Biên khảo

“TRONG ÐÊM ÐEN, CHỢT THẤY ÁNH MẶT TRỜI…”

“TRONG ÐÊM ÐEN, CHỢT THẤY ÁNH MẶT TRỜI…”

                                                                                                Giao Chỉ, San Jose.  

              (Ðây là bài thứ hai trong loạt bài viết về trân Quảng Trị vào tháng 7, 1972)

 

Nhớ về 37 năm xưa.

Tháng 7 năm 2009 chúng tôi đi đường bộ suốt 2 miền nam bắc California, tìm gặp lại trực tiếp các chiến hữu. Qua điện thoại, gặp anh em toàn nước Mỹ. Vào mạng lưới toàn cầu hỏi thăm đồng hương trên thế giới. Hỏi rằng để làm gì? Xin trả lời là đi tìm tài liệu cho bộ phim về miền đất Quảng vào mùa hè đỏ lửa1972.

20 tháng 7 năm 1954 đất nước chia đôi giữa Quảng Bình và Quảng Trị. Miền Trung quê nghèo Việt Nam có đất Quảng Trị là nơi lầm than khổ ải nhất. Hơn 20 năm chiến tranh Quốc Cộng Bắc Nam, miền hỏa tuyến chịu đựng nhiều tổn thất. Bây giờ là lúc phải viết lại trang sử 30 năm về trước bằng phim ảnh dành cho con cháu người xứ Quảng 300 năm sau.

Vì vậy chúng tôi cần rất nhiều tin tức và tài liệu. Cố gắng hoàn tất vào tháng 9 năm nay. Bởi vì lá cờ vàng được bay cao trên cổ thành Ðinh Công Tráng lần đầu vào đúng ngày 15 tháng 9 năm 1972.

 

Tìm về với nhau nên anh em cùng khóa lại có dịp hội họp tại nhà anh chị Hồng Phựơng Lê xuân Ðịnh. Thầy Nguyễn Thọ Lập, đại đội trưởng đại đội sinh viên Ðà Lạt 1954 bây giờ đã 92 tuổi ngồi chủ tọa. Người ăn uống chậm chạp nhìn đám học trò gần 80 tuổi mà sao vẫn còn ồn ào như sinh viên sĩ quan 20 tuổi lúc mới vào đời.

Nguyễn Hữu Luyện bây giờ từ Boston đã về định cư tại quận Cam nói rằng . “Lúc tụi nó đánh thắng Quảng Trị thì moa đang ở tù. Khi chiến thắng thì bọn nó gáy dữ lắm. Lúc các cậu lấy lại được thì không thấy bọn nó thông tin. Nhưng nếu làm phim tài liệu cho lịch sử sau này thì không phải là tuyên truyền. Phải kể rõ lúc ta bị thua rút lui, mất Quảng Trị rồi, lúc lấy lại mới có giá trị. Thua thì phải nói là thua.

Anh bạn cùng khóa Nguyễn hữu Luyện, đeo lon đại úy biệt kích nhẩy Bắc từ thời 1963, khi trận 72 xảy ra thì đã ở tù 9 năm. Nằm trong tù, bạn ta đã tưởng miền Nam mấạt luôn từ ngày đó. Anh em chúng tôi cùng lứa tuổi và cùng vào đời một lượt nên câu chuyện hết sức thông cảm và hào hứng. Anh Lại Thọ là liên lạc viên của khóa Cương Quyết Ðà Lạt tại Nam Cali luôn luôn sốt sắng nối liền tình nghĩa bốn phương.

Cùng ngồi hàn huyên với nhau, chúng tôi có anh Trần quốc Lịch và Phạm văn Chung. Người bên nhẩy dù mũ đỏ và người bên mũ xanh thủy quân lục chiến. Bây giờ cùng ngồi đây hỏi chuyện xưa, thực là hết sức kỳ thú trong duyên hạnh ngộ lạ lùng. Năm 1972 vào tháng 4, bạn Chung đem lữ đoàn 369 tăng cường Vùng I. Lúc đó quốc lộ số 1 vẫn còn an toàn từ Thừa thiên cho tới Quảng Trị. Khi mặt trận Quảng Trị bị vỡ, Phạm văn Chung rút quân về phía Nam sông Mỹ Chánh và con đường lúc đó mới trở thành kinh hoàng.

Tháng 5-1972 vừa xong trận Vùng II, Trần Quốc Lịch đem lữ đoàn II nhẩy dù ra mặt trận hỏa tuyến.

Khi lữ đoàn 369 TQLC hoàn toàn chặn đứng cuộc tấn công của cộng sản tại sông Mỹ Chánh thì anh Phạm văn Chung bàn giao đơn vị lên làm tham mưu trưởng hành quân sư đoàn để chuẩn bị cho trận phản công.

 

Ông Trưởng ngay khi về tư lệnh vùng 1 đã có trong tay toàn thể 2 sư đoàn tổng trừ bị.

Anh Lịch chỉ huy lữ đoàn II của sư đoàn mũ đỏ đi bên cận sơn. Anh Ngô văn Ðịnh chỉ huy lữ đoàn 258 của sư đoàn thủy quân lục chiến đi phía duyên hải. Mỗi bên đều có đủ mặt 3 lữ đoàn. Sư đoàn TQLC ngày đó lại còn có trung tá Ðỗ đình Vượng, lữ đoàn phó 258. Trung tá Phạm ngọc Thụy, tiểu đoàn trưởng yểm trợ thủy bộ và trung tá Bùi văn Phẩm, chiến tranh chính trị. Toàn là anh em Cương Quyết Ðà Lạt 54. Bên mũ đỏ còn có trung tá Ngô lê Tĩnh và nhiều chiến hữu cùng khóa.

Trục tiến quân Nam Bắc với 18 tiểu đoàn tác chiến tổng trừ bị, thiết giáp, pháo binh, công binh cùng vượt sông Mỹ Chánh. Mục tiêu là thị xã và cổ thành Quảng trị 18 cây số về phía bắc.

Từ trên trực thăng nhìn xuống toàn bộ chiến trường, quang cảnh hết sức hùng tráng.

Ðó là ngày 28 tháng 6 -1972.

Cùng lúc đó, tại cao nguyên, mặt trận Kontum đã giải tỏa xong. Tổng thống Thiệu gọi

là Kontum kiêu hùng.

Mặt trận An Lộc đã có phần lắng dịu. Hai sư đoàn cộng sản tấn công 30 đợt vào thị xã đã bị đẩy lui. Mười ngày sau, 07/07/72 Tổng thống Thiệu bay vào An lộc và tuyên bố danh hiệu Bình Long Anh Dũng

Thời gian đó là vào giữa tháng 7 năm 1972, tổng trừ bị của bộ tổng tham mưu tiếp tục tiến quân về Quảng Trị. Từ Saigon, sau chiến thắng An Lộc, miền Nam bây giờ tập trung theo dỏi bước tiến của mũ xanh, mũ đỏ cùng với mũ đen thiết giáp.

Và từ Paris, tin tức về mặt trận hỏa tuyến cũng được theo dỏi mỗi ngày.

Bây giờ 37 năm sau, chúng tôi cũng đọc lại nhật ký hành quân và muốn có đầy đủ tài liệu dành cho bộ phim Quảng trị 1972.

 

Quảng Trị, đất cầy bằng bom đạn.

Theo quốc lộ, từ Huế đi lên, qua khỏi ranh giới Thừa Thiên là vào quận Hải Lăng. Quận lỵ đầu tiên của miền giới tuyến. Theo tài liệu năm 1970 quận này có 60,739 dân. Qua sông Mỹ Chánh đi lên sẽ gặp thị xã và cổ thành nằm trong đất quận Mai Lĩnh với 70 ngàn dân. Cổ Thành trong thị xã mang tên Ðinh Công Tráng (1842-1867) là một lãnh tụ Cần Vương chống Pháp vào cuối thế kỷ 19 tại vùng Nga Sơn, Thanh Hóa. Tiếp tục vượt sông Thạch Hãn, vào đất Triệu Phong, quận lớn và đông dân nhất lên đến 79 ngàn dân.Vẫn đi theo con đường cái quan số 1 của miền Trung, ta sẽ qua sông Ðà Ðiếu vào trị trấn Ðông Hà. Ðây là ngã ba có con đường chiến lược số 9 chạy qua Cam Lộ, Hướng Hóa dẫn vào Tchépone của Hạ Lào. Tiến thêm về phương bắc là quận Gio Linh với con sông Bến Hải cùa vùng phi quân sự. Quảng Trị vào đầu thập niên 70 có 7 quận với 300 ngàn dân, nhưng tất cả đã di tản, chỉ còn lại khoảng 30 ngàn người khi cuộc tấn công tháng tư 1972 bắt đầu. Trong số này bao gồm cả vợ con lính đi theo chồng ra chốn biên cương. Trong trường hợp như vậy, chúng ta có thể hiểu được tại sao người lính địa phương đã phải bỏ đơn vị, đi tìm vợ con giữa vùng trời lửa đạn khi hai bên bắn phá ngày đêm suốt hai tháng 4 và 5 của mùa hè 1972.

 

Trận Quảng trị, giai đoạn rút lui.

Không có thế thủ làm sao có thế công, không có rút lui làm sao có tái chiếm. Không có thất bại làm sao có chiến thắng.

Trung ương đảng từ Hà Nội ra lệnh tiến công 30 tháng 3, 1972. Nhưng nói cho gọn chuyện bên ta coi như đầu tháng 4 năm 1972 trận mùa hè tổng công kích của cộng sản mở ra trên 3 mặt trận. Khác với Mậu thân 68 địch dùng toàn lực của bộ đội có sẵn trong Nam đánh vào các đô thị. Lần này toàn bộ lính miền Bắc luồn qua Nam Lào đánh vào cao nguyên. Cành quân khác theo đường mòn Hồ chí minh vào đất Cam Bốt đánh qua biên giới miền Ðông.

Trận Quảng trị kéo dài 2 tháng, đại quân cộng sản mở trận địa chiến tấn công trực diện và đạt chiến thắng toàn thể Quảng Trị từ Bến Hải đến Mỹ chánh.

Ðịch dự trù trong 3 tháng sẽ đánh đến đèo Hải Vân. Như vậy là tháng 6 năm 72 phải chiếm được hai tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên bao gồm cả xứ Huế.

Với miền đất nối liền vào hậu phương miền Bắc, được quân viện đầy đủ của cộng sản quốc tế, Hà Nội dự trù đặt thủ đô của chính phủ giải phóng miền Nam tại Quảng trị để lấy thế thượng phong tại hòa đàm Paris.

Phải công tâm mà ghi lại rằng, trong hai tháng 4 và 5 năm 1972, cộng sản đã tấn công mãnh liệt, chấp nhận thương vong, hết sức chịu đựng, lần lượt phá vỡ các phòng tuyến của miền Nam. Các đơn vị bộ binh, thủy quân lục chiến, biệt động quân, thiết giáp, pháo binh của Việt Nam Cộng Hòa đã cố gắng trì hoãn chiến nhưng không cản được bước tiến của địch. Nhiều đơn vị mất tinh thần. Việc lui binh không còn trật tự và yếu tố dân chúng đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc thất thủ Quảng Trị. Với 6.000 quân của miền Nam trên đường di tản nhiều lúc đã lẫn lộn với 30.000 dân Quảng Trị tạo thành 1 cuộc tháo chạy kinh hoàng và đem lại chiến thắng dễ dàng cho miền Bắc.

Do đó bộ phim Quảng Trị với chiến thắng sau cùng vào tháng 9 sẽ không trọn vẹn nếu không ghi đủ những nét đau thương của cuộc lui binh từ tháng 4-1972.

Căn cứ Carroll của trung đoàn 56 bộ binh đã đầu hàng ra sao ?

Vì những lý do bí ẩn nào chứ không phải đơn thuần là binh sĩ không chịu chiến đấu. Ai là người lính đã thoát hiểm trong cuộc đầu hàng trở về từ Camp Carroll vào tháng 5-1972. Xin hãy cất tiếng. Pháo đội thủy quân lục chiến tăng phái tại Carroll đã từ chối lệnh đầu hàng của trung tá Phạm văn Ðính để tiếp tục chiến đấu. Còn ai ngày nay có thể nhân danh pháo đội anh hùng ngày xưa để đứng ra làm nhân chứng chống lại ngọn cờ trắng 37 năm sau.

Khi Carroll thất thủ thì bên căn cứ Ái tử của lữ đoàn trưởng TQLC, đại tá Ngô văn Ðịnh đang làm gì. Làm thế nào có thể bảo toàn lực lượng để về đến tuyến sông Thạch Hãn.

Tiếp theo, sư đoàn 3 tan hàng ra sao. Tại sao vị tướng tư lệnh SÐ 3 bộ binh lại phải đơn phương rút lui trên xe thiết giáp rồi bị chặn đường phải trở lại đi bằng trực thăng.

Trong những ngày tháng oan nghiệt của năm 1972 đầy tin tức mâu thuẫn và lòng người phân tán, chúng ta không có được sự thực, nhưng ngày nay, 37 năm sau, bình tĩnh lại, phảiÔ ghi nhận các sự kiện khách quan và rõ ràng hơn. Sẽ phải có tiếng nói của tất cả mọi người trong cuộc.
 

Giai đoạn phản công tại Quảng trị

Từ 28 tháng 6 năm 1972 đại quân miền Nam đánh lên. Không yểm Hoa kỳ và VNCH vẫn ở thế thượng phong. Hải yểm từ đệ thất hạm đội là yếu tố quan trọng. Thiết giáp và pháo binh của ta tiếp tục góp phần chiến đấu hết sức mãnh liệt. Lính miền Nam bổ sung cho Nhẩy dù và Thủy quân lục chiến chở từ Saigon ra chiến trường trên máy bay liên tục ngày đêm. Phần lớn là tân binh trẻ. Tuổi đời dưới 20. Tái trang bị cho tiểu đoàn 11 nhảy dù là một thí dụ điển hình. Ðơn vị vừa anh dũng tan hàng tại Charlie, Tân cảnh, lập tức được bổ sung đầy đủ rôiợ vội vã lên đưởng ra hỏa tuyến. Từ một đơn vị mang chiến thương rất nặng tiểu đoàn đã hiên ngang đứng lên lãnh danh dự chiến thắng hàng đầu trên quốc lộ số 1 khi mũ đỏ tiến vào Quảng Trị.

Lính bên ta đã trẻ, nhưng lính của địch lại còn trẻ hơn nhiều. Hà nội bắt cả lính trẻ con 15 tuổi lội qua sông Thạch Hãn để vào giữ Quảng trị.

Cái đau thương của dân tộc là cuộc chiến tương tàn đã hy sinh tại Quảng Trị trên 30 ngàn thanh niên trẻ tuổi của 2 miền Nam Bắc từ tháng 4 cho đến tháng 9-1972.

 

Trong đêm đen, chợt thấy ánh mặt trời

Nhưng sau cùng thì cuộc chiến nào cũng có lúc phải chấm dứt. Mặt trận Quảng Trị, tạm thời ngưng vào ngày 15 tháng 6-1972 lúc mà 5 chiến binh của đại đội 2 tiểu đoàn 3 lữ đoàn 147 TQLC cắm ngọn cờ ở phía đông bắc cổ thành.

Ngày 16 tháng 6 năm 1972 có lễ chào cờ chính thức của sư đoàn, nhưng với lịch sử, 15 tháng 6 năm 72, khi lá cờ vàng bay lên lần đầu tiên với sự hiện của 5 anh lính vô danh chính là giờ phút phải ghi nhớ. Chúng tôi muốn tìm gặp 5 anh lính TQLC 37 năm về trước. Hình ảnh còn đây nhưng bây giờ người ở nơi đâu ?

Nếu có thể đắp lại pho tượng cờ bay sẽ phải làm theo mẫu hình này. Cũng như hình ảnh của lính Mỹ cắm cờ tại đảo Iwo Jima trên Thái bình dương vào đệ nhị thế chiến.

Chúng tôi rất muốn gặp lại những chiến binh trung đội trưởng và đại đội trưởng của các đơn vị vào được cổ thành trong ngày đầu tiên của tháng 9-1972. Cán bộ cấp trung đội và đại đội tay cầm súng dài, chân bộ đi lên cùng binh sĩ tuyến đầu chính là các hoàng tử của chiến trường.

Rồi cũng phải cố tìm ra cho được vào tháng 7 oan nghiệt đó, khi mũ đỏ bàn giao cho mũ xanh thì những người lính nhảy dù tiền sát ngã xuống tại Quảng Trị đang ở vị trí nào. Trinh sát mũ đỏ có ai đã vào được cổ thành, và ai là người nằm chết ở chân thành trong tay vẫn còn lá cờ vàng. Ở một nơi nào đó vào ngày cuối tháng 7-1972 đã có những thiên thần mũ đỏ, áo hoa dù che phủ lá quốc kỳ, vĩnh viễn nằm xuống khi cố gắng giơ cao ngọn cờ lấy thành tích cho binh chủng, cho quân đội và cho cả miền Nam. Chúng tôi đã có cơ hội hỏi chuyện các chứng nhân của lịch sử. Có người đã thấy lá cờ Vàng nằm dưới đất ngoài cổ thành bên xác hai chiến binh mũ đỏ và đồng thời cũng thấy cờ Vàng trong tay 5 chiến binh mũ xanh tung gió trên trời Quảng Trị. Trong hai lá cờ đó, cờ nào bay trong tim chúng ta suốt 37 năm qua?

Những câu chuyện này sẽ được soi sáng trong bộ phim cùng với bài Cờ Bay hết sức hào hùng. Phải là người yêu thương quê hương miền Trung, trong niềm cảm hứng rạt rào, tác giả mới có thể viết những lời ca mãnh liệt như thế.“…Ta ôm nhau, mắt lệ nghẹn ngào, quỳ hôn đất thân yêu… Anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Ðông Hà… này mẹ này em, hồi sinh rồi, vui hôm nay, trong đêm đen tìm thấy ánh mặt trời…”           Hơn 30 năm thăm hỏi, chúng tôi mới biết được ai là tác giả. Ðó là người cựu chiến binh năm nay 82 tuổi vẫn còn phiêu dạt ở Việt Nam. Bài ca của ông chỉ sống có 3 năm tại Saigon từ 72 cho đến 75 nhưng đã tái sinh trên 30 năm trong lòng chúng ta, trên khắp thế giới.   Lòng ta như thành này.

Và sau cùng, ai đã viết bài thơ dành cho Cổ Thành và ai đã phổ nhạc với những lời hào hùng nhưng bi thảm như sau :

Trời Quảng Trị mây đen, Ðá Cổ Thành nát vụn.

Người chiến sĩ tiến lên. Bước chân trên đất lún.

Cát trắng bãi trơ xương, Cỏ xanh còn rướm máu.      

Khắp nơi đều sa trường. Quạ đen tìm chỗ đậu.

Dọc đại lộ kinh hoàng. Nồng nặc mùi tử khí.

Xác quân thù ngổn ngang. Gió từng cơn rền rĩ.

Tiếng pháo trời La Vang. Tuyến xuất quân Mỹ Chánh

Chiến sĩ tiến hàng ngang. Ðịch cùng đường Thạch Hãn

Hàng binh gom một đoàn. Bắc quân toàn con nít.

Nhà nước đưa vô Nam. Ðem con vào chỗ chết.

Thương đứa bé mười lăm. Em cúi đầu khẽ nói.

Con gọi ta bằng ông. À ta đã có cháu.

Cơm đây tạm lót lòng. Tim ta đang rướm máu.

Ai đưa con cây súng. Vào giải phóng ông đây

Chiến thắng cờ ta bay. Tiếng hát đẫm nước mắt.

Lòng ta như thành này. Vinh quang trong tan nát ….

 

Ðã quá lâu rồi, không chắc còn nhớ đúng, nhưng tác giả chiến hữu vẫn còn đây. Sẽ hỏi lại và tu chỉnh sau. Chỉ e rằng tác giả cũng chẳng còn nhớ. Ðể lâu ngày có khi quên cả tác giả là ai.

 

Nhu cầu và những câu hỏi.

Trên con đường dựng lại bộ phim Quảng Trị chúng tôi cần rất nhiều tài liệu, tác phẩm và hình ảnh liên quan đến chiến trường 1972. Phải có được bản đồ trận liệt Quảng Trị và Vùng I. Bản đồ hành quân triệt thoái và tấn công trên các căn cứ từ Mỹ Chánh ra đến Bến Hải. Dựng lại sa bàn để dẫn giải mọi diễn tiến trận liệt. Sẽ phỏng vấn tất cả mọi giới chức đã tham dự chiến dịch. Hơn thế nữa, phải tìm đọc tất cả tài liệu của cộng sản viết về trận Quảng Trị 72. Sẽ nói chuyện với quân nhân các cấp bao gồm mọi binh chủng và đơn vị. Chúng tôi sẽ có dịp nói chuyện với cả quân dân chánh Quảng Trị đã trải qua thời binh lửa 72, đã sống còn trên đại lộ kinh hoàng.

Và sau hết sẽ phải kể đến các chiến binh địa phương, thiết giáp, biệt động quân, pháo binh, công binh, hải quân và không quân VNCH đã chiến đấu và hy sinh ra sao vào những ngày hết sức gian khổ 37 năm về trước.

Nếu quí vị có tin tức và tài liệu.

Xin liên lạc về văn phòng IRCC, Inc.

địa chỉ : 1445 Koll Circle, #110 San Jose, CA. 95112. Ðiện thoại : ( 408 ) 392 9923

Giao Chỉ, San Jose.

 

Tái bút: Vào giờ chót mới ghi nhận được khá nhiều tin tức quí giá.

1)       Thẩm phán Phan quang Tuệ nhắc chúng tôi về trường hợp người em trai là phi công Phan quang Tuấn lái phản lực đã gẫy cánh trong phi vụ tháng 4-72 trên không phận Cam Lộ trong những ngày đầu của trận Quảng Trị. Anh Tuấn là con cụ Phan quang Ðán, Phó thủ tướng đương thời của chính phủ VNCH. Máy bay rớt trong vùng bị địch chiếm nên bên không quân ghi là mất tích. Phi công cùng đơn vị là Trần thế Vinh, đem đến cho gia đình các di vật của anh Tuấn và một chai rượu White Horse.

Hai ngày sau, đến lượt Trần thế Vinh, anh hùng diệt tăng của phi đoàn bị

hy sinh. Phi công Vinh được tuyên dương anh hùng của không lực và có

bài ca Ngàn thu vĩnh biệt được phổ biến tại Sài Gòn. Trong tủ rượu nhà

ông Phan quang Tuệ ngày nay tại California vẫn còn chai White Horse

chưa khui.

Chúng tôi sẽ sưu tầm và ghi lại tất cả những chiến công của các quân binh

chủng tại Quảng Trị.

2)       Cảm ơn, tác giả Phạm Phong Dinh đã gửi tặng cuốn chiến sử VNCH. Trong đó chúng tôi đã tìm lại được thiên phóng sự của trung tá Lê Huy Linh Vũ tường thuật cuộc rút quân thành công của Liên đoàn 1 Biệt động quân ngày 1 tháng 5-72 từ chi khu Mai Lĩnh về Mỹ Chánh. Trước đây, chúng tôi đã có dịp nói chuyện với trung tá Lê bá Ðào, người đã đem gần trọn vẹn 2000 BÐQ về an toàn trong trận Quảng Trị 1972. Câu chuyện này rất cần được nhắc lại.

3)       Rất vui mừng được bạn Ngô văn Ðịnh giới thiệu để liên lạc với đại úy TQLC Giang văn Nhân. Anh Nhân khóa 22 võ bị, năm 72 là đại đội trưởng đại đội 2, TÐ 3 TQLC. Ðơn vị đánh nhiều trận trên quốc lộ số 1 và trận sau cùng đánh vào cổ thành.
Thật hết sức ngạc nhiên anh còn giữ được khá nhiều hình ảnh trong phạm

vi đơn vị từ nhiều năm qua. Giang văn Nhân cũng là người chứng kiến chiếc máy bay của ta bị phòng không địch bắn hạ trên vùng trời Quảng Trị đấu tháng tư. Trong bút ký hành quân, tác giả đã bầy tỏ sự xót thương cho người phi công vô danh, nhưng sự nối kết tình cờ có thể đây chính là phi công Tuấn, em của thẩm phán Phan quang Tuệ hiệạn ở San Francisco. Ngoài ra, sau khi chiếm lại cổ thành, đại úy Nhân đi kiểm tra một vòng bên ngoài chính mắt đã nhìn thấy di hài của 2 chiến binh mũ đỏ, trong người còn mang lá cờ vàng. Phải chăng đây là toán tiền thám của nhẩy dù đã hy sinh trên đường tiến sát trước ngày bàn giao lại chiến trường cho bên TQLC.

Những tin tức này và nhiều tài liệu quý giá khác sẽ được tìm hiểu để đóng góp cho lịch sử của cuốn phim Quảng Trị dành cho thế hệ tương lai.

Xin cảm ơn.