Tạp ghi

Đôi nét về Hà Nội mở rộng (Trần Bình Minh)

Đôi nét về Hà Nội mở rộng
Phóng sự: Trần Bình Minh
I- Thay đổi xoành xoạch
Cho đến giờ phút này (3-3-2009), Hà Nội đã chính thức mở rộng, đã trở thành…qúa đà sau khi ôm trọn Hà Tây và huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc cùng 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của tỉnh Hòa Bình…với diện tích  334.470 ha, dân số 6,2 triệu người, và 29 đơn vị hành chính quận, huyện…
Tính từ dấu mốc quan trọng: " Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên trang  sử …buồn"  (1954) đến nay, "đảng ta" đã  liên tục thay đổi chính  sách "đầu to’,  mở rộng Hà Nội trên cơ sở đầy ngẫu hứng và bất cập, bất chấp tính khả thi của nó. Đầu tiên, khi  "đảng ta" tiến vào, thủ đô Hà Nội chỉ có diện tích 152 km2, gồm bốn quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà (Trưng), với 36 dãy phố, mà bất kỳ ai là người dân Việt Nam, dù đi xa bao lâu cũng biết, cũng nhớ, đó là các phố: Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Chuối, Hàng Lọng, Hàng Thùng, Hàng Gà, Hàng Chĩnh, Hàng Hòm, Hàng Giày,  Hàng Cót, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Bún, v.v gồm 37 vạn cư dân thành phố và bốn huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, chia thành 45 xã, mỗi xã trung bình chưa đầy 4000 dân, tổng cộng cả 37 vạn người nội thành khi ấy và 16 vạn bà con nông dân thuộc khu vực ngoại thành thì Hà Nội mới có khoảng 0,53  triệu người, bằng 1/10 số dân bây giờ.
Để xứng đáng là …đầu  to( thủ đô) của đất nước, tại kỳ họp khóa II, kỳ 2 (tháng 4 năm 1961) khi câu thơ của văn nô Tố Hữu vút lên: Chào 61 đỉnh cao muôn trượng, Quốc hội nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà( gân cổ …gọi gà)  đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ nhất với diện tích gấp 4 lần hiện có. Từ 152 km2 lên 584 km2, và dĩ nhiên, đầu đã to, thì sức chứa cũng phải lớn, 53 vạn cư dân Hà Nội được vinh dự nhập thêm gần 40 vạn cư dân các vùng, miền lân cận khác thành 91 vạn người
Khi chiến tranh tại miền Nam Việt Nam trở nên ác liệt, Đế quốc Mỹ, quyết định "khai hoá văn minh" cho xứ xở mù loà của Bắc Việt bằng cách dùng bom đạn để đối thoại. Việc phát triển không gian chỉ được các nhà lãnh đạo, quản lý " chú trọng", "bảo đảm", "bảo vệ" …trên  những khẩu hiệu, theo đúng lời dạy của cha già dân tộc: Dù "Việt Nam có biến ra tro, nhân dân có uống nước no sông Hồng, cũng  phải  đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, đánh đến người lính cuối cùng " nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ"  
Ngày 30 – 4- 1975, cuộc "khai hoá" không thành, sự đối thoại ngu xuẩn giữa hai nhà nước Việt – Mỹ chấm dứt, đất nước từ địa vị thống nhất hai miền thành…thống khổ cả ba miền Trung, Nam Bắc. Để Hà Nội có diện mạo mới, "xứng đáng" với lời chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong di chúc: "Còn non, còn nước còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười lần xưa". Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 4 (tháng 12 năm 1978) đã quyết định mở rộng Hà Nội lần thứ hai với diện tích đất tự nhiên lên gấp 4 lần ( từ 584 km2 thành 2136 km2, dân số gấp …3 lần (từ 0,91 triệu của cả hai khu vực nội, ngoại thành năm 1954  thành  2,5 triệu người năm 1978, chia ra thành bốn quận nội thành  và 11 huyện ngoại thành ( trong  đó có một thị xã )
Hà Nội lúc này đã thực sự trở thành… đầu to, theo như tên gọi của nó, vừa là "trung tâm đầu não" về chính trị, vừa văn hóa, khoa học – kỹ thuật, đồng thời còn là "trung tâm lớn" về kinh tế và giao dịch quốc tế v.v. Nền kinh tế quan liêu bao cấp không thể nào bao trùm, kiểm soát nổi sự phát triển tất yếu của người dân cũng như xu thế chung của thời đại, mà ngược lại còn kìm hãm Hà Nội cũng như cả nước trong  vòng váy  quan liêu bao cấp. Cả nước húp chung một niêu cháo loãng, 60 triệu người cùng lặn ngụp trong những ô tem phiếu. Cái được gọi là  "công nghiệp hoá, hiện  đại hoá" của Hà Nội khi ấy chỉ là: Lộn cổ, tích kê quần áo, bơm mực bút bi, làm bánh quy gai, xay bột trẻ em v.v. Có thể nói chưa khi nào "trung tâm đầu não của đất nước" lại xuất hiện nhiều chuyện tiếu lâm đến thế, mọi chuyện cung đình vừa thật, vừa giả tràn ngập các quán nước, vỉa hè, bến ô tô, công xưởng, xí nghiệp v.v . Không ra được báo viết, thì người dân làm báo miệng, để đáp trả sự báo hại hàng ngày của cái gọi là cơ quan công quyền, hành dân là chính. Hành cả về ăn mặc, văn hoá, tư tưởng, giao tiếp… Cứ tưởng khẩu cứ vô bằng, sẽ vô hại mà hại vô kể. Vì  trước sau, sớm muộn những chuyện cười trong  triều đình xã hội chủ nghĩa cũng sẽ biến  thành dư luận, găm sâu vào đầu  óc mỗi người dân, theo kiểu "Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ" . Chính vì không bắt giam hay bóp nghẹt được dư luận mà những dư luận hỗn tạp, vô bằng chứng cứ lan rộng mãi ra, bao trùm hết thảy mọi việc, mọi người, trở thành mặt bằng mới để đặt ra các tiêu chuẩn sống cho một thời của người Hà Nội:
Một yêu: Anh có may ô,
Hai yêu: Anh có cá khô ăn dần…
Ba yêu: Rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu : Nhà cửa có …bàn ghế kê
 Năm yêu: Nước máy thoả thuê
Sáu yêu: Mua gạo chẳng nề chen ngang
Bảy yêu: Lý lịch rõ ràng
Tám yêu : Không có họ hàng đến thăm
Chín yêu: Ttích cực " cầm nhầm"
Mười yêu: Chăn chiếu đủ nằm quanh năm
Cuộc sống của 2,5 triệu người dân càng ngày càng bị dồn vào đũng hẹp bẩn thỉu, chật chội của chiếc váy quan liêu bao cấp, khiến người người kêu la, nhà nhà than vãn, bao nhiêu khu đô thị mới xây như Xuân Hoà (Vĩnh Phú) Xuân  Mai (Hà Tây) bị bỏ hoang, tốn kém cả nghìn tỷ đồng, làm cho Hà Nội đã đói, rách lại càng đói rách hơn. Chính vì thế, những cái đầu ù lì, khoác calavat, diện comple trong bộ chính trị phải xoa dịu lòng dân, giữ chế độ, bằng cách "mở cửa, mở hướng, mở luồng" dư luận  để chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung (còn gọi là quan liêu bao cấp) sang kinh tế thị trường, giúp đất nước ra khỏi vũng lầy của sự đói nghèo, chết chóc:" Bắt  cởi trần  phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô"
Tháng 8/1991, sau 13 năm "mở rộng " Hà Nội thành…làng to, tỉnh  mới,  huyện dài, chỉ có tiếng  mà không có miếng, chỉ phát  về bề rộng mà không được đầu tư về bề sâu, nên tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII,  ranh giới Thủ đô Hà Nội lại một lần nữa được  thay đổi, theo hướng ngược lại , tuy vẫn là  thủ đô song không còn là đầu to  nữa mà co lại thành… đầu  nhỏ hơn cũ 3 lần. Cụ thể, từ 2.136 km2 diện tích đất tự nhiên, qua điều chỉnh còn 924 km2, giữ nguyên bốn quận nội thành( vẻn vẹn chưa đầy 40 km2) và bỏ rơi  6 huyện ngoại thành (từ 11 huyện của  tháng 12 năm 1978 còn 5  huyện vào tháng 8/1991)
Đầu thiên niên kỷ thứ 3 (kể từ năm 2000), để hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội lại chìm trong  hội thảo, quy hoạch, thảo thì ít mà tụ hội ăn uống, hưởng cơn mưa phong bì (móc từ thuế đóng góp của 3 triệu cư dân Hà Nội) thì nhiều…Cuối cùng ngày 29-9-2003, lãnh đạo Hà Nội cũng đưa ra quyết định:  Hà Nội trong  tương lai sẽ rộng  gấp…15 lần hiện tại. Bao gồm Hà Nội và 7 tỉnh lân cận: Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam, với tổng diện tích đất tự nhiên là 13,37 ngàn km2,  dân số 12 triệu người, trong  đó riêng dân cư đô thị là 2,76 triệu.
Hệ thống quy hoạch của Hà Nội bao gồm 87 đô thị, trong  đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Dương, 8 thị xã là Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phủ Lý, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hoà Bình, cùng 77 thị trấn xa gần lớn nhỏ khác…
Đang yên đang lành, từ cấp tỉnh, thành phố, bị giáng xuống thành cấp huyện, thị xã, để nhập vào Hà Nội, để Hà Nội mỗi ngày một "đàng hoàng, to đẹp hơn", xứng với thành phố của 100 triệu dân, đúng như lời cha già dân tộc dặn
Theo dự án đã được phê duyệt của viện quy hoạch và phát triển đô thị, Hà Nội trong tương lai sẽ bao gồm cả một hệ thống di tích lịch  sử dày đặc như Đền Đô, Chùa Bút Tháp, chùa Dâu keo (Bắc Ninh), Chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Trăm Gian (Hà Tây), không kể mật độ làng nghề truyền thống cao nhất nước, chất lượng nguồn nhân lực cũng phải :"kỳ phùng địch thủ ". Cụ thể có 63 trường đại học quốc gia và hàng trăm nghìn kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ… Bao nhiêu tinh hoa, anh tài của đất nước phải dồn tụ về thủ đô, tạo cho thủ đô  một lợi thế quan trọng  mà không tỉnh nào (kể cả Hòn Ngọc Viễn đông do chế độ cũ để lại)  có được
Cũng vì tụ hội, quần thảo Hà Nội trên cơ sở của cả tấn phong bì, mà tiền đầu tư cho việc xây dựng các cơ sở  hạ tầng cứ  ít dần đi. Theo báo cáo  của Viện Quy hoạch, chỉ  riêng trong 5 năm của kế hoạch  thực hiện  đô thị hoá đợt đầu  (1998- 2003) phấn đấu diện tích  mỗi đầu  người trung bình từ 5 đến 10 m2, Hà Nội đã phải  đầu tư cho việc xây dựng các khu đô thị mới là 120 tỉ USD, tương đương với 1,9 triệu tỉ đồng Việt Nam. Nếu so với tổng  thu ngân sách năm 2003 là 19.300 tỉ đồng, thì số tiền đầu  tư đã sấp sỉ 100 lần. Điều này đồng nghĩa với việc người dân Hà Nội phải nhịn ăn, nhịn mặc trong suốt 100 năm mới có thể xây dựng nổi. Thật là sự…không tưởng
Chính vì thế, trong 5 năm của kế hoạch thực hiện đô thị hoá đợt hai ( 2003 – 2008) phấn đấu mỗi năm phát  triển một triệu m2 nhà ở cho con dân Hà Nội, cả 300 khu đô thị trở thành quy hoạch treo, 115 dự án phát  triển  nhà ở đã được  triển  khai trên  toàn địa bàn thành phố thì cái này thiếu điện, cái kia thiếu  nước, chưa kể hệ thống nhà trẻ, trường học, bệnh viện , nhà văn hoá, sân thi đấu của cả 115 dự án đều thiếu, trong  khi người dân vì thiếu nhà ở, vì trong  diện tái định cư, buộc  phải dọn đến ở mà vẫn không thể nào yên tâm khi dự án đã đưa vào sử dụng cả  năm trời, mà thiêú vẫn hoàn thiếu, đợi cứ việc đợi, người dân tha hồ ôm nhau mà khóc, ôm nhau mà sợ, ôm nhau mà…gào
Chỉ vì não trạng  của lãnh đạo thành phố có vấn đề ( đang từ lờ đờ* thành tăng tốc, bốc hoả, chóng mặt) mà cả thành phố quay cuồng, chao đảo theo. Bao nhiêu kế hoạch bị đảo lộn, bao nhiêu đồng tiền bị rơi vãi, con người vật lực bị tiêu tán trong các cuộc hội thảo, chờ đợi, tách ra, nhập vào, nên thay vì mở rộng  Hà Nội gấp 15 lần so với đề án đã chính  thức dược bộ chính trị phê duyệt, lãnh đạo Hà Nội chỉ " rón  tay làm phúc"  mở thêm 5 quận nội thành( ngoài 4 quận cũ ) là Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Nhàn. Diện tích đất tự nhiên tăng gấp 4,5 lần (từ 40 km2 thành 178 km2) còn giữ nguyên các huyện nội thành là Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Từ Liêm, Sóc Sơn… với diện tích đất  của cả hai khu vực nội, ngoại  thành là 924 km2 ( không hề  thay đôỉ so với thời điểm tháng 8 năm 1991)
Tưởng thế là tạm yên, sau phút bốc hoả, cơ quan tiền đình của các vị thần kinh trung ương đã hạ nhiệt, tất cả yên tâm xây dựng Hà Nội theo hướng đổi mới, tích  cực và hội nhập, không ngờ chiều 29/5/ 2008, trong phiên họp Quốc hội, 92% trong tổng số các "nghị gật" đã thông qua đề án mở rộng Hà Nội  gấp 3,6 lần hiện tại (thay vì gấp 15 lần so với đề án trình  hội thảo và được quốc hội phê duyệt năm 2003) Thủ đô mới sẽ có diện tích hơn 334.470 ha thay vì 13,37 nghìn  km2 trước đây, thủ đô mới sẽ gồm thành phố Hà Nội , toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) chứ không phải thành phố Hải Dương và 8 thị xã là Hà Đông, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Phủ Lý, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hoà Bình, cùng 77 thị trấn xa gần lớn nhỏ như cũ. Dân số vì thế  cũng giảm xuống  gần một nửa (hơn 6,2 triệu người), chỉ gồm  29 đơn vị hành chính quận huyện, chứ không phải 87 đơn vị như trước. Tất cả tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra sông Hồng, tạo được thế rồng cuộn hổ ngồi, hướng nhìn sông dựa núi (!) theo đúng như những gì ngài thủ tướng nguyễn… tán dóc nói trong chiếu…mở rộng thủ đô, trong phiên họp, trước toàn thể quốc dân đồng bào.
Sau khi mở rộng, Hà Nội đã nằm trong top 17 thành phố, thủ đô lớn của thế giới, với mật độ dân số 3.500-4.000 người trên mỗi km2, tương đương với các thủ đô như Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc)…
 Tưởng là ngoạn mục, tưởng là rồng bay, phượng  múa, vì chỉ trong chớp mắt,  Hà Nội đã sánh vai với các cường quốc năm châu.  Song trong  thực tế chỉ là một sự cưỡng hôn lịch  sử…Mở rộng chỉ để thủ đô Hà Nội trở thành đầu to, vừa lãng phí đất đai, vật lực, vừa phát triển lệch lạc, phiến diện.
II- Sự cưỡng hôn lịch  sử
Nếu ví cả dân tộc Việt Nam như cơ thể con người gồm Hà Nội và 63 tỉnh thành còn lại, thì việc Hà Nội nuốt chửng cả Hà Tây và Mê Linh (Vĩnh Phú) cùng 4 xã của tỉnh Hoà Bình, không khác gì một cái đầu to qúa cỡ (diện tích hơn 334.470 ha, dân số hơn 6,2 triệu người, với 29 đơn vị hành chính quận huyện), song lại là kẻ trì độn trống rỗng (vì không được đầu tư đồng bộ, chiều sâu) chỉ phì đại về kích cỡ, cốt có số diện tích ngang bằng với các thủ đô lớn trên thế giới (từ 2- 3000 km2) với mật độ dân số trên mỗi km2 khoảng 3.500-4.000 người, tương đương với các thủ đô như Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc)… và như các cụ thường ví: "Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển", trong  tình trạng Hà Nội phát triển lấy được, phát triển lấy tiếng, cho to, cho oai theo kiểu… đầu to , bất chấp tính hợp lý, khả thi, thì đầu óc vốn đã ngu si, tứ chi lại còn èo uột, yếu ớt vì thiếu các hạng mục công trình như nhà văn hoá, sân thi đấu thể thao, bãi tập, vườn trẻ, bệnh viện, trường học, chợ búa v.v…làm sao có thể trụ đỡ nổi ?
Thiên nhiên luôn trừng phat những gì đi quá giới hạn của nó, nên chưa chi các bậc bô lão đã cả cười mà rằng:
– Mở rộng vài năm rồi lại phải co hẹp lại ấy mà, chẳng qua các cán ngố thèm mở rộng nguồn USD trên cơ sở vài chục mảnh đất ven đô là thị xã Hà Đông- vốn được coi là cửa ngõ thủ đô thôi. Bán đất, chia chác, phủi tay, chùi mép xong rồi là tỉnh nào lại trả về tỉnh ấy, tôi còn lạ. Từ ngày giải phóng đến nay, lãnh đạo coi các tỉnh thành của đất nước như một ván bài, tha hồ trộn xóc, nay nhập vào, mai tách ra. Cụ thể, Sơn Tây vốn thuộc tỉnh Hà Tây cũ, sau năm 1976 trở thành Hà Nội… mở rộng. Năm 1986, tách tỉnh Hà Sơn Bình thành Hoà Bình và Hà Tây thì Sơn Tây lại… trở về đất cũ. Bây giờ, tỉnh Hà Tây bị Hà Nội nuốt chửng thì Sơn Tây lại trở thành… Hà Nội quá đà (!) Hết mở rộng lại quá đà, vẫn văn minh thôn dã, mẫu mã nhà quê, có khác đếch gì đâu, chỉ khổ " đôi mắt người Sơn Tây"… Thời của ông nhà thơ Quang Dũng vốn đẹp và hiền thế mà sau 1976, cứ trợn trừng trợn trạo, đứng núi này lại lo núi không yên. Nay đổi chứng minh nhân dân để thành người Hà Nội bất đắc dĩ, mai nhập lại hộ khẩu về Hà Tây, đếch làm người Hà Nội mở rộng nữa mà thành người Hà Tây quê lụa cơ. Thật là tiền hết, mệt mang… chỉ sướng cái lũ cán ngố, coi người dân như con rối, bảo giật là giật, bảo lui là lui. Cấm cãi. Cả Hải Hưng cũng vậy, nhập từ hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, thằng nọ níu áo thằng kia, có làm ăn được mẹ gì đâu, lại phải tách. Bắc Ninh, Bắc Giang cũng thế, cùng kéo nhau xuống hố cả chục năm trời, cuối cùng nhờ tách tỉnh mới mở mày mở mặt, xây trụ sở, cơ quan văn hoá, Ủy Ban nhân dân to vật ở mép đường, Kinh tế mới phát triển lên ầm ầm. Bình Trị Thiên cũng gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, oánh nhau toé lửa, la làng té khói… Hễ nhập vào là bán hết tài sản từ giường tủ, bàn ghế, đồ đạc dụng cụ văn phòng, đến máy móc, ô tô, tiền bạc bán đi, cốt bỏ túi riêng, chỉ còn lại xác rỗng không. Bình thường cha chung còn không ai khóc nữa là "năm cha, ba mẹ" như vậy? Làm gì chả oánh nhau, chả triệt  tiêu đến nghiệm âm, chả tan tành, khốn khó và đất nước cứ oằn mình trong cơn nguy khốn, sai lại sai, đã nhiều năm rồi, quê ta chẳng đổi thay gì. Không biết có phải  đất nước mang hình chữ S không mà càng sửa càng sai như thế?
 Trên   thực tế,  việc cố tình mở rộng  Hà Nội là  một thí dụ điển hình của sự lãng phí. Vừa tốn chất xám, vừa lãng phí ghê gớm đất đai, tiền bạc của người dân, chưa kể hậu quả lâu dài của căn bệnh "đầu to đô thị" còn chưa lường hết được. có thể lấy ví dụ cụ thể từ  chuỗi đô thị Láng – Hoà Lạc, với quy mô dân số tròn 1,2 triệu dân, tổng diện tích là 12.700 ha đất, so với một số  nước trên thế giới đã được xếp vào loại  đô thị lớn (nếu so với Hà Nội thời điểm 1954, khi đảng ta tiến vào thì đã gấp 4 lần). Vậy mà giao thông chỉ có duy nhất một con đường độc đạo mới làm. Một việc mà cách đây gần nghìn năm vua Lý Thái Tổ không chấp nhận được, nên đã phải viết chiếu rời đô, từ Hoa Lư ra Thăng Long để có thêm đường thuỷ là sông Hồng cùng sự bồi đắp phù sa mỗi năm của dòng sông tạo ra những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu, ruộng vườn bát ngát… Điểm lại thủ đô của các nước lớn như Anh, Pháp Nga đều sử dụng các dòng sông Thêm, sông Xen, sông Nê Va để phát triển kinh tế, đẩy mạnh giao thông… Nay lãnh đạo  ta cậy có "công nghiệp hoá, hiện đại hoá", "nói phét hoá" (tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra sông Hồng, tạo được thế rồng cuộn hổ ngồi, hướng nhìn sông dựa núi) kèm theo cả sự "dốt nát hoá" về mọi mặt, từ văn hoá kinh tế, địa lý, xã hội, tâm linh mà lãnh đạo Việt Nam đã bỏ qua cả kho kinh nghiệm quý báu của cha ông cũng là điều cốt tử  trong việc xây dựng đất nước…Không cần ruộng đất phì nhiêu, không cần hạ tầng đô thị, không cần hiệu quả kinh tế, chỉ cần có nhà, có đất, cũng  không cần biết có trái với quy luật tự nhiên, mất cân bằng về sinh thái hay không? tất cả đã có người dân Việt Nam è cổ gánh chịu.
Cho dù Hà Nội có nằm trong tốp của 17 nước Châu Âu, Châu Á, có thủ đô lớn nhất thế giới đi chăng nữa, thì việc xây dựng hạ tầng cơ sở vẫn phải là mục tiêu số 1. Đằng này, đã kém hiện đại, lại thiếu đồng bộ. Hiện tại Hà Nội vẫn chưa có đường cao tốc song hành. Toàn vùng thủ đô bao gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận, vẫn thừa hưởng hệ thống đường sắt cũ kỹ lạc hậu, trong khi ở các nước tiên tiến khác, không những có đường bay trên trời, đường tàu điện ngầm dưới đất, còn cả đường biển, đường sông cùng cả hệ thống đường sắt trên cao nữa, có thế mới tránh được sự ùn tắc, tai nạn giao thông. Hà Nội còn thiếu hầu hết các yếu tố đó, sao tránh khỏi việc cản trở cho việc liên kết trong và ngoài đô thị ?
Việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô theo hướng hợp nhất tỉnh Hà Tây và một số địa phương khác vào Hà Nội là vấn đề lớn, quan trọng, mang tính lịch sử và vô cùng phức tạp, nhạy cảm.  Ấy thế, Đề án định hướng quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lại quá đỗi sơ sài và hoàn toàn thiếu tính thuyết phục. ản báo cáo tóm tắt không hề có bóng dáng của một luận cứ khoa học, kèm chỉ số về kinh tế – kỹ thuật cần thiết để đánh giá. Không hề có sự hiện  diện của các chuyên gia đầu ngành, chuyên viên kỹ thuật, thạc sĩ phó tiến sĩ thuộc các ngành nghề khoa học, trong các vụ sở, ban, ngành, cục, bộ  v.v 
Phần nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng không có giải pháp cụ thể. Lộ trình trong việc tổ chức thực hiện, đặc biệt là nguồn kinh phí, đến tận  bây giờ ( tháng 3-2009) vẫn chưa biết lấy từ đâu?  Trong  khi  diện tích đất tự nhiên đã là 334.700 ha, dân số 6.2 triệu , và 29 đơn vị hành chính quận, huyện… Trong  điều kiện  lạm phát  phi mã  như vậy, quả  thực người dân vô cùng hoang mang trăn trở: "Không biết chính phủ sẽ dắt mũi đưa  mình đi đâu, lấy gì để sống" ?
Trước đó, lý do mở rộng Hà Nội theo hướng "nuốt chửng" toàn bộ Hà Tây và cả huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) cùng 4 xã của huyện Lương Sơn, Hoà Bình… thật  vô cùng ngô nghê. Nào trước đó một thời gian huyện này đã thuộc về Hà Nội rồi, bây giờ buộc phải mở rộng thủ đô để giãn dân thì việc đưa trở lại là điều hợp lý. Nào việc sáp nhập 4 xã thuộc huyện Lương Sơn – tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội là nhằm khắc phục việc tranh chấp ranh giới trước đây giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; coi như nhất cử lưỡng tiện luôn, vừa xoá cái cũ, vừa triệt tiêu mầm mống tranh cãi (!) Rồi: "Từ trước đến nay vùng rau xanh phục vụ Hà Nội chủ yếu nằm ở địa phận Hà Tây;  bây giờ nhân đà mở rộng này, đưa Hà Tây vào để chính quyền Hà Nội trực tiếp quản lý, để tạo ra độ an toàn và chất lượng cao hơn… v.v
Trong  khi văn hoá là phần mềm cài đặt trong cơ thể xã hội,( nếu phần mềm không có hoặc khiếm khuyết, Những dữ liệu  có được  sẽ gây ra hậu quả nhỡn tiền như thế nào? cụ thể  phần văn hóa, đặc biệt là văn hóa xứ Đoài của Hà Tây bị bỏ qua.  Văn hoá làng mất, nhà nhà trở thành bãi rác thải của Hà Nội, bao nhiêu tệ nạn xì ke, đĩ điếm từ Hà Nội kéo về tràn ngập các ngõ xóm. Trước đi một lượt quanh làng phải mất ít nhất một tiếng vì vấp phải những lời chèo kéo, rủ rê, gặp ai cũng chào… theo đúng lề lối, tôn ti, trật tự thời xa xưa,  cả làng là dây mơ rễ má 5 đời 7 đời của nhau, giờ xóm đã lên phường, trở thành làng to, tỉnh mới, huyện dài, thì đi cả phố hết 5 phút, vì ai cũng cúi đầu, thục mạng, lo làm ăn mánh mung, kiếm sống. Cơm ai người ấy lo, xe ai người ấy cưỡi, chẳng ai dại mất thời gian vô bổ không dâu vào cái trò chào hỏi vớ vẩn ấy, coi như sản phẩm của chế độ phong kiến cần xoá bỏ (!) 
Sau khi Hà Tây bị nuốt chửng , Việt Nam  mất đi một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chưa kể trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ thành phố . Từ 8 đơn vị  hành chính cấp huyện, quận của hai khu vực nội, ngoại thành trước đó thành 29 đơn vị  hiện tại. Vì thế đã gặp phải sự bùng nổ về dân số, bùng phát về các tệ nạn nghiện hút, si đa…Trộm cắp không nuôi mà lớn nhanh như thổi, cứ chồm lên móc ví dân lành. Đó chính là Hậu quả nhỡn tiền mà người Hà Nội phải chịu
III- Hà Nội và những điều nhất… nước!
Trên thực tế Hà Nội đã từng là niềm yêu thương, nhung nhớ và kỳ vọng của mọi người dân nước Việt dù trong nước hay xa xứ, dù đi đâu và xa cách bao lâu, trái tim người dân Việt vẫn luôn hướng về Hà Nội với một niềm hoài vọng, khắc khoải khôn nguôi… Song, càng gần với dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long (1010 – 2010) sự phát triển của Hà Nội trong tay đảng lãnh đạo càng "trầm" hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong dịp mở rộng nguồn vốn USD trên cơ sở mở rộng
Hà Nội lần này, vì đạt được nhiều cái "nhất" như sau:
– Là thủ đô cỡ to nhất thế giới: Với diện tích hơn 330 nghìn hécta, phía đông giáp với tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên; phía tây giáp với Hòa Bình và Phú Thọ; phía nam giáp Hà Nam, phía bắc giáp Thái Nguyên và Vĩnh Phúc… Hà Nội vinh dự nằm trong top 17 thành phố  lớn của thế giới, với mật độ dân số gần 4.000 người trên mỗi km2, tương đương với các thủ đô như Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc) v.v…
– Là thủ đô nhiều thành phố nhất như thành phố Hà Nội, thành phố Hà Đông, thành phố Sơn Tây. Hiến pháp ghi rõ: Bất kể thành phố nào, dù lớn hay nhỏ, dù loại 1, loại 2 hay loại 3 cũng chỉ một, và chỉ một mà thôi. Vậy mà từ ngày 1-8 đến nay, tại Hà Nội đã diễn ra hoạt cảnh: Trong thành phố lớn có thêm hai thành phố nhỏ là Hà Đông và Sơn Tây. Trong thành phố cổ (từ gần 1000 năm), có thêm hai thành phố mới toanh (Từ cuối 2007) là… Sơn Tây và Hà Đông. . Cả hai thành phố Hà Đông Và Sơn Tây cũng vậy, vừa được phong cấp lên thành phố chưa đầy năm, người dân còn đang trong giai đoạn bàng hoàng ngơ ngác, chưa kịp làm quen với bộ cánh mới khoác trên vai mình thì… đùng một cái đã bị nuốt chửng vào trong khuôn viên của Hà Nội, cho dù có trở thành cấp Phường xã, hay huyện thị… thì  thực chất vẫn chỉ là xã to, huyện lớn, tỉnh dài,,,
Lệ thường từ xưa tới nay, thủ phủ của một nước bao giờ cũng là nơi giao lưu buôn bán sầm uất nhất, trung tâm đầu não về nhiều mặt như kinh tế chính trị, văn hoá, xã hội của cả nước. Vậy mà từ khi được nhà nước "cho phép" mở rộng,  đến nay , Hà Nội hân hạnh trở thành thủ đô nhiều nông dân nhất thế giới. Với hơn 6,2 triệu cư dân thủ đô thì nông dân chiếm gần 4,5 triệu người (2/3 dân số). đáng ghi vào kỷ lục… ghi net.
Ngoài 3 cái "nhất" trên, Hà Nội  lúc này còn là thủ đô có nhiều dân tộc thiểu số nhất, ngoài người kinh còn cả người…sợ là các dân tộc anh em, trong đó đông nhất là người Mường, tập trung ở 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cách Hà Nội xưa cả 5,7 chục km.
Vừa "nhất" về diện tích, văn hoá, sắc tộc, về mặt địa lý, Hà Nội cũng  nhất về… rừng núi, sông hồ. Từ một đô thị cổ nhất của Việt Nam, trung tâm của nền văn hóa sông Hồng, với những bản sắc riêng của Thủ đô gồm những khu phố đặc trưng như Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Chuối, Hàng Lọng, Hàng Thùng, Hàng Gà, Hàng Chĩnh, Hàng Hòm, Hàng Giày, Hàng Cót, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Bún với những biệt thự theo kiến trúc Pháp cùng toàn bộ các điểm nhấn màu xanh như hệ thống cây xanh, vườn hoa, công viên mặt nước v.v …Bây giờ ngoài sông Hồng, sông Đuống, sông Lừ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và các hồ lớn như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Ba Mẫu, Hồ Đống Đa, Hồ Nam Đồng, Hồ Văn Chương, Hồ Trúc Bạch, Hồ Quảng Bá, Hồ Giám, Hồ Khương Thượng, Hồ Thiền Quang, Hồ Hai Bà, Hồ Thanh Nhàn, Hồ Linh Đàm, Hồ Định Công, Hồ Yên Sở, Hồ Giáp Bát, Hồ Rùa, Hồ Công Viên v.v.. còn thêm cả một loạt sông hồ nữa như sông Nhuệ, sông Đà, ao Vua, Khoang xanh, suối Hai, Suối Ngà (suối Ổi), Suối Ngọc, Đầm Long, hồ Quan Sơn, Hồ Thiên Quang Tĩnh, Hồ Linh Quang, Hồ Hố Mẻ, Hồ Đồng Mụ, hồ Đồng Nổi, Hồ Đồng Vàng, Hồ Đồng Riêng, Hồ Đồng Khuyến, hồ Thanh Lan, Hồ Cá Yên Duyên, Hồ Cầu Tình, Hồ Rẻ Quạt v.v… Nhiều hệ thống sông, suối hồ, đầm như vậy, lẽ ra Hà Nội phải là nơi danh lam thắng cảnh, sơn thuỷ hữu tình, tiếc thay trong điều kiện ô nhiễm môi trường nặng nề như hiện tại thì nước không đơn thuần là mầm sống nữa, mà đã là mầm bệnh và cả mầm chết.
 Hồ Hoàn Kiếm -nơi lắng hồn núi sông ngàn năm cũng là nơi  cư dân Hà Nội, cùng cánh bán hàng rong, tầng lớp thanh niên, sinh viên tụ tập quanh khu vực hồ, tha hồ xả rác, túi ni lon, giấy ăn  xuống lòng hồ, làm lượng bùn đầy hẳn lên, chỗ sâu nhất chỉ còn 1,3 mét, nông nhất chưa đầy 90 cm, khiến cá chết hàng loạt, cụ rùa thò đầu  lên để thở vào những ngày nóng nực, thay đổi nhiệt độ, khí hậu.
Bên cạnh những đại gia ăn chơi khét tiếng, con của các vị lãnh đạo đảng và nhà nước, Hà Nội còn là thủ đô có tỷ lệ người nghèo khó nhất thế giới. thu nhập mỗi ngày không nổi 1,5 USD. Đặc biệt các xã ngoại thành, nếu làm một cạnh điều tra xã hội  học, thì tính đến đầu 3-2009 này,  số người nghèo đói tăng nhiều nhất kể từ 1986 đến nay( tính từ dấu mốc  nhà nước tiến hành xoá bỏ quan liêu bao cấp).
 Ngoài ra Hà Nội còn nhiều cái "nhất" sau :
– Là thủ đô có các cơ quan với nhiều cấp phó, nhiều con dấu, nhiều hộ khẩu phải thay đổi nhất… Cụ thể theo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) Công an thành phố Hà Nội:
Sau khi hợp nhất Hà Nội với toàn bộ tỉnh Hà Tây, cùng cả huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình) đồng nghĩa với việc phải thay đổi 20 nghìn con dấu các loại. hơn mọi thành phố trên thế giới, hơn mọi triều đại từ trước đến nay. Chính vì đã "trót đẻ" vô kế hoạch, đẻ không tính toán, đẻ lấy được, nên một số con dấu phải mặc lại tấm áo cũ nát, số khác sẽ dần dần thay thế, và không biết bao giờ thì việc thay dấu mới chấm dứt?
 Gần 29 năm trước (đầu thập kỷ 80) 6 huyện và thị xã xứ Đoài gồm Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây; cùng hai huyện của Vĩnh Phú là Mê Linh và Sóc Sơn đã từng nhập vào Hà Nội và chung sống với nhau 13 năm. Sau đó vì cuộc "cưỡng hôn" quá nhiều bất ổn, lại đường ai nấy đi, quần ai nấy mặc, cơm ai nấy ăn, vợ ai nấy cưỡi? Bây giờ sau 16 năm ly dị, giải phóng cho nhau, yên bề gia thất, an cư lập nghiệp rồi, vì buộc phải nghe theo lệnh đảng mà 6 huyện và thị xã xứ Đoài cùng hai huyện của Vĩnh Phú lại phải tái ngộ, trùng phùng. Tuy chung một nhà, nhưng không chung cách hiểu, đặc biệt là văn hoá, trình độ, tính tình, cũng như nết ăn ở, phong tục tập quán của từng vùng, cho nên sẽ không biết bao nhiêu hậu quả phải khắc phục, bao nhiêu dấu má phải bổ xung cho cuộc mở rộng, cưỡng hôn lần này.
V
iệc cấp  chứng minh thư nhân dân cũng ngốn tiền tỉ của dân và thời gian  đi lại, chờ đợi, hoàn thiện… Ngoài ra còn một loạt tên đường phố phải đặt lại,  phải bày vẽ, tổ chức hội thảo, ban bệ, ngành nghề, chiếu trên, chiếu dưới đủ vành. Trong khi vì tham nhũng, vì yếu kém, tiền của trong ngân khố quốc gia đã trống rỗng, nợ ngập cổ các khoản vay mượn của thế giới .
Dưới con mắt người nước ngoài bây giờ, Hà Nội là thủ đô lộn xộn, bụi bặm, giao thông kinh hoàng nhất thế giới. Đâu còn là Cổ Loa, Hoàng thành bí ẩn, huyền thoại, dào dạt tâm linh… với phố nhỏ, nhà sâu, hiền hòa, thanh lịch, như một người con gái mơ mộng, quyến rũ nữa mà là một kẻ dị dạng ngớ ngẩn, nơi này mở rộng, nơi kia xây dựng, bừa bãi, ngổn ngang, lem nhem bụi bẩn, ô nhiễm không khí, môi trường… "cổ không ra cổ ”, “kim chẳng phải kim”. Bao nhiêu bài học về quy hoạch và giải phóng mặt bằng của hàng chục, hàng trăm nước đi trước Việt Nam đầy hiệu quả mà Việt Nam  không chịu học, chịu  nhìn? cốt nhét USD vào hầu bao cho chặt , không cần nhét kiến thức quy hoạch tiên tiến vào đầu? Vì thế,  tại thời điểm ráo riết chuẩn bị cho đại lễ 1000 năm Thăng Long này(2010)  Hà Nội vẫn luôn tồn tại những cảnh nực cười, trái khoáy: Vừa là đoạn phố “đắt nhất hành tinh” lại là đoạn phố  “xấu nhất hành tinh”…
Đầu to Hà lội,  đầu tháng 3-2009
TBM