Cao Mỵ Nhân,  Văn

VĂN: Từ Bến Sông Thương & Chapa Dang Dở – Cao Mỵ Nhân

Nguồn ảnh: Internet

TỪ BẾN SÔNG THƯƠNG.     CAO MỴ NHÂN 

Vào khoảng giữa thập niên 80 thế kỷ trước, nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội ( 1914 – 2007 ) nói với tôi là bà sẽ cùng tôi đi lang thang thăm các văn nhân thi sĩ lớn tuổi, ở cả 2 miền nam bắc mà bà quen biết. 

Tôi rất hào hứng chờ dịp đi ” lang thang ” này. 

Trước nhất, tôi khỏi cần phải đọc sách báo, mới biết được thân thế và sự nghiệp một nhà văn, thơ nào đó mà mình muốn tìm hiểu, hay là muốn ” tham khảo” để định viết lách gì đó . 

Kế tới,  là tự nhiên tôi không cầu cạnh được giới thiệu, hay muốn diện kiến dung nhan quý vị tên tuổi ấy, mà bỗng nhiên được thấy tận mắt quý vị danh tiếng như các cụ Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Đông Xuyên, Bàng Bá Lân …vốn sống ở trong nam. 

Các vị nổi tiềng từ tiền chiến, như Thế Lữ, Anh Thơ… vốn sống ở ngoài bắc, sau 30-4-1975 lại vô nam cư trú vv… 

Người đầu tiên là nữ sĩ Anh Thơ ( 1921 – 2005 ), vì nhà bà ấy  ở số 11 đường Thiệu Trị, gần với biệt thự Úc Viên, cuối đường Nguyễn Mình Chiếu, của nữ sĩ Mộng Tuyết và cố thi sĩ Đông Hồ, giáo sư Hán học trường Đại học Văn Khoa Saigon trước 1975 . 

Mỗi lần đi như thế, nếu gần thì đi bộ lai rai, xa thì ngoắc cyclo chạy lài dài, thích lắm . 

Tôi thua bà đến ba chục tuổi, nên được hội thơ Quỳnh Dao của chúng tôi, do tôi tôn phong nữ sĩ Mộng Tuyết là niên trưởng kỳ 3, tức sau 2 vị niên trưởng đã quá cố : nữ sĩ Cao Ngọc Anh và nữ sĩ Đào Vân Khanh.

Quý vị hội viên coi tôi là em út Quỳnh Dao, đồng thời tôi là ” cây gậy ” của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội luôn. 

Do đó, đi đâu tôi cũng được vời tới …

Tuy nhiên, cũng là sẵn dịp vừa từ tù cải tạo ra, tôi chưa có công ăn việc làm, mới rảnh rang như thế, chứ sau này tôi đi làm rồi, thì rong chơi làm sao được nữa. 

Từ cái thập niên 30, nhị vị nữ sĩ: một trong nam Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, một ngoài bắc Anh Thơ, đã làm nổi đình đám thơ phụ nữ của nền thi ca mới, không bay bướm, sâu xa được như quý nam thi sĩ cùng thời: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, không trẻ trung, nội tâm được như Nguyễn Bính, Thâm Tâm vv…

Nhưng nhị vị Mộng Tuyết, Anh Thơ, lại mỗi người tự trải cho mình một cái chiếu thi ca riêng biệt trong làng thơ bấy giờ . 

Đi song song với quý nữ sĩ đương nêu, về thơ thôi, thì còn có các nữ tác giả khác như Hằng Phương ( phu nhân nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan) Vân Đài ( sau theo Bác Đảng 

CSVN cùng với nữ sĩ Anh Thơ) .

Cũng thời tiền chiến đó ( trước 1945 ), 2 cây bút nữ thi sĩ rất đáng trân trọng, quen thuộc trên cả nước là Ngân Giang và Tương Phố . 

Tất nhiên còn quý vị nữ thi sĩ khác nếu có, không nổi bật lên, chẳng hạn Mai Đình ( một trong số nữ nhân vật của nhà thơ hẩm phận Hàn Mặc Tử) vv…

Vì chỉ nhắc tới thi ca, nên quý vị nữ văn sĩ cùng thời hoặc xê xích, như quý bà nhà văn Thụy An , Mộng Sơn, Nguyễn Thị Vinh, Lính Bảo ( sau 1945 ) . 

Thi ca phái nữ VN thập niên 30 thế kỷ trước, có một sự kiện riêng biệt, một huyền thoại, mà khởi sự thì như một hiện tượng lạ, sau mỗi lúc mỗi huyễn ảo hơn, bởi cái tên ký tắt kín đáo, và nội dung không mới mẻ, nhưng đi vào đại chúng lan rộng mau chóng, đồng thời năm tháng cứ chất chồng thêm những bí ẩn của tác giả, chứ không phải câu chuyện. 

Đó là hiện tượng TTKH với hình ảnh ” Hai Sắc Hoa Tị Gôn ” .

Tôi đi hơi xa về mục đích bài viết này. Tôi chỉ muốn ghi một chút kỷ niệm về nhị vị mang chính danh nữ thi sĩ trên thi đàn thế kỷ vừa qua thôi : Mộng Tuyết , Anh Thơ.

Tất cả những chi tiết như khuynh hướng thơ, sự nghiệp thơ, cuộc đời nhị vị ấy, thì đã đầy đủ trên sách báo vv…

Có chăng là một thoáng gần cuối đời quý bà, mà tôi có cơ hội gặp gỡ. 

Nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội và tôi đã ngồi trong căn nhà nhỏ thôi, tầng trệt và cái lầu có ban công hẹp, bình thường . Tất nhiên nhà đó là của một gia đình trung lưu miền nam, đã bỏ đi ngoại quốc,  vì cộng sản Bắc Việt xâm chiếm miền nam. 

Nữ sĩ Anh Thơ theo ” cụ Hồ” cùng với bà Vân Đài, mà tôi chẳng rõ văn nghiệp bà này thế nào . 

Riêng bà Anh Thơ thì lặn lội theo đảng, theo thâm niên và tuổi tác bà đã lên tới chức ” thứ trưởng hàm” như một số văn nghệ sĩ tiền chiến theo Việt Minh lúc đầu , sau theo cộng sản là lẽ đương nhiên, như thi sĩ Huy Cận chẳng hạn.

Tức là cái chức để đó cho có vị , chớ chả có quyền hạn gì. Một nữ thi sĩ kiêm họa sĩ miền nam đã thản nhiên kêu đích danh nhà thơ Anh Thơ là ” Thợ thơ bậc 7 “cho phù hợp với giai cấp công nông đi lên. 

Nữ sĩ Mộng Tuyết giới thiệu tôi, Cao Mỵ Nhân, nguyên là thiếu tá VNCH, ngành Chiến Tranh Chính Trị , đã xong chuyện đi tập trung cải tạo về. 

Bà Anh Thơ im lặng một lúc, rồi cười cười kêu tên tôi, bà xưng là ” chị” như tất cả các nữ sĩ trong hội thơ Quỳnh Dao đều xưng ” chị ” với tôi . 

Bà “Thứ trưởng văn hoá” hay “Thợ thơ bậc 7 ” do thi họa sĩ XXX đặt cho bà, vốn có cái tên rất ” mĩ miều xa xưa” do cụ thân sinh đặt cho là Vương Kiều Ân.

Sau, dầu muốn tham gia kháng chiến, để có vẻ tân thời, phá khuôn thước phong kiến, nhưng trong lòng vẫn thích là  mệnh phụ phu nhân như hầu hết quý nữ sĩ ở thi đàn Quỳnh Dao. 

Chẳng hạn như nữ sĩ Vân Nương phu nhân luật sư Lê Ngọc Chấn, nguyên đại sứ VNCH ở Anh và Tunisie, như nữ sĩ Thu Nga phu nhân của kỹ sư Lương Sĩ Phu, như nữ sĩ Đinh thị Thục Oanh phu nhân của giáo sư thi sĩ Vũ Hoàng Chương vv…và hàng chục phu nhân quý vị tên tuổi khác …

Nên sau này bà thường tới dự tiệc ở các khuôn viên quý bà Quỳnh Dao . 

Bà kể lại giai đoạn bà được giải thưởng thơ của Tự Lực Văn Đoàn, và tìm cái bằng ghi giải thưởng thơ đó, do 3 thi sĩ ký tên là : Tú Mỡ , Thế Lữ và Xuân Diệu. 

Khi tôi đi Mỹ theo diện tị nạn, thì có mấy diễn đàn báo chí đang tranh luận là : Xuân Diệu có trong Tự Lực Văn Đoàn không ? Lý do cặp bài trùng thi sĩ lớn Huy Cận, Xuân Diệu như chim liền cánh, mà sao chỉ có Xuân Diệu trong Tự Lực Văn Đoàn là thế nào ? 

Nhà văn Đặng Trần Huân nêu chi tiết, là Cao Mỵ Nhân đã nhìn thấy tấm bảng ghi giải thưởng thơ Tự Lực Văn Đoàn do 3 thi sĩ nêu trên ký ở văn bằng nữ sĩ tiền chiến Anh Thơ, tất thi sĩ Xuân Diệu là thành viên Tự Lực Văn Đoàn. 

Như trên tôi đã trình bầy, là hậu tù cải tạo, tôi chưa có việc làm, nên cứ thế rong chơi. 

Nhị vị nữ sĩ Mộng Tuyết và Anh Thơ đều đề nghị tôi nên tới giúp bà Anh Thơ cái việc đọc lại những trang nhật ký của bà Anh Thơ đang viết theo yêu cầu của đâu đó ngoài trung ương, viết hồi ký mà có tiền …lương mấy đồng một trang, tôi chả nhớ . 

Tôi đang phây phây mỗi sáng ghé nhà bà Anh Thơ để đọc những trang bà viết, cũng chỉ là đường trường đi…cách mạng, xem một số chấm, phẩy , câu cú vv… văn phạm, chính tả sơ sài. 

Đương nhiên cũng có lúc tôi ở lại chơi, cơm nước vv…vì bà chỉ có một mình với cuốn nhật ký dở dang. Phu quân bà lúc đó là bác sĩ trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Tôi chẳng tò mò, nhưng tình cờ một lần nữ sĩ Mộng Tuyết kể rằng vị bác sĩ ấy nguyên xưa là y tá bệnh viện Chợ Rẫy tập kết ra Bắc năm 1954, nay trở về tiếp thu và được nhận ngay chức trưởng khoa thần kinh như đương nêu . 

Đã gần xong cuốn hồi ký ấy,có thêm một thanh niên tới đánh máy kiểu tạch tạch ngày xưa cho tác giả Anh Thơ . 

Phút cuối cùng kêu rang rảng, là bà hỏi tôi nên đặt tên cho cuốn hồi ký đó là gì ? 

Bà đã đặt cho hồi ký cái tên đằng đằng sát khí là: “Sống Chiến Đấu ” , chỉ còn thiếu mấy chữ ” theo gương bác Hồ ” nữa là đúng cái câu hằng ngày của đảng bà : ” Sống chiến đấu theo gương bác Hồ vĩ đại…” vẫn nói. 

Tôi chưa định trả lời thế nào, thì nữ sĩ Anh Thơ tiền chiến chợt nhớ ra, bà nói: ” ngày xưa nhà mình ở nơi có dòng sông Thương chảy qua đấy ” …

Thế là tôi đề nghị bà Anh Thơ đặt cho hồi ký bà : ” Từ Bến Sông Thương “, tôi giải thích đã hết chiến đấu rồi, chị cũng muốn kỷ niệm ” Từ Bến Sông Thương” đó chị thoát ly theo …cách mạng vậy . 

Bà Anh Thơ thú vị lắm, đã hoàn tất có lẽ là tập 1. Còn tập 2 đang coi lại . 

Tôi được nữ sĩ Mộng Tuyết kéo vào một nơi yên lặng nhất của Úc Viên, tư thất của nữ sĩ , dặn dò rằng : ” Thôi Cao Mỵ Nhân đừng ghé nhà chị Anh Thơ nữa, bà ấy là bà Anh Thơ, không giữ được bản lãnh như những người mình đâu, bà ấy nghe ông Thọ nào đó, vừa từ Bắc vô, nói rằng tại sao chị dám để một sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị địch đọc hồi ký trước khi phát hành . ” 

 Chu choa cũng may cái mối thân tình của nữ sĩ Mộng Tuyết với bà Anh Thơ lâu năm, chứ không thì họ vu vạ cho tôi tệ hơn nữa cũng chẳng kêu trời được . 

Tiếp theo, có một bữa tiệc  ở Úc Viên, cả bà Anh Thơ lẫn tôi đều có cách nhìn là muốn chào nhau mà cứ ngần ngại, tuy nhiên tôi chỉ là ” chiếc gậy “của nữ sĩ Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội niên trưởng Quỳnh Dao của chúng tôi, việc tới lui với bà Anh Thơ cho dù có thuận thảo, cũng chỉ là thứ yếu …

                      CAO MỴ NHÂN 

=================================================================

CHAPA  DANG DỞ.     CAO MỴ NHÂN 

Trở lại Chapa năm nay, có lẽ là lần cuối tôi với chàng không còn cơ hội gặp nhau nữa.

Tại sao tôi có ý nghĩ này, bởi lý do rất khách quan, là cả chàng lẫn tôi đều chán nhau đến độ tôi cứ nhìn đồng hồ xem đêm đã hết tới đâu.

Tiếng tích tắc của chiếc kim đếm thời gian, như tiếng búa đóng đinh trên nắp quan tài tình ái rỗng tuếch, trái với ước mơ thủa ban đầu, những cặp tình nhân thường thiết tha thổ lộ : ” Chúng mình sẽ chết cùng nhau trong một huyệt mộ ” .

Mùa xuân này hoa đào vẫn nở như những mùa xuân trôi qua thung thổ núi rừng  Chapa, khi tôi được sinh ra, lớn lên, trong bầu không khí ẩm ướt quanh năm .

Tôi bỗng muốn khóc thét như những cô nàng Mèo đến tuổi cập kê xưa, hay khóc oà ra như trẻ thơ thèm sữa mẹ quá, mà người mẹ đi mãi không về. 

Mùa xuân ư ? 

Mùa xuân ở một miền lâm nguyên xa nhất, cao nhất đất nước Việt Nam . 

Quý vị sẽ cười mỉm, rồi nói rằng: ” Lâm nguyên nào mà chẳng ở xa nhất so với nơi chúng ta đang sinh sống thường ngày, thí dụ người ở Cao Bằng nhìn về Đà Lạt . Hay người ở Cà Mâu ngó tới Lạng Sơn chẳng hạn …” 

Nhưng cao nhất, thì không thể lý luận chung chung thế được, cao nhất hay không, phải so từ mặt đất xuống bờ đại dương chứ . 

Đại dương là cái bình thông đáy khổng lồ, tuy nó được Thượng Đế cho hiện hình theo độ cong của địa cầu, nhưng tôi không dám lan man …

Tôi chỉ đang muốn tưởng tượng lại chốn xưa, nơi tôi được sinh ra : Chapa như nêu trên, danh xưng nghe tưởng là câu thần chú nhật tụng mỗi lần tôi nhớ lại, tưởng tượng thêm, vì mỗi ngày mỗi chồng chất thêm năm tháng . 

Bức thư của người Chapa gởi cho tôi, bảo rằng : 

” Cô có về không, cả một phương trời đầy hoa anh túc, đa sầu đa sắc, đã tất cả cùng phai như mầu tóc thượng tầng cao nguyên Xuân Viên, làng nghỉ mát Chapa, Đông Dương…” 

Ôi sao chúng ta cứ phải níu kéo dĩ vãng cả trăm năm trước thế ? 

” Thế cô không nhớ tôi là chàng a phủ thời đó ư ? 

Hãy lắng lòng thêm một chút nữa, hình ảnh mùa xuân đầy khói sương đã huyễn hoặc chúng ta cho đến giờ này, dẫu cô đang xa cách thiên đường chúng ta cả nửa vòng trái đất, tôi vẫn bồi hồi xúc động, nhớ nhung… “

Tôi chạnh nhớ tới mùa xuân sau cùng, khi bố mẹ tôi quyết định rời bỏ Chapa , đưa chị em tôi về suôi . 

Tức là sau mùa xuân năm đó, chúng tôi đã ở đồng bằng . 

Mỗi lần mẹ và chúng tôi, ngước nhìn trời mây châu thổ bay về hướng núi xa xôi, tất cả đều buồn, chị lớn tôi tên Thy , lại kể chuyện Chapa, làm  như chỉ có mình chị Thy tôi biết : 

” Có nhớ không, cái đám rước từ lòng rừng ra khỏi dốc hoa đào, ngang cửa nhà mình, tiếng kèn Mèo quyện vào tiếng thanh la, rung cả nhà cửa, em Mỵ , là tôi đấy , sợ quá , 2 tay bịt mắt lại , chúi xuống gầm bàn …” 

Bà cô tôi đang lo tết nhất nhà quê ngoài Bắc, dừng tay quấy nồi chè kho, là chè đậu xanh đánh như chè Huế, nhưng bỏ mật ( mật là loại đường đen lỏng ) hỏi chị Thy  tôi:

” Vậy người Mèo thế nào ? Ăn mặc thế nào ? Dữ hay hiền ? ” 

Người Mèo ở độ cao nhất các thứ người thiểu số đó . 

Họ dệt vải ” thổ cẩm ” chủ yếu  có 3 mầu thôi, đen , đỏ và chàm. 

Thấy trong đám rước hôm đó, đàn ông mặc quần, áo lá, đàn bà mặc váy , áo lá . 

Đó là ngày xa xưa, chứ bây giờ, thanh niên dân tộc thiểu số đã văn minh, mặc quần jean, áo thung, xe honda  leo núi như điên rồi .

Đám rước gồm đàn ông, đàn bà đi hàng dọc lộn xộn, đông độ mấy chục người thôi, không có người già quá, cũng không ai bế ẵm con nít quá nhỏ đi theo. 

Họ đi suốt con đường chính của thành phố Chapa mà thủa đó kéo dài cho tới bây giờ, cơ sở đẹp nhất vẫn là ngôi nhà thờ xây bằng đá . 

Ở ngay cửa ra vô lòng nhà thờ , có cây hoa đào cánh kép . 

Đám rước  xuống khu chợ, dừng  ngang nhà bà đồ Mèo . 

” Bà đồ Mèo ” là tiếng của người Kinh gọi bà người Mèo, bà chuyên nghề ” xỏ lỗ tai ” cho các cô bất kể Kinh Mèo…và nhất là các bé gái .

Chị em tôi cũng được mẹ dẫn tới xỏ 2 lỗ tai để đeo khuyên bạc với kiềng bạc như tất cả chị gái và bé gái ở Chapa xưa. 

Bà đồ Mèo bỏ rừng ra thành phố lập nghiệp ” xỏ lỗ tai ” . 

Bà đồ Mèo lấy một chiếc kim may nhỏ đã luồn sẵn một sợi chỉ tơ trắng ngả mầu cháo lòng làm dụng cụ xỏ tai. 

Điều quan trọng là bà đồ Mèo chỉ dùng 2 đầu ngón tay cái và trỏ bên tay trái, bóp vào trái tai, giữ yên đó, xong tay phải cầm cây kim may  kể trên . 

Đoạn bà xuyên cây kim qua trái tai đang có 2 ngón tay bà giữ, cho cây kim chui qua hẳn lỗ nhỏ với sợi chỉ tơ để một khúc chỉ nối lại, đánh dấu 2 lỗ tai của khách hàng .

Cho tới khi lỗ tai tự lành, cắt chỉ toong teng, còn lại 2 lỗ thủng ở 2 trái tai sẵn sàng đeo đôi khuyên bạc như tất cả con gái Mèo . 

Cứ cách xỏ tai chuyên nghiệp đó, bà đồ Mèo là người duy nhất làm nghề quen thuộc này ở Chapa.

Thái độ nửa tỉnh thành, nửa man dại của bà đồ Mèo, đã hấp dẫn hầu hết khách bất kể ai muốn xỏ lỗ tai. 

Bữa có đám rước nêu trên, bà đồ Mèo kê ngoài cửa nhà một cái lu bự đựng nước mưa trong veo, gác mấy cái ống bương đã được cưa mấy đoạn có cái mắt bương, để làm đồ dùng múc nước  uống, như ở miền suôi họ có gáo dừa múc nước .  

Đám rước Mèo dừng lại, mấy người thay nhau uống nước . 

Rồi theo nhau líu ríu trở vô rừng đang có chút nắng xuân . 

Chắc bộ lạc ấy cũng đông, ước độ vài trăm người.  

Cuộc sống lẩn khuất, huyền bí của họ , chẳng làm phiền ai. 

Sa Pa  trẻ trung bây giờ là hậu thân của Chapa già lão  cỗi cằn, mà tôi cứ thương nhớ mãi . 

Trung Tâm Du Lịch Sa Pa lâm nguyên, như cô gái  tầm xuân, cứ lượn lờ trước mắt khách du, không sao tìm được quá khứ, cho dẫu quá khứ đó không đẹp, huống chi quá khứ đó lại quá tuyệt vời . 

Tôi cúi xuống thau nước ấm mùi hoa đào, che dấu những giọt nước mắt não nùng đang lã chã tuôn rơi…

Thì cũng phải  ra phố một lần trước khi vĩnh viễn chia tay. 

Tôi thay chiếc áo lụa bạch, mầu tóc cũng lạt phai như tình ái cuối mùa tang chế…

Chàng đăm chiêu buồn, chắc đang tưởng nhớ thời gian chúng tôi gặp nhau ở “chợ tình ” . 

Nghĩ đến ” Chợ Tình “, tôi lại buồn cười . 

Sự thực cách đây hơn nửa thế kỷ, không ai nói hay là nhắc tới, bởi lẽ khi người Pháp còn trên đất nước VN nói chung, và ở Chapa nói riêng, Chapa do tên Tây đặt cho phần đất mà họ gọi là ” Làng nghỉ mát ” để những ông tây bà đầm đi du lịch hay dưỡng bệnh . 

Nếu đúng dịp 14-7 dương lịch hàng năm, thì những người Tây đó họ tổ chức tiệc tùng vui chơi kỷ niệm ngày phá ngục 

Bastille 14-7-1789, dựng Khải Hoàn Môn ở Paris. 

Họ căng dù mầu, kết hoa, rượu Tây, bánh ngọt vv…

Người Kinh và người Mèo thường nói ” ngày hội ” Cát tó zdu zdee ” có nghĩa ” 14 – juillet ” vậy thôi. 

Danh xưng ” Chợ Tình Sa Pa ” sau này như một hứng thú với khách du lịch trong và ngoài nước, âu là cái số lãng mạn cho một thành phố núi rừng thời đại . 

Rằng nơi đó, chợ tình nhóm họp ở vài chỗ công cộng trong thành phố . 

Nơi nam nữ thanh niên có thể tới đó gặp gỡ, hẹn hò vui vẻ, và cũng đã từng người bản xứ vừa ý, nên duyên chồng vợ . 

Ở Praha Tiệp Khắc có ” Cầu Tình “, nhưng chiếc cầu này chỉ có những nghệ sĩ lãng tử ngồi đàn ghi ta, phong cầm dửng dưng, ai muốn nghe thì nghe, không hề thấy những đôi nhân tình tới đó ngó mây trôi dưới đáy sông. 

 Bất giác tôi mỉm cười nhẹ như hơi gió bấc thổi tới lâm nguyên lạnh lẽo, buồn bã: 

” Anh ạ, hương hoa anh túc sẽ ủ hồn em cho tới khi Chapa tan vào khói sương nha phiến …”

Chàng hôn khẽ vào đôi mắt mờ lệ tủi, tại sao tôi phải khóc khi chính nguyên nhân giã biệt không cần phải đặt ra. 

Như thế nghĩa là sao ? 

Có ai bắt buộc chàng và tôi phải xa nhau vĩnh cửu trọn đời này ? Ôi, câu hỏi tự nó trả lời rồi. Đất trời đã là vực sâu ngăn cách đấy . 

Chẳng lẽ tôi ở lại đây ? 

Còn chàng, thì chẳng lẽ theo tôi đi đến cuối trời xa tít mù khơi ư  ? 

Tức là chúng tôi thiếu sức khoẻ, hay nói thẳng ra chúng tôi không còn tuổi trẻ để trang trải tình yêu say đắm hương xuân của hoa rừng ngạt ngào, trên những vạt cây anh túc muộn phiền mê muội . 

Nhưng sao cứ mỗi mùa xuân về, tôi cứ phải gặp lại Chapa, 

vì tôi không có gì ngoài Chapa làm vốn liếng  . 

Tôi chỉ có vùng trời đó, phần đất đó làm vốn liếng cho tư duy, nuôi dưỡng tâm tư tình cảm tôi, điều sáng rỡ lấy làm hãnh diện cho tôi bầy tỏ với mọi người . 

Tôi đứng ở biên đình, như một người sống giữa quê hương, đợi khách lỡ viễn phương, cả hai đều mang tâm sự về Sa Pa dang dở . 

Biên giới hoa đào đã khai quang lãnh địa. 

Ngày xưa chỉ toàn một mầu hồng phấn miên man, thủa nguyên sơ tĩnh lặng không một dấu thú hoang, vì là rừng cảnh, nên chỉ có vết hoa rơi ướt hài khách văn nhân, tài tử . 

Khi ra khỏi nhà ở cửa rừng hoa đào cánh kép, con dốc đổ xuôi hình thước thợ . 

Đó là đoạn dốc ngắn trước cửa nhà ba tôi. 

Ngôi nhà với 3 mặt lắp kiến  dày, và phần lưng nhà thì lại là vách núi cheo leo. 

Cuối đoạn dốc, rẽ qua tay trái, bắt đầu đại lộ chính của Sa Pa, cũng dốc, nhưng thẳng tắp, đại lộ này đã có lần thật xa xăm, bà vú em bồng tôi trên tay, để bước theo đoàn rước của người Mèo, vào mùa xuân năm ấy. 

Chị Mỹ tôi đang được cha cố người Pháp làm lễ rửa tội , và cả gia đình bố mẹ tôi thủa ấy đang sắp sửa bữa tiệc trưa nơi sân nhà thờ đá, để hân hoan mừng đón ân sủng của Chúa vừa cho chị Mỹ tôi trở lại đạo . 

Chị Mỹ tôi bây giờ không còn nữa, nhưng hình ảnh bé gái mũm mĩm mặc áo dài, tóc bum bê, mở to đôi mắt nhìn cha cố 

đọc những lời ” mặc  khải  ” của  Thiên Chúa tối cao, lại khiến tôi thương nhớ Chapa thần thánh nhiều hơn. 

Tôi thở dài, nhà thờ đá vẫn hiện thân của một thời xưa cũ không thay lòng đổi dạ. 

Nhưng sao tôi vẫn thấy lòng mình chẳng vẹn toàn .  

Thế là tôi từ giã chàng, người tình Chapa nguyên thuỷ của tôi, cũng sẽ là người tình muôn đời chỉ hiện diện trong ký ức xa mờ . 

Tôi cúi xuống ven đường vòng quanh Cát Cát, hái một nụ hoa sún mầu xanh biếc, hoa dại chưa từng ai đặt tên, tôi thầm thì nói thật nhỏ, nhỏ thêm chút nữa, bởi vì nếu tôi có nói lớn hơn, cũng chẳng có ai nghe, Chapa sẽ bị chôn vùi cùng cát núi, cỏ rừng …

Tên tuổi nó, mang hình ảnh chàng ta đang lịm chết dưới tảng đá khổng lồ, vô cùng trừu tượng ở muôn xưa Fang ci Pan.

Đã từ nửa thế kỷ trước, người ta khoác cho nó một cái tên hiền lành nhưng thơ mộng là Hoàng Liên Sơn hay Núi Sen Vàng.

 Khi tôi đứng cạnh anh, tôi chỉ là tấm bia đá sầu  ghi nhớ cuộc tình si thung thổ của lâm nguyên này .

Chiếc xe rời khỏi cầu Mây, tôi bâng khuâng tự hỏi: ” Tới bao giờ trở lại ? Ô hay vĩnh biệt rồi mà . ” 

Dẫu không tử biệt, cũng là sinh ly. 

Trăm năm như một luồng gió thổi qua vách núi, mang khí lạnh về suôi, không có một hơi ấm nào ngoài năng lượng của mặt trời, ấp ủ tình yêu mất dần ý nghĩa : Chapa huyền thoại đâu còn nữa, chỉ có Sa Pa huyễn hoặc ở thủa này . 

               CAO MỴ NHÂN