Văn Thơ

Song Nhị : Thiệp Mời ra mắt sách Nửa thế kỷ VN

ThiepMoi1.jpg picture by hinhkhong

 
 
ThiepMoi2.jpg picture by hinhkhong
 
ThiepMoi3-.jpg picture by hinhkhong
 
ThiepMoi4-.jpg picture by hinhkhong
 
 
NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM: CUỐN SÁCH CỦA ANH EM H.O. VÀ TÙ CẢI TẠO
* Thư Sinh
Tôi quen biết với ông Song Nhị, qua thơ.
Số là, vào năm 1995, một anh bạn tặng tôi cuốn tuyển tập thơ Gởi Người Dưới Trăng, trong đó có hai bài thơ tù đầy ấn tượng của ông. Nhất là bài Tôi Đi Giữa Đoàn Tù Vác Đá, viết tại trại tù Lam Sơn Thanh Hóa.
Nội dung bài thơ tả cảnh đoàn tù đi vác đá về xây xà lim để nhốt chính mình. Tôi cũng từng trải qua cảnh ấy, hồi  bị nhốt ở trại tù Phước Long. Thay vì đi vác đá, chúng tôi đi chặt cây rừng về dựng trại tù. Do đó, bài thơ đã tạo được sự đồng cảm giữa tôi và ông Song Nhi. Tôi giữ lại trong ký ức hai câu thơ:
Tôi đi dưới bóng thời nô lệ,
Ngọn núi đè lên cả kiếp người.
và nảy ra ý định muốn gặp tác giả hai câu thơ ấy. Không ngờ, cơ duyên hội ngộ đã đến rất nhanh, khi tôi được ông anh họ rủ lại nhà tham dự một buổi họp mặt với các đồng môn Đại Học Vạn Hạnh. Qua điện thoại, ông anh tôi bảo: Sẽ giới thiệu cho tôi một tay sính văn chương, và từng trải một cuộc vượt tuyến vào miền Nam, khác hẳn với đám Bắc kỳ di cư 54 chúng mình. Khi tôi đến, thì té ra người tôi được giới thiệu, lại chính là Song Nhị!
Từ mối quen biết này, ông có rủ rê tôi vào ban biên tập nguyệt san Cội Nguồn. Tôi từ chối. Vì nghĩ cái thứ văn chương mì ăn liền của mình không thể nào so sánh với… văn chương thứ thiệt của ông. Tuy vậy, tôi vẫn theo dõi sinh hoạt nhóm Cội Nguồn qua trang văn học nghệ thuật mỗi tuần trên nhật báo Việt Nam Thời Báo và tạp chí Nguồn. Và tôi thấy, nhóm Cội Nguồn vẫn kiên trì theo đuổi tôn chỉ mà nhóm đã đề ra, kể từ khi thành lập.
Riêng Song Nhị, hình như trong suốt những năm tháng dính dáng tới văn chương chữ nghĩa, ông thiên về Thơ nhiều hơn Văn. Ngay cả cuốn bút luận, viết chung với ông Diên Nghị, mang tên Lưu Dân Thi Thoại – thì chung cục, cũng dính dáng đến Thơ.
Và mãi cho đến hôm nay, chúng ta mới đón nhận tập bút ký tự truyện Nửa Thế Kỷ Việt Nam.
Cuốn sách này được phát hành đúng lúc tờ nhật báo Người Việt dưới Nam Cali mở ra mục HO, kỷ niệm 20 Năm Hội Nhập. Sơ khởi, đã có khoảng 15 bài viết liên quan đến chủ đề này. Mà tác giả, hầu hết là những anh em H.O., và vợ con họ. Trong số những bài viết ấy, tôi để ý đến bài viết của cô Niệm Huyên, con gái  một anh HO. Cô đã viết như thế này:
Tôi nghĩ lịch sử đã vô hình chung đặt lên vai mỗi người HO, và những người có trải nghiệm sống về họ, sứ mệnh phải biên tập lại những trải nghiệm ấy, không phải để cho chính dân tộc mình, mà còn cả cho thế giới làm sử liệu về sau.
Tôi nghĩ, cuốn sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam đã đáp ứng được nỗi mong muốn đó.
Trước hết, xin nói đến cái tựa cuốn sách. Nửa Thế Kỷ Việt Nam chắc chắn phải là một nửa thế kỷ chót của thiên niên kỷ trước, bắt đầu từ năm 1950. Có thể, ông Song Nhị trải nghiệm đời mình lâu hơn thế nữa. Vì nơi trang 8 trong phần lời tựa, ông đã viết:
Mười lăm năm tuổi thơ tôi trên mảnh đất xóm làng chôn nhau cắt rốn. Mười chín năm ly tổ xa quê, sau khi thoát khỏi vòng tai họa, sống trên phần đất tự do. Bốn năm ở Lào, mười lăm năm giữa Saigon hoa lệ của miền Nam cho tôi một phần đời thành đạt, mộng đầy hăm hở mai sau.
Và đấy chỉ là một khúc nhạc dạo đầu cho một cuộc đời gian truân sau này. Nên cái con số 50 năm, quá dài cho một đời người. Nhất là những năm tháng đi tù cải tạo. Các cụ ta đã bảo, nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Song Nhị đã đếm từng ngày trong tù. Tổng cộng ba ngàn ngày! Mọi sự kiện được ghi chép lại một cách thật trung thực qua hai thể văn bút ký và tự truyện. Đó là hình ảnh chung của những người tù cải tạo. Nên khi đọc xong cuốn sách này, nhà báo Thanh Thương Hoàng, đã rất xúc động, và đưa ra những nhận xét như sau:
 "Đọc hết cuốn bút ký tự truyện Nửa Thế Kỷ Việt Nam của Song Nhị dày trên 460 trang, khi xếp lại, thú thật, tôi đã buồn càng buồn thêm, đã đau càng đau thêm. Tôi thấy bạn bè tôi (và cả thế hệ tôi) hiển hiện trong cuốn sách. Chẳng biết chúng tôi có sinh nhầm thế kỷ không, nhưng điều chắc chắn chúng tôi bị đánh mất tuổi trẻ, đã bị cuốn hút vào trận bão thời đại, và nhận lãnh những thua thiệt, bất hạnh về phía mình. Và có thể nói, cả thế hệ chúng tôi mộng vỡ tan tành. Nỗi đau này không phải chỉ riêng Song Nhị, mà là tất cả chúng ta – những người sống sót trong cuộc chiến, và sau đó trong tù đày ".
Riêng Song Nhị, ông còn lãnh thêm một đoạn đường đời cũng gian nan cực khổ không kém những năm tháng trong tù. Đó là thời kỳ xảy ra chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất (vào giữa thập niên 50) tại miền Bắc. Mà chính ông và gia đình là nạn nhân. Tất cả đều được ghi lại qua những chương I, II, II và IV. Qua mấy chương này, có những đoạn văn đã làm cho người đọc xúc động đến rơi nước mắt. Như trang 53, chẳng hạn:
Chiều ba mươi Tết, mẹ tôi ngồi khuất sau một tấm phên rách nát, vừa lượm về che lên cho đỡ lạnh, đôi mắt quần
g thâm, mặt vẫn chưa hết những vết gai bưởi, vết bầm sau hai tháng bị bắt giam và bẩy đêm bị hành hạ giữa đám đấu trường cuộc đấu tố… . Nước mắt bà ràn rụa, bà đưa hai tay kéo từng anh chị em chúng tôi chụm đầu vào lòng như con gà mẹ xòe cánh ủ  những con gà con. (trang 53)
Ta hãy tưởng tượng ra hình ảnh một người phụ nữ chân yếu tay mềm, bị trói thúc ké treo lơ lửng trên cành cây, bị kim gút và gai bưởi đâm nát mặt đến bất tỉnh (trang 36, 37), nhưng vẫn cố sống để bảo vệ đàn con bảy đứa, thì mới thấy sức chịu đựng của người Mẹ tác giả thật đáng phục.
Thế mới biết, muôn đời, dù ở vào hoàn cảnh nào, người Mẹ Việt Nam vẫn là hình ảnh thân cò lặn lội, chỉ biết hi sinh bản thân mình cho chồng con. Sự hi sinh bao la ấy đã được tác giả ghi nhận qua một mục đặc biệt mang tên: Mẹ Tôi.
Có điều, trong cảnh cả gia đình bị gạt ra ngoài lề xã hội trong cảnh cùng quẫn, đời sống tận cùng thê thảm đến thế – khi hồi tưởng lại, tác giả vẫn để cho ngòi bút mình tuôn chảy một cách nhẹ nhàng thanh thản. Từ đó, người đọc có thể cảm nhận được, một nét nào đó hết sức khiêm tốn và nhân bản trong cái tôi của ông bàng bạc trong hầu hết 16 chương sách.
Vì khi tự kể lại đời mình, ông đã cho rằng, sự mất mát của một đời người, nào có thấm tháp gì so với sự mất mát của cả một dân tộc (trang 21).
Sau cuộc đấu tố kinh hoàng, trừ người anh cả còn kẹt lại, cả gia đình may mắn trốn thoát được sang Lào, trong một cuộc vượt tuyến đầy gian nan vất vả kéo dài cả tháng trời. Để rồi 4 năm sau (1960), ông mới trở về miền Nam Tự Do làm lại cuộc đời, đem hết nhiệt huyết tuổi trẻ phục vụ đất nước. Nên ở chương 5 này, ông đặt tên là Ngày Bắt Đầu Cuộc Đời.
Nhưng giai đoạn hào hứng này chỉ kéo dài vỏn vẹn 15 năm. Từ chương 6 trở đi, miền Nam đã bị chìm đắm trong Cơn Lũ Nghịch Thường. Cửa địa ngục đã mở, lùa tất cả các sĩ quan viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vào trong những trại học tập cải tạo. Trải qua 3 ngàn ngày trong các trại tù khổ sai từ Nam ra Bắc, ông đã chứng kiến và tham dự vào nhiều cảnh huống đặc biệt khác thường xảy ra trong những trại tù này. Tất cả, đều được ghi lại một cách trung thực và tỉ mỉ, từ chương 6 đến chương 11. Trong đó, phải kể đến cuộc nổi dậy kéo dài 3 ngày tại trại tù Lam Sơn (Thanh Hóa), vào năm 1979. Và tác giả đã phải trả giá bằng 6 tháng kiên giam.
Nói chung, theo tác giả, tinh thần anh em tù cải tạo rất cao. Ngoại trừ một thiểu số đem thân làm tôi tớ cho đám cai tù để đổi lấy một chút vật chất trội thừa, hoặc cái ảo tưởng được thoát chốn lao tù trước những người cùng cảnh ngộ. (trang 151).
Chính những tay ăng ten này đã làm điêu đứng những bạn đồng tù, mà trong nhiều trường hợp còn hắc ám hơn cả cai tù quản giáo. Chỉ cần một lời báo cáo từ mấy tên ăng ten hay những đội trưởng thi đua, là người tù sẽ phải khốn đốn với những hình phạt: giảm khẩu phần ăn, nhốt kiên giam. Thậm chí có nhiều trường hợp, người tù bị chết thảm bởi  đòn thù.
Trong đám ấy, phải kể đến Bùi Đình Thi. Dù không sống chung một trại, nhưng tác giả Song Nhị cũng đã dành nguyên cả một chương 8 để nói về tay ăng ten khét tiếng, đã từng được linh mục Nguyễn Hữu Lễ kể lại trong cuốn hồi ký Tôi Phải Sống.
Bản án dành cho anh ta, như một chiêm nghiệm về Nhân Duyên Nghiệp Quả, đã đành. Nhưng còn vợ con anh ta ? . Qua cách diễn tả ở trong chương sách này, chúng ta tìm được nơi tấm lòng đôn hậu của ông, một sự cảm thông sâu xa với người vợ Bùi Đình Thi. Và theo tác giả tâm sự ở trang 118, chính vụ án Bùi Đình Thi, với những hệ quả của nó – đã làm cho ông hoàn tất sớm hơn dự liệu, cuốn bút ký tự truyện Nửa Thế Kỷ Việt Nam. Ông viết:
Vừa qua, nhân vụ Bùi Đình Thi làm xúc tác, tôi mới có hứng khởi tiếp tục hoàn thành bản thảo. Tôi viết như một trao gởi đến những ai – hôm nay và mai sau – muốn biết về một thời chiến tranh chia cắt, hận thù, tù đầy, tan tác chia ly… mà cả thế hệ chúng ta là người trong cuộc.
Như vậy, cái thông điệp mà ông gởi gấm qua cuốn sách này, đã rõ. Mà nếu đã rõ như thế, thì cái tôi đáng ghét qua dạng tự truyện, và những sự thật rất dễ làm người khác mất lòng qua dạng bút ký – đã không còn là những vấn đề làm cho tác giả băn khoăn lưỡng lự, như ông đã thố lộ ở ngay những giòng chữ đầu tiên, nơi phần " Thay lời tựa " cuốn sách này.
Có khối những cuốn hồi ký tự truyện được viết bởi các ông lớn, chưa chắc đã thành thật và trung thực bằng cuốn sách của Song Nhị, một cựu sĩ quan cấp nhỏ. Vì họ viết để dạy đời, để chạy tội. Trong khi, Song Nhị viết cuốn bút ký tự truyện này, bằng cái tâm trong sáng của mình. Nên nếu tôi thêm vào tờ bìa cuốn sách hai chữ Tâm Bút, chắc chắn cũng không phiền đến cái tôi đầy khiêm tốn của ông.
Vả lại, Nửa Thế Kỷ Việt Nam nghe có vẻ khói lửa và tang thương như thế đấy, nhưng đâu phải là không có lối thoát!
Ngay từ c
hương thứ 12, chúng ta đã thấy Châu Về Hiệp Phố, với mấy câu thơ lục bát mang ý nghĩa có vẻ như …Hy vọng Trong Màn Đêm Ánh Sáng Cuối Đường Hầm:
Xin từ biệt một cảnh đời
Tường xây cửa sắt tình đời lạnh căm
Xin từ biệt những tháng năm
Mồ hôi máu lệ nhục nhằn đắng cay.
(trang 295)
Trên đường trở về miền Nam, người tù cải tạo như đi trong tình tự dân tộc! Hành trình của người cựu tù cải tạo mang danh số HO, sau đó, tuy gian nan vất vả, nhưng sau cùng, cũng tới một kết thúc tốt đẹp, qua một chương trình nhân đạo mang tên… HO !
Riêng Song Nhị, chưa hẳn ông đã gấp lại cuốn sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam.
Vì ông vẫn đi tìm… lý lịch của Con Chữ HO!
Để thấy rằng, chương trình HO mà những người đồng cảnh ngộ như ông được hưởng – là do nỗ lực của rất nhiều người. Từ Tổng Thống Ronald Reagan, Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert Frenseth, cho tới những đồng hương bỏ nước ra đi trước tháng 4-1975, hoặc những người tù cải tạo vượt biên, trước khi có chương trình HO… . Tất cả, đều khởi đi từ tấm lòng nhân ái. Một thứ tình người vốn rất hiếm trong nửa thế kỷ Việt Nam đầy hận thù, đau thương tang tóc.
Các cụ ta đã bảo, cùng tắc biến biến tắc thông, hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Những người anh em HO và tù cải tạo xứng đáng được hưởng phần đời còn lại trong hạnh phúc và vinh quang. Bởi nơi trang 430, tác giả Song Nhị đã ghi lại câu nói của cựu Tướng hồi hưu John Vessey như thế này:
Riêng đối với tôi, danh từ H.O. là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần phục vụ, và lòng hi sinh của người H.O. Tất cả những ai thuộc diện H.O. đều là những anh hùng thật sự trong thời đại chúng ta.
Đúng vậy, những anh em HO và các cựu tù cải tạo, đã có một chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử Việt Nam cận đại.
Và cuốn sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam, thật xứng đáng là một cuốn sách dành cho họ.
* Thư Sinh

————————————————-

“NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM ”

 

Giao chỉ – San Jose

 

Bút ký 450 trang của tác giả Song Nhị ra mắt tại San Jose vào tháng 4 – 2010. Cội Nguồn xuất bản. Tác phẩm này có thể coi là cuốn hồi ký của tác giả với nhiều tin tức thời sự biến chuyển quanh cuộc đời trải dài nửa thế kỷ.

 

Nửa thế kỷ của một cuộc đời hết sức đau thương. Tôi có dịp đọc khá nhiều hồi ký của các nhân vật. Có nhiều cuộc đời rực rỡ màu hồng từ thơ ấu cho đến lúc vào đời. Ðường công danh thênh thang mở hội, nhân vật chính có cơ hội làm toàn những chuyện ngon lành. Cũng có những hồi ký tù đầy nhưng chỉ giới hạn trong giai đoạn đau thương của quân dân chính miền Nam sau 1975. Nhưng nửa thế kỷ của Song Nhị là cuộc đời đau thương từ lúc thơ ấu cho đến khi trưởng thành và còn chia xẻ trọn vẹn hậu quả của phe bại trận miền Nam .

 

Thảm kịch đau thương bắt đầu ngay từ khi tác giả còn thơ ấu, trải qua thời kỳ đấu tố hết sức dã man của cộng sản miền Bắc mà chính gia đình tác giả là đối tượng. Cho đến khi chạy thoát di cư vào Nam , tác giả tiếp tục sống bên cạnh những biến cố chính trị trong giới trẻ Saigon, những xung đột quốc cộng, những trăn trở của cả tầng lớp trí thức và tương lai miền Nam trong cuộc chiến kéo dài từ 54 đến 75. Sau cùng mới đến giai đoạn cuối, Song Nhị đã theo chân hàng trăm ngàn quân cán chính Saigon đi tù cộng sản từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam .

 

Bút ký của tác giả ghi dấu hai giai đoạn đau thương nhất từ thời kỳ Ðấu tố đến “Cải tạo” nhưng không chỉ đơn thuần là văn thuật sự mà còn tràn ngập tin tức tài liệu.

 

Cá nhân chúng tôi chỉ mới biết tác giả trong thời gian cùng định cư tại San Jose sau này. Nhưng ngay trong lúc định cư tại Hoa Kỳ, tác giả Song Nhị vẫn tiếp tục sống dưới ngôi sao bản mệnh rất xấu. Với kỷ niệm từ một gia đình bị đấu tố đến ngục tù cộng sản, tác giả thông cảm với những nhà văn phản kháng đã sáng tác tại quê nhà. Ông là một trong những người hiếm có nhận lời xuất bản các tác phẩm của các tác giả tại Việt Nam . Từ Hang Ðá cho đến Biển Ðỏ, mỗi lần phát hành là một lần gặp bao nhiêu hệ lụy. Quả thực ông Song Nhị không phải chỉ đơn thuần sinh ra dưới 1 ngôi sao xấu. Ngôi sao của ông là 1 ngôi sao tệ hại nhất. Suy tư được như vậy sẽ đỡ phần nào khi phải oán trách con người và nghịch cảnh. Trăm đường cứ đổ cho tại số.

 

Kỳ này tự phát hành sách của chính tác giả, có nhiều hy vọng tránh được lắm chuyện phiền phức. Tác phẩm của ông là cuốn sách rất hay. Tôi đọc và bị lôi cuốn vào dòng lịch sử của Việt Nam từ 1950 đến 2000. Xin thân chúc: “Nửa thế kỷ đau thương…” của Song Nhị gặp nhiều may mắn.

 

Vạn nhất nếu vẫn còn vất vả thì: “Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

 

Giao Chỉ – San Jose