Giao Chỉ,  Tạp ghi

Tóm lược Lịch sử Nghĩa Trang Quân Ðội tại Biên Hòa (Giao Chỉ)

Tóm lược
Lịch sử Nghĩa Trang Quân Ðội tại Biên Hòa
 
Giao Chỉ – San Jose
I- Trước năm 1975      

                 
1) Hiệp định Geneve: Năm 1954, Hiệp định Geneve chia đôi đất nước, quân dân miền Nam tái tổ chức chính phủ và quân đội, xây dựng hai nền Cộng hòa trong 21 năm.
2) Chiến Tranh Nam Bắc: Năm 1960, Cộng sản miền Bắc thành lập ‘Mặt trận giải phóng miền Nam’, khởi sự cuộc chiến tranh nổi dậy.Bắt đầu du kích chiến rồi tiến tới tổng tấn công bằng toàn thể binh đội từ miền Bắc với sự yểm trợ tối đa về quân dụng vũ khí của Nga sô và Trung cộng. Miền Nam được sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ và một số các nước trong thế giới tự do để chống lại cuộc xâm lăng.
3) Hiệp định Paris: Năm 1973, Hiệp định đình chiến Paris, Mỹ rút quân về.Tháng 4 năm 1975 miền Bắc tổng tấn công và chiếm đóng miền Nam.
4) Chung sự vụ: Trong gần 20 năm chiến tranh, các tử sĩ miền Nam được chôn cất tại các nghĩa trang tiểu khu. Tại Saigon, và vùng phụ cận sử dụng nghĩa trang quân đội tại Gò vấp và một phần nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi tại Saigon.
5) Thành lập Nghĩa trang Biên Hòa. Kể từ năm 1965, chiến tranh ngày càng gia tăng, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH quyết định thành lập Nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa. Khu đất rộng 125 mẫu, bên cạnh xa lộ Biên Hòa, được Công binh khởi công thiết lập và do Quân nhu quản trị. Sau này dự trù thành Nghĩa trang quốc gia Việt Nam.
6) Xây dựng: Nghĩa trang đủ chỗ cho 30,000 ngôi mộ với đường xá, đồi nhân tạo theo hình con ong. Mũi kim con Ong có bức tượng Thương Tiếc, dẫn vào cổng Tam Quan, đến đền Tử Sĩ. Phía sau là Nghĩa dũng Ðài với Tháp mũi kiếm giữa Vành khăn tang.
7) Mai táng: Cho đến tháng 4 năm 1975, nghĩa trang này đã chôn cất 16 ngàn tử sĩ.Ða số chiến sĩ hy sinh thuộc các đơn vị Tổng trừ bị, Không quân, Hải quân, Quân đoàn III, Biệt khu thủ đô, Tiểu khu Gia Ðịnh. Phần lớn tổn thất nhiều trong các chiến dịch Mậu thân 68, mùa hè 72, hành quân vượt biên Cam bốt và Lào.
8) Ngày Quân Lực 75: Nếu không có ngày đau thương 30 tháng 4 năm 1975, thì Bộ Tổng tham mưu dự trù sẽ hoàn tất toàn bộ xây cất tại nghĩa trang và khánh thành vào ngày 19 tháng 6 năm 1975, là ngày Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.Nhưng việc này không thực hiện được.

 
II- Sau năm 1975   
                                                                      
1) Tháng 4 năm 1975: Cộngsản kéo tượng Thương Tiếc đem đi mất. Hiện chưa tìm được dấu vết. Chúng phá phách các ngôi mộ làm hư hại các mộ bia. Các đơn vị và cả dân chúng tháo gỡ các bệ ciment trên phần mộ.
2) Chiếm đóng: Ðất chung quanh và hai bên đường xa lộ bị chiếm đóng làm nhà, lò gạch, thiết lập các cơ xưởng tiểu công nghệ.Bộ đội và dân chúng chiếm các vùng đất trống phía Nam nghĩa trang, lấn sát vào các khu đã chôn cất.
3) Doanh trại: Một đơn vị huấn luyện của Cộng sản chiếm đóng doanh trại của Liên đội chung sự ở phía Bắc và lấn chiếm các phần đất sát vào khu có mộ phần.
4) Nhà máy nước: Nhà máy nước Bình An chiếm cứ một khu đất rộng lớn ngay chính giữa nghĩa trang, chắn ngang đường từ Ðền Tử sĩ vào Nghĩa dũng Ðài.
5) Xây tường: Ðể ngăn cản dân chúng và các đơn vị lấn chiếm thêm vào khu vực có chôn cất tử sĩ miền Nam, Cộng sản cho xây một bức tường vòng theo con đường phía Nam và có chừa một lối đi cho thân nhân vào thăm mộ.
6) Khu quân sự: Vì có doanh trại của bộ đội Cộng sản và đơn vị này được giao quản trị khu đất nghĩa trang làm chỗ huấn luyện nên toàn vùng trở thành khu quân sư. Cấm quay phim, chụp hình. Tuy nhiên thân nhân vẫn có thể vào tìm mộ thăm viếng. Nhiều gia đình vượt biên đã lên thăm trước khi ra đi. Sau này các cựu quân nhân ra đi theo diện HO có lên từ biệt tại nghĩa trang. Hầu hết từ trong nước đến hải ngoại, nếu không có liên hệ, đều không biết là nghĩa trang vẫn còn đó dù điêu tàn hoang phế.
           Trên đây là tình trạng chúng tôi ghi nhận được vào năm 1993.
7) Sưu tầm tài liệu: Vì nhu cầu muốn làm một mô hình Nghĩa trang quân đội cho Viện Bảo Tàng tại San Jose, cơ quan IRCC đi sưu tầm tài liệu và bắt đầu tìm hiểu hiện trạng Nghĩa trang Biên hòa từ năm 1993 đến năm 1997. Nhiều lần gởi người về thăm viếng, tảo mộ chui dưới hình thức thân nhân thăm mộ. Về sau thấy cần phải làm nhiều hơn và có tổ chức dù rằng vẫn dưới hình thức gia đình.
8) Tảo mộ: Từ năm 1997, bắt đầu tổ chức các toán Thương phế binh lên tảo mộ nhiều lần mỗi năm và chia làm nhiều toán.Năm nào cũng có quay phim, chụp hình và báo cáo tổng kết. Tính đến năm 2008, công việc đã diễn tiến được 15 năm, từ hình thức nhỏ đến nỗ lực ngày một nhiều hơn.
9) Dịch vụ nghĩa trang: Ðặc biệt từ năm 2000 đến nay thì các thân nhân và hội đoàn người Việt đã biết đến việc tảo mộ nên từ bốn phương tìm về thăm viếng dọn dẹp.Tại địa phương đã có những người chuyên làm công việc chỉ đường, sẵn sàng giúp việc tảo mộ hay săn sóc phần mộ quanh năm và trở thành một thứ dịch vụ tại nghĩa trang
10) Dân sự hóa: Kể từ tháng 7 năm 2007, chính quyền Cộng sản Hà nội ra lệnh
bàn giao việc quản trị cho dân sự tại quận Dĩ an, tỉnh Bình dương. Ðơn vị bộ đội rút đi. Khu vực doanh trại được sửa chữa dùng làm trường dạy kỹ thuật. Một bức tường ở phía Bắc được xây thêm để ngăn cách khu trường học với nghĩa trang. Các tấm bảng Cấm chụp hình được gỡ đi.Nghĩa trang này được chính quyền địaphương gọi là Nghĩa trang nhân dân xã Bình an. Sau khi các gia đình cải táng, vẫn còn lại trên 10 ngàn ngôi mộ. Từ 33 năm qua không có ai chôn cất thêm, và hiện nay cũng không có một quy chế rõ ràng về việc bảo toàn hay cho phép ai được chôn cất.

 
III- Ghi chú đặc biệt
1) Xây tường :  Có thể hiểu rằng hai bức tường do chính quyền Cộng sản xây tại phía Nam nghĩa trang vào năm 1990, và mới xây ở phía Bắc năm 2007, nhằm để giữ riêng khu có mộ không bị xâm nhập thêm.Nghĩa trang trước đây có 125 mẫu, nay thu hẹp trong phạm vi có mộ phần chỉ còn 52 mẫu.
2) Phá hoại quan trọng: Ngoài việc phá hoại quan trọng nhất là bức tượng Thương Tiếc năm 1975, thì vào năm 2004, bộ đội Cộng sản đã phá hủy 10 thước chiều cao của Nghĩa dũng Ðài.Hạ thấp xuống để làm một trạm gác. Khi bộ đội rút đi, thì trạm gác này không còn nữa. Ngoài các phá hoại trên các phần mộ từ 1975 đến 1980, sau đó không có dấu vết phá hoại thêm.
3) Ðền tử sĩ: Trước đây có lính Cộng sản tạm trú, nay bỏ trống được dọn sạch nhưng rất xác xơ.Ở giữa có kê một bàn thờ để khách thăm viếng thắp hương cúng bái. Nhiều du khách về thăm quê hương đã ghé thăm chụp hình.
 
IV- Chúng tôi kêu gọi
1) Hình ảnh & tin tức: Mặc dù chúng tôi có gởi người về thăm viếng thường xuyên nhưng vẫn cần thêm các tin tức và hình ảnh.Xin quý vị viếng thăm có hình ảnh, tin tức xin vui lòng liên lạc với chúng tôi.
2) Tượng Thương Tiếc: Thưởng từ $1,000 đến $5,000 US.tùy theo giá trị tin tức dành cho ai biết rõ về bức tượng Thương Tiếc. Ðơn vị bộ đội nào đã đem bức tượng đi đâu. Nếu còn, thì cất giữ tại đâu. Cần tài liệu và hình chụp.
3) Ngọn Tháp: Thưởng đặc biệt cho ai có hình chụp lúc ngọn tháp bị phá, hoặc biết rõ về lệnh ở đâu, ai quyết định phá đi 10 thước chiều cao của ngọn Tháp Nghĩa dũng đài tại nghĩa trang Biên hòa.
4) Ðịa chỉ liên lạc: Xin gởi về địa chỉ sau đây
IRCC,Inc. 1445 Koll Cir. #110. San Jose, CA 95112
Tel: (408) 971-7878