Tác giả và Tác Phẩm

Chinh Nguyên : Mẹ Tôi (trích trong tuyển tập Mẹ Tôi)


M EÏ  T OÂ I
 

 

 

Tôi không hiểu mẹ tôi năn nỉ thế nào với sư cụ của Chùa Phà Đen để ngài cho không mẹ tôi miếng đất gò bên cạnh giếng nước đào giống như cái chảo, và vườn ổi bao la của chùa để mẹ tôi dựng lên túp lều nhỏ đủ cho bốn người rúc vào ngủ đêm như một gia tài, sau khi chúng tôi đã theo mẹ bỏ làng Thành Lập chạy loạn vào thành Hà Nội.

 

Làng tôi theo quốc lộ một từ chợ Lịm qua làng Sổ Nghệ, quận Thường Tín, Đồng Văn tới chợ Mơ vào Hà Nội, khoảng 20 cây số. Nhưng mẹ đã dẫn anh em tôi đi tắt theo đường ruộng qua những cách đồng của làng Bái Vàng, Hoàng Nguyên, Sổ Nghệ vào Ga Đồng Văn, ngồi trong góc ga dơ bẩn để ăn hai chén cơm trắng với muối do mẹ tôi mua ở quán bên cạnh. Khi ăn xong mẹ dắt chúng tôi vào Hà Nội qua lối chợ Mơ đi ngang Chùa Vua rồi đến khu vườn ổi Chùa Phà Đen.  

 

Người dân sống quanh vùng này gọi Chùa Phà Đen có lẽ vì chùa ở ngay cạnh con đê sông Hồng và bến Phà Đen. Thực dân Pháp đã dùng bến phà này chuyển than đá xuống tàu để đưa về mẫu quốc, sau khi than đã được vận chuyển bằng xe lửa từ Lao Kai, Quảng Ninh.

 

Anh em tôi theo mẹ bỏ làng trong khi cha tôi đã vắng nhà sau trận cãi vã với chú Quân, vì hai người có chính kiến khác biệt nhau. Tôi có lần nghe mẹ nói với dì Chúc, chú Quân tôi có thể giết cha tôi bất cứ lúc nào mặc dù cha tôi là anh ruột, nhưng cha tôi đã không thể làm những gì chú Quân đã và đang tiếp tục. Chú có thể ra lệnh cho lính du kích Việt Minh dưới tay gõ cửa nhà những người chống đối chính sách khủng bố của Việt Minh giữa ban đêm không màng đến sự van xin khóc lóc của vợ con họ. Khi đã bắt người chủ ra khỏi nhà du kích bịt mắt kẻ xấu số, dẫn đi từ cánh đồng làng này qua cánh đồng làng khác để mất hướng tìm về nếu kẻ xấu số chạy thoát. Du kích có thể chặt đầu kẻ chống đối bỏ lại giữa đồng và mang thây bỏ sang cánh đồng khác sau khi đã tra tấn, hoặc buộc đầu người xấu số vào tảng đá thả xuống sông Hồng để không ai còn nhận ra xác người thân.

 

Cha tôi đã thẳng thắn khuyên can chú vì thế mà anh em trở nên thù nghịch lẫn nhau, và có thể giết nhau…! Những mâu thuẫn khác biệt giữa anh em ruột đã làm ông bà nội tôi buồn phiền cả đời và hối hận không nguôi. Tôi thường nghe ông bà nói với nhau khi cha tôi và chú Quân vắng nhà :

 

      Biết thế tôi để ông đưa thằng Quân lên Hà Nội học        thì anh em nó đâu có thù nghịch lẫn nhau…!

      Tại ngày đó bà giữ nó ở nhà.

      Vì tôi nghĩ thằng Tình đi rồi, thì thằng Quân ở nhà với tôi, rồi cho nó học trường quận cũng được. Ai ngờ nó theo Việt Minh chống Pháp, rồi làm những chuyện thất đức…! 

      Thôi lỡ rồi bà! Để Chúa lo! Theo Việt Minh hay theo Pháp cũng như nhau thôi, họ đều giết dân cả!

 

Cha tôi là thư ký Quốc Dân Đảng Tỉnh Hà Đông sau khi học ở Hà Nội về làng, với tên húy Ký Sê. Chú Quân theo Việt Minh, với tên chú đã đổi Nguyễn Thành Cao, trung đội trưởng trung đội du kích tỉnh Hà Đông. Cả hai người cùng ra đi biệt vô âm tín sau khi cãi nhau trước mặt ông bà nội và trước khi thực dân Pháp mở cuộc đổ bộ từ Ga Đồng Văn về những làng trên thung lũng sông Hồng.

 

Để phô trương lực lượng kiểm soát trong vùng, du kích Việt Minh đã bắt dân trong làng đi lao động ban đêm để đào hố đắp mô dọc đường quốc lộ số 1 từ làng gần quận Đồng Văn, Thường Tín, nhà thờ Sổ Nghệ tới chợ Lịm. Người dân chẳng đặng đừng phải bóp bụng đi theo và vâng lời những người lính du kích triệt để, nếu không sẽ bị giết trên đường về làng, sau đó người nhà liên hệ sẽ bị trừng phạt không biết lúc nào. Nhưng nếu nghe theo những gì người lính du kích chỉ bảo để đi phá hoại đường sá, cũng sẽ đi tới chỗ bị thực dân Pháp xả đạn nát thây trong lúc vô tình họ đi tuần tiễu đêm bắt gặp.

 

Người dân trong thung lũng sông Hồng đã như con cá nằm trên thớt dưới hai con dao thực dân Pháp và du kích Việt Minh, con dao nào chém xuống đầu người dân cũng lìa khỏi cổ. Muốn hay không muốn người dân bao giờ cũng là kẻ phải cúi đầu làm như nô lệ, bị lợi dụng và hy sinh. Sự hy sinh của họ là đói khổ, máu, nước mắt, và nỗi lo sợ triền miên kéo dài từng ngày trong kiếp sống thường xuyên căng thẳng bị khủng bố của hai bên.  Người dân quê đã trở thành con vật không biết chống đối, luôn vâng lời hoặc bị giết bất cứ lúc nào tùy theo nồng độ vui buồn của chủ nhân ông!

 

Sau khi đặt mìn chống các loại xe dưới những mô đào giữa đường lộ, du kích đã gài mìn bẫy trên những bờ ruộng và ở một vài nơi trọng yếu trong làng. Họ ném lựu đạn vào thực dân Pháp đang đổ bộ trên đường làng theo từng nhóm, bắn một vài loạt tiểu liên, súng trường, và liệng dăm ba trái lựu đạn chày rồi âm thầm rút lui sau khi đã giấu súng dưới ao rau muống hay trong bùn sâu của ruộng lúa. Họ lẫn vào dân để trốn thực dân Pháp nhưng cũng để theo dõi và khủng bố tinh thần những người dân vì sợ đòn tra tấn của Pháp mà khai ra sự thật.

Nếu có người dân nào khai ra những gì thực dân Pháp muốn biết, gia đình người dân đó sẽ bị khốn khổ, hoặc bị thủ tiêu ngay đêm sau khi quân Pháp rút về căn cứ. Do đó người dân lúc nào cũng lo sợ trong nỗi khủng hoảng, nhọc nhằn nghèo đói cơm chẳng đủ ăn vì phải đóng thuế nặng cắt cổ và bóc lột của cả hai bên.

 

Vì sự ngăn địch của du kích Việt Minh, nên làng tôi và những làng lân cận đã bị cùng số phận đau thương. Thực dân Pháp pháo kích vào làng lúc nửa đêm trong khi dân còn đang ngủ sau một ngày cày cấy; cho xe tăng cày nát những ruộng lúa xanh mà dân làng tôi đã đổ mồ hôi nước mắt vun trồng. Những chiếc máy bay T28 đã nhào lộn trên không rồi thay phiên nhau đổ bom xuống làng khi trời vừa hửng sáng đã làm những nóc nhà nổ tung tan hoang bốc cháy giữa sự kinh hoàng máu đổ, kêu khóc và chạy tán loạn đi tìm chỗ núp.

 

Sau những trận bom và pháo như mưa vào làng, quân Lê Dương Pháp đã tràn vào lục soát toàn vùng với lòng căm phẫn dã man. Họ đã lùa dân lại thành từng nhóm ngồi trên sân nhà thờ để chờ thẩm vấn qua những người Việt thông ngôn hầu tìm tung tích du kích quân. Người dân bị trừng phạt cả ngày trong đe dọa đánh đập và không nước uống, cơm ăn, do đó đã có một vài ông bà cụ già chết dưới nắng được khiêng vất vào góc tường phía sau chỗ dân ngồi. Quân Lê Dương Pháp đã ngang nhiên bắn giết vài thanh niên trong làng để thị oai trước mặt đám đông, tuy nhiên họ đã chẳng tìm ra ai là quân địch của họ.

 

Người dân đã ngậm miệng trước sự đánh đập tàn nhẫn đến ngất xỉu hoặc bị bắn chết đưới tay kẻ ngoại xâm lúc đang điều tra, nhưng nuốt hận không dám nói ra sự thật, vì nếu nói ra gia đình họ sẽ bị khủng bố và chết chung dưới lưỡi mác của du kích Việt Minh. 

 

Quân Pháp cũng đã lột trần năm ba thiếu nữ, đàn bà trẻ trong làng khi họ bắt gặp lúc đang hành quân. Quân Pháp hiếp dâm tập thể những người này cho đến khi xác rũ rượi không hồn, rồi vất kẻ xấu số xuống ao hoặc bỏ trần truồng giữa đồng ruộng hay quăng vào bụi rậm trong làng.

 

Sau khi làng tôi đã trở thành những đống gạch vụn, những mái tranh cháy sập, những cuộn khói bốc cao và xác chết vì bom đạn sóng soài thân máu, hoặc bị lửa cháy nằm cong queo rải rác trên những nền nhà mái rạ đang bốc khói.

Kết quả du kích Việt Minh đã hạ sát được mấy nhân mạng thực dân và đã làm bị thương gần chục lính Lê Dương; nhưng đổi lại du kích Việt Minh cũng thiệt hại khá nặng so với thực dân Pháp, và những làng phụ cận cũng đã bị chiến tranh tàn phá theo với xác dân chết và bị thương nằm la liệt bên đường.

 

Tôi theo mẹ bỏ làng trong khi tai tôi còn nghe vẳng tiếng khóc than của những kẻ bị thương, của những người đang tìm xác người thân trên nền nhà đổ nát. Tôi gọi mẹ sau khi tôi đã vô tình nhìn thấy thằng bạn ngơ ngác ngồi nấp bên đống gạch vụn đang đè lên đôi chân mẹ nó, trong khi em nó đang khóc bú bầu sữa mẹ vô tri, mà dòng sữa là máu trên vết thương trước ngực mẹ nó chảy ra đang dần khô lại.

 

Mẹ tôi dừng lại nhìn nhanh vào chỗ thằng bạn tôi, rồi thở dài lắc đầu với lệ lăn trên má.

      Không được đâu con! Mẹ muốn cứu tụi nó lắm nhưng đành chịu thôi con à, vì  mẹ cũng đâu biết làm sao để nuôi các con trong lúc chạy thế này…!

 

Nói xong, mẹ kéo tay tôi đi vội vã như chạy trốn anh em thằng bạn tôi, chân tôi đã đạp lên một vài vũng máu đọng khô giữa đường, và thỉnh thoảng tôi quay đầu lại nhìn thằng bạn xấu số cho tới khi tôi gặp ông bà nội.

 

Chúng tôi bỏ làng trong khi ông bà nội tôi quần áo rách tả tơi vừa từ bụi tre đầu làng chui ra để tiễn cháu với nước mắt tràn trên khuôn mặt lọ lem, và tôi bỏ làng theo mẹ khi bà ngoại tôi đang khóc ngất ôm cậu út nằm chết sóng soài trên nền nhà đang có những cột gỗ gẫy gục bốc cháy.

 

Ngày đó với đôi chân trần, quần áo tả tơi và cánh tay trái bị thương, mẹ đã cố đèo bồng hai em gái tôi với một gói quần áo đeo trước ngực. Mẹ xắn quần quyết định bỏ làng ra đi để bước trên những luống khoai, ruộng lúa mà mẹ đã một thời cùng dân làng chăm lo cày cấy, đã một thời thay cha tôi dắt trâu ra đồng một mình cày bừa ruộng chiêm sũng nước để gieo mạ, đã một thời tay mẹ cầm vồ để đập những tảng đất rắn trên luống cày khô tháng hạ. Mồ hôi mẹ đã đổ ra thấm vào luống khoai, nước mắt mẹ đã chảy xuống trên đồng lúa chín với niềm cô đơn thiếu cha tôi bên cạnh.

 

Cũng thế, dù hoàn cảnh nào mẹ vẫn kiên nhẫn thân cò đội nắng dầm mưa theo trâu cày ruộng, tát nước đắp bờ, gánh lúa chiều về và tưới rau vườn sau chờ cha về làng và sống hy sinh cho chồng con.  Thế mà mẹ đành bỏ lại tất cả phía sau với tiếc nuối niềm riêng yêu thương vời vợi. Mẹ bỏ lại tình quê xóm nhỏ trong nước mắt sầu dâng ngút ngàn, trong căm hận dấu kín đáy lòng đối với lính du kích Việt Minh dã man và thực dân Pháp bạo tàn để bước trên những dấu in trên đất của xích sắt xe tăng, để ngã xuống bên cạnh những hố bom vì trượt chân, và cõng nặng em tôi trên lưng, trong khi tôi và người em gái kế chạy theo sau như hai gà con ríu rít sợ quạ chạy theo bên mẹ trong cơn mưa bão trùng trùng.

 

Sau khi được sự đồng ý của vị sư cụ, mẹ tôi dẫn ba anh em tôi lên gò đất đào lỗ chôn cọc và đựng vài miếng giấy carton làm vách, phủ vài miếng tôn thiếc làm mái và trải chiếc chiếu rách trên gò làm chỗ ở cho bốn mẹ con.

 

Đêm lạnh mẹ ôm lấy anh em tôi trong nước mắt yêu thương che trở và nỗi buồn riêng thở dài thâu canh, sáng mẹ đã đi thật sớm trong khi anh em chúng tôi còn đang co quắp ngủ trên chiếu lạnh, chiều muộn mẹ về với quần áo đầy hồ xi măng và chân tay mẹ xước da chảy máu. Sau này hỏi ra tôi mới biết rằng mẹ tôi đã làm phu hồ, một công việc nặng nhọc của đàn ông nhưng mẹ tôi cố xin cho được công việc này hầu có chút tiền đem về nuôi anh em tôi.  

 

Vì mẹ nghèo nên tôi và hai em đã không còn được đi học như khi còn ở trong làng quê. Mỗi lần mẹ nhìn đám trẻ cắp sách đi học là mẹ lại nhìn chúng tôi với hai dòng lệ chảy trên gò má khô cằn vì đói khổ và nắng mưa đơn độc một mình làm nuôi ấp ủ ba con trong cảnh Hà-Nội xô bồ kiếm sống.

 

Mẹ tôi dạy tôi nấu cơm cho hai em ăn và dặn tôi phải bảo vệ thương em. Tuy nhiên tôi chỉ nấu cơm còn thức ăn là vại cà muối mặn và hũ mắm tôm mà mẹ đã làm sẵn cho ba anh em ăn cả năm. Đôi khi em tôi đòi ăn rau muống và chỉ xuống ao của chùa, tôi đành nhìn quanh để phòng ngừa có ai đang đi tới, và bảo hai em chạy về nhà nấp trong lều. Trong khi hai em tôi kéo tay nhau vội vã chạy về nhà, tôi nhẩy xuống bờ ao hái vội vàng một ôm rau rồi leo lên bờ chạy thục mạng. Đôi khi tôi theo ông đánh lưới ven sông Hồng xin vài con cá long tong dính lưới đem về nhà kho mắm tôm mẹ làm sẵn, những bữa ăn có rau cá như thế đã làm anh em tôi vui và ăn cơm thật ngon miệng.

 

Có một lần tôi dậy trễ, nhưng thấy mẹ còn nằm trong xó lều và run lập cập. Tôi biết mẹ đau nhưng không biết làm sao trong khi mẹ rên khẽ trong miệng và đòi uống nước. Tôi lấy nước lạnh ngoài lu đặt trước lều và nâng đầu cho mẹ để mẹ uống, trong khi vừa uống mẹ vừa khóc và dặn tôi:

      Nếu mẹ đau không thể đi làm được nuôi các con, con dẫn hai em vào chùa gặp sư cụ.

 

Sau câu nói đó mẹ ôm lấy anh em tôi khóc sụt sùi. Thế là ba anh em tôi cùng ôm lấy mẹ khóc mùi quên ăn. Mẹ bệnh đã hai hôm không ăn, lúc nóng lúc lạnh nhưng vẫn không quên ôm lấy hai em tôi bằng đôi tay run rẩy yếu đuối, nhìn tôi bằng đôi mắt đầy lệ, và nói với tôi bằng đôi môi khô cằn thiếu sức sống.

 

Tôi vừa chạy vừa khóc khắp xóm chùa Phà Đen để xin thuốc cho mẹ, vì ngoài việc đi xin thuốc này tôi không hiểu gì hơn. Tới nhà ai tôi cũng gõ cửa, lạy họ kể chuyện mẹ tôi bị bệnh nặng và xin thuốc cho mẹ. Những người hàng xóm nghèo cũng đâu có gì hơn một vài viên thuốc cảm mà họ chắt chiu dành dụm mua khi có tiền, tuy nhiên họ cũng chia sẻ cho tôi và sau khi nhận thuốc tôi đều vội vàng chạy thật nhanh về nhà đưa cho mẹ uống.

 

Cũng may, dì Chúc gánh gạo từ quê lên Hà Nội tiếp tế cho chúng tôi theo định kỳ mỗi đầu tháng, trong khi tôi bỏ mẹ đau nằm trong xó lều cho hai em trông coi để đi xin thuốc. Dì bật khóc sau khi nhìn thấy mẹ đang nằm run trong góc lều tối, và vội vàng  cõng mẹ tôi đi bác sĩ. Dì đã tháo đôi khuyên vàng dì đang đeo đem bán cho tiệm kim hoàn để trả tiền thuốc cho mẹ.

 

Sau khi mẹ tôi khỏi bệnh, dì Chúc trở lại quê nhưng mẹ tôi đã không thể làm phu hồ được nữa trong khi cha tôi vẫn biệt tin và chiều chiều mẹ thường ngồi nhìn ra bờ đê với đôi mắt buồn rưng lệ thở dài.

 

Một sáng mẹ dậy thật sớm, chiều tối mẹ trở về với một bên là thúng gạo nếp và bên kia là cái cối đá xay bột.

 

Tôi hỏi mẹ :

      Sao mẹ mua nhiều gạo nếp và cái cối này làm gì?

 

Mẹ nhìn tôi :

      Mẹ đã học được cách làm bánh cam, mẹ làm bánh cam mang đi bán lấy tiền nuôi các con, và cũng nhàn hơn làm phu hồ.

 

Tôi nhìn sang cái cối đá.

      Cái cối này nặng quá.

      Con giúp mẹ, hai mẹ con mình cùng xay là sẽ kéo được. Mẹ biết con làm được mà.

 

Tôi gật đầu, trong khi mẹ tôi nói tiếp.

      Con vào trong lều lấy cái bao bố và cái chổi trong góc lều ra đây cho mẹ.

 

Sau khi tôi lấy chổi và bao bố ra đưa cho mẹ, cũng là lúc mẹ tôi nắm lấy tay tôi kéo đi.

      Con đi ra bến Phà Đen với mẹ.

      Làm gì hở mẹ?

      Quét than vụn trên cầu đem về trộn với bùn làm than đốt chiên bánh cam.

      Con không biết.

      Mẹ chỉ cho.

      Dạ!

 

Những khối than lớn bằng thùng nước và những mảnh nhỏ vỡ toả ra óng ánh như kim cương dưới nắng hè Hà Nội cùng với ý niệm mang than về cho mẹ dùng chiên bánh bán lấy tiền nuôi anh em tôi đã làm tôi vui, và tạm quên đi những thằng bạn xóm quê để leo lên từng goong tàu đậu trên bến phà. Tôi chạy tung tăng trên bến, nhẩy xuống sông tắm trong nắng hè và cúi quét gom từng đống nhỏ như mẹ dạy và hốt từng tay vốc bụi than bỏ vào bao bố mang về cho mẹ làm than chiên bánh cam.

 

Mỗi lần tôi vác túi than về là toàn thân tôi lọ lem cũng đen gần như than đã làm mẹ cười, nhưng trong ánh mắt mẹ nhìn tôi có nỗi buồn đã làm tôi quấn quít gần mẹ hơn, và tôi cũng cảm thấy an ủi khi nhìn những chiếc bánh cam phồng tròn lên trong chảo mỡ sôi với màu vàng và hột mè bao quanh.  

 

Chiều mẹ chiên bánh, tôi đi quét than trên cầu Phà Đen. Tối mẹ và tôi cùng xay gạo và lọc nước lấy bộ, trong khi hai em tôi vê từng viên lớn đậu xanh đã được ngào đường làm nhân và xếp đều trong chiếc khay nhỏ. Sáng mẹ thức sớm gánh một bên thúng bánh đã chiên và bên kia lò bếp có vài viên bột trắng như nắm tay trong chảo mỡ đang sôi. 

 

Đời sống ba anh em tôi dính liền với nỗi nhọc nhằn của mẹ và túp lều ọp ẹp nghèo nàn, tuy nhiên nó lại là hạnh phúc của mẹ trong cái buồn phiền phảng phất nhớ cha tôi.

Cũng từ ngày mẹ đổi nghề làm bánh cam anh em tôi luôn gần mẹ và được săn sóc nhiều hơn, vì mẹ đã về sớm và nghề bán bánh cam cũng nhẹ nhàng hơn đi làm phu hồ.

 

Sáng mẹ quang gánh ra đi, tôi lo cho hai em ăn cơm mẹ đã nấu sẵn, ăn xong tôi dẫn chúng chạy theo đoàn lính truyền tin Việt Nam đang được huyấn luyện tập trận và chuyển tín hiệu trong vườn ổi của chùa Phà Đen. Tôi chỉ cho em từng cái máy chuyển tín hiệu và giải thích cho chúng theo sự tò mò hiểu biết đơn sơ của tôi đó là cái nào kêu tích… tích… tè… tè…, cái nào phải dùng máy phát điện có hai người ngồi quay, và cái nào phải bóp cái nút bên hông rồi nói vào ống nghe để nói chuyện với người bên kia vô tuyến.

 

Hàng ngày tôi dẫn em theo đoàn lính trong vườn ổi nên tôi đã quen được một vài người. Họ nhờ tôi đi mua nước cam ba con cọp trong lúc họ bận tập hành quân. Khi uống họ để chừa lại kể như thưởng công cho tôi, và tôi lại nhường cho hai em, sau đó tôi xách chai không đi bán cho những người mua ve chai để kiếm vài xu đem về đưa cho mẹ.

 

Mỗi lần có giờ nghỉ, đoàn lính luôn quây quần thành vòng tròn và họ luân phiên nhau đứng ở giữa kể chuyện vui rồi cười vang cả vườn ổi. Đôi khi có ngưòi đứng ra hát, vì thế bài hát Làng Tôi của Chung Quân đã nhập vào trí nhớ tôi, và tôi đã hát thuộc lòng tự bao giờ tôi cũng không hay: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lờ lững vờn quanh…” 

 

Trong sự thật làng tôi cũng có cây hoa gạo lớn trước sân nhà thờ, gần sông Hồng, chung quanh là lũy tre xanh và ruộng lúa bao la. Cái tình quê nồng ấm nằng nặc theo tôi với bài hát Làng Tôi tình tự từ đó!

 

Cha tôi vẫn biệt tin trong nỗi khổ của mẹ, và căn lều trên gò đất của Chùa Phà Đen đã là nơi anh em tôi sống bên mẹ trong sự giúp đỡ thuốc của hàng xóm khi lâm bệnh gạo của dì Chúc nhọc nhằn đi chân đất gánh từ quê tiếp tế vào thành cho chúng tôi sinh sống.

 

Một hôm mẹ về rất sớm. Mẹ gọi tìm anh em tôi trong vườn ổi, dắt về lều, bảo anh em tôi đi ra ao tắm, và thay quần áo mẹ vừa mua về. Tôi trông thấy thúng bánh cam đã chiên của mẹ còn đầy, nhưng trong lời mẹ nói nghe vui hơn mọi ngày, tôi hỏi mẹ.

      Sao hôm nay mẹ về sớm? Mẹ đau hả…?

 

Mẹ nhìn ba anh em tôi rồi mỉm cười lắc đầu.

      Không, mẹ vẫn khỏe mà.

      Sao thúng bánh cam vẫn còn đầy?

 

Mẹ ôm lấy ba anh em tôi, hôn lên trán từng đứa.

      Mẹ mang về cho các con ăn một bữa no, rồi mẹ dắt các con tới nhà bác hai Hán bạn của cha mẹ.

      Cái ông mà hay tới nhà ông bà nội ngồi nói chuyện với cha con trong buồng kín phải không mẹ?

 

Mẹ tôi gật đầu.

      Bác hai Hán cũng làm việc như cha con, bây giờ bác có nhà ở đường Bạch Mai.

      Cha con ở đó? Tôi hỏi mẹ.

 

Mẹ tôi lắc đầu, nhưng ánh mắt mẹ vui.

       Không, nhưng cha con thỉnh thoảng về đó.

      Cha con làm gì hở mẹ.

 

Mẹ tôi lắc đầu rồi nhìn tôi thở dài.

      Cha con bị Việt Minh chỉ điểm cho Pháp. Bị Pháp bắt và Pháp đã dụ cha con đi theo họ rồi!

 

Mẹ nhìn thẳng vào mặt tôi, nói tiếp:

      Bác Hai Hán và cha con nói rằng: Thà theo Pháp còn hơn theo Việt Minh! Mẹ cũng không hiểu tại sao hai người nói vậy! Tuy nhiên mẹ đã bị du kích Việt Minh dưới quyền chú Quân bắt mẹ tra tấn dã man để điều tra nơi cha con thường lui tới. Chú Quân định giết mẹ nên mẹ sợ chú của con lắm!

      Vậy cha con có giết người dân như du kích và Pháp không mẹ…?

 

Mẹ nhìn tôi không nói, nhưng tôi hiểu rằng mẹ tôi mừng vì sẽ được gặp lại cha tôi, tuy nhiên mẹ tôi cũng buồn cho ước vọng của cha tôi không toại nguyện với lý tưởng cha tôi hằng theo đuổi là chống Việt Minh và thực dân Pháp!

 

Một tuần sau khi gặp bác Hai Hán, mẹ tôi được bác hai Hán giúp thuê căn nhà trong hẻm Thăng Long trên đường Bạch Mai đối diện với cổng phi trường quân sự Bạch Mai. Ở đây anh em tôi được đi học tại trường Tiểu Học Bạch Mai, có xe xích lô đạp đưa đi nhưng tôi thích đi tàu điện hơn. 

 

Mỗi sáng tôi đợi tầu điện trước cổng phi trường quân sự Bạch Mai, tôi nhìn thấy những chiếc phi cơ của thực dân Pháp cất cánh và đeo nặng bom dưới hai cánh là tôi nhớ tới cảnh làng tôi bị tan hoang trong chiến tranh làm mắt tôi chợt rưng lệ. Tôi nhớ làng Thành Lập bị thiêu rụi trong khói lửa, nhớ ông bà nội ngoại, nhớ các bạn bè cùng lớp trong làng và nhớ lại cảnh cùng mẹ thoát ra khỏi làng trong khi đạn bom đang nổ phía sau, để mắt tôi chợt dâng lửa hận thù theo hút theo từng chiếc phi cơ đang lướt lên cao.

 

Pháp thất trận Điện Biên Phủ. Chúng tôi năm anh em theo cha mẹ xuôi Nam với gia tài là đôi tay gầy yếu của mẹ. Mẹ tôi lại một lần nữa cần cù kiên nhẫn mang nghề bánh cam chiên gánh đi bán rong khắp thành phố Nha Trang, và cho anh em vào học trường Thánh Tâm gần Nhà Thờ Núi, trong khi cha tôi theo Tiểu Ðoàn 10 lưu động tiếp tục hành quân khắp miền Trung và bỏ mẹ tôi một mình chăn nuôi đàn con dại dần một đông thêm.

 

Chúng tôi sống trong căn nhà lá tại trại định cư Phước Hải giữa bãi cát ngày nắng cháy đêm lạnh đắp chiếu, nhưng được ăn no và quần áo không đến nỗi rách hơn thời gian bỏ làng ở bên Chùa Phà Đen.

 

Khi cha tôi giải ngũ cũng là thời gian tôi học đệ thất trường La-San Bá Ninh gần đường Duy Tân cạnh bờ biển. Mỗi lần tan trường về tôi nhìn thấy cha mẹ làm việc bên nhau, trong khi em tôi chạy vui trên sân, tôi cảm thấy gia đình tuy nghèo nhưng hạnh phúc, và mẹ tôi đã bớt  nhọc nhằn bên chồng con…

 

Tuy nhiên có những đổi thay không ngờ trong gia đình, sau khi cha giải ngũ, và gia sản nhỏ bé do mẹ tôi tần tảo bán từng cái bánh cam tiết kiệm gom lại đã bi tiêu tan vì cha tôi buôn bán thất bại bởi tin bạn bè bất chánh. Sự thất bại của cha đã làm mẹ tôi quyết định bỏ Nha Trang lên Ban-Mê-Thuột, một vùng đất mới của những trại định cư cho dân xứ Bắc ly hương như Trần Hưng Đạo, Châu Sơn, Kim Châu, Kim Phát, Buôn Hô và Chi Lăng.

 

Chúng tôi theo cha mẹ định cư tại trại Trần Hưng Đạo gần sát bên tỉnh lỵ Ban Mê Thuột, nơi đây mẹ tôi lại một lần nữa dùng đôi tay mềm yếu cầm cuốc phá rừng, khom lưng nhổ từng đám cỏ tranh, vun từng luống rau, và dùng đôi vai gầy gánh từng gánh rau mang ra chợ bán kiếm tiền cho chúng tôi ăn học. Cha chăm lo đào từng hố đất trồng cà phê trên những mảnh đất mới phá, và vào rừng kiếm từng đọt măng tre mang về muối ăn dần.

 

Đời sống gia đình từ tay mẹ tôi vun trồng trong nỗi nhọc nhằn đêm ngủ trễ, sáng thức sớm và chiều chợ về muộn để anh em tôi được hạnh phúc.

 

Thời gian dần trôi, anh em tôi đã lớn, và thành người đã làm mẹ tôi vui trong những ngày giỗ, Tết. Nhưng mẹ tôi lại có nỗi niềm ám ảnh chiến tranh đang lan tràn trên khắp miềm Nam mà mẹ tôi đã cố quên đi khi phải lìa miền Bắc.

 

Cái cảnh chết thảm trong chiến tranh ở quê miền Bắc đã ám ảnh mẹ tôi triền miên nên mỗi đứa con ra đi vào quân trường là mỗi lần mẹ khóc chạy theo dặn dò đủ chuyện, và sáng tối luôn cầu nguyện xin Chúa ban ơn lành cho những đứa con của mẹ tôi đã ra đi vào lửa đạn được bình yên.

 

Tôi bỏ dòng tu sau mấy năm ở nhà tập để về ở với mẹ, vì thấy em tôi đã lần lượt bỏ mẹ đi vào cuộc chiến, trong khi mẹ tôi ngày một già yếu, vất vả với cái cuốc vườn rau, và lo âu cho các con đang trong vòng lửa đạn.

 

Ngày tôi vào Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang đã làm mẹ tôi khóc ngất, nhưng thân trai tình nhà phải lìa! Tôi cũng đành giống mấy đứa em bỏ mẹ mà đi. Tôi nhìn mẹ ngã vào vai cha mà lòng tôi quặn lại đau xót, sụt sùi bước đi nhưng thực sự tôi muốn quay về bên mẹ!

 

Trận chiến càng trở lên khốc liệt với những địa danh làm người nghe phải lắc đầu thở dài với bao nhiêu xác của những người trai trẻ đã hy sinh nằm xuống cho lý tưởng tự do của cả hai miền Nam Bắc, mà lãnh đaọ hai bên đều là bá đạo dựa vào ngoại bang để mất chính nghĩa chủ quyền. Lãnh đạo bất chính trong khi tuổi trẻ ôm mộng thái bình cho đất nước đã phải hy sinh oan uổng, và đã làm các bà mẹ đau khổ mất con dằn vặt hàng ngày trong nổi sầu thương chất ngất vì con!

 

Khăn sô trên đầu những đứa trẻ ngây thơ mất cha, và những người vợ hiền càng nhiều thêm trong chùa, trong nhà thờ của mỗi ngày rằm và Chúa Nhật.

 

Những thằng bạn cùng lớp ngày một mất dần theo làn sóng chiến tranh. Đứa bỏ xác bìa rừng góc núi, đứa nổ tan rã trên không trung như trái cầu lửa, đứa trở về với tấm thân không còn nguyên vẹn, và riêng tôi giờ đây nhìn lại mình vẫn còn nguyên vẹn nhưng nửa đời mang hận lưu vong đến xót lòng, có nhà không ở, nước còn mà thân không xứ như tầm gởi cây người, xác vùi xứ lạ!

 

Những người bạn đế quốc mới của cả hai bên đã nhẩy vào nhà tàn phá thuần phong mỹ tục Việt, đưa súng cho anh em bôi mặt giết nhau, để rồi kẻ thắng cuộc trong sự gian dối vô đạo lại một lần nữa đưa dao chém xuống cổ người cùng giống không chút xót thương!

 

Mẹ tôi bây giờ đã chín mươi với những nếp nhăn nhọc nhằn hằn trên gương mặt già nua cằn cỗi theo tháng năm, và mắt đã kém luôn mờ lệ nhắc tên từng đứa con và ước ao trở lại quê nội ngoạị khi nằm xuống. Tay mẹ tôi đã run không cầm được đũa để ăn, đôi chân đã yếu chậm chạp bước đi trong patio, nhưng mẹ vẫn không yên được nỗi lo cho mấy đứa con còn lại bên kia biển Đông.

Lòng mẹ tôi đã chia hai trong nỗi sầu xa xứ, thương con mỏi mòn trên nước ngoài, xót đoạn trường cho những đứa con còn lại quê nhà, và mỗi ngày khi trời gần tối là mẹ tôi cố lần đi cài lại tất cả cánh cửa nhà trong khi miệng lẩm bẩm dặn con cháu:

      Ai gõ cửa nửa đêm con và các cháu đừng mở nghe. Du kích nó mà vào nhà là chết cả nhà đấy nghe chưa…!

 

Lại thêm một mùa Xuân xứ lạ, tôi và mẹ một già một trẻ ôm nhau trong patio để nhìn những cánh mai vàng đang hé nụ đã làm mẹ tôi chợt nhớ lại những ngày cũ. Mẹ kể cho tôi nghe thật nhiều những đắng cay nhọc nhằn trong tuổi xuân của mẹ trước và sau ngày lấy chồng với trí nhớ dần lụn tàn.

 

Đời mẹ đã bao lần đi tỵ nạn Cộng Sản, chiến tranh…!

 

Mẹ tôi đã không có mùa xuân…!

 

M .M ẹ…!

 

Mẹ, Mẹ…! Đời con nghèo thân vất vưởng

Nợ quê hương gánh mãi tuổi xế chiều

Ba mươi năm lẻ vẫn mang hận lụy

Đời bèo trôi sông lạ tủi nhục nhiều

 

Mẹ, Mẹ ba mươi tháng tư rồi đấy

Thân mẹ gầy cúi mãi mỏi lưng còng

Con lưu lạc tìm đường về cố quốc

Mẹ đừng buồn, cùng đừng đứng chờ mong

 

Mẹ, Mẹ con quì đây, đầu vái lạy

Quay hướng nhìn con dõi mắt hướng đông

Khóc thương mẹ, tủi quê nghèo vận nước

Ước một ngày đường hoa chợt đơm bông

 

Kính dâng mẹ và dì Chúc.

Con viết ra một đoạn đời nhọc nhằn của mẹ và dì.

 

San Jose March 11, 2005

 

 

THƯ GỞI MẸ

 

Nhặt chiếc lá gói gởi về quê mẹ
Kèm trong thư nét bút đã đổ xiêu
Để mẹ biết đời con đà vàng úa
Như bóng mây, lá đổ cuốn muôn chiều.

Thư con viết chẳng có gì đáng nói
Chỉ vài câu lệ đã nhỏ tan loang
Trên trang giấy chỉ còn vài nét chữ
Tên mẹ yêu trong dòng viết lệch hàng.

Con vẫn nhớ ngày ra đi mẹ tiễn
Giữa sương chiều phủ ngập cả núi đồi
Mẹ quay về con nhìn theo dạ xót
Nhưng cũng đành bỏ mẹ lại thân côi.

Vắng con rồi mái tranh còn hay đổ ?
Dậu trước nhà vẫn đứng hay bìm leo ?
Luống sắn, khoai bây giờ ai cầm cuốc ?
Để vun trồng cho mẹ khỏi đói nghèo .. !

Thân con đã lạc loài trên bến lạ
Mấy chục mùa tuyết đổ lá thu rơi
Hồn khắc khoải nhìn mây bay chiều vắng
Lệ ứa tan trong khóe mắt không lời.

Chiều hôm nay mưa nhiều cây rụng lá
Đổ xuống thềm như ngày tháng mưa xưa
Con gọi mẹ âm thầm trong tâm tưởng
Nhớ thu nào cơm nắm, mẹ tiễn đưa.

CHINH NGUYÊN

 

MẸ ƠI

Cám ơn anh cánh lan rừng
Tưởng như 16 tuổi mừng mẹ yêu
Tiếc rằng đêm lạnh sương nhiều
Tóc pha màu xám muối tiêu nửa đời
————————————–
Gọi người, thuyền đã ra khơi
Buông tay mẹ cũng rã rời phiến đau 
Mẹ đi non nước vẫn sầu
Quê hương con bỏ giữa cầu oan khiên
Bên kia những khối buồn phiền
Bên này một chuỗi nỗi niềm thương mong
Mẹ ơi con có một lòng
Cắt ra mấy đoạn đốt trông đường về
Con đường mộng cũ chân đê
Nước sông Hồng đỏ vỗ về mạ non
Đêm trăng tiếng hát ví von
Giữa dòng sóng nhịp tình tròn mê say
……………………………………………
Từ đây đã mất xuân đầy….!
Đời con mộng vỡ thu vầy lá bay (vầy vò)
Mẹ ơi… sao mắt con cay…????

Chinh Nguyên

MẸ ….

Lặng lẽ sương mờ tiếng thông reo
Tưởng như tiếng mẹ gọi bay theo
Bước bước lệ rơi đồi gió hú
Chân buồn lững thững xuống chân đèo

Mất mẹ đời con buồn lữ thứ
Cũng đành một kiếp sống buông trôi
Ngoảng lại mẹ ơi mờ tầm mắt
Cách biển bờ xa chỉ mộng thôi

Mẹ ơi… Mẹ mất anh em mất
Đứa ở chân mây, đứa góc đồi
Đứa ôm tình nghĩa mong gói lại
Đúa xé tan hoang bạc lạnh môi

Thôi Mẹ, xá chi đời dâu bể
Mong gì ấm lại bóng mẹ xưa
Xuân vui ngày cũ, xuân mừng tủi
Đừng buồn nghe mẹ, bóng sông mưa

Banmêthuột, ngày giỗ đầu của mẹ. Jan.7, 2011. 

Chinh Nguyên.

 

 

 

 

error: Content is protected !!