Văn

CÔNG CHÚA VÀ MÙA XUÂN

Trần Mộng Tú

 

                                                      CÔNG CHÚA VÀ MÙA XUÂN

 

 

         Khí trời vẫn còn lạnh lắm, sáng tây bắc Mỹ vẫn mù sương. Chiếc hồ chạy dài trước nhà như có như không, đứng ở tả ngạn không nhìn thấy hữu ngạn, dốc thấp không nhìn thấy đồi cao, xe sau không nhìn thấy xe trước. Bình minh, hai tay vẫn phải giấu kỹ vào trong túi áo khoác khi tản bộ trong xóm, những ngón tay thỉnh thoảng lại co vào nhau như hỏi xem có ngón nào đã ấm chưa? Đi vòng mấy con dốc vừa hết một bình minh, vẫn không hết lạnh.

 

Thế mà buổi trưa, sương vừa tan từng chỗ như lụa được mang cắt chia nhau từng khúc; đoạn dài may áo, đoạn ngắn may khăn. Nhìn ra vườn sau, trên sườn đá hai con nai ở mé bìa rừng tây nam đang lững thững vào vườn, chúng đi tìm nụ non của mấy bụi hồng dại, chúng đi tìm những cánh hoa báo xuân ( Primroses). Hóa ra mùa xuân đã thực sự đến rồi.

Chúng lững thững đến, ngơ ngác nhìn quang cảnh, cúi xuống tìm hoa ăn, xong lại lững thững đi. Người ở trong cửa kính, nín thở, không dám gây tiếng động, người nhìn nai, nai nhìn người. Cuối cùng, có đến, phải có đi.

 

Nai tìm về vườn sau, có nghĩa là xuân đang đến. Ai đó hấp tấp chạy ra vườn tìm mùa mới. Hai cây đào ngoài kia, một cây bên trái, phía tây nam, cao ngang với mái nhà, hoa cánh đơn phơn phớt hồng, có hương thơm rất nhẹ; một cây giữa vườn sau, cây chiết, có hai loại hoa khác nhau, mầu hồng cánh kép, và mầu trắng như hoa mơ. Cả hai cây, chíu chít nụ, những nụ đã nứt ra một chút ở đầu như báo hiệu sự có mặt sắp đến. Đứng hết dưới gốc cây này, sang gốc cây kia, nhìn lên những cành nụ vươn ra trong nắng mới; không khí ngọt ngào, tinh khiết, khe khẽ lạnh; người ngồi xuống, cúi nhìn đất, tìm những nụ hoa Daffodils (thủy tiên đất), hoa Tulips (kim hương) đang thi nhau chồi lên khỏi mặt đất. Người biết chỉ còn hai tuần nữa thiên nhiên sẽ cho những đóa hoa tuyệt đẹp. Hoa Irish (diên vỹ) và Rhododendron (sơn lựu) hoa Peony (mẫu đơn) cũng đang chồi lên, ra nụ. Đây là những đóa hoa sẽ nở vào tháng năm.

Cây Magnolia (mộc liên) sát cửa sổ buồng ăn, sẽ cho những đóa hoa như bông sen trắng với những chiếc lá dầy xanh biếc như được cắt ra từ một khối ngọc nào đó, vào tháng sáu.

Chao ôi! Nói về hoa thì làm sao kể tên cho hết. Mỗi mùa một loài hoa nở, ngay cả mùa thu, lá thu cũng khác gì những cành hoa gấm trên cây, mùa đông lạnh giá cũng còn có hoa xuyên tuyết (Croquets), và ai kia còn nhìn sông nước gọi: “Hoa sóng,” nhìn trời gọi: “Hoa mây”

   Mỗi lần người nghe thiên nhiên cựa mình theo gót chân nai trở về, mang mùa xuân vào vườn, bỗng có câu thơ cũng chợt trở về:

 

 Huyền Trân Huyền Trân ơi

 Mùa xuân mùa xuân  rồi

 Ngoài kia chín vạn bông trời nở

 Riêng có tình ta khép lại thôi.(Nguyễn Bính)

 

Mấy câu thơ của Nguyễn Bính tả mối tình huyền hoặc của Huyền Trân và Trần Khắc Chung

Cô công chúa ở tuổi xuân và đẹp như hoa xuân đó có đoạn sử nói cô là người yêu của quan Thượng Tướng Trần Khắc Chung trước khi cô sang Chiêm quốc.  Huyền sử kể lại rằng: Công chúa ngại đường sông, sang Chiêm về nhà chồng bằng đường bộ, quan thượng tướng Trần Khắc Chung đi tháp tùng, khi đến đèo Hải Vân, đoàn lữ hành dừng lại nghỉ chân, công chúa đã viết bài thơ “Nước Non Ngàn Dậm Ra Đi” để gửi tâm tình mình cho người yêu vào đó:

 

Cái tình chi !
Mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô Ly,
Xót thay vì,
Đương độ xuân thì,
Độ xuân thì,
Số long đong, hay là duyên nợ gì ?
Má hồng da tuyết,
Quyết liều như hoa tàn, trăng khuyết.
Vàng lộn theo chì.
Khúc ly ca,
Sẽ còn mường tượng nghe gì ?
Thấy chim hồng nhạn bay đi,
Tình lai láng,
Hướng dương hoa Quì
Dặn một lời Mân Quân :
Như chuyện mà như nguyện,
Đặng vài phân,
Vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân,
Đắng cay trăm phần…

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì Trần Khắc Chung có mang lòng yêu  công chúa Huyền Trân. Cứ tưởng tượng huyền sử trên là có thật thì mối tình của hai người đẹp và đáng thương biết nhường nào; Nhưng cũng theo quốc sử Trần Khắc Chung lại là một trong những người đồng ý đem gả công chúa cho vua Chiêm để đổi lấy hai châu Ô, Ly. Tại sao? Có phải Trần Khắc Chung đặt tình yêu nước lên trên tình riêng hay không? Ta hy sinh tình yêu của ta cho bờ cõi nước Đại Việt được mở mang. Nào ai biết rõ được tâm tư ấy!

 

Trong dân gian, người ta thương tiếc một vị công chúa sắc nước hương trời, cành vàng lá ngọc, phải đem gả cho Chế Mân (còn được coi là Mán) nên đã có câu đồng dao:

 

 Tiếc thay cây quế giữa rừng

 Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo

 

Khi vua Chiêm mất, Trần Khắc Chung sang cứu công chúa khỏi dàn hỏa và hai người lênh đênh trên sông nước một năm mới trở về đến quê nhà. Nhưng sử sách của nước non Chiêm phủ nhận điều đó. Ta hãy đọc một đoản tài liệu sử Chàm dưới đây:

 

“Vua Champa Jaya Simhavarman đệ tam (tiếng Việt gọi là Chế Mân) đã dâng hiến cho Ðại Việt vào năm 1306 hai vùng Ô và Ly (lãnh thổ của Huế hôm nay) để được kết hôn với công chúa Huyền Trân của Ðại Việt. Sự kết hôn này đúng là một vở bi kịch tình sử. Vì rằng chưa đầy một năm chung sống với công chúa Ðại Việt, Jaya Simhavarma đã tử trận trong một khung cảnh vô cùng mờ ám, để rồi Huyền Trân tìm cách chạy trốn về Thăng Long với Trần Khắc Chung mà chưa ai hiểu được nguyên nhân nào để giải thích cho sự hiện diện của Trần Khắc Chung trong bối cảnh lịch sử này. Nhiều câu hỏi thường được nêu ra vì cái chết đột ngột của vua Jaya Simhavarma đệ tam. Nguyên nhân nào giải thích cho mưu mô chạy trốn của công chúa Huyền Trân, trong khi ai cũng biết rằng công chúa Ðại Việt này không thể hội đủ điều kiện để xin lên giàn hỏa. Nếu theo truyền thống Champa, chỉ có bà hoàng hậu chính thức mới được phép để hiến thân trên giàn hỏa với chồng của mình.” ( *)

 

    Cũng theo sử, tuân lệnh di ngôn của Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, khi về đến hoàng cung (năm 1308), công chúa được gửi vào chùa để tu đến hết đời (Khi sang Chiêm công chúa 19 tuổi, hơn một năm sau vua Chiêm mất; lúc Trần Khắc Chung đón công chúa mới 20 tuổi) Lênh đênh sông nước một năm, ở tuổi 22, công chúa được đầu gia Phật giáo, tu tại núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh), năm 1311 Công Chúa cùng một thị nữ về tu ở dưới chân núi Hổ (Huyện Thiên Bản, Nam Định) công chúa qua đời ở tuổi 53.(1287-1340).Hiện nay ở Huế có điện thờ Công Chúa Huyền Trân.

 

Người thời nay, ngẫm lại, chỉ trong vòng ba năm, cuộc đời của công chúa Huyền Trân

đã qua bao nhiêu thay đổi và thay đổi nào cũng là những đánh dấu ngàn thu.

 

 Công chúa Huyền Trân sang làm vợ vua Chiêm để mang về hai châu Ô, Ly (lãnh thổ Huế ngày nay)là có thật trong quốc sử, nhưng chung quanh bộ ba: Công chúa Huyền Trân, quan thượng tướng Trần Khắc Chung, và vua chiêm Chế Mân, có rất nhiều huyền sử.

 

Theo huyền sử kể lại:  Khi sang Chiêm gặp chồng là vua Chế Mân, một vị vua oai phong, trẻ đẹp công chúa không hề oán ghét, công chúa sanh cho vua một vị hoàng tử, và bình tâm sống trong địa vị và hoàn cảnh của một bà hoàng hậu nước Chiêm. Nhưng sang năm thứ hai, Trời mở ra một trang đời khác cho công chúa không kém phần ngoạn mục, cho nàng được lênh đênh trên sông nước với người yêu hơn 365 ngày. Trai tài, gái sắc, tình xưa; chắc chẳng còn gì đẹp bằng!(theo huyền sử). Năm thứ ba Trời lật trang sách kế tiếp (theo quốc sử.) Công chúa đi vào sau cánh cổng chùa. Nét mặt còn đẹp như hoa mận, tóc còn mướt như liễu xanh. Công chúa qùy xuống, cổng chùa đóng lại. Thật may mắn thay khi trang kinh được mở ra, những trang quốc sử, tình sử, huyền sử, được Trời đóng lại như gắp một cuốn sách, để lên kệ.

      

Một bài thơ để lại cho hậu thế về cái giá trị của một trang quốc sắc.

 

 

Công Chúa Huyền Trân

 

Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,
Vốn đà không mất lại thêm lời,
Hai châu Ô, Ly vuông ngàn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi !
Lòng đỏ khá khen lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại châu về đó,
Ngơ ngẩn nhẩn nhau mấy đứa Hời. (Hoàng Cao Khải)

 

Chỉ sau ba ngày đầy nắng, mùa xuân thực sự đã về trên những cây hoa đào trong vườn nhà, trên những con lộ trong làng, chúng nở tung những chùm hoa kiều diễm. Hoa có biết là những người con gái, không phải là hoa nhưng nhan sắc của nàng đã viết lên những trang sử diễm lệ hay không?

 

Tháng Tư/2009

 

    (*) Để Hiểu Thêm Về Lịch Sử Champa- TS Po Dhama.

      Tài liệu: Tự Điển Bách Khoa