Tác giả và Tác Phẩm

Nguyễn Phước Nguyên : NS Từ Công Phụng sắp xa chúng ta

Sáng nay trời tháng 6 thật dịu dàng và không khí se se lạnh. Như thường lệ, kiểm e-mail vào sáng sớm thì nhận được thư của anh chị Vũ Xuân Hùng và Xuân Hòa (SG) với Subject: Từ Công Phụng

June 1, 2010

Anh Phụng và bạn bè thân quý

Sáng nay check mail , nhận được tin từ một người bạn thân bên Mỹ , Trần Đình Thục báo tin NS Từ công Phụng đang điều trị ung thư thời kỳ thứ ba, Xuân Hòa vừa liên lạc với vợ của Từ công Phụng , Janine Ái – Vùa nhận phone – Ái khóc như chưa bao giờ được khóc Ái nói đang lái xe ra ngoài đường – ra ngoài để khóc . vì không muốn anh Phụng thấy Ái khóc , Ái xác nhận tin Trần Đình Tthục là sự thật , Anh Phụng đang bị cancer mật , thấy không được khỏe đã lâu, nhưng giờ bác sĩ mới xác nhận .

Mây hôm nay anh Phụng ít ngủ ,đang đêm Ái giật mình thức dậy , thấy anh Phụng ngồi , nhìn Ái . Anh Phung nói với Ái là Anh không muốn chết , Anh phải sống với em , Ái đã không cầm được nước mắt khi kể lại và cuối cùng thì tắt máy , Tôi không liên lạc lại với Ái ,vì khi gặp bạn bè thường dễ bị xúc đông , nhất là Ái đang lái xe .

Phone cho Anh Phụng , Từ Công Phụng nói với Xuân Hòa là Anh Phụng đang thời kỳ thứ tư rồi , không phải thứ ba , nặng lắm Anh không về hát như đã hứa được , Điều tôi quan tâm với tôi bây giờ không còn là về VN hát hay không mà tôi muốn biết sức khỏe của anh , giọng thật buồn . Anh nói đang xạ trị lần hai , và còn phải xạ trị 6 lần nửa , Anh muốn về để khai trương phòng trà Tiếng Xưa của Xuân Hòa Vũ Xuân Hùng , nhưng sức khỏe không cho phép , Nhưng Anh Hứa với tôi là anh sẽ phải Sống , Xuân Hòa đừng lo Anh không chết đâu , và giọng thật yếu , rất yếu ,

Khó mà có một lời khuyên trong thời điểm này , Tôi chỉ biết kể cho anh Nghe những chuyện chung quanh , nhà đối diện , đã qua xạ trị và bây giờ thì khỏe như Văm . Mà thật sự là như vậy. Tôi mong có thể tạo được một chút niềm tin, vui sống cho ông Anh mà tôi thương yêu và quý trọng .

Tôi gửi thư này đến những bạn bè thân quen , không quen , xin mọi người hãy cầu nguyện , xin ơn trên ban cho Từ Công Phụng vượt qua căn bệnh không vui này – Để chúng ta còn nghe được tác giả của Mắt Lệ Cho Người , Đêm Không Cùng , Như chiếc que diêm trong những đêm anh đến với khán giả

Xin giúp cho vợ anh Janine Ái thật nhiều nghị lực để lo lắng chăm sóc cho Từ Công Phụng . và cũng để luôn được nghe Từ công phụng với Giữ đời cho nhau- tạ Ơn em – mà anh đã viết riêng cho người vợ thân thương , gắn bó với anh : Janine Ái

Em gửi thư này cho Anh , Từ công Phụng nhé , Xuân Hòa mong Anh nên nhớ rằng , bạn bè – khắp thế giới đang cùng song hành với anh cầu nguyện cho anh để giúp anh thật nhiều sức khỏe để điều trị bệnh

Với nền văn minh thuộc hàng bậc nhất của thế giới về y học như nước Mỹ . Họ sẽ không bó tay để chịu thua bất cứ căn bênh nào đâu. Hãy tự tin Anh Phung nhé Em tin là Từ Công Phụng không bỏ bạn bè " ngang xương " như vậy đâu .

Lúc nào cũng Open để đón Từ Công Phụng về với khán giả luôn đang mong đợi với những bài hát thật nhẹ nhàng – sang trọng của anh mà chưa có ai trên diễn đàn âm nhạc có thể thay thế . đây là nhân xét của riêng Xuân Hòa từ những ngày xa xưa . Em vẫn thường nghe bài " Bên đời hiu quạnh " mà trước đây Ái đã gửi cho Xuân Hòa. Em đã nhắn lời thăm hỏi của anh đến chị Lan và Vũ Xuân Hùng rồi nhé, Vũ Xuân Hùng và chị Lan đã rất buồn khi Yên tâm đi ông anh thân quý và nhớ giữ lời những gì anh đã hứa với Vũ Xuân Hùng & Xuân Hòa nhé.

Xuân Hòa

Vũ Xuân Hùng Xuân Hòa
Phòng Trà Ca Vũ Nhạc Tiếng Xưa

E-mail không dài dăng dẳng nhưng sao trong lòng tôi man mác buồn…chắc là sẽ còn buồn dăng dẳng mãi trong tâm tư. Kỷ niệm lại ùa về với những ngày xưa khi có dịp được gặp anh…Mong anh được nhiều bình an.

Gửi đến các bạn để biết thêm về nhạc sĩ Từ Công Phụng

Từ Công Phụng (sinh ngày 27 tháng 7 năm 1942) . Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho tân nhạc Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 cùng với Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương…; là tác giả của các ca khúc trữ tình được nhiều người biết đến như Bây Giờ Tháng Mấy, Mắt lệ cho người, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau.

Từ Công Phụng tốt nghiệp cử nhân luật, từng là biên tập viên đài phát thanh VOF. Ông tham gia sáng tác nhạc từ năm 1960. Sau 30 tháng 4 năm 1975, các sáng tác của ông bị cấm lưu hành tại Việt Nam cho đến năm 2003. Ông rời Việt Nam từ tháng 10 năm 1980 và hiện đang định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Năm 1998, ông có trở về thăm quê hương Ninh Thuận nhưng không tham gia hoạt động âm nhạc. Tháng 5 năm 2008, ông lại trở về Việt Nam và lần này có biểu diễn trong chương trình "45 năm tình ca Từ Công Phụng" tại một phòng trà có tiếng ở Sài Gòn.

(Năm 2003, mười ca khúc của Từ Công Phụng đã được cấp phép biểu diễn tại Việt Nam: Mắt lệ cho người, Trên tháng ngày đã qua, Như ngọn buồn rơi, Tình tự mùa xuân, Đêm không cùng, Giọt lệ cho ngàn sau, Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Mùa thu mây ngàn, Lời cuối và Kiếp dã tràng. )

Gần 10 năm kể từ chuyến về thăm quê hương đầu tiên, người nhạc sĩ với những bản tình ca: Mắt lệ cho người, Trên ngọn tình sầu, Như chiếc que diêm, Giọt lệ cho ngàn sau… mới có dịp gặp gỡ, tâm sự về cảm hứng và kỷ niệm trong các sáng tác của mình. Từ Công Phụng chia sẻ: "Cuộc đời mỗi chúng ta luôn hiện hữu với tình yêu. Trải qua bao năm tháng, đó vẫn là cảm xúc chính tôi luôn bày tỏ và chia sẻ với khán giả trong tất cả tác phẩm của mình".

Ở tuổi 18, giọng hát trầm ấm Từ Công Phụng qua sáng tác đầu tay Bây giờ tháng mấy từng làm thổn thức biết bao nam, nữ học trò trường Văn khoa Sài Gòn. Lần trở lại này, nhạc sĩ cũng dùng chính cảm xúc trong bước đi đầu tiên ấy để khởi đầu câu chuyện âm nhạc. 45 năm trôi qua, câu tự vấn "bây giờ tháng mấy rồi hỡi em?" vẫn đủ sức làm lay động lòng người, khiến tràng pháo tay không hẹn mà đồng loạt vỡ òa.

Nếu sự chia sẻ trong âm nhạc đạt mức cao nhất ở những lúc buồn thì âm nhạc của Từ Công Phụng là

người bạn đồng hành tuyệt vời.Một cách âm thầm, từng lời hát của ông như chiếc chìa khóa bật mở những "hộp âm kỷ niệm", để mỗi khi giọng hát cất lên, cả người hát lẫn người nghe đều như sống lại một phần đời trong ký ức. Ông kể, mùa mưa 1968, chuyến viếng thăm của cô người yêu khơi dậy cảm hứng sáng tác ca khúc Mưa trên ngày tháng đó, rồi ông hát. Thật trùng hợp khi mưa ngoài trời cũng bay làm cảm xúc của đêm thêm trọn.

Cũng có lúc ưu phiền, nhạc sĩ muốn rời xa, thoát khỏi cuộc sống. Ông tìm đến một nơi mà ông gọi là "xứ thâm trầm" để âm thầm sống. Ông viết "sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên và hết nhân duyên, tôi trở về kết đọng linh hồn làm mặt đá xây hồ lãng quên". Thế nhưng, sự hụt hẫng nơi ông chưa bao giờ là đau đớn đến tuyệt vọng, bởi ông luôn quan niệm "tình yêu là vĩnh cửu" và vẫn muốn sống trọn vẹn với chính mất mát của mình. Mãi mãi bên em, ca khúc mới nhất của Từ Công Phụng, đã thay ông bộc bạch lòng mình…

Tình Khúc Từ Công Phụng (thập niên 60) gồm 12 Ca khúc:

Bây Giờ Tháng Mấy

Mùa Thu Mây Ngàn

Lời Cuối

Tuổi Xa Người

Mùa Xuân Trên Ðỉnh Bình Yên

….

Trên Ngọn Tình Sầu (thập niên 70) 12 ca khúc:

phổ biến nhiều nhất : Giọt Lệ Cho
Ngàn Sau

Giữ Ðời Cho Nhau (1983 tái bản 1993) 12 ca khúc :

Giữ Ðời Cho Nhau

Qua Vùng Biển Nhớ

Hóa Kiếp

Mắt Lệ Cho Người

Nằm Nghe Em Hát Trên Vùng Biển

Một Thoáng Nhìn Nhau

Một Mình Trên Ðồi Nhớ

Tình Tự Mùa Xuân

Thiên Ðường Quạnh Hiu

Trên Tháng Ngày Ðã Qua

Như Chiếc Que Diêm

Mùa Xuân Và Tình Yêu Em

Từ Công Phụng,
Một Kết Hợp Tuyệt Vời Giữa Ngôn Ngữ và Âm Nhạc

bài viết của một người bạn mà tôi rất mến – Nguyễn Phước Nguyên

Tôi như giòng sông cạn
Cuốn quanh đời mệt nhoài
Cuốn theo giòng nghiệt ngã
Buồn rơi theo năm tháng
Úa trên lưng tháng ngày
Tôi mang hồn cỏ dại
Ngu ngơ tự hỏi lòng
Bỗng một ngày thiên thu
Bỗng một đời phù du

(Từ Công Phụng – Đời Bỗng Phù Du)

I. NHẬP

Một buổi chiều. Mùa thu.
Mây trắng bay.
Nắng vàng vọt rớt trên hè phố.
Người đàn ông đứng tuổi lặng nhìn cô bé ngồi cách mình không xa. Cô bé có mái tóc huyền, đăm nhìn theo những cánh chim bay khuất với một nét buồn tao mặc. Dáng cô bé thon gầy, như hao mòn cùng năm tháng. Người đàn ông chợt ước ao, chợt khát khao mình có thể xóa tan mây trời trầm lắng đang xuống thấp dần lên cuộc đời cô bé.
Nhưng người đàn ông vẫn ngồi đó. Lặng yên.
Mưa nhẹ rơi…
Từng giọt mỏng…
Long lanh lên khóe mắt cô bé…
Người đàn ông cũng nghe cay vùng mắt.
Lâu lắm rồi… Cuồng lưu dòng sống đã làm người đàn ông xa lạ với những cảm xúc đơn thuần nhất của con người – nụ cười, tiếng khóc.
Nhìn cô bé ngồi đó, với những bước chân linh hồn đầu đời xa rời thơ ấu, người đàn ông chợt nghe lòng mình rét mướt, chao theo từng giọt mưa rơi.
Cô bé đứng dậy, bước xa dần theo lối nhỏ của công viên. Dáng cô bé đổ dài lên nỗi buồn của người đàn ông, lên nỗi buồn của thời gian đang chất chồng lên mái tóc hơn nửa phần xóa trắng.
Người đàn ông nghe vọng lên trong tim mình một niềm đau xót. Cho bước chân lạc loài của cô bé. Cho hồn nhiên thoáng mất. Cho ưu tư kéo về. Cho lưu đày tuổi trẻ. Và cho chính bản thân mình – cũng lạc loài, cũng lưu đày, đã hơn nửa lần thế kỷ…

II. NGÔN NGỮ CỦA ÂM NHẠC

Thế đó. Là ngôn ngữ của Từ Công Phụng (TCP). Đoạn nhập đề trên là những gì đã hình dung ra khi nghe bài Còn Một Buổi Chiều của tác giả. Không chỉ nghe ra. Mà còn nhìn thấy. Còn cảm nhận đến.

Thế đó. Là ngôn ngữ của TCP. Man mác. Nhẹ nhàng. Lãng đãng. Ẩn mật. Mang nhiều hình ảnh của một cõi trời tâm sự. Không ạt ào thác đổ. Mà là những chắt chiu đằm thắm. Những nâng niu tận cùng.

TCP không chỉ là nhạc sĩ của tình yêu. Nói đúng ra, tình yêu chỉ là dòng sông để TCP chuyên chở và phản ảnh tâm hồn mình. Trong giòng sông đó có phù sa cuộc sống, có bọt bèo thân phận, có vẩn đục tương lai, có trong veo kỷ niệm.

Từ Bây Giờ Tháng Mấy, bài nhạc đầu tay năm mười tám tuổi, cho đến những sáng tác sau đó, TCP đã chọn bước vào âm nhạc bằng đam mê trầm lắng. Không ồn ào. Không vội vã.
… Người về nghe tiếng hát âm vang
Trên vùng tuổi đa đoan
Người về nghe những âm vang
Trên cùng tuổi cưu mang
Người đan hơi thở bên nhau
Dù trời chợt sáng, xin tình chưa nghe muộn màng (1)

Ngôn tứ đó, là của riêng TCP. Ngay sau mỗi câu hỏi được mở ra, câu trả lời kết đọng. Dưới rực sáng của quên lãng phơi bày, là nhớ nhung khép kín.

… Gom một chút nắng vàng
Hắt lên soi hạnh phúc trên tháng ngày đã qua
Em tìm thấy chút gì –

Có phải chăng rạn vỡ lên tâm hồn chúng ta ? (2)
… Đêm nay, bên thềm

Nhìn anh, em khẽ nói: "Ngày mai anh đi rồi,
Anh có buồn gì không ?"

Buồn không, hỡi người đã đi rồi ? (3)

Sâu sắc. Ý nhị. Bởi người ở lại thường buồn hơn kẻ ra đi. Nhưng với TCP, người ở lại chỉ quan tâm đến nỗi buồn của kẻ ra đi. Thật ân cần. Đơn thuần. Chấp nhận.

Ở đó, là những lấp lánh ngọt ngào của TCP, khi nói về quê hương. Một quê hương muôn trùng xa khuất được thể hiện qua một tiếng gọi "Em!" dịu dàng, cay đắng.

… Ai chia vạt nắng se buồn
Như ta rồi cũng xa nguồn
Làm sao cho em biết tình ta vẫn lấp lánh
trong cõi hồn bát ngát ?
Làm sao cho em thấu tình ta
như núi biếc, như sông dài, biển rộng ?
Xin giữ cho nhau những khoảng đời nhớ mông lung.
Tình là trùng dương sóng vỗ chập chùng.
Mảnh hồn ta nay đã khuất nơi nao,
Đời sầu mấy chuyến thương đau
Mà nỡ chôn vội mấy kiếp trùng khơi… (4)

Ở đó, là những long lanh bất chợt của TCP, khi nói về hạnh phúc. Một hạnh phúc hao gầy, trong hụt hẫng chia ly. Không bao giờ là đớn đau tuyệt vọng, mà là sống cho trọn vẹn với mất mát vây quanh.

… Lắng nghe muôn cung sầu hắt xuống đời
Một trời tôi thương đau, một trời em mưa mau
Sống buông xuôi theo ngày tháng
Từng thu qua, vời trông theo đã mờ
Lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi
Yên nhau một thời, xa nhau một đời
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi… (5)

Ở đó, là những lặng câm nhỏ máu của TCP, khi nói về tình yêu. Một tình yêu ngây ngất hương thơm, giữa vô vàng tiếc nuối. Không bao giờ là kêu gào than khóc, mà là tận tụy với đam mê về một thiên đường đã khuất.

… Thân mang kiếp dã tràng đem đời xe tơ duyên
Trên bãi cát vàng hão huyền
Chợt nghe lớp s&oa
cute;ng xô lên đời mình
Niềm cay đắng
Cuộc tình trên tháng ngày muộn phiền
Còn in vết hằn đời mình
Người ơi hãy ru hồn ta ngủ quên… (6)

Ở đó, là những chắt chiu vơi đầy của TCP, khi nói về cuộc sống. Một cuộc sống miệt mài tư duy cùng muộn phiền thân phận. Những điều TCP sẻ chia không nằm trong lời hát , mà nằm sau những gì lời hát không nói ra.

… Có những điều tôi muốn nói cùng em
Vẫn vời vợi trên cao,
Những điều tôi muốn hiểu
Vẫn mù cõi vực sâu… (7)

Dường như ngay khi ý niệm vừa thành hình trong tư tưởng, TCP đã tự chọn cho lời nhạc của mình một định mệnh – Mỗi dòng chữ là một gắn bó với kỷ niệm, dẫu đang phai mờ dần theo thời gian, vẫn không bao giờ tuyệt tích. TCP đặt chữ nghĩa vào âm nhạc như phó thác từng hơi thở sau cùng của tình yêu vào căn phần mặc tưởng.

Mỗi bài hát là một vết hằn thăng hoa lên phiến đời huyễn hoặc.

III. ÂM NHẠC CỦA NGÔN NGỮ

Từ bao giờ, khi viết về nhạc phẩm, người ta chỉ thường hay nhắc đến những lời nhạc tiêu biểu của tác giả, rồi sau đó là vài phát biểu đơn sơ về tiết tấu và kỷ thuật hòa âm. Thật là một thiếu sót lớn khi đa số các bài viết về nhạc sĩ đều dành cho phần "lời" nhiều hơn phần "nhạc".

Bởi ở đó, là nét tuyệt vời và độc đáo nhất của nhạc TCP, nhất là khi TCP tự trình bày những ca khúc của mình – bằng những nốt nhạc chợt vút cao và tắt hẳn, bằng những chữ được hát lại hai lần liên tiếp, bằng những âm thanh rơi từ đỉnh cao vào trầm thấp.

Khi TCP hát "…nỗi muộn phiền ngày tàn HƠI THỞ, em thấy không cõi đời vô vọng…" (8), người nghe liên tưởng ra sự chết dần của nhịp sống khi nốt nhạc của hai chữ "hơi thở" được hát vút lên cao rồi tắt hẳn trong mong manh của làn hơi rung.

Khi TCP hát "…Trên từng thung lũng buồn, từng thung lũng buồn, mùa thu đã đã trở mình trên gót nhỏ dìu em đến người…" (9), người nghe cảm nhận được sự chập chùng của những thung lũng mùa thu đã sống lại dưới gót hài tình yêu bằng lời hát được lập lại hai lần. Cũng thế, với "… hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi xuân, có một lần vui thôi em…" (10), TCP đã dùng sự lập lại của hai chữ "ôm trọn" để diễn tả thật tuyệt vời, thật trọn vẹn một nhắn nhủ ân cần về những hạnh phúc mong manh trong cuộc đời mà mỗi chúng ta ít khi tìm thấy.

Khi TCP hát "… rồi niềm vui bay ngang, miền tuổi vàng nắng và gió CUỐN… lá RƠI đầy, tuổi nầy người đâu có hay…" (11), chữ "cuốn" vút cao rồi tắt hẳn – như mất tích, chữ "rơi" được hát ngân dài từ nốt nhạc cao xuống nốt nhạc trầm. Dùng âm thanh để diễn tả hình ảnh của chữ nghĩa, đến thế, quả thật là nát ý.

Còn nữa, còn rất nhiều nét tuyệt vời, chất chứa như vậy trong âm nhạc của TCP để làm diệu huyền chữ nghĩa. Từ long lanh rực rỡ của "… Ôi, nỗi dịu dàng nào đã ngời SÁNG trên môi người…" (9) đến tiếc nuối tịch trầm của "…cuộc tình như cơn lốc mang theo hồn người vào trùng dương khép KÍN u mê ngàn đời…" (12). Từ chìm sâu tiếng nấc của "… kỷ niệm nào như muốn KHÓC, nên tôi xin một lần được trao hết cho nhau bằng một lần đôi mắt nai tơ…" (13) cho đến ngọt ngào đón nhận của "… cho tôi xin một lần chân em lại gần, để vòng tay ôm HẾT dung nhan…" (1). TCP đã đưa âm nhạc của ngôn ngữ đi vào một chiều nghệ thuật sâu hơn. Rộng mở hơn. Cô đọng hơn.

IV. KẾT

Thôi, cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên
Thắp đời em sáng lung linh buồn một cõi riêng…

Thôi, cũng đành như kiếp rong rêu một lần hóa thân
Cuốn về phong kín tim ta một đời chói chang…

Thôi, cũng đành như tấp gương tan mờ phai vết xưa
Xót dùm cho tấm thân ta – ngựa bầy đã xa
Những đêm mơ thấy tan hoang hương tình vừa chớm
Muộn màng… (14)
Một mình ta đứng nhìn mối tình duyên tan theo
Nghìn con sóng gào bạc đầu
Nhẹ xô lên dấu chân ghi cuộc tình nhòa trên cát.
Lời người nghe đã chợt lạc loài
Trên thân dã tràng tủi phận,
Hoài công tháng năm se cát biển Đông… (12)

Từng ấy âm thanh. Từng ấy chữ nghĩa. Nghĩ, cũng đã đủ để TCP nói về mình, về thân phận mình, về tình yêu, hạnh phúc. Đoán suy nào, cũng thiếu. Cắt nghĩa nào, cũng thừa.

Giữa một nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại chỉ chú tâm đến ca sĩ thay vì nhạc sĩ, chỉ chú tâm đến những bắt chước lai căng thay vì triển khai sáng tạo, giọng hát và lối diễn tả của TCP với từng nhạc phẩm của mình là một minh chứng tuyệt vời cho sự ký thác trọn vẹn của một linh hồn, của một đời người vào khung trời âm thanh nghệ thuật. Khung trời ấy vốn cô đơn, và hiu quạnh. Nhưng hiu quạnh hơn, cô đơn hơn, là những con người chọn bước âm thầm vào khung trời ấy bằng con tim hiến dâng cho âm nhạc. Và ở lại. Tận tụy. Như thế. Gần trọn đời mình. Và những sáng tác được ươm mầm và thành hình trong khung trời đó là những que diêm lóe sáng, là những viên cát hiến dâng.

Điều tuyệt vời nhất của nhạc TCP không chỉ nằm ở những lóe sáng đó, những
hiến dâng đó. Bởi đó, là những lung linh hữu hạn.

Điều tuyệt vời nhất của nhạc TCP là khi que diêm đã tắt ngúm đi, chiều sâu của màn đêm trong mỗi chúng ta đã được đo lường.

Điều tuyệt vời nhất của nhạc TCP là khi viên cát đã vỡ tan vào lòng biển bầt thinh, con tim trong mỗi chúng ta vẫn còn mang âm vang của một đời sóng vỗ, của một trùng dương thầm lặng thiên đường.

Mà đó, là những thanh vọng vô cùng. Những trầm khơi bất tận.

Nguyễn Phước Nguyên

Trích chú:

(1) Mưa Trên Ngày Tháng Đó
(2) Trên Tháng Ngày Đã Qua
(3) Mùa Thu Mây Ngàn
(4) Qua Vùng Biển Nhớ
(5) Giọt Lệ Cho Ngàn Sau
(6) Kiếp Dã Tràng
(7) Thiên Đường Quạnh Hiu
(8) Mắt Lệ Cho Người
(9) Như Ngọn Buồn Rơi
(10) Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên
(11) Người Về Trên Mây
(12) Kiếp Dã Tràng
(13) Lời Cuối
(14) Như Chiếc Que Diêm