Tài liệu

“Chiều chiều trước bến Vân Lâu,

Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm!

Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông!

Thuyền ai thấp thoáng bên sông,

Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non!”

Tác giả 5 câu hò trên là “Ưng Bình Thúc Giạ Thị”, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (1877-1961), là một Hoàng Thân nhà Nguyễn, cháu nội của Tuy Lý Vương, đang nhắc đến một giai thoại bi tráng của lịch sử dân tộc.

Năm 1916, Trần Cao Vân và Thái Phiên ngồi giả câu cá để bí mật gặp vua Duy Tân bàn việc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Chẳng may việc bất thành, nhà vua bị quân Pháp bắt và đày đến đảo Réunion.

Vua Duy Tân là con thứ 8 vua Thành Thái, tên húy Vĩnh San lên ngôi năm mới 7 tuổi, sau khi Pháp truất phế vua cha là Thành Thái.

Có giai thoại rằng, mùa hè năm nào vua Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, có bãi tắm bằng phẳng, cát trắng và mịn. Một hôm, nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, một thị vệ liền bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay, vua vừa rửa vừa hỏi: “Tay bẩn lấy nước mà rửa, nước bẩn lấy chi mà rửa?”.

Thị vệ lúng túng không trả lời được. Nhà vua bèn trả lời cho người thị vệ: “Nước bẩn thì lấy máu mà rửa! Hiểu không?”.

Theo sử sách, ngày 6/5/1916, vua Duy Tân bị thực dân Pháp bắt tại một ngôi chùa cạnh núi Ngũ Phong, đem về giam ở đồn Mang Cá, rồi sau đó đày ra đảo Reunion (châu Phi) cùng với cua cha ThànhThái

Khi bị giam ở Mang Cá, dù rất muốn duy trì thú vui đọc sách, tập thể dục, đánh đàn và nghe hòa nhạc… như thời trong cung, vua Duy Tân vẫn quyết không hạ mình, đòi Pháp một sự chiếu cố nào. Đến ngày nhà vua sắp bị dẫn lên tàu để vào Nam, bắt đầu cuộc hành trình đi đày, một viên đại diện của Khâm sứ đến thăm và hỏi: “Nhà vua có một quỹ tiền riêng lưu trữ tại kho nội vụ. Ngài có cần lấy một ít để đi đường không?”.

Vua Duy Tân đáp: “Tiền đó để cấp cho ông vua cai trị nước Nam, chứ không phải là của tôi – một người tù. Hơn nữa, chính phủ bảo hộ không chu cấp nổi cho một người tù hay sao, mà còn phải lấy tiền mang theo. Tôi không cần có tiền riêng”.

Viên đại diện toà Khâm sứ thấy vua thèm đọc sách, bèn hỏi: “Ngài có một tủ sách quý giá đến mấy ngàn cuốn bằng Pháp văn. Ngài có muốn lấy một bộ nào đem theo đọc cho khuây khỏa không?”. Vua Duy Tân gật đầu nhận ngay và dặn thêm: “Sách tôi rất thích. Nhờ ông lấy giúp bộ Histoires de la Révolution Française (Lịch sử cách mạng Pháp) của Michelet, nhưng phải lấy cho trọn bộ.

Vị đại diện toà Khâm sứ nghe thế sợ quá, không dám về báo cáo lại với phía Pháp.

Ngày 26-12-1945 vua Duy Tân mất trong một tai nạn máy bay ở xứ Bangui thuộc châu Phi.

Đến năm 1987, hài cốt của nhà vua được đưa về Việt Nam, cải táng bên cạnh vua cha Thành Thái.

./.

(ThaiNC sưu tập, tóm lược, và đúc kết)