Cao Mỵ Nhân,  Văn

NGƯỜI TÌNH CỦA CHAPA.

CAO MỴ NHÂN 

Mới sáng ngày ra, tôi đã nghe thấy tiếng réo gọi từ thâm tâm, chàng A Phủ muôn đời ở Chapa xưa, mà tôi không thể nào quên được dáng hình thô kệch, ngốc nghếch, ngơ ngác …bên tai, cùng tiếng gió hú nhẹ thôi, lẫn trong hơi thở dài toàn mùi thuốc lá rừng . 

Tôi tung mền ngồi dậy, nhìn ra cửa sổ, mặt trời hôm nay mầu vàng, không thật đỏ thắm như mấy tuần trước đây, có nghĩa là khí lạnh của sương đêm còn bao phủ . 

Đó là mầu mặt trời ở lâm nguyên nhiều cây cao và ghê hồn như lúc nào cũng có ma đứng cạnh …

Và đó cũng là mầu mặt trời đẹp nhất, vào những ngày trong sáng nhất, ấm áp nhất ở nơi tôi đã được sinh ra, CHAPA, vâng , tôi muốn kể hay chỉ cần nhắc lại thời thơ ấu, niên thiếu, quanh ngôi nhà có 3 mặt tường là kiến thật dày, còn vách tường phía sau đã áp vô đá núi . 

Đó là hình ảnh đầu tiên tôi thường thấy mỗi năm vào dịp xuân về, cùng hình ảnh chàng a phủ bất biến trong tâm tư tôi, mỗi mùa xuân tôi trở lại gặp chàng, người tình cổ quái của Chapa thủa đệ nhất bán thế kỷ 20 vừa qua, nghĩa là trước cái năm đất nước VIỆT NAM chia đôi,  1954.

Tôi phải dựa vào chàng ta, một nhân vật thực hư ẩn hiện trong ký ức 70 năm qua. 

Ông này, chàng a phủ bây giờ rất buồn, và rất nhiều năm rồi đã rất buồn mỗi lần người mán mường ấy cô đơn đi trên con đường không còn một dấu vết cũ .

Chàng a phủ Chapa, phải chỉ danh rõ ràng là người Mèo mới đúng. Cho dẫu sau này , tôi được biết không còn danh xưng Mèo nữa , mà nào là H ‘Mong, nào Miêu, Dao,thậm chí còn kêu chàng là Miu gì đó …

Nhưng là chi thì là, với tôi thủa ở Chapa trước khi phải về châu thổ sông Hồng Hà, tôi vẫn thấy dân chúng sinh sống ở lâm nguyên này, vẫn chỉ nói với nhau 2 chữ : người Mèo . 

Thế thì đã hơn một lần tôi kể với quý vị là người Mèo, mà trong đó có chàng a phủ chung chung kia, cư ngụ trên những vạt núi cao nhất, phía tầng thấp hơn của núi non là xã hội của người Mán . 

Rồi cứ như thế, càng gần thế giới người Kinh, tức Việt tộc văn minh, tiện nghi là các sắc tộc cơ bản như : Mường, Tày , Nùng ( còn gọi là Nông ? ) , Sáng sủa đẹp mắt vẫn là người Thái ( Thái trắng, Thái đen ) . 

Trở lại Chapa như tôi muốn kể  hôm nay về chàng a phủ cùng những gì chung quanh chàng ta…

Sáng nay A Phủ nhắc rằng : ” Có thấy mùa xuân sắp về không , cho dẫu còn mùa trăng đông rét mướt nữa , nhưng trong khắp các buôn bản, nhất là ở lũng Mường Hoa, không khí sinh tồn rất lạ . ” 

Còn những hơn trăm ngày nữa mới thấy mặt mùa xuân, sao bản Mường Hoa mừng rỡ điều chi vậy chứ ? ” 

À, họ ra sức thay đổi những luống hoa, họ ra sức dệt thổ cẩm đủ mầu như sắc hoa ngoài trời , nhất là họ tự may những xiêm y sặc sỡ , không phân biệt tuổi tác, họ thảnh thơi sống giữa thiên nhiên …

Thì vốn từ xưa vậy rồi, có chi khác hơn đâu ? 

Hơn chứ, hơn nhiều lắm , dù không phải hơn theo tiếng hú vượn xa, tiếng chim gần nhà vv… mà chúng ta không thể tìm thấy một Chapa thơ mộng, thần thoại nữa . 

Tôi rời Chapa đi lâu quá rồi, tôi không hiểu những điều bạn nói a phủ à. 

Thế này nhé, chữ CHAPA, đã chỉ còn trong ký ức những ai sống ở đó mấy chục năm xưa rất xưa thôi. Chapa nay kêu là SA PA, vâng SA PÁ , chính là Sa PÁ nguyên bản của H’ MONG đấy, người Trung Hoa lại làm rõ nghĩa ra SA PA là Bãi Cát . 

Thế thì từ đây, chúng mình cứ kêu BÃI CÁT cho hiểu ngay nha. 

Được, cũng có nghĩa là ngày xưa, tôi được sinh ra nơi Bãi Cát ư ? Thì có sao đâu.

Đừng liên tưởng máy móc vậy, bạn vừa nói ngôi nhà thủa bé thơ bạn ở với cha mẹ, là ngôi nhà ” thần thoại ” toàn vách tường bằng kiến cơ mà, ô nhà như các lâu đài trong chuyện cổ tích vậy nhỉ ? 

A , đó chỉ là ” Nhà chức vụ ” ba tôi được cấp từ thời Tây, ba tôi không làm công việc giám đốc sở máy điện kiêm sở máy nước Chapa, sẽ không được ở nhà đó nữa . 

Một loạt những vị công chức cao cấp ở Chapa thời đó như ba tôi, đều có nhà ở như vậy , bởi lẽ Chapa là làng nghỉ mát của những ông tây bà đầm người Pháp sống trên toàn cõi Đông Dương thời Pháp thuộc, nên không lạ khi Chapa mang mầu sắc Âu Châu từ buổi đầu tiên khai sáng, đầu thế kỷ 20 vừa qua. 

Đứng trước một rừng đào cánh kép tươi vui, rực rỡ, người ta dễ quên đi những bộn bề ý thức, tư duy mà sau này  có thể hiểu  phạm trù ý thức hệ, thì Chapa thủa đó chính là ngưỡng cửa của thiên đường nơi hạ giới Việt Miên Lèo, mà thực dân Pháp tóm gọn trong 2 chữ Đông Dương quen tai. 

Và nếu quý vị cần biết chi tiết về một SA PA, hậu thân của CHAPA xưa, lập tức có hằng trăm phương tiện giúp quý vị đi tới một SA PA, không phải CHAPA, nơi sanh quán của tôi. 

Do đó tôi không tổng hợp công việc của một hướng dẫn viên du lịch, tôi lại thầm thì với chàng a phủ già nua, hay có thể gọi là lão phu miền núi Fan Si Pan, tiếng Mèo là Hua Si Pan, được hiểu là Núi Đá Khổng Lồ , cao 3143 m, coi như cao nhất Đông Dương đấy . 

Nhưng với a phủ lỗi thời, thì hàng loạt a phủ hiện đại với quần jean, áo khoác da bò, hút thuốc Ăng Lê 3 số 5 , túi thổ cẩm để làm dáng với các cô gái thị thành từ nam ra bắc, quý vị sẽ không thể thấy được những đoạn đường rừng lá to bản , có ngàn loài hoa hiếm, độc, mà sắc hoa anh túc tuyệt vời tự nó thích hợp với cảm quan khách mộ điệu : không giới hạn mầu sắc, và không bó buộc hình thể. 

Bởi đó là loài hoa làm say đắm, huyễn hoặc …lòng người , hoa nha phiến, hay hoa thuốc phiện vậy . 

Lớp a phủ xa xưa không bị loài hoa trên làm đắm chìm cuộc sống, vì một lý do rất dản dị, nó từ cây độc nở ra, nhưng nó chỉ ví như hoa dại ở núi cao, rừng thẳm.

Nếu không có ánh sáng văn minh, không có phong thái huyễn hư, nha phiến hoa không được biết đến . 

Song khi loài hoa anh túc đó được thế nhân chính thức đánh giá về sắc mầu hoa bướm  thiên nhiên, hoa thuốc phiện mới xứng danh là hoa khôi thẩm mỹ . 

Có ai mang nó về nhà làm tươi đẹp khuôn viên, sảnh đường không ? Nó, hoa anh túc ấy, lại bị lẫn lộn với hoa phù dung ở các vùng đồng bằng . 

Hoá cho nên người ta chỉ mượn một chút danh nghĩa ” phù dung ” nơi các bàn đèn thuốc phiện : Khói phù dung. 

Cái chất khói phù dung này đã quấn quýt, vấn vương không ít những thi sĩ, chính khách đi tìm một thế giới hoang tưởng . 

Người a phủ cuối cùng, có lẽ vậy thật, vì lớp tuổi ông ta trẻ nhất đã sắp tròn trăm năm, ông ta thở dài chỉ cho tôi cái biên giới hoa đào dù đẹp thế , từ Lai Châu tới Cao Bằng cả trăm năm trước, nhất là từ nửa thế kỷ nay, đã phạt ngang . 

Việt Nam là Việt Nam, Vân Nam là Trung quốc , không phải vì hoa mà chín bỏ làm mười , người ta đã thực sự không thương tiếc mầu hoa đỏ như ánh rạng đông nữa . 

Biên giới hoa đào đã lở loét trầm kha . 

Bên này vực hào sâu là cây gỗ lớn, để thay thế mỗi 5 hay 10 năm sinh lợi. 

Đôi nơi còn trải thảm hoa trắng xoá, đó là hoa ban dưới trạm đường vô định ở chân núi Hoàng Liên . 

Cũng ở dưới lớp hoa ban trắng mầu tang đó, là những nấm mồ sĩ quan VIỆT NAM CỘNG HOÀ bị đi tù tập trung cải tạo, bị chôn vùi nông cạn, không có giọt nước mắt thân nhân rớt thấm ướt thân tàn, vì đường trường cách trở . 

Nghĩ cho cùng, SA PA  hay SA PÁ bây giờ, đã qua thế kỷ mới , 1/5 của kiếp người xa lạ, còn gì nơi ngưỡng cửa thiên đường đông nam châu Á nhỉ . 

Chứ nếu không quý vị sẽ hỏi là, nếu cái BÃI CÁT  Sa Pa đó cứ mặc nhiên trước thăng trầm xã hội, qua những biến thiên lịch sử, thì chúng ta có gì hay tìm gì nơi Làng Chapa ( Village Chapa ) còn được dịch ra là Xã Xuân Viên, huyện Chapa

 Tỉnh Laokay, bây giờ gọi là thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đó . 

Như vậy, làm thế nào dịch sát tên cái Bãi Cát SA PA thuộc Phố Cổ ( Lao Cai tiếng Hoa là Lão Nhai , để nam thanh nữ tú ra Chợ Tình gặp gỡ, hẹn hò, nên duyên chồng vợ .

Ngoài rặng núi Fan Si Pan cao ngất ngưởng mà đa số dân sắc tộc quanh vùng tây bắc kêu là ” Tảng  Đá Khổng Lồ, 

hiện nay người ta khai thác thành những điểm du lịch được xếp vào hạng nhất VN, trên đó có đỉnh Hàm Rồng, sân Ngắm , sân Mây vv…

Cùng những khoanh ruộng xanh mướt bò vòng quanh sườn núi cũ, tôi tìm thấy được một chút xíu vùng Cát Cát xưa, đoạn đường đèo không dài lắm . 

Sương mù không đặc lắm, nên pha ánh nắng có chỗ  mầu hồng lạt,  có chỗ lại vàng anh như mầu mật ong. 

Tôi nói với a phủ, ngày tôi còn bé, mẹ tôi cho đi chơi Cát Cát để mua rau gì đó, cùng những trái bắp to hột mầu vàng, nhưng luộc thì mềm và bở ra, ăn thật  ngọt và bùi lắm .

A phủ lắc đầu: ” Bây giờ không có và không cần nữa, người ta thích những cái khác, người ta muốn mầu sắc Hanoi, Saigon, và cả bên Mỹ ” .

Tôi có vẻ như đi tìm một cái bóng của mình. 

Tôi thấy tôi không giống ngày xưa, và càng không giống bây giờ, buông tiếng thở dài nhẫn nhịn, a phủ ngô nghê thế mà cũng hiểu ra điều khó diễn tả của tôi. 

Cũng chẳng nên buồn, vì thời gian là cái thước đo đúng nhất, và còn là gói thuốc nhuộm muôn mầu . 

Không phải như thời đệ nhất bán thế kỷ trước, người Mèo 

dệt  thổ cẩm là để bán cho du khách, cho nghệ sĩ trình diễn, người bản địa này thích mặc đồ thời đại như quần bò, áo thung có chữ Mỹ ghi dưới  hững hình ảnh rất tây phương cơ. 

Chúng tôi trở lại thành phố, để đi đúng con đường thủa ấu thơ, từ dưới dốc lên cao, dãy nhà 2 bên đường đổi thay hoàn toan, nhưng điều may mắn nhất, là khu nhà thờ đá vẫn hình thức vậy,  chung quanh làm thêm cơ ngơi khác. 

 Khách quan thì Nhà Thờ Đá Sa Pa là điểm du lịch nặng ký nhất . 

Chị MỸ tôi, khi mới 4 tuổi đã được cha xứ làm lễ rửa tội ở nhà thờ đá này . 

Nhà Thờ Đá ở down town Sa Pa bây giờ là viên ngọc quý, là tài sản …duy nhất của xưa thì kêu Làng, nay kêu Phường Sa Pa , thuộc Thị xã Sa Pa, tỉnh Lao Cai, nơi chỉ rộng 9274 m vuông với dân số cơ bản là 8975 người, thống kê năm 2009 , không kể du khách thay đổi thường ngày . 

Vẫn đứng ở khu Nhà Thờ Đá SA PA, tôi ngó lên cái dốc trước mặt, lưng chừng độ 2/3 con dốc là nhà ba tôi xưa, 1/3 lên đỉnh núi, và tất cả phần đất chung quanh núi là khu rừng đào cánh kép, mùa xuân hoa nở bạt ngàn như xác pháo toàn hồng ở miền suôi. 

Ngoài cửa lớn từ đường đi vào lòng nhà thờ là cội đào cố hữu , hay cây đào cựu cảm , bởi chưng ai biết Sa Pa  rành rẽ cho bằng A Phủ, người tình vĩnh cửu của CHAPA trong rất xa xăm huyền thoại bản Mèo thân quen, đã mất hút…

            CAO MỴ NHÂN