Biên khảo,  Tài liệu,  Thanh Thanh

CHUẨN-TƯỚNG HUỲNH THỚI TÂY

Một hôm, vào đầu tháng 3 năm 1975, tôi được Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia/Ngành Đặc-Biệt gọi vào mà không cho tôi biết trước lý-do hay mục-đích gì.

Cũng được xe-hơi dân-sự đón từ phi-trường, nhưng đến văn-phòng của Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương thì viên thiếu-tá bí-thư mời tôi qua gặp Trung-Tá Phạm Văn Ca, Giám-Đốc E2 (Nha Phản-Tình-Báo/Nội-Chính), theo lệnh của Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây.  

Tôi đã từng cùng Trung-Tá Ca đi tu-nghiệp về “Chống Khuynh-Đảo” tại Úc-Đại-Lợi vào năm 1970 nên quen thân nhau.

Ca bảo tôi:

‒ Ông Tướng muốn biết trong thời-gian qua anh có làm gì sai trái hay không.  Anh hãy ngồi đây, viết bản tự-thuật, kể hết những gì mà anh thấy là khuyết-điểm, xong rồi hãy qua gặp ông.

*

Tôi ngồi ôn lại mấy việc lớn/nhỏ mà tôi nghĩ là có thể đã làm Tướng Tây bất-bình về tôi…

Trung-Tá Nguyễn Mâu

Trong một buổi họp các cấp Trưởng E (Giám-Đốc Nha tại Trung-Ương và Nha tại các Vùng), Đại-Tá Huỳnh Thới Tây hỏi về “Biệt-Đội Thiên Nga” cùng các cơ-cấu không thấy có ghi trong Sắc-Lệnh tổ-chức của Ngành.  Tôi trình-bày về “Chiến-Dịch Đại Phong” và “Ký-Giả Tự Do”.

Chiến-Dịch Đại Phong” là tên gọi của một phương-thức hoạt-động, theo đó thì nhân-viên Đặc-Cảnh sử-dụng người chỉ-điểm, là cán-bộ/bộ-đội/cơ-sở Việt-Cộng bị bắt mà tự-nguyện hợp-tác với ta, bằng cách ngụy-trang và tạo ngụy-tích cho đương-nhân không bị công-chúng, nhất là đối-phương, nhận ra.  

Ký-Giả Tự Do” là một/vài viên-chức Đặc-Cảnh hoặc cảm-tình-viên của Ngành, có năng-khiếu viết báo, làm phóng-sự, được giao nhiệm-vụ bí-mật trà-trộn vào giới ký-giả hiện đang ào-ạt săn tin giật gân, trong đó có nhiều phần-tử phản-chiến, thân-Cộng và cả là cộng-sản trá-hình.  Ngành Đặc-Biệt can-thiệp với Bộ Thông-Tin, cấp “Thẻ Ký-Giả” cho họ, để phòng có ai thắc-mắc thì đưa ra cho họ xem.  “Tự Do” nghĩa là gửi bài đăng trên bất-cứ báo nào, không hẳn là cộng-tác-viên nhất-định của một báo nào.

Tôi đã thật-tình và vô-tình nói rằng đó là những sáng-kiến của Trung-Tá Nguyễn Mâu.

Đại-Tá Tây ném mạnh cây bút xuống bàn, dằn giọng:

‒ Tôi là Huỳnh Thới Tây; làm việc với tôi thì hãy chỉ biết có tôi; tôi không cần biết Nguyễn Mâu là ai.

Việc Thăng-Thưởng Nhân-Viên

Một lần khác, cũng họp tham-mưu như trên, bàn về vai trò của “Cán-Bộ Điều-Khiển” (Case Officer: Điệp-Trưởng) trong các công-tác xâm-nhập (nguời của ta, do ta xây-dựng rồi cài vào hàng-ngũ địch) và nội-tuyến (người của địch, được ta móc-nối, sử-dụng làm tay-trong cho ta).

Đại-Tá Huỳnh Thới Tây ngỏ ý muốn nâng-đỡ giới này.  

Tôi lấy tư-cách là người thực-sự đi sát và hiểu-biết nội-tình tại chỗ, trình-bày:

‒ Trước đây, Người Bạn Đồng-Minh đã nghĩ đến việc cấp một ngân-khoản phụ-trội hàng tháng cho tất cả viên-chức Ngành Đặc-Biệt, nhưng bên Cảnh-Sát Sắc-Phục phản-đối, nên việc không thành.  Theo tôi, đáng khuyến-khích nhất là Cán-Bộ Điều-Khiển, như đại-tá vừa nêu ra.  Nhưng đa-số Cán-Bộ Điều-Khiển thì là hạ-sĩ-quan.

“Nếu dùng sĩ-quan thì không những dễ-dàng hơn trong việc tiếp-xúc và nhờ-vã sự giúp-đỡ của người khác, mà còn có nhiều uy-tín và được tin-tưởng hơn đối với chính mật-viên của mình.  Nhưng sĩ-quan Cảnh-Sát Đặc-Biệt thì đa-số đều mong được giữ chức-vụ chỉ-huy, mà khi đã là cấp chỉ-huy rồi thì họ lại mong được qua Sắc-Phục, hay nói đúng hơn là họ mong được hưởng những lợi-lộc như bên Sắc-Phục.  Thí-dụ, ngay cả khi đã được cấp một chiếc xe Jeep rồi, mà xe lại có màu sơn và mang bảng số của xe thường-dân, thì họ vẫn thấy thua-kém xe Jeep sơn 2 màu lục+trắng của Cảnh-Sát (Sắc-Phục), vì bên Sắc-Phục vẫn được dân-chúng nể-sợ và dành cho nhiều ưu-tiên hơn.

“Còn muốn tưởng-thưởng các hạ-sĩ-quan CBĐK hữu-công thì cách xứng-đáng nhất là thăng cấp cho họ; nhưng họ vẫn nằm ở dưới các Trưởng G  (Phòng), Trưởng H (Ban), nên họ còn lâu mới được thăng lên sĩ-quan.”

Đại-Tá Tây dằn mạnh cây bút xuống bàn, thốt lên một tiếng chửi thề, bỏ ra khỏi phòng.

Mọi người lặng im, lo sợ giùm tôi.  Trung-Tá Nguyễn Văn Thuận, Trưởng D3 (Phụ-Tá Chuyên-Môn của Trưởng Ngành ĐB Trung-Ương) đưa tay ra dấu cho tôi chú ý đến anh.  Trước kia, anh cũng đi Úc cùng chuyến với Ca và tôi.

Thuận nói:

– Mọi sự thưởng/phạtthăng ai, giáng aiđều nằm trong tay của ông.  Nếu anh xin ông ban ơn đặc-cách thăng cấp cho các phần-tử hữu-công, thì ông sẽ mát lòng hơn.

Hệ-Thống Liên-Lạc Cảnh-Sát Hình-Sự

Trong vụ phi-cơ “Air Vietnam” bị nổ lựu-đạn tại Phi-Trường Phú Bài, Huế, khi tôi biết được thủ-phạm là Nguyễn Cửu Viết, tôi liền gửi điện cho Bộ Chỉ-Huy CSQG Quận liên-hệ tại Sài-Gòn, là nơi cư-ngụ của một người bạn của thủ-phạm (mà theo tin-tức tôi nhớ từ hồi còn ở Vùng II thì Viết đã nhờ chính người bạn này tìm-kiếm cho y một quả lựu-đạn) yêu-cầu trong đó chấp-cung “người-bạn” ấy.

Đại-Tá Tây cho rằng tôi đã vượt quyền, không trình lên ông là cấp trên, để ông ra lệnh cho các cấp dưới hữu-trách ở địa-phương khác thi-hành.

Theo tôi thì đây là thủ-tục hình-sự; tôi, với tư-cách Hình-Cảnh-Lại (danh-xưng mới, trước kia là Tư-Pháp Cảnh-Lại), Phụ-Tá Biện-Lý (Công-Tố-Viên) của Tòa Án Sơ-Thẩm, tại Đà-Nẵng (tôi cũng là Phụ-Tá Chưởng-Lý của Tòa Án Thượng-Thẩm Vùng I, tại Huế), tôi có thể phát lệnh truy-nã, trực-tiếp nhờ sự tiếp tay của các Hình-Cảnh-Lại khác (Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Khu, Tỉnh, Thị, Quận, v.v…) trên khắp nước, trong những vụ án cần được khẩn-cấp tầm+tra.

Huống chi CSQG của Việt-Nam Cộng-Hòa đã là Hội-Viên của Cảnh-Sát Quốc-Tế (InterPol).  

[Hoa-Kỳ đã giúp Việt-Nam Cộng-Hòa tuyển-dụng viên-chức có bằng đại-học luật-khoa, nghiên-cứu về luật quốc-tế, hướng-dẫn tham-gia tổ-chức Cảnh-Sát Quốc-Tế [InterPol], thành-lập chi-nhánh Việt-Nam của Cảnh-Sát Quốc-Tế, đặt trụ-sở tại Tổng-Nha (nay là Bộ Tư-Lệnh) Cảnh-Sát Quốc-Gia.]

Trong một số trường-hợp khẩn-cấp các Hình-Cảnh-Lại còn có thể liên-lạc phối-hợp hoạt-động với nhau, không những vượt quản-hạt hành-chánh trong một nước, mà còn có thể vượt cả biên-giới quốc-gia.

Cấp-Hiệu CSQG cho Thám-Sát Đặc-Biệt

Vì đã huy-động Thám-Sát Đặc-Biệt* đi hoạt-động chung với Cảnh-Sát Dã-ChiếnCảnh-Sát Sắc-Phục, và cả Nghĩa-QuânĐịa-Phương-Quân, nên tôi đề-nghị với Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Khu I, và đã được ông chấp-thuận, cho một số cấp chỉ-huy của Thám-Sát Đặc-Biệt tại Vùng I được mang cấp-hiệu CSQG, để có uy-tín đối với các đơn-vị bạn mỗi khi đi phối-hợp hành-quân.

Họ mặc sắc-phục Cảnh-Sát Dã-Chiến, đội mũ-nồi bằng nỉ màu lục của Thám-Sát Tỉnh (PRU= Provincial Reconnaissance Unit) cũ, nhưng cấp chỉ-huy không mang dấu-hiệu gì để các cơ-quan đơn-vị bạn nhận biết rõ-ràng.

Nay thì tại Vùng I họ được mang thêm cấp-hiệu CSQG:  Chỉ-Huy-Trưởng Liên-Đội Thám-Sát Đặc-Biệt Khu I mang cấp-hiệu thiếu-tá.  Chỉ-Huy-Phó của đơn-vị này mang cấp-hiệu đại-úy.  Các Chỉ-Huy-Trưởng của Đội Thám-Sát Đặc-Biệt thuộc các Tỉnh/Thị trong Vùng I cũng mang cấp-hiệu đại-úy.

Đại-Tá Huỳnh Thới Tây cho rằng tôi đã lạm quyền, vì Quyết-Định của Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc là do đề-nghị của tôi.

Riêng về việc này thì tôi tự nhận là đã xúi ẩu để Đại-Tá Lộc chấp-thuận, vì nếu chờ-đợi Trung-Ương thì chắc khó có kết-quả, bởi lẽ Thám-Sát Đặc-Biệt chưa có quy-chế thực-thụ CSQGkhông có cấp-bậc, chỉ có chức-vụ và còn hưởng lương theo mức cố-định từ thời còn ở dưới quyền của CIA.  Vả lại, việc mang cấp-hiệu này chỉ có giá-trị đối với 2 viên-chức tại cấp Vùng, và một viên-chức tại mỗi Tỉnh/Thị, và chỉ trong khi tham-gia hành-quân phối-hợp mà thôi.  

[Hồi tôi còn làm Trưởng Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt Vùng II, tôi đã trình xin và được Tư-Lệnh Quân-Đoàn II/Vùng II Chiến-Thuật chấp-thuận cho một trung-sĩ Cảnh-Sát Đặc-Biệt ở Tỉnh Bình-Thuận được mang cấp-bậc đại-úy QLVNCH để vào làm việc trong Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-bên.  Nay làm Giám-Đốc Đặc-Cảnh Vùng I, tôi cũng đã xin và đã được Tư-Lệnh Quân-Đoàn I/Quân-Khu I chấp-thuận cho vài trung-sĩ Cảnh-Sát Đặc-Biệt của tôi ở Đà-Nẵng được mang cấp-bậc đại-úy QLVNCH để vào làm việc tại Ban Liên-Hợp Quân-Sự 2-bên.]

Một Khẩu K-59 Tước Được của VC

Trong một cuộc hành-quân, Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Nam có tịch-thu được của Việt-Cộng một khẩu súng lục mới lạ, Địa-Phương chưa thấy lần nào.

Thiếu-Tá Chánh-Sở Lâm Minh Sơn báo-cáo lên tôi, tôi báo-cáo lên Bộ Tư-Lệnh/Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương.

(Lệnh trên ban xuống từ trước là trong trường-hợp tương-tự thì hãy chụp ảnh, mô-tả đặc-điểm hình dáng khẩu súng để xem nó thuộc loại nào.)  

Sau đó, tôi nhận được lệnh nạp trình chiến-lợi-phẩm ấy lên Trung-Ương.

Gặp lúc có một cuộc họp tại Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương, tôi được mời vào tham-gia.

Sau phần thuyết-trình tổng-quát của tôi, Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây hỏi tôi về khẩu súng trên.

Tôi có mang theo bản sao của tờ báo-cáo kèm theo hình-ảnh mô-tả của khẩu súng lụcgửi rồi nhưng chắc chưa đến tay ôngnên tôi lấy ra đưa cho ông xem.  Tướng Tây đọc báo-cáo và nhìn hình-ảnh, xong hỏi khẩu súng đâu rồi, hãy trao cho ông.

Tôi đâu có khẩu súng ấy mà trao.

Số là Đặc-Cảnh ở Tỉnh đồng-thời cũng có báo-cáo kết-quả hành-quân lên Tỉnh, nên viên Tỉnh-Trưởng sở-tại đòi xem khẩu súng ra sao.  Thấy khẩu súng quý, vì mới bắt được lần đầu, viên đại-tá Tỉnh-Trưởng bèn giữ lại, nói là mượn xem ít hôm.  Liền đó, gặp dịp Tổng-Thống Nguyễn Văn Thiệu ra thăm Quảng-Nam, viên Tỉnh-Trưởng sở-tại đưa khẩu súng ấy ra khoe; và thấy Tổng-Thống tỏ ý thích nó nên viên Tỉnh-Trưởng tặng luôn.

Thường thì chúng tôi báo-cáo tóm-tắt sự-việc ngắn gọn ra ở phần trước, còn các chi-tiết phụ-thuộc thì ghi ra ở phần sau, với các tài-liệu liên-hệ kèm theo.

Do đó, tôi đáp (như có ghi ở phần sau báo-cáo):

– Trình thiếu-tướng, Tổng-Thống đã lấy khẩu súng ấy rồi.

Nhưng Chuẩn-Tướng Tây chưa đọc phần sau của bản báo-cáo, không hỏi chi-tiết làm cách thế nào mà khẩu súng ấy lại đến thấu tay Tổng-Thống; ông nghĩ là tôi đã “qua-mặt” ông, tự ý vượt cấp tâng công trực-tiếp với vị Nguyên-Thủ Quốc-Gia.

Ông tức, gằn giọng:

– À, anh đã muốn “kiếm điểm” trực-tiếp với Tổng-Thống thì từ nay trở đi có gì anh cứ lên thẳng Tổng-Thống, đừng cần thằng này nữa nghe!

Vài Ngoại-Lệ

Tôi nghĩ cũng cần báo-cáo cả những việc-làm ra ngoài nguyên-tắc, phần thì để tỏ là mình thành-thật, phần thì để phòng Cấp Trên đã biết cả rồi (?).

1. Đời công:  Tôi đã tự-ý thành-lập một “Phòng Tình-Hình” (không có trong sơ-đồ tổ-chức chính-thức của Ngành), để nhân-viên thay phiên nhau cùng làm việc 24 giờ/7 ngày với tôi, bắt cả nhân-viên trực máy tại các Tỉnh/Thị cũng cùng ở trong tình-trạng sẵn-sàng làm việc bất-cứ lúc nào liên-tục suốt ngày+đêm như tôi.

2. Đời tư:  Có lần một viên Thanh-Tra Trung-Ương ngỏ ý muốn xem sinh-hoạt ban đêm tại Đà-Nẵng.  Trong thời-gian đó, Trung-Tướng Ngô Quang Trưởng cấm các sĩ-quan quân-nhân không được đến khiêu-vũ tại các vũ-trường, nên các Tỉnh/Thị-Trưởng cấm chung mọi người, mặc dù các chủ tiệm-nhảy đã được chính-quyền cấp cho giấy phép hành-nghề.  Tôi đã đưa viên Thanh-Tra ấy vào một phòng trà+ca+vũ+nhạc; gặp lúc không có nhân-viên Cảnh-Sát Sắc-Phục, các cô vũ-nữ đã ào ra sàn, ông cũng ôm eo một cô lả-lướt như ai.

*

Tôi nhờ đả-tự-viên tại văn-phòng E2 đánh máy, xong ký tên, đưa bản Tự Thuật ấy cho Trung-Tá Phạm Văn Ca.  Anh mang ngay vào trình cho Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây.

Lát sau, Ca trở lại, nói rằng Ông Tướng đang bận, bảo tôi tiếp-tục tường-trình các hoạt-động tại các Tỉnh/Thị thuộc Miền Trung.

*

Công-việc của tôi không phải chỉ là gửi+nhận công-văn & công-điện và đi thanh-tra, bình-thường như một số cấp chỉ-huy trung-gian khác, nhất là cấp Vùng.

Tôi đã tích-cực thực-hiện công-tác an-ninh & phản-gián của chính cấp Vùng.  Có như thế mới xứng-đáng với sự hiện-diện và hiện-hữu của một cơ-quan cấp Vùng.

Đồng-thời tôi cũng hòa-nhập hoạt-động với các địa-phương, góp phần cụ-thể cùng họ vượt khó, tiến nhanh.

Tôi chỉ ghi lại một số sự-việc thí-dụ mà thôi.  Tính từ Quảng-Trị vào đến Quảng-Ngãi.  [Đã viết trong cuốn hồi-ký “Cảnh-Sát-Hóa” (trang 137-240) nên không nhắc lại ở đây.]

 Tôi đưa bản thảo nhờ đả-tự-viên đánh máy giùm, xong nghĩ là mình cũng nên ghi ra những gì mà các thuộc-viên có thể hiểu lầm, dẫn đến bất-mãn, xuyên-tạc gì chăng.

Đại-Úy Cao Viết Song của Tỉnh Quảng-Tín

Không hiểu vì sao mà Đại-Úy (sau này là Thiếu-Tá) Lâm Minh Sơn, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Nam, và Đại-Úy Cao Viết Song, Chánh Sở Đặc-Cảnh Tỉnh Quảng-Tín, được Bộ Tư-Lệnh CSQG thuyên-chuyển vào Sài-Gòn; xong rồi Sơn được trở lại với trách-vụ cũ, còn Song thì không.

Nhân dịp vào Bộ Tư-Lệnh, tôi hẹn với Song hãy đến gặp tôi, để tôi dẫn vào trình-diện và xin với Đại-Tá Huỳnh Thới Tây, Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương, cho anh trở lại nhiệm-sở cũ.

Nhưng Song trễ hẹn.

Tôi chỉ có thể nhân lúc báo-cáo thành-quả công-tác mà xin cho Song.

Tôi vào gặp Đại-Tá Tâynhư một diễn-viên xuất-hiện trên sân-khấu vào một lúc nào đó nhất-định trong một vở tuồngchứ đã ra khỏi phòng-giấy của ông rồi, đã đóng xong vai tuồng của tôi rồi, thì diễn-viên-tôi không thể tự-dưng vào lại sân-khấu.  Tôi không thể nào trở lại, vào gặp bất-thường mà xin cho Song, bởi lẽ Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương bận rất nhiều việccó lần tôi thấy buổi chiều ông vẫn ở lại làm việc cho đến tối đêmvả muốn vào gặp thì phải trình xin phép trướcmà tôi thì không phải là một người thân-cận của ông.  Thế thôi.

Đại-Úy Nguyễn Văn Tuyên của E Khu I

Vì Đại-Úy X, Chánh Sở Nghiên+Kế tại E6 (Ngành Đặc-Biệt Khu I) của tôi, được Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc, Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Khu I, cử đi làm CHT/CSQG một Quận trong Vùng, tôi chọn một trong các đại-úy giảng-viên tại F4 (Trung-Tâm Huấn-Luyện Tình-Báo Căn-Bản Khu I), là các sĩ-quan chưa giữ chức-vụ chỉ-huy, lên thay.

Tôi không quen biết ai, mà chỉ xét qua hồ-sơ cũng như nhận-xét của cấp chỉ-huy trực-tiếp là Trưởng F4, thấy họ đều tốt như nhau, nên tôi chọn Đại-Úy Nguyễn Văn Tuyên.  Tuyên là người có nét chữ viết tay khá đẹp, viết nhanh như tốc-ký (phòng khi tôi cần đọc gấp cho anh viết một văn-bản gì), và là tín-đồ Đạo Ki-Tô (để chứng-tỏ là mình không kỳ-thị aiNgay chính một viên vệ-sĩ và hai viên tài-xế của tôi, tôi cũng chọn người theo Đạo Kitô).

Nhân dịp cuối năm, có đợt thăng-thưởng chung cho mọi người, tôi đề-nghị cho anh lên thiếu-tá.

Tôi đích-thân thảo một Phiếu Trình đặc-biệt, bảo Tuyên cho đánh máy ngay, ghi số, đóng dấu, rồi trao tận tay cho tôi ký, để sáng hôm sau tôi mang vào Sài-Gòn, định sẽ nhân lúc tường-trình công-việc với Đại-Tá Huỳnh Thới Tây thì trao cho ông mà xin cho Tuyên.

Rồi tôi lo làm hồ-sơ thuyết-trình đến khuya, sáng lại là lên phi-cơ, vào gặp Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương.

Khi tôi đã làm xong việc tại Bộ Tư-Lệnh/Ngành Đặc-Biệt, nhân-viên biệt-phái tiếp-phát văn-thư tại Sài-Gòn mới tìm đến nơi tôi tạm-trú ở Sài-Gòn mà trao Phiếu Trình nói trên.

Cũng như trường-hợp của Cao Viết Song, tôi không thể nào vào lại, xin riêng cho Nguyễn Văn Tuyên.  Hồ-sơ (bình-thường) đề-nghị thăng cấp cho anh, nằm chung danh-sách với các ứng-viên khác, đã không qua lọt hội-đồng tuyển-lựa bình-thường tại Nha Viên-Chức/Tiếp-Trợ, vì không có kèm Phiếu Trình đặc-biệt của tôiđáng lẽ, nếu có, thì có bút-phê chấp-thuận đặc-biệt của Trưởng Ngành rồi.

Một Đại-Úy Muốn Có Chức-Vụ Chỉ-Huy

Có một đại-úy, tôi không nhớ tên, trong số các giảng-viên tại F4, có vợ là người quen thân với vợ của Đại-Tá Chỉ-Huy-Trưởng CSQG Khu I, đã nhờ bà này xin cho chồng mình được giữ chức-vụ chỉ-huy.

Đại-Tá Nguyễn Xuân Lộc ngỏ ý với tôi.

Tôi hứa là sẽ thu-xếp giùm.

Nhưng đối với Ngành Đặc-Cảnh thì việc đề-cử trách-vụ có phần khó-khăn hơn bên Sắc-Phục.

Ở Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia, hồi đó, có sự thi-đua hoàn-tất bổ-nhiệm, ổn-định chức-vụ, giữa các Khối, Nha, Sở, Phòng; từ Trung-Ương xuống các địa-phương.

Trưởng Ngành Đặc-Biệt tại Bộ Tư-Lệnh không muốn bị chê là mình làm chậm, hoặc không chính-xácnếu cứ thường-xuyên thay-đổi phương-vị người này, kẻ kia, nếu không có gì khẩn-thiếttức là xáo-trộn hệ-thống quản-trị, thống-kê, kế-toánvì mỗi chức-vụ (có hưởng phụ-cấp) đều cần được hợp-thức-hóa bằng một Nghị-Định của Bộ/Trung-Ương.

Rất tiếc là mãi rất lâu tôi vẫn chưa thể đề-cử anh được vào một vị-trí chỉ-huy nào, vì chưa có chỗ nào khuyếtđiều này hẳn là không làm vừa lòng bà vợ, và ngay cả cấp chỉ-huy trực-tiếp hàng ngang của tôi tại Vùng này…

*

Vì mọi người rất sợ Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình, không dám trình ông nhiều hơn những gì ông đã chỉ-thị, nên Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây cũng theo cách đó, ít ai dám hỏi nhiều hơn những gì ông đã nói ra.  

Tôi nhớ có lần Đại-Tá Tây ra lệnh cho Cảnh-Sát Đặc-Biệt toàn-quốc báo-cáo về vấn-đề “giành lấn đất-đai”.  Các nơi đua nhau thu-thập tài-liệu về chuyện chủ đất tranh-tụng nhau về bất-động-sản, công-thổ, tư-điền.  Tôi hỏi Nha Tình-Báo (E1) là nơi phát ra lệnh ấy, thì trung-tá Giám-Đốc Nha ấy cũng chỉ nhắc lại lệnh của Cấp Trên như thế mà thôi.  

Riêng tôi tự nghĩ chủ-quyền đất-đai là một hộ-sự, không thuộc Cảnh-Sát Quốc-Giacoi về hình-sựhuống gì Ngành Đặc-Biệt là cơ-quan chính-sự.  Chắc-chắn là việc Việt-Cộng nhân dịp ngưng bắn theo Hiệp-Định Paris mà lấn chiếm lãnh-thổ ở vùng xôi-đậu, nên đã bảo riêng các Tỉnh/Thị tại Vùng I tường-trình thêm về vụ này.  Quả-nhiên, trong buổi họp tại Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương mà Đại-Tá Tây cho mời cả các Phụ-Tá Đặc-Biệt cấp Tỉnh/Thị tại Khu I vào dự, tất cả các Chánh Sở Đặc-Cảnh liên-hệ đều thuyết-trình giống như tài-liệu cấp Vùng của tôi; lúc đó mới biết là đúng nhu-cầu của ông.

Do đó, tôi không biếtvì hẳn Trung-Tá Phạm Văn Ca cũng không hỏi nên không biếtthực-sự Chuẩn-Tướng Tây muốn tôi trình-bày những gì.

*

Cuối cùng tôi được mời vào gặp Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây.

Ông cười hỏi tôi:

– Anh ngạc-nhiên lắm hả?  

Tôi chưa biết phải nói gì thì Trưởng Ngành Đặc-Cảnh Trung-Ương đã nói ngay:

– Chính tôi mới là người ngạc-nhiên, về anh.

“Ở Vùng I:  Chánh Sở An-Ninh Quân-Đội đề-cao anh; Tham-Mưu-Trưởng Quân-Đoàn & Quân-Khu khen-ngợi anh; Trung-Tướng Tư-Lệnh Ngô Quang Trưởng ban-thưởng Anh-Dũng Bội-Tinh cho anh 3 lần, 2 với ngôi sao bạc, 1 với ngôi sao vàng.  Cộng chung, tại Vùng I, cũng như tại Vùng II, ngoại-trừ các sĩ-quan quân-đội biệt-phái qua, thì anh là sĩ-quan Cảnh-Sát có nhiều huy-chương nhất, cả các loại của các quân-chủng bên quân-sự lẫn các loại của các Bộ bên dân-chính, và các loại huy-chương của Cảnh-Sát Quốc-Gia.

“Ở Trung-Ương:  tôi hỏi các phụ-tá của tôi, Giám-Đốc các Nha, thì không ai chê-trách gì anh, mà họ còn tỏ ra quý-mến anh.

“Tôi đã phái Trung-Tá Phạm Trọng Tú, Thanh-Tra-Trưởng, ra tận nơi dò xét về anh, nhưng không tìm thấy điều gì sai trái, chỉ toàn ưu-điểm mà thôi…”

Ông cười, khiến tôitừ chỗ thoạt đầu lo-ngại, tiếp đến ngạc-nhiên, rồi là vui-mừngcũng cười theo ông.

Rồi ông đứng dậy, khiến tôi cũng đứng dậy theo.

Ông kết-luận:

– Tôi chỉ trực-tiếp trắc-nghiệm, để anh tự mình nói ra, rằng mình đã có làm gì bậy-bạ hay không.  Mà không thì là tốt rồi.  Thiếu-Tướng Tư-Lệnh cũng có đường dây kiểm-soát riêng, và cũng nhận thấy là anh có tài, có công, có tư-cách, đáng được tưởng-thưởng.  Thiếu-Tướng đã ra lệnh thăng cấp cho anh vào “Ngày Cảnh-Lực” 1-6-1975* này.  Bộ Tư-Lệnh đã dự-trù sẽ bổ-nhiệm anh vào một chức-vụ nào đó, quan-trọng và xứng-đáng hơn cương-vị hiện-thời.

“Thôi, chúc mừng anh. Tiếp-tục cố gắng.

“Và vui-vẻ ghé Nha-Trang thăm gia-đình nha!”

*Ngày ấy chưa đến thì Việt-Nam Cộng-Hòa đã tiêu-vong.

LÊ XUÂN NHUẬN  

Ghi chú:

        Cựu Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây, Trưởng Ngành Đặc-Biệt toàn-quốc (mà tôi gọi làTư-Lệnh Đặc-Cảnh Trung-Ương), sau ngày mất nước, đau nỗi đau chung, đã lặng-lẽ ẩn mình trong bóng tối, không xuất-hiện nơi công-cộng, không tuyên-bố, phát-biểu điều gì. 

        Ông mất tại Westminster, CA, USA, ngày 12-9-2010, hưởng-thọ 78 tuổi.

GHI THÊM:

Lê Xuân Nhuận là người đầu tiên được Cấp Trên cho riêng tiền-mặt (trao tay mỗi tháng $20,000.00), để tùy ý thuê nhà mà ở, khi thuyên-chuyển ra Vùng I, suốt một-năm-rưỡi sau cùng của mình tại Quân-Khu I mà cũng là một-năm-rưỡi sau cùng của VNCH tại vùng địa-đầu này.

Biến-Loạn Miền Trung