Bình luận

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: Hoán Chúa Cầu An

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: Hoán Chúa Cầu An

 Việc bổ nhiệm Jang đã được công bố sau một cuộc họp hiếm có của Quốc hội Tối cao Nhân dân Bắc Hàn, với sự hiện diện cũng hiếm có của Chủ tịch Kim Jong-il mà người ta đã biết đang bị chứng đau tim nặng từ 2 năm nay. Qua màn hình TV Bắc Hàn người ta chỉ thấy thoáng hình ảnh của họ Kim 68 tuổi, nên không rõ tình trạng của ông ta lúc này đã trầm trọng đến độ nào. 
(Ảnh: “Lãnh tụ kính yêu” Kim Chính Nhất và con trai vào 1981)Theo thông lệ ở các nước Cộng sản, Quốc hội Tối cao Nhân dân chỉ là mộtcơ quan “gật đầu đóng triện”, nên mỗi năm họp một lần để “thôngqua” những quyết định của đảng và Nhà nước. Quốc hội này đã họp hồi tháng 4, đến tuần này lại họp nữa nhưng không thấy nói tại sao phải họp thêm?
 

Báo chí trên thế giới không chú ý đến chuyện họp thêm này. Riêng tôi nghĩ chắc là việc cấp bách lắm rồi nên mấy ông cầm đầu CS Bắc Hàn không thể chờ đến sang năm. Cấp bách gì vậy? Bắc Hàn đang trải qua một cơn bĩ cực gay go về kinh tế chẳng thể làm ngơ, trong khi Nam Hàn đang ráo riết vận động LHQ trừng phạt Bắc Hàn về vụ tấn công một chiến hạm Nam Hàn làm chết 45 Hải quân. Cho đến nay Bắc Hàn đã chối cãi vụ này và báo chí nhà nước Bắc Hàn không thấy nói rõ cuộc họp “Quốc hội” Bắc Hàn có bàn thảo vụ này hay không.

Tuy vậy người ta cũng được biết thêm là trong cuộc họp tuần này ở thủ đô Bắc Hàn, nhân vật giữ chức Thủ tướng là Kim Yong Il cũng bị mất chức và được thay thế bởi Choe Yong Rim, một dân biểu Quốc hội. Như vậy các phe nhóm tranh chấp còn tìm cách đưa người vào ngồi ở những chức vụ quan trọng. Việc thay thế Thủ tướng đã được quyết định từ lâu, vì hồi tháng 2 năm nay Kim Yong Il đã làm một việc hiếm có là công khai lên tiếng xin lỗi nhân dân sau khi thất bại trong việc chỉnh đốn lại giá đồng tiền Bắc Hàn đã tạo ra bất ổn xã hội và nạn đói lan tràn.

Vậy các ông Cộng sản đổi tiền như thế nào? Hồi tháng 11 năm 2009, dân chúng Bắc Hàn được lệnh “đổi tiền”, theo thể thức đem một số giấy bạc cũ của Nhà Nước nhưng hạn chế số tiền là bao nhiêu để đổi lấy một số bạc đặt tên lại giấy bạc mới cũng của Nhà Nước. Thế nhưng toàn bộ giấy mới này xuống giá thê thảm vì Nhà Nước đã in ra quá nhiều để trả lương cho quân đội và Công an, khiến đồng tiền bị lạm phát. Kiểu đổi tiền này nghe cũng hơi quen với người dân Việt Nam sau năm 1975.

Các nhà phân tích nước ngoài về thời sự Bắc Hàn nói việc thay ngôi hoán vị người lãnh đạo thường là để chuẩn bị một sự thay đổi ngoạn mục của chế độ. Vậy thay đổi như thế nào? Tất cả còn phải chờ xem, nhưng chúng tôi nghĩ ở một chế độ mà lãnh tụ trường kỳ đau ốm, nội bộ đã ngấm ngầm có biến với những rạn nứt gay go, bởi vì các phe nhóm ở sát cấp thượng tầng đã âm thầm kèn cựa lẫn nhau với mục tiêu tối hậu là cướp lấy quyền lực tối cao để nhất thống giang hồ. Kim Jong-il là người đã nối chức cha từ năm 1994 trong cương vị độc tài tàn bạo, tất nhiên đã nhìn thấy rõ những nguy cơ đó có thể làm tan nát chế độ.

Vậy tại sao Kim không truyền “ngôi” cho con trưởng là Kim Jong Nam năm nay 39 tuổi? Nhưng chính anh Jong Nam này đã “dính trấu” mất rồi. Năm 2001 Jong Nam đã bị thất sủng sau khi bị bắt vì đã đáp một chiếc tầu chở khách đến Nhật Bản với Thông hành giả mạo của nước Cộng hòa Dominican để du hí tại vuờn Disney ở Tokyo. Hôm thứ hai tuần này, một tờ báo của Nam Hàn là Joong Ang Ilbo xuất bản đại đa số kiểu bán chợ trời ở Nam Hàn, cho biết người ta đã tìm thấy tung tích của cậu cả Jong Nam ở một khách sạn tại miền Nam Trung Quốc trên phần đất gọi là Macao.

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn ngủi ở trên thang máy, Jong Nam đã cải chính tin nói anh ta đã xin tỵ nạn chính trị ở Âu châu, vì anh ta đã mất hết quyền lực trong vụ đấu đá tranh “vương quyền đỏ” với người em út của anh ta. Jong Nam nói: “Tôi không có kế hoạch qua Âu châu sinh sống. Tại sao tôi phải làm thế? Tôi qua Âu châu là để đi nghỉ hè”. Có lẽ mùa hè ở nước băng tuyết năm nay rực lửa, nên cần phải “nghỉ mát”, thật cũng hợp lý thôi.

Thế còn con trai út của họ Kim thì sao? Anh này tên là Kim Jong Un, 28 tuổi, còn quá trẻ nên 9 năm trước khi anh cả Jong Nam bị quần thần chống đối, Chủ tịch Kim Jong-il đã có định chuẩn bị cho Kim Jang Un lên kế vì. Khốn nỗi lúc đó Jong Un quá trẻ nên bị quần thần dị nghị, nhất là ông đồng hao ngày nay Jang Song Thaek cũng chống đối nên Kim Jong-il phải từ bỏ ý định lập con út kế vị ngai vàng…”đỏ”.

Thế nhưng việc lập ra một tay lãnh đạo mới nghe chừng vẫn chưa đủ. Trước mắt việc khó khăn nhất chế độ Bắc Hàn phải đối phó là vụ bắn chìm chiến hạm của Nam Hàn. Bắc Hàn chối cãi, Nam Hàn đã đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an LHQ. Cố nhiên hai bên còn tranh chấp bằng mồm chớ chưa dùng súng, nhưng tình trạng này đã khiến các nhà đầu tư quốc tế thấy ngại ngùng, không muốn bỏ tiền ra làm ăn ở bán đảo này nữa. Ðầu tư hết, mậu dịch cũng hết. Khó cho Bắc Hàn hơn Nam Hàn vì ở Nam Hàn còn có quân Mỹ đóng ở đó, sư giao lưu kinh tế Mỹ-Nam Hàn còn tiếp tục. Quân đội Mỹ và Nam Hàn có kế hoạch thao diễn quân sự trong tháng này, để xem quân đội hai nước đã sẵn sàng đến độ nào nếu Bắc Hàn gây hấn.

Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn và là hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Nếu muốn có nghị quyết lên án Bắc Hàn, Hội đồng Bảo an cần phải có lá phiếu của Trung Quốc. Sáng thứ Ba lại có chuyện bất ngờ. Bắc Kinh loan tin quân biên giới Bắc Hàn đã bắn chết 3 người Trung Quốc bị nghi là buôn lậu. Vậy Trung Quốc sẽ có thái độ ra sao tại Hội đồng Bảo an? Tôi thích theo dõi vụ này, để xem Bắc Hàn có chịu biến đổi một chế độ cai trị, từ một chủ thuyết chính trị đã lỗi thời để cập nhật hóa thành một chế độ mới làm việc cho dân, lấy quyền lợi của dân tộc làm ưu tiên, thứ mới đến quyền lợi cho đảng hay bất cứ phe nhóm nào. Tôi tin nhiều người cũng đang theo dõi cuộc thí nghiệm này.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh