ về vườn bạn lại hăng say trong nghề ngâm vịnh, hăng say chẳng kém Mã Viện đối việc chiến chinh . Đó là không bận rộn trong chốn bận rộn một cách sinh động . Thú vui của bạn, thú vui nên thơ nên mộng kia, tuy không có ảnh hưởng đến nhân tâm thế đạo bằng thú đi câu của Nghiêm Tử Lăng đời Hán tại Đồng Giang, song vẫn cho những hạng người say đắm vào nẻo lợi đường danh cam thấy rằng không phải chỉ có kim ngân và địa vị là quí . Bạn lại không ích kỷ hưởng thú một mình . Hoa viên của bạn là Tiểu Kim Cốc của Thạch Sùng còn để lại . Bạn thường nhóm thân hữu thân bằng lại để cùng bạn chung vui … Vì vậy cho nên những người buôn danh bán lợi chớ thấy cảnh giàu sang của bạn mà tưởng lầm là “một hội một thuyền với mình”.
     Bài của La Dung chỉ nói riêng về cá nhân tác giả, đọc lên chúng ta cảm thấy tác giả chỉ nghĩ đến mình, chỉ chăm hưởng thú một mình, không chút chú ý đến người chung quanh, cả đến những người thân cận nhất là vợ con … Sợ người ta hiểu lầm bạn mình, Hiểu Lam mở rộng những ý “đã diễn tả chưa trọn” của bạn ra để thuyết minh với những bằng chứng cụ thể là việc làm quá khứ cùng hiện tại của bạn, hầu mong duyệt giả đừng hiểu lầm rằng bạn mình là một con người ích kỷ .
 
     Hiểu Lam vừa khai triển vừa bổ túc là vậy đó .
 
     Còn Định Phong thấy La Dung chỉ nói đến cái thú mình hưởng chớ không nói đến cái cảnh mình đã sống và đường sống, nên mới đem cảnh trước mắt và chảnh đã qua, bổ sung vào chỗ khiếm khuyết; Cảnh đẹp của đình hưu , danh thơm còn sót lại của bậc thầy học gương mẫu, cảnh hạnh phúc trong gia đình, tài văn chương của bạn. Và nhân bạn tự đắc về “cỏ tiên sẵn có” Đình Phong lại khuyên nên bước thêm một bước nữa … đừng nghĩ riêng một mình mình mà nên nghĩ đến “mọi nhà trong xã hội”, như thế mới là hoàn hảo .
 
     Đó là bổ túc và khai triển .
 
     Những bài thơ thượng dẫn là những bài đã được nhiều người tán thưởng. Nhưng có phải là những bài theo đúng qui tắc thơ canh họa hay chăng ?
    
     Muốn biết đúng hay sai, xin nói thêm về qui luật .
    
   Họa vận phải theo 3 qui luật, ngoài những phép tắc đã nói trên , là :
 
1- Bài họa phải cùng một thể luật như bài xướng, nghĩa là hễ bài xướng thất ngôn luật bằng thì bài họa cũng vậy .
2 – Những vần của bài họa phải cùng một nghĩa với những vần bài xướng . Ví dụ vần bài xướng là đường là con đường thì bài họa cũng vẫn phải dùng vần đường với nghĩa con đường chớ không được dùng đường là đường mía, hay đường là nhà … Vần bài xướng là vần châu là hạt châu thì không được dùng trong bài họa chữ châu là châu quận hay châu là thuyền
3 – Những chữ đứng trước vận ngữ bài họa, tức chữ thứ 6 trong câu bỏ vần, đều không được trùng với chữ đứng trước vận ngữ, tức chữ thứ 6 trong câu bỏ vần, bài xướng …
 
     Ba qui luật này được triệt để tuân thủ trong thơ chữ Hán. Nhưng trong thơ Quốc Âm, nhất là từ khi chữ Hán cáo chung, thì không còn được áp dụng một cách chặt chẽ nữa. Qui luật thứ 3 về chữ đứng trước vận cước, còn được phần đông thi nhân tuân theo. Hai qui luật trên, về thể luật và nghĩa của vần, không còn được mấy ai để ý. Chúng ta chỉ xem những bài thượng dẫn thì đủ thấy . Không mấy bài giữ đúng qui luật , bài thì phạm qui luật này bài thì phạm qui luật kia, có bài phạm đến hai qui luật, như bài Định Phong họa vận bài Thất Thập Tự Thọ của La Dung: bài xướng theo luật bằng (Non Hành: bằng bằng), bài họa theo luật trắc (Tiệc rượu: trắc trắc). Bài xướng hạ vần ba (trong bôn ba) chữ Việt, bài họa dùng vần ba (hạnh ba) là chữ Hán. (*) Bài của Hiểu Lam cũng bị lỗi ở vần ba. Bài Vũ Hoàng Chương và Đông Hồ họa lại Thơ Xuân của Diễm Diễm thư trang, vừa lỗi ở vần (xướng: yêu đương – họa: tương đương: xướng: hưng vương – họa: thi vương) Vừa lỗi ở chữ đứng trước vần (xướng : nõn nường – họa : nõn nường). Bài phan văn Trị họa bài TÔN PHU NHÂN QUI THỤC của Tôn Thọ Tường, bị phạm lỗi về thể luật (bài xướng : luật trắc – cật ngựa : trắc trắc; bài họa : luật bằng – cài trâm : bằng bằng), v.v…
         Phạm luật nhưng sự vi phạm ấy không làm giảm giá trị bài thơ . Cho nên thi nhân không bận tâm là phải. Phạm luật mà hay còn hơn đúng luật mà dở . Nhưng vừa không phạm luật vừa hay thì mới thật là diệu thủ !
 
      Thơ xướng họa là một lối thơ thù tạc, một lối thơ tiêu khiển.
      Để mua vui với nhau, làng thơ còn bày ra nhiều lối thơ khác nữa . Thông dụng ngang ngang với thơ Canh Họa là thơ Phân Đề .
 
     PHÂN ĐỀ cũng gọi là thám đề, là chia ra để làm với nhau : người ta viết ra nhiều đề mục vào những mảnh giấy nhỏ gấp lại, mỗi người rút mỗi mảnh, ai trúng đề mục về sự gì, vật gì thì theo đó mà giải thích.
     Vận thì hoặc để cho tự do lựa chọn, hoặc hạn một vần nào đó, hoặc dùng cách Phân Vận .
 
     PHÂN VẬN:
 
         Cách phân vận cũng như cách Phân Đề. Người ta đưa ra một số chữ, mọi người rút lấy một chữ, ai rút trúng chữ nào thì dùng chữ ấy làm vần. Không phải chỉ riêng thơ Phân đề mới dùng cách phân vận. Cách này dùng chung cho mọi loại thơ tiêu khiển. Thơ khi ấy gọi là “phân vận đặc mổ tự” (mỗ là một chữ nào đó. Ví dụ rút được trong chữ hương thì nói “đắc Hương tự” chẳng hạn). 
 
     Nói tóm lại những loại thơ phân đề, họa vận cũng như thí thiếp, nghĩ tác, là những loại thơ mà đề mục bị hạn chế. Còn thơ làm ra do hứng, theo thích, thì đề tài được tự do lựa chọn, đề mục được tự do mệnh danh; tự do chọn đề, tự do đặt tên đề, song thân bài vẫn phải sát đề cũng không được lậu đề, phạm đề .
 
     Nói về thơ mà đề bị hạn định, bấy nhiêu tưởng cũng đã tạm đủ. Hễ loại thơ này thông thạo, thì loại kia không còn khó khăn .
 
(*)Vần Ba(hạnh ba) ở đây, nếu nghiêm khắc thì bị đánh hỏng, vì ba tức là hoa mà vần họa lại dùng ở luận, bị lỗi điệp vận. nhưng vì theo vần quốc ngữ, ba là hoa khác âm khác mặt chữ, thêm văn chương bài thơ khả ái nên được duyệt giả thông qua .
 
QUÁCH TẤN