Giới thiệu sách

NV Đỗ Tiến Đức : Phát Biểu về Ông Võ Đại Tôn

Võ Đại Tôn Hoàng Phong Linh

 

 Đỗ Tiến Đức

 

Phát biểu trong buổi sinh hoạt “Hành trình công tâm để xây dựng lại niềm tin” và ra mắt thơ văn của ông Võ Đại Tôn tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana ngày 12 tháng 6, 2010.

 

Đã có quá nhiều người nói và viết về ông Võ Đại Tôn. Và gọi ông bằng những danh từ đẹp nhất cho một đời người.

Cố thi sĩ Nguyên Sa gọi ông Tôn là chiến sĩ anh hùng, so sánh ông với một nhân vật lịch sử là Cao Bá Quát.

Thi sĩ Du Tử Lê chẳng những gọi ông Tôn là anh hùng mà còn là “nhị trùng bản ngã anh hùng Võ Đại Tôn.

Thi sĩ Cao Tiêu làm thơ tặng ông Tôn, gọi ông Tôn là “đại hùng”.

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng gọi ông Tôn là anh hùng. Ông còn gọi ông Tôn là chiến sĩ.

Cố nhà văn Xuân Vũ gọi ông Tôn là một nhà cách mạng, là lương tâm của thời đại.

Nhà báo Nguyễn Đạt Thịnh, cựu Trung tá Quân đội VNCH gọi ông Tôn là “một vị anh hùng”.

Nhà báo Giao Chỉ so sánh ông Tôn với danh tướng Trần Bình Trọng, là chiến sĩ anh hùng, là nhà cách mạng, là nhà thơ, là “một anh hùng còn sống”, là “người lính với nhị trùng bản ngã”..

Cũng theo nhà báo Giao chỉ thì trong giai đoạn đầu của lịch sử phục quốc của người Việt tỵ nạn cộng sản, có ba người đã dấn thân về nước. Đó là ông Trần Văn Bá từ Âu châu, ông Hoàng Cơ Minh từ Mỹ châu và ông Võ Đại Tôn từ Úc châu.  Hai ông Bá và Minh đã hy sinh. Chỉ còn ông Tôn, dù rằng ông đã có hành động tự sát khi Việt cộng đưa ông ra họp báo, ông đã cất cao tiếng nói bất khuất, giữ vững lập trường diệt cộng cứu nước, y như khi xưa Trần Bình Trọng đã dõng dạc nói vào mặt kẻ thù “Thà làm qủi nước nam còn hơn làm vương đất bắc”.

Cho nên ông Tôn trở thành “một anh hùng còn sống”.

Cho nên hôm nay chúng ta nói về  ông Võ Đại Tôn không phải trong một buổi lễ tưởng niệm, truy điệu, mà chúng ta hân hạnh được ngồi chung với ông bà Võ Đại Tôn  trong hội trường này.

Trở lại câu chuyện ba chục năm trước, khi mà ông Võ Đại Tôn đã tạm bỏ, mà nhiều phần là bỏ luôn, cuộc sống yên ấm nơi hải ngoại, với bà vợ trẻ đẹp, để lội suối băng rừng về quê hương chống thù cứu nước. Thử hỏi ông có mơ một ngày ông trở thành Tổng thống chăng ? Tôi nghĩ là ông Tôn không có ảo tưởng như thế.

Hẳn ai cũng biết, khi Hồ Chí Minh về hang Pắc Pó, ông ta chưa có dân, chưa có quân đội, nhưng ông ta có cả một đế quốc cộng sản Nga Tầu yểm trợ. Còn ông Tôn, trở về nước chỉ với vài chiến hữu, các đồng minh cũ của Việt Nam cộng hòa chẳng những đã không yểm trợ mà còn tạo dư luận chống đối, cô lập ông. Họ đề cao hình thức đấu tranh bất bạo động để trói tay kháng chiến Việt Nam. Họ không muốn Việt Nam có một Arafat. Họ đẩy chúng ta vào cuộc đấu tranh cho nhân quyền để chúng ta quên đi cuộc đấu tranh giải phóng. Thế mà cũng có một số đảng phái nghe theo, trước khi vào cuộc đấu tranh cứ phải minh định với kẻ thù rằng, chúng tôi chủ trương bất bạo động nghĩa là chúng tôi không động tới người các ông đâu, chúng tôi đã tự trói tay chúng tôi rồi.

Rõ ràng là kẻ thù của chúng ta không chỉ là kẻ vi phạm nhân quyền.  Giết dân, bán dân, bán lãnh thổ của cha ông không phải là vi phạm nhân quyền. Chúng là kẻ phạm tội diệt chủng. Chúng là kẻ bán nước. Chúng ta tội đồ của dân tộc.

Khi chúng ta chỉ kết án cộng sản vi phạm nhân quyền là chúng ta đã cải tội danh cho chúng, từ tội đại hình xuống tội vi cảnh, từ tội mà các vua thời trước phạt chu di tam tộc, xuống còn tội đậu xe mà quên bỏ tiền vào đồng hồ.

Ông Tôn đã xông vào cuộc chiến rõ ràng không phải ông muốn về Hà Nội để biên giấy phạt kẻ vi phạm nhân quyền. Ông muốn trao cho tội đồ cộng sản một bản án phản dân hại nước.

Nhưng có lẽ người chiến sĩ Võ Đại Tôn cũng đã ý thức rằng sẽ phải chiến đấu rất gian khổ mới hy vọng đạt được mục tiêu là giải phóng tổ quốc. Cho nên ông đã khẳng định ông chỉ là một viên gạch lót đường. Nghĩa là ông mang mạng sống của ông để kích thích lòng yêu nước, để mở ra cuộc đấu tranh vì đã có viên gạch lót đường rồi, toàn dân hãy  lên đường và xốc tới. Hơn ai hết, ông hiểu rằng vòng hoa vinh quang sau cùng sẽ không choàng lên viên gạch lót đường mà sẽ quàng lên cổ những người đã nhờ viên gạch lót đường mà đi tới chiến công.

Cái ý nghĩa “viên gạch lót đường” còn được sáng chói trong buổi cộng sản đưa người tù Võ Đại Tôn ra trước một cuộc họp báo ở Hà Nội . Chúng đinh ninh sau những trận đòn tàn bạo, sau những ngày bỏ đói, những đêm không cho ngủ, ông Tôn đã đầu hàng vì bản tính chung con người là tham sinh úy tử. Ngờ đâu, trước các phóng viên quốc tế, ông Võ Đại Tôn tuyên bố ông sẽ tiếp tục  tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc.

Chắc chắn là ông Tôn thừa biết hậu qủa của những lời ông vừa nói. Vâng, ngày 13 tháng 7 năm 1982 tại Hà Nội, có thể khẳng định là ông Võ Đại Tôn đã quyết định tự sát. Tự sát để cho trọn ý nghĩa của kẻ tự nhận làm viên gạch lót đường. Tự sát để làm sáng cái lý tưởng của người chiến sĩ, lên đường tranh đấu không vì công danh phú quí cho bản thân. Tự sát để cái viên gạch lót đường kia sẽ có hàng vạn gót chân của người Việt yêu nuớc bước lên tham gia cuộc đấu tranh diệt cộng. Tự sát để sớm có một ngày những viên gạch tinh hoa của giòng giống Việt Nam không chỉ dùng lót đường mà sẽ  được dùng để xây dựng nên một toà nhà Việt Nam nguy nga tráng lệ.

Chính hành động tự sát của ông Võ Đại Tôn trong buổi họp báo ở Hà Nội ngày 13 tháng 7, 1982 đã khiến ông trở thành một Trần Bình Trọng của thời đại. Ông xứng đáng được vinh tặng hai tiếng anh hùng.

Nhưng, tại sao ông Võ Đại Tôn lại có quyết định băng suối bằng rừng trở về nước, mong dấy lên một cuộc đấu tranh chống cộng trong thời điểm mà nhiều người khác cho rằng chưa thuận lợi ?

Câu trả lời chung chung sẽ là : Vì ông Võ Đại Tôn yêu nước.

Tôi nói chung chung là bởi vì lòng yêu nước trong người Việt khó có thể biết ai hơn ai. Tại hải ngoại có biết bao nhiêu cựu quân cán chính Việt Nam cộng hoà, sao chỉ có vài ba người như ông Tôn lăn mình vào công cuộc phục quốc ? Vài ba người đó chắc chắn là phải có thêm một động lực mạnh mẽ nào khác.

Tôi được quen biết ông Võ đại Tôn trên 40 năm hồi cùng làm việc ở Bộ Thông tin, nhưng tôi vẫn phải đi tìm vì tôi chưa được thấy điều mà tôi muốn biết. Mãi đến khi đọc xong cuốn “Tuổi thơ và chiến tranh” hồi ký của Võ Đại Tôn, thì tôi mới có lời giải đáp.

Cuốn sách này có tựa là “Tuổi thơ và chiến tranh” thì tuổi thơ là tác giả lúc 10 tuổi, và chiến tranh là lúc cộng sản nổi lên khống chế dân tộc Việt Nam. Gia đình ông Tôn đang giàu có bỗng một sớm một chiều cơm không có mà ăn. Mẹ ông bị ho lao đã tới thời kỵ nặng nhưng không thuốc thang điều trị, không bồi dưỡng, bị cô lập trong một chòi lá ngoài vườn để tránh lây bệnh cho gia đình. Là một người con muôn vàn thương yêu mẹ, nên ông Tôn vẫn lẩn quẩn bên mẹ, chăm sóc miếng ăn cho mẹ, ban đêm không được nằm bên mẹ thì ông đứng trong phòng ngủ của ông mà nhìn sang chòi lá hiu hắt ánh đèn, nơi mà ông biết mẹ ông cũng đang ngồi nhìn về phía đàn con…

Thế rồi, vì muốn chồng con thoát cảnh tù túng đói khổ nên không xá gì đang bị bệnh nặng, mẹ ông vẫn tình nguyện vượt vòng phong tỏa của cộng sản  những mong mở ra một đường sống cho chồng con.

Chẳng may bà bị Việt cộng bắt và Việt cộng chém bà bằng những nhát cuốc. Sau đó Việt cộng đã chôn sống bà. Phải nhiều năm sau, ông Tôn mới được sờ vào thân thể người mẹ nhưng không phải là làn da mịn màng ấm áp mà chỉ còn là những khúc xương tàn bị chôn vùi ngoài đồng hoang cô quạnh không một nén nhang, không một giọt nước mắt của chồng con.

Theo tôi, chính nỗi căm thù cộng sản giết mẹ từ tiềm thức này đã biến thành hành động, đưa Võ Đại Tôn vào con đường tranh đấu dù đó là một cuộc tranh đấu rất cô đơn, mà những người cho là khôn ngoan sẽ không làm.

Ngày xưa, trong lịch sử Việt Nam có bà Trưng,  đang là khách má hồng bỗng phất cờ khởi nghĩa vì thù quân Tầu đã giết chồng bà.  Thư sinh Nguyễn Trãi vì thù giặc bắt cha mà trở thành quân sư của Bình Định Vương Lê Lợi.

Ngày nay, Võ đại Tôn từ hải ngoại vượt rừng băng suối về quê hương mưu đồ phục quốc cũng là do nợ nước cộng với mối thù cộng sản chôn sống mẹ ông.

Thưa qúy vị,

Hai mươi năm trước, khi ông Võ Đại Tôn được thả do áp lực của quốc tế, tôi đã tổ chức tại nhà tôi buổi tiếp đón ông bà lần đầu tiên trở lại nước Mỹ.

Với gần  một trăm người, gồm rất nhiều anh em thuộc các đoàn thể, chính đảng khác nhau, mọi người lúc bấy giờ đều hứng khởi với sự xuất hiện của ông Võ đại Tôn trong cuộc  trao đổi nhau về phương thức đấu tranh. Và, điểm đầu tiên là nhiều vị đã ân hận rằng khi ông Tôn “lên đường tranh đấu”, bị tù không có ngày về, thì rất ít ai ở Mỹ thăm hỏi và giúp đỡ về tinh thần và vật chất cho bà Tôn  ở bên Úc.

Cũng trong buổi đón tiếp ông bà Võ Đại Tôn tại nhà tôi năm 1993, một ý kiến được nhiều vị gật gù đồng ý là cuộc đấu tranh chống cộng không phải là cuộc đi tìm vàng để  phải tranh giành nhau. Các đoàn thể chống cộng nên coi nhau như một bộ phận của cùng một cơ thể. Người này là mắt thì người kia là mũi. Người này là tay thì người kia là chân.   Nếu là một người bình thường thì tay sẽ không chặt chân, tay sẽ không đâm mù mắt. Mắt sẽ không ích kỷ để mặc cho chân bước xuống hố. Bởi vì những hành động hại nhau như thế đều là tự sát.

Thế nhưng, sau đó tôi vẫn nghe ông Võ đại Tôn than thở, dù than  thở bằng thơ : Anh không sợ kẻ thù trước mặt mà sợ người chiến hữu sau lưng.

Đồng thời, tôi còn nhớ một số ý kiến hôm đó là, cộng đồng chúng ta phải lập ra một qũi gọi là qũi tranh đấu. Chúng ta đã sẵn sàng gửi tiền về giúp một số nhà dân chủ trong nước, nhưng những nhà đấu tranh ở hải ngoại tại sao chúng ta không yểm trợ ? Cụ thể, với một người như Võ Đại Tôn, tên tuổi ông được cả thế giới biết đến, lý tưởng chống cộng của ông đã được thử thách, tại sao chúng ta không giúp ông giải quyết các nhu cầu cuộc sống, để ông có toàn thời gian làm việc cho công cuộc đấu tranh phục quốc ?  Nếu ông phải đi làm một công việc nào đó để mưu sinh và nuôi vợ con thì thì giờ của ông sẽ bị ràng buộc với công việc, như thế cuộc đấu tranh của ông tất nhiên sẽ bị hạ xuống thành “part time” cuối tuần.  Tiếc rằng vì không có qũi tranh đấu nên nhiều người dù rất nặng lòng với quê hương cũng đành nhìn thời gian trôi qua.

Thê thảm hơn, một số vị muốn đấu tranh đã tự đi tìm nguồn tài trợ khác cho mình thì chẳng những đã không được thông cảm mà còn bị đánh phá rất trớ trêu.

Mang chuyện cũ từ hai mươi năm trước ra nói, chẳng qua là vì tôi rất quí trọng và thương mến Võ Đại Tôn. Bây giờ dù ông đã được vinh danh là anh hùng, là liệt sĩ sống nhưng tôi biết, đó không phải là giấc mộng của ông.  Giấc mộng của ông là được nhìn thấy quê hương không còn màu cờ máu , không còn cộng sản để tuổi thơ Việt Nam được sống hồn nhiên trong sáng, để mọi người dân Việt  được sống tự do, để Việt Nam được năm châu bốn biển nể phục..

Đó là lý do mà ông Tôn  thường quên rằng tuổi ông đã thuộc loại cổ lai hy. Mỗi lần nghe tin bên Úc đồng bào ta có cuộc biểu tình chống cộng  là tôi thấy hình ảnh Võ Đại Tôn với lá cờ vàng ba sọc đỏ đi đầu. Tháng trước, ngay khi vừa đặt chân đến Nam Cali ông đã có mặt trong các buổi lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen. Ngoài ra, ông viết sách, viết báo, làm thơ. Chữ của ông thay ông tiếp tục làm viên gạch lót đường. Thơ của ông là tiếng trống thúc đẩy anh em và đồng hương đừng quên nhiệm vụ đối với tổ quốc.

Cố thi sĩ Nguyên Sa gọi Võ Đại Tôn tức thi sĩ Hoàng Phong Linh thuộc trường phái “thi ca ái quốc”. Thi sĩ Du Tử Lê viết rằng Võ Đại Tôn là “tài hoa của đất nước” nên trong thơ của ông mới có được những rung cảm đỉnh ngọn, có nhịp đập của tổ quốc trong dòng máu Tiên Rồng.

Như thế thì, ông Võ Đại Tôn đã đi vào lịch sử của đất nước bằng  cửa chính. Và ông đang cõng trên lưng  một nhà thơ tên là Hoàng Phong Linh bước vào lịch sừ văn học Việt Nam. Tôi  chúc mừng sự thành công của ông.




             Đỗ Tiến Đức