Tạp ghi

Câu chuyện văn thơ 01

Hôm nay trang thơ của cơ sở Văn Thơ Lạc Việt nhận được năm bài viết của thi sĩ Hà Thượng Nhân. Ðây không phải là thơ mà là những bài viết tản mạn về văn thơ. Ông ghi lại những kỷ niệm, những thoáng nhớ chợt hiện trong khoảnh khắc. Ông bàn về văn chương của bằng hữu. Ông nói đến cuộc sống khi xưa và đời sống bây giờ. Tất cả những bài ngắn đó lấy tên là Câu Chuyện Thơ Văn 1 đến 5. Có bài vui, có bài buồn, có bài phê bình, nhưng tựu trung là những tâm tình diễn đạt với bạn bè để cho người khác hiểu rõ tâm tư, suy nghĩ của mình.

 

Tòa soạn xin giới thiệu với bạn đọc. Chúng tôi sẽ lần lượt trong 5 tuần, mỗi tuần một bài trên trang thơ của cơ sở Văn Thơ Lạc Việt, tuần báo Ðời Mới. Xin mời quý vị đón đọc sau đây bài thứ nhất.

 

Câu Chuyện Văn Thơ 1

Hà Thượng Nhân

 

Chắc ông nhà banh Giao Chỉ chẳng bao giờ nhận mình là nhà thơ, nhà văn cả mà viết thật nhiều, viết như bổ củi, nhiều người viết lách chuyên nghiệp thấy mà ngán. Viết lại không dở, hay thì chưa biết, nhưng vui.

 

Trong cuộc đời làm gì cũng cốt vui. Mua vui cũng được một vài trống canh. Cụ Nguyễn Du đem cả tấm lòng, cả cuộc đời mới viết thành một tác phẩm. Ấy vậy mà cụ cũng chỉ mong mua vui được một vài trống canh. Câu nói ấy khuyến khích người viết. Thôi thì chẳng được một vài trống canh cũng được một tí tẹo trống canh. Cuộc đời góp chung nhiều tí tẹo lại cũng đủ vui.

 

Cho nên để mua vui, chúng tôi cũng không ngại viết về ông bạn Ðông Anh và các câu tứ tuyệt của ông. Thơ bốn câu là thơ ngắn, nhưng cũng chưa ngắn bằng thơ Hài Cú của người Nhật (3 câu) càng không ngắn bằng lối thơ một câu của thi sĩ Cao Bá Thao, hậu duệ của thi hào Cao Bá Quát.

 

Ông Ðông Anh, cứ xét theo các bài ông viết là một người không ưa sự bình thường.

 

Hoặc dài thoòng như những bài hành thậm thượt hoặc ngắn ngủi như bài thơ bốn câu. Tôi nhớ ngày xưa cụ Tản Ðà dịch thơ cho nhà báo Diệp Văn Ky,ợ cụ chỉ chọn thơ tứ tuyệt. Tứ tuyệt ngắn, mỗi câu lại chỉ có bốn chữ. Vỏn vẹn cả bài thơ chỉ có 16 chữ. Dịch ngắn như thế để làm gì? Ðể đỡ tốn công. Mà dài hay ngắn tiền nhuận bút cũng chỉ 5 đồng. Thời cụ Tản Ðà, lương của các cụ Tú cụ Cử dạy Hán Văn ở trường tiểu học mỗi tháng chưa được 5 đồng. Ông Diệp Văn Kỳ là nhà triệu phú. Tiền đối với ông không thành vấn đề. Miễn là có tên của cụ Tản Ðà. Thơ ngày ấy quý thật. Chẳng trách mà “Trai thì đọc sách ngâm thơ”. Chẳng bù với bây giờ ở hải ngoại người làm thơ thì lền khên nhưng người mua thì hiếm lắm! Thế mà vẫn có ra mắt sách khiến cho tôi phải tâm sự với ông Tú Lắc rằng”

 

Anh Tú ơi! anh Tú ơi!

In thơ anh định sẽ mời ai mua?

Khôn như Tú chẳng thua thiên hạ

Sao lại đi bậy bạ ra thơ?

Con tằm rút ruột nhả tơ

Chẳng nuôi không lẽ bây giờ bỏ sao?

Chuyện văn nghệ tào lao như thế

Mà chúng mình cứ ghé ngồi chơi

Chẳng qua một lũ dở hơi

Lăn vào lửa đo,Ư thiệt đời thiêu thân

Lại Hoàng Tuấn theo chân ông bố

Nghiệp thi ca cũng cố chen vào

Dại không biết nói thế nào

Vài ngàn phỏng thử biết đào đâu ra?

Thương ông quá mới ca một mách

Kẻo mai này ông “rách” tả tơi

Rồi ông lại đổ tại trời

Ðừng nên chơi cái trò chơi dại này!!!

 

Cái Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt ra đến cuốn thứ mấy rồi, tôi không biết, nhưng kỳ này không để bán mà để tặng. Tặng cũng không mấy ai chịu đọc. Bẽ bàng chưa? Ấy vậy mà người ta lại ưa cái tiếng thi sĩ. Cả những ông luật sư, bác sĩ là những người chiếm địa vị lớn trong xã hội bây giờ vẫn lăm le làm thi nhân.

 

Tôi có lần viết rằng: Người ta càng già, thơ càng ngắn đi. Nói làm gì cho nhiều lời? Càng ngắn càng súc tích. Mấy ông Âu Mỹ, ăn thì ăn thịt, khoa học thì tiến bộ. Họ khỏe mạnh hơn người phương Ðông chúng ta. Cho nên thơ của họ thường viết dài. Ðọc thử Lamartine mà coi. Nguyễn Bính còn thua xa.

 

Tứ tuyệt tuy ngắn nhưng đủ. Cũng như một truyện cực ngắn. Ngắn nhưng phải đủ. Phải Khai Thừa Phá Hợp.

 

Ví dụ nói về ngày Tình Yêu ông Ðông Anh viết:

 

“Một đóa hoa hồng phơn phớt tím

Tặng nàng gửi gấm chút tình yêu

Valentine Hai Không Không Sáu

Em với hoa khoe sắc mỹ miều”

 

Ðã quá! Có hoa. Có tặng người yêu. Có hoa và người khoe sắc mỹ miều. Chứ nhiều lải nhải mà làm gì? Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Người đẹp đâu huỡn để nghe những điều không cốt lõi. Tâng bốc nàng. Không nịnh nàng!

 

“Bốc” em đến thế này là hết cỡ:

 

Em về ngày tháng quên tên

Em đôi mang nặng ưu phiền nước non

 

Em ghê gớm quá. Em là tất cả mà. Ta phải tin nhà thơ chứ! Ðọc ông mà không tin ông thì biết tin ai?

 

Rồi ông nhớ. Không nhớ em mà nhớ bạn:

 

Ðã tước trần ra chẳng dấu gì

Máu đào từng giọt máy phân ly

Hai hai mười một đi thanh thản

Ảnh cũ, bon sai tạm thế vì

 

Ông bạn của Ðông Anh phải đi lọc máu hàng tuần. Tên ông là Tước. Ông Tước họ Trần. Ðông Anh viết:

 

“Ðã tước trần ra chẳng dấu gì”

 

Ông chơi chữ ghê quá. Còn hơn ông Giao Chỉ. Trách chi các ông cùng cơ quan, lại cùng khóa.

 

Ðọc thư bốn câu của ông, thích thì có thích nhưng buồn thấy mẹ. Lần sau ông có viết thì nên viết cho vui một chút. Ở tuổi về chiều, người Việt Nam mình thích vui hơn thích buồn ông ạ!