Kim Thư,  Lê V. Hải,  Phương Hoa,  Tin Buồn: Phân Ưu

TIN BUỒN: Tác Giả Tuyển Tập “Như Một Lời Chia Tay!” Nhà Văn Huy Phương Vừa Tạ Thế – Phân Ưu: LÊN VĂN HẢI – PHƯƠNG HOA – NGUYỄN HUY KHÔI – LIÊU XUYÊN – MINH THÚY – CAO MỴ NHÂN

THƠ HỌA Bài “THÀNH KÍNH TIỄN ĐƯA NHÀ VĂN HUY PHƯƠNG” Của Phương Hoa từ quý “Đường thi sĩ”:

LINH THI

Phụng bái hương hồn Nhà văn Huy Phương!

Xa rồi,… mà nghĩa chẳng hề xa

Bóng hạc ảo mờ nhẹ cánh sa!...

Lòng nặng ưu tư hồn Tổ Quốc

Dạ vương trắc ẩn đất Quê Nhà.

Thi ngôn thưởng…ngát hương huê diệu

Văn bút soi…ngời ánh nguyệt ngà…

Cốt cách đậm hồn trang,…hữu xạ

Ly từ!…lệ ngọc ấm sân ga!

                          27-20-2022

                   Nguyễn Huy Khôi

TIỄN HUY PHƯƠNG

Lòng buồn nghe bạn đã rời xa,

Lìa chốn văn chương giọt lệ sa.

Viết lách bao năm đành bỏ sách,

Dãi dẫu thân thế biệt quê nhà.

Tha hương đời phải lìa quân ngũ,

Đất khách lời nêu mộng ngọc ngà.

Đáng tiếc non sông còn thống khổ…

Huy Phương kìa hỡi… cuối sân ga!

 Liêu Xuyên

THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN

Tin buồn nghệ sĩ đã rời xa

Ngưỡng mộ bao người lặng lệ sa

Nắng đẹp mùa Xuân sao bỏ sách

Hoa xinh lá nụ lại buông nhà

Mầm chương thả nghĩa lời châu báu

Điệu phú vung tay ý ngọc ngà

Quý mến Huy Phương cầu tịnh độ

Văn Đàn Lạc Việt tiễn sân ga

               Minh Thuý Thành Nội

                  Tháng 2/26/2022

DÒNG THƠ TIỄN BIỆT

Xin Thay Lời kính điếu Nhà Văn HUY PHƯƠNG.

Chia tay từ buổi lưu vong xa               

Chốn bụi hồng xưa đổ lệ sa

Tình lính văn phong thường nổi sóng

Hồn quê thơ loạn vẫn thương nhà

Tạp ghi đầy ắp sầu tay trắng

Điểm báo tràn thêm  mỏi bút ngà

Lạc Việt đệ huynh chào chiến hữu

Đau buồn bái biệt cuối sân ga …

     Utah  27 – 2 – 2022

        CAO MỴ NHÂN

Kỷ Niệm Một Tấm Hình 

Biết ông bệnh đã lâu, nhưng khi nghe tin ông mất lòng thấy bồi hồi tiếc nuối một nhà văn, một nhân tài đã ra đi. Lục tấm hình năm nào ông lên San Jose ra mắt sách 2 tập “ Nước Non Ngàn Dặm “ và Quê Hương Khuất Bóng“, ông xã tôi nhìn tựa đề đã bị lôi cuốn liền, ông cũng có thì giờ nói chuyện về quê hương với chồng tôi , và tôi đã chớp tấm hình lưu niệm.

Hôm đó có chị Kim Thư ngâm bài thơ cũng như hát bài nhạc của ông, ngoài ra có ca sĩ Ngọc Lan là học trò cũ của ông phụ diễn phần văn nghệ.

Những bài viết ngắn của ông tôi thường đọc từ các diễn đàn văn thơ chuyển vòng, rất thích những bài ông viết tả những ngôi Chùa ngày xưa nơi quê nhà. Văn của ông để lại đời, còn ông đã ra đi giữa mùa Xuân đầy nắng ấm. Đôi dòng từ biệt. Cuộc gặp gỡ nay chỉ còn là kỷ niệm. 

Thành kính chia buồn cùng tang quyến. Nguyện cầu hương hồn ông sớm về cõi tịnh độ. 

Minh Thuý Thành Nội 

Tiễn Biệt Nhà Văn Huy Phương


Tiễn Biệt ông nằm mộ nghỉ ngơi

“Nước non ngàn dặm“ khóc tình đời

Văn chương suối chảy dài hàm tích 

Tác phẩm lời bay rộng tuyệt vời 

Cách trở sông nguồn mơ trọn vẹn 

Xa lìa lá cội mộng đầy vơi 

“Quê hương khuất bóng“ hoài say tưởng 

Mãn kiếp mong cầu ngủ thảnh thơi              

Minh Thuý Thành Nội                  

Tháng 2/26/2022

Tác Giả Tuyển Tập “Như Một Lời Chia Tay!” Nhà Văn Huy Phương, Đã Thực Sự Nói Lời Vĩnh Biệt Với Tất Cả Chúng Ta!

 *Nhà văn Huy Phương, cây viết có sức sáng tác bền bỉ, tên tuổi nổi nang, được biết nhất tại Hải ngoại.

*Giờ chia tay!

Nhà văn Huy Phương, tên thật là Lê Nghiêm Kính, pháp danh Thiện Bảo. Sinh năm 1937, tại Huế. Vừa qua đời lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, (ngày hôm qua) 25 Tháng 2, năm 2022. Hưởng thọ 86 tuổi. Tại nhà riêng ở thành phố Anaheim, Nam California.

Bà Phan Thị Điệp, hiền thê của nhà văn vừa mất, đã xác nhận và xin gởi lời thông báo đến với tất cả Quý đồng nghiệp, bạn bè, người thân xa gần.

*Hơn 2 năm trời chiến đấu với bịnh ung thư thực quản!

Một người bạn vừa thăm ông, vào những ngày gần cuối đời nhận xét: Vẫn với mái tóc rậm đặc, bạc trắng phau phau, nhà văn Huy Phương lộ nét cực kỳ yếu sức thấy rõ, vì sau gần hai năm ròng rã, chống chọi với căn bệnh ung thư thực quản quái ác. Người gầy khô, còn da bọc xương, mệt mỏi. Nhưng ở ông vẫn toát ra một thái độ an nhiên tự tại, sẵn sàng đón nhận tất cả, bình thản, kể cả cái chết!

Ông tâm sự: “Hồi Tháng Tám, 2020, một hôm đang ăn, tôi bị nghẹn cổ và khó chịu trong người, rồi bỗng dưng ói mửa thốc tháo thực phẩm ra ngoài. Đi soi bao tử, không thấy gì hết. Mừng lắm! Không ngờ sau đó, thì người ta phát giác ra là, tôi bị ung thư thực quản thời kỳ cuối!”

Từ cuối Tháng Ba, năm 2021, bịnh viện chê! không có thuốc chữa! Ông được chuyển sang quy chế “hospice tại gia” Ông đã rời bệnh viện, về tĩnh dưỡng cuối đời tại nhà, của người con gái út ở Anaheim.

*Những lời trăn trối cuối cùng

-Hỏi ông có điều gì trăn trối? Ông không trả lời, mà vói tay lấy tập thơ “Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già” của chính mình. Lật ra bài “Chúc Thư,” chỉ vào đoạn:

“Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp

Có vui chi nhìn người lính chết già

Hổ thẹn đã không tròn ơn nước

Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa!

Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc!”

-Hỏi, có ước vọng gì sau khi chết? Ông tâm sự, còn có một trăn trở cho thế hệ tương lai, nghĩ mãi mà chưa làm được gì.

Điều ông muốn dặn dò là, thế hệ trẻ gốc Việt, là phải cố giữ gìn ngôn ngữ Việt. “Phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là nhiệm vụ của người lớn chúng ta, những người Việt hải ngoại. Vì tiếng Việt trong nước, đã trở thành một ‘cái gì’ què cụt, rất dị hợm, đọc là muốn ói rồi!” Ông xác định: “Mất tiếng Việt là mất văn hóa Việt.” Không chú ý công tác văn hóa, văn học này, chỉ vài chục năm nữa, cả người trong nước, lẫn Hải ngoại, đều ngơ ngác hỏi “Việt Nam tôi đâu?”

*Niềm vui lớn nhất trong đời?

-Hỏi Ông có niềm vui nào lớn trong đời? Ông nói: “Trong lúc làm chương trình ‘Huynh Đệ Chi Binh,’ tình cờ tôi liên lạc được những người, có thông tin chính xác về hai ngôi mộ tập thể, có chôn xác rất nhiều Cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam. Một tại ở Bình Dương, Sài Gòn và một ở Thuận An, Huế. Nhờ đó, tôi giúp được khá nhiều gia đình, để vợ tìm được chồng, để mẹ tìm được con, bà tìm được cháu. Họ viết thư cám ơn tôi tưng bừng! …khói lửa! Không ngờ đó là một hạnh phúc lớn nhất, đối với đời của tôi.”

*Chút tiểu sử Nhà Văn Huy Phương

Trước 75

Nhà văn Huy Phương, tên thật là Nguyễn Huy Phương, sinh ngày 4.10.1927. Quê gốc ở xã Nghi Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Sinh trưởng trong một gia đình nho học đỗ đạt, Huy Phương được theo học từ nhỏ và đã học hết toàn ban tú tài (cũ trước 72)

Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng ít lâu, trong phong trào Tổng khởi nghĩa ở Huế (1945).

Tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ.

Biên tập viên báo chí đài Phát Thanh Quân Đội. Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chỉnh Huấn, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Ngòi viết Huy Phương là cây viết rất sớm. Năm 15 tuổi (1952), ông đã có thơ và tuỳ bút đăng trên Tuần Báo Ðời Mới tại Sàigòn, do Chủ Nhiệm là Ông Trần Văn Ân chủ trương.

Ra Hải ngoại

Ông qua đến Mỹ, từ năm 1990. Sau 7 năm tù cải tạo.

Đã cộng tác với báo Người Việt, Hệ Thống Saigon Nhỏ và Báo Trẻ, Thời Báo (Canada). Đài Phát thanh Việt Nam (Oklahoma) và Đài truyền hình SBTN tại Hoa Kỳ. Thằng Mõ (San Jose)

Ông sở trường, mà mọi người đọc quen thuộc với Ông, với thể loại tạp ghi. Viết về sinh hoạt, đời sống và tâm tình của người Việt trên đất Mỹ. Nhận xét sâu sắc, văn không bóng bẩy, nhưng rất hấp dẫn, chen chút dí dỏm.

Tác Phẩm:

– Mắt Đêm Dài (thơ) năm 1960

– Mây Trắng Đồn Xa (truyện) năm 1966

– Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già (thơ)

– Nước Mỹ Lạnh Lùng

– Đi Lấy Chồng Xa

– Ấm Lạnh Quê Người

– Hạnh Phúc Xót Xa

– Sóng Vỗ Bèo Trôi

– Nước Non Nghìn Dặm

– Quê Hương Khuất Bóng

– Quê Nhà – Quê Người

– Tuyển Tập 80 Huy Phương – Ga Cuối Đường Tàu

– Tuyển Tập Huy Phương “Như Một Lời Chia Tay”.

*Rất nhiều người không biết, Ông còn là một thi sĩ!

Huy Phương ngoài tài viết, còn làm Thơ! Thơ Ông mang nỗi niềm bâng khuâng mang mác, thao thức, trăn trở. Qua Thơ của Huy Phương, người đọc bỗng thấy trái tim mình còn sống! chưa chết! đang đập! Vì còn thấy tình cảm ấm áp nào đó, vẫn len lén chen vào trong tim.

Xin mời thưởng thức 2 bài thơ của Ông:

Dạ Thưa Thầy Thầy Còn Nhớ Em Không?

Quê Hương xưa từ những ngày chinh chiến

Thầy trò ta vội từ giã ngôi trường

Thầy từ đây đã rời xa bục giảng

Trò làm thân chiến sĩ của mười phương!

Rồi Thầy Trò cùng chung màu áo trận

Đời chiến binh ai ngỡ buổi tương phùng!

Từ thế nghiêm trò dơ tay chào kính:

“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”.

Gặp vận nước buổi rã rời tan nát

Thân tù đày nơi nước đục rừng thiêng

Bó nứa nặng trên đường qua suối cạn

“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”

Giờ lận đận ở quê người phiêu bạt

Tóc bạc phơ ngày tháng nặng lưng còng

Buổi hội ngộ nghe muốn trào nước mắt

“Dạ thưa Thầy còn nhớ em không?”

Sau đây một bài thơ “đặc trưng” Huế của Huy Phương, ai đọc mà không cảm động, ai đọc mà không nao nao trong lòng! Hướng về Quê Hương có Sông Hương Núi Ngự, đong đầy nước mắt.

Nhớ Huế

Mùa này nước Hương Giang có mặn

Muối đại dương có thấm vào sông?

Từ ngày anh đoạn tình bỏ Huế

Nguồn xa đã lạc mấy trăm dòng!

Mùa này Huế còn mưa tầm tã

Thương quê xưa vẫn nỗi đói nghèo

Anh ở nơi này vùng nắng ấm

Vẫn nhớ hoài đời Mẹ gieo neo.

Mùa này quê có còn bão lụt

Chén cơm em còn độn sắn khoai?

Trên tiệc rượu người con xa xứ

Men nồng nào lẫn nước mắt cay.

Mùa này Huế có còn phượng đỏ

Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa

Nơi này cả một trời hoa tím

Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.

Mùa này Huế có còn áo trắng

Em hiện thân làm bướm tan trường

Thương ngày tháng một thời niên thiếu

Huế bây giờ – Huế đã mù sương!

Huế của tôi giờ đâu còn nữa

Cảnh vô hồn khuất nẻo người xưa

Hồn cổ tích Hoàng Thành hoang phế

Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ…

Lời kết

Hầu như ai cũng đều công nhận, Huy Phương thuộc những cây bút nổi trội, có giá nhất hải ngoại. Được như thế, vì Ông có tâm huyết với nghề viết. Thêm đức tính cần mẫn, tận tụy, nghiêm túc, đầy trách nhiệm. Đặc biệt là luôn cố gắng tìm tòi để tự vượt lên chính mình, trong hoàn cảnh mới, tự đổi mới học hỏi, để có thể hòa nhập và đóng góp lớn cho nền văn học hải ngoại nói riêng và dân tộc Việt nói chung.

Ông được người đọc và đồng bào quý mến, qua hình ảnh một nhà văn, nhà báo, một chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng ở tù, dù bên thua trận chiến, mà vẫn hiên ngang, không làm mất danh dự của người Lính VNCH.

Ông mất đi, là một mất mát lớn đối với giới Văn Nghệ Sĩ, Truyền Thông, Báo Chí và Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại. Một cây bút nhiều thiện chí xây dựng, có trái tim thương yêu Việt Nam, hầu như không biết đả phá.

Người như Ông làm sao chết được! Hình bóng Ông, lời văn Ông, vẫn còn sống mãi trong các tác phẩm để lại, chưa kể trong tim với những người yêu mến, một nhân cách rất đáng ngưỡng mộ. Trong đó từ lâu đã… có tôi!

Anh Phương ơi, “Anh, Anh không chết đâu Anh!”

LVHải (tổng hợp)

TÂM TÌNH TIỄN ĐƯA NHÀ VĂN HUY PHƯƠNG CỦA THI SĨ HOÀNG MAI NHẤT, VTLV:

Nghe tin nhà Văn, nhà Báo Huy Phương vừa tạ thế, Hoàng Mai Nhất thật sự bất ngờ vì cứ nghi rằng sẽ có một dịp thuận lợi nào đó qua Nam Cali sẽ đến thăm anh. Thế mà…không ngờ:

                                                            NHỚ ANH

                                               “Thôi thế từ nay anh đã đi

                                                 Để lại trong tôi nỗi bùi ngùi                                                

                                                 Thương nhớ chỉ còn trên trang giấy

                                                 Đọc lại như thấy anh còn đây…”

                                                                                  Hoàng Mai Nhất

Tôi biết nhà Văn, nhà Báo Huy Phương cũng do một duyên may tình cờ. Số là thế này, vào một buổi chiều Chủ Nhật, 5/4/2009; nhà Văn, nhà Báo Huy Phương qua TP Seattle, TB WA để ra mắt tác phẩm “NHÌN XUỐNG CUỘC ĐỜI” của ông (nếu tôi nhớ không lầm thì do nhà thơ nữ Trần Mộng Tú và Thân Hữu tổ chức).

Tôi vội vàng đến tham dự. Khách đến dự khá dông, đặc biệt trong số này có một nhóm Nữ ôm những bó hoa; thì ra đó là những học tò ngày xưa của ông, mang hoa đến để kính tặng vị Thầy ngày xưa của mình (Bây giờ làm sao tìm lại được những hình ảnh đẹp trân quý như thế này khi “Đất Nước” mất vào tay bạo quyền csVN).

Khi ông lên nói đôi lời về những gì gởi gấm trong tác phẩm này. Tôi một tên cắc ké, chập chửng làm thơ với tính cách bất đắc dĩ; đã bồi hồi rung động viết vài câu thơ múa rìu qua mắt thợ, lại còn cả gan lên đọc tặng ông ngay lúc đó và đã in trong Thi tập đầu tay “CHÚT ĐỜI CÒN LẠI TRONG THƠ” của tôi ̣(ra mắt ngày 25/7/2021 ở TP Seattle, TB.WA).

* Viết tặng nhà Văn, nhà Báo Huy Phương tại buổi ra mắt sách “NHÌN XUỐNG CUỘC ĐỜI” ở TP. Seattle, TB. WA vào chiều Chủ Nhật 5/4/2009.

                           NHÌN XUỐNG CUỘC ĐỜI

                           Hoa nắng xôn xao chiều Chủ Nhật

                           Đồng hương, chiến hữu tụ về đây

                           Gặp gỡ Huy Phương…” đời nhìn xuống” *

                           Để lòng ấm lại mỗi mùa Đông

                           Xứ người trời lạnh _ mưa giăng mắc

                           Hoài bão một thời vẫn nặng mang

                           Quê hương còn dẫu trong tăm tối

                           Dân Chủ _ Tự Do sắp đến rồi

                           Cuộc đời nhìn xuống Huy Phương nhỉ

                           Nụ cười lại nở trên môi tươi

                                                           Hoàng Mai Nhất

* “đời nhìn xuống”: tên tác phẩm Tạp Ghi của tác giả Huy Phương, vừa mới ra mắt ở Seattle, WA.

Tất cả những điều viết nêu trên, thật sự không là gì hết, cái chính ở đây là sự ngưỡng mộ, kính phục mà tôi cần học hỏi nơi ông: “một nhân cách lớn, đầy đạo đức, không xem thường khinh dễ ai hết ”, cho dù đó là một Hậu Sinh không tiếng tăm, không hề quen biết.

Cho nên: khi về Cali rồi, ông vẫn gọi phone qua cảm ơn bài thơ tôi đã làm tặng ông lúc đó và xin lỗi vì bận quá nên không nói gì với tôi được hết.

Bây giờ nghe tin ông mất, lòng buồn vô hạn; biết nói gì hơn ngoài viết đôi dòng giải bày niềm tiếc thương, tưởng nhớ đến ông như một nén hương lòng kính tiễn đưa ông, cầu chúc Niên Trưởng Huy Phương Thiện Bảo mau sớm về cỏi Niết Bàn.  

 Hoàng Mai Nhất THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

(Viết tại TP. Seattle, TB Washington ngày 27/2/2022)       

          KÍNH TIỄN BIỆT

          (nhà Văn, nhà Báo Huy Phương)        

          Kính tiễn đưa,

          một vị thầy đáng kính trọng

          một nhà Báo, một nhà Văn

          một đàng anh, một Niên Trưởng

          dâng mãnh đời trọn tấm lòng

          dùng ngòi bút khơi mầm sống

          khuyên tuổi trẻ chớ quên nguồn

          cùng giữ gìn ngôn ngữ Việt:

          Dẫu rằng           Sóng Vỗ Bèo Trôi  *

          Trải thân           Ấm Lạnh Quê Người            

          Ra đi                 Nước Non Nghìn Dặm

          Sống cảnh         Quê Nhà – Quê Người

          Để rồi                Hạnh Phúc Xót Xa

          Khi mà              Quê Hương Khuất Bóng

          Giống như         Đi Lấy Chồng Xa

          Ở nơi                 Nước Mỹ Lạnh Lùng

          Đành thôi dõi    Mắt Đêm Dài

          Gởi về               Mây Trắng Đồn Xa

          Lá   Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già

          Cười vui            Cuộc Đời Nhìn Xuống

          Đi hết                Ga Cuối Đường Tàu

          Tựa                   Như Một Lời Chia Tay

        của một người viết “Tạp Ghi”

         nơi xứ người để lại

         cho cháu con mai này

         giữ gìn Văn Hóa Việt.

                                          Hoàng Mai Nhất

                         (Viết tại TP. Seattle, TB Washington ngày 27/2/2022)

*Những câu chữ in đậm là tên các tác phẩm của nhà Văn, nhà Báo Huy Phương đã sáng tác và xuất bản.

NHA-VAN-HUY-PHUONG-DA-RA-DI-KMD1-1

Được tin Thầy rời cõi tạm, tôi thật sự xúc động, cho dù biết “ngày ấy“ thế nào rồi cũng đến. Tôi không có dịp tiếp xúc nhiều với Thầy. Cho dù những buổi ra mắt sách của Thầy ở San Jose, tôi đều tham dự đầy đủ với vai trò một ca sĩ . Tôi hát những bài về quê hương và những bài nhạc phổ thơ của Thầy do nhạc sĩ Đào Nguyên biên soạn.
Tôi biết Thầy bằng trái tim ngưỡng mộ một Nhà Văn, một tên tuổi nồi tiếng. Một ngòi bút “tạp ghi” gần gũi, thân thương…
Thầy biết tôi dưới cái nhìn của một ca sĩ bình thường.
Thế nhưng vào một hôm, qua sự giới thiệu của một Huynh Trưởng gia đình Phật Tử, tôi đã được hân hạnh gặp Thầy. Duyên lành đang đến với tôi khi tôi chuẩn bị giới thiệu một cuốn sách có tựa là Dòng Chảy. Và Dòng Chảy đã biến tôi -một ca sĩ bình thường- thành một con người khác thường. Một Nhà Văn dưới mắt Thầy “… Tôn Nữ Áo Tím là một người kể chuyện tỉ tê, chừng mực, với văn phong trong sáng, cẩn trọng. Tác giả đi sát với tâm lý của nhân vật cùng giới tính, đã đưa chúng ta cùng với nhân vật đi khắp ba miền đất nước..” [Nguyên Phương]. Xin cám ơn Thầy.
Được tin Thầy bị ung thư, tôi bất ngờ và rất tiếc. Tôi liên lạc với các bạn trong nhóm Quốc Học Đồng Khánh, ns Đào Nguyên (cháu) để kiếm chứng thông tin. Tôi tâm nguyện nhứt định phải đến thăm Thầy một lần cuối. Thế rồi tôi đã được như ý.
Vẫn mái tóc trắng dày, đầy sức sống. Nhưng Thầy đã rất yếu trong bộ pyjama màu nâu lạt. Chiếc gậy trong tay, Thầy bước ra cẩn thận, chậm chạp. Ánh mắt vẫn sáng suốt. Thầy vẫn nhớ tôi. Thầy không nói chuyện được nhiều, chỉ Cô Điệp là vợ Thầy, giúp khi chúng tôi hỏi thăm về tình hình sức khỏe của Thầy. Tôi vốn ít nói, nhưng bỗng nhiên hôm đó tôi nói rất nhiều. Tôi muốn gợi nhớ cho Thầy về những lần lên San Jose giới thiệu sách. Thầy chỉ gật đầu không nói. Thầy mệt! Vâng, tôi thật xót xa khi nhìn Thầy đang chuẩn bị rời chuyến tàu chót của trạm ga cuối cùng. Thầy ơi!
Cho dù chưa một lần học với Thầy, nhưng tôi rất trân trọng con người ấy- một nhà văn-một nhà thơ- được nhiều người thương mến. Những lần giới thiệu sách ở San Jose- Bắc Cali, tôi chưa bao giờ bỏ qua. Lần giới thiệu tác phẩm “Ga Cuối Đường Tàu”, tôi man mác một nỗi buồn giấu kín. “Huy Phương ơi, xin ông đừng vội xuống tàu”, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa đã thốt lên như thế. Nhưng cuộc đời có cho phép ai rong ruổi mãi đâu. Có chuyến tàu nào không đến sân ga cuối cùng. Con tàu đưa Thầy đang kéo còi chuẩn bị  vào ga. Thầy đang sống với những khoảnh khắc đối diện với bờ vực tử-sinh. Thầy ơi! Một câu nói mọi người ai cũng biết “Khi ta sinh ra, mọi người cười, ta khóc. Khi ta ra đi, mọi người khóc, ta cười “. Vâng, mọi người sẽ nhỏ những giọt nước mắt thắp sáng một tên tuổi HUY PHƯƠNG-Lê Nghiêm Kính 
… “Khi tôi chết, ván hòm xin đậy nắp/ Có vui chi nhìn người lính chết già/ Hổ thẹn đã không tròn ơn nước/ Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa…..” [Chúc Thư-Huy Phương]
Bên cạnh cuộc đời của Thầy  không thể thiếu một bóng hồng rất đẹp. Cô  Phan Điệp. Một người vợ thật tươi vui, nhã nhặn. Cô  gọi Thầy là Anh Bính. Cô nói: “Khi viết văn, anh là Huy Phương. Trong khai sinh tên là Nghiêm Kính. Còn với Điệp, anh là anh Bính….” Rất dễ thương  
Bây giờ Thầy đã yên nghỉ. Thầy đã thật sự rời chúng ta. Một nén nhang, xin được góp lời cầu nguyện hương linh Thầy sớm về cõi Phật.
Vĩnh biệt Thầy, Huy Phương-Lê Nghiêm Kinh 







TÔI BIẾT THẾ NÀO ANH CŨNG VỀ … (Phan Nhật Nam)

Tôi biết thế nào anh cũng về…

Lần Huy Phương đi chuyến tàu cuối một mình..

25 Tháng 2, 2022 

Tôi biết thế nào anh cũng về (1)

Không bây chừ thì dăm bữa nữa

Cuộc đoạn trường nầy mấy ai lần lỡ   

Ga cuối đường tàu không phải chờ lâu (2)

Bước chậm rãi, dạng hình thấp thoáng

Nắng chiều hôm đỗ bóng xuống sân ga

Khô gió chướng thổi xòa tóc rối

Lạnh lùng thấm hiểu một-mình-ta

Hiểu lẻ tử/sinh- Hiểu kỳ còn/mất

Một lần “mất nước” tưởng nằm mơ

Đêm chợt thức.. áo tù đầm ươn ướt

Hóa ra ta bật khóc tự bao giờ?!

Sáng sớm điểm danh, tù xuất trại

Nhìn quẩn quanh chẳng biết ai với ai?

Người bạn kia nghe quen tiếng nói

Đói lạ lùng sạm mặt, tái màu da!

Chiều về nhìn bóng núi săm sắp

Hỏi rằng sống được đến ngày mai?

Đêm nằm nhóp nhép môi khô nhạt

Tưởng miếng cơm, nhớ bữa ngọt ngào  

Cố gõ lấy đầu như gỏ cửa (3)

Mà sao cửa đóng chặt then gài

Nhìn xuống giếng chợt thấy.. Ôi kinh hãi

Trắng phau phau bợt nhạt mái tóc mai   

Mười năm khổ thân tù xa xứ

Trở về phố cũ nhìn không ra

Thơ Hạ Tri Chương hóa không đủ

Đi về đâu? Nào “đồng bào ta”?

Nhà cũ không còn. Cửa đóng chặt

Hỏi, thưa không một tiếng trả lời

Muốn ngữa mặt kêu với trời khẩn cấp

Có hay không.. Một phận, nghiệp cho người?

Vợ rày rạn tả tơi vùng kinh tế mới

Con đâu rồi.. Thân gởi chốn biển khơi

Ôi bé bỏng một thời cha bế ẵm

Trôi về đâu lớp lớp sóng gào đau

Cắn chặt răng, cố nhập thân xứ lạ

Chắc nắm tay, lại khởi cuộc từ đầu

Chiều tan sở, tuổi gìà, xe đời cũ

Giữa giòng người nêm chặt.. Exit về đâu?

Anh cố viết như đã từng gắng sống

Viết những gì..  Và gắng sống..

Vì sao?

Đất Mỹ – Không khứng cho “Người Thất Trận” (4) 

Quê nhà nào – Chỉ Hạnh Phúc Xót Xa! (5) 

Vẽ hộ anh em một Chân Dung ngơ ngác (6)

Viết giùm chiến binh Bản Di Chúc đắng cay (7)

Còn được bao nhiêu Người Muôn Năm Cũ (8)

Đủ hơi tàn về họp mặt Tháng Tư? (9)

Thôi nhé Huy Phương..

Dẫu sao cũng còn một nơi mong trở lại

Ngôi trường xưa đầm thấm vọng Lời Thầy

Lớp học lắng im, bóng cây bàng mát rượi

Bên giòng Sông Đá rạn giọt Mồ Hôi (10)

Nơi trường ấy, Thầy dạy Người Tử Tế

Hãy Yêu Thương – Hãy Chân Thật trăm bề

Nên tôi biết…

Thế nào Anh cũng về chốn ấy,  

Trên chuyến tàu cuối cuộc nhớ Thầy Lê!

Ghi chú: 

#(1;3;4;5;6;7;8;9): Những đầu sách và bài viết của Huy Phương

#(3): Thơ Tô Thùy Yên 

#(10): Sông Thạch Hãn; Trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị – Nơi Huy Phương/Thầy Lê Nghiêm Kính dạy lớp học đầu đời trước khi nhập ngũ Khóa 16 Thủ Đức, 1964

Nhớ Ngày 25 Tháng 2, 2022

Cùng Ngày Mạ mất, Bà Phương Dung, (1922- 25 Tháng 2, 1961) 

Phan Nhật Nam