Tác giả và Tác Phẩm

Phan Tưởng Niệm: Qua Từng Trang Giấy


                                                       

                                   Qua Từng Trang Giấy

                                      

                                    IMG_0291.jpg

                                    

PHẦN 1

 

Giành được tập đặc san  C Đ & NTH  từ chị  Võ Thị Lan gởi tặng trong tay Nguyễn– ông xã tôi. Tôi bỏ hết chuyện cơm nước- giao lại cho Nguyễn rồi nằm ngay sofa đọc “ ngấu nghiến”.

   

Từ trang đầu với bài “ NẮM TAY BƯỚC TỚI ” tôi đã hình dung đến quang cảnh của buổi họp mặt “C Đ &NTH ”- chắc đầy đủ và vui vẻ lắm! Rồi tôi tự hỏi: “Làm sao đi tham dự đây? Ở Mỹ việc di chuyển không phải khó mà khó ở chỗ không có thời gian rỗi rảnh bởi – việc nhà, việc thiên hạ và việc chồng con”.

   

Từng trang rồi từng trang. Phải nói, tôi thường hay bị Nguyễn cằn nhằn vì chuyện đọc sách của tôi. Đúng, tôi rất đam mê đọc sách nhất là chuyện kiếm hiệp của Kim Dung hay chuyện tình cảm của Quỳnh Dao nhưng lần này Kim Dung và Quỳnh Dao tôi cho về hưu vì  tôi đang – mê C Đ & NTH rồi – Lời Nguyễn nói với tôi.

   

Tôi say mê đọc Đặc san CĐ&NTH- quên cả chồng lẫn con, không phải vì Đặc san  C Đ&NTH quá đặc sắc  hay vì  có những bài viết của những nhà văn , nhà thơ nổi danh mà là tôi say mê với những hồi ức, với những kỷ niệm thân yêu của tuổi học trò.

   

Thương về mái trường xưa yêu dấu, nơi mà tôi đã từng chung sống với các đồng nghiệp cùng với những học sinh thân mến trong bảy năm dài”. Chỉ một lời ngắn gọn nơi trang đầu của bài “LỜI NGƯỜI ANH CẢ: NHỚ VỀ CĐ” của thầy cựu hiệu trưởng Tôn thất Ngạc cũng đủ cho tôi  nhớ về một thời kỷ niệm.

   

 “THẦY CHÚNG TÔI” bài của anh Phan thành Tri đã đưa tôi hình dung những khuôn mặt khả kính của các thầy, cô mà tôi đã biết hoặc chưa một lần gặp mặt. Thật sự, tôi không ngờ anh Phan thành Tri có một bộ óc computer – nhớ dai như vậy. Thời gian anh xa mái trường đã hơn ba mươi năm vậy mà từng khuôn mặt thân yêu của thầy, cô anh vẫn nhớ rõ. Nói đến anh Phan thành Tri gợi cho tôi  nhớ một kỷ niệm vui trong những ngày đầu tôi và Nguyễn yêu nhau mà trong đó có chút liên quan đến anh Phan thành Tri.

    

 Năm đó- 1971, tôi mười sáu tuổi- nữ sinh trường nữ trung học Qui Nhơn, còn Nguyễn   anh chàng lính chiến của tiểu đoàn 3/41/22 bộ binh. Chúng tôi quen nhau như tình nghĩa anh em – vì nhà tôi và nhà Nguyễn ở cùng chung xóm. Nhưng: “ tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

Hôm đó, nhớ Nguyễn quá nên tôi liều cúp cua ra Đèo Nhông – Phù Mỹ – nơi đơn vị Nguyễn đóng quân để thăm Nguyễn. Đến nơi, tôi gặp một ông trung úy râu quai nón, mắt kính cận, đaọ maọ trong bộ đồ nhà binh được ủi hồ thẳng tắp.Tôi thấy hơi khớp, nhưng biết sao hơn, đành mạnh dạn đến trước mặt ông ta đứng nghiêm như tư thế chào của quân đội, vòng tay thưa:

 

– Thưa Bác cho cháu hỏi: Ở đây, có phải là đơn vị của thiếu uý Nguyễn?- .

 

Ông ta trố cặp mắt cận nhìn tôi trả lời gọn lỏn: -“ phải” rồi bỏ đi ngay. Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn. Sau này Nguyễn kể lại với tôi là khi gặp Nguyễn , anh Phan thành Tri bảo:

 

– Ê Nguyễn! Tại sao mày dụ dỗ con nít, gặp tao nó vòng tay thưa bác đó mày! Coi  chừng bị ở tù vì tội dụ dổ gái vị thành niên đó bạn.

   

Rồi cũng “ THẦY TÔI ”. Chị Huỳnh thị Kim Oanh đã cho tôi một cảm nhận về tình cảm bạn bè. Thật sâu sắc và ý nghĩa biết bao với lời khuyên nhủ của thầy Nguyễn đức Giang:

 

 -“…Thầy muốn nói với các em, chúng ta hãy yêu thương nhau hơn, giúp   đở nhau hơn và đoàn kết nhau hơn. Hãy bỏ đi tất cả những gì mình thấy nó đi quá khỏi cái tình yêu thương bạn bè, tình dân tộc xứ sở, mà nhất là chúng ta đang sống lang thang ở xứ người…”

  

Và thật cảm động  với câu trả lời của chị Kim Oanh cho thầy Giang và tôi nghĩ cũng cho tất cả những người bạn CĐ & NTH QUI NHƠN – nói riêng, cùng tất cả những người Việt Nam đang sống tha phương nơi đất lạ, quê người- nói chung:

 

– “ …Vợ chồng em không muốn mất bạn  sau bao nhiêu năm xa cách và sau bao biến đổi cay nghiệt vừa qua mà chúng ta vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Em cũng đã nói với các bạn như  thầy đã nói : rằng chúng ta đã mất tất cả rồi, có còn gì hơn nữa để mà ngoảmh mặt mhau. Chúng ta chỉ như cây tầm gởi. Số phận cây tầm gởi có gì mà hảnh diện, em nghĩ vậy. Đất nước của chúng ta đâu? – Mất rồi, còn đâu nữa! Hơn thua nhau? Đánh nhau thì hãy đánh với kẻ thù…”

  

Rồi tiếp…tiếp  Nguyễn Mạnh Súy, Nguyễn thị Kim Kiều, Hoàng Nguyễn, nguyễn Nhạn sơn, thầy Vũ Quốc Oai, Cô Vương Thuý Nga, thầy Phan Lục Tú, thầy Phạm ngọc Hài, anh Cù Minh  Khánh, anh Trần Quán Niệm, anh Trần hoài Thư,  anh Ngu Yên, anh Thái Tẩu, chị Phạm thị Quang Ninh,  chị  nguyễn thị Thu Oanh vv…và vv…còn nhiều và thật nhiều anh chị đã lần lượt dẫn dắt tôi trở về khung trời kỷ niệm.

 

Tôi đang mơ màng với những kỷ niệm đẹp tuyệt vời, bỗng một bàn tay nhẹ

nhàng đặt vào vai tôi với lời chế diễu :

 

-“ Sao rồi người đẹp Nữ trung Học, có tìm thấy gì trong quyển đặc san chưa? Có gặp ai trong đó? Ồ!…Sao lại khóc rồi!.

 

Vâng,tôi đã khóc, khóc vì tiếc thương một thời thơ ngây ấp yêu kỷ niệm.  Khóc vì nhớ đến bóng dáng kính mến của thầy cô và khóc vì  bạn bè kẻ còn người mất.

   

Tôi trở về thực tại khi giọng pha trò của Nguyễn  êm nhẹ rót vào tai tôi –

 

“ Bà xã ơi! Qua khứ đã qua rồi, kỷ niệm cũng chỉ là kỷ niệm, thực tế bây giờ là bà xã xuống bếp dọn cơm cho ông xã và các con ăn, đói bụng quá rồi.”

    

Tôi vùng ngồi dậy  ôm hôn Nguyễn một cái thật kêu –  bởi tôi đang nghĩ – tôi vẫn là cô nữ sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn – mười sáu tuổi của ngày nào, đang yêu một chàng trai lính chiến của tiểu đoàn 3/41/22 BB. Tôi tạm quên tôi vừa mới được làm bà nội một tháng –  Bà nội của cháu Hoàng Long.

 

 

PHẦN 2

 “Hôm nay là ngày mồng một tết phải không anh? Giờ này chắc ở Việt Nam vui lắm anh nhỉ! Biết ngày nào mình trở lại quê hương hưởng một mùa xuân đoàn tụ hả anh! Em nhớ quê mình quá anh à!”

 

Nghe bà xã nỉ non bên tai lòng tôi cũng trĩu nặng. Đúng, nếu không có ngày ba mươi, tháng tư, năm một chín bảy lăm  thì làm gì có cảnh gia đình ly tán – con xa cha, vợ xa chồng, anh xa em  và để rồi chúng ta lại phải làm kẻ lưu vong sống nơi xứ lạ, quê người mỏi mắt trông về cố quốc.(?)

 

Biết được tâm trạng của bà xã đang “ nhớ quê hương, nhớ mẹ già” nên tôi an ủi:

 

“ Quê hương thì ai cũng nhớ, nhưng biết làm sao đây bà xã! ở lại với những kẻ không có lương tri thì chúng ta sống cũng như chết có được gì đâu. Em cũng đã biết, bao năm cuộc sống của chúng ta ra sao rồi – cơm không có ăn, áo không có mặc – “ ngày lê la ngoài đường/ đêm vỉa hè co quắp/ bệnh chẳng thấy nhà thương” đó sao! Thôi bây giờ, điều trước mắt là bà xã hãy lo nấu cơm đi”.

                             * * *

Sơn Đằng_ Cu  chàng mười hai tuổi_ đứa con trai út của tôi, ôm từ cửa vào một bao thư gọi lớn:

 

– Ba ơi! Thư gì  ai gởi cho ba mà lớn quá đây!

– Đưa cho ba xem .Cục cưng.

    

Nhận thư, tôi vội mở ra xem, _“ Ồ”. Yến từ dưới nhà bếp nghe  tiếng tôi “ ồ”, hỏi vọng lên:

 

– Cái gì đó anh?

– Đặc san Cường Đễ & Nữ trung học- Chị Lan gởi tặng đây em!

   

 Tôi chưa nói dứt câu, Yến đã phóng lên như  Chu-chỉ-Nhược tranh lấy Đồ-Long Đao, chụp lấy quyển sách trên tay tôi và “ra lệnh”:

 

  Để em xem trước đã.

    

Tôi không chịu thua, cố giành quyển sách lại:

 

 – Không được, để anh xem trước. Em đang nấu cơm ! Yến la giãy nãy

 

chống chế:

 

Em chưa nấu, mới lấy gạo .Thôi, bây giờ em không nấu nữa, chút chúng ta ăn mì gói. Ok?

 

Tôi phản đối ngay:

 

– Sách này gởi cho anh mà. Yến đưa phong bì cho tôi, hỏi vặn lại:

– Ông xã ơi!  xem kỹ tên người  gởi đi – Võ thị Lan –  con gái? Vậy thì dân Nữ trung Học rồi. Nữ trung Học gởi cho Nữ  trung học. Như vậy không phải chị Lan gởi cho em sao? Đồng ý chưa ông xã?

– Thôi anh chịu thua. Em xem đi, để anh nấu cơm cho .

 

Giành được quyển sách từ tay tôi, Yến say mê nằm đọc. Đã vậy, thỉnh thoảng lại cứ vọng hỏi:

 

– Anh ơi! Anh nhớ cô Vương thúy Nga?

Anh ơi! Anh nhớ thầy Phan lục Tú? Ngày xưa,  em nhớ một lần, trong lớp học, ông đang nói về thời sự chiến trường thì nhỏ Bích Hà nói lớn:

 Thầy ơi! Thầy đừng nói nữa, coi chừng con Yến nó khóc bây giờ.

 Tại sao?. Thầy Tú hỏi:

 Tại vì Người yêu của nó là lính tác chiến đó thầy”. Nhỏ Bích Hà trả lời.

 

Nghe nhỏ Bích Hà nói vậy, ông hướng về em  rồi hỏi lớn:

 Tại sao em lại chọn lính, mà lính tác chiến nữa. Đau tim lắm đấy. Ở bên Cường Để thiếu gì?

 

 Nhỏ Bích Hà nào chịu thua, nó chọc thầy thêm:

 Nhỏ Yến nói : lính mới hùng, còn học sinh thì con nít lắm thầy ạ!”. Từ đó mỗi lần gặp em, thầy thường hỏi: “Sao! Người hùng về chưa?”

 

Làm xong “ bổn phận của ông xã xứ Mỹ”, tôi bước  lên nhà trên  thấy “cô nàng  vẫn còn nằm đọc, tôi “ dịu dàng” hỏi khẻ :

– Xem xong chưa bà xã?… xuống dọn cơm được chưa bà xã? …đưa sách cho anh được chưa bà xã?… Ok!”

 

“Cô nàng”  làm dáng điệu giống như Điêu Thuyền  làm nũng với Đổng Trác,  mở nụ cười tình nhỏ nhẹ:

– Tạm xong  ông xã,… được rồi ông xã,…  sách đây ông xã…ok!

  

Cầm quyển sách từ tay Yến, tôi nhẹ nhàng lật từng trang một.- Tất cả những kỷ niệm  của những tháng ngày xưa cũ hiện về trong tôi.

 

                         * * *

      

Năm ấy ba tôi mất, chiến tranh cũng vừa kết thúc. Mẹ tôi – người đàn bà hai mươi tám tuổi_ tay bồng tay dắt ba đứa con thơ trở về quê mẹ – Qui Nhơn.

 

Qui Nhơn – Thị xã lúc tôi đến  chỉ là con phố nhỏ.  Con đường chính Gia Long vẫn còn những mái nhà tôle lụp sụp. Căn nhà tranh của ngoại tôi được dựng lên bên hông ngôi chùa Tàu Quảng Đông –  nơi này  cũng chính là nơi tôi đã nương náu suốt quảng đời thơ dại và để lại biết bao kỷ niệm của tuổi ấu thơ.

 

Những buổi tối, chúng tôi thường tụ tập tại chùa Quảng Đông chia phe đánh “ giặc”. Tôi làm " Trần hưng Đạo" cầm quân: Bình, Thiện , Trọng, An , Khanh, Hành tiến lên đình Cẩm Thượng đánh nhau với  nhóm Ba Tàu bằng dây ná cao su.

 

Hết đánh nhau với nhóm  Ba Tàu, chúng tôi lại rủ nhau vào chùa Long Khánh “ ăn cắp” đồ cúng trong các miếu thờ thổ thần, rồi vào xóm Hãng Bia lấy xôi, chè, chuối ở dinh thổ địa với mảnh giấy để lại cấm trên bình nhang:

 

Ta là thần thổ địa, nay báo cho các ngươi rõ. Kỳ này, các ngươi cúng hà tiện quá: Chuối không được to, chè không được ngọt, bánh không được ngon. Kỳ sau cúng: chuối phải thật to, chè cho thật ngọt, bánh cho thật ngon. Nếu cải lời, ta sẽ cho ỉa chảy cả xóm. Ký tên: Thần thổ Địa.”

     

Rồi những  đêm ba mươi tết, chúng tôi  cùng nhau đi “ đột kích” những mâm cúng trời của mấy bà Tàu ở phố Gia Long.

     

Thường mỗi khi, đúng giờ giao thừa người Tàu có tục đem hoa quả ra giữa trời cúng, chờ cho tàn nhang rồi mới đem vô nhà. Vì vậy, nên chúng tôi có dịp “ phục kích”- khi thấy mấy bà Tàu cấm nhang xong quay lưng  là chúng tôi a lê hấp xung phong “ nhẹ nhàng” ẳm trọn nguyên mâm, đem ra “ xơi tái”.

  

 Thời gian trôi qua, tuổi đời khôn lớn. Chúng tôi bước chân vào ngưỡng cửa của bậc Trung học. Không còn phá phách như tuổi ấu thơ, nhưng chúng tôi đã bắt đầu biết “quậy” những ngón độc chiêu hơn. Những lá thư tình, chúng tôi lén bỏ dưới hộc bàn của những nữ sinh “ chằng lửa” với những câu thơ   “ trữ tình” “… yêu là ể trong quần một đống…” khi các cô nàng cầm thơ lên đọc để rồi hằn học phê bình lớn tiếng “ đồ mất dạy” thì chúng tôi phá lên cười “ sung sướng “.

   

Tuổi ấu thơ đi qua, tuổi học sinh cũng hết. Chúng tôi trở thành người lớn và cũng từ đó chúng tôi bắt đầu nhập cuộc- bỏ lại cuộc chơi, và đi vào  cuộc chiến.

   

Cuộc chiến hai mươi năm  đã tước đoạt của chúng tôi hết phân nửa đời người. Chúng tôi không có tuổi mộng mơ của những ngày cuối tuần  đưa em đi dạo phố Gia Long hay ngắm sao trời nơi biển Qui Nhơn gió lộng, có chăng là những lần về phép 24 giờ ngắn ngủi, chưa nhìn  rõ được khuôn mặt con phố thân quen thì đã vội vàng trở ra đơn vị. Chúng tôi đã mất đi biết bao ước vọng tương lai. Chiến tranh đã cướp đi tất cả!- Cướp đi tuổi trẻ hai mươi.

    

Chiến tranh chấm dứt, chúng tôi lần lượt vào tù. Qui Nhơn! con phố vẫn buồn ủ rủ; Biển Gành Ráng vẫn nhấp nhô với những đợt sóng ngầm – Mộ Hàn Mạc Tử vẫn nằm chơ vơ hiu quạnh không bóng dáng người tình và con nước Suối Tiên vẫn phẳng lặng lững lờ trôi. Thời gian cứ từng bước đi qua. khi chúng tôi làm lại cuộc đời  thì trên đầu đã hằn hai thứ tóc và chúng tôi cũng đã thật sự xa quê hương –  làm thân tầm gởi nơi xứ lạ, quê người.

 

-Ê! ông xã!, làm gì  ngồi thừ ra vậy?.Nhớ quê hương, nhớ mẹ già hả!?      

 

Nghe Yến gọi, tôi sực tỉnh nhìn ra đường_ những làn tuyết trắng đang thi nhau đổ , tôi tự nói thầm: “ Mình đang ở Chicago – nước Mỹ chứ nào phải Quy Nhơn – đất nước Việt Nam thân yêu! “ và rồi nói với Yến:

 

 Đọc  tập đặc san CĐ & NTH bỗng dưng anh nhớ về kỷ niệm của những tháng ngày anh sống ở Qui Nhơn, từ tuổi ấu thơ đến ngày khôn lớn, rồi đi lính, rồi vào tù và rồi biết bao kỷ niệm. Nhớ quá đi em – Nhớ bải biển, nhớ Ghềnh Ráng, nhớ Suối Tiên, nhớ Đầm thị Nại. Nhớ Cường Đễ, Nhớ Trinh Vương, nhớ Bồ  Đề, nhớ Nữ trung Học, nhớ La San, nhớ Nhân Thảo, nhớ và nhớ lắm…”

  

Yến trầm ngâm một lúc lâu hồi tưởng lại  “ Một thời áo trắng”  khẻ nói:

 

Em cũng vậy, nhớ lắm anh à! Biết ngày nào trở lại quê hương, sống lại với  bao kỷ niệm của tuổi học trò!  Con đường  Nguyễn Huệ hằng ngày em  qua, cổng trường Nữ Trung Học hằng ngày em đến… Rồi thầy cô, bạn bè… bây giờ mỗi người mỗi hướng. Nghĩ lại nhớ lắm chứ anh! Nhưng thôi! Tất cả  đã qua rồi, bây  giờ có còn chăng chỉ là kỷ niệm. Mong một ngày đất nước hồi sinh, chúng ta sẽ về lại Việt Nam, yên nghỉ tuổi đời còn lại. Anh có đồng ý với em?

 

– Đúng!  anh  cũng đã từng nghĩ như vậy. Ở đây vật chất có dư thừa, tiện nghi có đầy đủ nhưng đất nước này nào phải  của chúng ta! Có gì đi nữa, chúng ta cũng chỉ là kẻ ăn nhờ, ở đậu. Sung sướng gì với kiếp sống lưu vong, làm người  vong bản!. Không nơi nào đẹp bằng quê hương mình phải không em?”

     

Yến  gật đầu thay thế cho câu  trả lời,  rồi  kéo tay tôi :

 

  Mình đi ăn cơm, anh!.

      

Trong phòng riêng  tiếng hát Bảo Yến nỉ non  từ chiếc máy CD  vọng lại với bài “ Quê hương” của Đỗ Trung Quân: “ ….Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…Quê hương nếu ai không hiểu… sẽ không lớn nổi thành người…” . Tôi và Yến không ai bảo ai, cùng ngồi im lặng…im lặng để nhớ về quá khứ, nhớ về ngôi trường, nhớ về thầy cô, nhớ về bạn bè, nhớ về Quy Nhơn với những tháng ngày ngây thơ  ấp yêu kỷ niệm.

 

Phan Tưởng Niệm