Văn

TRÙNG DƯƠNG ƠI!

 

 Trần Mộng Tú

                                                    TRÙNG DƯƠNG ƠI!

 

                                                   “Gửi Thái, Thiết, Vân, Frank và mùa Hè ở Bandon.”

 

 

    Nguyên ngày hôm qua biển rất hiền, biển nói khẽ, biển thở nhẹ nhàng, biển mở mắt ra, biển nhắm mắt lại, biển an hòa. Sóng xô như gió thổi nhẹ trên cánh đồng mạ xanh, sóng mềm như mi mắt người tình, bọt sóng như một chuỗi hạt trai dài vô tận.

Tám bàn chân từ xa rủ nhau đến, gọi hai bàn chân bạn. Mười bàn chân cùng chạy về phía biển.

 Những bàn chân đi bên cạnh nhau, lúc dang xa, rời rạc, riêng tư, lúc chập vào nhau ríu rít. Ngửa mặt, nhìn trời, mây trắng nõn từng cụm trên nền xanh biếc. Mây uốn lượn, thay đổi hình dáng, vẽ bức tranh vân cẩu. Cúi xuống, nhìn sóng nước. Chao ơi là đẹp! Biển êm như tấm chăn vừa tung ra; sóng nhẹ, đánh lên bãi như sữa đổ; cát mịn như da thịt thanh xuân. Có tiếng ai hỏi:

 

     Muốn đến Hoàng Sa đi lối nào?

 

     Cứ đi thẳng hướng tây.

 

    Nghĩa là cứ dẫm lên sóng nước, cứ băng qua mầu xanh mênh mông này?

 

     Đúng.

 

          Không phải đâu, đừng nghe, cứ rẽ về tay phải, hướng bắc.

 

Một giọng khác cất lên:

 

          Hay mình rẽ trái, về hướng Nam đúng hơn.

 

          Tốt hơn về nhà, vào Map Quest. Điểm khởi hành là Bandon, Oregon- Mỹ, điểm đến là Hoàng Sa, Việt Nam.

 

 Ngập ngừng một chút, tiếng ai chen vào:

 

          Có chắc không, coi chừng gây lúng túng cho Map Quest, Hòang Sa, bây giờ thuộc Trung Quốc chứ.

 

         Im lặng, chỉ có tiếng sóng đánh nhẹ lên những bàn chân. Một tiếng nói thật khẽ lại cất lên:

          Nhưng vào Map Quest rồi, biết đường rồi, có về tìm lại không?

 

Không thấy ai trả lời. Những bàn chân cứ bước song song với biển và tiếng trả lời cứ giữ trong lòng.

 

 

  Cứ thế mà đi trên bãi, những dấu chân mờ dần trong cát theo buổi chiều đang xuống.

 

Những bàn chân của kẻ xa xứ, đang in dấu trên cát của bên này bờ đại dương, trong cái an vui bè bạn, vẫn có cái ngậm ngùi riêng mang. Mỗi hồn vọng ra biển, về phía bên kia bờ, một cách khác nhau.

 

 Đêm về, biển gọi bằng những tiếng còi hu…hu…hu…từ Light House (Nhà hải đăng) suốt đêm. Nằm nghiêng nghe biển gọi, ôm sóng đầy lòng. Sóng không hiền nên mi mắt không khép lại trong đêm. Trở dậy uống ly nước lọc. Chao ôi! Làm sao uống được trùng dương vào lòng.

Ngôi nhà nằm song song với biển, đêm tĩnh lặng, không trăng, dán mắt vào khung kính cũng chỉ nhìn thấy những mái nhà như những vòm nấm khổng lồ, trải dài phía biển. Đêm như những miếng thạch đen, cắt vụn ra từng miếng.

 

Biển sáng nay thức dậy hung hãn, sóng đổ những tiếng gầm nghe xa như tiếng sấm. Rủ nhau xuống bãi xem mặt trời lên. Vừa đi vừa xăm xoi nhìn dấu vết tinh khôi đầu ngày mới in xuống, nào hay, đã có những dấu thức dậy sớm hơn mình: Dấu bàn chân trần đủ năm ngón và gót lõm xuống cát, bàn chân là dấu vết bước vào đời nguyên thủy mong manh đầu tiên của con người; dấu gót giầy thể thao khỏe mạnh vẽ những vạch uốn lượn, vững chắc; dấu chân ngựa tròn cái vết móng sắt in sâu một cách tự tin; dấu lượn vòng của lốp xe đạp, như một trò chơi trên cát; dấu chân chó to, nhỏ, gần gũi, thân mật; nhưng ngoạn mục nhất, nhiều nhất là dấu chân của bầy chim biển, chúng thanh mảnh, như những cái tăm. Mới nhìn xuống, tưởng như ai tinh nghịch vừa vứt tung ra một nắm tăm tre trên bãi. Nhìn một lúc, thấy cũng giống như vết cào xước trên lưng cát. Dấu chân chim nhiều lắm. Sóng chưa kịp kéo đi hết, đàn chim lại sà xuống in những dấu chân mới. Biển là thế giới của hải âu. Chúng sống và chết với sóng, với cát. Suốt dọc dài của biển, thỉnh thoảng lại gặp một xác hải âu, chúng chết thế nào, cách nào, ai biết. Chỉ thấy cái chết  của chúng thảm quá! Sóng đánh xác vào tận trong bãi, đã bốc mùi. Cánh rời ra từng chiếc, rải rác trên bãi. Nhìn xác chúng, khó hình dung được khi còn sống, những cánh chim bay là là trên mặt nước xanh, nô đùa với sóng là đề tài cho bao nhiêu bài thơ, bản nhạc, bức hình, tranh vẽ. Những cánh chim đó còn bay vào trong kỷ niệm của những mối tình.

Rồi những con dã tràng nhỏ xíu, chạy thật nhanh, trốn thật nhanh, khi ẩn, khi hiện, không làm sao bắt kịp chúng. Chúng xây lâu đài trên cát như loài người xây mộng  lớn, mộng con trong đời. Cũng mong manh, cũng xụp lở, cũng tiếp tục xây lại từ đầu.

 Trên bãi còn những thân cây nằm ngang dọc, chúng gẫy đổ ở rừng nào, ai biết được! Chỉ biết chúng trôi dạt ra biển, sóng kéo vào bờ. Chúng mất gần như hết lớp áo mặc ngoài, chúng bị sóng vùi dập, sóng soi mòn, chúng không còn giữ được cái vẻ nguyên thủy của cây nữa. Đôi khi trông chúng giống như một bông hoa biển khổng lồ, đôi khi như vòng tay âu yếm của người mẹ, hay cái đầu ngơ ngác, thất thần của một con vật không rõ hình, ở quá lâu trong nước biển.

 

Biển hôm nay không hiền nữa, biển đang nổi cơn giận dữ. Vừa đi song song với biển vừa nghe như một nỗi đe dọa phủ chụp xuống mình. Nhìn con sóng dâng cao, đứng thẳng, rồi đổ xuống một tiếng rầm, những bàn chân chùn bước lại. Đứng lui vào trong, tránh sóng tràn lên, để rồi chạy không kịp, vẫn ướt gần qua đầu gối. Nhìn ra ngoài khơi, không thấy tỏ đường chân trời. Biển khuất lấp một phần, bởi sương phủ kín từ xa, kéo thẳng một hàng song song với mặt biển; sóng dâng cao, tới tấp, trắng xóa đánh vào bờ, hóa thành một bức tranh với mầu xanh của nước ở giữa, mầu trắng của sương và của sóng cùng ôm hai bên.

 

 Ai đó lại chỉ tay ra biển, lên tiếng:

 

       Tưởng tượng đi, tưởng tượng một chiếc thuyền mong manh, với hai, ba chục người. Già có, trẻ con có, đang kêu khóc, vật vã trên đó. Làm sao mà không chìm, làm sao mà bơi qua đầu ngọn sóng, để sống còn.

 

    Có đấy, có người Trời cứu, sống còn. Nhưng họ nói, đến chết không bao giờ dám nhìn biển nữa.

 

Câu thơ của Vũ Hoàng Chương được một người đọc lên:

 

        Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ

        Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

 

 Rồi một người khác tiếp theo:

 

        Biển vô tận xá gì phương hướng nữa

        Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh.

 

  Lạ thật đấy! Thi sĩ có phải tiên tri đâu mà làm câu thơ cho vận vào cả một dân tộc như vậy.

 

          Dân tộc mình bị vận từ thời trứng nước. Khi không cha mẹ chia tay, người đem con lên núi, người mang con xuống biển. Rồi bặt tăm, chẳng quay đầu nhìn lại nhau. Cha mẹ không nhìn nhau, nên con cháu, tàn sát nhau không thấy động tâm, không thấy rung lòng.

 

Im lặng, chỉ có tiếng sóng trả lời. Những bàn chân vẫn bước song song với biển.

 

Những ngày ở biển, có hôm sóng hiền hòa, có hôm sóng giận giữ. Nhưng bầu trời lúc nào cũng trong xanh và mây trắng từng mảng lững thững trôi, những đám mây vô xứ.

Những bàn chân vẫn sáng, chiều, rủ nhau ra bãi. Bước song song với biển, nghe sóng đánh trong lòng. Họ vừa đi bên nhau, vừa nói chuyện văn chương, chuyện quê nhà, quê người, chuyện sông, chuyện biển.

 Vừa đi vừa ngửa mặt nhìn trời xanh, mây trắng, rồi lại nhìn đường chân trời giáp với biển, tưởng tượng quê hương mình ngay đó, ngay cái ngấn mênh mông trời nước đó.

 

    Chia tay, người ở lại với biển. Sáng, chiều nghe sóng động một mình, đuổi theo mây trắng trên trời một mình.

 

 Người về hồ, lặng đứng nhìn những chiếc thuyền nhỏ đang lũng thững dăng buồm, trôi hiền hòa trong dòng nước êm ả không một tiếng động. Câu hát nào từ một cõi xa xăm bỗng vọng về:

 

“ Trùng dương ơi, có xót xa cũng hoài mà thôi!” (*)

 

 

 tmt

 Tháng 9/09

 

(*) Ngày Đó Chúng Mình- Phạm Duy