ThaiNC,  Văn Thơ

Cuộc bút chiến giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị

ThaiNC

Cuộc bút chiến giữa hai nhà Nho: Tôn Thọ Tường (1825- 1877) người ra cộng tác với Pháp, và Phan Văn Trị (1830-1910), một nhà Nho khác nhưng lại tranh đấu chống Pháp, là một giai thoại văn chương lý thú. Cuộc tranh luận bằng thơ văn giữa hai ông tuy gay go nhưng rất có tính cách văn hóa ở trên văn đàn. Ông Phan Văn Trị (PVT) làm thơ cực lực lên án Ô. Tôn Thọ Tường ( TTT) hợp tác với Pháp là sai trái, là phản bội đất nước, và dĩ nhiên ông TTT cũng đối đáp lại bằng thơ văn lỗi lạc của mình để đưa ra lý lẽ biện hộ cho việc hợp tác với thực dân.

Rất nhiều bài thơ của hai người đã để lại cho đời sau, nhưng được biết đến nhiều nhất là hai bài: “Tôn Phu Nhân Quy Thục”, và “Từ Thứ Quy Tào”.

Có bạn hỏi Tôn Phu Nhân là ai?

Thời Tam Quốc Chí có 3 nước đánh nhau giành thiên hạ

Nhà Ngụy : Tào Tháo

Nhà Thục : Lưu Bị

Nhà Ngô: Tôn Quyền

Một lần kia Lưu Bị vua nước Thục qua nước Ngô. Vua Ngô Tôn Quyền và các tướng lập mưu muốn nhân dịp giết chết Lưu Bị, nhưng nhờ Khổng Minh là quân sư biết trước nên bày mưu để Lưu Bị cưới được em gái Tôn Quyền, tức là “Tôn Phu Nhân”, nhờ sự giúp đỡ của vợ và nhạc mẫu là mẹ Tôn Quyền mà an toàn về nước Thục. Tôn Phu Nhân đã theo chồng, phản anh, phản Đông Ngô thả cọp Lưu Bị về rừng.

Ông Tôn Thọ Tường đã ví mình như Tôn Phu Nhân ấy qua bài thơ:

Tôn Phu Nhân Quy Thục

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,

Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông!

Lìa Ngô, bịn rịn chòm mây bạc,

Về Hán, trau tria mảnh má hồng

Son phấn thà cam dày gió bụi,

Đá vàng chi để thẹn núi sông .

Ai về nhắn với Chu Công Cẩn :

Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng

(Tôn Thọ Tường)

Ông TTT đem diển tích Tam Quốc Chí để biện hộ và ví von hành động theo Pháp của mình cũng như Tôn Phu Nhân quy Thục, đã theo chồng thì không thể theo anh. Không thể vẹn cả đôi bề.

Và ông PVT đã đối lại rằng:

“Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng,

Mặt ngã trời chiều biệt cõi Đông.

Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng

Duyên về đất Thục đượm màu hồng.

Hai vai tơ tóc bền trời đất,

Một gánh cang thường nâng núi sông

Anh hởi ! Tôn Quyền anh có biết

Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.

(Phan Văn Trị)

Tất cả ý tứ của bài thơ kết lại ở câu cuối : Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng.

Ông Phan Văn Trị nhắn với ông Tôn Thọ Tường rằngTôn Phu Nhân là phận nữ nhi mới thờ chồng cho trọn đạo tam tòng chớ ông là thân nam nhi, bậc thức giả, phải biết chọn chúa mà theo tức là chọn lẽ phải của quốc gia dân tộc, hà cớ chi như phận má hồng, nhắm mắt hùa theo thực dân?

Bài “Tôn Phu Nhân Quy Thục” được giảng dạy trong chương trình trung học, một phần lớn do tính cách văn chương bóng bẩy của cả hai bài thơ. Nhưng nỗi lòng Tôn Phu Nhân thật ra không hoàn toàn phản ảnh con người và hoàn cảnh của ông Tôn Thọ Tuờng.

Bài thơ TỪ THỨ QUY TÀO sau đây của ông mới thực sự bài thơ bày tỏ hết nỗi lòng.

Từ Thứ là ai?

Xin thưa đó là quân sư giỏi của Lưu Bị thời Tam Quốc nói trên. Tào Tháo sợ tài Từ Thứ nên bày kế cho người giả mạo thư của người mẹ ở quê nhà nhắn ông trở về nhà. Ông vì chữ hiếu phải từ giã Lưu Bị về Tào, hứa sẽ không hiến bất cứ mưu kế nào cho Tào Tháo. Và nhất là trước khi đi đã tiến cử Gia Cát Lượng tức Khổng Minh là người tài giỏi hơn mình thập bội cho Lưu Bị.

Ông Tôn Thọ Tường gởi gắm tâm sự mình về với Pháp cũng như Từ Thứ về với Tào Tháo.

Từ Thứ Quy Tào

Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi,

Muối xát lòng ai, nấy mặn mòi.

Ở Hán hãy còn nhiều cột cả,

Về Tào chi sá một cây còi !

Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén,

Bịn rịn trông vua biếng giở roi.

Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy,

Thân này xin gác ngoại vòng thoi!

(Tôn Thọ Tường)

Và Phan Văn Trị đã đối lại rằng:

“Quá bị trên đầu nhát búa voi,

Kinh luân đâu nữa để khoe mòi.

Xăn văn ruổi Ngụy mây ùn đám,

Dáo dác xa Lưu, gió thổi còi.

Đất Hứa nhớ thân sa giọt tủi,

Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi!

Về Tào miệng ngậm như bình kín,

Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi ?”

(Phan Văn Trị)

Lịch sử cận đại đã chứng minh rằng ông Tôn Thọ Tường không phải là người hoàn toàn đánh mất hết lương tri. Ông ra làm việc với Pháp là con đường giúp nước theo cách riêng của ông. Trong thời gian làm quan cho Pháp, ông không có hành động nào làm hại đến dân tộc và đồng bào. Ông làm quan với quyền hành trong tay có thể bắt bớ Phan Văn Trị và những sĩ phu khác chống đối ông, nếu muốn, nhưng ông đã không làm điều đó. Ngược lại khi nhà cách mạng kháng Pháp Bùi Hữu Nghĩa bị Pháp bắt, ông là người đã đứng ra xin ân xá cho Bùi Hữu Nghĩa.

Trải qua tất cả những bài thơ qua lại giữa hai ông, tuy chính nghĩa vẫn thuộc về ông Phan Văn Trị, nhưng người ta vẫn nhận ra được nỗi khổ tâm thành thực của ông Tôn Thọ Tường qua thơ văn của ông. Trong khi Ô.Phan Văn Trị luôn luôn đanh thép và tấn công trực diện vào con người của ông Tôn Thọ Tường, thì ông Tôn Thọ Tường luôn điềm đạm, muốn chia sẻ, trang trải nỗi lòng mình đối với các vấn đề quốc gia mà thôi.

Tuy hai nhà Nho trên hoàn toàn đối ngược về tư tưởng, nhưng tất cả bài thơ của họ trong cuộc bút chiến đó đều để lại cho hậu thế những áng văn tuyệt tác. Mỗi bài thơ dù của ông Tôn Thọ Tường hay Phan Văn Trị đứng riêng rẽ đều mang một sắc thái riêng biệt đặc sắc, ý thơ sắc bén, đanh thép, nhưng lời thơ lại rất mượt mà, đầy điển cố.

Và đó là cái trí thức đáng kính của người xưa!

ThaiNC