Phương Hoa,  Tin tức

MĂNG MỌC

Phương Hoa

Tiết trời tháng Tám ở miền Nam California vẫn còn nắng gắt. Bãi đậu xe trong khu nhà hàng Majesty hôm nay đầy nghẹt. Ông bạn Quách Cường phải chạy lòng vòng một hồi mới ngừng chỗ cái ô trống bé teo, bị người ta chê bỏ lại vì hai chiếc SUV cao nhồng đậu ăn gian lấn ép cả hai bên. Thật là tài tình, bác Thổ Công của phố Sài Gòn Nhỏ nhanh nhẹn bẻ vô lăng cái rẹt, quẹo vào, thắng két, và đậu thẳng băng chính giữa, chừa mỗi bên một “khe hở” đủ cho hành khách nghiêng mình luồn lách chui ra.

– Nhà hàng Majesty phía bên kia kìa chị! Cường vội lên tiếng khi thấy tôi như muốn …chui vào xe trở lại. –Chỗ người ta đi đông đông đó.

Trước cửa nhà hàng Majesty, người người ra vô nhộn nhịp. Nhìn kỹ thì toàn là gốc Mit phe mình. Thành phố nhỏ tôi ở rất ít người Việt, phần đông Mỹ Trắng và một số người Hoa, bây giờ đến đây toàn là dân Giao Chỉ, nhìn thật là…sướng con mắt.

Tôi đang dạy thiện nguyện cuối tuần một lớp Việt Ngữ, nên luôn thuyết phục phụ huynh cố gắng đưa con em đến trường đều đặn. Tôi từng rất mừng và khâm phục khi lần đầu tiên biết về cuộc thi “Bé Viết Văn Việt” của tờ Việt Báo ở Nam Cali, một chương trình rất giá trị nhằm khuyến khích việc đọc và viết tiếng Việt của con em người Việt ở nước ngoài. Và tôi rất ủng hộ những hoạt động cộng đồng có liên quan đến Việt Ngữ hay văn hóa Việt Nam.  Do vậy mà kỳ này tôi nhất quyết phải có mặt tại chương trình Đào Tạo Tài Năng Trẻ do Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ tổ chức.

Bước vào trong nhà hàng, tôi ngắm mải mê những vóc dáng mỹ nhân trong tà áo dài Việt Nam thật đẹp đủ sắc màu, thướt tha lượn qua lượn lại như những cánh bướm mùa Xuân của các chị các cô trong ban tổ chức và các nữ thực khách.

Những ngày trước đó, trên diễn đàn các thành viên Câu Lạc Bộ email qua lại liên tục, thông báo tình hình bán vé gây quỹ, và thu nhận tặng vật, hiện kim cho buổi lễ. Nhưng tôi không thể hình dung ra ACE vất vả cỡ nào, cho đến khi được tận mắt chứng kiến. Quả thật là một sự tổ chức rất chu đáo, bài bản. Sân khấu trình bày đơn giản nhưng trang trọng, với tấm bảng xanh “Tài Năng Trẻ” bao quanh bỡi những nốt nhạc trắng hài hòa, hai lá đại kỳ Việt Nam Cộng Hòa và cờ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ cắm uy nghi bên phải, một chiếc bánh sinh nhật to tướng có ghi tên nhiều người đặt phía dưới khán đài, làm cho bầu không khí thêm đậm tình thân mật.

Mở đầu là tiết mục chào cờ Việt Nam Cộng Hòa. Bài Quốc Ca “Này công dân ơi…” được cất lên hùng tráng, vang dậy khu nhà hàng vì hầu như tất cả khán giả đều đồng thanh hát theo các em trong “Tài Năng Trẻ” và toàn ban. Tôi xúc động vươn cao giọng hát, hòa cùng những giọng chim non, mà tim tôi gần như nghẹn lại, nước mắt như chực trào ra. Đây là lần đầu tiên sau hơn bốn chục năm tôi được dịp cùng thiếu nhi Việt Nam chào cờ và hát Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa như thời quá khứ.

Nhiều tràng pháo tay vang dội khi MC Lisa Trần giới thiệu Hội Trưởng Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sỹ. Nha/nhạc sĩ Cao Minh Hưng điềm đạm bước lên sân khấu nói lời cám ơn, chào mừng quan khách, và giới thiệu thành phần ban văn nghệ. Thật là cảm động khi Hưng cho biết, hôm nay CLB TNS vui mừng vì thấy mục đích đào tạo và nâng đỡ tài năng trẻ trong âm nhạc, một trong những mục đích hội đã đề ra từ ngày đầu thành lập mà cố Nhạc sĩ Anh Bằng và CMHưng luôn mong muốn thực hiện, bây giờ đã thành hiện thực, và dù cho nhạc sĩ Anh Bằng không còn nữa nhưng anh tin chắc rằng ở trên cao người cũng sẽ rất vui.

Sau khi giới thiệu các thân hào nhân sĩ, báo chí, toàn ban điều hành CLB, Hưng mời Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, cố vấn văn hóa cho CLB TNS, lên nói chuyện. Với giọng nói hơi mệt nhọc nhưng vẫn rất hùng hồn, cụ Tiến Sĩ cho biết cộng đồng Việt chúng ta cần có nhiều hơn nữa những người trẻ như Cao Minh Hưng, Quỳnh Giao, và anh em trong CLB, để góp sức vào việc đào tạo và phát triển tài năng trẻ cho tương lai đất nước sau này. Cụ cũng ngỏ lời khen ngợi CM Hưng và toàn ban CLB TNS đã tận tâm phục vụ cộng đồng, và cụ cũng mong muốn có thêm thật nhiều cộng đồng Việt nơi khác thực hiện những chương trình hữu ích thế này để bảo tồn ngôn ngữ và nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nơi hải ngoại

GS Nguyễn Thanh Liêm

Từ lâu tôi rất ngưỡng mộ cụ Nguyễn Thanh Liêm, hôm nay may mắn gặp ở đây, tôi định đến xin phép cụ chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm. Nhưng thật tiếc, tôi bận nói dở câu chuyện với người bạn ngồi bên, đến một hồi sau mới chợt nhớ quay lại thì cụ đã đi rồi. Không ngờ đó lại là lần sau cùng tôi nhìn thấy vị Giáo Sư khả kính ấy, vì chỉ vài ngày sau là cụ đã quy tiên. Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm ra đi là một mất mát to lớn cho CLB TNS và cộng đồng người Việt khắp nơi.

Trưởng ban đào tạo Tài Năng Trẻ G/S Nguyễn Trần Quỳnh Giao cũng được mời lên phát biểu. Cô chia sẻ, một trong những “mục đích của CLB TNS là gìn giữ tiếng Việt, Tiếng Việt còn, người Việt còn” và “chúng ta có rất nhiều tài năng trong thế hệ trẻ, nhưng các em cần phải được hướng dẫn theo đúng hướng và khả năng” để trong tương lai các em chẳng những hát giỏi ca hay, mà còn “có thể trở thành những nhà lãnh đạo giỏi và hữu ích cho xã hội sau này.”

Phần văn nghệ được bắt đầu với bản hợp ca “Học Sinh Hành Khúc” của nhạc sĩ Lê Thương. Thật vô cùng khâm phục ban điều hành, Cao Minh Hưng, Nguyễn Trần Quỳnh Giao, Lisa Trần, Hạnh Cư, Trần Hào Hiệp, Ngọc Bích, và anh chị em toàn ban Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, nhưng cũng thật tệ là tôi không thể nhớ hết tên và chức vụ của mọi người. Chương trình Đào Tạo mới thành lập trong một thời gian ngắn, mà họ đã tập luyện cho các em nhuần nhuyễn vô cùng.

Sau màn hợp ca, CMHưng giữ bé Kariann ở lại sân khấu, bé tự giới thiệu và trình diễn rất dễ thương bài “Bụi Phấn” của Vũ Hoàng làm khán giả vỗ tay rào rào.

Nhìn Cao Minh Hưng bận rộn tới lui trên sân khấu, tôi lại…lan man. Không biết sức lực ở đâu mà chàng nha/nhạc sĩ trẻ này làm việc giống như người có “ba đầu sáu tay.” Ngoài công việc chính làm nha sĩ lo cho cuộc sống gia đình, Hưng còn sáng tác nhạc, viết văn để tiêu khiển – Cao Minh Hưng đã từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Xuất Sắc trong cuộc thi Viết Về Nước Mỹ năm 2010 của Việt Báo Cali.

Chưa hết, Hưng còn phụ trách nhiều chương trình Talk Show giúp giới thiệu những chương trình âm nhạc, văn học, thiện nguyện, cộng đồng, nghệ thuật hội hoạ, điện ảnh. Điểm sơ qua các việc làm với mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa Việt của CLB TNS, ngoài chương trình Đào Tạo Tài Năng Trẻ hôm nay, còn có tổ chức Giải Thi Hát tại Hội Chợ Tết cộng đồng năm vừa rồi, tổ chức ra mắt sách cho rất nhiều tác giả gốc Việt, trình diễn văn nghệ giúp các chương trình gây quỹ Thương Phế Binh, xây chùa, và các cơ sở văn hóa cộng đồng Việt Nam. Đặc biệt ngày 15 tháng 10 sắp tới, CLB TNS sẽ tổ chức chương trình Đại Nhạc Hội chủ đề “Việt Nam Tôi” tại hý viện Rose Center Theater, Westminster.

Trở lại chương trình, Thị trưởng thành phố Westminster Tạ Đức Trí được mời lên phát biểu. Ông tán dương tinh thần học tập văn nghệ của các em, và trao tặng bằng vinh danh cho CLB TNS, vì đã cống hiến nhiều cho cộng đồng và “hết lòng dạy dỗ con em chúng ta hát ca bằng tiếng Việt để giữ gìn văn hóa truyền thống Việt Nam” ông nói.

Tiếp tục phần biểu diện văn nghệ, các em “Tài Năng Trẻ” đã làm cho trái tim tôi cùng khán giả xôn xao, thổn thức. Nhiều tràng pháo tay nối tiếp khi nghe những giọng ca thánh thót cùng những lời giới thiệu rõ ràng bằng tiếng Việt của các “MC nhí” Kariann, Evelyn, Kellyann, Mira, và Mỹ Linh.

Lilian Đinh ở tuổi thiếu niên điệu đà trong trang phục áo dài vàng, lên hát bài “Ba Mẹ Cho Con” của Phan Văn Minh; Kellyann xinh xắn giọng hát thật ấm áp với bài “Cầu Cho Cha Mẹ” của Phanxico; Anjelika Thuận Thiên áo dài xanh hoa vàng ngọt ngào bài “Chiều Qua Phà Hậu Giang” của Trịnh Lâm Ngân; và Tammy Minh Tâm lứa tuổi mực tím học trò, duyên dáng dịu dàng trong tà áo dài màu hoa cúc – CM Hưng cho biết em chưa bao giờ biết hát tiếng Việt ở nhà – hôm nay rất tự tin với giọng hát mượt mà bài “Trường Cũ Tình Xưa” của Duy Khánh, làm cho mọi người thật là cảm động.

Màn vũ hợp ca điệu múa “Trống Cơm” đã làm tôi gần như nín thở, ngồi xem mà cứ sợ cái cảnh tuyệt vời trước mắt nó sẽ…biến đi. Mười cô “Ngọc Nữ nhí” với khăn vành áo yếm vàng, váy cánh sen vẽ hoa kim tuyến, cùng hai chàng “Tiên Đồng con” khăn đóng áo dài xanh chữ Thọ, mỗi bé mang một cái trống cơm màu vàng nho nhỏ, có trang trí nhiều đường kẻ hình thoi.

Những bàn tay be bé xinh xinh vỗ trống nhịp nhàng, những cú xoay mình thướt tha uyển chuyển theo điệu nhạc, những nét mặt tươi tắn lộ vẻ tự tin, đã thật sự hớp hồn khán giả. Xôn xao chẳng khác nào cánh nhà báo trong một cuộc nói chuyện của tổng thống, người người vội vã rời chỗ, tay lăm lăm máy ảnh, IPhone, và máy quay phim, khom người luồn lách đến gần sân khấu “lấn ép” cả những máy quay phim lớn đặt sẵn trên giá của các nhà báo, đài truyền hình. Nhiều cánh tay vươn tới, ánh sáng chớp lóe liên tục.

Sau khi bé Sapphire Thục Nghi trình bày bài “Gặp Mẹ Trong Mơ” thì cuộc đấu giá gây quỹ bắt đầu. Bức hình chụp cảnh đồng lúa thật đẹp do Hội Nhiếp Ảnh của anh Tony Thuận tặng đã được cô MC Lisa và anh Phạm Ngọc Lân đem ra rao bán. Sau một hồi trả giá, cuối cùng bức tranh đã được một mạnh thường quân là Bác sĩ Ngô Bá Định mua với giá cao nhất, gấp hai lần giá chính thức đưa ra của bức tranh.

Tiết mục kế tiếp do bé Kristina trình bày, bài “Hình Bóng Quê Nhà” của nhạc sĩ Thanh Sơn cùng với màn múa phụ diễn nón lá của các bạn. Bé Evelyn Minh Tuyết theo sau bằng giọng hát truyền cảm với ca khúc “Mời Anh Về Thăm Quê Em.” Và khi Thomas Vinh lên trình bày bài “Mẹ Hiền Yêu Dấu” thì ông xã tôi và ông bạn Cường “chấm” giải nhất cho cậu bé này. Không biết có phải vì họ…bênh vực phe mình, hay là tội nghiệp cho cái cảnh “gươm lạc giữa rừng hoa” của cậu bé, vì hầu hết các “nghệ sĩ tí hon” đều thuộc phe kẹp tóc.

Đến màn hợp ca và múa nhạc phẩm “ruột” của CLB TNS, “Việt Nam Ơi! Việt Nam Ơi!” do hội trưởng Cao Minh Hưng đồng sáng tác với cố nhạc sĩ Anh Bằng, mọi người lại bị bất ngờ, thích thú, xen lẫn cảm động. Tim tôi đập rộn ràng khi nhìn các bé trong những bộ quốc phục ba miền, áo tứ thân miền Bắc, áo dài tím Huế miền Trung, áo bà ba Nam Kỳ, miệng cười tươi rói tay phất cờ Việt Nam Cộng Hòa…

Khán giả còn đang ngẩn ngơ vì tiết mục quá “ăn ý” còn đang tiếp tục vỗ tay, thì bé Mira Minh Châu bước ra trình bày bản “Sài Gòn” của nhạc sĩ Y Vân sau khi bé tự tin tự giới thiệu bài hát của mình, làm mọi người lại phải vỗ đến hai bàn tay đến…ê ẩm.

Cho tới giờ này, ngồi ghi lại các chi tiết buổi lễ ra mắt Đào Tạo Tài Năng Trẻ, tôi vẫn còn như nghe vang vang đâu đây giọng hát Ivy khi bé cho mọi người nghe bản “Lối Về Xóm Nhỏ” của Trịnh Hưng. Một ca sĩ mầm non mới nhú nhưng rất điêu luyện. Giọng bé thật mượt mà, khi thì thanh tao như tiếng chuông ngân, “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca,” lúc mênh mang như thuyền đang lướt gió, của “Tiếng hò cô gái sông Cửu Long,” và bảng lảng như mây trôi, nồng ấm như ánh nắng chiều rọi xuống làng thôn quê mẹ, “Làm cho đôi má em thêm hồng.”

“Đáp trả” lại hai…cụ chàng ngồi bênh cạnh vừa tỏ ra “phe cánh” bầu giải nhất cho cậu bé Thomas Vinh, tôi nói với họ tôi chấm giải “Quán Quân” cho “phe mình” là bé Ivy. Chỉ là đùa chút cho vui, chứ thật ra bé nào hôm nay cũng hay cũng giỏi hết.

Tôi đang chăm chú quan sát và ghi chép, xoay tới quay lui hỏi thăm tên của các “diễn viên” tôi chưa kịp nhớ để dành cho bài viết “không thể không có” về buổi lễ này, bỗng đâu Ngọc Bích, vị phu nhân xinh xắn của hội trưởng Cao Minh Hưng bước lại:

– Chị ơi! Chị ăn đi kẻo đói bụng. Không cần ghi chép hết tên của các bé đâu, lát nữa em sẽ đưa cho chị danh sách chương trình là chị sẽ có đầy đủ.

Tôi giật mình nhìn lên. Vì mãi mê với các tiết mục dễ thương của các em nên tôi hầu như quên khuấy đi mất những món ăn ngon trên bàn. Bây giờ mới thấy đói.

Nếu Ngọc Bích không nhắc, chắc khi nhà hàng đến dọn dẹp tôi cũng không biết được các món ăn của nhà hàng này nó ngon đến cỡ nào. Bây giờ tôi mới biết. Thật đúng như tôi và bạn bè của cặp vợ chồng trẻ trung năng động mà chúng tôi hay gọi đùa một cách mến yêu là cặp “Tiên Đồng Ngọc Nữ” này nhận xét, Ngọc Bích chẳng những xinh xắn mà còn chu đáo dịu dàng biết bao. Người ta nói, sau lưng người đàn ông thành công luôn có một người vợ đảm đang. Nhưng đối với công việc của Cao Minh Hưng, thì cô vợ đảm đang cũng không thể đủ. Hưng có quá nhiều việc để thực hiện, mà việc nào cũng quan trọng khó khăn, cho nên Ngọc Bích ngoài việc đảm đang chuyện nhà, cô còn là một bạn đồng hành, lúc nào cũng luôn sát cánh bên chồng, tham gia cùng CLB TNS đi sinh hoạt văn nghệ khắp đó đây, và ủng hộ hết mình những việc làm của Hưng. Không cuộc họp mặt nào, chương trình nào mà thiếu mặt Ngọc Bích trong những tấm hình tập thể.

Tôi may mắn được xếp ngồi cạnh một chị thật trẻ thật đẹp mặc chiếc áo dài màu tím xinh như cô gái Huế. Nói chuyện một hồi đến khi nghe giới thiệu tôi thật bất ngờ khi biết chị là Như Hảo, giám đốc đài radio Mẹ Việt Nam ở Nam Cali. Lâu nay tôi biết Như Hảo là cố vấn truyền thông cho CLB TNS, nhưng không ngờ chị lại còn trẻ đến như thế.

Trong khi ăn, tôi nhìn bâng quơ qua dãy bàn sát vách phía trong cùng. Dãy bàn đặc biệt này dành cho các “diễn viên nhí” với những món ăn khác hơn của người lớn. Chả giò, cơm chiên, thịt mềm…món nào nhìn cũng hơi “lai lai” thức ăn người Mỹ, vì trẻ em không ăn được những món “xương xóc” như cá chiên, gà chặt, hay càng cua như bên bàn của khách mời. Các nghệ sĩ tí hon có vẻ hào hứng, vừa thưởng thức món ăn vừa trò chuyện, cũng râm ran không thua gì những người lớn gần bên.

Tôi lại dán mắt lên sân khấu khi bé Kristina bắt đầu hát bài “Lời Ru Một Đời” của Nguyễn Hồng Thuận. Cậu bé Thomas Vinh trở lại lần nữa, cùng song ca với Mira Minh Châu bản nhạc cảm động “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của Dương Thiệu Tước. Mira vừa xuống thì hai chị em “ca sĩ” Mỹ Linh áo dài và Mỹ Hân bé tí trong áo bà ba quần lãnh láng bong xuất hiện. Mỹ Linh với vẻ dạn dĩ tự tin, giới thiệu bài hát “Cô Gái Việt” của nhạc sĩ Hùng Lân mà hai chị em sắp trình bày. Diễm phúc thay, nhà ai có hai bé gái rất dễ thương, lại còn là những ca sĩ tương lai đầy triển vọng.

Màn diễn cuối cùng cũng rất tuyệt vời. Đó là màn múa quạt điệu lý dân ca cổ truyền Việt Nam “Lý Cây Bông.” Trong áo đầm nền trắng có điểm xuyết viền và hoa màu hồng, tay vung vẩy chiếc quạt giấy có bèo rộng bản mỏng manh, trang trí hoa sen, cành lá trúc, mỗi em một vẻ, cùng hòa điệu nhịp nhàng, uyển chuyển theo lời ca, làm người ta tưởng tượng như đang xem vũ khúc thiên thai của những nàng tiên non trong các câu chuyện thần thoại. Khán giả lại đua nhau chụp hình tới tấp.

Màn múa quạt của các em thiếu nhi TNT

Kèm theo nhiều tiết mục của các em Tài Năng Trẻ, những nghệ sĩ “gạo cội” của CLB cũng góp phần giúp vui, đặc biệt nhất, thân tình nhất, là tiết mục cùng nhau hát chúc mừng sinh nhật cho các vị có tên trên chiếc bánh trước khi họ cùng chung tay cắt bánh. May mắn cho “chàng” của tôi, ông ấy là người độc nhất có đúng ngày sinh nhật trong buổi birthday tập thể quý ba tháng này.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm chụp hình lưu niệm với thiếu nhi và các huynh trưởng tại chương trình Đào Tạo Tài Năng Trẻ. Chỉ ít ngày sau sinh hoạt này, Giáo sư Nguyễn T. Liêm từ trần.

Còn một điều thú vị nữa, là tôi đã gặp mặt thi sĩ Phi Loan Hoàng Thị Cỏ May. Từ lâu, chúng tôi trao đổi qua lại trên email, nhưng hôm nay là lần đầu tiên “diện kiến” mới thấy “cô bạn ảo” bây giờ…hiện ra thật, xinh tươi như hoa trong chiếc đầm xanh mực.

Niềm vui đầy ắp vì thấy sự thành công của chương trình Đào Tạo Tài Năng do “phe mình” thực hiện, khiến tôi bị lúng túng khi đài truyền hình VNA phỏng vấn vì biết chúng tôi là khách đến từ phương xa. Phần tôi, nói với phóng viên những gì thì tôi quên tuốt luốt. Nhưng “chàng của tôi” có một câu trả lời hổng hiểu sao tôi lại còn nhớ mãi đến bây giờ. Ông ấy đã nói với ký giả, “Tôi cầu mong cho những cánh chim non hôm nay, ngày càng phát triển tài năng vốn có và trong tương lai sẽ trở thành những con đại bàng, dang đôi cánh rộng bay về cứu lấy quê hương.”

Cuối cùng, tôi ước mong những bậc phụ huynh người Việt khắp nơi từ nước Mỹ và các nước trên thế giới, đều ủng hộ con em mình, khuyến khích chúng tham gia các chương trình văn nghệ cộng đồng, đi học, hát ca, và nói chuyện, bằng tiếng nước nhà, để các em tiếp tục nối gót lớp người đi trước, thì chúng ta đâu có lo chi chuyện văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam ngày sau mai một.

Xin trân trọng chúc mừng thành công của CLB TNS hôm nay, và chúc Câu Lạc Bộ cùng chương trình Tài Năng Trẻ ngày càng tiến xa hơn nữa. Đặc biệt là mở rộng thêm nhiều chi nhánh, ở Hoa Kỳ và các nước trên toàn cầu, để đào tạo thêm nhiều mầm non nghệ sĩ, để cùng nhau đem lời ca tiếng hát phục vụ cho việc đòi lại Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền cho Việt Nam chúng ta, như mục đích của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và cố nhạc sĩ Anh Bằng đã đề ra.

Phương Hoa