Tạp ghi

Câu Chuyện Văn Thơ 02

Tòa soạn xin giới thiệu với bạn đọc. Chúng tôi sẽ lần lượt trong 5 tuần, mỗi tuần một bài trên trang thơ của cơ sở Văn Thơ Lạc Việt, tuần báo Ðời Mới. Xin mời quý vị đón đọc sau đây bài thứ hai.

 

Câu Chuyện Văn Thơ 2

Hà Thượng Nhân

 

Lần trước tôi đã viết về thơ bốn câu của Ðông Anh. Lần ấy tôi chỉ viết đùa đùa vui chơi. Lần này tôi muốn viết nghiêm chỉnh hơn. Không những viết mà còn họa thơ tứ tuyệt của Ðông Anh. Ðủ hiểu rằng tôi rất tâm đắc lối thơ ngắn ngủi này của anh. Ðông Anh viết hàng trăm bài, mỗi bài mỗi vẻ. Viết về người yêu. Viết về người bạn. Về cái nhà mới, cái nhà cũ. Cái gì cũng thơ, bởi cái gì cũng gửi gấm ít nhiều hơi hướng của người thơ. Bán nhà mà nói:

 

“Căn nhà hạnh phúc đã thành tên.

 

Căn nhà đã gọi là căn nhà hạnh phúc nghĩa là nó dính chặt với đời sống của thi nhân mà phải bán đi thì cũng ngậm ngùi thật.

 

“Hiên trước sân sau, mái tới nền

Góc bếp vườn chơi đầy kỷ niệm

Nhặt hòn đá vỡ nát con tim

 

Nhặt một hòn đá vỡ mà đã nát con tim thì những gốc cây, những chỗ ngồi, những chỗ bù khú cùng bạn bè, chuyện trò, thơ thẩn mà sầu tủi, đau đớn đến cỡ nào nữa.

 

Ðông Anh là một kẻ đa tình. Ta vốn nòi tình, thương người đồng điệu. Ngày xưa Chu Mạnh Trinh viết như thế về chuyện Kiều. Nay tôi muốn bắt chước họ Chu cũng thương người bạn thơ là như vậy.

 

Ngày xưa bác sỉ Trần Văn Bảng vốn là kẻ đa tình và đa tài. Ông bắt tôi giới thiệu bạn nghệ sĩ cho ông. Ðể làm gì vậy? Làm con bệnh của ông. Ông cho rằng bọn nghệ sĩ “ít hay nhiều đều có bệnh” (malady). Tại sao tôi nghe gió lạnh mùa thu thì lo mặc áo, thấy lá vàng mùa thu thì biết sắp hết năm, còn các ông thì thương nhớ hão huyền, mang mang sầu thiên cổ. Ông muốn dùng văn nghệ sĩ làm đối tượng chữa bệnh. Nguyễn Du là một con bệnh. Hồ Xuân Hương cũng là một con bệnh hơn ai hết. Tôi nhớ lúc đi tù về có nhận một lá thư của ông kèm một bài thơ. Thơ rằng:

 

“Bước tới Orly hí hửng mừng

Trong lòng chắc mẩm có con cưng

Sân ga bỏ ngỏ không người đón

Hành lý kềnh càng thiếu kẻ bưng

Gặp mặt dâu đầm mồm lẩm bẩm

Vào nhà ảnh bác mắt trừng trừng

Nước nhà độc lập, sang chi thế?

Nghe chúng la, mình mắt lệ rưng!”

 

Chúng còn la bác sĩ của chúng ta nhiều chuyện, như la ông ăn bánh mì rơi chỗ vụn cũng vội lấy đút vào mồm. Cô con dâu đầm buông môt chữ sauvage (mọi rợ) quên rằng bố chồng mình là giáo sư y khoa đại học. Thấm thoát thế mà đã xong một kiếp người. Anh Bảy ơi! Viết về Ðông Anh lại nhớ đến anh, nhớ đến anh Nguyễn Tuấn Phát. Nay mai nếu tôi còn sống. Nếu Ðông Anh đi trước thì có lẽ viết về một người bạn trẻ nào đó lại nhớ đến Ðông Anh.

 

Bán căn nhà đầy kỷ niệm đã buồn. Mua căn nhà mới tinh cũng buồn. Buồn vì nó lạ hoắc. Lạ từ hàng xóm láng giềng đến những nỗi niềm riêng. Lúc nào cũng ngổn ngang tâm sự, đến nỗi vợ chồng mà cũng:

 

Ðôi ta còn đó chung giường

Tình yêu vẫn thiếu, tình thương lại thừa.

 

Tội nghiệp! Không gì buồn hơn tuổi già. Cách đây trên mười năm tôi gặp bác sĩ Phạm Bửu Tâm. Ông là bạn học của anh tôi. Gặp tôi, ông đưa bài thơ. Tôi cầm mà không thắc mắc. Sao cái ông khoa trưởng y khoa lại làm thơ thế này. Nói trước quên sau, ăn thì rơi vãi chẳng ra làm sao. Tôi đọc mà hết sức ngậm ngùi. Bèn họa lại để tạ lỗi với vong linh anh. Nhưng bài thơ chưa kịp đăng thì mất!

 

Anh Ðông Anh! Tôi sẽ còn viết nhiều kỳ về thơ tứ tuyệt của anh. Viết về anh mà cũng viết về bằng hữu.

 

Viết về hàng trăm bài thơ của anh thì không thể chỉ vài trang là đủ.