Tác giả và Tác Phẩm

Quang Thiện : LẦN HẸN CUỐI

LẦN HẸN CUỐI

 

T

ự dưng tôi thấy chẳng có thiện cảm với người đàn bà khá trọng tuổi đang tiến tới chỗ bàn tôi ngồi, bởi vì đã  lái xe dong ruổi suốt 250 cây số qua những đoạn đường đèo hiểm trở ven biển để tới lữ quán Thanh Thủy với mục đích riêng tư, tôi không muốn ngồi ăn tối với người mình chẳng hề quen và không thích, nhất là ngay thời gian đầu của những  ngày ngắn ngủi tôi dự định lưu lại quán này.

Khoảng ba hay bốn mươi năm trước, tôi thường được khuyên bảo là phụ nữ trẻ nên đối xử tử tế với người có tuổi bởi vì một ngày nào đó chính mình cũng sẽ già, và còn có thể lâm cảnh cô đơn khốn khổ. Thật ra bây giờ tôi cũng sắp trở thành dân số của thế giới lão niên, nhưng tôi vẫn chưa quan tâm mấy tới hoàn cảnh đơn chiếc cũng như tuổi tác của mình. Tuy nhiên, mỗi lần trực diện với thực tế, tôi không thích đứng ở vị thế kẻ cả để xua đuổi người khác. Do đó, khi người đàn bà trọng tuổi đến đứng gần bàn và còn chần chờ, chưa kịp mở miệng hỏi, tôi lên tiếng ngay:- Chỉ có một mình tôi thôi. Không còn ai khác.

Tôi đã nói đúng sự thật cô đơn vì những người thân thương của tôi đều đã vì chiến cuộc ra đi, gia đình và bạn hữu đa số qua đời, những người còn lại thì dọn đến nơi xa, rốt cuộc chỉ còn lại mình tôi.

Người đàn bà lạ ngồi vào chiếc ghế đối diện, nhìn tôi nói:

– Phụ nữ đi ăn tiệm một mình không tiện. Vì vậy, tôi và chị cần có bạn. Chị uống thứ gì?

– Ruợu gin bổ, không pha nước sinh tố trái cây.

Tuy đối đáp nhưng thâm tâm muốn nói cho bà ta biết là tôi thấy không được thoải mái khi ngồi chung với người lạ. Hơn nữa giọng nói và cử chỉ của người đàn bà dường như làm tâm não tôi  chấn động. Tuy vậy, tôi vẫn chú ý quan sát người đàn bà trong bộ y phục quần dài, áo sơ mi xanh dương sậm, có mái tóc ngắn, biếng chải, đã ngã màu xám tro. Nhìn da mặt nhăn và hơi bẩn tôi nghĩ chắc bà ta không chú trọng giữ gìn sắc diện. Mái tóc tôi cũng đã điểm sương  nhưng tôi chịu khó chăm sóc kỹ dáng vẻ bề ngoài của mình.

Người đàn bà mĩm cười, nhìn tôi, nói theo:  – Tôi cũng thích loại thức uống như chị. Tối nay tôi thấy cũng nên dùng một chút rượu. Chị ở vùng  nào?

– Tôi ở ngoài Qui Nhơn.

Người đàn bà gật đầu phụ họa: – Trước kia tôi cũng sống ở đó  một thời gian. Hiện nay thì ở ngay  thị xã Nha Trang này và quyết chọn nơi đây làm quê hương cho tới khi nào họ đẩy tôi vào viện dưỡng  lão. Chị tính gọi thức gì ăn?

– Cá lưỡi trâu hấp.

*       *       *

T

ôi từng trọ tại lữ quán này, bây giờ trở lại, ngồi ăn tối đúng trong gian phòng cũ và chiếc bàn ngày xưa. Tôi dự định tối nay ăn cá lưỡi trâu rồi tối mai ăn cá hồi và sáng hôm sau vĩnh viễn ra đi, bỏ lại đằng sau tất cả những  kỷ niệm quí báu và hạnh phúc một  thời đã đến trong cuộc đời mình. Bây giờ tất cả chỉ còn là những ký ức. Trước kia, Hoàng thường ngồi đối diện với tôi bên kia bàn. Chàng từ Đàlạt xuống còn tôi từ Qui Nhơn vào.

Trải suốt 14 năm dài, cứ cách một tháng, chàng và tôi lại hẹn nhau vào cuối tuần, cùng đến Nha Trang dạo chơi trên bãi biển cát trắng hoặc chiều hôm lái xe trên mũi đất cao doi ra biển, ngắm những lượn sóng nhấp nhô đuổi nhau vỗ vào bờ đá và cuối cùng, sau bữa ăn tối đằm thắm, chúng tôi cùng về nghỉ đêm chung chỗ trọ. Đang nghĩ ngợi triền miên về những ngày ấm êm cũ, chợt thấy người hầu bàn qua ngang, tôi buộc miệng gọi:

– Cô dọn cho tôi một ly nước trái  lê.

Cô ta dừng lại, đáp: – Dạ, tối nay quán chỉ có nước  trái dâu.

Chợt để ý người đàn bà đã quen mặt ngồi đối diện với  tôi, cô hầu bàn hỏi:

– Bà Tám à. Bà khách đây đã đồng ý chưa mà tới ngồi chung vậy?

Người đàn bà đáp nhanh: – Bà ấy đâu có ngăn cản tôi.

Tự dưng tôi lên tiếng: – Xin lỗi, tôi có chuyện quan trọng phải suy nghĩ nên cần ngồi đây lâu.

Dứt lời, tôi ngước nhìn ánh mắt ngỡ ngàng của người đàn bà trước mặt. Bà ta mấp máy môi muốn nói những đã trể. Cô hầu bàn sau vài câu giải thích, yêu  cầu bà Tám qua bàn khác ở đâu  đó, phía sau lưng tôi.

Món súp nghêu thập cẩm được dọn lên đặt trên bàn, tôi cố hớp thong thả từng muổng, nhưng chẳng  thấyngon miệng chút nào. Tới lượt món xa-lách, tôi liên tưởng ngay tới Hoàng. Mỗi lần như vậy chàng  thường mau miệng gọi dầu, dấm trong  lúc tôi lo trộn rau. Về vấn đề ẩm  thực, tôi và chàng cùng chung sở thích.

Hoàng đã có gia đình vợ con và là chủ xưỡng cưa ở Đàlạt. Riêng phần mình, sau khi chồng tử trận ở Pleime, tôi sống độc thân, làm đại diện thương mại cho một công ty dược phẩm tại Qui Nhơn. Tôi có những sở thích riêng, hay giao du với bạn hữu, thường đọc báo theo dõi tin tức chiến sự và tình hình đất nước, hoặc xem phim ảnh  cùng dự những buổi hòa nhạc. Tôi đọc rất nhiều sách và tự mãn phần nào với kiến thức của mình.

                Lúc tôi gặp Hoàng, chàng có vẻ không được hài lòng với cuộc sống của mình, nhưng lại rất yêu thương bầy con. Cũng vì vậy bề ngoài chàng cố duy trì cuộc hôn nhân chẳng mấy hạnh phúc. Thỉnh thoảng chàng tìm cách đi xa, để tránh bà vợ, tạm rời bỏ không khí ngột ngạt trong  gia đình. Cho tới một lần Hoàng và tôi ngẫu nhiên cùng trọ tại lữ quán Thanh Thủy ở gần bãi biển Nha Trang này. Vì phòng chung vách nên mỗi lần khóa cửa xuống dưới lầu ăn tối chúng tôi lại được dịp gặp nhau.

Tuy nhiên, Hoàng và tôi không ngồi cùng bàn. Trong lần tiếp xúc đầu tiên tôi chẳng hề có ý tưởng sẽ là bạn chàng huống chi dính líu tới chuyện tình duyên. Sau này tôi mới được biết là không riêng gì tôi, Hoàng cũng đã có ý tưởng mong một ngày nào đó không còn nhìn tôi như người xa lạ và nếu được ở bên nhau chắc cuộc sống của chúng tôi sẽ nhiều hứng thú hơn.

Hoàng và tôi cứ vô tình gặp mặt nhau mãi. Đối với sự kiện này, tôi cho là may, còn chàng thì tin  đây là định mệnh. Suốt cả ngày hôm sau chàng và tôi đã đụng đầu ở Hòn Chồng, đến lúc lên Tháp Bà lại thấy nhau ở đấy và lần cuối cùng tại mũi đất doi ra biển ở khu Cầu Đá vào lúc trời đã hoàng hôn. Có lẽ vì không thể dằn lòng được nữa, chàng rời khỏi xe, tiến tới ngồi  cạnh bên tôi, lên tiếng:

– Thật kỳ lạ phải không? Thôi, ngày  mai chúng ta cùng đi dạo chung với nhau có lẽ hay hơn.

Phải tới những lần gặp gỡ trùng hợp khác xảy ra vào cuối tuần sau đó, tôi mới nhìn nhận những  gì Hoàng nói đã rõ ràng, mà chàng không thể tránh khỏi ngay từ đầu. Có thể là do thái độ chân  thật của Hoàng khi chàng nói hết với tôi về hoàn cảnh gia đình mình, khiến những diễn biến không ngờ trong khối óc tưởng tượng của tôi trở  thành sự thật, bởi vì tôi vẫn có ý ngờ vực về động lực khiến chàng quan tâm tới tôi và sự chân thật trong tôi đối với những gì ở Hoàng gợi tôi  chú ý tới chàng. Có thể nói sự kết hợp giữa hai chúng tôi là biểu tượng của một cuộc phiêu lưu chẳng nguy hiểm, tự do hưởng thụ không sợ hậu quả và yêu đương mà chẳng cần phải có trách  nhiệm gì với nhau….

Tiếng bà Tám ở phía sau đòi bồi bàn đem một túi đựng thức ăn cho chó đã lôi tôi trở về  thực tại. Bà phàn nàn con chó nhỏ của mình sắp chết đói trong khi bà không thể ăn hết phần con cá lưỡi  trâu đã gọi. Nghe bà ta càu nhàu, tự dưng tôi cũng hết muốn ăn.

Cô bồi bàn đến châm thêm nước lạnh vào ly, vừa nói nhỏ đủ tôi nghe:

– Xin lỗi, bà Tám vẫn có thói quen hay làm phiền người khác và tối nay, bà đã bị chọn làm nạn nhân  đấy. Bà ấy ồn ào quá, xin quý khách bỏ qua.

Tôi trấn an cô ta:

– Không hề gì. Tôi lại thấy tội nghiệp, bà ấy cô đơn quá. Bà Tám chẳng có ai bà con hay sao?

Cô bồi bàn lắc đầu đáp:

– Bà ấy già yếu quá rồi mà không có người thân thuộc để nương dựa. Chẳng biết sẽ ra sao.”

Tự dưng thấy ngứa ở trong cổ, tôi cúi người cố dằn cơn ho bộc phát. Cô bồi bàn nhìn dĩa thức  ăn của tôi và lên tiếng hỏi:

– Bà chẳng ăn gì cả. Món cá chắc không được ngon?

Tôi xua tay, đáp nhanh: – Ngon. Chẳng sao cả.

Cô ta khẻ gật đầu, bỏ đi. Tôi  gắp một miếng cá nhỏ cho vào miệng, vì chợt nhớ Hoàng từng gọi món này là cao lương mỹ vị, nhưng tôi chỉ có thể nuốt trôi một cách gượng gạo. Cuối cùng, không thể ăn thêm nổi nữa, tôi bỏ đủa xuống, rút điếu thuốc châm lửa hút vừa lúc bà Tám đứng sau lưng từ lúc nào, lên tiếng:

– Tôi lấy phần cá bà không ăn nhé? Cho con chó của tôi.

– Còn xương? Tôi chẳng bao giờ cho chó ăn xương vì sợ nó mắc cổ.

Mở rộng miệng chiếc túi nhựa đựng thức ăn cho chó, bà Tám giải thích:

– Con chó của tôi dễ lắm, nó quen rồi, ăn bất cứ thứ gì tôi cho..

Đang nói, người đàn bà thình lình cúi xuống, tiếng nhỏ lại:

– Tôi dối chị đấy. Thực ra tôi muốn lấy phần cá đó để dành trưa mai ăn. Chị cũng biết rồi, đồng  lương về hưu ở thời buổi này chẳng đủ vào đâu.

Tôi lặng lẽ bưng dĩa, gạt nhẹ phần cá ăn dở dang vào chiếc túi nhỏ ở tay bà Tám, xong cảm thấy dễ chịu  khi cô bồi bàn xuất hiện đúng lúc, yêu cầu người đàn bà trở lại chỗ cũ.

Nghĩ đến lúc chẳng còn bao lâu nữa mình phải về hưu, tôi chẳng còn lòng dạ để tiếp tục ăn nên bỏ luôn món tráng miệng, chỉ uống hết ly cà-phê, xong rời bàn, đi xuyên qua khu phòng ăn rộng tới phía cổng vào khá dài của ngôi lữ quán cất theo kiểu Pháp thời xưa có giàn hoa hồng thất tỉ muội và mái hiên với cửa sổ ở đầu hồi.

                Trước quán là bãi đất trống tráng nhựa khá rộng, xe tôi đậu chung đâu đó với xe của đám  khách hàng tứ xứ. Phía bên phải sân là con lộ chạy ngang một triền đồi  thấp. Gió biển thổi qua kẻ lá ở hàng cây dương xanh đen tạo thành những tiếng rít vi vu pha lẫn tiếng sóng vỗ rì rào ở sâu dưới chân đồi.

Tôi liên tưởng tới những việc mình sắp phải làm và dự định cho con chó của tôi ăn trước  khi dắt xuống đồi dạo bãi biển lần cuối. Bà Tám thình lình lên tiếng ở sau lưng làm tôi giật mình quay  lại.

– Chị cũng nuôi chó chứ?

– Có, tôi nhốt ở trong xe.

– Thế à? Người ta bảo không nên nhốt trẻ con và chó ở trong xe, nguy hiểm lắm.

Tôi giải thích:

– Tôi có hé cửa mà. Nhưng chả sao, tôi tính cho nó ăn, xong đi ngủ ngay, mệt quá!

Nụ cười trên môi người đàn bà chợt tắt rất nhanh. Giọng bà Tám, có vẻ tiếc nuối:

– Vậy mà tôi tính rủ chị dạo một vòng bãi biển.

Sợ bị nài nĩ, tôi đáp nhanh:

– Cảm ơn chị, đêm nay không được đâu.

Vừa lúc tôi nhận thấy mắt bà Tám rướm lệ, giọng bà như tắt nghẹn:

– Thật tiếc.Tôi cũng thấy mệt mỏi  lắm.Tuổi già thật khốn khổ. Rồi chị sẽ biết. Đến lúc thấy chán  chường với cuộc sống thì đã đến tuổi về hưu. Chị sao? Nghỉ hưu chưa?

– Chưa. Nhưng ngày đó cũng sắp tới rồi.

Nghe tôi nói, bà Tám lắc đầu và ánh mắt lộ vẻ sầu buồn thật sự:

– Tới lúc đó, chị sẽ thấy rất  khó chịu vì người thân và bạn hữu đều chết hoặc chẳng còn ai tới lui nữa, rốt cục chỉ còn một mình chị cô đơn và tâm trí thì bị ám ảnh vì những tiếc nuối.

Người đàn bà ngưng chốt lát như cố nén cơn xúc động, quay mặt nhìn ra biển khơi xa, nơi những chiếc thuyền đánh cá đang rẻ sóng tiến vào bến cảng, xong tiếp lời: – Thời trước còn trẻ, có một chàng thấy tôi hấp dẫn, muốn theo, nhưng rồi mọi sự chẳng đi tới đâu.”

– Vì sao? Chị gây gỗ với anh ta chứ  gì?

Bà Tám quay nhìn tôi, môi run run, nói:  – Lỗi tại tôi. Chỉ vì tôi không tin tưởng người ta. Anh ấy đã hứa sẽ bỏ vợ để xây dựng cuộc sống với tôi. Nhưng tôi cứ nghĩ người ta chỉ hứa hẹn suông  và chẳng thể làm nổi. Rồi sau đó, anh ấy đột ngột qua đời, tôi mới được biết là người ta làm theo lời hứa, bắt đầu lo các thủ tục ly dị. Nếu anh ấy còn sống, tôi tin chắc thế nào cũng sẽ theo đuổi tôi. Đến khi tôi nhận chân được những gì lòng mình thật sự mong muốn thì đã quá muộn.

Nghe người đàn bà đã trọng tuổi than van cho số phận đáng buồn, tôi chẳng biết an ủi sao cho phải, đành lặng lẽ chui vào xe, bắt dây dắt vào cổ con Tuyết đem về phòng trọ.

Con chó ngốn ngấu ngon lành món ăn tôi cho, không đánh hơi được mùi thuốc độc tạo cái chết từ từ và êm dịu mà tôi đã mang từ nhà đến, bỏ vào thực phẩm của nó.

Sau khi biết chắc bà Tám không còn quẩn quanh ở khu lữ quán nữa, tôi rời phòng, dắt con Tuyết theo lối mòn đi xuyên qua khóm cây trăn đỏ và vùng dương xỉ non xanh để băng ngang con lộ xuống bãi biển cát trắng ở dưới, rồi đi lần tới vùng cửa sông.

Nơi đây, mặt nước thật yên tĩnh, tôi thả con Tuyết chạy đùa giỡn trên những lượn sóng lăng tăng. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng con vật sủa vọng đến, nhưng không còn vang vang như trước và thường đứt quãng. Đến lúc tôi gọi, con Tuyết chạy tới, vừa lắc mạnh thân mình cho bộ lông ướt sũng nước ráo bớt rồi từ từ tiến tới cho tôi bắt dây dắt trở lại.

Tuyết là con chó thứ hai tôi nuôi. Hoàng đã cho tôi cả hai con. Chàng muốn tôi nuôi để gợi nhớ tới chàng những lúc chúng tôi không ở gần nhau. Khi con chó Nhật tên Tuyết  thứ nhất đau bệnh rồi chết, thấy tôi không thể nguôi nỗi tiếc nhớ và tin đấy là điềm triệu bất tường, Hoàng đã mua một con Tuyết  khác, tính tới nay đã sống với tôi suốt mười hai năm trường. Bây giờ, tôi không đành lòng thấy con vật khổ sở vì tuổi già. Hơn nữa, mỗi lần nhìn con Tuyết không còn tươi trẻ như ngày nào, tôi  lại nghĩ đấy là phản ảnh trạng huống của mình.

Con Tuyết thong thả theo chủ dạo bộ. Tôi dừng lại trên một đỉnh cao và như người bị thôi miên, đứng  nhìn những lượn sóng đua nhau vỗ vào những tảng đá đen bóng rồi rơi xuống, tạo thành những vũng bọt trắng xóa. Tôi chợt nhớ tới tiếng Hoàng thuở nào thì thầm bên tai: ”Đêm  nay nước thủy triều sẽ lên cao, em à,” và đôi cánh tay chàng rắn chắc ôm choàng lấy tôi. Dựa người vào chàng, tôi ước ao tình yêu cùng sự che chở Hoàng trao cho mình được dài lâu. Tôi mong được chàng ghì chặt vào lòng thường hơn. Nhiều lúc tôi đã lo là theo năm tháng chàng có thể sẽ chán mình, không còn thấy hứng thú với những lần hẹn cuối tuần thưa thớt, cách tháng mới được một lần. Riêng phần mình, tôi thường chẳng mấy tin tưởng vào quyết định sau cùng của chàng. Đối với ý tưởng này, tôi tự thấy mình vô lý, bởi vì ngay từ đầu quen biết, tôi chấp nhận yêu đương mà chẳng đòi hỏi trách nhiệm gì nhau. Tuy nhiên, nhiều lúc lòng yêu thương và ghen tức đã khiến tôi có những ý tưởng ích kỷ, muốn chàng phải này phải nọ.

Dường như Hoàng cảm nhận được ý tưởng này trong tôi nên chàng vẫn cố làm cho ổn thoả bằng câu nói:

– Nếu em cứ thắc mắc mãi, anh sẽ bỏ tất cả và theo em về Qui Nhơn ngay ngày mai.

– Anh nói vậy thì cứ thử xem.

Ngập ngừng chốc lát chàng lại nêu lý do: – Thực ra có nhiều nguyên nhân khiến anh không thể…. Em biết rồi, không thể  nào được, trừ khi…Tôi cáu kỉnh, trả miếng:

– Trừ khi bà vợ ly dị anh, điều này bà ấy không bao giờ làm,hoặc là con anh phải đủ lớn để chúng  không bị tổn thương tình cảm chứ gì..?

Tôi vẫn dùng những lời Hoàng thường biện bạch để ném trả cho chàng mỗi lần đề cập tới chuyện tương lai.Tuy nhiên, tôi biết tự kềm chế phần nào, bởi vì tôi tôn trọng tình thương chàng dành cho mấy đứa bé. Hoàng cho rằng có trách nhiệm phải nuôi nấng bảo bọc chúng và nhất là chàng muốn giữ vững hình ảnh người cha gương mẫu trước mắt mấy đứa con. Tuy nhiên ý hướng tốt này nhiều lúc đã khiến lòng bất tín về tình yêu của chàng đối tôi ngày càng gia tăng…

Bất giác thở dài, tôi chậm rãi  bước trên gò cát, liên tưởng tới câu nói của người đàn bà trọng tuổi gặp ở trong quán: ”Tôi cứ nghĩ người ta chỉ hứa hẹn suông và không thể làm nổi…”

Quay nhìn, tôi thấy con Tuyết bước lê lết theo sau, đầu gục xuống có lẽ vì bắt đầu bị ảnh hưởng  thuốc tôi đã đầu độc nó. Thấy vậy, tôi cúi xuống nhấc con chó già lên, bồng trên tay như một đứa trẻ. Về phòng trọ được khoảng một giờ đồng hồ thì con Tuyết  tắt thở và tôi ngồi khóc suốt đêm vì không đủ can đảm kết thúc những gì tôi đã khởi sự.

Đến lúc ánh dương chiếu sáng qua khung cửa kính, tôi mới cuộn xác con Tuyết trong chiếc mền mỏng, xong mang ra xe đặt ở băng ghế bên cạnh và tôi ngồi im lặng cho tới khi phòng ăn trong lữ quán mở cửa.

                Tôi không thể nuốt nổi phần điểm tâm đã gọi nên chỉ uống cà-phê. Tôi cố tình chọn chiếc bàn ở cạnh lò sưởi, nơi trước kia tôi thường ngồi với Hoàng, cho tới buổi sáng cuối cùng, trong lúc chàng nằm bất động trong gian phòng chúng tôi đã ở chung nhau suốt hai đêm qua, thì tôi đơn độc đến đây ngồi suy tư chuyện mình.

Xong bữa điểm tâm đơn sơ, tôi trở ra xe. Xác con chó già trung thành vẫn còn nguyên trên ghế. Tôi lái xe xuống Cầu Đá, tới mũi đất lấn xa ngoài mặt biển và ngồi yên trên xe suốt cả thời gian còn lại trong ngày, nhìn những lượn sóng bạc đầu nối nhau đập vào bờ đá. Cuối cùng, tôi tính tìm bãi đất hoang đầy cỏ xanh và bông hoa dại để chôn xác con Tuyết, nhưng sau một lúc do dự lại thôi.

Tôi trở lại quán trọ lúc trời đã chạng vạng tối. Đang ngồi thẩn thờ một mình kêu thức uống, tôi  thấy bà Tám tiến tới gần bàn. Mắt mở lớn, tười cười:

– Chào chị. Con chó đâu rồi, chắc chị không nhốt nó trong xe chớ?

Hớp ngụm cà phê Ban-Mê Thuột thơm phức chưa kịp nuốt trôi, tôi hỏi:

                – Con chó? Con Tuyết hả? À, nó chết hồi đêm rồi.

– Tội nghiệp quá, chuyện gì xảy ra vậy?

– Thôi chị đừng hỏi nữa.Tôi  không muốn nói ra.

– Chị không thích thì thôi.Tôi ngồi  chung bàn nhé?

– Không được,hãy để tôi yên một mình.

Nghe tôi phàn nàn, cô bồi bàn đến yêu cầu người đàn bà đi chỗ khác. Sau đó, tôi gọi một con cá hồi chưng, nhưng cứ ngồi trầm ngâm suy tư, vẻ nát món thực phẩm mà chẳng ăn được miếng nào. Thấy vậy, cô ta bưng tiếp ly nước trái dâu, nhưng tôi bỏ lại tại chỗ rồi đi thẳng về phòng, ngồi lặng lẽ, băn khoăn không biết tính sao với xác con Tuyết vẫn còn trên xe, chẳng  biết đem đi đâu, hoặc hỏi ai giúp  đỡ. Chợt nhớ tới người đàn bà trọng tuổi cô đơn tên Tám, tôi thử so sánh mình tương tự bà ta ở chỗ nào. Tôi chưa từng níu kéo người lạ ở phòng ăn, nhưng bên trong nội tại, tôi tự biết rõ lòng mình, nên suốt tám năm ròng rã dù vẫn làm việc bình thường, lương tâm tôi lúc nào cũng bị dằn vặt khổ sở vì chuyện xưa. Cho tới bây giờ tôi không thể nào quên nổi đêm cuối cùng Hoàng và tôi ở bên nhau. Kể từ đó, hình ảnh biến cố không thể nào chìm trong tiềm thức mà cứ hiển hiện như mới xảy ra… cho đến lúc tôi không thể chịu nỗi những  lần tâm trí bị dày vò.

Đêm đó, Hoàng thuật chuyện bà vợ dọa sẽ nói cho mấy đứa  on biết sự thật về cha chúng nếu chàng không chịu dứt khoát chuyện tình cảm vụng trộm với tình nhân của mình, tôi chỉ phản ứng yếu ớt: – Vợ anh chẳng nên làm thế.

– Nếu vợ anh nói thật chắc bọn trẻ sẽ ngỡ ngàng lắm. Em biết, đứa nhỏ nhất chưa tới mười lăm  tuổi, lương tâm anh chẳng thể nào yên nếu ảo tưởng của chúng về anh bị tan vỡ.

Trước nỗi lo lắng của chàng, tôi thản nhiên hỏi: – Lúc đó anh nói sao với vợ anh?

– Anh bảo là sẽ nghĩ lại.

Cùng thảo luận câu chuyện, nhưng nhận thấy Hoàng không nhìn thẳng vào mặt mình, tôi nghĩ chàng đã có quyết định dứt khoát cho mối tình giữa tôi với chàng. Tự dưng cảm thấy bị hụt hẫng, và mất cả tự chủ, tôi đã thốt những điều không nên nói ra và kết tội chàng một cách vô lý với những lời đe dọa quá đáng. Tôi tự bênh vực cho mình và bộc lộ tất cả lòng khó chịu cùng ý nghĩ bất tín đối với chàng. Khối óc ích kỷ của tôi rối bời vì ý muốn chiếm hữu chàng làm của riêng cho mình. Nỗi thất vọng và giận dữ trong tôi bùng nổ ra ngoài như hỏa diệm sơn bị ứ đọng từ lâu trong lòng trái đất sôi bỏng.

Cuối cùng, chàng và tôi đối mặt nhau, sắc diện cả hai cùng xanh xao và run rẩy. Hai khuôn mặt đau khổ ràn rụa nước mắt vì chúng tôi đều biết rõ giờ phút  quyết định đã đến. Hoàng bỗng phá tan bầu không khí căng thẳng nặng nề trước tiên. Chàng nói:

– Trước khi rời nhà đến đây gặp em, anh đãnghĩ tới một phương cách khác. Nếu em chấp nhận, anh thà chết với em còn hơn là sống mà không có em.”

Nghe Hoàng bộc lộ lòng mình, tôi cảm thấy bị chấn động đến tận cùng tâm trí. Sau một lúc im lặng suy nghĩ, tôi đồng ý với ý tưởng của chàng. Chúng tôi thề nguyện cùng nắm tay nhau sang bên kia thế giới. Uống độc dược xong, chúng tôi nằm bên nhau, yêu đương lần cuối như  thể chẳng có gì thay đổi. Nhưng đến lúc hừng đông ló dạng,chỉ một mình tôi thức dậy còn chàng thì nằm yên, vĩnh viễn bất động.

Khóc than một lúc, tôi xuống quán gọi điểm tâm nhưng chẳng thể nào nuốt nổi. Sau đó, tôi lái xe trở lại Qui Nhơn. Trên đường về khá xa, tâm trạng tôi như người mất hồn, không thể nhớ nổi mình đã qua những nơi nào dù lộ trình rất quen thuộc. Chẳng ai theo sau, tôi chợt có ý nghĩ là vợ Hoàng sẽ gặp khó khăn trong việc cho nhà chức trách biết mình là ai để nhận xác chồng, bởi vì không ai biết mặt bà ấy.Tại lữ quán người ta đã quen hình ảnh vợ Hoàng là tôi, người đàn bà thường đi với chàng đến đăng ký vào trọ ở đó.

Mấy hôm sau, nhân chuyến chuyển hàng của công ty cho một số hiệu dược phẩm tại Đàlạt, tôi được đọc mẫu phân ưu trên một tờ báo địa phương và khám phá thấy vợ chàng cũng đủ bản lĩnh để khai báo hoàn cảnh cái chết của chồng. Chàng chết đột ngột vì bệnh tim như ghi trên mẫu cáo phó. Theo sự thật  thì chỉ mình tôi biết rõ đấy là một vụ sát nhân. Do bởi vào phút  chót, chẳng nói cho Hoàng biết, tôi vì hoảng sợ đã không thực hành lời cam kết cùng quyên sinh với chàng…

Tám năm lặng lẽ trôi qua, tôi cố tìm mọi cách để lãng quên sự phản bội của mình, nhưng rồi lương tâm vẫn luôn luôn bị ray rứt khổ sở. Tôi đã sống trong cô đơn buồn tẻ, chẳng thấy đâu hạnh phúc trong suốt gần một thập niên kể từ ngày Hoàng vì tôi mà chết. Cuối cùng không thể chịu đựng nỗi nữa, tôi quyết định trở lại chốn cũ, mang theo mấy viên độc dược Hoàng trao tôi trong đêm hẹn cuối để cùng chết, nhưng tôi chưa xử dụng tới vì thuở đó oán giận, nghi ngờ chàng vì không thật lòng, có ý định làm mưu để mình  tôi chết…

Bây giờ đã đến lúc đền tội, tôi trút hết thuốc vào miệng, nuốt chửng, xong nằm im lặng chờ đợi giây phút cuối của mình trong tâm trạng thư thái…ª 

QUANG THIỆN