Tác giả và Tác Phẩm

Chúc Anh : Chấp nhận lẫn nhau trong cuộc sống

Chấp nhận lẫn nhau trong cuộc sống

   

            Chiến tranh lạnh giữa thế giới tư bản và thế giới cộng sản đã kéo dài hơn hai chục năm về trước, và rồi chỉ cần bốn con người ở địa vị khác nhau (ĐGH Gioan Phaolô II, Tổng Thống Ronald Reagan, Bà Thủ Tướng Thatcher, và Tổng Bí Thư Cộng Sản Gorbachov) chấp nhận cùng nhau trao đổi cái nhìn của mình về thế giới, cố gắng hiểu nhau, tha thứ cho nhau, như vậy đã đủ để làm cho khối cộng sản Đông Âu sụp đổ, và chiến tranh lạnh kết thúc.

Đây hẳn là một “kỳ công của con người, khi con người biết tìm đến nhau, thông cảm cho nhau, chấp nhận lẫn nhau để sống.

            Tuy nhiên, thật rất buồn khi còn thấy trong đời sống xã hội ngày nay, vẫn còn nhiều thứ “chiến tranh nóng…chiến tranh lạnh” ngay cả trong gia đình, đoàn thể.  Những chuyện bất đồng, tranh chấp, cằn nhằn, gấu ó, có khi đi đến chỗ làm sứt mẻ tình bạn, tổn thương tình gia đình giữa những người thân của mình.

            Hôm nay tôi xin chia sẻ một vài tư tưởng về mối tương giao của chúng ta trong xã hội, dưới khía cạnh tâm lý nhân bản.

 

Đa số con người trên trái đất, nếu không thuộc về tôn giáo này thì cũng thuộc tôn giáo khác.  Mà tất cả các tôn giáo đều răn dạy tín đồ của mình phải ăn ở làm sao cho thành người tốt, tốt với mình, tốt với người.  Chung chung, thì người ta luôn được dạy ba điều căn bản để có thể sống một cuộc đời an bình, thanh thản, hạnh phúc về tinh thần, vật  chất cũng như tình cảm.  Đó là:

 

1.  biết thương yêu nhau

                        2.  biết tha thứ cho nhau

                        3.  biết chấp nhận lẫn nhau

  

I.  BIẾT THƯƠNG YÊU NHAU

 

            Ngoài việc thương yêu chính mình (điều này khỏi cần phải nhắc), muốn được sống một cuộc đời có ý nghĩa, còn cần phải biết thương yêu những người xung quanh mình, là những người mà dù muốn dù không, mình cần phải tiếp xúc, quây quần trong cuộc sống hằng ngày.

            Có những người chỉ thích yêu thương người nào giống hệt như mình về cách sống, cách suy nghĩ, cách hành động.  Khi đã thương yêu kiểu này rồi thì nhìn thấy “trái ấu” của người ấy cũng tròn vo, mặc dù ở “hai đầu trái ấu có hai cái sừng nhọn dễ sợ!”

 

            Ai không giống mình thì cho là xấu, không ưa, chỉ trích không tiếc lời.  Thấy người ta xấu ở điểm nào đó, một  lần nào đó, thì  nhìn tất cả con người của kẻ đó chỉ  toàn thấy cái xấu thôi;  chê miết, chê trường kỳ, riết thành thói quen, nhìn mọi người xung quanh cũng thấy toàn là người xấu hết, chẳng có ai tốt lành cả, ngoại trừ mình ra.  Trong cuộc sống hằng ngày, nói ra câu nào, ở đâu, với ai, cũng chỉ thấy toàn là chê bai, ai cũng dở ẹt, cũng sai bét, chẳng ra thể thống gì cả, nhất là khi mình đã “có tuổi”, tóc đã trở thành muối tiêu, hoặc có chút ăn học, hay có chút tiền của…

Sự yêu thương kiểu đó rất nguy hiểm vì đôi khi nó dựa trên một mớ thành kiến mà ta ít khi lưu ý tới.  Vậy thành kiến là gì?

            Theo tâm lý học, thành kiến là một dạng thái hóa của sự phán đoán chủ quan đó thôi.  Khi ta nói:  “Anh Tùng khó thương quá” có nghĩa là gì?  Nếu suy nghĩ  cho kỹ, ta thấy câu này diễn tả một sự “xếp hạng”.  Chúng ta xếp chủ đề “Anh Tùng” vào hạng mà óc đã hiểu rõ là những “người khó thương”.  Vậy thì những người “khó thương” đó là như thế nào chứ?  Nguy hiểm là ở chỗ này:  Việc xếp hạng này có thể rất chủ quan, dựa trên những tiêu chuẩn cá nhân, những cảm giác không nền tảng, có khi từ bên ngoài đưa vào.  Do đó, cần phải cẩn thận, bằng không ta sẽ bị thành kiến ảnh hưởng trong những mối tương giao với người khác trong xã hội, vì ác cảm hay thiện cảm cuối cùng đều xuất thân từ thành kiến mà ra cả, do một cái nhìn rất là chủ quan, có khi độc đoán nữa là khác.

            Cũng không nên lầm lẫn “thương yêu” với “thương hại”.Khi ta thương hại một người nào đó, mặc nhiên ta đứng từ vị trí của người “có cái gì đó” đối xử với người “không có”.  Thông thường, người ta nói:  “Nhìn lên,  mình chẳng bằng ai,  mà nhìn xuống thì không ai bằng mình”.  Thật ra, nhiều khi đây chỉ là một cách để tự an ủi mình, để giúp chấp nhận số phận của mình đó thôi.

            Thế nhưng, có khi từ tư tưởng này, con người có thể đi đến thái độ “thương hại” đối với những người xấu số hơn mình.  Và nếu sự thương hại này lại được chan hòa bởi đức tin, lòng bác ái, nó sẽ dẫn đưa tới sự chia sẻ, hành động yêu thương thật sự.

            Một trong những cái “riêng tư”  mà chúng ta cảm thấy khó mà sẵn sàng chia sẻ với người khác, đó là thời giờ của chúng ta.  Nhiều người chỉ biết hát một điệp khúc trong suốt đời họ thôi: “Tôi bận việc lắm…Không thể đến được…Không thể giúp được…Tôi không có giờ…Tôi còn nhiều việc phải làm..”

 

 

II.   BIẾT THA THỨ CHO NHAU

 

            Không có lòng thương thì khó mà tha thứ cho ai được, bởi vì đã ghét người nào rồi thì có bao giờ thèm nhìn mặt nó nữa đâu?

Thấy “nó”,  nhìn cái mặt, nghe giọng nói của nó, nhìn cách đi, cách đứng là đã thấy ghét rồi.

            Như vậy làm sao mà chấp nhận cho kẻ ấy đứng chung trong cùng một tập thể với mình được?

Còn nói chi đến những người cùng sống chung dưới một mái nhà. Thoát khỏi những tổn thương do mất mát, chán nản, thất vọng, đau buồn vì tình, vì phản bội…Những khó khăn trong cuộc sống.

Làm người, ai mà chẳng có lúc lầm lỗi:  lầm lỗi mình gây nên cho kẻ khác, lầm lỗi kẻ khác gây ra cho mình, vô tình hay cố ý.  Lầm lỗi bao giờ cũng gây nên một vết thương.

Lầm lỗi cần được tha thứ, và vết thương cần được chữa lành.     Nhưng làm sao tha thứ, làm sao chữa lành? Đó là vấn đề.  Nhất là khi sự xúc phạm đến từ những người thân thương, những người mình tin tưởng, những người đáng ra phải đứng về phía mình…thì vết tương lại càng đau đớn, và sự tha thứ trở nên càng khó.

            Làm hòa quả thật không dễ chút nào:  mình có lỗi mà đi làm hòa vốn đã khó, huống chi khi người khác lỗi với mình mà mình lại phải đi bước trước!…Đây là giá rất đắt của tình thương.

            Trong cuộc sống hằng ngày, thái độ, hành động tha thứ mang tính cách quan trọng và bức thiết:  Chẳng ai thoát khỏi những tổn thương do mất mát, chán nản, thất vọng, đau buồn vì tình, vì phản bội…Những khó khăn trong cuộc sống chung đư ợc tìm thấy rất nhiều và ở khắp nơi:  những xung đột giữa vợ chồng, trong gia đình, giữa những người yêu phải chia tay, giữa chủ và thợ, giữa bạn bè, giữa láng giềng, giữa các tập thể.  Một ngày nào đó, tất cả đều cần đến sự tha thứ hầu tái lập hòa bình:  “Hãy trao ban tha thứ, bạn sẽ nhận lại hòa bình” (ĐTC Gioan Phaolo II)

           

            Trong ý niệm về tha thứ, có hai sai lầm lớn phải tránh:

            Sai lầm thứ nhất là sự tha thứ được tác động bởi sợ hãi hay thương hại.  Vladimir Jachelevich, một nhà tâm lý lỗi lạc Liên Xô, đồng hóa tha thứ với hình thức của thủ đoạn tự vệ.  Đới với ông, sự tha thứ giữa con người với nhau được điều khiển bởi sợ trả đũa và sợ bị hủy diệt lẫn nhau. Đang khi đó, triết gia Hy Lạp  Sénèque thấy trong sự “thương hại” động lực chính của tha thứ.  Ông tóm tắt tư tưởng của mình trong công thức này:  “Con hãy tha thứ cho người yếu hơn con vì thương hại nó, và con hãy tha thứ cho người mạnh hơn con vì thương hại con”.  Thật không cao thượng tí nào!

Sai lầm thứ nhì là coi tha thứ như là đặc quyền của Thượng Đế.  “Chỉ một mình Thượng Đế mới có thể tha thứ”.  Đó là công thức không để chỗ cho trách nhiệm của con người.  Người Thiên Chúa giáo thường cầu nguyện:  “Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng thứ tha những lỗi lầm của người khác đối với chúng con.”

            Một nhà thần học trẻ tuổi, Jean Delumeau, khẳng định rằng “sự tha thứ thiết lập gạch nối giữa con người với nhau, và giữa con người với Thượng Đế”.

            Như vậy, tha thứ là một nổ lực vừa nhân bản vừa thiêng liêng, là một hợp tác không những giữa kẻ gây nên xúc phạm và người bị xúc phạm, và còn giữa con người với Thượng Đế.

            Trong lời mời gọi “hãy tha thứ”, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bàn về vài điều kiện cần được thực hiện, đó là “sự thành thật trong đối thoại, sự trưởng thành chấp nhận cá tính của mỗi người.”

 

 III.   BIẾT CHẤP NHẬN LẪN NHAU

 

            Nếu không biết thương yêu thì không bao giờ biết tha thứ. Và một khi đã không biết thương yêu, không biết tha thứ thì tất nhiên không thế nào biết chấp nhận lẫn nhau trong cuộc sống tập thể được.  

            Trong gia đình:  luôn luôn lục đục, xào xáo, cằn nhằn, gó ấu lẫn nhau, biến gia đình từ một “tổ ấm” để vợ chồng, con cái nương tựa, quây quần, sống vui vẻ, hạnh  phúc với nhau, để rồi một ngày nào đó, bùng nổ dữ dội, lắm khi lý do đưa ra chả đáng gì cả!

            Trong tổ chức đoàn thể:  chia bè, chia nhóm, nói hành, nói xấu, vu oan cho nhau, chỉ trích, bêu xấu nhau, tìm cách hạ nhục nhau, chà đạp kẻ khác xuống để mình tiến thân.  Cứ mở đài phát thanh, đọc báo chí, vào internet…thì rõ.  Như vậy làm sao tạo nên sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh để phát triển tập thể được?  Trong tim, trong óc mình lúc nào cũng đầy tràn, chật cứng những ganh tị, hiềm khích…thì còn chỗ nào để cho tình thương, sự thông cảm, sự tha thứ, chấp nhận lẫn nhau trú ngụ được?

            Trong đời sống hằng ngày, tương quan giữa con người với con người, cần tôn trọng lẫn nhau, không nên đòi hỏi người khác phải giống y như mình, như vậy là thiếu thực tế, và ngay cả thiếu trưởng thành nữa!

            Vấn đề trọng yếu đối với cá nhân và tập thể là làm sao vừa giữ được chân tính của từng thành phần, đồng thời giúp từng cá nhân hòa nhịp với tập thể, để cá nhân có thể xem mình là “quà tặng” cho tập thể, cũng như tập thể là “quà tặng cho cá nhân”.

            Ngoài ra, sự khác biệt, tính đa dạng trong một tập thể sẽ phong phú hóa tập thể đó, và ngay cho bản thân mình, khi mình trưởng thành nhìn vào thực trạng.

            Có người cho rằng chấp nhận là một thái độ tiêu cực, ta chấp nhận vì không còn con đường nào khác.  Không hẳn như vậy.

            Trước hết, “chấp nhận chính mình” là nhận ra con người thật của mình, duy nhất, không ai thay thế được.  Một người đã được Tạo Hóa hết lòng yêu thương, và đã được tạo dựng trong yêu thương.  Một triết gia Ấn Độ, Rabbi Zusya, trước khi chết, nói với bạn bè mình rằng:  “Khi tôi chết rồi, Thượng Đế sẽ không hỏi tôi tại sao con không giống Napoléon, hoặc giống như Socrate, nhưng Ngài sẽ hỏi tôi:  “Tại sao con không giống hình ảnh con người mà ta đã tạo dựng?”  Ở đây, sự chấp nhận bản thân mình không có gì là tiêu cực cả.  Từ sự chấp nhận bản thân, ta sẽ dễ dàng chấp nhận kẻ khác hơn, vì chính họ cũng như ta là “công trình vĩ đại” của Tạo Hóa.

            Như vậy, chấp nhận hẳn là một hành động tích cực.

            Đối với gia đình, xã hội nhỏ bé gần nhất, cần chấp nhận lẫn nhau để sống.  Chúng ta luôn quan niệm rằng:  gia đình phải là tổ ấm hiệp thông, hiệp thông giữa người chồng và người vợ, giữa cha mẹ và con cái.

            Thế nhưng, trong thực tế, vì quá đề cao tự do cá nhân, nhiều lúc người ta tưởng rằng hai vợ chồng lai hai con người độc lập sống bên cạnh nhau.  Mỗi người có một công việc riêng, tài sản, xe cộ, trương mục riêng, giải trí riêng (chưa kể những cái riêng khác…)

Con cái cũng có cái thế giới và sinh hoạt riêng của chúng…Gia đình hình như bị phân mảnh.

Đây hẳn là ảnh hưởng của một xã hội mà sự riêng tư của cá nhân được xem như quan trọng hàng đầu.  Đối diện với một nền văn hóa hoàn toàn khác biệt  như vậy, sự hội nhập và thích nghi (kết quả của sự chấp nhận lẫn nhau) rất cần thiết để lập “thế quân bình tâm lý”, hầu có một cái nhìn về xã hội, về gia đình tích cực hơn.

 

            Làm thế nào để lập thế quân bình vừa nói? Bằng cách thích nghi những giá trị truyền thống với hoàn cảnh mới.  Một trong những giá trị truyền thống Việt Nam, đó là tinh thần gia đình.  Gia đình có thể lập thế quân bình của mình qua những sinh hoạt chung cuối tuần, tạo bầu không khí trong những bữa cơm tối gia đình, những buổi cùng nhau mua sắm chung, những giải trí chung…Tất cả những “cái chung” này cũng như những “cái riêng” trên đây cần được tất cả thành phần trong gia đình ngồi lại, cùng nhau tìm cách thông cảm, chấp nhận thực trạng, và nhất là giúp nhau thích nghi với những cái có thể là những trở ngại nhất thời cho đời sống hiệp thông trong gia đình.

 

            Đời sống xã hội hôm nay và nơi đây rõ ràng đang thách thức chúng ta.  Trong chiều hướng đề cao “cá nhân chủ nghĩa”, xã hội này đang dạy con em chúng ta phải biết và tranh đấu cho quyền lợi của mình, dạy phải nghĩ  tới mình trước đã, nhừng nhịn là dại dột, tha thứ là hèn nhát, sống phải hưởng thụ…và dành một chỗ rất hạn hẹp cho Tình Người.

            Chúng ta nghĩ sao về sự thách thức này?