Âm Nhạc

Thái Lộc : Diễm Xưa

"DIỄM",  TRONG CA KHÚC ” diễm xưa ! "

                          
Chủ Nhật, 14/03/2010, 07:18 (GMT+7)Diễm và cuộc gặp sau 50 nămở HuếTT – Sau gần 50 năm, Diễm trong ca khúc Diễm xưa của cố nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn đã bất ngờ xuất hiện trong chương trình giao lưu tại 
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Huế vào tối 12-3.

1.  Diễm Xưa
DiemXua-1.jpg picture by nguyenduoc

2. Diễm ngày nay
Diemngaynay.jpg picture by nguyenduoc

 

Buổi giao lưu đầy bất ngờ vì là quyết định trong thoáng chốc của GS.TS Thái Kim Lan – nhan dip bà Ngô Vũ Bích Diễm ghé Huế theo đoàn Phật giáo làm từ thiện đến từ Los Angeles, California, Mỹ.
Có đến hơn 100 thân hữu của nhạc sĩ quá cố và công chúng Huế tập trung, và nói như nhà văn Bửu Ý, "nhiều người tới đây để nhìn mặt Bích Diễm xem có thật hay chỉ là huyền thoại…".
Ðêm giao lưu diễn ra trong không khí đầm ấm, thân mật, với những giọng ca đồng thời là những người mê nhạc Trịnh qua những cung trầm, cung bổng mượt mà, đầy chất thơ, chất triết lý với Ca dao mẹ, Ở trọ, Tiến thoái lưỡng nan, Ðể gió cuốn đi, và tất nhiên, với Diễm xưa như là chủ đề chính xuyên suốt.
 
Về "huyền thoại Diễm" trong bài hát Diễm xưa, "người xưa" tâm sự: "Trong bài này anh Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của Huế nhiều hơn là về… tôi. Tôi nghĩ vậy. Ðó là bóng dáng của Thành nội cổ kính, của dòng sông Hương xanh mát và huyền hoặc, là không khí lãng đãng của thơ, của nhạc".
"Nhiều người tò mò vì sao Diễm im lặng trong suốt mấy mươi năm?". "Vì tính tôi như vậy, không muốn ra trước công chúng. Tôi cũng không biết nói gì và không biết có ai cần gì ở mình hay không. Và cũng bởi vì bóng dáng to lớn của anh Trịnh Công Sơn đã đủ rồi!", "Diễm xưa" nói.

Diễm của những ngày xưa

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học văn khoa ở Huế.

 

 

Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế người còn gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt.

Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường.

Từ balcon nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. Thời buổi ấy những người con gái Huế chưa hề dùng đến phương tiện có máy nổ và có tốc độ chóng mặt như bây giờ. Trừ những người ở quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc. Nhan sắc cho nhiều người hoặc chỉ cho một người thì có quan trọng gì đâu. Những bước chân ấy từ mọi phía đổ về những ngôi trường với những cái tên quen thuộc, đôi khi lại quá cũ kỹ.

Đi để được những con mắt chung quanh nhìn ngắm nhưng đồng thời cũng tự mình có thì giờ nhìn ngắm trời đất, sông nước và hoa lá thiên nhiên. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một giòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn và một phần nào cũng cứu rỗi cho con người ta khỏi vành đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Từ đó con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất như không có thực.

Nhưng thật sự thực và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia. Và với những ảo ảnh đó đã có một thời, khá dài lâu, những con người lớn lên trong thành phố nhỏ nhắn đó đã dệt gấm theo hoa những giấc mơ, giấc mộng của mình. Đó cũng là thời gian mà mỗi sớm tinh mơ, mỗi chiều, mỗi tối, tiếng chuông Linh Mụ vang xa trong không gian, chuyền đi trên dòng sông để đến với từng căn nhà khép hờ hay đang đóng kín cửa.

Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian. Một thứ thời gian không bóng hình, không màu sắc. Chỉ có cái chết của những người già, vào mùa đông giá rét, mới làm sực tỉnh và bổng chốc nhận ra tiếng nói thì thầm của lăng miếu, bia mộ ở những vùng đồi núi chung quanh.

Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ngày nào ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoan lạc của giấc mơ.

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi.

Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là Diễm của những ngày xưa.

TRỊNH CÔNG SƠN (Trong Một Người Thơ Ca, Một Cõi Đi Về)

Và điều chờ đợi của tất cả mọi người trong đêm, đó là câu chuyện của Diễm: “Tôi là gái Bắc, theo cha vào Huế năm 1952, bố tôi là giáo sư Ngô Đốc Khánh, dạy tiếng Pháp ở Trường Quốc học. Tôi theo học lần lượt ở Trường Đồng Khánh, Quốc học, đến năm 1963 tôi vào học đại học ở Sài Gòn, sau đó sang định cư ở Mỹ. Nhà tôi ở số 46 đường Phan Chu Trinh (cũ), gần cầu Phủ Cam, là nơi gần anh Sơn ở (khu cư xá trên đường Nguyễn Trường Tộ – TP Huế). Lần đầu tôi gặp anh Sơn ngay tại nhà tôi. Anh đi theo anh Đinh Cường đến thăm Nguyễn Việt Hằng, một người bạn thân của tôi lúc đó đang ở lại nhà tôi để học hè. Sau đó thấy anh Sơn một mình quay trở lại. Anh viết nhạc và có tặng tôi mấy bài. Hồi đó còn trẻ lắm nên cũng biết lơ mơ vậy thôi… Sau này tôi mới biết thông qua hai người em của anh Sơn về câu chuyện nhánh dạ lan hương mà tôi tặng anh đã gây một chấn động mạnh nơi anh. Đó là một kỷ niệm thật đẹp, thật liêu trai…!”.

Diễm xưa là một bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết năm 1960, được phát hành trong băng nhạc Sơn Ca 7, lấy từ ý "Diễm của những ngày xưa". Diễm xưa cũng được dịch ra tiếng Nhật dưới nhan đề Utsukushii mukashi, được xếp hạng 11 trong 20 ca khúc hay nhất trên kênh cáp của Nhật Bản năm 2004.
Năm 2004, Diễm xưa là nhạc phẩm Á Châu đầu tiên được Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương trình giáo dục của mình trong môn Văn hoá và Âm nhạc.           (Wikipedia)