Văn Thơ

Đọc lại đời Nhất Linh

Đọc lại đời Nhất Linh

 01/07/2020

Ngoài nội dung hồi ký đầy chất tư liệu, Nguyễn Tường Thiết còn khéo léo để bút pháp văn chương chuyển tải từ câu chuyện của một gia đình vượt thoát thành dữ liệu của hoàn cảnh đất nước.

Thiên hồi ký Nhất Linh, cha tôi vừa được ấn hành trong nước là dịp để công chúng được biết thêm một phần về cuộc đời của nhà văn lĩnh xướng Tự Lực Văn Đoàn và cũng là nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Tường Tam từ cái nhìn của người con út Nguyễn Tường Thiết.

Chân dung Nhất Linh. Ảnh tư liệu

Cái chết của Nhất Linh vào ngày 7.7.1963 từng làm chấn động dư luận bấy giờ, gây ấn tượng mạnh cho nhiều người Sài Gòn cố cựu đến mức có nhận định cho rằng mãi đến năm 2001 với đám tang của Trịnh Công Sơn, Sài Gòn mới lại có một đám tang đông như đám tang Nhất Linh.

Trong cơn biến động của thời cuộc bấy giờ, với vị thế một nhà hoạt động cách mạng, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tỏ rõ bản lĩnh của mình khi quyết định tự sát ngay trước ngày phải ra tòa để chịu nhận quy buộc “tội phản quốc”. Ông chủ động chuẩn bị cho cái chết của mình, tìm cách “qua mặt” hai người con trai, uống thuốc độc tự tử ngay tại nhà, để lại lời di bút đanh thép: “Đời tôi để lịch sử xử”.

Từ đó, biết bao giấy mực đã viết về Nguyễn Tường Tam với một bản lĩnh, một khí tiết kỳ đặc, cũng như ở Nhất Linh là những nét tài hoa độc đáo thâm thúy mà văn nghệ nước nhà không dễ gì gặp lại.

Nhất Linh, cha tôi có hai chương đầu được Nguyễn Tường Thiết – người con gần gũi và được Nhất Linh tin yêu hơn cả – tập trung nói về cha mình, từ chuyện ấn tượng đầu đời lúc lên mười mới lần đầu gặp bố, đến những biến động thời cuộc dẫn đến việc Nhất Linh vào Nam, rồi gắn bó cuộc đời với cao nguyên Đà Lạt, niềm đam mê lan rừng và thú vui thổi hắc tiêu tại ngôi nhà bên suối Đa Mê ở Finôm…

Ngoài nội dung hồi ký đầy chất tư liệu, Nguyễn Tường Thiết còn khéo léo để bút pháp văn chương chuyển tải từ câu chuyện của một gia đình vượt thoát thành dữ liệu của hoàn cảnh đất nước.

Và trong nhiều trang viết kể chuyện tìm lại cố hương, dấu vết dòng họ, gia đình, Nguyễn Tường Thiết chọn cách viết trộn lẫn suy tư hồi ức với ghi chép thực tại, vừa tạo độ tin cậy bởi thông qua thực tại đang miêu tả, ông như một người con, một độc giả đang tìm gặp lại những đất những người, nhìn lại ngôi nhà Hàng Bè, căn biệt thự trụ sở Tự Lực Văn Đoàn, khu phố chợ ở Cẩm Giàng… là chất liệu đã trở thành văn của Nhất Linh, vừa là hơi hướng của những người đồng chí một thời dấn thân góp sức cho nền văn nghệ mới của nước nhà.

Cùng tác giả “ngược về quá khứ”, người đọc nhiều phen phải dừng mắt mờ nhòe trước những bước ngoặt cuộc đời đau như thắt ngực. Chẳng hạn hình ảnh người con gái hai mươi tuổi là chị cả phải dắt díu bốn đứa em thơ lạc cả cha mẹ từ Hà Nội tản cư về Phát Diệm với hành trình biết bao trắc trở hiểm nguy. Câu chuyện ấy ám ảnh tác giả, treo trong trí ông hình ảnh một người chị thật phi thường, để rồi gần sáu mươi năm sau, trên chuyến tàu trở về quê nội, người chị bấy giờ chỉ còn là chiếc bình hài cốt bên cạnh hài cốt cha mẹ, cậu em út mới thì thầm nói được với chị mình một lời xin lỗi: I am so sorry!

Nhà văn Nhất Linh (giữa) đi dạo với các cháu. Ảnh tư liệu của bà Trương Kim Anh (Nguồn: Thanh Niên)

Không chỉ thế, Nguyễn Tường Thiết còn một nỗi ám ảnh nữa từ mẹ ông: bà Nhất Linh – bà Cẩm Lợi. Hóa ra, vào lúc năm chị em con ông Nhất Linh chạy loạn về Phát Diệm, thì vợ Nhất Linh cùng người con trai lớn lại lâm nạn ở một nơi khác. Ở đó, hai mẹ con chứng kiến những người thân của mình bị xích tay rồi sau đó bị thủ tiêu… Phải chi, tác giả viết nhiều hơn nữa về người mẹ quá ư độc đáo của mình.

Và phải chi, Nguyễn Tường Thiết viết luôn cả về sự hy sinh của những người phụ nữ trong các gia đình cự tộc như gia đình Nguyễn Tường. Bởi lịch sử cận hiện đại Việt Nam có thể còn được nhìn ở một cái trục đặc biệt: Sự xiêu tán, vỡ nát, mất đi của các gia đình cự tộc, từ những dòng họ danh giá đất Hà thành và nhiều nơi xứ bắc, đến những cố gắng níu giữ trong đoàn di cư vào Nam… Sự mất mát kinh khủng mà thi sĩ Vũ Hoàng Chương khi nhớ lại đã khóc bằng thơ: “Ôi thôi khoảnh khắc dâu thành bể/ Gươm báu rùa thiêng cũng đoạn trường”.

Nhưng ở Nhất Linh, cha tôi, tác giả góp phần trả lời một nan đề gay cấn, đó là: Với lời di ngôn “đời tôi để lịch sử xử”, nhưng rồi lịch sử đã… xử thế nào?”. Câu trả lời ấy, thật quý hóa, có thể tìm thấy ở câu chuyện ly kỳ khi những người con trong dòng họ Nguyễn Tường trở về Cẩm Giàng tìm lại mộ ông nội (Nguyễn Tường Nhu – thân sinh của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam); hay như câu chuyện trong ngày cuối tháng 4.1975 với gia đình Nguyễn Tường Thiết, trường hợp đứa con tên Thao của ông được đưa lên máy bay cùng với mẹ là “con dâu của Nguyễn Tường Tam”, cũng chính là một hồi âm của lịch sử trước tên tuổi nhà hoạt động cách mạng, nhà văn đáng kính đối với nhiều người.

Hơn 50 năm sau, đọc lại cuộc đời Nhất Linh lúc sắp đến ngày giỗ kỵ ông vào tháng 7, sực nghĩ ngay tại Sài Gòn nơi ông gắn bó từ năm 1951 khi đất nước còn chưa chia đôi cho đến lúc lìa đời, nay còn lại những gì làm di tích, kỷ niệm? Và những trang hồi ký của Nguyễn Tường Thiết lại mang đến những thông tin đầy tiếc nuối, chạnh lòng.

Đó là vào năm 2001, chính người con út của Nguyễn Tường Tam được người chị dâu nhà bác trao lại cho một gói tài liệu được xem là bảo vật, bao gồm: “Trọn bộ 11 quyển Văn Hóa Ngày Nay mà chú Tam tặng anh chị. Đây là những bức tranh do chính chú Tam vẽ. Đây là bản thảo viết dang dở. Đây là những tài liệu mà chú đã tín nhiệm giao cho chị giữ…“.

Hay như chi tiết ngôi chùa Giác Minh ở Gò Vấp từng tọa lạc ngôi mộ của Nhất Linh trong một thời gian dài, ngôi mộ do họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ kiểu và kiến trúc, “mộ có cái bia phía trên cong lên bốn phía như một mái chùa”, ông Nguyễn Tường Thiết ghi trong hồi ký. Nhưng có lẽ, tác phẩm ấy của Nguyễn Gia Trí đã không còn.

Cũng may, còn có những trang hồi ký này như một đường dẫn để thế hệ hôm nay tìm lại với nhân vật một thời lừng lẫy: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.

Tọa đàm ra mắt hồi ký Nhất Linh, cha tôi

Nhân dịp lần đầu tiên xuất bản ở Việt Nam, công ty Phanbook tổ chức buổi tọa đàm ra mắt hồi ký Nhất Linh, cha tôi của Nguyễn Tường Thiết với sự góp mặt của diễn giả – nhà nghiên cứu Nhật Chiêu.

Trong buổi ra mắt này, nhà văn Nguyễn Tường Thiết cũng sẽ có lời chào với độc giả Việt Nam. Ông cũng sẽ chia sẻ thêm thông tin về cuốn sách này, về người cha bí ẩn của mình…

Buổi tọa đàm sẽ diễn ra lúc 14h – 16h, ngày 4.7.2020 (Thứ Bảy), tại Cafe Thứ Bảy (Số 38, Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM).

Bài và ảnh: Lam Điền

Theo Internet

Buổi ra mắt sách tại Sài gòn

Theo FB

*****