Bài Viết Của Văn Thi SĨ CAO MỴ NHÂN Về Nhà Thơ Cung Trầm Tưởng:
TRỜI SÁNG HẲN . CAO MỴ NHÂN
Ông và tôi thức trắng một đêm khoảng cuối tháng 11/1994 , ở phòng khách tư thất vị chủ tịch Cộng đồng VN ở Tây Bá Linh , khi đó bức tường Ô nhục giữa đông tây Đức vừa được phá sập .
Chúng tôi đi xe lửa xuyên ngang nước Đức , từ Dortmund Germany tới Berlin Germany , thì trời đã qua chiều , gần tối , dù đi từ sớm .
Buổi chiều tối hôm đó , chúng tôi được gặp gỡ đồng hương ở ” Nhà Việt Nam ”
Đó là phái đoàn trung tâm Văn Bút VNHN đi hội Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 61 họp ở Praha Tiệp Khắc 11/1994 , do thi sĩ Viên Linh trưởng đoàn , cùng các thành viên Văn Bút VNHN , gồm : nhà thơ giáo sư Nguyễn Sỹ Tế , nhà báo giáo sư Phạm Việt Tuyền , thi sĩ Trung tá Cung Trầm Tưởng , nhà văn Trung tá Trần Ngọc Nhuận , thi sĩ thiếu tá Tô Thuỳ Yên ( vừa từ VN qua Hoa Kỳ , chưa có thẻ xanh , nên phải hoãn chuyến đi ) , và tôi , sau thêm thi sĩ Đỗ KH , và Nguyễn Minh Nguyệt , bạn của Cao Mỵ Nhân , làm thơ .
Sau khi hoàn tất công tác “đại hội Văn Bút Quốc Tế” , kỳ thứ 61, tại Praha Tiệp Khắc tháng 11 năm 1994, chúng tôi được Cộng đồng người Việt tị nạn CS ở Đức ( mới thống nhất ) mời qua Dortmund và Berlin nói chuyện về Dòng Thơ Trong Tù .
Thi sĩ Viên Linh đã kịp thời in tặng thi sĩ Cung Trầm Tưởng tập thơ ” Lời Viết Hai Tay ” , thơ Cung Trầm Tưởng viết ở trong tù , quý vị khác tự mang sách truyện đến đại hội giới thiệu nếu muốn .
Riêng Cao Mỵ Nhân tôi, thì mới được Nhà Xuất Bản Sông Thu của Thi Sĩ Thái Tú Hạp, giám đốc tuần báo Saigontimes ở Mỹ xuất bản cho tập truyện Chốn Bụi Hồng đầu tiên trước đó mấy tháng ( 7/ 1994 ), nên mang CHỐN BỤI HỒNG Tập 1 qua Tiệp Khắc và Đức , Pháp giới thiệu luôn.
Do đó , buổi tối sau cùng của chương trình hàn huyên văn thơ , chúng tôi nghỉ lại nhà vị chủ tịch Cộng đồng VN ở Berlin , để sẽ về Dortmund lại , rồi đi Frankfurt ,trở về Hoa Kỳ .
Buổi tối đó , đang là mùa thu Châu Âu , căn phòng rộng đã được xếp lớp cho cả đoàn , cứ mỗi người một nệm ” tá túc ” qua đêm , chứ tiền đâu cho cả đoàn vô khách sạn ngơi nghỉ .
Thế thì có ngay , tôi cũng chẳng thiết ngủ , hơn nữa biết còn cơ hội nào gặp nhau , tôi bèn đối ẩm cùng ông , uống nước Trà suốt đêm , để chỉ nghe ông nói , không cần đàm thoại .
Nhà thơ thấy có người chịu ngồi nghe lời lời châu ngọc , hàng hàng gấm thêu cùa mình , thì nhất định là vừa ý rồi .
Trong cái phòng ngủ dã chiến , tất cả các tiếng ngáy đã được thử giọng , lên bổng xuống trầm , tưởng đâu ra đấy như một ban nhạc tự nhiên .
Nhà thơ và nhà binh , đàn anh tôi không hề ngáp vặt , rất tinh tấn , thơ Tàu cổ , thơ Tây , từ Lamartine tới Jacques Prevert .
Thi sĩ Trung tá Không Quân một thời với ca khúc lừng danh :
Lên xe , tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly …
( thơ Cung Trầm Tưởng – nhạc Phạm Duy )
Cứ với giọng trầm mà không buồn , thi sĩ Cung Trầm Tưởng sau buổi tối ” trắng đêm không ngủ ” nói được gần hết ý mình .
Bởi vì có nói như Tô Tần đi nữa , thì cũng vẫn chưa nói được hết , tôi quan niệm chắc ai trên đời cũng có chút gì không muốn nói ra , nên tôi mỉm cười , chắc là hơi méo mó , tôi nói với bậc đàn anh tôi rằng :
Anh đúng là một ” thi bá ” , vì những nhận xét về thơ , thao thức về thơ , vân vân thơ, ít ai kỹ càng và tỉ mỉ như anh .
Thưa anh , có lẽ quý vị làm thơ nên nghĩ có một đạo , là ” Đạo Thơ ” hay ” Tôn Giáo Thơ ” .
Tới lượt tôi cũng say mê Thơ , cũng sắp sửa …hùng hồn ca tụng Thơ , thì Trời sáng hẳn …
Hai chiếc ghế salon chắc cùng nóng lên tới 100 độ , vì cả hai. ” Thi Bá ” và tôi đều không rời khỏi chỗ ngồi cả đêm .
Mặt trời đã lên tới khung kính cửa sổ phòng khách đại sảnh ( trên lầu ) tư thất vị chủ tịch Cộng đồng VN ở Berlin . ” Cung thì bá ” không hề mệt mỏi , chắc tôi hốc hác lắm , vì chăm chú nghe giáo điều Thơ của ” Đạo Thơ ” , nên tôi thốt :
Thưa ” Thi Bá ” , Mặt trời đã lên 2 con sào , vậy chuyện thơ tạm kết thúc ở đây , bây giờ anh dùng Trà hay cafe , để em pha .
” Thi bá ” Cung Trầm Tưởng cười xoà : ” cô em ơi , cho anh ly cafe đi , ban ngày rồi , cần phải thức , để đi nốt đường đời của mình . Vui nhá …”
Về lại Hoa Kỳ . Tám năm sau tôi mới có dịp lên Twin cities Minnesota để ra mắt 2 tập thơ : ” Đưa Người Tình Đi Tu , và Lãng Đãng Vào Thu ” .
Mừng nhất là được tái ngộ ” Thi Bá ” của …tôi . Năm ấy thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã chẵn 70 tuổi , mái tóc trắng bạch hoàn toàn . Ông vẫn tinh tấn , vui tươi , ông là một trong những diễn giả ” nói về thơ chung chung và thơ Cao Mỵ Nhân ” .
Nhưng trong phạm vi nói chuyện ở buổi ra mắt sách , nên vị ” Thi bá ” năm xưa nơi Berlin thức trắng đêm với những truyền thuyết thơ , đã tự thu gọn ý tưởng trong 20 phút .
Sự kiện khiến tôi nhớ lại mùa thu ở Đức cùng những lời hoa gấm mà hiểu rằng : Thời gian không đợi ai , nên thơ cũng phải …chạy như ma đuổi , để giữ lại cho mình những ngôn từ bay bổng , rồi mươi , mười lăm năm sau , thơ đắm chìm trong tiếc nuối mênh mông …
Năm nay ” Thi Bá ” 84 tuổi rồi ( 2016 ) mầu tóc lẫn với sắc mây mùa hạ , chưa có không gian nào phiêu bạt thêm một lần lãng đãng vào thơ nữa …
Thời gian tại thế của Thi Sĩ Cung Trầm Tưởng :
Sinh ngày 28 – 2 – 1932. Miền Bắc VN .
Mất ngày 9 – 10 – 2022 tại Minnesota USA .
CAO MỴ NHÂN