Bình luận

GS SD Nguyễn Viết Khánh: VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO

GS SD Nguyễn Viết Khánh: VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO

Cuộc họp báo của Ðạt Lai Lạt Ma được dự liệu vào ngày thứ hai tuần này bị hủy bỏ sau khi chính quyền Ðài Loan hiện do Quốc dân đảng nắm giữ đã tỏ ý quan ngại, sợ gây rắc rối với Trung Cộng. Cũng vì thế một cuộc thuyết giảng của Lạt Ma dự liệu tổ chức ở Cao Hùng, một đô thị lớn ở Nam Ðài Loan, tại một sân vận động chứa được 15,000 nguời, rút cuộc đã phải chuyển về một căn phòng ở khách sạn Lat Ma trú ngụ, chỉ có 1,200 ghế ngồi. Trong một bản tuyên bố chính thức, Cơ sở Tổ chức Ðạt Lai Lạt Ma ở Ðài Loan nói: “Những người tổ chức vụ này rất quan ngại cho sự an toàn của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma”. Ngoài ra theo lời một phát ngôn nhân chính thức, Tổng Thống Ðài Loan Mã Anh Cửu đã từng gặp Lạt Ma hai lần trong các chuyến đi lục địa trước đây, lần này không có dự liệu hội kiến. Ngoài ra Phó Tổng Thống, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc dân đảng Ðài Loan cũng không có chương trình gặp gỡ Ðạt Lai Lạt Ma.

Trước đó chính Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng đã nói với phóng viên đài TV CNN rằng Ngài không muốn gặp Tổng Thống Ðài Loan vì e rằng sẽ chính trị hóa chuyến đi này. Ngày chủ nhật vừa qua Tân Hoa Xã của Trung Cộng đã nói Bắc Kinh “cương quyết chống” cuộc viếng thăm vì gây ra những ảnh hưởng tiêu cực giữa Hoa lục và Ðài Loan. Tân Hoa Xã còn thuật lại lời một quan chức trong Cơ quan “Ðài loan vụ” nói “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ vụ viếng thăm”. Sự hăm dọa thật trắng trợn. Bắc Kinh vẫn coi Ðài Loan là một tỉnh “ly khai” của Hoa lục và tố cáo Lạt Ma tranh đấu cho sự tách rời của Tây Tạng khỏi Hoa lục để thành một nước độc lập.

Như vậy phải chăng một nhà tu hành coi như đứng hàng đầu của Phật giáo trên toàn thế giới đã làm chính trị? Tôi muốn trả lời câu hỏi này. Các bậc chân tu nói chung của các tôn giáo lớn trên thế giới ngày nay như Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Phật giáo và các hệ phái của các tôn giáo đó đều không làm chính trị. Ở đây cũng nên xác định cho rõ việc làm chính trị (politics) có nghĩa là sự tranh đấu của các chính đảng để tranh dành những ngôi vị cầm quyền, bất luận cấp bực nào trong hành pháp, lập pháp hay tư pháp. Chức tước hay danh vọng thường đi đôi với quyền uy, lợi nhuận, tiền bạc. Thế nhưng khi một nhà tu hành hô hào vận động cho dân chủ, nghĩa là một chế độ do dân làm chủ, chuyện đó lại khác hẳn. Bởi vì dân chủ là nếp sống của người dân được tự do sống có luật pháp che chở. Ðây là văn hóa chớ không phải chính trị.Văn hóa là một nét đặn thù của dân tộc tính, tức phong tục tập quán, cách sống, nề nếp sinh hoạt trong nhà cũng như ngoài xã hội, cách ăn, ở và mặc. Chế độ chính trị cũng như thể chế xã hội do chính dân tộc đó hình thành. Hiển nhiên dân tộc tính của mỗi dân tộc một khác tùy theo hoàn cảnh, kẻ ở bên ngoài không thể dùng bạo lực cưỡng ép một kiểu xã hội nào khác. Ðó là thủ đoạn xâm lược của bọn độc tài, quân phiệt hay tài phiệt. Văn hóa là cái gốc của một dân tộc, bắt nguồn từ thời xa xưa nhất trong lịch sử của họ. Văn hóa của bất cứ dân tộc nào cũng phải đi theo một luật thiên nhiên là luật tiến hóa, bởi vì nếu không có tiến hóa ngày một tiến, mỗi ngày một mới, nền văn hóa đó sẽ chết. Tuy nhiên bất luận tiến cách nào, mỗi dân tộc qua các thế hệ trước sau đều không được quên cái gốc căn bản của mình. Ðó là tiến bộ mà không mất gốc vậy.

Giữ được gốc có lợi ích gì? Ðó là để không quên quá khứ vì quá khứ là những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống hiện tại. Khi đã xác định được chỗ đứng trong hiện tại, chúng ta mới định hướng được bước đường tương lai, sẵn sàng tiến lên nữa, để khỏi bị lạc hậu với thời gian. Nếp sống dân chủ là nếp sống thích hợp nhất cho các dân tộc trên thế giới. Bởi vậy dân chủ bắt buộc phải nằm trong văn hóa của mỗi dân tộc. Ở đây vai trò của tôn giáo như thế nào? Tôn giáo chỉ là một thành phần của nền văn hóa mỗi dân tộc, nên tôn giáo cũng phải theo một định luật căn bản là do dân chúng một nước được tự do lựa chọn theo quy định dân làm chủ, chớ không thể dùng bạo lực hay võ khí cưỡng ép, uy hiếp phải theo đạo.

Chúng tôi thiết nghĩ: Khác hẳn thời xa xưa hơn hai ngàn năm trước khi xã hội loài người còn sơ khai, thời nay không có tôn giáo nào cầm súng cầm gươm đi truyền đạo. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một sự thật là có những kẻ lợi dụng đức tin tôn giáo để làm bậy. Những kẻ đó chỉ là một thiểu số, nhưng chúng đã phạm phải những trọng tội mà không một xã hội nào của con người có thể dung thứ. Những tin tức trên báo chỉ hàng ngày thường cho thấy những thiểu số đó đã sa lưới pháp luật và vấy một vết nhơ lên đức tin mà họ rao giảng. Về mặt quốc tế từ đầu Thế kỷ 21, một nhóm khủng bố đã lợi dụng đức tin Hồi giáo để gây ra những cuộc chém giết rùng rợn làm chấn động dư luận toàn thế giới, tạo nhiều khó khăn phức tạp cho các nước lớn.

Tôn giáo có mục tiêu chủ yếu là thức tỉnh lương tri của con người chớ không phải mê hoặc. Riêng tôi đã biết các học giả và khoa học gia trên Thế giới mới đây đã xác định “Phật giáo gần gụi với Cơ học Lương tử” hơn bất cứ tôn giáo nào khác.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh.