Biên khảo

GS Nguyễn Thùy : Lịch Sử Việt Nam qua dòng Sử Mệnh DânTộc

Sử mệnh VN

  Lịch Sử Việt Nam qua dòng Sử Mệnh DânTộc :

                                      

 Cơn ‘Đoạn trường tối hậu’ : -‘Hiểm họa mất nước’ ?

‘Dân tộc không còn sức sống’ ! Việt Nam : Tư tưởng ‘Vô sở trụ’ và ‘miền đất giải hoặc’                                                     

                                  Nguyễn Thùy

                                                                                             

          

Lời nói đầu : Bài nầy được viết do từ thao thức trước tình trạng đất nước hiện nay. Bài được viết theo những cảm nhận riêng của người viết, có thể khó thỏa mãn nhiều người,  phần vì vấn đề ‘Sử mệnh’ rất khó nói, phần nữa sẽ bị cho là suy nghĩ riêng tư, chủ quan, theo một ‘niềm tin tự tạo’, mơ hồ, ảo tưởng.. Xin lỗi bạn đọc vì bài quá dài (người viết cố thu ngắn nhưng bài vẫn dài vì liên hệ đến quá nhiều phương diện) và xin bạn đọc bổ túc cho những thiếu sót, nông cạn, cùng mở rộng thêm với nhiều sự kiện, với nhiều chứng minh, với nhiều lý luận nếu thấy đôi điều hợp ý. Ngược lại, xin xem đây chỉ là một bài phiếm luận. Bài nầy nếu có gây bàn cãi, tranh luận, người viết mong rằng những bàn cãi, tranh luận đó sẽ giúp người viết được sáng tỏ hơn.

        

           A.- Hiểu thế nào về ’’Sử Mệnh’’ ? :

          ‘Mệnhhay  định mệnh’ (destin, destinée) trước nay thường được hiểu là ‘số kiếp, số phần, một an bài tiền định’ do Trời, do Thượng Đế tức do một Ý Chí huyền nhiệm  đã sắp đặt sẵn cho vận hành của tất cả mọi sư ̣hướng đến một chung cục nào đó, bất khả cải sửa và độc lập với ý chí của từng hiện thể, từng sự vật.  ‘Sử mệnh’ (destinée historique) được hiểu là ‘Định mệnh lịch sử’  tức số kiềp, số phần của một quốc gia, dân tộc đã ‘định trước’ cho diễn trình lịch sử quốc gia, dân tộc đó. Quan niệm nầy đưa đến một thứ ‘Định mệnh thuyết’ (fatalisme), về diễn tiến sinh hóa của mọi sự vật nơi cõi thế gian. Người viết hiểu Sử Mệnh’ phần nào có đôi chút khác với quan điểm trên.

           ’Sử Mệnh một Dân tộc’ khó lòng trình bày rõ ràng. Xin tạm hình dung qua hình ảnh dòng sông. Ngọn nguồn của dòng sông là sự kết hợp của nhiều dòng nước từ thượng nguồn . Dòng sông nào cũng xuôi ra biển, đấy là thế tất yếu, tất định của dòng sông ; không tuân theo thế tất định nầy, sông không còn là sông mà trở thành ao hồ tù đọng. Những vùng sông chảy qua là ‘địa bàn hoạt động’ của sông. Mỗi lượng nước từ nguồn đổ vào rồi xuôi ra biển là một giai đoạn sinh hoạt của dòng sông và cứ thế tiếp tục. Hành trình từ nguồn xuôi ra biển của từng lượng nước liên tiếp tạo nên  diễn tiến sinh hóa’ hay ‘lịch sử’của dòng sông tức ‘cuộc sống’ của dòng sông. Lịch sử dòng sông có lúc êm đềm, bình lặng, (vùng đồng bằng, thời tiết ôn hòa), có lúc ồ ạt, cuồn cuộn (lúc mưa to, gió lớn gây nên lụt lội), có lúc gặp trở ngại (bi ngăn chặn bỡi đất đá, núi non, dù thế nào dòng sông cũng ‘phấn đấu’ để xuôi ra biển), có thể thay đổi hình  thái (nhỏ, to, sâu, cạn) và trạng thái (đục, trong, lượng nước nhiều, ít…), cũng có thể bị ‘tiêu hủy’ khi nguồn nước không còn. Biển là nơi đến cuối cùng của dòng sông. Tất cả những sự kiện đó : khởi đi từ Nguồn, bắt buộc phải xuôi ra biển, thay đổi theo từng thời tiết, từng địa bàn chảy qua, nơi cuối cùng phải đến là biển  để nước lột bỏ hết mọi bẩn dơ, hóa thân trở lại với tính thể nguyên sơ, trở lại với Nguồn đầu, có thể được xem là yếu tố kết thành ‘’Sử Mệnh’’ của dòng sông.

          ‘Sử mệnh một dân tộc’ cũng đôi điều tương tự  Dân tộc nào cũng có một Nguồn gốc (do một chủng tộc thuần nhất hay kết hợp nhiều sắc tộc tương .đồng về màu da, tiếng nói,…), cũng có một địa bàn sinh hoạt (lãnh thổ), cùng  tiếp nối qua nhiều thế hệ.qua quá trình thời gian tao nên lịch sử của dân tộc. Lịch sử dân tộc cũng trải qua từng giai đoạn khác nhau : lúc hòa bình, an lạc, lúc ly loạn, chiến tranh, lúc đói nghèo, lúc thịnh vượng,…. Không như dòng sông vốn thường biệt lập với các dòng sông khác, các dân tộc trên thế giới thường tiếp xúc, tương giao, ảnh hưởng và chi phối lẫn nhau. Vì thế, lịch sử mỗi dân tộc dần dà qua thời gian gắn liền với lịch sử thế giới, với lịch sử nhân loại nói chung. Cũng như dòng sông tuân theo thế tất định phải xuôi ra biển  và biển là nơi cuối cùng của dòng sông, diễn trình sinh hóa của từng dân tộc cũng như của nhân sinh nói chung cũng tuân theo một ‘Tất Ðịnh như nhiên’ (déterminisme-nature) mà người viết qua một số tác phẫm gọi là ‘Lẽ Ðạo’ (1) ứng vào diễn tiến lịch sử để đưa dẫn dòng Tiến hóa của nhân sinh đến một cứu cánh chung cục.           

          Qua hình ảnh dòng sông và cơ sở vào Lẽ Ðạo (cái Tất định như nhiên) ứng vào dòng Tiến hóa của nhân sinh, người viết xin tạm  định nghĩa ‘Sử mệnh dân tộc’ như sau : ‘’Sử mệnh Dân tộc là vận hành lịch sử tức dòng diễn biến sinh hóa của dân tộc đó qua quá trình thời gian theo một Tất Ðịnh Như Nhiên tức Lẽ Ðạo, hướng về một cứu cánh chung cục liên tiếp qua  từng giai kỳ sinh hóa trong dòng dịch chuyển sinh hóa chung của chủng loại người, nếu không phải bị tiêu diệt, đồng hóa do không thể thích ứng với trào lưu Tiến hóa hay do khả năng không đủ sức mạnh đương đầu với mọi trở lực’’. Nếu không như thế thì cuộc sống, cuộc đời và cuộc tiến hóa của nhân sinh và vũ trụ sẽ chỉ là một diễn trình mù quáng vì không mang chở một ý nghĩa cùng một cứu cánh nào cả.

          Một điều xin thưa : Sử mệnh có khác với Lịch sử. Lịch sử là chuổi dài biến cố liên tiếp xảy ra qua quá trình sinh hoạt của một cộng đồng xã hội, của dân tộc, của nhân loại do tương tác của vạn pháp trong cõi sắc giới, được nhìn nhận, đựợc ghi chép rõ ràng, minh thị. Ngược lại Sử mệnh là những lý do, những động cơ tiềm ẩn nơi một dân tộc đã suy động ra dòng lịch sử mà dân tộc không ý thức được ngay. Chỉ khi chiêm nghiệm lại lịch sử, ta mới phần nào nhận ra những tác động tiềm tàng của Sử mệnh. Nói theo Jean Paul Sartre, « Lịch sử tự tạo mà không tự thức » (l’histoire se fait mais ne se connaît pas) , có nghĩa lịch sử không tự ý thức được bước đường tự tạo của mình. Sở dĩ thế vì lịch sử diễn ra do tương tác của vạn pháp, ở đây là con người trong cộng đồng dân tộc và nhân loại nhưng được điều hướng bỡi một lẽ nhiệm mật tức Lẽ Ðạo đã ứng vào diễn trình lịch sử, tạo cho mỗi dân tộc một Định mệnh lịch sử hay Sử mệnh của dân tộc đó.          

         

           B-Thể hiện của Sử Mệnh Việt Nam qua Lịch sử:

          Nơi đây, người viết xin giới hạn trong cái nhìn chung chung kể từ thời một bộ tộc Việt (nhóm Lạc Việt) đến  định cư nơi vùng châu thổ sông Hồng, kết hợp với các sắc dân bản địa, thành lập nên Quốc gia (dân tộc, lãnh thổ, chính quyền) được gọi chung ngày nay là Việt Nam, rồi tiến dần về phương Nam đến tận mũi Cà Mau. Người viết cũng chỉ xin giới hạn lãnh thổ Việt Nam nơi vùng châu thổ sông Hồng rồi đến mũi Cà Mau chứ không nói đến những vùng phía nam Trung Hoa vào những thời kỳ trước. Qua diễn trình lịch sử đó, nhất là từ thế kỷ XIX đến nay, người viết xin nêu ra những sự kiện có thể xem là những thể hiện của dòng Sử mệnh Việt Nam .

 

          I.- Những sự kiện do Sử mệnh Việt Nam đặt định cho Lịch sử Dân tộc :

          1 .- Công cuộc phát triển đât nước về phương nam :

          a)  Vị trí Việt Nam với bờ biển 2500 cây số:

          Dân tộc ta đã không may lập quốc bên cạnh một dân tộc khác đất quá rộng và người quá đông. Dân tộc Trung Hoa (nòi Hán) vốn mang tính cách du mục xưa kia, luôn sử dụng chiến tranh  vào mục đích bành trướng , tự cho mình là ‘con trời’ có ‘sứ mạng’ đi chinh phục những dân tộc nhỏ bé mà họ gọi là ‘man di’ sát kề với họ. Dân tộc ta luôn luôn là nạn nhân của họ.Với một địa bàn nhỏ hẹp (châu thổ Sông Hồng), thường xuyên bị thiên tai trong lúc dân số ngày càng gia tăng, ông bà ta từ xưa đã phải khó khăn đấu tranh tìm thêm đất sống. Tiến về phương Bắc gặp phải một dân tộc hùng mạnh, hiếu chiến ; tiến về mặt Ðông phải đụng đầu với biển, về mặt Tây lại gặp phải trùng điệp núi non, chỉ còn con đường tiến là về phía Nam. Dần dà, đến đầu thế kỷ XIX, đất nước chúng ta kéo dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau với một duyên hải trên 2500 cây số.

          Sự việc mở rộng lãnh thổ về phương Nam là do cần thiết mở mang đất sống. Do sự việc nầy mà địa bàn Việt Nam càng trở nên thuận tiện cho giao lưu quốc tế trên cả thế giới chứ không chỉ riêng giữa Ấn Ðộ và Trung Hoa như lúc còn ở châu thổ sông Hồng. Mở mang đất sống về phương Nam để đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển là sự kiện lịch sử nhưng sự việc tạo thêm địa bàn thuận tiên cho giao lưu quốc tế để đón nhận thêm bao nền văn hóa, văn minh từ các phương khác đổ vào chứ không như trước kia, chỉ đón nhận từ phương Bắc thì ông bà ta ngày đó không hề ý thức. Ngày nay, vị trí VN không chỉ là vị trí giao lưu quốc tế mà còn trở thành vị trí chiến lược trên thế giới.

         

          b) Hai nền Văn minh : sông Hồng, sông Cửu :

          Công cuộc mở mang đất sống của dân tộc ta kéo dài suốt bao thế kỷ từ đời nhà Lý đến thế kỷ XIX. Qua cuộc sống của anh lính thú, (Kìa ai tiếng khóc nỉ non,… Đã gánh theo chồng lại gánh theo con’ –Ca dao), không chỉ để giữ nước mà còn để mở rộng đất nước, quá trình tranh đấu của dân tộc để mở rộng không gian sinh tồn thật trường kỳ gian khổ  trải dài qua bao thế hệ nối tiếp nhau.

         Công cuộc mở mang đất sống đến tận mũi Cà Mau đưa đến những hệ quả sau đây về mặt lịch sử nằm trong dòng Sử mệnh.

         

          1) Công cuộc hoàn tất cuộc Nam tiến của dân tộc ta diễn ra cùng lúc với sự phát triển của Tây phương rời bỏ trạng thái kinh tế nông nghiệp để bước vào kinh tế kỹ nghệ và thương mãi, mở ra thời kỳ tìm kiếm và bành trướng thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đưa chiếm hữu sang một bình diện mới. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Á Ðông khác trở thành nạn nhân của dạng chiếm hữu thuộc địa nầy (ngoại trừ Nhật Bản đã khôn khéo tìm cách ‘hòa đồng’ với Tây phương). Ðây là sự kiện tất yếu của lịch sử thế giới. Việt Nam cũng như bao nhiêu nước khác là nạn nhân của trào lưu ‘chiếm hữu thuộc địa’. Sư việc phát triển của dân tộc ta về phương Nam để có được một bờ biển trên 2500 km là thuận theo chiều hướng phát triển chung của nền văn minh nhân loại, mở rộng sự tiếp xúc của đất nước, dân tộc ta với thế giới, tiếp nhận nền văn minh hải đảo từ ngoài vào để phải sống cái kiếp nạn trầm luân mới, đồng thời có điều kiện cùng nhịp với mọi phát triển của nhân loại, điều nầy, dân tộc ta lúc đó không hề ý thức [Xét riêng về mặt địa lý, nhân loại từ trước đến nay đã trải qua ba nền văn minh : văn minh lục địa (civilisation continentale) rồi tiến dần ra mặt biển, tạo nên nền văn minh hải đảo (civilisation maritime) và vào cuối thế kỷ XX đang phôi dựng nền văn minh không gian (civilisaton spatiale)]. 

         

          2) Công cuộc phát triển vê phương Nam đưa đến việc tạo dựng một nền văn minh thứ hai : nền văn minh sông Cửu (văn minh hải đảo) để hổ trợ cho nền văn minh thứ nhất : nền văn minh sông Hồng (văn minh lục địa) hoặc để làm chỗ cư ngụ cho dân tộc nếu chẳng may  nền văn minh sông Hồng bị tiêu hủy vì kẻ thù hay vì một thảm họa lịch sử nào đó hay khi nền văn minh sông Hồng cằn cỗi, cạn tắt hết mọi nguồn sinh khí. Chính lớp người từ Bắc vào Nam mở rộng đất sống đã mang sẵn những ảnh hưởng của các nền Ðạo giáo từ Ấn Ðộ, Trung Hoa, nay chịu thêm ảnh hưởng của những nền văn hóa phương Tây  để truân chuyên, chết chóc trong đó nhưng cũng để học khôn và trưởng thành trong đó.

          Hai nền văn minh  -sông Hồng, sông Cửu- kể từ thời điểm giữa thế kỷ XX (từ 1954 đến nay), có nhiều khác biệt. Nền Văn minh sông Cửu (văn minh hải đảo, nếu có thể gọi như thế) đã hàm chứa những điều mà nền văn minh sông Hồng không có, do từ phong cách sống của người Việt miền Nam có khác với phong cách sống của người Việt miền Bắc. Miền Bắc qui kết vào một ý hệ chắc nịch thì miền Nam lại chẳng theo một ý hệ nào rõ nét. Miền Bắc đi vào tổ chức xã hội chặt chẽ, sít sao thì miền Nam lại buông tuồng, thả lỏng theo từng giai đoạn. Nền văn hóa miền Bắc  đi theo một chiều hướng duy nhất, độc hướng, độc đạo theo chủ thuyết Mác-Lênin, phá bỏ hết truyền thống cũ thì văn hóa miền Nam lại vô cùng đa dạng vừa bảo lưu truyền thống trước đây vừa tiếp thu bao nguồn văn hóa thế giới. Mọi sinh hoạt ở miền Bắc đi vào một nề nếp thống nhất, khuôn sáo, cố định thì tại miền Nam lại hời hợt, phức tạp, phồng lên xẹp xuống theo từng đợt đổi thay của tình hình chính trị, kinh tế bên trong và bên ngoài. Cuộc sống nhân dân miền Bắc được chỉ đạo theo một chiều duy nhất, cố định từ ăn uống, ở, mặc đến luyến ái, nghĩ suy thì cuộc sống người dân miền Nam lại phóng túng, tự do tùy theo điều kiện, khả năng, hoàn cảnh từng người, từng gia đình,….

          Một điều xin nói thêm : Hơn 500 ngàn người miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954, vốn đã mang các đặc điểm của Văn minh, Văn hóa Sông Hồng, đã dễ dàng hòa nhập với Văn minh, Văn hóa Sông Cửu (vì Văn hóa Sông Cửu có tính cách tự do, nhân bản hơn), đồng thời giúp Văn hóa, học thuật Miền Nam thêm phong phú cùng lưu giữ được những tinh túy của Văn minh,Văn hóa Sông Hồng đang bị cạn tắt, mất  hết sinh khí bỡi chế độ độc tài toàn trị của Cộng sản.

          Cuộc chiến chấm dứt vào năm 1975 sau hơn 20 năm đất nước bị chia cắt bỡi Hiệp định Genève  và cuộc ‘thống nhất đất nước’ vào năm đó cố tình đưa trạng thái tan loảng, đa tạp của  miền Nam vào khuôn khổ cố định nhưng lại mặc nhiên khởi đầu mở bớt những khuôn khổ cứng ngắt nghiêm mật của miền Bắc.. Tuy nhiên sự thống nhất về mặt tâm lý, văn hóa giữa hai miền chẳng mấy hiệu quả và trong nhân dân, hai nền văn minh sông Hồng, sông Cửu vẫn còn nhiều khác biệt trầm trọng, nhất là khi chế độ miền Bắc muốn  ‘đồng nhất hóa’ hai miền theo một thể chế duy nhất lúc đưa dân chúng miền Bắc vào sinh sống, ồ ạt chiếm cứ dất đai của nhân dân miền Nam và đưa cán bộ, đảng viên miền Bắc vào nắm hết mọi  đầu não của của cơ cấu quyền lực khiến nhân dân miền Nam luôn nuôi mặc cảm bị miền Bắc thống trị. Sự khác biệt giữa hai nền văn minh càng rõ ràng, đậm nét nơi lớp người Việt tỵ nạn Cộng sản trên khắp cùng thế giới vì đại đa số lớp người nầy vốn mang sẵn trạng thái văn minh sông Cửu, được bổ sung bỡi văn minh của các xứ tự do, càng trở nên mạnh mẽ và bột phát bằng hành động. chống đối chế độ Cộng sản nơi quốc nội.

          Có thể khẳng định rằng từ ngày xảy ra cuộc tranh quyền giữa hai dòng Trịnh-Nguyễn, từ ngày đất nước bị phân chia thành Ðàng Trong-Ðàng Ngoài, kể từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm kín đáo tạm thời hoạch định ra thế cờ ‘tam quốc’cho Việt Nam (họ Mạc trấn đóng vùng biên giới giáp với Trung Hoa, vua Lê và Chúa Trịnh nơi châu thổ sông Hồng và họ Nguyễn ở miền Nam lúc bấy giờ -có thể Trạng Trình đã tiên liệu diễn tiến ra sao)- dù sau đó có những thời kỳ thống nhất : triều Tây Sơn, triều Nguyễn và gần đây nhất năm 1975- dân tộc ta đã có hai nền văn minh rõ rệt, mỗi nền văn minh có những sắc thái riêng.

          Sự việc tiến về phương Nam đến tận mũi Cà Mau cùng lúc Tây phương rời bỏ dạng thức chiếm hữu phong kiến  chuyển sang dạng chiếm hữu thuộc địa để sang dánh chiếm nước ta và việc tạo lập nền văn minh hải đảo sông Cửu là hai sự kiện ‘lịch sử’, theo người viết,  do sắp đặt của dòng Sử mệnh dân tộc..

 

          c) Chữ viết Việt Nam – Quốc gia già, văn tự trẻ :

          Dân tộc Việt Nam từ khởi thủy đã có một tiếng nói tức ngôn ngữ nói phong phú, giàu đẹp và hầu như thống nhất khắp mọi miền đất nước. Nhưng về chữ viết tức ngôn ngữ viết hay văn tự thì đến nay, khó lòng quả quyết là dân ta  đã có một chữ viết do mình và cho mình. Ðôi nhà nghiên cứu bảo rằng từ xưa dân tộc ta có lối chữ viết khoa đẩu hay lối chữ nòng nọc, lối chữ thập chân hoặc lối chữ của người Mường . Giả thiết nếu như thế thì tại sao dân ta không bảo tồn và sử dụng ? Chữ Nôm có từ thời nhà Trần nhưng lại viết theo cách viết hán tự, dựa vào hán tự, nếu có một số sĩ phu dùng thì lại không thể phổ cập nơi quần chúng vì rất khó viết, khó học. Một dân tộc qua suốt quá trình dựng nước và giữ nước oai hùng, rực rỡ, lại có một ngôn ngữ nói vô cùng phong phú, thế tại sao không thể tạo nên một chữ viết cho mình ?  (Qua mail của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nhiệm lúc người viết gởi bài nầy xin ý kiến của anh, thì Chữ viết VN cùng mọi công trình, nhân tài của VN, qua 1000 Bắc thuộc, đêu bị người Tàu tàn phá, cướp bóc, yểm trừ, cấm đoán không cho dân ta bảo tồn, thừa kế, phát huy. Do đó, dân ta bảo tồn những giá rị cao quí đó qua nền Văn chương bình dân truyền khẩu).        

          Chỉ từ lúc người phương Tây bắt đầu tiếp xúc với dân tộc ta từ thế kỷ XVII, XVIII rồi XIX, các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, dựa theo cách phát âm của người Việt để sáng chế ra chữ viết theo mẩu tự phương Tây. Rồi các trí thức VN như Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký và số người tiếp theo đã  ‘tinh tế hóa’ chữ viết đó để trở thành chữ Quốc ngữ -văn tự chính thức của dân tộc- thông dụng đến ngày nay và mãi mãi sau nầy. Nhờ chữ Quốc ngữ mà từ cuối thế kỷ XIX, dân ta dễ dàng tiếp xúc trực tiếp với văn hóa thế giới, đăc biệt là Âu Châu và Hoa Kỳ. Cũng chính nhờ chữ Quốc ngữ mà hiện nay, chúng ta dễ dàng tiếp xúc với thế giới, nhất là ́ Tây phương qua sử dụng máy điện toán và internet, phương tiện truyền thông tối tân và hữu hiệu nhất hiện nay cũng như trong thời gian tới trên toàn cầu. Nếu không có chữ Quốc Ngữ, có thể, ngày nay, ta lại phải dùng bả̉ng chữ Computer bằng chữ Hán hoăc phải ‘sáng chế’ ra bảng chữ tiếng Nôm vô cùng rắc rối vì cũng phải dựa theo chữ Hán.

          Ba sự việc cần để ý trong việc tạo ra chữ Quốc ngữ :

          * Chữ Quốc ngữ không do dân ta tạo nên mà do các giáo sĩ phương Tây. Họ tạo ra chữ Quốc ngữ vì nhu cầu truyền đạo trong nhân dân ta  chứ không hẳn do hảo ý muốn tạo cho nhân dân ta một lối chữ viết.

          * Chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ viết chính thức của dân tộc ta do chính quyền thực dân Pháp thời đó muốn hủy bỏ ảnh hưởng của Trung Hoa và để truyền bá văn hóa của họ nên đã hủy bỏ việc học chữ Hán cùng các khoa thi chữ Hán, bắt dân ta phải học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Không có sự việc nầy, có thể vua quan phong kiến thời đó sẽ chẳng cho dùng chữ Quốc ngữ vì cho là chữ viết của phường dị chủng để rồi mải miết với chữ Hán hay cùng lắm là chữ Nôm.

          Hai sự việc trên hoàn toàn do người nước ngoài chứ chẳng phải do dân tộc ta nhưng lại đưa đến một thuận lợi vô cùng lớn lao cho dân tộc. Ðiều nầy không do dân ta chủ động mà hoàn toàn do sắp đặt ẩn mật của dòng Sủ mệnh.

          * Dựa theo phạm trù cặp ba ‘Thể,Tướng, Dụng’ của nhà Phật, trong ngôn ngữ cấu âm, phần Thể của ngôn ngữ là âm thanh (giọng nói, giọng đọc) thì trong chữ Quốc ngữ, người Việt chúng ta giữ phần Thể (tức giọng đọc VN, các giáo sĩ đã nương theo cách phát âm của dân ta mà cấu tạo nên chữ viết theo mẫu tự Tây phương) ; phần Tướng của ngôn ngữ là chữ viết thì do người phương Tây tạo cho ta ; phần Dụng của ngôn ngữ là ý nghĩa của từ, của ngữ kết thành lời, thành câu thì hầu như 2/3 tiếng Việt mượn của Trung Hoa  nhưng đọc theo giọng Việt (tiếng Hán Việt). Người Việt Nam ta chỉ giữ phần Thể nhưng chính phần Thể là phần quan trọng nhất vì chính do phần Thể mà phát sinh phần Tướng và Dụng. Tướng và Dụng là phần hiện tượng, phần sắc tướng của Thể . Phần Thể là phần siêu hình, siêu nghiệm, chẳng mấy ích lợi gì cho cuộc sống thực tiễn nhưng lại là nền tảng hướng dẫn, chỉ đạo diễn tiến của vạn hữu và nhân sinh.. Với chữ Quốc ngữ, có thể nói dân tộc ta chỉ giữ phần Thể còn Tướng và Dụng là do cung cấp của bên ngoài. Do những sự việc trên, ta thấy ngôn ngữ Việt Nam, qua chữ Quốc ngữ, đã phần nào dung nhập cả hai nền văn hóa Tây phương (chữ viết theo mẫu tự Tây phương) và Ðông phương (ý nghĩa mượn nơi từ Hán của  Trung Hoa  tiêu biểu cho văn hóa Ðông phương). 

          Chữ viết Việt Nam ra đời quá trễ so với lịch sử trên 4000 năm, quả là một thiệt thòi cho dân tộc nhưng cũng có thể nói, theo người viết, phải đợi khi dân tộc tiến về phương nam với bờ biển trên 2500 km, tạo điều kiện tiếp xúc với phương Tây, ta mới có chữ viết để ‘hội nhập’ cả hai nền Văn hóa, văn minh Tây phương và Ðông phương. Vấn đề nầy thuộc Sử mệnh chăng ? (Xin thêm một sự việc vui vui : Có thể nói Hoa Kỳ  là một quốc gia thành lập muộn màng so với bao nhiêu dân tộc khác (ngoại trừ đôi quốc gia gần đây như Ðông Timore,…) , không do các sắc dân bản địa mà do người ngoài từ phương Tây đến trong lúc ngôn ngữ của họ (cả nói và viết) thì lại rất ‘già’ (tiếng Anh đã có hàng ngàn năm trước), vậy nếu Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ (chỉ mới hơn 200 năm trở lại đây thôi) nhưng ngôn ngữ già thì Việt Nam là một quốc gia già với lịch sử trên 4000 năm nhưng chữ viết Việt Nam –chữ Quốc ngữ- lại quá trẻ, mới chưa đầy 200 năm. Hai cái ‘trẻ’ và ‘già’ nầy  có quan hệ gì với nhau chăng?).

 

          2.-Dân tộc Việt Nam không mấy ưu tú về Văn minh, Văn hóa : Thành thật mà nói, dân tộc ta từ trước đến nay quá thua sút  so với thế giới về nhiều mặt :

         

         a) Trước tiên, như đã nói trên, dân tộc ta không có một chữ viết cho mình và do mình. Thiếu chữ viết là thiếu một yếu tố cần thiết cho Văn minh. Từ đó, phải ‘học, viết’ theo chữ của người  nên mất đi một phần độc lập về văn hóa.

        

         b) Dân tộc ta không có một hệ tư tưởng  của mình và do mình. Giáo sư Kim Ðịnh, qua truy tầm sách báo, tài liệu cổ xưa và qua phương pháp ‘Huyền sử học’ cùng những khám phá gần đây của nhiều thức giả Mỹ, Anh, Pháp, Trung Hoa và Việt Nam, cho rằng dân tộc ta  đã có một ý thưc hệ riêng biệt, sâu sắc là ý hệ Việt Nho  vốn của nòi Việt cách đây gần 15000 năm, từ ngày đến sinh sống tại miền Nam Trung Hoa (quan điểm nầy của Giáo sư đang được người Việt hải ngoại khai triển và xác minh trong khi truy tầm nguồn gốc dân tộc và xây dựng nên một ‘Ðạo sống’ được gọi là Ðạo ‘An Vi’ – xin xem  ‘’Yêu  mến An Vi’’ của Ðông Lan, nxb VănHiến, Houston, Texas, USA, 2004). Ðạo Việt Nho của người Việt, cũng theo Giáo sư Kim Ðịnh, bị người Hán cướp đoạt lúc nòi Hán tràn vào Trung Hoa, rồi Hán hóa để không còn là thứ ‘của cải’ của nòi Việt.  Ngoại trừ quan điểm trên, còn thì nhìn chung, dân tộc Việt Nam chưa hề có một ý thức hệ nào của mình về tôn giáo cũng như triết học làm nền tảng cho mọi sinh hoạt suốt dòng lịch sử.

.         Mọi quan niệm về vũ trụ, nhân sinh, xã hội của dân ta rất bàng bạc, mơ hồ qua truyền thuyết, thần thoại, huyền thoại, qua ca dao, qua văn chương bình dân, không kết tập thành hệ thống phân minh, chặt chẽ  Một dân tộc tranh đấu oai hùng đã có  một lịch sử dài  giữ nước và phát triển đất nước, lại có một kho tàng thần thoại, huyền thoại cùng nền văn chương bình dân phong phú, giàu đẹp, thế sao không thể tạo cho mình một hệ thống tư tưởng nào ? Có thể vì ông bà chúng ta không biết đến việc nầy hoặc cho rằng việc làm đó vô ích hoặc do một lý do ẩn mật nào khác mà không hề nghĩ đến (xin xem đoạn sau).. Ngay cả đến những người uyên bác sau nầy như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Chu Văn An,, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,…cũng không lưu tâm đến điều nầy mà vẫn miên man đi theo những ý hệ tư tưởng của ngoại bang. Một Sư Vạn Hạnh đời  nhà Lý, vị quốc sư của đất nước lúc bấy giờ cũng không để ý đến điều nầy. Cả đến vị vua tài ba, đức độ, uyên thâm Trần Nhân Tông cũng không nghĩ đến và phái Thiền Trúc Lâm-Yên Tử khai sinh từ Ngài cũng dựa vào Phật giáo vốn của Ấn Ðộ. Tại sao những vị ưu thời mẩn thế, đức độ cao trọng, trí tuệ sâu dày như thế lại không có một công trình nào về mặt tạo ra một hệ thống tư tưởng cho dân tộc ? Ðiều nầy  hẳn do từ một căn cơ u mật của dòng Sử mệnh Việt Nam (xin xem phần sau). Chủ trương đánh đuổi Thực dân, giành lại Ðộc lập cho đất nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và cả Việt Nam Quốc Dân Ðảng cũng không hình thành một chủ thuyết nào. Riêng trong thế kỷ XX nẩy sinh một đôi nhà xin được gọi là Lập Thuyết như thuyết ‘Duy Dân’ của Lý Ðông A, chủ nghĩa ‘Sinh Tồn’ của Trương Tử Anh, thuyết An Vi của Linh mục Kim Định, nhưng cũng chưa mấy phổ biến và cũng chưa được xem là hoàn chỉnh cho một ‘Ý Hệ’ VN. Ðức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người khai sinh ra Ðạo Hòa Hảo và những vị đã khai sinh ra Ðạo Cao Ðài cũng phần lớn dựa vào các Ðạo giáo phương Ðông tiếp thu từ Trung Hoa, nhất là Ðạo Phật cùng một sô tư tưởng của các triết gia, hiền giả phương Tây, cần thiết cho công cuộc đấu tranh chống Thực dân, chứ chưa trở thành một chủ thuyết thuần túy, riêng biệt  của người Việt.

          Gần đây nhất, nhà nghiên cứu  Nguyễn Văn Nhiệm, trong tác phẩm ‘Đường vào Triết Học Việt Nam’ (Phù Đổng ấn hành, Germany 2008), nghiên cứu Văn chương dân gian rồi kết hợp với các quan điểm Đạo giáo phương Đông, nghĩ rằng ‘Đạo Quân Bình’, được xem là Đạo Sống của người VN ; ông nêu ra tất cả 28 đức tính của người VN (từ trang 36 đến trang 41). Tác giả (Nguyễn Văn Nhiệm) là người nghiên cứu công phu, sâu sắc, am tường cả Đạo học Đông Phương lẫn Triết học Tây phuơng, và kết hợp cả các lý thuyết Khoa học, một người thiết tha với Dân tộc, nên quyết tâm ‘‘tìm lại cái ‘bản lai diện mục’ của hệ tư tưởng truyền thống vốn đã có từ thời lập quốc xa xưa mà chính nó là tiền đề cho mọi thắng lợi vẻ vang trong suốt chiều dài lịch sử chứ không riêng thời đại Lý-Trần’’ (Phần I, Dẫn Nhập, trang 5). Người viết vô cùng hoan nghênh, khâm phục quyết tâm đó của tác giả. Tuy nhiên, theo nguời viết, cái ‘Đạo Quân Bình’ đó là thái độ xử thế hơn là một triết thuyết chỉ đạo suy tư và hành động và những dức tính được nêu ra không hẳn là những ‘đặc thù’, độc sáng của riêng dân tộc ta ; hầu hết mọi dân tộc ít nhiều cũng có như thế.         

          Chính vì không có một ý hệ tư tưởng của mình nên dân tộc ta đã dễ dàng đón tiếp những luồng tư tưởng bên ngoài.từ Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, Ki-Tô-giáo, chủ nghĩa Tự do Dân chủ Tây phương rồi đến chủ nghĩa duy nhiên, duy nghiệm, duy thực, duy linh, nhân vị, hiện sinh, cả chủ nghĩa duy vật Mác-Lênin, cả về mặt Triết học, Tôn giáo, Chính trị, Nghệ thuật…(Về nghệ thuật, bao nhiêu khuynh hướng và trường phái đã được người nước ta du nhập : cổ điển, lãng mạn, tả chân, hiện thực, ấn tượng, tượng trưng, siêu thực, lập thể,…). Tất cả như tìm được mảnh đất Việt Nam làm nơi phát triển xô bồ, làm tan loảng mờ nhạt cái tâm hồn dân tộc ? Cái gọi là truyền thống dân tộc chúng ta, cái gọi là Ðạo học Ðông phương, cái gọi là Triết lý Tây phương, chúng ta nghiên cứu, giải bày, biện bác, khen chê, công kích, đề cao, nhưng rút tỉa từ những cái đó để đúc kết nên một «Ý Hệ » cho dân tộc thì hầu như chẳng một ai làm hay chưa ai làm nổi (ngoại trừ đạo « An Vi » của Giáo sư Kim Ðịnh được một số người hưởng ứng nhưng không phổ cập và chưa được toàn thể đồng thuận. Cũng xin kể thêm ông Hoàng Văn Chí cố gắng xây dựng môt thứ chủ nghĩa  « Duy Văn sử quan » nhưng chưa hoàn thành thì ông qua đời – xin xem « Duy Văn Sử Quan’ của Mạc Ðịnh Hoàng Văn Chí, do trưởng nam của Cụ là Tiến sĩ Hoàng Việt Dũng  sưu tập, sửa sang bản thảo, tủ sách Cành Nam, Arlington, VA, USA 1990).). Sở dĩ thế là vì chúng ta không có một cơ sở lý thuyết nào của riêng ta một cách khúc chiết, tường minh để qui chiếu vào đấy mà kết tập mọi nguồn cung cấp quí giá của bên ngoài.

          Một dân tộc tồn tại trên 4000 năm, có lịch sử đấu tranh oai hùng, một dân tộc khá thông minh, linh hoạt, không thiếu người tài trí, thế sao chẳng dựng xây cho mình được một nếp suy tư vững chãi để phải bất kỳ lúc nào cũng vay mượn, bắt chộp của người, kết quả là gây thêm thê thảm cho mình ? Ðiều đó hẳn phải do một lý do nào u ẩn của dòng Sử mệnh (xin xem đoạn sau).

      

         c) Dân tộc Việt Nam không có một công trình Khoa Học, Kỹ thuật cùng một công trình nghệ thuật nào thật đồ sộ nguy nga  so với thế giới :

           Nhiều trước tác của các nhà biên khảo Việt Nam cũng như của một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng dân tộc từ xa xưa đã có một nền văn minh rực rỡ về mặt khoa học cũng như về mặt  nghệ thuật. Về kiến trúc như thành Cổ Loa, kinh đô Thăng Long, thành nội Huế,  chùa Một Cột,…Về vũ khí thì từ thời Âu Lạc, dân ta đã biết thay thế các cung tên bằng tre có tẩm thuốc độc bằng cung tên bằng đồng chính xác, hữu hiệu; về kỹ thuật có kỹ thuật đúc đồngTrống Ðồng là tiêu biểu được quốc tế nhìn nhận là tinh vi với trình độ cao ;  kỹ thuật trị thủy với hệ thống đê điều  dài và chắc ; về mặt công cụ lao động , biết chế ra những lưỡi cày bằng đồng hình thoi, hình tam giác, hình cánh bướm, loại rìu hình lưỡi xòe, hình lưỡi xéo. Về sản xuất, dân ta biết trồng dâu, nuôi tằm, biết làm đồ gốm và nhất là phát triển canh nông với nghề ‘trồng lúa nước’, một phương cách và một giống loại ngũ cốc dân ta đã đi trước mọi dân tộc trên thế giới theo như một số nhà  nghiên cứu gần đây khi nói về Nguồn gốc dân tộc từ thời dòng Bách Việt tràn vào Trung Hoa những 15.000 năm trước Công nguyên. Về mặt nghệ thuật, người thời Hùng Vương  đã phối hợp các yếu tố hình học thành những đồ án hoa văn kỹ hà học vừa mang tính trang trí vừa có ý nghĩa tượng trưng như những đồ hình trên mặt Trống Ðồng Ngọc Lũ, đã có những khí cụ âm nhạc tinh vi như Trống Ðồng, như chiếc đàn đá phát hiện ở một làng Thượng ngày 22/02/1949 lúc người Pháp mở con đường quân sự xuyên qua Darlac-Pleiku. Nhiều di chỉ tìm thấy chứng minh nền Văn hóa Ðông Sơn, Hòa Bình khá cao, lan rộng sang Trung Hoa và nhiều vùng khác như Bắc Mỹ, Úc Châu vào thời đó. Có thể nhiều di chỉ còn chôn sâu nơi lòng đất đang đợi chờ khoa Khảo cổ quan tâm.

          Về văn chương với nền văn chương truyền khẩu vô cùng phong phú và tác phẩm ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ được UNESCO tán dương, bảo trợ việc in ấn một số bản dịch ra Pháp ngữ và tác gỉa Nguyễn Du được quốc tế nhìn nhận là một trong những thi sĩ lớn của thế giới, mặc dù nội dung quyển Truyện hầu như chưa được người trong nước cùng thế giới thực sự hiểu ra sao. ́Tóm lại về  tất cả mọi mặt : canh nông, y học, thuần dương thú vật, chế tác dụng cụ lao động, dệt may, kiến trúc, hội họa, âm nhạc,… dân ta cũng nhiều thành tựu qui mô. Vấn đề đặt ra : Tại sao những công trình sáng tạo, những sản phẫm văn minh, văn hóa như thế lại thất truyền hay không được dân ta kế thừa, tiếp nối và phát triển thêm lên ?.

          Thực tình mà nói, so với một số dân tộc thời cổ đại trước ta và đồng thời với ta, như Babylone, Cổ Ai Cập, Cổ Hy Lạp, cổ La Mã, cổ Trung Hoa,…(xin không liệt kê một số thành tựu của họ) , những thành tựu của dân tộc ta không có tầm mức đồ sộ, quy mô, không mấy gì sáng giá, ngoài phương diện văn chương với nền văn chương bình dân truyền khẩu mang chở một số ý nghĩa u trầm hoằng viễn và số  thơ văn sau nầy. Về Hội họa, âm nhạc, ca vũ cũng không có gì  nổi bật, ngoại trừ từ thế kỷ XX trở đi mới có một số công trình tương đối sáng giá được thế giới biết đến.

          Sự việc không có thành tựu nào về mặt Văn Minh, Văn Hóa ngang tầm thế giới (dù trước đó đã có ít nhiều nhưng đã mất và suốt mấy thế kỷ gần đây thì lại chẳng có gì)  không do người Việt Nam thiếu thông minh, thiếu sáng tạo mà do một lẽ ẩn mật nào đó bỡi dòng Sử mệnh Dân tộc.

 

          3) Tính Hiếu chiến của Dân tộc :

           Dân tộc ta là một dân tộc hiếu chiến (nói thế, sẽ có người phản đối). Ngay từ xa xưa (theo một số nhà nghiên cứu), thời dòng Bách Việt, những15.000 năm trước và cách đây 5000 năm trở lại, tiến vào miền Nam Trung Hoa đã luôn luôn chống trả với nòi Hán (tiêu biểu cuộc chiến giữa Hoàng Ðế lãnh đạo Hán Tộc và Si Vưu lãnh đạo Bách Việt) rồi những cuộc chiến giữa các quốc gia Bách Việt (Ngô, Việt, Sở) với nòi Hán và với nhau, dĩ nhiên để sinh tồn nhưng cũng để bành trướng. Rồi công cuộc tiến về phương Nam để có bờ biển dài 2500 km qua các Triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, đã chiếm cứ, thống thuộc Chiêm Thành, Thủy Chân Lạp. Sức mạnh thực dân của dân tộc ta cũng không thua gì sức mạnh thực dân của một số dân tộc khác. Nếu không có người Pháp đến, có thể, biết đâu, dân ta đã chiếm hay ‘bảo hộ’ cả Cao Miên, Ai Lao và… Thêm vào đó, vì luôn luôn đánh trả ngoại xâm, đánh trả mọi nội chiến của bè phái tranh giành nhau nên hầu như cái tính ‘ưa đánh’ cứ âm ỉ, tiềm tàng trong huyết quản như một nhu cầu giải tỏa mình, nâng mình lên, thể hiện cái muốn mình hơn người về quyền uy, địa vị, danh lợi, tăm tiếng, không muốn một ai bằng hay hơn mìnhCái ‘óc lãnh tụ’ và không chịu đoàn kết phát sinh từ cái tính ưa ‘đánh phá’  nầy. Khi không có kẻ thù hay đối thủ trước mắt thì cái tính ‘ưa đánh’ đó lại được đem sử dụng  với những người cùng lập trường, quan điểm, cùng hàng ngũ với mình dù cùng cảnh ngô, cùng thân phận, do ghen tuông, đố kỵ rồi bài xích, đả kích, tranh chấp, kéo bè kéo phái chống đối nhau, khi không đủ sức thì mượn thế bên ngoài hổ trợ.  Cứ xem các tập đoàn Cộng sản trong nước củng cố vây cánh để nắm quyền và số người Việt hải ngoại cùng chung thân phận, cùng quan điểm đấu tranh chống Cộng mà lại luôn luôn ‘đánh lẫn nhau’. Sử mệnh dân tộc đã giới hạn cái tính ‘hiếu chiến’ đó, chỉ cho dân tộc ta cái ‘tinh thần bất khuất’ chống ngoại xâm, chống áp bức để bảo vệ chủ quyền đất nước và sinh mệnh dân tộc, nghĩa là giữ được cái gia tài vật chất để có điều kiện tồn tại qua bao thăng trầm, biến thiên tang tóc hầu nuôi dưỡng cái ‘Hồn nước’ tiềm ẩn, chờ lúc sẽ trổi dậy mạnh mẽ, đổi chiều lịch sử. Do đó mà dù thường ngày chia rẻ, chống nhau nhưng khi chạm trán với kẻ thù chung thì tinh thần bất khuất lại trổi dậy, gát qua dị đồng để cùng chống giặc. Có thể chứng minh qua đôi sự việc gần đây. Khi chống lại phái đoàn Cộng sản sang Hoa Kỳ hay nước khác, chống lại các phái đoàn tuyên vận Cộng sản, …mọi tổ chức, đoàn thể người Việt hải ngoại dù chủ trương, quan điểm có khác nhau, dù thường ngày khích bác nhau, lại cùng kết hợp biểu tình rầm rộ chống lại kẻ thù chung.

          Khai thác cái tính ‘ưa đánh’ đó, kẻ thù và ngoại bang luôn bày ra bao trò ma mị để phá hoại tinh thần đoàn kết của dân tộc ta. Vốn bản chất ‘hiếu chiến’, Cộng sản VN đã khai thác cái tính ‘ưa đánh’ đó nơi người Việt hải ngoại để gây nên tình trạng ‘người chống Cộng ‘đánh’ người chống Cộng’, người cùng Tôn giáo’đánh’ người cùng tôn giáo,…Do đó, đoàn kết chống ngoại xâm thì mạnh mẽ như lich sử đã chứng minh nhưng đoàn kết chống ‘nội xâm’ thì không mấy mạnh mẽ như Dương Thu Hương đã từng đau xót bày tỏ.

         

           4) Việt Nam : địa bàn tranh chấp giữa Văn hóa dân tộc với Văn hóa du nhập : Do vị thế của đất nước, địa bàn VN đã là nơi tiếp nhận mọi nền văn hóa, văn minh thế giới ồ ạt đổ vào hoặc do bị cưỡng chế hoặc do tiếp thu. Từ đó, trước nay, VN luôn luôn là địa bàn tranh chấp giữa Văn Hóa truyền thống với các nền Văn Hóa ngoại nhập. Để bài khỏi phải quá dài, người viêt chỉ xin nêu ra từng giai đoạn mà không diễn giải, hơn nữa, những ai lưu ý đến lịch sử và thời cuộc VN, đều đã hiểu rõ. Các giai đoạn đó có thể kể ra như sau :          

          a) Thời lập quốc và trước thời Bắc thuộc : Thời kỳ nầy không có đối nghịch, kình chống Văn Hóa vì chỉ có nền Văn Hóa thuần Việt dù sơ khai, dù không thành một hệ tư tưởng rõ nét và không gặp cưỡng chế của một nền Văn Hóa ngoại lai nào.

           b) Thời Bắc thuộc : Tranh chấp giữa hai chiến tuyến ‘Việt-Hán’.        

           c) Thời Pháp  thuộc :. Hai chiến tuyến ‘Việt-Pháp’ (

           d) Thời Nhật thuộc : quá ngắn nên chưa có tranh chắp văn hóa ‘Việt-Nhật’.

           e) Thời Hoa Kỳ ảnh hưởng vào Việt Nam : hai chiến tuyến Văn hóa ‘Việt – Mỹ’.         

           g) Thời chủ nghĩa Cộng sản du nhập rồi thống trị hoàn toàn VN : tranh chấp Văn hóa ‘Việt-Mác xít’. Có thể chia làm 4 giai đoạn :

           * Từ 1930 đến 1954 : Thời kỳ nầy, Cộng sản chưa ra mặt công khai và cưỡng chế nên hai chiến tuyến ‘Việt Nam – Mác xít’ chưa có tranh chấp lộ liễu ngoại trừ nơi một số trí thức nhưng thường là những tranh luận bút chiến giữa ‘Duy Tâm – Duy Vật’ nặng về mặt lý thuyết chứ chưa ảnh hưởng đến thực trạng và nếp sống văn hóa VN.

     * Từ 1954 đến 1975 tại Miền Bắc : Hai chiến tuyến Văn hóa Việt Nam và Văn hóa Mác xít

           * Từ 1975 đến 1991 trên toàn quốc :Văn hóa VN và Văn hóa Mac xit mạo hóa VN  [ 1991 là thời điểm khối CS Đông Âu và Thành trì Quốc tế Vô sản –Liên Xô- tan rã].

           * Từ 1991 đến nay : tại Quốc nội và tại Hải ngoại

        h) Chiến tuyến Văn Hóa VN nơi người Việt hải ngoại : những thành tụu và khó khăn

       

           5) Lịch sử Việt Nam liên hệ với lịch sử Thế giới – Dân tộc Việt Nam là dân tộc đau khổ nhất thế giới : 

          a) Liên hệ với thế giới – Người Việt Nam không quyết định được vận mệnh mình :         

           1) Thời thuộc Pháp : Từ ngày Thực dân Pháp xâm lăng rồi đánh chiếm đất nước, bắt ép triều đình nhà Nguyễn phải công nhận sự thống trị và bảo hộ của Pháp thì người VN chẳng còn chủ quyền gì về quốc gia mình về đối ngoại cũng như đối nội. Chính phủ của triều đình nhà Nguyễn từ sau đời Tự Ðức đến cuối thời Bảo Ðại chỉ là bù nhìn. Bao cuộc khởi nghĩa từ Văn Thân, Cần Vương đến khởi nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc Dân Ðảng rồi những phong trào tranh đấu của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,.. đều thất bại. Việt Nam không còn có thể mong nhờ một nước ngoài nào hổ trợ cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Trung Quốc cũng bị xâm lăng, tiếp theo là nội loạn rồi từ 1911 thay đổi chính thể (rồi từ lúc Mao Trạch Đông lên nắm quyền, cho đến nay, Trung Hoa theo chế độ Cộng sản trở thành mối họa cho VN) ; Nhật Bản thi toa rập với Pháp khiến phong trào Ðông Du của Phan Bội Châu và Cường Ðể không còn điều kiện và sinh khí để phát triển. Tất cả mọi gi liên hệ đến VN trong nước và quốc tế đều do ‘mẫu quốc’ Pháp định đoạt.

          2) Từ hậu bán Thế kỷ XX đến nay : Kể từ 1945 đến nay, vận mệnh VN cũng không do chính người VN quyết định :

          -Cuộc chiến chống Pháp từ 1945 đến 1954 : Cộng sản VN luôn huênh hoang tự hào đã lãnh đạo toàn dân  kháng chiến, đánh bại tên đế quốc đầu sỏ Pháp-Lang-Sa, cứ cho là như thế, thì thật ra thắng lợi đó với chiến thắng Ðiện Biên Phủ cũng không do CSVN, cũng không hoàn toàn do người VN tự mình quyết định. Sự thành công đó phần lớn do bên ngoài. Không có sự trợ giúp qui mô của Liên Xô và Trung Cộng (từ sau 1949) thì chắc không thể có thành công đó. Thêm nữa, một mình nước Pháp bị kiệt quệ sau Thế Chiến thứ hai lại không được Hoa Kỳ tiếp tay (Hoa Kỳ đang muốn thay chân Pháp ở VN) nên không thể đương đầu với cả hai nước lớn mạnh là Liên Xô và Trung Cộng, có thể nói với toàn khối Cộng sản lúc bấy giờ. Những tài liệu gần đây do từ Cộng sản VN, do từ các Ðảng viên Cộng sản tiết lộ, do cả Trung Cộng cho thấy chiến thắng Ðiện Biên Phủ không thể xảy ra nếu không có hàng trăm ngàn quân sĩ cùng hàng trăm ngàn vũ khí của Trung Cộng cùng bao tướng lãnh Trung Cộng chỉ huy trận đánh.  Nếu quả cuộc kháng chiến chống Pháp thành công hoàn toàn do Ðảng CSVN hoặc do toàn dân ta tự mình quyết định thì tại sao không tiến công tới tấp mà phải tuân theo Hiệp Ðịnh Genève ngày 20/07/54 để dừng lại và chấp nhận tình trạng chia đôi đất nước ?

          -Cuộc chiến Bắc-Nam từ 1954 đến 1975 :

          + Chiến thắng Mậu Thân 1968, tiêu diệt hàng chục ngàn cán binh, cán bộ Cộng sản khiến Hồ Chí  Minh phải uất buồn để về chầu Các-Mác, Lê-nin, không hoàn toàn chỉ do quân lực VNCH mà còn do sự tiếp trợ mạnh mẽ của quân đội đồng minh Hoa Kỳ. Có thể, biết đâu, sự việc Tết Mậu Thân là do Hoa Kỳ lừa Cộng sản gây ra để quân lực VNCH và Hoa Kỳ tiêu diệt đại bộ phận súc mạnh của Cộng sản, từ đó, Cộng sản phải chịu ngồi vào bàn Hội nghị theo ý của Hoa Kỳ.

          + Thất bại của Quân lực VNCH trong cuộc hành quân Lam Sơn tại Hạ Lào không do hoàn toàn CS Bắc Việt mà do sự yểm trợ của Cộng sản Trung Hoa, Liên Xô và do từ kế hoạch hành quân bị tiết lộ cho CS, có thể do chính Hoa Kỳ để VNCH phải thất bại, suy yêu để từ đó phải ngồi vào bàn Hội Nghi Ba-Lê theo ý muốn của Hoa Kỳ.        

           + Cuộc tiến chiếm Sai-Gon và toàn thể Miền Nam ngày 30 tháng Tư năm 75 mà CS gọi là ‘Ðại thắng mùa Xuân’ cũng không hoàn toàn do Cộng sản VN nếu không do sự yểm trợ mạnh mẽ của Liên Xô cùng vói chủ trương rút quân của Hoa Kỳ theo một chiến lược toàn cầu của nước nầy.

          Tóm lại, theo người viết, tình hình VN từ hậu bán thế kỷ XIX đên nay, dù thất bại hay thắng lợi đều không hoàn toàn do chính người VN quyết định mà có sự nhúng tay, tiếp trợ hay phá hoại của bên ngoài. Cả hai cuộc chiến : chống Pháp và cuộc chiến Nam-Băc tiếp theo đó, nhìn chung chỉ là ‘máu ta đạn người’. Nhất là cuộc chiến Nam-Bắc từ 1954 đến 1975 có thể xem là một ‘cuộc chiến toàn cầu’ thu hẹp lại nơi địa bàn VN, một cuộc chiến vừa mang tính cách ‘ủy nhiệm’ của các cường quốc lúc đó, vừa có tính cách ‘Ý thức hệ’ giữa ‘Cộng sản và Tư bản’ dưới hình thức một cuộc nội chiến. Cuộc chiến nầy có thể nên được xem là ‘quy nạp trên nhiều chiều’ (theo Phạm Trọng Luật trên tạp chí Hợp Lưu số tháng 10/1992, được http : Amvc.free.fr post lại ngày 2010.01).

          Ngay cả từ sau 1975, Cộng sản VN tự hào đã đem lại độc lập, Tự do và Thống nhất đất nước nhưng có thật là do hoàn toàn CSVN hay hoàn toàn do toàn dân ta thực hiện không ? Cứ nhìn lịch sử từ đó đến nay, hẳn không ai không thấy  (ngay cả bên CSVN được xem là chiến thắng) rằng VN ta không hoàn toàn tự chủ, tự quyết vận mạng của mình (ngay cả chủ quyền về lãnh thổ cũng đã bị mất đi một phần rồi) mà lệ thuộc vào ý đồ và sức mạnh bên ngoài.

          .

          Qua những sự việc nêu trên, ta thấy rõ từ 1945 đến nay và từ nay về sau, lịch sử VN đã và sẽ luôn luôn liên hệ với lịch sử thế giới, mọi quyết định của người VN cho số phận đất nước, dân tộc mình không hoàn toàn do chính người VN mà tùy thuộc phần lớn vào diễn tiến của tình hình thế giới, nhất là trong xu hướng ‘toàn cầu hóa’ đang diễn ra.         

          b) Dân tộc VN là dân tộc đau khổ nhất thế giới :

          Ðau khổ nhất không hẳn do bị đô hộ, ngoại xâm, nội loạn, do chiến tranh, do đói nghèo ; thiên tai ; những sự việc nầy, nhiều dân tộc cũng bị như ta, còn hơn ta nữa. Một Do Thái, một Palestine từ 1948 đến nay, một số dân tộc Phi Châu chẳng hạn. Dân tộc VN đau khổ nhất vì :

b.1- Ðau khổ trước tiên vì Văn Hóa :

          Như đã nói trên, VN là địa bàn từ xa xưa đến nay đã đón nhận hầu hết mọi kiến trúc tinh thần nhân loại. Văn hóa, Văn minh du nhập vào VN, phần do giao lưu nhưng phần do áp đặt bỡi ngoại bang, bỡi cường quyền. Và mỗi lần tiếp thu một nền Văn hóa, Văn minh từ bên ngoài, dân tộc lại phải rẫy rụa, đau thương dù ý thức hay không., và đôi khi còn như  hân hoan  để vồ vập.

         –Những Ðạo giáo Nho, Lão, Phật du nhập từ Trung Hoa, Ấn Ðộ đã trở thành  nền tảng pháp lý và đức lý trong tổ chức quản trị quốc gia và ‘tu thân, xử thế’. Dĩ nhiên, những đạo giáo đó mang chở những giá trị cao thâm, hoằng viễn nhưng mọi tiếp thu của dân tộc ta chỉ nhằm nhiều về phần ‘hình nhi hạ’ và lúc áp dụng vào thực tiễn, xã hội vẫn lẩn quẩn như Trung Hoa, Ấn Ðộ, nghĩa là ghim xã hội và lịch sử trong tình trạng tĩnh vị, tịnh trí với thể chế chính trị phong kiến tập quyền, với nền kinh tế nông nghiệp, thủ công cổ thời, với phong thái văn hóa nặng phần tu dưỡng nội tâm nơi từng cá nhân, không khai triển được năng lực cùng sức mạnh dân tộc trong công cuộc phát triển Văn Hóa, Văn minh lên đỉnh cao. Tuy có thời kỳ vững bền, an lạc nhưng thường do những vua quan có tài có đức chứ không do hẳn từ các Ðạo giáo đó. Qua lịch sử, ta gặp khá nhiều cá nhân hiền nhân, quân tử, tu sĩ, cao tăng, kẻ sĩ trượng phu nhưng không có những công trình nào cô đọng được cả ba đạo giáo đó đưa đến những sáng tạo qui mô về  mặt tư  tưỏng cũng như  thực tiễn xã hội (phần nầy, người viết xin nói chung chung như thế, không thể và cũng chưa nên đi sâu, phần vì kiến thức chưa đầy đủ, phần vi hiện thiếu tài liệu, phần nữa ngại động chạm và tranh luận). Nhìn chung, các Ðạo giáo đó, trên lý thuyết, chú trọng vào cái ‘Biết sống’ (le savoir-être) nơi từng người chứ không khuyến khích cái ‘Biết làm’ (le savoir faire) trên qui mô lớn. Tình trạng đó hầu như chung cho các Dân tộc Á Ðông chứ không riêng cho VN, vì thế, khi tiếp xúc với Tây phương  mới thấy rõ cái yếu kém của mình để rồi phải hối hả chạy theo nền Văn minh duy lý của Tây phương mới có điều kiện đưa đất nước đi lên như Trung Cộng, Đài Loan, Nam Triều Tiên, Ấn Độ,…Ngay cả các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông cũng thế.

          –Ki-Tô giáo đến VN không do du nhập mà do truyền bá của Tây phương lúc đầu (thời Trịnh Nguyễn, thời Tây Sơn), sau đó lại nương vào thế lực ngoại bang (hầu tránh mọi sát hại) đã khiến cho tinh thần Ðạo giáo lâu nay cùng chinh quyền phong kiến VN và nhân dân xem là ‘dị giáo’ và lên án là tiếp tay Thực dân thống trị đất nước và dân tộc. Rồi cũng vì tính cách bảo thủ, Tôn giáo nầy lại bài bác mọi tín ngưỡng, phong tục của dân tộc khiến nhân dân bất mãn để sinh ra nạn thủ tiêu, tàn sát giáo dân, tu sĩ thời các cuộc khởi nghĩa Văn Thân, Cần Vương hay chính sách cấm truyền bá đạo nầy dưới thời đôi triều vua nhà Nguyễn. Từ 1954 đến 1975, ở Miền Nam, nhất là trong thời kỳ Ðệ Nhất Cộng Hoà do Ngô Ðình Diệm lãnh đạo, lại phát sinh sự kỳ thị, tranh chấp và chống đối nhau giữa Giáo hội Phật giáo Ấn Quang và quần chúng Phật giáo theo Giáo Hội nầy  với Công giáo, tiếp đến thời Ðệ nhị Cộng Hòa, có lúc gần như đưa đến quyết liệt bằng vũ lực tại đôi nơi. . Sự tranh chấp, kỳ thị giữa hai Tôn giáo nầy đến nay vẫn còn dù trên mặt lý thuyết, nhất là khi Cộng sản cố tình gây chia rẻ bằng đủ mọi thủ đoạn ma mị. Ki-Tô giáo nói chung không mấy khác với các Ðạo giáo Ðông Phương trên bình diện Hữu Thể học nhưng có tổ chức hơn, có phương tiện hơn và do các công việc từ thiện, nhân đạo và giáo dục tích cực hơn, nhất là dễ gần với các nước Tây phương hơn nên dễ phát triển một cách qui mô. Tính cách kỳ thị giữa Phật giáo và Công giáo nếu vẫn tiếp tục, sẽ là một trở ngại không nhỏ cho việc Ðoàn kết quốc gia, Dân tộc (Cũng xin không nói thêm về điều nầy).

          –Mọi tiếp thu văn minh, văn hóa khác tại Miền Nam từ 1954 đến 1975, nào trào lưu Dân Chủ Tự Do, chủ nghĩa Nhân vị, Hiện sinh, phong trào Tu Thiền, Kinh tế tự do, văn minh kỹ thuật, Khoa học, Kỹ nghệ cùng những phong trào, trường phái Nghệ thuật (lãng mạn, ấn tượng, hiện thực, siêu thực, tượng trưng, lập thể, phong trào nhạc Jazz, nhạc Rock,…)  hầu như thường chỉ là ‘bắt chước’ vôi vã để gọi là theo kịp thời đại, thời trang hơn và cần thiết để cá nhân vượt được cái  nghèo, lạc hậu chứ không mấy tìm tòi, nghiên cứu sâu xa sao cho thích ứng với văn hóa truyền thống. Do đó, từng phong trào phồng lên xẹp xuống. Những phong trào gọi là ‘Về Nguồn’ được cổ võ, khởi xướng nhưng rồi cũng cạn tắt dần sinh lực vi cái ‘Nguồn’ đó không được suy diễn, giải thích một cách thế nào để lôi cuốn đưọc quần chúng. Cuộc chiến tranh làm tiêu hao hết mọi nguồn năng lực nên phần lớn chỉ lo đuổi theo cuộc sống thường nhật hơn là nghĩ đến chuyện xây dựng lâu dài. Giới trí thức, học vị cao trong nước hoặc từ ngoại quốc về, phần lớn phải lăn lóc vào chiến tranh, phần còn lại chỉ nghĩ đến việc tham gia chính quyền hoặc điều khiển một cơ sở tư nhân nào đó cũng nhằm vào kinh doanh, buôn bán hơn là kết hợp thành một ‘giới trí thức’ (intellengisa) vững vàng và tiến bộ. Các Ðảng phái hầu như cũng chỉ nghĩ đến việc nắm quyền hay tham gia chính quyền. Các Tôn giáo cũng lo phát triển riêng Tôn giáo mình, tranh lấy một vị thế nào đấy ; đã thế còn kỳ thị nhau (nhất là giữa Phật giáo và Công giáo). Thêm vào đó, manh tâm làm suy thoái năng lực Miền Nam của Cộng sản, của đồng minh Hoa Kỳ khiến xã hội Miền Nam luôn luôn bất ổn, rã rời. Không kể giới cầm quyền yếu hèn, bạc nhược, kém cõi luôn xô đẩy quần chúng vào bất mãn để Cộng sản thêm điều kiện khuynh loát, phá hoại.

          –Tại Miền Bắc, lý thuyết Mác-Lê trở thành độc tôn, bắt ép xã hội phải nằm trong một khuôn khổ nhất định, hà khắc, bạo tàn, giết hại bao sinh mạng nhân dân, sát hại bao nhiêu trí thức, đẩy đưa đất nước vào cảnh sống kiệt quệ, điêu tàn, không ngày mai, không ánh sáng. Từ ngày chiếm trọn Miền Nam, Cộng sản cũng đi theo đường lối đó và kết quả là xã hội suy đồi, sa đọa ra sao. Những học tập tại Nga Xô, Trung Cộng rốt cuộc chỉ đưa đất nước và nhân dân vào vòng lạc hậu, nghèo đói, bất nhân.

         –Cuộc ào ạt ra đi của hàng triệu người tỵ nạn Cộng sản là một thảm cảnh mà nhân loại trước nay chưa một dân tộc phải gánh chịu với tốc độ và qui mô lớn lao như thế. Sự ra đi mười chết một sống nầy thoạt tiên chỉ là để tìm đất sống tự do, thoát ly gọng kềm Cộng sản chứ không ai nghĩ khác hơn. Nhưng rồi, qua thời gian, số người nầy dần dần kết tập thành lực lượng đối kháng với CS, trở thành hậu thuẫn mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh của nhân dân quốc nội cùng phổ biến Văn hóa truyền thống phổ cập khắp địa cầu. Người Việt lúc ra đi chỉ nghĩ là tránh nạn Cộng sản chứ có nghĩ sẽ tạo lập một ‘Quốc gia Văn hóa nơi hải ngoại’ (nếu có thể gọi như thế) đâu. Sự việc nầy là do  sắp đặt âm thầm của sử mệnh để trao cho số người tỵ nạy nầy và thế hệ con cháu của họ một sứ mạng đối với lịch sử dân tộc.

 

    b.2) Ðau khổ vì bị lịch sử Thế giới chi phối :

          Cuộc chiến Bắc-Nam từ 1954 đến 1975, như đã nói, là cuộc chiến toàn cầu thu hẹp nơi địa bàn VN được xem là cuộc chiến tranh ủy nhiệm, cuộc chiến ý thức hệ giữa hai thế lực, hai chế độ, hai chủ nghĩa đang lộng hành trên thế giới lúc bấy giờ. Hai thứ chủ nghĩa nầy tàn  phá Việt Nam ra sao, đến nay ai cũng thấy rõ và VN phải sống cái thân phận ‘nhược tiểu’ giữa súc ép của hai thứ chủ nghĩa thâm độc : Cộng sản và Tư bản.

          Về phía Cộng sản VN : Từ ngày du nhập chủ nghĩa CS, đảng CSVN đã trở thành bộ phận, công cụ của CS quốc tế, bắt buộc phải chịu sự sai khiến của Liên Xô và Trung Cộng. Có ngươi bảo :’VN đã bỏ mất một cơ hội tốt. Nếu năm 1945, CSVN biết đoàn kết với các Ðảng phái quốc gia và dựa vào Hoa Kỳ thì chắc Pháp không thể tái xâm lăng VN, và cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ do chính toàn dân VN  thực hiện để không phải có cuộc chiến Bắc-Nam sau đó’.Cũng ý đó, có người cho rằng :’CSVN đã bỏ lỡ một cơ hội tốt khác là lúc chiếm trọn Miền Nam, nếu CSVN biết hoà giải hoà hợp với Miền Nam thì số tài nguyên cùng nhân vật lực Miền Nam sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc đoàn kết toàn dân, xây dựng đất nước độc lập và thịnh vượng nhanh chóng’. CSVN không thể làm như thế vì họ đã là công cụ của CS quốc tế rồi. Và chính vì thế nên sau khi thắng Pháp và cả sau nầy thống nhất đất nước, họ vẫn bắt buộc phải thiết lập chế độ độc tài độc đảng toàn trị và phải thực hiện những gì mà Liên Xô, Trung Cộng bắt buộc họ phải làm. Ngay vụ ‘Cải cách ruộng đất’ cũng là vâng theo lý thuyết Mác-xít Lê-nin-nít và do bắt buộc cùng chỉ huy của Trung Cộng. Ðến nay, việc nhượng đất, nhượng biển cho Trung Cộng càng chứng tỏ CSVN chỉ là tay sai phục vụ mộng đồ bành trướng của Trung Cộng thôi. Những chủ trương tàn độc đối với nhân dân trong nước cũng là áp dụng theo Trung Cộng. Ngay cả những thủ đoạn đánh phá các Cộng đồng người Việt hải ngoại một cách tinh vi, có tổ chức, theo người viết, cũng do ‘tham mưu’ Trung Cộng chỉ vẽ và bắt buộc họ phải làm. Vì thế, những mong mỏi CSVN phản tĩnh, trở về với dân tộc, thực sự hòa giải hoà hợp dân tộc, tự giải thể chế độ độc tài đảng trị, là việc hảo huyền vì họ không thể thoát ly Trung Cộng được trừ phi có lực lượng nào đủ sức lật đổ họ hoặc Trung Cộng, vì lý do nào đó, buộc lòng phải ‘nhả’ VN. Mộng đồ bành trướng của Trung Cộng không thể không ‘độc chiếm’ VN vì VN là địa bàn chiến lược cần thiết cho mộng đồ đó của Trung Cộng. Không thể có sự hợp tác của người Việt hải ngoại với CSVN mà có thể đưa đất nước thoát khỏi sự khống chế của Trung Cộng. Nếu tình hình thế giới buộc Trung Cộng phải buông thả VN thì may ra, Ðảng CSVN mới chịu thoái trào để cùng toàn dân và người Việt hải ngoại đoàn kết xây dựng  lại đất nước.

          –Về phía người Quốc gia Việt Nam : Có người bảo rằng :’Nếu Ðệ Nhất Cộng Hoà thời Chính Phủ Ngô Ðình Diệm biết đoàn kết quốc gia (các Ðảng phái và các giáo phái), không chủ trương ‘gia đình tri’, ngăn chặn ý đồ của Ngô Ðình Thục muốn được phong tặng  Hồng Y bằng ý  muốn ‘Công giáo hóa’ phần lớn nhân dân (theo ý kiến một số người) thì sẽ được quốc tế ủng hộ, sự can thiệp của Hoa Kỳ sẽ đổi khác và CS Bắc Việt sẽ không thể tiến công Miền Nam như đã xảy ra’. Chính Phủ Ngô Ðình Diệm không thể thực hiện điều nầy dù cá nhân Tổng Thống Ngô Ðình Diệm có muốn. Vì sau thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ đã trở nên siêu cường bậc nhất và phải chống lại sự lan tràn của CS đe dọa sức mạnh Hoa Kỳ nên Hoa Kỳ, với chủ trương ‘Full spectrum dominance’, thấy bắt buộc phải hiện diện khắp nơi không chỉ riêng về Kinh tế, Chính trị mà còn bằng quân sự. Chính sức lan tràn của CS đã buộc Miền Nam VN phải nhận chịu sự can thiệp của Hoa Kỳ và là cái ‘cớ’ giúp cho Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự vào VN. Hoa Kỳ không thể không can thiệp vào VN bằng quân sư do đòi hỏi ngăn làn sóng đỏ mà VN lại là địa bàn chiến lược cần thiết. Từ 1945, Hoa Kỳ đã nuôi mộng thay thế Pháp tại VN nên chỉ chờ lúc can thiệp vào VN trước tiên bằng chính trị và tiếp theo là bằng quân sự.  Để giữ vững vai trò đệ nhất siêu cường, Hoa Kỳ thấy cần  thiết không chỉ về Chính trị, Kinh tế mà còn phải bằng quân sự̉  (Vu Al Queada phá sụp hai tào tháp ở New York ngày 11/09/2001 đã trở thành cái cớ, cái lý do chính đáng để Hoa Kỳ đưa lực lượng quân sự sang vùng Trung Đông mà trước nay Hoa Kỳ chưa có mặt về quân sự tại đấy). Không cần nêu lại những gì xảy ra từ 1945 đến 1975 và cả đến nay, chúng ta có thể nhận ra hai sự việc sau đây trong mối liên hệ giữa lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử VN :

          +Không một quốc gia nào gây điêu đứng cho VN bằng Hoa Kỳ. Từ ngày can thiệp vào VN, bằng quân sự, Hoa Kỳ bị toàn khối CS và thế giới lên án là xâm lăng và làm lu mờ chính nghĩa của nhân dân và chính quyền Miền Nam. Hoa Kỳ đã gây bao đổ vỡ tang thương cho VN. Chủ trương không cầu thắng, Hoa Kỳ đã không tiến công ra Miền Bắc còn ngăn chận quân lực VNCH, không cho làm việc đó, như vậy là mặc nhiên ‘nuôi’ CS để CS dễ tung hoành gây cho nhân dân và chính quyền Miền Nam hết đau thương nầy đến đau thương nọ. Trong cái thế phải đương đầu với toàn khối Cộng sản và trong chủ trương chia rẻ hai đàn anh Cộng sản do từ địa bàn VN, Hoa Kỳ buộc VNCH phải ký Hiệp định Ba Lê rồi dàn cảnh rút quân hối hả, bán đứng nửa phần dân tộc VN vào tay CS, kết quả nhân dân Miền Nam bị chết chóc, điêu linh cùng độ bỡi CS ra sao, ai cũng đều rõ. Không như với Pháp, sau Hiệp định Genève, đã dành ra 3 tháng và còn nhờ quôć tế (đặc biệt là Hoa Kỳ) cung cấp phương tiện chở người miền Bắc vào Nam, Hoa Kỳ không làm nhu thế. Cả số người tỵ nạn Cộng sản ùn ùn vượt biển, Hoa Kỳ cũng làm ngơ.          

          Rồi chiến tranh chấm dứt, Hoa Kỳ vẫn ngầm nuôi dưỡng CS để chế độ độc tài nầy tàn sát, áp bức, giết hại nhân dân trên cả nước rồi đưa VN trở thành miếng mồi béo bở cho chủ trương bành trướng của Trung Cộng. Hoa Kỳ chỉ phục vụ cho tư bản Mỹ và với mộng đồ ‘Mỹ hóa’ thế giới (Full spectrum dominance), giữ vững và bành trướng thế lực siêu cường, tuy có luôn đề cao ‘Tự do, Dân chủ’, tuy có lên án những vi phạm nhân quyền của CSVN nhưng chỉ là ‘miệng lời son phấn’, thực tế vẫn nuôi dưỡng CSVN, một phần để có thể tách CSVN  khỏi quỷ đạo Trung Cộng, một phần để Tư bản Mỹ dễ đầu tư vì nghĩ rằng CSVN dễ bảo hơn là người VN quốc gia yêu nước. Chủ trương ‘Diễn biến Hoà bình’ chỉ nhằm biến CSVN theo Mỹ chứ chưa hẳn nhằm lật đổ chế độ bạo tàn cho nhân dân VN được sống Tự do, Dân chủ.

          Có thể nói chưa một quốc gia nào trên thế giới gây điêu linh, thống khổ cho dân tộc VN bằng Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không trực tiếp mà mượn tay CS để giết chóc, tàn hại và phá hủy nếp sống Văn hóa truyền thống của dân tộc VN. Chính sách của Hoa Kỳ lúc nào cũng đi ‘hàng hai’ vừa đánh vừa nuôi đối phương, chẳng qua chỉ vì quyền lợi tư bản Mỹ. Vì thế, mọi ý đồ, chủ trương nhằm lật đổ CS mà không do Mỹ chủ trương đều bị Hoa Kỳ ngăn cản hay mượn tay CS giập tắt. Hoa Kỳ hầu như muốn giành quyền quyết định về VN riêng cho Hoa Kỳ, không cho bất kỳ một lực lượng nào dù là của chính người VN lật đổ chế độ bạo tàn CS. [những vụ Trần Văn Bá, Ðồng Công, Già Lam , Võ Ðại Tôn, Hoàng Cơ Minh (cứ cho là thực lòng vì nước) bị thất bại từ trứng nước chưa hẳn do CSVN giỏi giang mà có thể phần nào do đôi phần tử tình báo Hoa Kỳ chỉ điểm, theo người viết nghĩ dù không có cơ sở để chứng minh].  Và hiện nay Hoa Kỳ đang tìm cách trở lại VN nhưng có duy trì chính sách ‘hàng hai’ nầy nữa không ?

          + Không một quốc gia nào gây nhức nhối cho Hoa Kỳ bằng Việt Nam :

           -Việc Hoa Kỳ phản bội Miền Nam Việt Nam, bức tử  Cộng Hòa Miền Nam, để MNVN phải rơi vào tay CS và rút quân vội vã để bị suy diễn là ‘tháo chạy’ dù được hiểu là nằm trong sách lược toàn cầu của Hoa Kỳ, là vết thương nhức nhối cho Hoa Kỳ từ ngày đó mãi về sau, ít ra cũng trong một thời gian nữa trong lịch sử và trong tâm não người dân Hoa Kỳ. Từ ngày đó, bất kỳ một can thiệp nào bằng quân sự của Hoa Kỳ bất cứ nơi đâu đều bị nhân dân Hoa Kỳ và thế giới nhắc đến cái gọi là ‘Hội chứng VN’. Sự rút quân đó vừa nói lên sự phản bội của Hoa Kỳ đối với đồng minh Nam VN vừa bị chính nhân dân Hoa Kỳ và thế giới xem là thất bại nhục nhã đầu tiên của siêu cường Hoa Kỳ vì trước nay Hoa Kỳ chưa gặp một thất bại nào về quân sự bất kỳ nơi đâu. Ðối với lịch sử và nhân dân Hoa Kỳ, đấy là vết ‘nhục’ không thể nào quên và do chính VN (cả CS và người quốc gia VN) đã gây ra cho Hoa Kỳ dù trên thực tế, Hoa Kỳ không thất bại vì Cộng sản VN mà thất bại vì Cộng sản quốc tế và vì chủ trương ‘chiến thắng’ Cộng sản nơi địa bàn khác. Ðến nay, mượn thế lực Trung Quốc, CSVN lại tiếp tục làm nhức nhối Hoa Kỳ phải trong thế ‘nuôi dưỡng’ chúng trong cái thế phải đối đầu với một đế quốc mới là Trung Cộng sẽ đe dọa Hoa Kỳ trong nay mai.

          -Người VN quốc gia trong thời chiến cũng như hiện nay cũng làm nhức nhối Hoa Kỳ về nhiều mặt. Hoa Kỳ đã phải đổ bao nhiêu tiền của và sinh mạng (58.000 binh sĩ Mỹ phải hy sinh) trong cuộc chiến VN, đã phải lúng túng, khó khăn thế nào trong toan tính bỏ rơi MNVN để mang tiếng là phản bội., đã mang tiếng ‘giết hại’ bao sinh mạng VN trong lò tù CS, trong đào thoát khỏi VN để tỵ nạn CS, trong chết chóc, đói nghèo, trong nhục nhã bị bán buôn thân xác cho ngoại quốc bỡi CS, trong xác héo hồn tàn vì bị bóc lột đày đọa, đuổi xô mất nhà mất cửa, mất công ăn việc làm,…Những khổ nạn đó của nhân dân VN là những nhức nhối cho lịch sử Hoa Kỳ, một quốc gia tự hào bảo vệ Tự do, Dân chủ, bảo vệ quyền sống cho con người.

          Ngay cả người Việt quốc gia tỵ nạn CS tại Hoa Kỳ và trên thế giới  cũng luôn gây lúng túng, khó khăn cho Hoa Kỳ trong mọi bang giao với CSVN. ….Không một Cộng đồng sắc tộc nào tại Hoa Kỳ lại hoạt động sinh động, phần nào ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với CS như Cộng đồng người Việt Nam. Tuy những nhức nhối mà người VN hải ngoại gây ra không nặng nề, gay gắt nhưng sự hiện diện và hoạt động đấu tranh của người Việt tỵ nạn CS luôn nhắc nhở Hoa Kỳ vết ‘nhơ’ phản bội đồng minh, vết ‘ác’ dìm dân tộc VN vào điêu linh, chết chóc, cùng vết ‘nhục’ bại trận do quyền lợi riêng tư để mang tiếng phản trắc, bịp lường.

         

          Theo người viết, có thể nói, sau Thế chiến thứ hai, VN chúng ta là ‘nạn nhân’ của bao cường quốc Thế giới : khối Cộng sản trên thế giới (đặc biệt là Liên Xô, Trung Cộng) và cả Pháp và Hoa Kỳ. Tóm lại, từ 1954 đến nay, lịch sử VN như gắn chặt với lịch sử Hoa Kỳ. Cả hai cùng ‘cô đơn’ và giải tỏa ‘cô đơn’ cho nhau bằng một ‘mối tình nghiệp dĩ’ (amour karmique) cần thiết cho nhau nhưng luôn gây cho nhau bao đau thương, thảm họa.

 

          Do ‘cuộc tình nghiệp dĩ’ nầy mà Hoa Kỳ đã vừa đánh vừa nuôi Cộng sản. Do đó, VN là quốc gia, dân tộc đau khổ nhất thế giới vì không một quốc gia nào lại là địa bàn tranh chấp và gánh chịu cả hai thứ chủ nghĩa, hai thứ chế độ và cả  hai thế  lực ‘Tư bản-Cộng sản’ cùng một lúc,  triền miên trên hơn nửa thế kỷ qua dù trong chiến tranh hay lúc được gọi là hoà bình. Điều nầy, phải chăng cũng do dòng Sử Mệnh của dân tộc buộc phải vậy ?

 

          C.- Ðộng cơ tiềm ẩn đã tạo nên dòng Sử mệnh : Sử mệnh dân tộc đã đẩy đưa lịch sử VN trải chịu bao oan khốc trên. Tại sao như vậy ? Xin liệt kê những động cơ ẩn mật của dòng Sử mệnh đã khiến  xảy ra những sự kiện lịch sử nói trên :

          

          1.Dân tộc VN chỉ  có cái ‘THỂ ‘ tức‘có cái không có : Suốt 1000 năm Bắc thuộc, 20 năm bị nhà Minh đô hộ, 80 năm thuộc Pháp, 2 năm Nhật thuộc, 9 năm bị ảnh hưởng Hoa Kỳ, trên nửa thế kỷ Cộng sản thuộc (ngoại trừ thời kỳ ở Miền Nam từ 1954 đến 1975), lại phải liên miên chống xâm lăng, nội chiến, dân tộc ta luôn bị áp bức, bóc lột, nghèo đói thảm thương. Bao nhiêu tài nguyên bị thu tóm, bị tàn phá ; bao nhiêu nhân tài phải bị cống hiến, bị tù đày, bị giết chóc ; bao nhiêu thành tựu về văn minh, văn hóa bị phá hủy, bị tiêu diệt, không thể kế thừa ; bao nhiêu công trình trước tác bị cướp, bị hủy. Có được thành công nào thì thảm họa từ đâu tới hủy phá cho bằng hết. Một chứng minh gần đây nhất : Miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975 bắt đầu tiếp thu ít nhiều Khoa Học, Kỹ Thuật Tây phương, trở nên sáng giá nhất vùng Ðông Nam Á thì cái ‘họa đỏ’ tức Cộng sản đến hủy phá sạch sành sanh để toàn thể đất nước tụt hậu thê thảm, lạc hậu vào hạng nhất nhì thế giới, trong lúc các nước thua kém ta lại trổi dậy, trở nên ‘những con Rồng Á châu’. Do đó, có thể xem Sử mệnh  bắt buộc dân tộc ta phải ‘Có cái Không có’. Vì thế, hầu như dân ta không thể có điều kiện để ‘’, để ‘tạo’ những gì cần phải  có, cần phải ‘tạo’ để được bằng người, hơn người ngoài những gì cần thiết trong vòng vừa đủ để duy trì sinh mạng. Nói cách khác, dân tộc ta chỉ có ‘phần Thể’ tức cái ‘Hồn Nước’, còn phần Tướng và Dụng thì rất giới hạn hoặc do bên ngoài cung cấp (do bị áp đặt nhiều hơn do giao lưu) và dân ta đau khổ do từ những tiếp thu đó. Chữ viết Quốc ngữ đã nói trên là một chứng minh. Đạo Việt Nho, theo Giáo sư Kim Định, đã bị người Hán cướp đoật rồi Hán hóa cũng là một bằng chứng. Trường hợp ‘Quốc gia Văn hóa VN hải ngoại’ (nếu có thể gọi thế) nơi người Việt hải ngoại không có phần Tướng và Dụng (không lãnh thổ, không chính quyền) nhưng lại có phần Thể (Văn hóa, ‘Hồn nước’) như đã nói trên.

          Thực sự, VN cũng đã có một số nhà Tư Tưởng lớn. Một Lê Quí Ðôn với tác phẫm ‘Vân Ðài Loại Ngữ’ trong đó ông nói đến sự ‘đồng nguyên’ của Tam Giáo (Nho, Lão, Phật) và nói đến ‘Nhất Ðiểm Linh Thông’ được xem là điểm tổng hợp mọi Tư duy, một thứ ‘Tư duy thống hợp’ mà Giáo sư Mạc Ngọc Pha (đang ở Miền Nam Cali, Hoa Kỳ) hiện đang khai thác để dung hợp với trào lưu Tư tương mới. Một Lê Thánh Tông với bộ Luật Hồng Ðức được xem là nền tảng thiết lập Dân quyền và Nhân quyền có trước Tây Phương những mấy trăm năm. Một Nguyễn Du, qua tác phẫm ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’ đã mượn một câu chuyện tình để nói đến diễn tiến của nhân sinh trong ‘cõi người ta’ sẽ đưa đến trạng thái chấm dứt đoạn trường của cõi thế dẫn về cảnh giới ‘Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’. Nhưng rồi, chẳng một ai tiếp tục khơi đào. Những Tư Tưởng lớn đó, mặc dù không bị cướp giật, phá hủy, lại nằm im lìm, khiến những gì dân tộc ta ‘có’ được lại biến thành ‘không’.

         

          2.Tư Tưởng VN là tư tưởng phiêu bồng, vô sở trụ : Tư tưởng VN từ Nguồn gốc xa xôi, cách đây những 15.000 năm (theo một số nhà nghiên cứu) và rõ ràng từ khi vua Hùng dựng nước đến nay là thứ Tư Tưởng phiêu bồng (pensée errante) bàng bạc, có thể nói là ‘vô sở trụ’ theo ngôn từ Phật giáo, có nghĩa là không trụ một nơi nào nhất định mà trụ khắp mọi nơi. Vì Tư Tưởng truyền thống VN vốn ‘vô sở trụ’ nên mông lung, mơ hồ, không kết thành hệ thống, không thể nhận diện tường minh, không thể bắt gặp ngay trong thực tế đời sống. Người bình dân ta xưa đã diễn tả tâm thức đó , mượn hình ảnh người yêu lý tưởng luôn luôn ước mơ được gặp nhưng chỉ thấy qua chiêm bao chứ không hiện thực trong cuộc sống thường nhật. Tư tưởng VN như một ‘người tình không chân dung’ lẩn quẩn bên ta mà ta không thể nào nhận diện, ôm ấp :

                                       –Người yêu ta để trong cơi

                                        Nắp vàng đậy lại để nơi giường thờ

                                        Ðêm qua ba bốn lần mơ  

                                       Chiêm bao thì thấy, dậy sờ thì không    

                                                                                         (Ca dao)

          Tiêu biểu cho tính cách ‘vô sở trụ’ đó là Ðạo Ông Bà truyền thống, có trước mọi tiếp xúc với Văn hóa bên ngoài. ‘Ðạo Ông Bà’ là một tín ngưỡng không tôn giáo, một thứ Siêu thuyết (métathéorie) của dân tộc ta’, không kết thành hệ thống, thành ý thức hệ rõ ràng phân minh nhưng không người VN nào không theo, không một thế  lực nào có thể hủy diệt. ‘Đạo Ông Bà’ của người VN, xuất phát từ ‘Đạo Tâm’ bẫm sinh, vừa là ‘Đạo Trời’ vừa là ‘Đạo người’ (sự tích Bánh dày, bánh chưng), không có Giáo chủ, không Kinh kệ, không giáo lý, không cần thiết một lý luận biện chứng nào, không cần thiết giảng dạy nơi trường ốc, không có số người như giới tăng lữ chuyên thuyết pháp, không cần thiết phải tuân theo những giới răn, giới cấm khe khắt, không nhất thiết phải có nơi thờ tự như chùa chiềng, nhà thờ ; mỗi người thực hiện Đạo Ông Bà theo cách riêng của mình tùy theo môi trường, điều kiện riêng của mình. Thêm vào đó, truyện thần thoại, huyền thoại, ca dao, dân ca phổ biến truyền miệng, mang chở mọi sắc thái tư tưởng dân tộc, không thể tìm ra xuất xứ và tác giả nên không một kẻ xâm lăng, một bạo quyền nào có thể tiêu diệt được. Do tiềm tàng của thứ Tư Tưởng ‘vô sở trụ’ nầy trong huyết quản nên ông bà ta không cần đi tìm một hệ tư tưởng nào, không lệ thuộc vào một hệ tư tưởng cố định nào của bên ngoài. Bao nhiêu người uyên bác, tài năng (một Nguyễn Bỉnh Khiêm, một Nguyễn Trải, một Nguyễn Du,…) cũng không nghĩ đến việc xây dựng một hê tư tưởng  nào  vì có thể nghĩ rằng một ý thức hệ chặt chẽ, cố định sẽ làm tăng thêm tính ‘hiếu chiến’ sẵn có, để dẫn dắt dân tộc ghim vào đó, chống báng, đối kháng với mọi hệ tư tưởng khác và trái với tinh thần tự do, phóng khoáng của giống nòi vốn thiên về mặt cảm tính. Hơn nữa, tạo nên một hệ tư tưởng riêng biệt cho mình sẽ trở thành cái ‘đích’ cụ thể cho kẻ thù dễ dàng tập trung năng lực hủy diệt dân tộc. Cũng do từ phải ‘Có cái Không có’, tư tưởng VN với tính cách phiêu bồng, vô sở tru nên không một kẻ ngoại xâm, thống trị nào tiêu diệt được văn hóa dân tộc ta, đồng hóa ta hoàn toàn theo văn hóa của họ. Người Phật giáo thường cho rằng Ðạo Phật là Ðạo của dân tộc ta, thật ra, theo người viết, chính Ðạo Ông Bà của ta đã phần nào đồng hóa đạo Phật cũng như đồng hóa đạo Khổng, đạo Lão theo tinh thần tư tưởng  VN. Chỉ giới tu sĩ và sĩ phu mới thực sự theo Phật hay theo Khổng, còn giới bình dân theo Ðạo Ông Bà.

         

          3.- VN : miền đất giải hoặc :

          Do ‘Có cái Không có’, do tính cách phiêu bồng của tư tưởng VN mà dân tộc ta dễ đón nhận mọi hệ thống tư tưởng bên ngoài dù có phải đớn đau vì đó để dung hóa và để ‘giải hoặc’ những kiến trúc tinh thần du nhập đó. ’Giải hoặc’ không có nghĩa là hủy phá, bài bác tận gốc rể mà là giải tỏa hết mọi nghiệt ngã, oan khiên, mọi huyễn hoặc, ma mị, mọi trấu tro để trả lại  những gì tinh anh, nguyên thể trở về với những thứ đó. Xin dùng lời Chúa Jésus dể nói về sự kiện nầy :’’Trả lại cho Ðức Chúa Trời những gì thuộc Ðức Chúa Trời’’. Bài ca dao mang tính lịch sử đã nói lên điều đó từ lâu :

                                       Mình nói dối ta mình hãy còn son

                                        Ta đi qua ngõ thấy con mình bò

                                        Con mình những trấu cùng tro

                                        Ta đi xách nước rửa cho con mình.   (ca dao)

         

          Dân tộc ta đã phải gặp bao nhiêu Mình ăn đời ở kiếp bên nhau. Mình đã cùng Ta một ngàn năm chung chạ, gần một thế kỷ ái ân, vài ba năm chung gối, gần một phần tư thế kỷ gối chăn, trên ba mươi năm yêu thương mà dạt dào tình hận (tứ 1945 đến 1975 dưới thể chế VNDCCH của Cộng sản),  rồi trên 35 năm trường hận (dưới chế độ CHXHCN của CStừ sau 1975), cũng đã trên 35 năm đùm bọc hàng triệu thân phận điêu linh, lưu đày (thế giới Tự do đối với người Việ tỵ nạn CS) và rồi, bây giờ và  còn bao lâu nữa ‘hữu nghị’ với 16 chữ vàng để ….’ đất nước ta mình chiếm, tài nguyên ta mình cào, dân ta mình bán, dân tộc ta trở thành ‘nô lệ’, lao nô,…Các Mình quả ‘còn son’ (hào hiệp, trượng nghĩa), đến với Ta, luôn bảo ‘khai phóng ta, dạy ta chữ viết, nói, đọc theo Mình ; giải phóng ta khỏi ách đế quốc, thực dân, cởi bỏ dân ta khỏi vòng nô lệ người da trắng ; xây dựng cho ta khỏi cảnh đời áp bức, bất công ; giúp đở dân ta tiến bộ, văn minh, sống đời tự do, dân chủ ; cột chặt đất nước và dân ta vào vòng tay ‘hữu nghị’ sắt son…Quả các mình quá ‘son’ với ta (!). Ta đã có lúc tôn mình là ‘cứu tinh, ân nhân’ (Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp) ; Mình dựng tượng Paul Bert tại Hà Nội, tay dắt đứa trẻ VN chỉ đường đi tới ; Mình dựng Cây Tự Do nơi Tòa Đại sứ của mình trước lúc ra đi ; Mình xây tượng, bảo ta treo ảnh Mac, Lê-Nin, Mao, Hồ, thờ phượng là cứu tinh nhân loại ; Mình kêu gọi, đề cao MìnhTa là ‘núi liền núi, sông liền sông, môi hở răng lạnh’ để Mình chở che, bao quản (?) , chống bọn phản động, chống những kẻ thù phương xa. Mình còn dạy ta phải luôn căm hờn, thù hận, phải biết đấu tố cả cha mẹ, anh em, bạn bè (những điều Ta chưa hề có), phải diệt trừ tận gốc những đứa con ‘hư’ (?), nuôi dưỡng mãi cái tình yêu nước, không chịu tuân phục mệnh lệnh hay tỏ ra chống đối quyền lợi của mình,…(Ngày lên Paris từ 10/02 đến 15/02/2010 để tiễn đưa Giáo sư Võ Thủ Tịnh ‘ra đi’, người viết gặp một người từ VN về lại Pháp bảo rằng : ‘’ Ở VN bây giờ, chỉ trích tham nhũng hay nhà cầm quyền, có thể chưa sao, nhưng nói ‘yêu nước, chống Tàu’ là ‘có vấn đề’ ngay’’).

          Nhưng, các Mình ơi ! Qua ngõ nhà mình (qua từng chặng đường lịch sử, từng giai đoạn tiếp xúc, giao lưu, qua từng thời gian chung chạ ân tình, qua từng thời điểm biến thiên của dòng sinh hóa, qua bao tai nạn, điêu linh mà ta phải gánh chịu bỡi các mình) ta nhận diện ra con mình và thấy rõ mình đã dối gạt ta. Con mình’, những sản phẩm của mình, những kiến trúc văn minh, văn hóa (kinh sách, lý thuyết, tôn giáo, ý thức hệ, chủ nghĩa, trào lưu,…) thực ra chỉ toàn là ‘trấu tro’ chứ không phải những tinh anh, tinh túy . Mình đã ‘dối ta’, đã đem những trấu tro của các thứ đó lừa bịp ta, nhồi sọ, mê hoặc để đàn áp, bóc lột, khống chế, thống trị, đồng hóa ta theo mình, sao cho ‘ta không còn là ta’ nữa. Hiện thực của ta trên nửa thế kỷ điêu linh ra sao, các Mình có thấy ? Dĩ nhiên, các Mình thấy rõ nhưng các Mình vẫn tiếp tục dối gian vì với các Mình nầy, ta chỉ là ‘giá trị lợi dụng’, với các mình kia, ta chỉ là những tên nô lệ phải ngoan ngoãn phục tùng…Nhận rõ ‘chân tướng’ ma mị của các Mình, ta phải làm sao đây ? Qua bao nhiêu lầm than, điêu đứng mà các Mình trút đổ vào ta, Ta sẽ làm cái điều mà Sử Mệnh của ta cùng Sử Mệnh nhân sinh đã trao cho taTa đi xách nước rửa cho con mình’. Ta phải rửa sạch những trấu tro mà các mình đã gian dối chuốc vào cho chúng để trả lại cho chúng cái tinh anh thuần khiết tự sơ nguyên. Để các mình hiểu ra rằng mọi trấu tro mà các mình đã ‘tô vẽ’ lên các con mình chỉ đưa đến kết quả là các mình tự bôi nhọ chính cá mìnhta để rồi tất cả càng triền miên đau khổ không nhận ra được rằng ‘hay đâu địa ngục giữa miền nhân gian’ (Kiều).. Ta làm cái công việc ‘Trả lại cho Đức Chúa Trời những gì của Đức Chúa Trời’ để cả MìnhTa thoát vượt được ‘Sự chướng’ và ‘Lý chướng’ hầu cùng ‘đáo bỉ ngạn’, tiến đến ‘Bờ Bên Kia’, cảnh giới Oméga thường hằng an lạc. Sở dĩ Ta có thể ‘rửa sạch trấu tro cho con mình’  không phải vì Ta là kẻ thông thái, siêu nhân mà chỉ bỡi vì Ta quá đau khổ bỡi bao Mình thôi. Chính do đau khổ mà Ta nhìn ra cái gian dối của bao Mình. ‘Phiền não là Bồ Đề, Đau khổ là giải thoát’ chính lời Phật đã bảo thế. Do đau khổ mà Ta sáng lòng, sáng dạ, nhìn, ra bồ đề, tìm về giải thoát. Thêm nữa, chính cái địa bàn VN của Ta, cái vị thế chiến lược nầy đã khiến bao Mình đụng đầu nhau, tranh chấp nhau, hủy diệt nhau, cuối cùng các Mình cùng nhận ra rằng những cái được gọi là tinh anh, tinh túy của những con mình thực ra chỉ là những trấu tro thôi. Đất nước Ta, Dân tộc Ta, lịch sử Ta bao đời đã là nơi, là kẻ ‘tuẩn nạn’ cho những trấu tro của con các Mình. Do từ những khổ đau mà Ta triền miên gánh chịu, do từ sự đụng đầu của các Mình noi Ta mà các Mình Ta cùng nhận ra cái Vô minh đã quấn chặt thế giới nầy để từ nay cùng rửa sạch mọi trấu tro, ̉ hồi phục phần tinh anh, tinh túy cho các con mình hầu tất cả cùng đề huề lương hảo, cùng sống trong tương ái, tương thân, nào cần phải gian dối, lừa gạt nhau chi.

          Địa bàn VN đón nhận hầu hết mọi kiến trúc tinh thần của thế giới, điều nầy dễ thấy qua lịch sử dân tộc ta. Nhưng cũng chính tại địa bàn VN mà mọi kiến trúc tinh thần đó bị tan loảng, rã rời, sa đọa. Nhất là từ Hậu bán thế kỷ XX, ta hẳn thấy hầu hết những nền Đạo giáo (Khổng, Lão) Tôn giáo,(Phật giáo, Ki-Tô giáo –  gần đây, CSVN đã đập tan cây Thánh Giá, biểu tượng thiêng liêng của người Ki-Tô giáo tại Đồng Chiêm, và, một số tay sai CS đã phạt ngang đầu tượng đức Phật tại một Chùa của Giáo Hội PGVNTN tại Úc), cả hai Tôn giáo của người Việt (Cao Đài, Hòa Hảo) cùng mọi ý thức hệ, chủ nghĩa,…mất giá, tàn tạ ra sao tại mảnh đất VN nầy. Và chủ nghĩa Cộng sản bị bóc trần bộ mặt ma mị, giả hình, giảo quyệt, gian manh đến ghê tởm. Và bao quốc gia hùng mạnh trên thế giới (Trung Hoa, Pháp, Nhật, Liên Xô, Hoa Kỳ,…), nhân danh mọi điều tốt đẹp cùng đến VN, để cũng từ đầy bị bóc trần mọi giả ngụy, điêu ngoa. Hầu như tất cả  đều cùng ‘tụ họp’ về đây, va chạm nhau, đụng đầu nhau nơi đây để  cùng bị phá sản. Và VN sẽ là địa bàn để thế giới nhận ra bước ‘hồi đầu’, cùng rửa sạch cho nhau mọi ‘trấu tro’ hầu hoàn phục những tinh túy, tinh hoa, những ‘chân giá trị’ của những kiến trúc tinh thần lâu nay. Đấy là điều mà Phật đã nói qua hai mệnh đề đơn giản : ‘Hồi đầu thị ngạn’ ‘Đáo bỉ ngạn’. Đấy là điều Chúa Jésus đã nói ‘Ta làm mới lại muôn vật’ ‘Phước thay cho những kẻ giặt áo mình đặng có phép đến nơi Cây Sự Sống và bỡi các cửa mà vào trong thành’ (Khải Huyền :21-5 và 22-14). Phải chăng Sử mệnh VN và Sử mệnh thế giới đã chọn địa bàn VN để làm công việc đó ?

          .                  

          4.- Hướng vọng Về Nguồn và tính Nghệ sĩ của Dân tộc. Dân tộc ta sống nhiều về cảm tính. Hầu như ít có dân tộc nào có nhiều thi ca như Việt Nam. Cả người bình dân ít học đến những sĩ phu, trí thức. Và, cũng khó có dân tộc nào mà nữ giới làm thơ ca nhiều như VN. Do đâu ?

          -Trước tiên do ngôn ngữ VN nhiều nhạc điệu, rất phong phú về mặt liên giao tâm tư và tương giao xã hội,

          –Tiếp theo do cuộc sống còn trong trạng thái tĩnh của nếp kinh tế nông nghiệp, thủ công, lẩn quẩn trong xóm làng, thôn ổ, thường ngày tiếp xúc với thiên nhiên, vạn vật, dễ thân tình với mọi người cùng thân phận, nếp sống,

          –Lý do thứ ba là do lịch sử trầm kha của dân tộc nên thơ là chỗ trú ngụ cho đau khổ, cho thở than, là nơi giải tỏa mọi ẩn tình, ẩn ức và là thứ vũ khí đề kháng, chống đối mọi bất công, áp bức, bóc lột của cường quyền, bạo lực.

          Một đặc điểm cần để ý trong thơ VN –ngay nơi Ca dao, Dân ca- là khuynh hướng Về  Nguồn. ‘Về Nguồn’ trong ý nghĩa gần gũi nhất là trở về với Nguồn Cội dân tộc, với buổi đầu lập quốc của cha ông. Có nghĩa trở về với cái ‘lý lịch’ của dân tộc, với nếp sống văn hóa truyền thống của giống nòi. Trên mặt Ðạo học, ‘Về Nguồn’ còn có  nghĩa là trở về với buổi đầu sinh hóa của muôn loài, trở về với Khởi nguyên của vũ trụ, vạn vật, có nghĩa là trở về với Ðạo thể sơ nguyên từ đó sinh thành vạn hữu. Nói theo Triết lý Tây phương là trở về với ‘Être’ (Đạo Thể) và khuynh hướng Về Nguồn là nỗi ‘Hoài hương Hằng Thể ‘ (hay Hoài hương Ðạo Thể – La Nostalgie de l’Être). Cái Ðạo Thể đó được gọi bầng nhiều danh  xưng : Thượng Ðế nơi các Tôn giáo độc thần, Tâm Chân Như (hay Thể Tính Chân Như) nơi đạo Phật, Ðạo nơi Lão Trang, Tính (Thiên mệnh chi vị Tính – Trung Dung) của Khổng. Với Platon là ‘Thế giới Ý niệm’ (monde des Idées) ; với M. Heideigger là Nguồn gốc (Origine) hay Tổ Quốc (Patrie). Tất cả được ngôn ngữ VN diễn tả qua từ Quê vừa rất bình dân mộc mạc, thân tình vừa nói lên một nhớ nhung, một ước mơ, hướng vọng, một đòi hỏi của tâm thức về một cảnh đời, một viễn cảnh sáng lạng, tươi vui, một bến bờ nào khác với cái thực cảnh  hiện nay, có nghĩa là mơ sao hồi phục cái ‘Quê hương tình  mộng ban đầu’ của muôn đời thi sĩ.

                                                        –Ðêm qua đốt đỉnh hương trầm

                                        Khói lên nghi ngút âm thầm nhớ quê.     (ca dao)

                                     – Ngó lên ngó xuống thì vui

                                       Ngó về quê mẹ ngậm ngùi nhớ thương    (ca dao)

                                      -Hỏi rằng anh ở quê đâu                                    

                                       Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà               (Bùi Giáng)

                                      -Em hỏi mình quê ở đâu

                                       Mình quê ở dưới bầu trời bao la              (Thùy Dương Tử)

                                      -Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa           (Nguyễn Du)

                                    – Có nghĩa gì đâu thua với được

                                      Quê hương còn đó, nỗi đau nầy.               (Hoa Văn)

                                      -Ðường đi một bước – dặm dài

                                       Quê hương –nhìn lại- xa ngoài chân mây    (Huệ Thu)

                                     -vẫn tưởng quê hương

                                là con sông

                                nắm đất, bờ ao, núi thẳm,

                                có đâu ngờ

                                nguồn gốc cũng xa xăm…                        (Đỗ Bình)

                                     –Thưa mẹ đã năm năm rồi

                                Con xa mẹ, xa đất trời quê hương

                                Con mang tình sử cội nguồn

                                     Từ nghìn xưa đủ vui buồn đến đây…       (Song Nhị)

          Mỗi nhà thơ VN, dù trí thức hay bình dân, nhất là lớp người VN tỵ nạn Cộng sản nơi hải ngoại, luôn lãng đãng trong tâm thức cái ‘Hướng Vọng Về Nguồn’ đó, nói theo lời Phật là ‘Hồi đầu’ để ‘đáo bỉ ngạn’.vì ‘Tìm về cũng là hướng đến’  (từ VỀ trong thi ca VN bao gồm cả hai chiều quá khứ và tương lai). Người bình dân ta xưa đã nói thay cho chúng ta :

                                       –Tới nơi hỏi khách tương phùng

                                        Chim ri một cánh bay cùng nước non.     (ca dao)

          Con chim ri bé nhỏ, lẩn quẩn nơi vườn nhà, thế tại sao phải môt mình một cánh bay khắp mọi miền non nước trùng khơi trong cảnh đời nầy để mong bắt gặp, để được tương phùng với một người khách từ lâu rồi đã hình dung trong tâm tưởng, đã từng ‘Chiêm bao thì thấy, Dậy sờ thì không’.  Người khách đó không là người tình trong ái ân nam nữ mà là cái ‘tuổi ngọt quê hương’ từ khởi thủy đã theo dòng chuyển dịch thiên di về phía trước. Câu ca dao là một phản động lại thời gian lịch sử đương tại, nói lên một ‘thiếu vắng’ trong tâm tư trong hiện hữu đương thời, hướng về tìm lại hay hướng đến một cảnh đời an lạc, tươi vui, không còn những lận đận phù sinh của kiếp người.  Ðể tương phùng với người khách đó, để bắt gặp cái ‘thưở mới thương người’, thì phải ‘trở về’, phải ‘tìm đến’ để dựng xây lại cái ‘nơi phải về’, cái nguồn cội sơ nguyên  –nói theo triết học và đạo học- là cái ‘Ngôi nhà Hằng Thể’ (la maison de l’Être – M. Heideigger) mà từ lúc ra đi vào cõi thế, ta đã đánh mất hay quên đi để phải lăn lóc trong bao phiền muộn, tính toan cho cuộc sống vô thường nơi ‘cõi người ta’ : ‘’Kể  từ lạc bước bước ra, Tấm thân liệu những từ nhà liệu đi’’ (Nguyễn Du – Kiều).

          Có lẽ, do tính chất thuần khiết, tinh anh, hồn nhiên, trung hậu của từ QUÊ mà nhà tư tưởng M. Heidegger, người Đức, đã gọi ‘Con đường Tư Tưởng’ (le Chemin de la Pensée) là ‘Con đường Quê’ hay ‘Con đường Diền Dã’ (Der Feldweg, Le Chemin de Campagne) tức cái Tư Tưởng sơ nguyên, đơn thuần, nhất quán chứ không phải cái Tư Tưởng được gọi là Luận lý, hệ thống, ý thức, trường phái, chủ nghĩa của kẻ nọ, người kia dẫy đầy tính cách chẻ chia, sai biệt, chủ quan để gây bao đoạn trường, oan khiên cho cõi thế. Cái Tư tưởng Vô sở trụ  vốn có của dân tộc ta đang làm công việc ‘xách nước rửa cho con mình’ để phục hồi  cái Tư Tưởng nguyên sơ đó, để ‘tương phùng’ với nó cho dân tộc và cho nhân loại nói chung. Và khi rửa sạch được những trấu tro của những ‘đứa con mình’ (đạo giáo, tôn giáo, triết lý, ý thức hệ, chủ nghĩa, trào lưu,…) thì, đúng như lời M. Heidegger : ‘’Bỡi Tiếng Gọi từ một nguyên sơ thăm thẳm, một miền Cố quận được hoàn trả cho chúng ta’’  (Par l’appel en une lointaine origine, une terre natale nous est rendue – ‘Le Chemin de Campagne’ , xem ‘Questions III, Gall. Paris, in lại năm 1989, trang 15).  Miền Cố Quận, theo M. Heidegger chính là cái Tổ Quốc ban đầu, cái Tư Tưởng sơ nguyên từ khởi thủy hay cái Đạo Thể uyên nguyên đã tạo nên Sự Sống. Vận hành của cái Tư Tưởng sơ nguyên đó, được M. Heidegger mượn qua ẩn dụ ‘Tổ Quốc, Kiều Địa và Cố Quận’ (Patrie, Colonie, Sol natal), theo người viết, phù hợp với Đạo Học Đông Phương ‘từ Một trở về với Một’ và trong Kinh Thánh Ki-Tô giáo ‘từ Alpha trở về Oméga’. Trong tâm trạng người VN tỵ nạn Cộng sản, thì ‘Tổ Quốc’ chính là cái Quê Hương VN thân thiết mà ta đã phải đau lòng rời bỏ ra đi, miền ‘Kiều Địa’  là xứ sở ta đang lưu cư, và ‘Cố Quận’  chính là Tổ Quốc mà ta luôn hướng về để mai đây trở lại  trong niềm hoan hỷ tương phùng trong vòng tay âu yếm của Mẹ Việt Nam.     

          Thơ ca người Việt hiện nay, dù thơ tình hay thơ đạo, thơ thời thế, thơ chống Cộng vẫn lãng đãng cài tâm thức Về Nguồn đó. Người bình dân ta xưa đã sống ‘chất sồng’ đó, đã luôn luôn hoài vọng cái ‘Quê xưa ban đầu’ nên núp sau những lời tình tự gái trai, đằng sau tiếng hát, câu hò, trên đồng cạn, dưới đồng sâu, nơi nương dâu, trong nổng quế vẫn lãng đãng một u hoài mộng mị, sầu kín xa xôi, một ước mong mơ hồ xa vắng, khép mở đêm ngày, vương vương như sợi tơ trời kéo tâm tư vào viễn mộng : ‘’Người ta đi cấy lấy công, Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề…’’.

          Cái đặc tính nầy trong thi ca VN cũng do dòng Sử mệnh dân tộc tạo nên nơi tâm hồn người Việt để nuôi dưỡng cái phiêu bồng, vô sở trụ của Tư Tưởng VN mà kẻ thù hay một đối phương nào không thể tìm ra xuất xứ để tiêu diệt.

         

          Kể từ 1945, lúc Cộng sản VN lên nắm quyền, chúng đã theo lý thuyết Mac-Lenin, hủy diệt hế́t mọi tinh hoa Văn hóa VN và thế giới, càng lúc càng lệ thuộc vào nòi Hán. Tội lỗi lớn nhất của tập đoàn CS VN là tội ‘làm băng hoại Văn hóa truyền thống, hủy diệt tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước ‘ của toàn dân. Liệu Tàu Cộng có thể thực hiện được mộng đồ bắt dân ta phải lệ thuộc chúng lần nữa và có thể tiêu diệt nền Văn hóa của dân tộc Việt ? Nhìn vào thực tiễn đất nước hiện nay, chúng ta thấy ‘viễn ảnh nguy hại’ đó đang xảy ra nhưng vì Văn hóa VN vốn vô sở trụ nên Tàu Cộng khó lòng thực hiện mộng đồ tàn ác, đen tối của chúng.

           5.- Tinh thần bất khuất giữ nước của Dân tộc:  Kể từ thời lập quốc đến nay, dân tộc ta đã phải gánh bao tai họa. Nhưng, qua lịch sử, dù có bị xâm lăng, thống trị lâu dài (như 1000 năm Bắc thuộc), dân tộc ta không thiếu những kẻ anh hùng luôn chống ngoại xâm để thu hồi chủ quyền dân tộc, trước tiên về mặt lãnh thổ. Những gương Bồ Phá Lặc, Phùng Hưng, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Triệu Thị Trinh,…dù không thành công nhưng là những gương tiêu biểu cho chí quật cường của dân tộc chúng ta. Gương Hai Bà Trưng càng chứng tỏ giới nữ VN đã là những người đàn bà tiên phong trong việc khởi binh phục quốc. mà lịch sử thế giới chưa hề có trong thời xa xưa đó. Không kể nhự̃ng bậc trí thức, sĩ phu, có học về sau như : một Đào Cam Mộc, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trải, …,biết bao người vốn không uyên thâm gì như Ngô Quyền, Đinh Bô Lĩnh, Lê Lợi, Quan Trung, là những người bình dân  vì lòng yêu nước mà trở thành những anh hùng, vĩ nhân của dân tộc. Không rõ trên thế giới xưa nay, có những bé nhỏ như Phù Đổng  (dù là truyền thuyết), Trần Quốc Toản cũng đã tự mình chống giặc cứu nước ? Thời Pháp thuộc, chúng ta cũng thấy bao anh hùng đủ mọi tầng lớp từ trí thức, sĩ phu, quan lại (phong trào Cần Vương, Văn Thân khắp Bắc, Trung, Nam), các phong trào của Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu đến Nguyễn Thái Học, những phụ nữ như bà vợ Hoàng Hoa Thám, như cô Giang, cô Bắc,…

          Cái tinh thần yêu nước, bất khuất trước kẻ xâm lăng đó, do từ đâu ? Hầu như chưa một ai nói rõ điều nầy. Có thể nào, ̀ huyền thoại ‘Rồng Tiên’ (truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ) đã nói lên được cả hai sức mạnh của Rồng và của Tiên kết hợp mỗi khi dân tộc và đất nước gặp phải hiểm nguy. Người viết không là kẻ nghiên cứu lịch sử, cũng không là nhà ‘huyền thoại học’ nên không mấy có ý kiến về câu truyện thần thoại nầy. Một số nhà uyên bác như Lý Đông A, Kim Định hình như đã đề cập đến cái hồn thiêng sông núi nước Nam, người viết không còn nhớ. Trong một bài thơ gần đây, người viết nhắc đến sự việc Rồng-Tiên nầy :

                                     -…’’Ta là Lạc Long

                                       Nàng là Âu Cơ

                                       Buổi đầu dựng nước

                                       Vàng tươi màu cờ

                                      ‘Nam quốc sơn hà Nam đế cư

                                      Tiệt nhiên định phận tại thiên thư’       (Lý Thường Kiệt)

                                     ……..

                                      Trăm con một bọc

                                      Giống nòi Rồng Tiên    

                                      Nghìn năm sau trước một thuyền

                                      Nghĩa thề non nước, tình nguyền nước non’’.

                                                        Dậy dàng qua núi, qua sông

                                                        Vang vang chính khí

                                                        Rạo rực lòng công đức cha ông

                                                        Dựng Việt Nam giữa trời Đông Á

                                                        Một Việt Nam anh hùng chí cả

                                                        Một Việt Nam sắt son vàng đá

                                                        Nghìn muôn năm kết chặt bản tình ca :

                                                       ‘Nòi Rồng Tiên Nam quốc sơn hà !’ 

          Cộng sản đã khai thác tinh thần yêu nước, bất khuất đó, nâng thành ‘chủ nghĩa ‘anh hùng cách mạng’ để xua hàng vạn hàng vạn người vào chết thảm, vào ‘sinh Bắc tử Nam’ trong cuộc chiến xâm lăng của chúng. Cũng do lòng yêu nước đó mà nhân dân ta cùng bao nhà trí thức đã bị Cộng sản lợi dụng rồi cướp công kháng chiến, tự hào đã giành được Độc lập, Thống nhất đất nước, hậu quả là dân tộc và toàn dân điêu đứng ra sao từ ngày CSVN nắm trọn quyền sinh sát.        

          Tinh thần yêu nước, bất khuất giữ nước đó được tiếp tục thể hiện qua những lớp lính chiến VNCH trong suốt 21 năm chống ngoại xâm CS để giữ Miền Nam. Dù có phải bị ‘bức tử’, người lính chiến VNCH cũng son sắt với tinh thần yêu nước đó qua bao ‘khổ nạn’ nơi trại tù CS và bao gương tuẩn tiết của bao tướng lãnh, sĩ quan, binh nhì binh nhất đủ mọi binh chủng trong ngày bắt buộc phải buông súng. ; tiếp theo đó là bao chiến sĩ, bao phong trào như Trần Văn Bá, Vinh Sơn, Đồng Công, Già Lam, biết bao kẻ bị Cộng sản xử tử hình hoặc phải bỏ  mình trong những traị tù ‘lao động khổ sai’của chúng.  Cũng sau 1975, bao tổ chức ‘phục quốc’ của bao nhiêu người Miền Nam đã bí mật, tìm cách kết hợp, mưu đồ chống lại quân Cộng sản cướp nước nhưng thất bại, đành phải chịu tử hình hay bi bắt giam không ngày về. Người viết đã khâm phục những gương anh hùng vô danh đó :

                                           -Đường tranh đấu gian nan,  lỡ bước

                                            Hùm sa cơ thua được cũng vinh

                                            Bảng vàng bao án tử hình

                                            Sử văn lỗi chép, sử tình vẫn ghi.

          Cũng phải kể, sau cuộc ‘đổi đời’ nham nhở, bi thảm do Cộng sản, từ sau 1975, bao nhiêu người vợ lính VNCH phải chịu bao đắng cay, khổ cực, quyết thay chồng nuôi cha mẹ, con cái, dành dụm từng đồng, nhịn ăn nhịn mặc, dầm dãi nắng sương, lặn lội ‘đội mưa đạp nắng, nửa vừng trăng nếp trán rưng rưng’, nuôi chồng, nuôi con  nơi trại tù Cộng sản. Những gương hùng anh đó của phụ nữ đã được bao thơ văn ghi lại, cho mãi đến nay.:

                                          –Xin được viết trên lá rừng vạn dặm

                                           một chữ tình chung nhất để yêu em

                                           dòng suối nhỏ mang lá về với biển

                                           để ngàn năm tình ấy vẫn mênh mông…

                                                                         Mạc Phương Đình          

                                                                Gởi về em (thi tập : Lời Ru của Mẹ)

            Rừng vạn dặm, biển mênh mông từ nay mang chở hàng hàng chiếc lá thủy chung, ân tình, bất khuất của nữ lưu người Việt bên cạnh bao đấng hùng anh trong sa cơ không khuất nhục, đầu hàng. Còn những người nữ như thế, còn những người nam như thế, dân tộc Việt Nam miên viễn vẫn hùng anh và lịch sử lại sớm huy hoàng sau giai đoạn bị bọn vô lương đẩy chìm vào tăm tối. Cũng nên kể đến những gương can cường, tuy bị đôi người xem có tính cách cá nhân, như Võ Đại Tôn, như Lý Tống,… đã từng gây cho CSVN những sửng sốt, kinh hoàng

          Dĩ nhiên không thể quên việc Hải quân VNCH đã oanh liệt chống lại vụ Tàu Cộng đánh chiếm đảo Hoàng Sa vào năm 1974. Trong tình thế cả nước (MNVN dưới chính thể VNCH) đang nghiêng ngã vì Hiệp định Ba Lê, đang quằn quại vì sắp bị ‘bán đúng’ bỡi đồng minh, đang rơi vào thiếu tất cả điều kiện chiến đấu và trước môṭ đối phương mạnh mẽ là Trung Cộng, có thể nói trước giờ ‘hấp hối’, quân lực VNCH và Miền Nam anh dũng vẫn nhất quyết bảo vệ nước non. Cuộc chiến đấu đó, tên tuổi các chiến sĩ VNCH trung kiên, can cường đó, đến bây giờ, được chính lớp người đã từng là đảng viên ̣ Cộng sản tôn vinh (tiêu biểu như bài thơ của Trần Mạnh Hảo, của Bùi Minh Quốc ngợi ca vụ hải chiến của quân đội VNCH chống Tàu Cộng tại Hoàng Sa năm 1974)..Văn thơ người Việt hải ngoại cũng đầy ắp tinh thần yêu nước và chống Cộng sản trên báo chí, trên các Diễn đàn điện tử cùng lớp lớp người Việt yêu nước qua hàng ngàn truyện ngắn, tiểu thuyết, hồi ký, tiểu luận, biên khảo, không riêng của lớp người cao niên mà còn của bao lớp thế hệ trẻ nơi xứ người.

         

          Rồi, suốt trên 35 năm từ sau 1975, bao gương anh hùng đủ mọi thành phần đã đương đầu với bạo quyền CS để cứu dân giữ nước từ những trí thức như Linh mục Lý, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Vi Đức Hối, Trần Anh Kim, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung,,Phạm Văn Trội, Ngô Quỳnh, Nguyễn Hữu Nghĩa,.. đến cả những kẻ bình dân như Phạm Thanh Nghiên, Lữ Thị Thu Duyên, Hồ Thị Bích Khương, .., không thể kể hết. Nhưng tất cả không thoát khỏi những trù giập, những trừng trị khắc nghiệt của Công sản hoặc bằng giam cầm, cấm cố, bị cúp hộ khẩu, bị cô lập đêm ngày, bị đuổi học, bị đuổi khỏi sở làm, bị cấm hành nghề , bị đuổi khỏi nơi cư trú, bị tước đoạt hết mọi phương tiện truyền thông, bị ‘tin tặc’ phá hoại các Diễn đàn điện tử, các Blog tư nhân,..  Có thể nói, hiện nay, ngoại trừ tập đoàn CS và lũ người bất lương móc ngoặt, theo chân chúng để làm giàu phi pháp, hầu hết mọi thành phần dân tộc trong nước đều căm hờn và chống CS bạo tàn nhưng đại đa số không thể thể hiện bằng hành động để tạo được lực lượng đối kháng mạnh mẽ cũng như cơ hội chưa đến, tình hình quốc tế chưa có điều kiện thuận tiện để đồng loạt đứng lên lật đổ cường quyền. Cộng sản và chế độ của họ vô cùng gian manh, cai trị bằng liềm búa, bằng lưỡi lê, súng đạn, bằng chề độ hộ khẩu tàn ác, đã khiến tất cả phải lo bảo vệ mạng sống cùng lo lê lết chạy kiếm cái ăn từng bữa cho mình và cho gia đình nên năng lực tiêu tan, ý chí ù lỳ, bạc nhược, không còn nghĩ gì đến nước, đến dân, đến những gì cao đẹp cho lẽ sống. Ngay cả những giới tu sĩ tôn giáo, chức trọng, phẩm vị cao cũng đã bị Cộng sản ‘thuần hóa’ trở thành tay sai của chúng, phục vụ chúng, mượn Đạo để lo bản thân mình, đâu còn biết gì đến đạo pháp chân truyền, đâu còn nghĩ gì đến dân tộc, quốc gia.  Cộng sản VN vốn gian manh, độc tài, lại hầu như học hỏi, tiếp thu được hết mọi thủ đoạn độc tài tàn ác xưa nay : phong kiến, phát xít, Quốc xã rồi Cộng sản Liên Xô, Trung  Cộng, lại sẵn mọi thủ đoạn, mưu mô, xáo trá, quỷ quyệt do bọn Hán chỉ dạy nên quần chúng khó lòng vùng dậy một cách qui mô.

         

          Tại hải ngoại, tinh thần yêu nước, bất khuất đó cũng lên cao với những thành tựu của người Việt Tuy nhiên, sống yên ổn nơi xứ người, không trực diện đương đầu với giặc, một số người Việt hải ngoại đã không tập trung năng lực cho ý chí bất khuất trên mà vì cái tính ‘ưa đánh’ đã sử dụng cái tinh thần yêu nước, bất khuất đó để ‘đánh lẫn nhau’. Một số người yêu nước, chống Cộng nhưng chỉ ‘yêu nước, chống Cộng cho cái tên riêng X, Y, Z của họ chứ không cho cái tên chung VN của dân tộc, giống nòi’ nên thường nhằm thỏa mãn cái thói ‘háo thắng, háo danh’ để sinh ra đố kỵ, ganh ghét, chống đối, bôi nhọ, mạt sát nhau. Có thể nói chưa bao giờ cái tinh thần bất khuất của dân tộc đang trên đường bị sa sút trầm trọng như bây giờ ở quốc nội cũng như ở hải ngoại.do cả hai thế lực và hai thứ chủ nghĩa : Cộng sản – Tư bản.

          Khẩu hiệu ‘Dân giàu nước mạnh’ từ bao lâu được xem là tôn chỉ quản trị đất nước và nhân dân, nhưng qua lịch sử, ta từng thấy bao quốc gia ‘dân giàu mà nước chẳng mạnh’ (‘nước’ nơi đây xin hiểu là sức mạnh của quốc gia để đương đầu với bên ngoài để bảo vệ chủ quyền mỗi khi bị xâm lăng); ngược lại nhiều quốc gia ‘nước mạnh mà dân lại xác xơ nghèo’ như nơi một số quốc gia độc tài, nhất là các quốc gia theo Cộng sản như Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Triều Tiên,.. Riêng Việt Nam hiện nay, dưới chế độ Cộng sản thì ‘dân chẳng giàu mà nước cũng chẳng mạnh’ vì dân thì lê lết ‘xác héo hồn tàn’, nước thì làm tôi tớ cho ngoại bang.

 

         Chính do năm điều kể trên mà, theo người viết,  Sử mệnh VN đã ‘buộc’ dân tộc ta  phải chịu lắm đoạn trường và ‘địa bàn VN là nơi đón nhận tình trạng phá sản của mọi kiến trúc tinh thần của văn minh, văn hóa nhân loại để rồi cũng từ địa bàn VN, qua cái kiếp nạn thảm khốc của dân tộc ta, sử mệnh nhân loại cùng Sử mệnh dân tộc sẽ rửa sạch mọi trấu tro của những sản phẩm đó hầu cùng nhìn ra ‘bờ bến giác’ , cùng ‘đáo bỉ ngạn’, cùng xây dựng cho nhau cảnh giới ‘quần long vô thủ’, cảnh giới ‘không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào mà không bị đổ xuống’ Và địa bàn VN sẽ là nơi ‘Hội ngộ của địa cầu’ (le Rendez-vous des Continents) để từ đây thế giới cùng mở ra một nền Văn minh, Văn hóa khác trước, một cảnh đời ‘Hậu Cộng sản’ và ‘Hậu Tư bản’ (Cộng sản bị triệt tiêu và Tư Bản đổi chiều theo một dạng Kinh tế khác cùng lúc một nền tảng pháp lý và Đức lý mới).

                                         

          D.- Cơn đoạn trường tối hậu :  Hiểm họa mất nước  –  Dân tộc không còn sinh khí :

          Từ ngày tập đoàn Cộng sản nắm quyền cai trị, dân tộc, đất nước và nhân dân ta  liên tục gánh lấy hết đau thương, thảm họa nầy đến đau thương, thảm họa nọ. Nhìn thực trạng đất nuớc hiện nay, có thể nói, dân tộc, đất nước và nhân dân ta đang đối mặt với hai hiểm họa vô cùng trầm trọng :         

          1) Hiểm họa mất nước.

           Đảng Cộng sản VN từ ngày thành lập cho đến khi nắm được Chính quyền (năm 1945, 1946) luôn luôn là bộ phận, là công cụ, là tay sai của ngoại bang Cộng sản : Liên Xô và Trung Cộng. Năm 1991, lúc Liên Xô sụp đổ, không còn là Cộng sản nữa thì Cộng sản VN hoàn toàn là ‘tôi tớ’ của Tàu Cộng. Ngay từ lúc gọi là ‘viện trợ’ cho VN đánh Pháp, Tàu Cộng đã nuôi ý đồ chiếm cứ và thống trị nhân dân ta. Từ Công hàm của Phạm Văn Đồng gởi Chu Ân Lai năm 1958 đến các Hiệp nghị lén lút cuối năm 1999 và 2000 nhượng một phần lãnh thổ miền Bắc cho Tàu Cộng, hiểm họa ‘mất nước’ tiếp tục mỗi ngày mỗi rõ rệt hơn. Ngay cả cuộc chiến năm 1979, đánh bại đoàn quân xâm lăng của Tàu Cộng, thành tích hào hùng của Bộ đội và nhân dân, CSVN cũng không còn nhắc tớ́i, lại còn làm bia, làm đài tưởng niệm tử sĩ Trung Cộng (!), những tên ngoại xâm đã tàn phá đất nước và nhân dân. Đến nay thì sự việc đã quá rõ ràng. Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, các miền núi Lão Sơn, các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc về Tàu Công qua những Hiệp nghị ký kết lén lút giữa CSVN với bọn bành trướng phương Bắc, gần đây nhất, CSVN đã cho các tập đoàn Tàu Cộng, Đài Loan, Hồng Kông được mua hay thuê dài han bao nhieu phần đất tại một số Tỉnh Miền Bắc. đến tận Quãng Nam, Kontum. Ý đồ chiếm cứ, thống trị VN của Tàu Cộng cùng manh tâm bán nước của CSVN càng ngày càng lộ liễu công khai từ ngày những tên Tổng Bí Thư Đỗ Mười, Lê Đức Anh rồi Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh với những Chính phủ của Trần Đức Lương, Phan Van Khải, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng hiện nay. Cả bọn cầm quyền Trung Cộng, báo chí, đài phát thanh, truyền hình, sách báo và các Diễn đàn điện tử Trung Công cũng công khai nói rõ mưu đồ bành trướng và dã tâm xâm lăng thống trị VN của chúng ̣, Xin không nhắc lại mọi sự việc và đang xảy ra, người viết chỉ xin trình bày những lý do nói lên cái ‘hiểm họa mất nước’ đó.

          a) Vế phíaTrung Cộng : Mộng đồ thôn tính và đồng hóa các quốc gia, dân tộc xung quanh luôn là tham vọng cố hữu của Hán tộc vốn bản chất du mục từ xa xưa. Họ đã thành công trong việc thôn tính và đồng hóa bao dân tộc khác (Tây Tạng từ 1950, Tân Cương) nhưng với VN thì họ hoàn toàn thất bại như lịch sử đã chứng minh. Nhưng nay, nòi Hán đã gặp một ‘cơ hội tốt’, một bè lũ tay sai ngoan ngoãn là Việt Cộng, sẵn sàng rước họ vào thống trị đất nước và nhân dân qua chiêu bài ‘đồng chí, hữu nghị, môi hở răng lạnh, hợp tác, 16 chữ vàng’. Việc thôn tính và đồng hóa dân tộc VN, hiện nay, còn do cần thiết cho sự sống còn của tập đoàn Cộng Sản Trung Hoa.

          * Điều kiện thuận lợi và lý do bành trướng của Trung Cộng :

          1) Thế mạnh của Hoa Lục trước thế yếu của khối Tự Do : Sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Cộng mặc nhiên trở thành thành trị của khối Cộng sản A Châu, không còn ngại đàn anh Liên Xô nữa. Trong khi đó, khối Âu Châu không đủ thế và lực để bành trướng như trong thế kỷ XIX,. Và cũng chẳng còn ‘đe dọa’ được ai. Riêng Hoa Kỳ, dù là ‘siêu cường’ bậc nhất thế giới đang bị sa lầy ở Trung Đông và bị suy yếu về kinh tế, tài chánh, cũng như không thể gây chiến với Trung Cộng như trước đây thời Trung Hoa dưới triều Mãn Thanh. Sau cái chết của Mao Trạch Đông và nhóm Tứ Liên Bang bị loại, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền rồi kế tiếp đến Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Trung Hoa vội vàng ví đuổi nền Văn minh duy lý phương Tây, ra sức hiện đại hóa đất nước họ về mọi phương diện rồi bành trướng thế lực trên thế giới từ Thái Bình Dương đến ̉ Ấn Độ Dương và cả Đại Tây Dương (nơi một số quốc gia châu Phi). Trung Cộng không còn theo chủ nghĩa Cộng sản nữa mà đi theo một thứ ‘Chủ nghĩa Tư bản đỏ’ với một nền ‘Kinh tế ghê rợn, kinh dị ‘ (tạm dịch : Capitalisme d’apocalypse)  theo lời thức giả Pháp Alain Minc trong thiên Tiểu luận ‘Ce Monde qui vient (nxb Grasset, Paris 2004). Trung Cộng phát triển khá nhanh chóng về mặt Khoa học, Kỹ thuật, ngoài việc mua khí giới bên ngoài, đã tự mình chế ra bom nguyên tử, vệ tinh cùng những vũ khí tối tân, cả vũ khí hóa học, sinh học, có thể sánh với cả Hoa Kỳ. Con đường phát triển vũ khí để bằng và có thể vượt cả Nga và Hoa Kỳ luôn được tiến hành gấp rút. Có thể không bao lâu nữa, Trung Cộng trở thành siêu cường bậc nhất thế giới về mặt vũ khí chiến tranh có thể vượt cả Hoa Kỳ để từ đó trở thành ‘bá chủ’ thế giới, ít ra tại Á Châu. Hiện nay, Trung Cộng không còn e ngại một quốc gia nào có thể lấn lướt họ. Khối Âu Châu, Úc Châu, Nhật Bản, dưới mắt họ, không còn gì đáng e ngại và có thể nay mai biết đâu sẽ phải ‘thần phục’ họ một khi họ làm chủ Thái Bình Dương. Cộng sản Trung Hoa đã từng tuyên bố ‘thế kỷ XXI là thế kỷ của Tàu.  Trung Cộng cần phải trở thành bá chủ thế giới để trả đủa cái nhục bi liệt cường xâu xé trong thế kỷ trước, cái nhục bị Nhật Bản xâm lăng.

           2) Phải chiếm VN vì đây là địa bàn chiến lược cần thiết cho việc bành trướng. Vị trí VN là vị trí chiến lược, không chiếm được VN thì không thể khống chế, không thể thống trị vùng Đông Nam Á và vùng biển Đông. Chiếm được VN vừa chiếm được bao tài nguyên cùng bảo vệ được con đường tiếp tế nhiên liệu từ Âu Châu sang. Trung Cộng đã cầm nắm vững vàng Miến Điện, Ai Lao, Cam-Bốt, và đang chi phối một số nước Phi Châu. Biết đâu, chính Trung Cộng đã bí mật giúp đỡ các nhóm khủng bố để Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu càng lúc càng sa lầy ở Trung Đông và luôn luôn lo sợ nạn khủng bố hầu Trung Cộng đủ thời gian phát triển sức mạnh quân sự phục vụ cho mộng đồ bành trướng.

          3) Chiếm VN, biến VN thành quận huyện của Trung Quốc, để di dân hàng triệu dân Tàu, khai thác tài nguyên VN để nuôi ́ dân họ́, để giải quyết phần nào tình trạng trai thừa gái thiếu tại bản địa. Chiếm được VN, sát nhập VN vào Trung Quốc thì các giống dân Hồi (Tân Cương), Tạng (Tây Tạng) đừng hòng đấu tranh giành độc lập và mãi mãi muôn đời là dân Hán, nô lệ cho nòi Hán.  Chiếm được VN, thì cái đảo bé tí Đài Loan đang muốn trở thành quốc gia tách rời Hoa Lục, sẽ lại phải trở về sát nhập lại với Hoa Lục mà không cần phài đánh chiếm. Chiếm được VN, nòi Hán sẽ ‘trả thù’ được bao lần bại trận trước đây cùng, biết đâu, để xóa bỏ cái mặc cảm đã ‘ăn cắp’ văn minh, văn hóa của nòi Việt dù đã được Hán hóa thành của cải của họ. 

          4) Chiếm được VN, biến VN thành quận huyện của Trung Hoa, mặc nhiên  tập đoàn Cộng sản Trung Hoa miên viễn giữ được ngôi vị chủ tể cha truyền con nối như những triều đại phong kiến xa xưa. Chiếm được VN, không chỉ bắt các dân tộc Mãn, Mông, Hồi, Việt mà cả nhiều dân tộc khác, cả Nam Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Ai Lao, Cao Miên, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương và có thể một số dân tộc khác phải thần phục, phải triều cống như VN đã từng phải chịu đựng trước đây. Nếu không chiếm được VN để bành trướng và uy hiếp thế giới thì tập đoàn Cộng sản Trung Hoa khó lòng giữ vững được ghế ngồi trườc sự lớn mạnh của phong trào Dân chủ Tự do đang là khuynh hướng đang lên trên thế giới.

          5) Chiếm được VN, bá chủ được ít ra là ở Thái Bình Dương, biết đâu, Tàu Cộng hy vọng sẽ buộc thế giới công nhân tiếng Hán là một thứ tiếng quốc tế như tiếng Anh hiện nay và đồng ‘nhân dân tệ’ sẽ trở thành sức mạnh chi phối nền kinh tế, tài chánh thế giới như đồng Mỹ Kim lâu nay.

          Đấy là những lý do, theo người viết nghĩ, đã ‘chỉ đạo’ mộng đồ bành trướng của Cộng sản Tàu và VN se phải vĩnh viễn ‘mất nước’ trước mộng đồ đó của họ.

 

          * Trung Cộng thực hiện mộng bành trướng, thống trị VN như thế nào ? (Xin lược kể lại những sự việc hầu như mọi người đều biết) :

           1) Với Việt Nam : Ý đồ bành trướng, thống trị VN của Trung Cộng đã manh nha từ thời còn Mao Trạch Đông, ngay từ lúc Cộng sản Trung Hoa ‘viện trợ’ cho CSVN chống Pháp. Trong hơn một thập niên gần đây, ý đồ đó của chúng đã ‘gặt hái’ được nhiều kết quả rõ ràng vì đã buộc CSVN trở thành công cụ, tay sai của chúng, phải ràng buộc, lệ thuộc vào chúng qua khẩu hiệu ‘bốn tốt’ và ’16 chữ vàng’. Xin lược kể lại một số hành động của Tàu Cộng thực hiện mộng đồ ́ của chúng đã khiến chúng ta đang đứng trước ‘hiểm họa mất nước’ không còn lâu.

            *Về mặt quân sự : Trung Cộng không thấy cần thiết phải tung lực lượng quân sự hùng mạnh của chúng như vào năm 1979. Tuy nhiên, chúng vẫn dùng sức mạnh quân sự cùng sức phát triển vũ khí của chúng để cảnh cáo và đe dọa VN đừng hòng chống lại chúng. Chúng đã chiếm cứ hoàn toàn và khai thác cac đảo Hoàng Sa, Trường Sa, xây dựng cơ sở chiến lược.nơi đây. Bản đồ ‘lưỡi bò’ của chúng hầu như tự coi vùng Biển Đông của VN đã thuộc về chúng. Tàu chiến của chúng  liên tiếp tuần thám vùng Bể Đông, ngăn cấm ngư dân VN đánh cá nơi hải phận VN, tàu đánh cá của chúng tiến sát vùng Đà Nẵng,…Báo chí, diễn đàn điện tử cùng mọi tuyên bố của Nhà nước và hàng tướng lãnh Trung Cộng luôn luôn cảnh cáo, hăm dọa, chẳng hạn lời của tên Đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội vừa qua ‘’Hợp tác sẽ phát triển ; đấu tranh sẽ  thất bại’’ được hiểu như là lời cảnh cáo VN : ‘Thuận sống, chống chết’. Trung Cộng đã nắm trọn tập đoàn CSVN trong tay chúng nên cứ dần dà buộc bọn CSVN hiến nhượng chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải cho chúng, không cần đến sử dụng lực lượng quân sự.

          *Về mặt Kinh tế : Khai thác hết mọi tài nguyên của đất nước ta. Chúng đã bắt CSVN phải để chúng khai thác Bô-Xít vùng Tây nguyên, để các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu dễ dàng trong mọi hợp đồng  kinh doanh, kỹ nghệ, ngăn cản VN hợp tác với các công ty ngoại quốc khai thác dầu mỏ thuộc hải phận VN, dùng những nơi chúng đã chiếm xây dựng thành những trung tâm du lịch (như thác Bản Giốc) hay tổ chức du lịch tại những nơi đó (như du lịch Hoàng Sa). Viện trợ kinh tế cho VN để VN phải chịu ơn và càng lúc càng hệ lụy vào chúng. Tung hàng lậu, hàng hóa giả mạo, luôn tàng trử chất độc nhưng với giá thật rẻ để triệt tiêu hàng hóa nội địa và tàn phá sinh mạng dân ta về lâu về dài.         

          *Về mặt Tâm lý  và Văn hóa. Hủ hóa bọn cầm quyền CSVN bằng tiền như Nguyễn Mạnh Cầm ngày 25/02/2001, cảm ơn Tàu Cộng đã mua vùng Vinh Bắc Việt với giá 2 tỷ mỹ kim ; hối lộ 150 triệu Mỹ kim cho Nguyễn Tấn Dũng để tự do khai thác Bô Xít ở Tây nguyên. Tàu Cộng có thể bỏ ra hàng tỷ đô la (như 10 tỷ Mỹ kim tài trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên vừa rồi) để nắm chặt bọn đầu sỏ CSVN vừa bằng tiền vừa bằng sức ép quân sự. Các hảng thầu cũng như những hảng xưởng kinh doanh, công nghệ của chúng hoàn toàn dùng nhân công người Tàu để  cướp hết công ăn việc làm của dân ta (có thể đấy là lính chiến trá hỉnh để mai nầy nếu xảy ra đụng độ, chúng đã sẵn lực lượng quân sự trong lòng nước ta)  CSVN đã để dân Tàu Cộng tự do ra vào đất nước ta, ngang nhiên xây làng, xây phố, nghênh ngang coi rẻ người Việt, cấm người Việt, ngay cả quan chức CSVN lai vảng đến những nơi đó. Tiếng Tàu, khẩu hiệu Tàu, các bảng quảng cáo chữ Tàu ngang nhiên lan tràn khắp nơi. Dân ta vì nghèo đói cùng cực, đã phải lấy bọn Tàu làm vợ làm chồng, phải học chữ Tàu để dễ dàng sinh sống, cái manh tâm ‘đồng hóa’ dân ta cứ thế tiến hành về lâu về dài. Không những thế, CSVN lại xây bia, xây tượng tượng niệm ‘liệt sĩ Tàu’ đã xâm lăng, tàn phá đất nước và nhân dân ta năm 1979. CSVN lại còn chủ trương mở các Học Viện tôn thờ Khổng Tư, học cái đạo của Khổng Tử, một thứ học thuyết đã đày đọa nhân dân ta bao đời,. Cộng sản Tàu buộc CSVN phải tận diệt tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc ta. Mọi ý thức, việc làm, nói năng thể hiện tinh thần yêu nước, chống hiểm họa Tàu Cộng, đều bị giập tắt hết sức phũ phàng. Báo chí, cơ quan truyền thông đều là của Nhà nước CSVN, đều phải bắt buộc đi theo ‘lề phải’, không được đề cập đến hành động Trung Cộng ‘cướp nước’ ta. Mọi phản biện dù là ôn hòa cũng phải được sự chấp nhận của Đảng và Nhà nước. Bao nhiêu nhà trí thức, Sinh viên, học sinh, bao nhiêu người dân dù bình thường đến mấy, chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước đã bị trù giập, đày đọa, giam cầm vô cùng tàn nhẫn.  Giới tu sĩ và tín đồ các Tôn giáo bị CSVN trấn áp, gây chia rẻ, hủ hóa để phải ‘thuần phục’ chúng, làm tay sai cho chúng. CSVN, để được Trung Cộng cho duy trì ‘ngôi vị thống trị’ nên sẵn sàng làm băng hoại Văn hóa Dân tộc, cho phép mọi cán bộ, viên chức của chúng cùng bọn người bất lương tha hồ  ‘làm giàu’ bằng mọi cách phi pháp : những cơ sở xuất cảng lao động, bán buôn phụ nữ và trẻ con, lấy cớ ‘phát triển’ để cướp đất, cướp nhà, cướp cả nơi thờ tự của tôn giáo, xậy dựng những ‘công trình’ du hí, ăn chơi, dung dưỡng mọi tệ nạn xã hội để ru ngủ dân chúng vào ‘làm giàu, hưởng lạc’, quên tất cả trách nhiệm đối với nước với dân.

          *Với thế giới : Chỉ xin kể đơn sơ theo cái nhìn của người viết.

          -Di dân sang các quôc gia như Ai Lao, Miến Điện, VN, và một số quốc gia Phi châu dưới hình thức lao động phục vụ cho các cơ sở doanh thương, xí nghiệp của Tàu Cộng, một phần để giải quyết số miệng ăn và nạn thất nghiệp tại chính quốc. Mua chuộc bằng tiền một số nhà cầm quyền đôi nước Phi Châu,…

          -Di dân sang các quốc gia khác dưới hình thức ‘du học sinh’ để vừa học hỏi Văn minh, kỹ thuật vừa là tình báo . Đổ tiền mua đất đai, cơ sở cùng đền đài, dinh thự các nước nầy, lập ra những China town để vừa kinh doanh vừa tiêu thụ hàng hóa của Tàu Cộng.

          -Lũng đoạn kinh tế của các quốc gia Tây phương bằng những hàng hóa thật rẻ tiền nhưng mang bao thứ chất độc. (Xin xem ‘Những gian giảo kinh tế của Trung Cộng’, bài của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phúc Liên) 

          b) Phản ứng của VN CS ra sao ?

          Sinh mạng của tập đoàn CSVN lâu nay hầu như hoàn toàn nằm trong tay Tàu Cộng. ‘Thà mất nước chứ không mất Đảng’, dù có phải nhục nhã làm tay sai cho chúng đến đâu. Trước những hành động lấn chiếm, cướp đoạt ngang ngược của Tàu Cộng, tập đoàn CSVN chỉ phản ứng chiếu lệ, hèn nhát.

          -Một đôi câu tuyên bố của một đôi nhân vật nào đấy như đại sứ CSVN tại Bắc Kinh vừa rồi hay của Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao : ‘Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền VN’, chẳng qua chỉ là những lối ‘nói lấy có’, chẳng có tác dụng gì. Bảo như thế nhưng người dân thường VN chỉ mặc chiếc áo, phía sau có ghi câu đó là bị Công an, Cảnh sát bắt nhốt, đánh đập. Bao sinh viên biểu tình ôn hòa tại Hà Nội, Sài gon, phản đối Tàu Cộng chiếm hai đảo nầy, đã bị giải tán, cấm đoán và trù giập. Một Phạm Thanh Nghiêm tọa kháng tại nhà mình, với tấm biển ‘Hoàng Sa, Trường Sa là của VN’, đã bị bắt nhốt, hành hạ, vừa mới bị đưa ra tòa, xử 4 năm tù và 3 năm quản chế.         

          -Gần đây, CSVN đặt mua 6 tàu ngầm và 12 chiến đấu cơ Sukhol SU.30MK2 của Nga với giá hàng tỷ mỹ kim. Có người nghĩ là CSVN đang lo phát triển quân sự để đương đầu với Tàu Cộng. Nếu quả như thế thì là tốt. Nhưng, người viết không nghĩ như thế. Những tàu ngầm và chiến đấu cơ kia không ngang sức với những vũ khí mà Tàu Cộng hiện có, hơn nữa Tàu Cộng đã có lâu rồi. Mà dẫu có mua được thì thời gian luyện tập quân sĩ điều khiển, sử dụng phải bao lâu và liệu có đủ chuyên viên để sửa sang, tu bổ, bảo trì ? Do đó, người viết nghĩ, chuyện mua vũ khí trên cũng như sẽ mua vũ khí của nước nào khác, nếu có, không nhằm để chống Trung Cộng mà chỉ là do Trung Cộng bảo, đưa tiền cho Việt Cộng đặt mua thôi. Vì, Trung Cộng tránh tiếng bị thế giới phản đối việc leo thang quốc phòng. Vũ khí Việt Cộng mua cũng thuộc về Trung Cộng, sẽ được Trung Công dạy cho cách sử dụng để mai đây, nếu có xảy ra chuyện đụng độ nào thì Trung Cộng phần nào yên chí là đã có thêm vũ khí và bộ đội CSVN đánh thuê cho họ. (Đây chỉ là ý kiến riêng của người viết, vì, theo người viết, tập đoàn Cộng sản VN hiện nay hoàn toàn là tay sai của Trung Cộng).

          – Việc hết phái đoàn nầy, phái đoàn nọ do những nhân vật tai to đầu béo (Tổng Bí thư, Chủ Tịch nuớc, Thủ Tướng Chính phủ, Bộ Trưởng, Thứ trưởng quốc phòng, ngoại giao,…) đi hết nước nầy đến nước nọ, theo người viết, không phải để tạo thế lực ngăn chặn Trung Cộng mà chỉ để ‘ve vuốt’ lấy lệ dư luận quốc tế, để mưu tìm đầu tư, viện trợ hầu thêm điều kiện tham nhũng và có thể̉ để lung lạc, mua chuộc cùng làm suy thoái, nát tan hàng ngũ chống Cộng của người Việt hải ngoại như ‘tổ chức thi hoa hậu’ ở Đức, tổ chức việc dạy tiếng Việt, ‘meet VN’, lập Hội Du sinh, v.v… CSVN hẳn biết rằng các quốc gia gọi là Tự Do Tây phương chẳng thiết tha gì đến ‘Dân chủ, Tự do, Nhân quyền, Nhân phẩm’ cho dân ta mà chỉ dùng những thứ đó làm chiêu bài để mưu cầu đầu tư, biến VN thành thị trường tiêu thụ và thị trường nhân công rẻ tiền cho kỹ nghệ của họ thôi. Đừng vội vàng tin tưởng rằng Việt Cộng ‘đu dây’ với Mỹ để giằng mặt Trung Cộng vì họ biết rõ nhờ đến Mỹ thì họ sẽ phải ‘mất Đảng’. Với CSVN, theo người viết, thì ‘nước mất mặc nước, dân chết mặc dân’, miễn sao họ vẫn giữ được ngôi vị thống trị dù có phải nhục nhã làm thân ‘tôi đòi’ cho Cộng sản Trung quốc. Mọi can thiệp, lên án, đòi hỏi nhân quyền, Tự do của các nước, của các tổ chức nhân quyền’ thế giới, CSVN nào  có quan ngại. Cả thư của 37 nghị sĩ Mỹ đòi hỏi trả tự do cho các tù nhân chính trị, CSVN cũng vứt vào sọt rác nhưng một ‘búng tay’ của Tàu Cộng thì CSVN vội vàng thỏa mãn ngay đòi hỏi của chúng.  Ngay cả ^phái đoàn Luật gia quốc tế đến VN để quan sát vụ xử án  Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long vừa qua, cũng chỉ được cho ngồi ngoài phòng xử thôi..

          Bằng những biện pháp ‘kinh tế, tâm lý, văn hóa’, không phải dùng sức mạnh quân sư ồ ạṭ, Trung Cộng thực hiện mộng bành trướng và thống trị VN một cách tinh vi, ngấm ngầm  mà quốc tế, dù biết, cũng khó lòng có lý do pháp lý cụ thể để can thiệp.

          Qua những sự việc kể trên, quả dân tộc, đất nước, nhân dân ta đang đứng trước ‘Hiểm họa mất nước’ để lại phải bị nòi Hán thống trị thêm lần nữa.

 

          2) Hiểm họa dân tộc suy vong, không còn sức sống :

          Trên 60 năm rồi, kể từ lúc CS nắm quyền cai trị ở Miền Bắc rồi trên cả nước (sau 1975), dân tộc, đất nước và nhân dân ta càng lúc càng kiệt quệ, điêu tàn, càng tiêu tan dần sinh khí. Như đã nói trên, VN, dưới chế độ CS, ‘dân đã không giàu mà nước cũng chẳng mạnh’. Dân càng lúc càng xác xơ, còn nước thì ngày một điêu tàn, chỉ có Đảng Cộng sản là mạnh.  ‘Đảng Cộng sản VN rất mạnh để đàn áp, khống chế nhân dân nhưng lại là tay sai, tôi tớ cho ngoại bang. ‘Chủ nhân ông với người trong nước nhưng là tôi tớ, nô lệ cho kẻ bên ngoài’, đấy là tâm lý và là ‘lẽ sống’ cần thiết của tập đoàn CSVN trên 60 năm nay và còn bao lâu nữa ? !. Với cái tâm lý và lẽ sống đó, CSVN không chỉ bán nước cho Tàu Cộng mà còn hủy diệt sức sống của dân tộc để dân tộc ta không còn có cơ vùng dây một khi bị nòi Hán xâm lăng, thống trị thêm lần nữa.

          *Với chủ trương ‘độc tài trị nuớc, độc quyền trị dân, độc tôn hưởng thụ’, CSVN cai trị nhân dân vô cùng ác độc. Với chế độ ‘công an trị’ và ‘hộ khẩu trị’, CSVN đưa toàn dân cả nước luôn sống trong sợ hãi, bạc nhược : sợ bị giam cầm, giết hại, sợ bị chết đói, không riêng cho từng cá nhân mà còn cho cả cha mẹ, vợ con, thân nhân, dòng họ, từ đó trở nên khiếp nhược, hèn nhát. Nhà văn Nguyễn Tuân chẳng đã thú nhận ‘còn sống đến hôm nay vì biết sợ’. Nhạc sị Tô Hải đến lúc tuổi ‘gần đất xa trời’ mới dám viết ‘Hồi ký của một thằng hèn’. Và bao bao người khác như ông  Đại Tá nhà văn Nguyễn Khải qua bài ‘Đi tìm cái Tôi đã mất’.

          *Với chủ trương ‘Đất đai, sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý’, tập đoàn CS cầm quyền tha hồ cướp đoạt cả sức công, sức của của nhân dân. Đất đai, ruộng đồng, vườn tược, nương rẩy, nhà cửa, gia sản tư riêng từ bao đời khó nhọc dựng xây, từ nay đều thuộc vào tay Đảng. Cả những nơi thờ tự của Tôn giáo, cả nghĩa trang, mồ mả tổ tiên, Đảng mặc quyền cướp đoạt, bán buôn, lấy cớ đựng xây, phát triển để tha hồ hối lộ, tham những, ăn chia giữa địa phương với Trung Ương, giữa đảng viên với gian thương, với nhũng tư bản ngoại nhân. Hàng vạn vạn dân oan đã đêm ngày khiếu kiện vì bị quan chức CSVN cướp đoật hết mọi điều kiện sống. Hàng vạn, hàng vạn giáo dân Công giáo cùng bao Tôn giáo khác đã bị cướp hết đất đai, nơi thờ tự̣ bị xâm phạm, cả hình tượng thiêng liêng của Tôn giáo như tượng Đức Mẹ, Thánh giá người Ki-Tô giáo cũng bị đập nát, cấm không cho dựng lạị. Có cài luật nào lạ đời từ xưa nay chưa hề có như UBND huyện Bố Trạch, sau khi huy động cả hàng nghìn Công an, Cảnh sát, quân đội cùng bao thứ vũ khí, gậy gộc, chó nghiệp vụ, đập phá nát tan Cây Thánh Giá nơi Đồng Chiêm rồi lại gởi công văn bắt linh mục giáo xứ nầy phải trả một số tiền để sung vào công quỷ gọi là đền bù cái công của chúng đã đập phá Cây Thánh giá. Quả là chuyện hy hữu xưa nay : kẻ cướp đốt nhà người ta rồi lại bắt chủ nhà phải trả công cho việc đốt nhà của chúng !!!

          * Với chủ trương ‘bần cùng hóa toàn dân’, một yếu tố quan trọng để bảo vệ uy quyền thống trị, tập đoàn CS cầm quyền không cho một ai được quyền tư hữu bất cứ gì, ngay cả sinh mạng của mình. Ngoài tập đoàn CS cầm quyền cùng bà con, thân nhân của chúng và lớp người a dua, nịnh bợ, khuất phục chúng, còn thì không môṭ kẻ nào được phép  ‘làm giàu’, được quyền sống ‘sung sướng’. Tất cả đều phải sống bấp bênh, luôn luôn trong vòng sợ hải, quanh năm suốt tháng chỉ phải quay quắt lo tìm cái ăn hằng ngày. Dân có ‘thân gầy, bụng lép’ thì quyền lực CS mới tồn tại. Do phải bảo toàn mạng sống, do được yên thân, do được mong Đảng và Nhà nước tin dùng, ban cấp ơn huệ,  nên người dân trở nên khiếp nhược rồi bao thói xấu : trộm cắp, lường gạt, nói dối, tráo trở, tố cáo, bao tệ nạn xã hội ‘phát triển’ không ngừng. Xã hội VN nơi quốc nội bây giờ dẫy đầy nham nhở, nhớp nhơ. Hàng hàng lớp lớp trẻ nhỏ phải bỏ học vì học phí quá cao, phải moi rác kiếm sống ; bao người phải bán nội tạng, bán máu nuôi thân. Hàng hàng quán đủ mọi thứ ‘ôm’, vũ trường, tiệm nhảy, mat-xa, ka-ra-ô-kê trá hình , nạn mãi dâm, buôn gái, buôn trẻ con ; cả nữ sinh viên cũng đành phải bán trinh cho lũ đại gia và con cháu chúng, phải đi bán bia ôm, phải làm ‘gái ôm, gái gọi’,…Chưa bao giờ phụ nữ VN phải trở thành ‘nô lệ tình dục’, phải sống thân phận gái điếm ô nhục nơi xứ người như hiện nay. Chưa bao giờ, trai tráng VN bị biến thành ‘lao nô’ nơi xứ người đông như hiện nay. Chưa bao giờ những cụ già 7O, 8O tuởi còn phải nay lưng ngày ngày bán vé số hay bán buôn thứ nầy thứ nọ dể mong kiếm được ít ngàn đồng VN như hiện nay. Trong lúc đó, đảng viên, cán bộ CS, nhân viên quan quyền từ cấp to đến cấp nhỏ tha hồ tích lũy ngoại tệ, nhà cao cửa rộng, cơ ngơi hoàng tráng, nguy nga, xe cộ đắt tiền, ăn chơi phè phỡn, hưởng thụ xa hoa, có đủ mọi mặt hàng cao cấp của thế giới văn minh. Mọi hưởng thụ của tầng lớp tư bản đỏ hiện nay, thế giới hầu như không theo kịp, kể cả chưa từng được trải qua. Các quí tử của đại gia tư bản đỏ mỗi ngày thay đổi ba bốn chiếc xe hơi loại đắt giá, tổ chức sinh nhật linh đình sáng SaiGon, chiều Hànội ; lại còn được biếu quà bằng một thiếu nữ xinh đẹp cẳng dài để vị quí tử nầy hưởng thụ thâu đêm, suốt sáng. Có cuộc vui nào mà các con cháu đại gia trao đổi người tình, bồ bịch để hưởng lạc công khai ; có cuộc cờ bạc nào mà có nữ sinh viên ‘xì-líp mỏng, xú-chiêng mềm’ hầu hạ để được các quan nhét tiền vào, rồi quan nào thua bạc phải nhường bồ bịch cho kẻ thắng công khai hưởng thụ ngay tại hiện trường…

          * Với chế độ ‘giáo dục nhồi sọ, ngu dân’, CSVN đào tạo bao thế hệ không lương tâm, không lương trí, chỉ biết tụng thuộc lòng khẩu hiệu, tín điều của thứ chủ nghĩa Mác-Sít-Mao-Hồ’, chỉ biết suy tôn, ca tụng Đảng đủ điều, chỉ biết suy tôn, tung hô, phục tùng Đảng dù biết Đảng sai lầm đến mấy. Nếu không thế thì bị không cho lên lớp, bị đánh rớt trong các kỳ thi, bị đuổi học để phải sống vất vưởng, đói nghèo cùng cực. Bao nữ sinh cấp hai, cấp ba, độ tuổi 13 đến 17, 18, đã phải bị đôi ông Hiệu Trưởng cưỡng ép tình dục và đem dâng cho bao quan chức cấp cao. Một nền giáo dục sa đọa, vô luân như thế đấy !  Mọi báo chí, truyền thông đều nằm trong tay Đảng. Tên trí thức nào còn chút tình yêu nước, yêu dân, yêu người, còn nghĩ đến tiền đồ dân tộc, đất nước, nếu không chịu im mồm thì là ‘bi đuổi sở làm, bị cúp hộ khẩu, bị đuổi khỏi nơi cư trú, bị mời vào nhà lao, bị canh chừng ngày đêm, bị cô lập, an trí, bị ‘mời’ lên trụ sở Công an khai trình đủ mọi thư’́, còn có thể bị sách nhiễu, bị đánh đập nơi hè phố, góc đường, bị ném bao thú dơ bẩn, độc hại vào nhà.  Cái ăn, cái uống, cái ở, cái đi lai, cả cái nghĩ suy, tình cảm của khối óc, của con tim, ngay cả tấm thân xác của người dân đều do Đảng và Nhà nước quản lý, theo dõi, kiểm soát ngày đêm..

          * Nền Y Tế không để chữa bệnh cho dân mà dành cho các quan to, quyền lớn. Hàng hàng lớp lớp bệnh nhân nghèo lê lết đêm nầy, ngày nọ mong được gọi vào khám chữa bệnh, nếu không tiền lo lót thì đành vất vưởng, rên siết, giẫy giựa thâu đêm suốt sáng. Không phải vì thiếu y công, y tá, y sĩ ; không phải vì thiếu y cụ, y dược mà chỉ vì ‘thiếu tiền’ lo lót thôi. Y công, y tá, y sĩ không phải vì thiếu tay nghề, không phải ‘thiếu lương tâm’ mà chỉ vì thiếu tiền sinh sống. ‘Lương y như từ mẫu’, danh ngôn nầy đã lỗi thời. Hối lộ, tham nhũng lan tràn từ học đường đến bệnh viện. Dân đói, dân đau, dân dốt, dân ngu nào có làm suy suyển được ghế ngồi thống trị của Đảng và Nhà nuớc nhưng một búng tay của quan thầy Trung Cộng thì vội vàng tuân phục, phục vụ vì nếu không, ghế ngồi của Đảng và Nhà nước sẽ sớm lung lay.

         

  Có thể cả ngàn, cả vạn quyển sách cũng không thể kể hết mọi tai hại của Đảng và Nhà nước CS ác ôn côn đồ đã và đang tới tấp trút vào đầu cổ dân tộc và nhân dân. Ngoài một số người yêu nước thương dân lên lời ‘tố cáo’ hay đề nghị nầy nọ để phải bị tra tấn, trù giập, giam cầm điêu đứng, còn thì tuyệt đại đa số nhân dân phải cúi đầu, câm nín, hiu hắt cố tìm từng cái ăn qua ngày, nào còn biết nghĩ gì khác hơn. Chế độ Cộng sản buộc tất cả phải sống trong sợ hãi, trong hèn nhát, dối gian, láo khoét, lường gạt, trong ngu dốt và đói nghèo cùng cực để mãi mãi phải ‘trung thành’ với Đảng. Dân tộc, đất nước, nhân dân lịm dần trong tê liệt, không còn chút sinh khí nào. Đảng và Nhà nước CS là thứ vi trùng liệt kháng còn hơn cả vi khuẩn HIV.

          Hiểm họa mất nước’ về tay Tàu Cộng cùng cơn bệnh ‘liệt kháng’ trầm trọng do Đảng và Nhà nước CSVN đang trút đổ vào, đấy là cơn ‘đoạn trường tối hậu’ của dân tộc, đất nước và nhân dân ta mà lịch sử 4000 qua chưa hề có.

          Cơn ‘đoạn trường tối hậu’ nầy, phải chăng do dòng Sử Mệnh VN ? Liệu Sử Mệnh VN có hứa hẹn với dân tộc, đất nước và toàn thể đồng bào ta một ‘hạnh vận’ nào sắp tới ?

 

          Đ.- Tương Lai Việt Nam : Nội lực VN Diễn tiến tình hình Thế giới.

        Trước ‘cơn đoạn trường tối hậu’ nầy nơi quốc nội rồi nhìn lại tình trạng phân hóa, càng lúc càng nát tan nơi Cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản tại hải ngoại, thật khó có thể nghĩ đến một tương lai tươi sáng cho Việt Nam. Tâm trạng chung nhìn tương lai VN chỉ càng lúc càng đen tối chứ chẳng có một nét màu quang đãng nào. Người viết xin trình bày nơi đây một số cảm nhận, đã hình thành nơi người viết từ năm 1979 [thời gian người viết còn ở Sài-Gòn, dưới chế độ Cộng sản, hoàn thành lén lút một số tác phẩm  –  một đôi tác phẩm có sự cộng tác của Giáo sư Trần Minh Xuân]. Có thể bạn đọc sẽ nghĩ đây chỉ là những ý kiến chủ quan, cốt tạo nên một ‘niềm tin tự tạo’ , chỉ là ‘đoán mò’, không mấy thuyết phục được ai. Người viết nghĩ không đến nổi như thế và dẫu  có như thế, người viết cũng  nghĩ rằng với thời đại khoa học hiện nay, bạn đọc có thể có nhiều dữ kiện để kiểm chứng.

        

          Như đã nói trên, Sử mệnh dân tộc đã buộc lịch sử VN trôi trên một ‘dòng không’ (chỉ có cái Thể), những gì ta có, ta tạo được đều bị chuyển thành ‘không’, nhưng Sử Mệnh dân tộc đang hướng dẫn lịch sử VN trên một ‘dòng về’, dòng về chuyển ‘không thành có’.(từ Thể ra Tướng và Dụng). Do đâu ?

          Theo người viết, Tương Lai Việt Nam được xây dựng trên hai nền tảng sau : Nội Lực VN và Diên tiến tình hình thế giới. Diễn tiến của tình hình thế giới như thế nào và căn cứ vào đâu để suy đoán, hầu đưa đến ‘bùng nổ́’ rồi quy kết nội lực VN để dân tộc, đất nước xóa tan ‘cơn đoạn trường tối hậu’ vừa nói trên ? Xin được trình bày trong một bài sau.

                                                                                                                      Nguyễn Thùy

                                                                                                                                        (France, 16/02/2010)

1) Lẽ Đạo : Lẽ Đạo (le Tao) không là một Ý thức hệ, không là một chủ thuyết, chủ nghĩa, một tôn giáo, một trường phái, trào lưu về bất cứ lãnh vực nào, không tuân theo những qui luật nào của cuộc sống tại thế ́. Lẽ Đạo là vận hành của Đạo Thể (Être) hay nói theo Tôn giáo là của Thượng Đế, của Tính Thể Như Lai, của Thiên mệnh từ khởi nguyên đến hồi Chung cục, cái vận hành tất yếu đó không do một ai làm ra, đã định ra vận hành tiến hóa của muôn loài, trước tiên cho loài người theo những qui luật tất yếu nơi vũ trụ hiện tượng. Lẽ Đạo là vận hành, là lộ trình của Đạo Thể luôn hướng về Tương lai, nói theo Đạo học Đông Phương  là ‘từ Một trở về với Một’, theo lời Chúa Jésus là ‘từ Alpha dẫn về Oméga’ hay theo lời đức Thích Ca là ‘từ Bờ Bên nầy dẫn về Bờ Bên kia’  (Bờ bên nầy là cảnh giới còn trong vòng sinh tử luân hồi ; Bờ Bên kia là cảnh giới sống đời đời). Lộ trình đó của Đạo Thể được hiểu là ‘Chương Trình của Thượng Đế’ tự định ra cho Ngài lúc Ngài dựng nên cõi thế gian để định ra diễn biến sinh hóa của cõi thế gian’, lộ trình đó được M. Heidegger gọi là ‘Con đường Đạo Thể, con đường Tư Tưởng, con đường Quê’ (le chemin de l’Être, le chemin de la Pensée, le chemin de Campagne). Con đường dó luôn luôn hướng tới trước, luôn luôn đồng nhất, không gian là ‘vô sở trụ’, thời gian là ‘thời thể’ luôn luôn là Hiện tại, trong lúc nơi cõi thế gian (vũ trụ hiện tượng), không gian có nhiều thứ nguyên (multidimensions), thời gian là ‘thời sử’ (temps de l’histoire) có quá khứ, hiện tại, tương lai. Không tuân theo lộ trình tất yếu đó, thế gian luôn luôn bị chi phối bỡi ‘vô thường’ (qui luật ‘nhân duyên sinh) và tạo ra đau khổ, đoạn trường cho nhau. Trên lộ trình đo của Lẽ Đạo, lịch sử nhân sinh trải qua nhiều giai đoạn tiến hóa, giai đoạn sau tiến bộ hơn giai đoạn trước như kỷ nguyên kỹ nghệ tiến bộ hơn kỷ nguyên hái nhặt, canh nông ; kỷ nguyên Dân chủ tiến bộ hơn kỷ nguyên phong kiến, Cộng sản,…Theo người viết, có thể Nguyễn Du đã nhìn ra điều nầy khi bảo ‘Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau’ (Kiều, câu 2) nhưng cuối cùng để tiến đến thời điểm ‘chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai’  (Kiều, câu 3246) để ‘Đoạn trường sổ rút tên ra’ và lúc bấy giờ được sống trong trạng thái: ‘Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’.tức một ‘sơ nguyên’ lại trở về với loài người, theo lời M. Heidegger : ‘une terre natale nous est rendue’ . Lẽ Đạo không là một ‘định mệnh thuyêt’ (fatalisme) vì dành tư do cho con người, cho từng dân tộc, cho nhân loại nói chung.