Tạp ghi

Sống mà nhớ lấy (Nhà Văn Trần Khải Thanh Thủy)

Sống mà nhớ lấy
Trần Khải Thanh Thuỷ
 (Lược ghi)
 
 Chưa bao giờ trong cuộc đời tôi gặp những sự kiện  vui mừng dồn dập đến vậy. Đầu tiên là sự xuất hiện của hai con người xa lạ, khác khí huyết giống nòi, từ chân trời xa lắc mà muôn vàn đáng quý, đáng yêu đó là ngài dân biểu Na Uy Piter Git Mark 30 tuổi và chị Võ thị Lạc Hồng, người làm công tác xã hội ở tiểu bang Victori a ở Úc
Dù trước đó đã nghe anh Nguyễn Hải (San- Jose) báo tin, sẽ có một người bạn đặc biệt đến thăm, tôi vẫn không lường trước tình huống này, một người vừa ra khỏi trại tù như tôi, còn mang nguyên vẹn dấu ấn của nhà tù xã hội chủ nghĩa , mắt mũi sưng húp, tím bầm,  một bên má còn 3 vết tay cào…Hoà nhập với cộng đồng còn vô cùng khó khăn. Cụ thể: Đêm ngủ không dám tắt đèn, ăn cơm vẫn quen dùng đồ nhựa, đi ngủ phải mắc màn, phủ kín báo cũ lên đầu màn cho dễ ngủ v.v Một kẻ ốm đau, bệnh hoạn vì bị xã hội cộng sản ruồng bỏ, bị đảng bóc lột đến tận xương tuỷ, không thể ở mãi trong ao tù, nước đọng được, phải trườn mình ra biển lớn và bị đảng chụp cho cái mũ phản động( phản lại những hoạt động làm kìm hãm sự phát triển đất nước của đảng cộng sản Việt Nam) làm "tay sai" cho lưu vong phản… đảng ở nước ngoài,  tìm đường sống cho dân tộc, biến tai ương dân tộc trong tay đảng cộng sản thành tương lai ngời sáng  của Việt Nam, khi tự do, dân chủ ùa vào mọi ngõ ngách của cuộc sống , mang lại sinh khí, luồng gió mới cho dân nước, cũng là ngày tàn của cộng sản, bạo chúa v.v
Ngay sau khi nghe chồng tôi bảo:- " Khách đến rồi đấy, em ra đi!"
Từ trong nhà nhìn ra, nhận ra chân dung của hai người khách lạ, tôi đã cuống cà kê. Niềm vui qúa độ hoặc nỗi đau qúa độ quả là không thích nghi với một người có trái tim vốn nhạy cảm, và đã bị tổn thương như tôi sau 9 tháng ở tù…Vì vậy, khi ngài dân biểu nghiêng đầu, giơ tay bắt, tôi thực sự cảm động, toàn thân nhão như bùn, tưởng chừng có thể khuỵu ngã đến nơi vì hai khớp gối đã luôn  trong tình trạng đau nhức, yếm thế
 Nhà chật, khắp bốn xung quanh là sách "ế" do bị phong toả tên tuổi tác phẩm, nên lần lượt 18 đầu sách đã xuất bản trong nước từ "Khát sống" đến "Băm mươi sáu cái nõn nường Xuân Hương", "Song hỉ lâm môn", "Vợ chồng như thớt với dao" v.v đều bị các nhà xuất bản, các đại lý lớn, nhỏ trên khắp 31 tỉnh thành cả nước gọi điện thoại đến, đòi thanh toán tiền, trả lại sách…Vì không đủ chỗ kê bàn ghế, nên tất cả đành ngồi bệt xuống chiếu rải dưới nền nhà. Thú thực tôi vô cùng ái ngại vì tiếp đón một vị dân biểu trẻ tuổi, sang trọng lại trong điều kiện qúa xoàng xĩnh, tạm bợ như thế này. Ngôi nhà còn đầy dấu ấn của sự "giáo dục" của đảng cộng sản dưới đường lối độc tài, đứng đầu là bè lũ bán nước Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Lê Hồng Anh( bộ trưởng Công an) thông qua lũ tay sai của chúng là tên Nguyễn Đức Nhanh (giám đốc sở công an Hà Nội) Nguyễn Bỉnh Khiêm (trưởng đồn công an phường Đức Giang) cùng bè lũ lâu la của chúng..Từ cửa sổ bị vá vài miếng, chiếcgiường bị sập liền mấy thang, vẫn bỏ không, chiếc  đài cát sét học tiếng pháp của con gái bị đập vỡ, cánh cửa gỗ ra vào bị xệ hẳn một bên xuống nền nhà v.v Như hiểu được sự ái ngại của tôi, ngài dân biểu bày tỏ:
– Tôi đã từng qua VêNuyria, Căm Pu Chia, Malaixia… tổng cộng 6 nước độc tài, chậm phát triển, từng bị trục xuất và phải ngồi tù, chỉ vì dám có hoạt  động qúa khích là vượt mặt cảnh sát đến thăm những người bày tỏ quan điểm chống đối như chị…
 Nghe được câu nói của vị dân biểu trẻ tuổi, nhìn ánh mắt, nụ cười, giọng nói, cử chỉ, thông qua sự gần gũi thân thiện của người phiên dịch là chị Lạc Hồng ( một cái tên rất thân thương gợi nhớ về cội nguồn , nòi giống) tôi mới thở phào ra một hơi nhẹ nhõm, và cố thở bình thường bằng …mũi (!)
 Theo như lời giới thiệu của ngài dân biểu, anh là một trong số những  đại biểu trẻ trong quốc hội Na Uy, tròn 30 tuổi, song đã có thâm niên 6 năm là đại biểu  quốc hội, còn tham gia cả trước khi lập gia đình. 25 tuổi lấy vợ, song cả hai vẫn xác định kế hoạch hoá gia đình để dồn toàn tâm toàn ý cho công việc.
 Suốt 3 tiếng đồng hồ, ngài dân biểu hồn nhiên nói, hồn nhiên kể và hết sức tự nhiên, hỏi chuyện hai vợ chồng tôi như thể chúng tôi đã có dịp quen biết ngài từ lâu lắm. Một không khí hết sức cởi mở, thông thoáng, vốn có ở những  người làm công tác xã hội, hiểu  biết nhiều, giao thiệp rộng .
 Bày tỏ về nguồn gốc xuất thân và lý do tham gia quốc hội của mình, ngài dân biểu bộc lộ:
– "Nhiều người hỏi: "Chắc mày giàu lắm nên mới dồn tiền để mua ghế ngồi?"
 Tôi đáp: "Đâu có, tao là sinh viên  nghèo mà".
– Thế thì nhà mày phải có nòi làm chính trị
– Không phải , Piter Git Mark trả lời: – Từ đời cụ tổ tao, ông bà nội ngoại , bố mẹ, anh, em, cả bên mình lẫn bên vợ, không ai theo đuổi con đường chính trị hết.
– Vậy tại sao mày chọn  con đường này?
– Vì tao muốn được bày tỏ quan điểm, thái độ lập trường với dân với nước chứ sao? Theo tao,  chính trị ở mọi nước là nơi để người dân nhìn vào yên tâm,  tin tưởng, gắn bó. Một người làm chính trị có lương tâm sẽ giúp được rất nhiều dân thường. Ở Na Uy,  chính trị đã ổn định từ hơn 100 năm nay, đất Na Uy tuy nhỏ, người Na Uy tuy ít (4,5 triệu người) nhưng tự do, dân chủ và mọi gía trị làm người đã được định hình từ bao nhiêu đời nay, như hơi thở, khí trời, cơm ăn, nước uống…Sở dĩ tao sang Việt Nam hoặc một số nước Châu Phi khác vì muốn các nước đó cũng có một nền dân chủ cởi mở, toàn diện như Na Uy.
Ngồi ngắm ngài dân biểu trẻ tuổi,  thực sự tôi thầm ghen tị khi so sánh địa vị, tuổi tác, công việc của tôi và Gitmark. Trẻ qúa, trẻ đến làm đau cả lá vàng . Trong khi, trong  độ tuổi này,  bất kỳ thanh niên nào ở Việt Nam mà dám bày tỏ quan điểm như Gitmark, hẳn đã bị nhà cầm quyền Việt Nam trần cho tơi tả, không bóc lịch 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa,  cũng là vài ba cuộc đấu tố, hàng chục cuộc dượt bắt  khắp đường phố thủ đô cùng các tỉnh lân cận, mỗi khi "đương sự " xuất hiện . Bao nhiêu công lao, tiền của của người dân đóng góp bị lũ công an dùng vào trò đánh đập,  rượt đuổi tàn nhẫn những con người qủa cảm, dám đứng lên đòi tự do tư tưởng cho đất nước…còn Piter đã kịp làm được nhiều điều vô cùng tốt đẹp cho dân, cho nước mình theo đúng đạo lý và văn minh Na Uy – vốn đã được  thiết lập và định hình  từ rất lâu
 Sau những phút tự bộc bạch về mình, Piter Git Mark  hỏi:
-Tại sao chị chấp nhận đi theo con đường này, chị không sợ bạo quyền cộng sản sao?
Tôi  trả lời như đã từng trả lời rất nhiều bạn bè tri âm tri kỷ trước đây:
– Tôi tuổi tý, mệnh canh, canh là canh cải, canh tân, đổi mới, tôi thích  một sự công bằng, văn minh, tự do, hội nhập, thích  tôn trọng các gía trị  cá nhân, ghét thói sùng tín trung cổ, sự lừa miếng của các nhà lãnh đạo cộng sản với dân tộc mình. Sống mãi trong giả dối, con người ta hoặc phải làm quen, hoặc phải bộc lộ thái độ, quan điểm của mình, tôi thuộcloại người thứ hai. Còn sợ ư? Tất nhiên là   sợ rồi , sợ đến mức phẫn nộ vì những kẻ dốt nát lại đòi  nắm quyền  hành,  chân lý trong tay, lại đại diện cho pháp luật của một nước. Chính vì phải chứng kiến qúa  nhiều những  cái nhún vai lắc đầu của các vị khách nước ngoài đến Việt Nam : "The country is no ruler" ( một đất nước không luật lệ") mà tôi quyết định phải vùng lên
 – Tại sao họ lại bắt một người  phụ nữ  tay không tấc sắt như chị?
– Vì chúng là độc tài, độc tài thì luôn cho mình cái quyền làm mọi thứ, kể cả việc bóp chết nền dân chủ non trẻ của nước nhà  trong tay, bóp chết sự thực, chân lý, bóp chết tương lai dân tộc. Tôi lại là người khắc tinh với chúng, tôi kinh hãi những gì trong bóng tối, tôi muốn vươn ra ngoài ánh sáng để được hưởng khí trời , ánh nắng. Tôi tự trang bị cho mình nhiều kiến thức về dân chủ, tự do đối lập với sự ù lì, trì trệ, ngu xuẩn của thể chế này, trong tôi là một sự vùng lên không ngừng của trí tuệ Việt Nam, còn bộ chính trị lại là sự lừa đảo không ngừng đối với dân tộc  Việt Nam. Kẻ dối trá luôn sợ những gì trung thực, thẳng thắn, vì thế khi thấy tôi vừa kịp có biểu hiện vùng lên( thông qua các bài viết), chúng đã tìm mọi cách để mua chuộc, phá đám, quấy dối, đe doạ và khủng bố, cuối cùng là lệnh bắt, hòng giam hãm trí tuệ tôi trong ngục tối
-Trong tù họ đối xử với chị ra sao?
-Không ra làm sao cả…Nội quy của cục V26- quy định chung cho tất cả các trại tù là :"Mỗi người được hưởng một diện tích tối thiểu 60cm, tối đa là 2m". Cho nên dù là đau ốm, tôi vẫn không thoát  khỏi quy định ngặt nghèo ấy. Hai chúng tôi bị nhốt chung trong một ngăn chuồng  chật hẹp, cả dài và rộng 4m2, bao gồm cả bệ nằm, bể phốt, bể nước và… chấm hết.
– Chị là tù chính trị, lại đau ốm họ có ưu tiên gì không?
– Tất nhiên, tôi mỉm cười cay đắng khi buộc phải nhớ lại những ngày trong nhà tù cộng sản- Tôi được "ưu tiên" ở gian ngoài cùng, sát nách với  qủan giáo, bảo vệ, phòng y tế, và  "đầu  não" trung tâm của trại tù .Họ bảo, để tôi ở  cạnh họ như vậy .. để đêm hôm, hễ tôi có mệnh hệ gì thì kịp…cấp cứu…Thực ra, ngay cả lúc nhốt tôi vào tù, họ vẫn ngăn không cho tư tưởng tôi ảnh hưởng tới các tù thường phạm khác. Gần lửa rát mặt, gần "trung ương" thì …chịu cứng, tôi không được quyền trò chuyện, hát hò, trao đổi, tâm tình gì với những người xung quanh. Ngay cả người ở cùng phòng, cũng là tai mắt của họ. Những người này dù trước, hoặc sau, già hay trẻ, luôn khuyên nhủ tôi phải từ bỏ con đường "làm giặc" quay về với chính nghĩa…nhân dân.Trong khi các ngăn chuồng bên trong .thì hễ bóng quản giáo đi qua là…vui như tết, người tù tha hồ cười, khóc,  tha hồ thủ thỉ, tâm sự ,chia sẻ với các ngăn chuồng bên cạnh…vì thế cùng là 24 tiếng , nhưng họ đếm thời gian nhanh hơn tôi. Ai ra khỏi tù cũng có cả kho chuyện tù, có thêm lô lốc các bạn tù, riêng tôi thì…cái đầu trống rỗng và đôi bàn tay không, không bị trầm cảm, uất kết là may lắm rồi
Còn chế độ ăn thì sao?  Piter Git Mark hỏi, đôi mắt xanh chăm chú nhìn xoáy vào từng mmilimet trên da mặt bì bì vì mắc bệnh phù thũng của tôi – căn bệnh mà bất cứ người tù Việt Nam nào cũng mắc phải sau vài tháng ở tù
– À – một thoáng ngần ngại lướt nhanh trong óc, tôi phân vân tự hỏi: – Có nên kể cho ngài dân biểu về tất cả những gì khủng khiếp nhất trong ngục tù mà tôi phải trải qua không nhỉ? Liệu ngài dân biểu trẻ có hình dung nổi sự dã man trong nhà tù cộng sản hay không? Cái mà họ bảo là "chu cấp" cho chúng tôi trong tù có đáng gọi là  thực phẩm , thức ăn không? Hay là một sự xúc phạm ngôn từ qúa lớn. Hình như chúa, khi sáng  tạo ra từ này, không nghĩ rằng loài người phải trải qua những cảm giác ghê sợ đến vậy- vì trong suy nghĩ của chúa, toàn là điều thiện nguyện, tốt lành. Người với người là bạn bè, bằng hữu, là yêu thương, che chở v.v đâu có cảnh người ăn thịt người, khủng bố người, đè nén, giam hãm một cách dã man, mọi rợ cả thân thể lẫn tinh thần  như thế này ?
Nhưng thôi, tôi lấy lại sự tự tin vì theo như những gì Piter Git Mark   nói, anh ta đã từng ở tù, dù chỉ là vài ngày… và là tù địa ngục, chứ không phải tù" thiên  đường" như tôi đã nhìn thấy các trại tù ở Đức, Mỹ, Pháp, Anh qua hệ thống Internet.
-Vâng, cũng theo quy định của cục v26- cục qủan lý trại giam của bộ công an trong cả nước, tiêu chuẩn tù nhân được 15 kg gạo, 15 kg rau, 15 kg củi, 3 lạng thịt , 5 lạng cá một tháng. Biết tôi là người có chữ nên quản giáo Nguyễn thị Ngọc Lan đã nói rõ cho tôi biết: Lũ tù nhân chúng tôi được hưởng tất cả …700.000 một tháng, gồm cả tiền phòng , tiền ăn, tiền phục vụ…
Khi tôi nói lại với người cùng buồng thì cả người trước lẫn người sau đều trừ đi 2/3, có nghĩa không đầy 300 nghìn đồng/ tháng. Cụ thể cơm chỉ độc rau muống , một tuần một lần được một lạng thịt bụng bèo nhèo cả mỡ lẫn lông, loại thịt mà chắc chắn ở ngoài đời, tôi không dám động đũa. Còn rau thì để tiết kiệm nhiên liệu, nhà bếp dặn tù tự giác không được đun qúa lửa… Vừa già, vừa rai nhoanh nhoách lại còn bị sống do thiếu lửa nên mỗi khi ăn là " miệng nhai, tai nghe".
 Tóm lại câu cửa miệng của tù khi nói về chế độ ăn của mình là " ăn cơm
cục, uống nước đục"…khắp các bức tường của trại giam, buồng nào cũng khắc hàng chữ:
Không ăn thì ốm, thì gầy
Ăn vào nước mắt chan đầy bát cơm
Mỗi lần đặt xong câu hỏi, tôi nhận thấy Piter lại nghiêng đầu về phía  chị Hồng, lắng tai nghe những  điều chị dịch lại đầy chăm chú.
– Trong tù điều chị sợ nhất là điều gì?
 – Đó là bữa ăn, tôi thản nhiên đáp không che giấu
Luồng ánh sáng từ đôi mắt biếc xanh, đẹp lạ lùng của Piter lập tức như  xoáy  vào mặt tôi
– Thật vậy, tôi nói rõ hơn để chị Hồng dịch, và Piter có thể cảm nhận được -: Suốt 9 tháng trong tù, không khi nào tôi ăn liền một mạch hết bữa như ở nhà. Dù đau ốm, lao phổi, tiểu đường, phải uống rất nhiều kháng sinh, nên lúc nào cũng đói, nhưng phần thì khẩu phần thức ăn qúa  đạm bạc, không nuốt nổi, phần vì cảm giác tủi nhục, cô quạnh bao bọc xung quanh. Bình thường người phương tây định nghĩa: "Bữa ăn là dấu nối kéo dài hạnh phúc tronng gia đình, giúp nối kết, tăng cường tình cảm giữa các thành viên  trong nhà. Từ ông, bà bố mẹ, con cái, vợ chồng. Vào tù tôi cố quên tất cả, gồng mình lên để chịu đựng, nhưng đến bữa ăn phải đối diện với sự thật,  tôi lại nhớ đến hình ảnh xum vầy quấn quýt của gia đình mình. Ngoài đời, tôi có hai cô con gái đang tuổi "chành troẹ" nên bữa ăn nào cũng  vừa cãi cọ , nhấm nhẳn, vừa trêu chọc nhau. Cả hai, một cháu học chuyên Anh, một cháu học chuyên Pháp, rất thích nói chuyện, nhưng không đủ vốn từ vựng nên cứ pha nửa Anh, nửa Pháp nửa Việt, nghe rất tức cười. Chồng tôi là người hìền lành, ít nói, nhưng tôi lại mắc bệnh thoáng hài, rất thích cù để cả nhà cùng cười, nên bữa ăn nào trong nhà tôi cũng  đầy ắp tiếng cười. Vì thế, khi còn lại một mình trong tù, trong cảnh đau ốm triền miên, trước khẩu phần ăn qúa đạm bạc, lại thêm rất nhiều phụ gia ( sạn, thóc, trấu, cứt gián, cứt chuột) phải nhớ về những  hình ảnh vui vầy quấn quýt đó, tôi thường giàn dụa nước mắt, thường nghẹn, ói đủ ba lần mới xong
 – Trong tù chị có bị mất ngủ không, vết tím dưới mi mắt chị là do bị đánh hay do mất ngủ?
 – Cả hai, vì cuộc sống của con người từ khi sinh ra đã được định hình rồi , ban ngày là của lao động, học hành, vui chơi, còn ban đêm là của suy tưởng…Ở nhà tôi vốn ít ngủ, thời gian tập trung chủ yếu vào việc sáng tác, đầu óc luôn cựa quậy bởi các ý tưởng. Vào tù, bị cấm dùng bút, khi ý nghĩ chạy lung tung khắp đầu ,không tìm cách nào để xổ ra, hay nhốt lại, nên tôi thường thả hồn đi hoang , nhiều khi lang thang rong ruổi hết kỷ niệm này đến kỷ niệm khác… Khi nào mệt lử, tâm hồn mắc lại ở một bụi cây, ven rừng, trang sách nào đó, mới thôi. Hơn nữa ở nhà trên  chăn, dưới  đệm quen rồi,  vào tù nằm trên  sàn xi măng giá lạnh, cứng quèo, bẩn thỉu, nhớ mẹ, nhớ các con, nhớ chồng, không sao ngủ nổi, lúc quằn quại như thân lau trong bão, lúc rên lên như con thú bị thương, nên đêm nào thiếp đi được vài tiếng là may lắm rồi .. Chính vì thế mà thường đau ê ẩm cả một mảng đầu. Tương lai không tránh khỏi của tôi sẽ là bệnh nhũn não, chảy máu chất xám, tai biến mạch máu não v.v
Thoáng nét ái ngại trong ánh mắt của Piter, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn,
tiếng nói là hơi thở của tâm hồn, vì thế cả ánh nhìn cũng như tiếng nói của Piter dường như trầm hẳn lại:
– Chị có được chăm sóc về chế độ thuốc thang không?
– Không, tôi khẳng định, giọng chắc nịch. họ không bỏ thuốc độc cho tôi chết dần chết mòn như luật sư Bùi Kim Thành là may rồi, làm sao có chuyện nhà tù cộng sản có chế độ chăm sóc  thuốc thang cho phạm nhân? Đến người bệnh ở ngoài đời còn không có tiền mua thuốc nữa là những thân phận tù đầy, cùng quẫn chúng tôi. Có đau ốm cũng  chỉ vài viên thuốc rẻ tiền của trại, cấp phát theo kiểu bố thí  
Thoáng phân vân trong ánh nhìn của Piter, khi một nét nhăn sâu bất ngờ hiện ra nơi vầng trán…Chồng tôi ân cần đặt chén rượu vào tay Piter,  rồi  ý tứ để tôi   nói tiếp cho tròn mạch nghĩ
– Nhưng dù sao tôi cũng may mắn hơn các bạn tù khác vì trước khi bị bắt tôi đã có hồ sơ bệnh án rồi, nên công an chỉ đạo trại cho phép tôi được nhận thuốc từ nhà vào, vì thế tôi đã không đổ bệnh trong tù. Tuy nhiên họ quản lý thuốc bằng cách "trấn lột" lại tất cả các loại thuốc (do tôi đem từ nhà đến hoặc nhận của gia đình) để cấp phát hàng ngày. Thường 2 hay 3 ngày  một lần, đủ các loại, từ đại tràng, hoạt huyết dưỡng não, lao phổi, tiểu đường. Nếu hôm nào rơi vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc cán bộ y tế đi đám cưới, đám tang, đưa bệnh nhân đi trại mới v.v mà chưa kịp bàn giao cho người khác, là tôi   rơi vào tình  trạng  đói thuốc
– Tình trạng sức khoẻ của chị có vẻ kém, da xanh, tích nước, biểu hiện chậm chạp, mệt mỏi. Chị phải nói bác sĩ riêng lên kế hoạch điều trị bệnh cho chị phù hợp, sát sao hơn
 -Vâng, tôi đáp cố giấu một nét cười ý nhị, Piter là người Na uy, nơi chất lượng công dân cao, từ tư tưởng, tinh thần,  sức khoẻ đều được đề cao,  tôn trọng , việc có bác sĩ riêng là điều hoàn toàn hợp lý, còn ở Việt Nam , nơi bóng  tối độc tài phủ chụp 73 năm như thế này, chất lượng công dân vô cùng thấp kém, một bác sĩ bòn rút tiền của,  xương tuỷ của cả triệu người dân, lấy đâu ra bác sĩ riêng?
Sáp tới chị định như thế nào? Có tiếp tục tranh đấu nữa không? Pi ter đặt câu hỏi:
– Tất nhiên, tôi trả lời, lẩm nhẩm nhại cụm từ quen thuộc  trong bài hát " bác vẫn cùng chúng cháu  hành quân : "Còn sống còn chiến đấu, quét sạch nhũng tham, dù chết cũng  chẳng buông lơi, chiến đấu cho đến ngày thân xác mệt tả tơi "
Tiếng máy điện thoại cắt ngang , Pi ter nhấc điện thoại, trả lời phỏng vấn của phóng viên đài chân trời mới
– Có, trong tù chị ấy bị bạn tù  đánh, hiện một bên mắt phải vẫn còn bầm tím, má bên trái còn 3 vết móng tay cào, trước khi vào tù, chị bị ấy bị một người công an tên là Lê Phương dùng giày  đá rất mạnh vào cổ chân, hiện  vẫn còn vết  sẹo …
 Ngồi bên, chị Hồng làm nhiệm vụ phiên dịch, và dịch lại cho tôi nghe những  gì Piter nói về ý nghĩa, mục đích của chuyến đi xuyên Việt lần này…cuối cùng Piter kết luận :
– Tôi sẽ đưa toàn bộ những  gì nhìn thấy trong chuyến đi này ra đề cập trong quốc hội Na uy. Chính quyền Việt Nam qủa là có vấn đề lớn về mặt nhân quyền, liên tục bắt người vô tội, không cho họ có chế độ chăm sóc hợp lý , không bảo vệ cuộc sống của họ trong bóng  tối  ngục tù,  mà ngược lại còn tiếp tay cho những  kẻ ác,  kẻ xấu, chèn ép họ ngay cả trong tù
 Cũng  giống như Piter, ngồi bên cạnh tôi, chị Hồng liên tục nhận điện thoại từ bên kia bờ biển gọi về. Qua cách nói chuyện của chị và qua việc chị cùng Piter lặn lội cả nửa vòng trái đất để tìm đến  mảnh đất độc tài, nghèo nàn, lạnh lẽo của Việt Nam , thăm thân nhân các nhà dân chủ bị bắt để tìm hiểu tình hình họ trong tù , trong đó có tôi, một kẻ may mắn ra khỏi tù nhờ sự vận động của cộng đồng hải ngoại và tổ chức mình, tôi cảm nhận cuộc đời mình đang trong bước ngoặt quan trọng, tôi đã đến gần hơn lý tưởng mà mình lựa chọn. Bao nhiêu năm qua, cả thời kỳ còn đồng hành với các nhà dân chủ trong bóng tối cũng  như khi ra công khai, tôi đã lăn xả quyết liệt, dám chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận đau thương để đến hôm nay ủ được nụ cười…

Trần Khải Thanh Thủy, Piter Git Mark và chị Võ Thị Hồng

   Từng trải nghiêm nỗi đau tù ngục, nên tôi biết: Dân chủ là con đường gian nan vất vả, với dân tộc Việt Nam thì con đường tự do, dân chủ còn gian nan gấp bội phần . Đã có hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu linh mục, kỹ sư, luật sư , nhà văn, nhà báo, nhà giáo, viện sĩ, dân oan  bị bắt, rồi đây sẽ tiếp tục còn phải hy sinh thêm bao nhiêu nữa? Chờ đợi bao nhiêu ngày nữa để có được thắng lợi trọn vẹn cho cuộc cách mạng này? Dân tộc Việt Nam sẽ còn nhọc nhằn vất vả, nhưng những người bạn như chị Lạc Hồng, những vị dân biểu trẻ tuổi và quả cảm như Piter Git Mark ở bên cạnh  thì nhất định lớp trẻ Việt Nam sẽ vượt lên để tìm lại con đường tự do dân chủ cho nước nhà, cũng là làm lại cuộc cách mạng để giải phóng cho chính mình và  tương lai con cháu sau này…

            Hà Nội, ngày  7-2-2008
Viết lại : 15-11- 2008
Trần Khải Thanh Thuỷ