Giới thiệu sách

Nguyễn Vạn Bình :Ðiệp Viên ÐẶNG MỸ DUNG Ra Mắt Tác Phẩm: NGÀN GIỌT LỆ RƠI

Ðiệp Viên  ÐẶNG MỸ DUNG

Ra Mắt Tác Phẩm: NGÀN GIỌT LỆ RƠI

 

Gioi thieu cuon sach nen doc.
 
www.ngangiotleroi.com 
 

 

  San Jose (Ý Dân):  Gần 250 đồng hương đã đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm “Ngàn Giọt Lệ Rơi” của bà Đặng Mỹ Dung, đến từ  Georgia do cơ quan IRCC tổ chức  tại hội trường Isaac Newton của quận hạt Santa Clara, San Jose vào 1 giờ trưa ngày 16-5-2010 vừa qua. Trong thành phần khách tham dự, chúng tôi nhận thấy có  cựu đại tá Nguyễn Hồng Tuyền, cụ Trương Đình Sữu, các bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ, Nguyệt Mehlert, thẩm phán Phan Quang Tuệ, luật sư Nguyễn Thị Thu Hương, cựu luật sư Lê Duy San, cựu luật sư Ngô Văn Quang,  Gs Lưu Khôn, các ông Nguyễn Mộng Hùng, Đỗ Thành Công, Đỗ Hùng, Huỳnh Lương Thiện, Nguyến Tấn Đức, Nguyễn Tấn Thọ, Vũ Văn Lộc, Nguyễn Quan Vĩnh, Hoàng Cơ Định, Châu Minh Hoàng, Nguyên Trung, Nguyễn Xuân Hoàng, các bà Trương Gia Vy, Ngọc Bích, Cao Ánh Nguyệt , Amy Dương v.v. và giới truyền thông.

            Sau nghi thức chào quốc kỳ, ca sĩ Thu Hà (bác sĩ Nguyệt Mehlert) cùng một số bà trong ban tổ chức đã đồng ca bài Cô Gái Việt để  khai mạc cho buổi ra mắt sách.

           Sau đó, bà Salle Hayden cho biết  nhờ vào tác tác phẩm “A Ten Thousand Tears Falling”  của bà Đặng Mỹ Dung mà bà đã hiều rõ hơn về những bi thương trong cuộc chiến Việt Nam .

Bà Phan Thị Châu, phu nhân của ông Vũ Văn Lộc  dịp nầy đã đọc bức thơ cáo lỗi  vắng mặt của nữ nghệ sĩ Kiều Loan, trưởng ban tổ  chức vì phải về Việt Nam thọ tang cha là thi sĩ Hoàng Cầm.

            Trong phần giới thiệu tác phẩm: “Ngàn Giọt Lê Rơi”,  bác sĩ  Nguyệt Mehlert cho biết tác phẩm đã kể lại thân phận của người phụ nữ Việt  trong cuộc chiến Việt Nam qua hai thế hệ của người Mẹ và của chính bản thân cuả tác giả.. Bà Nguyệt Mehlert cho rằng trong chiến tranh Việt Nam đã  gây nên bao cuộc chia ly như chồng phải đi tù, con chết, người vơ sang ngang v.v. Qua tác phẩm: Ngàn Giọt Lê Rơi: gia đình của tác giả đã phải lâm vào cảnh chia ly bi thương nầy chỉ vì khác nhau về ý thức hệ. Năm 1954, người Cha đã đi tập kết ra Bắc đem theo đưá con trai lớn 17 tuổi và bỏ lại vợ, con ở trong Nam . Biến c 30-4-1975 xảy ra, người Cha vào Nam   tìm vợ, con thì mọi người  đã ra đi tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Sang Hoa Kỳ, tác giả đã trở thành điệp viên CIA hoạt động chống lại chế độ CSVN. Theo bác sĩ Nguyệt Mehlert thì cuộc đời của tác giả gặp đầy những trở ngại trớ trêu.

            Tiếp đến, nhà báo Trương Gia Vy trong phần giới thiệu tác giả cho biết bà Đặng Mỹ Dung sinh năm 1946 tại Cần Thơ.Thân sinh của chị là ông Đặng Quang Minh, đại sứ Việt Cộng tai Liên Xô . Vào năm 1954  cha của chị đã mang theo anh trai của chị là Đặng Văn Khôi, 17 tuổi ra Bắc tập kết. Ông Ngoại của chị hiểu rõ chế độ Cộng Sản nên Mẹ của chị nhất định không theo chồng, ở lại miền Nam nuôi 6 đứa con. Năm 18 tuổi, chị Mỹ Dung vào làm cho đài phát thanh ở Cần Thơ dưới quyền của ông Nguyễn Đạt Thịnh. Năm 1966, chị vào làm sở Mỹ và từ đấy đã quen và hứa hôn với ông John Krall, đại úy Hải  Quân của  Hoa Kỳ . Năm 1968, chị Dung sang Mỹ để kết hôn với ông john Krall. Nhưng chỉ sau 3 tháng ở Mỹ,chị Dung lại đòi về Việt Nam vì nhớ nhà , nhưng bà Mẹ không cho. Vào tháng 4 năm 1975, trước khi mất miền Nam , chồng chị về Việt Nam để đón mẹ và các em sang định cư tại Hoa Kỳ.  Tháng 5, 1975, chị Mỹ Dung đã trở thành điệp viên của CIA.

            Trong phần nói chuyện của tác giả, bà Đặng Mỹ Dung đã ngỏ lời cám ơn các giáo sư, thân hữu của Hội Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm cũng như ông anh họ là cựu đại tá Nguyễn Hồng Tuyền cùng các em. Bà cũng cám ơn ban tổ chức cùng quan khách đã giúp bà  ra mắt sách  qui tu được  đông đảo người tham dự như hôm nay. Bà cho  biết mục đích viết  sách  để ghi ơn và tưởng nhớ Cha, Mẹ và những người thân yêu đã ra đi.

Sau đó, bà Dung nêu ra sự việc vào năm 1977 khi gặp thân phụ tại Luân Đôn, bà đã thố lộ cùng Ba của chị là từ ngày xa Ba, bà rất là cô đơn , bà đã viết nhật ký trong suốt 20 năm đó, bà  đã phải đổi từ  họ Ba sang họ Mẹ. Bà cũng ngỏ ý muốn thân phụ viết hồi ký, thì  Ba của chị đã bảo với chị rằng: “Ba không thế viết hồi ký, vì chỉ có đảng CSVN mới có quyền viết hồi ký. Sau đó, ông nhắn nhủ: “Thôi thì con viết hồi ký thay cho Ba đi.”.

Bà Đặng Mỹ Dung cho biết ra hải ngoại, bà cố giữ gìn truyền thống tốt đẹp của Việt Nam . Bà Dung cho biết cuộc đời của bà đã lấy hình ảnh của Cha Mẹ làm hành trang. Bà đã lấy “ Trái Tim yêu nước của người Cha và lá Gan của Mẹ ” đã can đảm chọn lý tưởng Tự Do làm hướng dẫn cho  đời mình.

Trả lời câu hỏi của nhà báo Nguyễn Vạn Bình là đứng trên quan điểm của ông cũng như của nhiều người Việt Quốc Gia thì thân phụ của chị không thể nói là yêu nước.Vì yêu nước là đem đất nước được độc lập, hùng cường và người dân được ấm no hạnh phúc. Nhưng từ ngày chế độ Cộng Sản áp đặt trên quê hương, thì  Việt Nam dần dần mất đất, biển cho Trung Cộng, người dân bị tước đoạt các quyền tự do, người phụ nữ phải bán thân để sống. Theo ông Bình thì  thân phụ của chị Mỹ Dung đã đi lầm đường.  Bà Dung cho rằng thời gian bà sống  với thân phụ rất ngắn ngủi. Khi còn bé cho đến 9 tuổi đã xa cha, bà chỉ thấy qua hình ảnh Ba mình đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trả lời câu hỏi của ông Trần Trung Chính phải chăng tinh thần chống Cộng của bà đã ảnh hưởng từ  người Mẹ ?.  Bà Dung cho biết Mẹ của mình đã hai lần chống Cộng mạnh mẽ.  Đó là vào năm 1954, bà không đi tập kết ra Bắc cùng chồng và vào năm 1975 đã đi tỵ nạn sang Mỹ. Bà Dung cũng cho biết  tinh thần chống Cộng của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cũng đã ảnh hưởng đến bà rất nhiều.

Ông Vũ văn Lộc đề nghị bà Dung nên thực hiện cuốn phim Ngàn Lệ Giọt Rơi, một câu chuyện bi thương trong cuộc chiến Việt Nam

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Mộng Hùng là bà đã phải trải qua bao nhiêu thử thách để trở thành điệp viên cho CIA? Bà Dung cho biết trái lại CIA đã phải trãi qua nhiều thử thách mới được bà nhận lời cộng tác.

Trả lời câu hỏi của ông Lê Duy San là ông thân sinh của chi Dung có trái tim lầm lẫn chứ không phải là trái tim yêu nước ? Bà Dung cho rằng trước năm 1954, lúc ấy bà được 9 tuổi thì hình ảnh thân phụ của bà theo Việt Minh chống thực dân Pháp là một hành động yêu nước. Sau năm 1954, bà đã không được liên lạc với Ba, nên bà không hiểu Ba mình đã lỡ cởi lưng cọp hay Ba chính là cọp, chị hoàn toàn không rõ.

Bà Ngọc Bích sau đó cũng bày tỏ đồng quan điểm với các ông Nguyễn Vạn Bình và Lê Duy San.

Trả lời ông Nguyễn Tấn Đức là có khi nào Ba của chị tiết lộ rằng Ba của chị đã đi lầm đường không? Phải chăng lời nhắn nhủ của thân phụ với chị là: “Thôi thì con hãy viết hồi ký thay cho Ba là một lời nhắn nhủ không?”  Bà Dung cho rằng Ba của chị là một nhà ngoại giao nên ăn nói rất là đắn đo. Bà Dung cho biết có điều bà nhận thấy nơi Ba của chị là một người chồng rất chung thủy với vợ và thương các con. Ngày ông chết cách đây 25 năm , không có ai ngoài những người trong gia đình của chị đã chạy ra nhận ông làm chồng hay làm cha như trường hợp của ông Hồ Chí Minh.

     Tiếp theo ông Hoàng Cơ Định cho biết ông đã say mê đọc quyển sách của bà Đặng Mỹ Dung ấn bản bằng Anh ngữ  “A Thousand Tears Falling” và cho rằng đây là một quyển sách rất giá trị

Sau đó, nhà bào Huỳnh Lương Thiện cho rằng câu chuyện xảy ra trong gia đình tác giả là một bi kịch. Nhưng theo ông Thiện, bà Mỹ Dung nên suy nghĩ lại  đừng nên ra trước đám đông người mà nói rằng Ba mình là người yêu nước. Vì  đảng CSVN đã đem khổ nạn  cho dân tộc Việt Nam . Theo ông Thiện thì Ba của chị Dung đã bị đảng CSVN lợi dụng lòng yêu nước . Bà Đặng Mỹ Dung cho biết bà sẽ không lấy lại lời nói nầy. Theo ý bà Dung  thì làm thân phận người con, bà không thể lên án hay chỉ trích Ba của mình, quyền phê phán nếu có về Ba mình là thuộc quyền của mọi người.

Sau cùng, ông Nguyễn Quan Vĩnh đã nhắc lại những kỷ niệm trước đây nhờ vào những tin tức do bà Đặng Mỹ Dung cung cấp mà cộng đồng Việt Nam ở Bắc Cali. đã biểu tình rượt đuổi tên đại sứ VC Hà Văn Lâu ở San Franciso khiến tên nầy phải luôn đi cửa hậu.

Ngoài ra, tác giả cũng đã trả lời một số câu hỏi của các ông Vũ Lập, Phan Quang Tuệ, Nguyễn phước Đáng, Nguyễn Tấn Thọ v.v.

Sau đó, tác giả đã ký tên trên sách. Được biết cả hai sách ấn bản bằng Anh Ngữ và Việt ngữ đã được cử tọa mua ủng hộ đến 230 cuốn.

Được biết gia đình của tác giả đã là nạn nhân đau thương trong cuộc nội chiến do khác ý thức hệ gây ra. Chị đã phải xa Cha từ năm 9 tuổi. Mẹ của chị đã phải xa chồng, một mình nuôi nấng và dạy dỗ 6 người con. Người anh cả của tác giả là ông Đặng văn Khôi, theo cha tập kết ra Bắc vào năm 1954 khi được 17 tuổi. Bị động viên, anh của chị phải gia nhập vào quân đội

Bắc Việt. Đến năm 1975, ông Khôi  vào Nam lại bị tù Cộng sản vì đi vượt biên. Đến năm 1986, vượt biên mới thành công và anh của chị sang định cư tại Mỹ. Ông Khôi đã chết ở Mỹ vào năm 2006. Trong khi đó, người em út là Đặng Hải Vân  là phi công trực thăng của QLVNCH. Năm 1971, em của chị đã bị tử nạn phi cơ tại Hoa Kỳ.  Nay thì Ba, Mẹ, ông anh cả và người em út đã ra người thiên cổ. Về lập luận của một số người bảo chị phải phê phán, lên án hành động Ba của chị. Bà Đặng Mỹ Dung cho biết truyền thống tốt đẹp và luân lý của Việt Nam không cho chị làm điều nầy. Chị không muốn trở thành Trường Chinh nời đã đấu tố Cha Mẹ mình đến chết trong cuộc cải cách ruộng đất đẩm máu  đã xảy ra ở Bắc Việt vào các năm 1953-1956.

Buổi ra mắt sách qua phần điều khiển chương trình của luật sư Nguyễn Thu Hương đã chấm dứt vào 4 giờ chiều cùng ngày. ./.

 

   

NGUYEN VAN BINH
Ban Nguyet San YDAN
San Jose, CA va Denver, CO
error: Content is protected !!